Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
478
116.592.783
 
Cảm Bút từ Yên Phú Cổ Tự
Vũ Ngọc Tiến

Một dải làng quê thuộc huyện Thanh Trì ngày nay, vốn xưa là cửa ngõ phía Nam của kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến.  Theo nghiên cứu của cố học giả Hoàng Đạo Thúy, chạy dọc theo con đường Thiên Lý của kinh đô xưa, nay là quốc lộ 1A có nhiều ngôi làng cổ kính còn lưu giữ được các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo đặc sắc: Làng Vĩnh Ninh xưa có ông Xà, ông Địa cùng đi đánh giặc Ân với Thánh Gióng. Làng Pháp Vân có chùa cổ Pháp Vân, nơi trụ trì đầu tiên của Thiền sư Ấn Độ Tì-ni-da-lưu-chi vào thế kỷ thứ VI. Ở xã Tứ Hiệp có di tích Huỳnh Cung, nơi Chu Văn An cáo quan về dạy học. Làng Ngọc Hồi là nơi vua Quang Trung  đại phá quân Thanh, mở đường vào giải phóng Đông Đô…

 

Công trình thiện nguyện

 

Nằm trong địa vực văn hóa rực rỡ và cổ kính ấy của huyện Thanh Trì, tại thôn Yên Phú xã Liên Ninh có một ngôi chùa đã hơn hai nghìn năm tuổi. Trải qua phong hóa của thời gian và những thăng trầm lịch sử trên đất đế đô, ngôi chùa vẫn lưu giữ được nhiều cổ vật và 23 đạo sắc phong của các triều vua từ Lê Trung Hưng đến cuối triều  Nguyễn. Từ nhiều đời nay, chùa là nơi thờ tự linh thiêng của dân làng Yên Phú và cư dân trong vùng, hướng tâm về cõi phật. Theo sư trụ trì Thích Thọ Lạc cho biết, chùa được sư bà Vương Dung lập nên từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ nhất, nuôi dưỡng hai đệ tử của sư bà là Trung Vũ và Đài Liệu tướng quân tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Mùa xuân năm 1789, chùa còn là nơi vua Quang Trung tập kết binh mã, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi lẫy lừng trong sử sách. Mấy năm gần đây, nhu cầu bức thiết của đời sống tâm linh đã thôi thúc nhân dân trong vùng quyên góp kinh phí để xây dựng lại Yên Phú cổ tự đàng hoàng to đẹp, kịp đón mừng thủ đô 1.000 năm tuổi. Quá trình chuẩn bị cho việc xây dựng lại chùa Yên Phú cổ tự nhận được sự quan tâm của Chính quyền, Thành hội Phật giáo Hà Nội và nhiều tổ chức xã hội. Kinh nghiệm thực tế nhiều năm qua cho thấy, ở lĩnh vực đầu tư tôn tạo di tích lịch sử - tôn giáo có nhiều công trình lãng phí, chất lượng kém, khi hoàn công còn gây phản cảm văn hóa.  Ở công trình này, sư trụ trì Thích Thọ Lạc và Ban quản lý công trình đã huy động được chất xám của các kiến trúc sư, các chuyên gia phật học, lịch sử… cùng tham gia thiết kế, đưa ra 3 phương án để tăng ni, phật tử lựa chọn, góp ý. Phương án thiết kế cuối cùng được lựa chọn đã tái hiện tối đa tinh hoa kiến trúc cổ truyền, đồng thời vẫn tạo ra được dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thời đại ta đang sống, có giá trị thiết thực cả về lịch sử, văn hóa và Phật giáo.

