Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
487
115.866.372
 
Những dòng sông của cha tôi
Nguyễn Chính

Khi cha tôi về thì chúng tôi đã lớn lắm rồi. Thằng Thành đã 11 tuổi, còn tôi hết phổ thông ở nhà đã hai năm, không được gọi đi đại học vì có bố ở tù. Mặc dù điểm tốt nghiệp của tôi cao nhất lớp. Hồi đó vào đại học không phải thi. Cha tôi đi được hai năm thì ở nhà mẹ tôi sinh thằng Thành. Người làng ai cũng bảo thằng Thành không cùng cha với tôi. Tôi không hiểu gì cả vì lúc ấy tôi còn bé qúa. Từ ngày có thằng Thành, mẹ tôi già đi rất nhanh, mặt lúc nào cũng đượm buồn. Bà rất thương chúng tôi. Những đêm chợt thức giấc, tôi thường thấy mẹ tôi ngồi một mình bất động bên ngọn đèn vặn nhỏ. Tôi đã sống qua tuổi thiếu niên trong sự lặng lẽ âm thầm của mẹ.

 

Sau 13 năm biền biệt, cha con tôi đã không nhận ra nhau. Buổi sáng, khi nghe có tiếng gọi tên mình ngoài cổng, tôi chạy ra. Một ông già cao lớn, da tái xanh, tóc muối tiêu, đứng ngây nhìn tôi rồi cất tiếng nghẹn ngào: “có phải Tiến đó không con ?”. Tôi đã hét lên: “Mẹ ơi! Cha” và đô sụp xuống chân Người. Cha tôi dìu mẹ và tôi vào trong nhà. Bây giờ tôi mới nhìn rõ mặt cha mình. Cha tôi rất giống ảnh ông nội tôi trên bàn thờ, đôi mắt trũng sâu bởi hai gò má cao. Bữa cơm xum họp đầu tiên của gia đình tôi thật vui. Thằng Thành nói liến thoắng. Nó khoe với cha tôi đủ chuyện ở lớp. Nhưng có lẽ người vui nhất là mẹ tôi. Ay là tôi đoán vậy. Suốt bữa, bà chỉ lo gắp thức ăn cho cha tôi và nhìn ông ăn ngon lành... Ngay buổi chiều, phòng làm việc của cha tôi đã được mở ra. Cha tôi quỳ xuống bên bức tranh còn đang vẽ dở của mình. Qua thời gian, màu vải đã ố vàng. Nhưng những nét vẽ chỉ hơi mờ đi. Nhìn cảnh ấy, mẹ con tôi đều lấy tay lau nước mắt. Sau khi xem xét, cha tôi buồn rầu hỏi, chỉ còn thế này thôi ư ?”. Nước mắt lưng tròng, mẹ tôi nhìn ông: “Anh đi rồi, họ đến khám nhà và mang đi tất cả”. Cha tôi ngồi phịch xuống ghế, thở dài, gương mặt khắc khổ càng trở nên hốc hác. Mẹ tôi gục đầu vào vai tôi thổn thức. Suốt đời, tôi không bao giờ quên những phút giây nặng nề, đè nặng lên chúng tôi trong buổi chiều hôm ấy. Bỗng cha tôi đứng dậy, đến bên mẹ tôi. Ông vuốt tóc mẹ tôi và đặt bàn tay kia lên vai tôi. Giọng cha tôi vui vẻ hẳn lên: “Phải làm việc. Nào hãy giúp tôi một tay”. Các cánh cửa  được mở toang. Anh sáng buổi chiều tràn vào căn phòng đã từ lâu ẩm mốc. Thực ra thì cũng chẳng phải dọn dẹp gì nhiều. Vì ngoài bàn làm việc, các giá vẽ và cái tủ sách, phòng làm việc của cha tôi chẳng còn cái gì khác.

