Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
559
116.484.464
 
Thằng nhà quê
Huỳnh Văn Úc

1- Bố tôi là giáo viên THCS đã nghỉ hưu, mẹ tôi làm ba sào ruộng và chăm mảnh vườn nhà, nếu chỉ trông mong vào đấy mà học đại học thì chỉ là sự nằm mơ. Khi tôi học năm cuối THPT thì cũng là lúc vợ chồng chị gái tôi ăn nên làm ra bằng nghề đại lý thu mua sắt vụn và phế liệu, xây được nhà, vốn liếng có tiền tỉ và sẵn sàng nuôi cậu em út học đại học. Sau khi tôi thi đỗ, chị tôi sắm cho tôi xe máy, cấp cho tôi tiền ăn, tiền trọ, tiền tiêu vặt, sang đến năm thứ hai mua cho tôi bộ máy tính. Tôi cùng 3 sinh viên tỉnh lẻ nữa thuê một phòng trọ trên tầng hai một khu chung cư, buổi trưa ăn ở căng tin nhà trường còn buổi tối thì góp gạo thổi cơm chung. Tôi cao hơn mét bảy, da bánh mật, khuôn mặt chữ điền, mắt sáng và hơi xếch, nụ cười khoe hai hàm răng trắng và đều đặn. Trang phục của tôi không đắt tiền nhưng sạch sẽ và được là phẳng sau khi giặt. Tất cả những điều ấy làm cho tôi bớt đi cái chất tỉnh lẻ, trông tôi điệu đàng trên chiếc xe máy đi đến trường cũng không khác mấy so với những bạn học người gốc Hà Nội. Giá như cuộc đời cứ từ từ trôi đi như thế cho đến ngày tốt nghiệp thì tôi sung sướng biết bao nhiêu!

 

Tết Kỷ Sửu tôi về thăm nhà, thấy vợ chồng chị gái tôi mặt nhăn như bị. Không ai ngờ trong một thời gian ngắn giá sắt thép giảm còn một nửa, đống sắt thép vụn mà chị tôi đã nhỡ thu mua chất trong kho làm anh chị tôi thua lỗ gần vài trăm triệu. Mẹ tôi cũng không vui vẻ gì hơn, mấy luống xu hào trong vườn nhà tốt bời bời đã đến kỳ thu hoạch nhưng chẳng ai buồn nhổ. Nhổ lên làm gì? Hơn một chục củ xu hào to đùng chỉ bán chưa đến hai ngàn bạc, chả bõ. Chưa có năm nào rau củ lại rẻ mạt như cái đận giáp Tết này. Tôi tự đánh giá tình hình và rụt rè đề nghị với chị gái giảm bớt số tiền tài trợ hàng tháng, tôi sẽ tự xoay xở lo liệu được, chẳng gì tôi cũng là sinh viên năm thứ ba, việc học hành đã vào nề nếp, sức học của tôi loại khá, tôi có bớt chút thì giờ kiếm sống chắc cũng không ảnh hưởng.

 

Nhờ bạn bè giới thiệu, tôi tìm đến một Văn phòng kiến trúc sư. Tiếp tôi là một kiến trúc sư khoảng ngoài ba mươi tuổi, để râu mép lún phún, tóc dài chấm gáy trông rất nghệ sĩ: “Bao giờ học hết năm thứ tư em hãy tìm đến đây”, câu nói như một gáo nước lạnh dội vào chút hy vọng le lói. Lang thang mãi rồi cuối cùng tôi cũng tìm được việc chạy bàn trong một quán giải khát ở phố Lê Văn Hưu, làm từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, làm cả ngày nghỉ ngày lễ, lương tháng một triệu.

 

2-  Theo sự mô tả của mẹ tôi thì con gái Hà Nội đáng ghét lắm: “ Con gái Hà Nội mắt xanh mỏ đỏ, mặc áo ba lỗ ra đường, không mặc quần mà hay mặc váy, chiều dài cái váy không khác mấy so với quần đùi. Con lên Hà Nội học thì tránh xa bọn ấy ra, học xong thành tài thì về quê mẹ dấm cho một mối, cưới xong nó ở với mẹ cho vui cửa vui nhà. Anh con theo người ta rủ rê, vào Sài Gòn kiếm ăn rồi lấy vợ đẻ con ở luôn trong ấy, chị con đã về nhà chồng, con mà không lấy vợ ở quê thì bố mẹ buồn lắm!”.  Theo lời mẹ dặn: “tránh xa bọn ấy ra”, tôi chăm chỉ học hành, ngoài ba anh bạn ở trọ cùng phòng, tôi không kết bạn với người nào khác. Thế nhưng một buổi chiều nắng muộn, trên khoảng sân trước nhà gửi xe của trường, tôi đã không  tránh xa bọn ấy ra được. Nàng đang loay hoay đến vã mồ hôi với chiếc xe, hết đề lại đạp mà không thể nào khởi động được máy. Tôi thấy bỏ đi thì không nỡ, nên lật yên xe lấy túi phụ tùng để ra tay giúp người đẹp qua cơn hoạn nạn.