 

Ngày 6/6/2009, lễ động thổ diễn ra trong niềm hân hoan của hàng nghìn phật tử khắp nơi đổ về tham dự. Tại buổi lễ động thổ, nhiều nhà doanh nghiệp và cá nhân đã phát tâm ủng hộ tài chính. Mọi người cùng nguyện cầu Hồng ân Tam Bảo từ bi gia hộ cho các hạng mục công trình sớm được hoàn thành như ý nguyện để thủ đô ta có thêm một công trình độc đáo kỷ niệm 1000 năm thăng Long. Theo thiết kế, khuôn viên được phép tôn tạo của chùa Yên Phú cổ tự rộng 4.152 m2, trên đó bao gồm sân, vườn, công trình phụ trợ bao quanh khu điện thờ chính là tòa nhà 2 tầng nổi, 1 tầng âm, có tổng diện tích sàn xây dựng là 3.351,5 m2. Tổng chi phí dự kiến khoảng 40 tỷ đồng, đều do phật tử và doanh nghiệp khắp nơi phát tâm đóng góp. Chỉ tính riêng gia đình ông Trương Kha Sâm ở phố Nguyễn Công Hoan- Hà Nội đã đóng góp 75 triệu đồng. Với lòng mong mỏi công trình sớm hoàn thành trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long, chỉ trong một thời gian rất ngắn, việc giải phóng mặt bằng, đổ móng và thi công các hạng mục ngầm đã hoàn tất. Mới hay khi con người ta tâm đã hướng Phật sẽ trở nên vô ngã, có sức mạnh và niềm hoan lạc trong công việc thiện nguyện của mình. Ngày 9/9/2009, nhà chùa lại làm lễ đổ sàn tầng âm dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Văn hóa- Thể thao- du lịch, UBND thành phố Hà Nội, huyên thanh Trì và hàng nghìn tăng ni, phật tử trong vùng.

 

Ngẫm suy từ lễ Vu Lan

Chợt nhớ ngày tôi đến Yên Phú cổ tự tham dự lễ Vu Lan năm Kỷ Sửu (2009), trong bối cảnh chùa đang còn ngổn ngang xây dựng, hơn hai nghìn phật tử phải chen chúc làm lễ dưới mái nhà che tạm làm nơi thờ cúng. Dân gian có câu ca dao: “Tháng 6 buôn nhãn bán trăm- Tháng 7 ngày rằm xá tội vong nhân”. Kinh Lăng Nghiêm có đọan: “Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương nhớ con”. Hàng năm, cứ vào rằm tháng 7, người Việt ta lại đi lễ chùa cầu nguyện cho người đã khuất được siêu thoát, đặc biệt cầu cho mẹ được sống đời với ta. Theo sách nhà Phật, Vu Lan xuất xứ từ tích truyện tôn giả Mục Kiền Liên- một đệ tử của đức Phật sau khi đắc đạo, đã dùng phép thần thông tìm mẹ trong các nẻo luân hồi. Vu Lan theo thuyết nhà Phật là “giải thoát đảo huyên” tức là giải cứu các linh hồn thoát vòng trầm luân bể khổ. Ở một góc nhìn khác, Vu Lan là sự kết hợp từ bi với trí tuệ, tu và học. Chính vì vậy, Vu Lan không chỉ là ngày dành riêng cho việc cầu siêu chư hương linh, cúng Phật  mà còn là ngày xá tội vong nhân. Từ tích truyện đó trong kinh sách nhà Phật, người Việt ta từ bao đời nay coi lễ Vu Lan là ngày cầu cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân nhân xa gần. Trong lễ Vu Lan, hình ảnh người mẹ luôn đặt ở vị trí trung tâm của lễ nghi thờ cúng. Nghi thức này thể hiện tình cảm mỗi người tôn vinh mẹ, mừng mẹ khi tại thế, xót xa khi mẹ đã khuất núi. Ca từ Trịnh Công Sơn có câu: “Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ. Tạ ơn chim chiều hát cho cha”.  Đây là nét đẹp văn hóa đậm chất phương Đông của người việt Nam, có tính giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ trong gia tộc. Mở rộng biên độ chữ hiếu, Vu Lan là dịp cho ta tỏ lòng hiếu với dân với nước và biết ơn các anh hùng liệt sĩ bỏ mình vì nước, thương xót các linh hồn còn bơ vơ không nơi nương tựa…

