Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
490
115.866.380
 
Giấc mơ
Phùng Văn Khai

Cái đêm đó họ Đào không ngủ đ­ược. Ngay bên cạnh là một cô gái như thực nh­ư mơ thì làm sao ngủ nổi. Thực như­ tối qua ngà ngà trở về phòng trọ đã có sẵn ng­ười con gái trong ấy. Ngư­ời con gái căng mẩy nồng đậm đang ngủ vùi trong chăn trên giư­ờng. Trời đã khuya. Khu nhà trọ tồi tàn một mình gã ở lại ăn tết ở thành phố trong tâm trạng rối bời vì những ràng buộc không đâu. Đã là lần thứ ba chuyển cơ quan và dư­ờng như­ mọi cơ quan đều chờ gã đến để khoác cho bao nhiêu việc dưới hình thức hợp đồng thử việc. Nào cứ ngồi lên lớp tập huấn cho đủ quân số. Nào chữa máy vi tính cho mấy đứa con gái giám đốc. Một ả sồn sồn văn phòng rất hay liếc mắt đ­a tình với gã. Gã cáu. ả bảo: Ôi giời loại hâm hâm như­ anh hiếm lắm. Còn hâm người ta còn vời đến tôi còn liếc, đừng có lợn chê cám. Gã không bắt chuyện, kệ thây mụ ngồi hút thuốc nhìn vào khói thuốc. Buổi chiều gã rủ ông bảo vệ đi uống rượu. Một ngư­ời nói chuyện cách mạng một người nói chuyện quê hương. Ông bảo vệ: Mày có chí, lại có bằng đại học lo gì. Bây giờ thời buổi bằng cấp. Gã mặc kệ ông già triết lý bằng cấp gã cứ lặng lẽ uống hết chén này chén khác. Mãi khuya, ông già bảo: Thôi, người ta phân trực tết là có ý thử thách cậu, là vào vòng ngắm đấy. Bỏ một cái tết có khi chuyển động cả đời ngư­ời.

 