- Anh tên là gì?

- Chính Hữu, năm thứ ba ngành Kiến trúc công trình, khoa Kiến trúc.

- Thế thì chúng mình học cùng khoa rồi, em là Ngọc Trâm, năm thứ hai ngành Mỹ thuật công nghiệp. Cảm ơn anh đã giúp đỡ.

- Chuyện vặt! Không có gì!

 

Cuộc gặp gỡ đầu tiên diễn ra chỉ ngắn ngủi có thế nhưng dư âm của nó thì ngân nga hơi lâu. Hơi lâu vì cái dáng dong dỏng cao của nàng, con gái mà đứng đến quá vai tôi thì phải cao đến mét sáu, vì chiếc quần bò bó sát người làm nổi lên những đường cong mềm mại, vì mái tóc thề để chấm ngang vai, vài sợi gió thổi bay phất phơ trên đôi môi đỏ mọng... Một hôm, sau câu chào : “Anh Hữu”, nàng ngỏ ý mời tôi đến nhà để giúp khắc phục một lỗi gì đó của máy tính. Bước vào căn hộ hơn 100 mét vuông ở tầng 8 khu đô thị Mỹ Đình, từ căn bếp, phòng khách rồi đến phòng riêng của nàng, cái gì cũng làm cho tôi ngợp vì vẻ sang trọng và tiện nghi. Khi đang thao tác trên máy tính, tôi cảm thấy hơi thở của nàng nóng và ẩm sau gáy, khiến tai tôi dần dần đỏ lên. Tôi lo sợ rằng cứ đà này mà tiến tới, có lẽ tôi sẽ không theo được lời mẹ dặn tránh xa bọn ấy ra được vì sau khi ở nhà nàng ra về hình ảnh nàng trong tôi cứ lung linh như bóng nắng, bảng lảng như mây trời, bước đi, dáng đứng, nụ cười cứ làm cho tâm hồn tôi xao xuyến.

 

3- Hắn tên là Khoa, học cùng lớp với nàng. Con nhà giàu, cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, đầu chải gôm mượt, áo quần hàng hiệu bảnh bao, đến trường  trên chiếc SH sang trọng. Hình như hắn cũng mến nàng, quan hệ giữa hai người đến đâu thì tôi đâu có biết. Tôi hoàn toàn không quan tâm tới hắn, nhưng chẳng hiểu bằng cách nào, hắn biết về tôi khá nhiều. Sau cái hôm hắn bắt gặp tôi và nàng đứng nói chuyện với nhau trên khoảng sân trước nhà giữ xe, có lẽ nụ cười của nàng và ánh mắt nàng dịu dàng nhìn tôi làm hắn khó chịu. Một buổi chiều hắn và tôi cùng dắt xe từ trong nhà giữ xe ra sân, hắn ngồi lên xe khởi động máy và trước khi ra khỏi sân trường ngoái đầu nhìn như xoáy vào tôi: “ Này! Thằng nhà quê! Đũa mốc đừng có mơ chòi mâm son!”. Máu nóng dâng lên mặt nhưng tôi chưa kịp phản ứng thì hắn đã nháy ga vụt đi mất. Cái câu “thằng nhà quê” làm cho tôi suy nghĩ miên man về thân phận của mình. Ừ! Thì tôi là con nông dân, còn hắn có thể là con của một đại gia hay một viên chức cỡ bự tôi chưa được biết, giữa tôi và hắn là cái hố ngăn cách giàu nghèo sâu thẳm nhưng hắn không có quyền gọi tôi là “thằng nhà quê” một cách miệt thị. Sau đó tôi và hắn còn chạm mặt nhau đôi lần, lần thì trên cầu thang lên thư viện, lần ở sân trường nhưng tôi muốn hỏi cho ra nhẽ về cái câu “thằng nhà quê” thì cũng không có cơ hội, chẳng nhẽ mình lại là người gây sự trước. Và còn “cái mâm son” là nàng nữa! Giả sử tôi thuyết phục được nàng về quê thăm bố mẹ tôi thì nàng sẽ nghĩ gì khi gặp hai ông bà già cũ kỹ, thấy nếp nhà tuy lợp ngói nhưng thấp lè tè, cái giếng khơi, cái sân gạch có mấy bãi phân ngan do mấy con ngan thả rông thải ra?