 

Đất nước sau bao năm chiến tranh khốc liệt, mỗi gia đình đều mang nặng nỗi đau mất mát, bao người mất mẹ mất cha, bao liệt sĩ còn vô danh hay chưa tìm được hài cốt. Trong buổi lễ Vu Lan dưới mái nhà tạm của chùa Yên Phú cổ tự, được cùng hàng nghìn phật tử đang đọc kinh nguyện cầu khiến tôi bồn chồn nhớ bài “Văn tế thập loại chúng sinh” nhằm ngày Vu Lan của đại thi hào Nguyễn Du viết trong tâm thế của một chứng nhân lịch sử thời Trịnh- Nguyễn phân tranh:

 

Nào những kẻ bài binh bố trận

Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung

Gió mưa thét rống đùng đùng

Dãi thây trăm họ sung công một người

 

 

Khi thất thế tên rơi đạn lạc

Bãi sa trường thịt nát máu trôi

Bơ vơ góc bể chân trời

Nắm xương vô chủ biết vùi nơi đâu…” 

 

Hòa vào không khí chung của hàng nghìn phật tử, tôi ngồi tham dự mâm cỗ chay ngày Vu Lan ở sân chùa, ẩn chứa tinh thần triết học phương Đông, giáo lý thâm viễn của nhà Phật. Tư tưởng từ bi bác ái của Phật tổ, Bồ tát thấm nhuần vào trong đời sống dân gian, thể hiện sinh động qua mâm cỗ chay thanh đạm và thuần khiết như tấm lòng người mẹ thuần phác, chân quê. Mẹ Việt Nam tảo tần khuya sớm, nhào nặn mồ hôi và nước mắt của mẹ trên đồng đất quê hương để làm ra hạt lúa, củ khoai và biết bao nhiêu thứ rau, củ, quả khác nuôi ta lớn khôn, dạy ta làm người trong mọi tình huống khắc nghiệt ở đời phải ứng xử theo phép Lục Hòa là : “Thân hòa- Khẩu hòa- Ý hòa- Kiến hòa- Giới hòa và Lợi hòa”. Ngày Vu Lan đến nơi cửa Phật làm lễ báo hiếu tổ tiên, cha mẹ, phổ độ chúng sinh cốt ở cái tâm vô ngã, cái hạnh tự giác- giác tha nên ta dâng lễ bằng những gì đơn sơ, thân thiết nhất mà mẹ Việt Nam ban phúc cho ta từ nghìn đời nay chứ đâu cần phải mâm cao cỗ đầy! Trong lễ có tâm, trong tâm có Phật và mâm cỗ chay thanh đạm là biểu hiện tinh thần cao cả của Phật giáo Việt Nam: “Từ bi hỉ xả, không phân sang hèn, không chia quý tiện.” Trong cuộc sống mà mỗi con người nếm trải, có bao nhiêu giá trị được hồ hởi tiếp nhận rồi lạnh lùng vứt bỏ. Có những giá trị thời thượng cứ tưởng ồn ào cuốn hút không dứt mà hóa ra chúng nhanh chóng bị lãng quên. Nếu chưa quên hẳn thì nó cũng chỉ còn là vang bóng một thời, sắc sắc không không, chỉ có đạo hiếu với mẹ, với dân với nước là trường tồn vĩnh cửu.