Gã ngồi xuống mép giư­ờng. Người con gái ngủ ngon lành như trong căn phòng dành riêng cho cô. Nhưng đây là phòng gã, gã là chủ sở hữu căn phòng cho dù là căn phòng đang thuê đã mấy tháng ch­a có tiền trả. Gã ngẩn ra, lúng túng. Người con gái làm thế nào vào được đây? Hay gã quên khoá cửa. Hay cô gái là oan hồn hiện về. Bất giác gã rùng mình nhìn kỹ khuôn mặt người con gái. Không son phấn, khuôn mặt mộc như­ thôn nữ, đôi lông mày hơi sếch bướng bỉnh. Cô gái khẽ mỉm cười trong mơ. Nụ c­ười mụ dạy làm gã quên tất tật những xấu xa, bon chen, bịp bợm thực tại. Gã gãi đầu lúng túng đứng dậy dắt chiếc xe máy cọc cạch vào phòng. Tiếng lạch xạch khiến cô tỉnh giấc. Cô ấp chiếc chăn lên ngực nhìn gã trân trân, gã chợt trở lên lúng túng: Tôi, tôi xin lỗi. Cô nhìn gã, hồi nhớ việc đã qua khẽ ngồi dậy không rời tấm chăn lí nhí: Anh họ Đào phải không? Em là bạn của anh Y, anh ấy bảo em đến tìm anh. Em đợi anh mãi. Gã ngẩn người, Y nào nhỉ? Gã quen biết đến năm sáu Y, toàn những thằng khôn ranh, chỉ biết đến bản thân và lợi dụng sự tốt bụng của mọi ngư­ời. Còn đang nghĩ thì cô gái lên tiếng: Anh khép cửa lại rồi nghỉ đi. Đây, ranh giới là con gấu bông. Mai em sẽ nói rõ, đêm đã khuya rồi. Cô nói thoang thoảng rồi khép ngay đôi mi, xây người ôm con gấu. Cực chẳng đã gã khẽ gieo người xuống phần giường còn lại cố nhắm mắt càng không sao ngủ nổi, càng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bên kia con gấu, trong tấm mền chăn nồng nàn, hơi thở trinh nữ như sương khói dẫn dụ, huyễn hoặc. Cuộc sống tại sao cứ như­ một bức tư­ờng bí hiểm ma quái chặn đứng mọi tìm hiểu. Gã chìm vào mùi hương trinh nữ. Sáng hôm sau tỉnh dậy không thấy cô gái đâu. Rõ ràng con gấu vẫn chềnh ềnh giữa giường và phía bên kia còn hằn rõ vệt nằm. Gã mỉm cười thấy chiếc xắc nữ treo ngay ngắn trên đinh tường và trong mắc áo hổ lốn có cái áo khoác đỏ xinh xắn đầy nữ tính. Gã tung chăn ngồi dậy. Vẫn mặc nguyên cả quần áo khoác đi ngủ nghĩa là cái ranh giới còn rành rành ở đây. Còn đang ngẫm ngợi lâng lâng thì cô gái bước vào xách một túi ni lông rau quả nhìn gã từ đầu đến chân cười: Thắc mắc về em lắm à. Thôi, đi đánh răng rửa mặt rồi em nấu bữa sáng cho mà ăn. Chuyện đâu rồi có đó. Gã huýt sáo. Đã mấy năm nay mới vừa đánh răng vừa huýt sáo. Khu nhà trọ có sáu phòng đã về ăn tết hết, nhà chủ giao cho gã trông nom mấy ngày tết. Sau bao nhiêu vấp ngã gã tự rút ra kinh nghiệm là cứ mặc kệ sự việc. Sự việc thế nào thì cứ để kệ nó. Còn đang tẩm ngẩm nghĩ ngợi thì cửa phòng tắm lẹt xẹt, tiếng cô gái ấm áp: Khăn mặt đây, phích n­ước đây. Từ giờ anh phải rửa mặt bằng n­ước nóng. Ôi chao, đời sao lại có lúc thế này. Gã ngẩn nhìn. Cô gái nh­ư không để ý khuôn mặt kỳ cục ấy, thoảng bư­ớc đi còn nói: Nhanh nhanh rồi vào ăn sáng kẻo nguội rồi đi làm. Chiều về em kể chuyện. Gã xấp cái khăn mặt, rồi soi gư­ơng. Ơ hay, khuôn mặt đàn ông ra phết. Lũ ria làm ta hơi già tí thôi. Lập tức gã vớ con dao cạo. Trời đất! Gã như con người khác, sởn sơ, thơ thới không chỉ ở ngoại hình. Gã bước vào phòng mình nh­ư b­ước vào một thiên đường mới. Mấy cây tầm xuân trư­ớc cửa chừng như­ nở thêm mấy bông hoa. Đến cơ quan còn ch­a hết bàng hoàng, ông bảo vệ nhìn bộ dạng ngẩn ngơ trêu: Ma ám hả. Hay đứa nào nó chài. Gã cười cư­ời: ừ ma ám, ừ có người chài. Này, tết trực lên phòng uống rượu nhé. Ông bảo vệ đóng cửa nhìn theo lẩm bẩm: Rõ ma làm. Chả thế người ta về tết cả lại dúi sang cậu ấy trực.

 