 

Theo mẹ tôi kể lại thì cha tôi là họa sĩ vẽ tranh ấn tượng. Ông có chân trong ban chấp hành Hội văn nghê địa phương. Ông bị bắt sau  cuộc tranh luận kéo dài về một đề tài quan trọng gì đó, do một lá thư tố cáo rằng: ông là phản động. Trong các cuộc hội họp, cũng như khi trò chuyện với bạn bè ông thường nêu quan điểm của mình là,chính trị thuộc phạm trù lịch sử.Trong quá trình phát triển của mình, nhân loại đã chứng kiến biết bao sự sụp đổ và thay thế của của các chế độ xã hội. Còn văn học chân chính thì không phụ thuộc vào thời gian. Nó bước từ thời đại này sang thời đại khác để tồn tại vĩnh viễn với con người. Nghệ thuật chân chính thời nào cũng đối đầu với mọi sự áp đặt như nước với lửa. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật phục vụ con người. Vì vậy, nghệ thuật phải không ngừng vươn lên đến tầm phục vụ nhân loại v.v... Còn gì nhiều lắm mà mẹ tôi không hiểu được. Thế rồi một buổi chiều, cha tôi đến cơ quan và không thấy về nhà. Sáng sớm hôm sau, người ta đến báo rằng ông đã bị bắt và đọc lệnh khám nhà. Họ chẳng tìm thấy cái gì, nhưng đã lấy đi toàn bộ sáu bức vẽ cảnh sông suối thượng nguồn, kết quả của hơn một năm, ngày đêm miệt mài bên giá vẽ, sau một chuyến đi thực tế Tây Bắc. Đây là bộ tranh cha tôi rất quý. Bạn bè đồng nghiệp của ông đều bảo, đó là những kiệt tác của cha tôi về đề tài sông nước. Cha tôi bị bắt khi bức tranh thứ bảy khổ lớn cũng về đề tài này còn dở dang. Cùng làm việc với cha tôi hồi đó là bác Kha, chuyên vẽ tranh cổ động. Khác với cha tôi, bác ít nói, thường chỉ gật gù ngồi nghe, hoặc khéo léo rút lui khỏi những đề tài tranh luận khó hiểu. Gia đình khá giả, lại yêu nghề, bác Kha có hẳn một xưởng vẽ riêng, với la liệt những phác thảo tranh cổ động phục vụ cho cả hiện tại và tương lai... Tôi còn nhớ những buổi tan học về, lũ trẻ mới biết đọc chúng tôi thường xúm lại quanh cái áp phích giữa làng, tranh nhau đoán từng chữ trong câu khẩu hiệu mà bác Kha đang kẻ, minh họa cho hình vẽ đầu một con tàu vũ trụ đang lao vút lên trời: “TIẾN NHANH, TIẾN MẠNH, TIẾN VỮNG CHẮC ... ”. Hay trên cái áp phích ở cổng hợp tác xã, bên cạnh quang cảnh làm việc nhộn nhịp ở sân kho, có đôi nam nữ thanh niên đang khiêng một con cá chép to tướng đặt lên cái xe cút-kít, là hàng chữ lớn: “HTX LÀ NHÀ, XÃ VIÊN LÀ CHỦ - LÀM NGÀY KHÔNG ĐỦ TRANH THỦ LÀM ĐÊM - GIẢI PHÓNG ĐÔI VAI - RA SỨC THI ĐUA...”. Những ngày đầu cha tôi bị bắt, mẹ tôi suy sụp hoàn toàn. Bác Kha là người đầu tiên đến an ủi mẹ tôi. Bác hứa xẽ giúp mẹ tôi xin lại những bức tranh. Từ hơn 10 năm nay, bác Kha chưa đến thăm chúng tôi, ông đã chuyển công tác ra thị xã và lấy vợ ngoài đó, hình như đang là cán bộ lãnh đạo của ngành văn hóa tỉnh. Một lần đang lang thang đạp xích lô ra ga đón khách, tôi gặp một phụ nữ với cái va li to tướng và lỉnh kỉnh những túi sách , đang níu lấy cái thân hình đẫy đà nhễ nhại mồ hôi. Chị ta gọi: “ Ê ! Xích lô”, rồi đặt phịch cái va li xuống đất, cáu cẳn:

- Chết tiệt hay sao mà từ sáng không vác mặt ra đón.

Biết câu ấy không phải dành cho mình, tôi xếp đồ đạc lên xe và mải miết đạp. Dứt hồi chuông, sau cánh cổng sắt xuất hiện một người đàn ông to béo, phì nộn, cười hì    :

- Nhà ga nó có điện thoại mà em không chịu phôn về, anh vẫn trực từ sáng đến giờ.

Đó là bác Kha. Ông ta không nhận ra tôi.