 

Đôi khi có những thời khắc chúng sinh mê lạc trước sức ép của bao khổ nạn trần gian hay những hệ lụy của cạnh tranh khốc liệt giữa cuộc mưu sinh, người ta tìm đến cửa Phật để hòng cầu phúc, xin lộc, giải nỗi oan khiên, nghiệp chướng, tai ương… Hóa ra đó chỉ là nông nổi mà thôi. Lòng Phật bao la, cửa Thiền rộng mở đón ta vào để tu tâm, rèn tính mới là điều cốt lõi của việc tu hành. Theo giáo lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông, phật tử khắp nơi đến chùa tận hưởng không gian yên tĩnh, nghiên cứu kinh sách cho cái tâm an định. Tâm có an thì trí tuệ mới bừng sáng, dục vọng mới chịu ngủ yên để ta làm việc hiếu điều nghĩa. Trong cái thâm nghiêm của điện thờ, tượng phật, giữa khói nhang mờ ảo và tiếng chuông nguyện cầu ngân nga, tôi như vẳng nghe từ thẳm sâu cõi Phật 10 điều răn của Phật pháp cho người tu và tất thảy chúng sinh:

 

Lấy bệnh khổ làm thuốc hay

Lấy họan nạn làm tiêu dao

Lấy chướng ngại làm giải thoát

Lấy chúng ma làm bạn pháp

Lấy khó khăn làm thành công

Lấy kẻ giao hữu tệ bạc làm sự giúp ích

Lấy người nghịch làm vườn đẹp

Lấy bố đức làm dép rách

Lấy sự sơ sài làm giàu sang

Lấy oan ức làm cửa hạnh.

 

Đó phải chăng cũng là cách báo hiếu tổ tiên, cha mẹ chân tình, thiết thực, làm nên cốt cách tâm hồn người Việt chúng ta truyền từ đời này sang đời khác. Trong tâm vô thường sinh- diệt có tâm lặng lẽ hằng nhiên. Bởi tại chúng sinh quên mất tâm Phật của mình, quay cuồng tìm Phật ở bên ngoài nên mới vọng động bất an. Một khi ta biết quay trở lại với tâm mình sẽ thấy tâm tức Phật. Bao giờ con người còn vô minh, còn khổ đau thì sẽ còn phải xoay lại mình, tìm hiểu chính mình để tu sửa thân tâm, đưa cái tâm đảo điên trở về trạng thái thanh tịnh hằng nhiên, chấm dứt khổ đau, thấy được chân lý của đời, tiến đến giác ngộ giải thoát… Phật hoàng Trần Nhân Tông chính là tấm gương tuyệt vời của sự dưỡng tâm “Cư trần lạc đạo”. Ngài coi ngai vàng chỉ là dép rách, thanh thản từ bỏ quyền lực của một ông vua, lên núi tu hành. Ngài dạy chúng sinh thọ Tam Quy, trì Ngũ Giới, tu Thập Thiện để sống đời bình dị an vui, mai kia hưởng lạc lâu dài. Đó là pháp tu xuất thế gian rất thực tế, không hề có chút gì mơ hồ huyễn hoặc. Và vì thế, phật tử đến chùa ngày nay không còn tâm trạng ủ ê, sầu tủi mà hồ hởi hoan ca cho lòng siêu thoát…Trong lễ Vu Lan và cả trong những ngày nhà chùa làm lễ khởi công hay lễ đổ sàn, tôi đều gặp NS Hoàng Lân, NSUT Thúy Đạt và khá nhiều nghệ sĩ đã nghỉ hưu của Đài PTTN Việt Nam. Họ là những phật tử gắn bó với nhà chùa đã lâu, lập nên CLB Liên Hoa với tâm nguyện đem đến một nét văn hóa tươi mới và thanh lịch trong sinh họat tâm linh của phật tử thủ đô. Những bài Phật ca thấm đẫm tính nhân văn của Phật tổ, Bồ tát và cả những làn điệu chèo hay khúc dân ca về tình yêu quê hương, đất nước, về công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ Việt Nam đã cho tôi cảm nhận cửa Thiền rộng mở bao la, gọi mời chúng sinh tu dưỡng Phật pháp, làm đẹp tâm hồn các thế hệ mai sau.