 

Buổi chiều muộn hôm ấy, có lẽ đã hơn 6 giờ, một tia nắng yếu ớt vàng nhạt  còn sót trên ngọn cây xà cừ trước cửa hiệu giải khát. Tôi đang thu dọn cốc tách ở một bàn thì có tiếng gọi giật giọng:

- Ê! Bồi!

Thì ra là hắn. Làm sao hắn biết chỗ tôi làm thêm và tìm được đến đây? Hắn và một thằng bạn nữa, hai đứa đang ngồi ở một bàn cạnh cửa ra vào. Hắn giương đôi mắt đắc thắng nhìn tôi trong bộ đồng phục của hiệu giải khát, đầu gật lên gật xuống, hai ngón tay phải xoáy vào nhau thành một tiếng kêu đánh tách:

- Cho hai cà phê sữa!

- Có ngay!

Tôi hiểu ngay rằng hắn đến đây không phải để giải khát, nhưng lúc này hắn là khách, là Thượng đế, còn tôi là bồi, là người phục vụ Thượng đế, thôi thì phục vụ hắn cho nhanh để hắn cuốn xéo đi. Tôi chạy vào bếp và sau đôi ba phút bê ra khay có hai ly cà phê sữa nóng. Tôi chưa kịp đặt lên bàn thì hắn lừ mắt nhìn tôi:

- Có nghe nhầm không đấy? Tao gọi cà phê sữa hồi nào? Hai sữa nóng, nghe chưa?

 

Máu dâng lên mặt, hai thái dương tôi giật rần rần nhưng tôi cố kiềm chế bê khay cà phê sữa trả lại bếp để đổi lấy hai ly sữa. Lúc quay đi, tôi còn kịp nhìn thấy thằng bạn đá vào chân hắn dưới gầm bàn, hai đứa mắt nhìn nhau miệng cười khúc khích. Sự việc chưa dừng ở đấy, lúc tôi đặt hai ly sữa lên bàn thì mũi hắn nhăn lại:

- Thật không hiểu ở đây làm ăn thế nào? Sữa đã bốc mùi chua thế này mà còn dám đem ra cho khách. Biến!

 

Hắn đưa tay gạt đổ hai ly sữa, một cái lăn xuống đất vỡ tan. Hai đứa đứng dậy rồi đi nhanh ra chỗ gửi xe. Tôi không tự kiềm chế được nữa, lao ra phía cửa, nhưng đúng lúc ấy ông chủ thấy có việc lộn xộn, từ trên tầng hai bước xuống:

- Có việc gì thế, anh Hữu ?….

 

Hôm ấy chưa đến 9 giờ tối, quán còn đông khách tôi đã xin phép chủ nghỉ sớm. Về đến phòng trọ, tôi nằm vật ra giường, mấy anh bạn cùng trọ hỏi gì cũng không nói, tôi không khóc nhưng nước mắt tự nhiên cứ ứa ra.

- Sao thế? Thất tình à?

Tôi đã có mảnh tình nào vắt vai đâu mà thất tình. Tôi chỉ thương cho thân phận một “thằng nhà quê” mà ngay trong thời buổi này cũng có kẻ tìm được hoàn cảnh và cơ hội để hạ nhục./.

 

Hà Nội, tháng 5 năm 2009

 

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 2810
Ngày đăng: 08.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đầm ma - Trần Quang Vinh
Tình mèo - Khôi Vũ
Putois - Hiếu Tân
Quả tim heo - Minh Diện
Kòn Trô - Lý Văn Sâm
Mây của trời - Nguyễn Minh Phúc
Bạn học lớp năm - Đỗ Ngọc Thạch
Bến đò xưa hoang vắng - Trần Quang Lộc
Nhát đâm cuối cùng - Nguyễn Hồng Nhung
Hoàng hôn - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)