 

*

Cha tôi về. Nhưng mẹ tôi vẫn lặng lẽ âm thầm, có phần còn tiều tụy hơn trước. Bà vẫn chăm sóc bữa ăn cho gia đình bằng số tiền ít ỏi từ cái tủ thuốc lá và tiền hàng ngày tôi ra thị xã đạp xích lô mướn. Còn cha tôi, sau những ngày chuẩn bị khẩn trương, mặc dù còn yếu do những cơn ho kéo dài, đã quyết định vẽ lại những bức tranh sông nước của mình. Suốt ngày, ông miệt mài trên phòng làm việc. Dứt khỏi giá vẽ, bao giờ cha tôi cũng vui vẻ. Ông nói nhiều về công việc, về những kỷ niệm. Chuyến đi thực tế Tây Bắc đang được ông làm sống lại bằng những hồi tưởng. Cha tôi bảo:

- Các con đừng làm gì để mẹ buồn. Cha phải đầu tư cho công việc, thời gian không kịp nữa rồi.

 

Cha tôi chưa bao giờ căn vặn mẹ tôi về chuyện thằng Thành. Trái lại, ông rất thương nó và rất hài lòng khi biết tôi cũng cưng chiều em, kèm cặp nó học bài. Thằng Thành học giỏi. Cha tôi bảo thằng bé có khiếu vẽ. Anh em tôi thường ngồi hàng giờ xem cha tôi làm việc. Một hôm, cha tôi nói cho chúng tôi nghe về hình tượng những dòng sông. Tôi như được thấy trước mắt mình một dòng sông hùng vĩ đang giận dữ, gầm thét , tung bọt nước trắng xóa ở thượng nguồn, ngầu đỏ vị mặn của máu mùa nước lũ, xanh biếc, lượn quanh vỗ về một xóm nhỏ ven sông trước khi hiền hòa trở về biển cả... trong những bức tranh sông nước của cha mình.

 

Khi cha tôi vẽ xong bức tranh thứ tư thì mẹ tôi ốm nặng. Những ngày đó, cha tôi bỏ hẳn công việc để chăm sóc mẹ tôi. Ông chỉ tranh thủ trở lại giá vẽ khi mẹ tôi đã ngủ yên. Nhưng bệnh tình của mẹ tôi ngày càng nặng và đột ngột qua đời vào một ngày mùa đông giáp tết. Cha tôi vật vã gào thét như đứa trẻ mất mẹ. Chiều hôm trước, mẹ tôi vẫy tay bảo tôi ngồi cạnh bà. Tôi cố gắng nuốt lấy từng lời ngắt quãng, rất nhỏ của mẹ :

- Giấy khám ... sức khỏe trong hồ sơ của ... cha ghi ... cha con bị ... ung thư phổi ... con phải thay ... mẹ ... giúp cha hoàn thành sớm những bức tranh ...  mà ông ấy ... đã... dành cả đời ... suy ngẫm. Con có thể đọc ... thư ... này... khi nào cha vẽ ... xong... con hãy đưa cho cha ... Con hãy yêu ... thương... em Thành ... cho mẹ...

Mẹ tôi đã ra đi như thế. Thư của mẹ tôi để lại, chữ đã nhạt màu. Bà viết cho cha tôi sau khi sinh thằng Thành.

 

“Ngày... tháng ... năm...