 

Đạo Phật ở Việt Nam nhiều thế kỷ qua đều theo minh triết của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, coi Trí Giả là cần thiết cho sự tu hành, nhưng đặt Hành Giả nặng hơn Trí Giả nên họat động từ thiện luôn là việc thường nhật của nhà chùa, tăng ni, phật tử. Người đi tu có hạnh tinh tấn mà không có hạnh tự giác – giác tha, không nhập thế giúp đời, cứu vớt những phận người bất hạnh, khổ đau thì trí tuệ ấy phỏng có ích gì? Ông Trương Kha Sâm cho biết, ở chùa Yên Phú cổ tự, sư trụ trì Thích Thọ Lạc và các đệ tử nhiều năm nay đã chủ động quyên góp lập các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ hỗ trợ người tàn tật, quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo… góp phần không nhỏ vào phong trào từ thiện ở địa phương. Ngay trong những ngày nhà chùa còn bề bộn công trình xây dựng, các công nhân làm việc ở đây cũng được nhà chùa cảm thông giúp đỡ, chia sẻ những túi quà vì họ vốn là nông dân ở khắp nơi ly hương, ly nông để kiếm sống rất thiếu thốn tình cảm, sinh họat đơn xơ tạm bợ… Tấm lòng từ bi ấy của sư trụ trì và các đệ tử đã lan tỏa ra cộng đồng làng xóm, khuấy động tinh thần đùm bọc lẫn nhau, trở thành nếp sống văn hóa ở thôn Yên Phú và các thôn xã trong huyện Thanh Trì.  

 

Lời kết

Chỉ còn hơn 400 ngày nữa sẽ đến đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội. Từ thủa vua Lý Công Uẩn – một đệ tử chân truyền của Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã sớm nhận ra thế đất rồng phục hổ ngồi của thành Tống Bình xưa, bèn hạ chiếu rời đô, ngự thuyền rồng từ Hoa Lư về Tống Bình đặt tên là Thăng Long thành, kiến tạo nên một triều đại nhà Lý hiển hách, kinh đô Thăng Long mãi là niềm tự hào của cả dân tộc. Trong chiều dài lịch sử ngàn năm ấy, đạo phật  ở Thăng Long đặc biệt hưng thịnh vào thời Lý- Trần nên có rất nhiều ngôi chùa cổ trong kinh thành và các vùng phụ cận, được xây dựng vào giai đọan huy hoàng đó của lịch sử nước nhà. Ngoài chùa Yên Phú cổ tự, chắc chắn sẽ còn nhiều di tích lịch sử quý hiếm. Thiết nghĩ, chỉ cần được thành phố quan tâm hỗ trợ về thủ tục pháp lý, các tăng ni, phật tử thủ đô sẽ hồ hởi quyên góp, tổ chức trùng tu hoặc xây dựng lại. Hy vọng các hạng mục kiến trúc của chùa Yên Phú cổ tự ở huyện Thanh Trì sẽ sớm hoàn thành, kịp mùa vu lan báo hiếu năm sau, thu hút đông đảo du khách về chùa thưởng ngọan trong ngày hội lớn của thủ đô và cả dân tộc…/.

 

Hà Nội 9/2009

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2604
Ngày đăng: 08.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những cánh chuồn trên biển - Trần Kim Sơn
Ăn bẩn - Trần Huy Thuận
Hội An và bài học vỡ lòng của tôi - Nguyễn Trung Bình
Lầu Đất: Di dân được mới nói bảo tồn. - Giản Tư Hải
Tây nguyên du ký - Vũ Ngọc Tiến
Tự Thuật - Nguyễn Thành Thống
Suy tưởng về một thị dân –Ghi chép về Márai Sándor- - Imre Kertész
Một vài kỷ niệm với Trịnh Công Sơn - Sâm Thương
Cây gõ thiêng trả ơn ngôi cổ tự - Phan Hoàng
Cội Nguồn Phú Quốc - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)