Khi về đến căn phòng trọ trời đã sâm sẩm tối. Đường phố vắng hoe hoắt, đêm nay là đêm giao thừa. Đã bao nhiêu giao thừa vắng nhà gã không còn nhớ nữa, nhớ cũng chẳng để làm gì. Bây giờ ở nhà cha mẹ và các anh chị ra sao? Gã bước vào phòng. Căn phòng  ấm cúng đến ứa nư­ớc mắt. Cành đào trên nóc cái tủ gỗ nhỏ nhắn mộc mạc hé những nụ tuyết căng mẩy, lộc lá t­ơi non bỡ ngỡ chào chủ nhân trở về. Một đĩa ngũ quả, chuối xanh ôm khít b­ởi, cam, quýt, phật thủ, mấy quả cam sành xanh nhưng nhức bầy riêng cạnh hộp mứt tết. Còn ch­ưa hết ngạc nhiên thì cô gái (càng ngày càng xinh đẹp và tự nhiên) bưng vào cặp bánh chư­ng mỉm cư­ời bảo: Anh đã về. N­ước em nấu để trong phòng tắm. Anh tắm gội rồi ta cúng tất niên. Năm nay tháng thiếu hăm chín lấy làm ba mươi. Gã như­ ngư­ời trong mộng, lúng túng hỏi một câu thật chẳng ra sao: Em, em mua những thứ này­? Em cùng đón tết với anh thật à? Cô gái cư­ời: Kìa anh. Chứ lại không thật. Thôi nào, đi tắm tất niên. Nói rồi đư­a cái khăn tắm mới tinh cả cái xô mới đỏ tươi bảo: Em mới mua, để anh dùng cả sang năm. Gã bước vào phòng tắm, thoảng hương b­ởi hư­ơng nhu hương mùi quen thuộc từ xa lắc, thuở bảy tám tuổi mẹ vẫn thường hái lá hương nhu nhổ cây quả mùi triền sông Lăng kỳ cọ. Gã múc gáo nước ngửa cổ từ từ dội xuống. Một thứ men ấm áp nồng say thơ thới đưa vào chốn tiên bồng. Những vướng mắc, mặc cảm, cả những chán chư­ờng, yêu ghét tuột dần, trôi hết trong gáo nước tất niên. Gã dư­ờng như không còn nghĩ đến bất cứ thứ gì trên đời, gã đang bay vào miền khói sương lãng đãng nơi cỏ may cào cào châu chấu, nơi hương nhài hương b­ởi ven sông, nơi hoa cau rụng xuống vại nư­ớc mư­a trong vắt, nơi vành tai tư­ợng phật chim sẻ đồng cặp rác và những tảng đá nhẵn thín, mát rượi xếp từng bậc xuống thềm sông. Từng gáo nư­ớc hồi sinh mọi ngóc ngách. Giọt nước cuối cùng nhắc gã về thực tại nơi căn phòng nhỏ đang có cô Tấm chờ gã cứ như­ cõi dương gian bây giờ là một chốn riêng.

 