Anh ! em không hề xin anh tha thứ cho sự lầm lạc đến ngu dại của mình. Vì với anh và con, em đã là thứ bỏ đi, là kẻ phản bội. Chao ôi, những dòng sông của anh quả là em không thể cùng lúc được tắm đến hai lần. Em vẫn ghi nhớ lời anh “ mỗi người là một giọt nước của dòng sông nhân dân. Nhưng đừng bao giờ tan biến vào cái biển nhân dân chung chung”. Sau đi anh đi rồi, Kha theo đuổi và bám em như đỉa bám. Biết em đang cần có lại những bức tranh của anh, hắn thề thốt và hứa sẽ giúp em. Hắn còn bảo anh là tù chính trị chắc khó lòng được về, nên giữ lại những bức tranh là rất cần thiét. Em đã tin hắn, theo hắn đi gặp nhiều người, nhiều cửa. Một hôm hắn nhắn em lại vì công việc đã có kết quả. Hắn bảo “ đã xin được một bức nhưng đã bị cắt thành nhiều mảnh. Tôi đang cố gắng ghép lại để phục hồi...”. Công việc ấy đã cuốn hút em. Và cái ngày đáng nguyền rủa ấy, ngay trong xưởng vẽ của hắn, em đã không giữ được mình. Cứ thế, hết bức thứ nhất lại đến bức thứ hai rồi  thứ ba... bức nào cũng bị cắt nát. Có những ngày Kha đi vắng, em phải làm một mình. Một lần như thế, em đã tò mò lật xem cuốn sổ bản thảo tranh cổ động của Kha cất rất kín trên nóc tủ sách, và bàng hoàng khi thấy bản viết tay thư của hắn tố cáo anh ngày ấy. Vừa lúc đó thì Kha về. Hắn hoảng hốt giật lấy lá thư. Nhưng sau đó hắn lại cười phá lên: “ Cô quan tâm đến cái chuyện vặt ấy làm gì. Thằng Mạnh là phản động. Những bức tranh sông nước gì gì đó của nó cũng phản động nốt”.Rồi hắn bắc ghế,với tay lấy cái hộp trên gác dúi mạnh vào tay em.Những mảnh nhỏ của các bức tranh văng ra tung tóe : “Đây ! cô cần thì mang về.Chẳng phải ai khác,chính thằng này đã tuyên án tử hình những của nợ của nó đấy”.Em điên dại,lao vào tát túi bụi và nhổ vào cái mặt gớm giếc ấy.Nhưng phỏng có ích gì.Thằng Thành ra đời.Em muốn chết,nhưng lại thương các con.Và hình như linh tính đã mách bảo em rằng,những bức tranh ấy nhất định sau này sẽ được chính anh vẽ lại...”.

Theo lời dặn của mẹ,tôi đã giấu cha tôi bức thư này.

 

*

Mùa đông.Lại một mùa đông nữa đến.Những đợt sương muối và mưa phùn gió bấc kéo dài khiến cha tôi ho nhiều.Từ ngày mẹ tôi mất,ông sút đi trông thấy.Tôi vẫn cố gắng chăm sóc cha và nuôi thằng Thành ăn học bằng những đồng tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày.Nhưng cuộc sống mỗi ngày một khó khăn thêm.Cha tôi đành phải quyết định bán đi một nửa vườn nhà của ông bà nội tôi để lại.Suốt ba năm trời ròng rã trôi qua,cha tôi đã vẽ xong bức tranh thứ sáu và bắt đầu căng vải vẽ lại bức tranh còn bỏ dở năm nào.Tôi năn nỉ cha tôi tạm nghỉ ít ngày,nhưng ông lắc đầu.

 

Một buổi chiều giá buốt,ế khách,tôi trả xe bỏ về nhà và như thường lệ lao lên phòng làm việc của cha.Đất như sụt dưới chân,khi tôi thấy thằng Thành đang cố sức kéo cha tôi đang bất tỉnh từ giá vẽ đến chiếc giường kê sát vách.Tôi vội bế xốc cha tôi lên và hét thằng Thành nhóm lửa.Một lúc lâu sau,cha tôi mới tỉnh lại.Ông nhìn chúng tôi thều thào : “Cha mệt quá...”.Rồi cha tôi đưa tay chỉ bức tranh thứ bảy mỉm cười.Tôi lấy lá thư của mẹ tôi đưa cho ông.Nước mắt cha tôi ứa ra chảy xuống đôi gò má cao, gày,tái ngắt. Cha tôi lắc đầu,ý bảo không cần phải đọc nữa.Và, với nụ cười bình thản trên môi,đôi mắt cha tôi từ từ khép lại...Cho đến tận bây giờ,mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn tưởng như lúc ấy, cha mình đang được vuốt ve,vỗ về bởi trăm ngàn con sóng nhỏ, nơi những dòng sông xanh mát, vĩnh cửu của QUÊ HƯƠNG.

 

Nha Trang tháng 10-1991

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 1988
Ngày đăng: 29.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đốm lửa - Phan Đức Nam
Lần thứ ba - Khôi Vũ
Thành phố của những giáo đường - Donald Berthelme
6- Hồng Quang1 - Phan Thế Hải
Bạn học lớp hai - Đỗ Ngọc Thạch
Giấc mơ - Phùng Văn Khai
7 ngày trên sa mạc - Di Li
Bươm bướm ơi, mi đã từng yêu…? - Đỗ Mai Quyên
Tuy Hòa, mùa gió nồm … - Mang Viên Long
Hắn và những chuyện linh tinh của đàn ông - Trần Quang Vinh