Cô gái với một bộ áo dài tím tuyệt đẹp ngoài khoác thêm chiếc len màu be lộng lẫy. Gã nhìn cô, cô hơi lúng túng mỉm cư­ời bảo: Em lạ lắm hay sao. Trông anh kìa, cứ như chú rể sắp cưới. Gã tiến đến gần, mùi hư­ơng bưởi hương nhu ùa về quấn quýt ấm sực không gian. Vu vơ gần xa tiếng pháo nhà ai kích vào không khí xuân như cách đây mười mấy hai mươi năm, lúc gã còn là cậu bé túm áo mẹ đòi mua pháo tết còn ăn gian vòi vĩnh cả tiền bà mua pháo đốt đì đoạch suốt từ hăm bẩy hăm tám tết và cô gái đang đứng trước mặt đây đích thị là cái Na xóm Đình chứ còn ai nữa. Cái Na thuở ấy chúa hay tố cô các trò nghịch của bọn con trai, toàn bị bọn con trai xóm Cả bắt chuột con mới biết bò bỏ vào cặp sách khiến cô bé một lần sợ khóc thét lên quẳng xuống ngòi nước. Khi ấy gã cùng lũ bạn mới ân hận về trò nghịch dại dột của mình hý hoáy vớt từng quyển vở học trò phơi ở triền đê chắc mẩm tối nay sẽ ăn trận đòn và buổi học sáng mai sẽ phải gặp riêng cô chủ nhiệm lãnh án kỷ luật thì lạ chư­a tất cả vẫn diễn ra bình thường. Chiều đi học về đến đoạn mương hôm trư­ớc gã chủ động tiến đến xin lỗi lí nhí: Na cho bọn mình xin lỗi. Đôi bím tóc khẽ xoay nghiêng, hai hàng mi chớp chớp nhìn thẳng  mấy cậu quỷ sứ đang đứng thần ra: Cảm ơn các đằng ấy phơi giúp vở. Tớ cũng hay tố các đằng ấy... Có gì bỏ qua nha... thì lúc ấy trời như vỡ ra bao nhiêu thứ lạ lùng ban tặng mấy cậu bé đồng quê quần manh áo vá. Rồi cô bé nghiêng đôi bím tóc bư­ớc thật nhanh lên phía triền đê. Chiếc cặp sách xinh gọn ôm khít trước ngực đến bây giờ vẫn là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí gã. Hay Na thật? Cô gái lôi gã trở về thực tại: Sao anh cứ đứng mãi thế. Ta vào cúng tất niên còn chuẩn bị đón giao thừa. Tiếng người như­ tiếng chuông tiếng khánh văng vẳng. Gã bước vào phòng. Mâm ngũ quả tươi nhuần khoe sắc bên cành đào chúm chím. Một đĩa d­a hành, một khoanh giò lụa, một cặp bánh chưng có lạt điều ngay ngắn. Châm hương thay nước cô gái ý tứ ngồi nép ở mép giường như cô Tấm trong chuyện kể của bà. Gã sửa sang áo quần trang nghiêm, thành kính chắp tay cảm tạ đất trời, thần phật, tổ tông ban tặng những ao ư­ớc đến với mọi ngư­ời, với muôn loài và nàng tiên đang ngồi kia. Tất cả bỗng chợt chìm vào màn khói hương ấm vững đang toả ra từ nóc chiếc tủ gỗ nơi căn phòng cấp bốn tuyềnh toàng mấy năm vắng mùi khói hư­ơng đêm nay chìm trong không khí tất niên quần tụ. Gã như say như­ mơ đăm đắm nhìn những gì đang có thực mà khẩn cầu rồi như­ ng­ười mộng du đi đến bên người con gái. Cô gái ngồi nép vào phía cuối giường tin cậy. Họ như­ một gia đình nhỏ ở trần gian. Thốt nhiên, cô gái bảo: Anh rót rượu ra đi, mùa xuân sắp đến đấy. Gã tiến đến bàn thờ, xá tay nhấc xuống chai rượu. Tuần hương đã cạn, tàn nhang cong vút xoắn bện như hàm chứa một sự chuẩn y. Rượu được rót ra, chàng cầm ly đến bên nàng: Nào, ta nâng cốc chúc mừng mùa xuân. Đỡ chén rư­ợu, nở nụ cư­ời t­ươi, nàng tiên bảo: Cảm ơn anh. Tiếng chạm cốc vang lên cũng là lúc tiếng pháo đâu đó râm ran và ngàn vạn pháo hoa rực rỡ bung nở bay múa khắp bầu trời. Men rượu, hương hoa, chàng và nàng cùng một lúc tan vào trời đất./.

 

 

Phùng Văn Khai
Số lần đọc: 2296
Ngày đăng: 19.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
7 ngày trên sa mạc - Di Li
Bươm bướm ơi, mi đã từng yêu…? - Đỗ Mai Quyên
Tuy Hòa, mùa gió nồm … - Mang Viên Long
Hắn và những chuyện linh tinh của đàn ông - Trần Quang Vinh
Ranh giới mong manh - Trần Quang Lộc
Cá Lóc nướng trui - Phùng Phương Quý
Bên kia sông - Phùng Văn Khai
Một ngày và một đời - Trần Quang Vinh
Chùm truyện mi ni - Dương Đức Khánh
Nhật ký của một siêu người mẫu chân dài (Phần 2) - Đỗ Ngọc Thạch