Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
850
116.511.221
 
“Thầy rắn” Lương Y NGUYỄN TIẾN HÒA
Phan Đức Nam

Tôi đến Bình Phước vào một ngày mưa dầm dề, tìm đến Bệnh viện Công ty Cao su Phú Riềng để thăm người bà con đang nằm dưỡng bệnh, tại đây tôi đã gặp duyên - đây là sự tình cờ ngoài dự kiến, để viết thiên ký sự này mà tôi tin sẽ có ích và hấp dẫn.

Như thường lệ, 5 giờ sáng hôm ấy (16/8/2001) anh Nguyễn Quang Tính - công nhân cao su Phú Riềng, đã có mặt tại lô cao su mà vợ chồng anh nhận đảm trách. Trời sáng sớm còn tờ mờ, anh Tính vừa vịn tay vào thân cây cao su chuẩn bị cạo mủ thì bỗng thấy đau nhói ở mu bàn tay!? Anh chỉ kịp kêu "Ối!" rồi choáng váng ngã xuống... May lúc ấy vợ anh (đang cạo mủ cao su gần đấy) nghe tiếng kêu vội chạy đến, chị thấy hai vết nanh rắn trên tay chồng, máu đang rỉ ra... Đã có kinh nghiệm, chị lấy dây thun ràng xe quấn siết phía trên khủy tay bị rắn cắn của chồng (để ngăn nọc độc chạy về tim) sau đó chị dùng cành cây cao su đập chết con rắn chàm quạp (1) vẫn đang cuộn vắt quanh chén mủ cao su.

Loài rắn cắn xong không chạy thường rất độc, vì nó dường như trút cả sức lực và nọc độc vào người hay vật bị cắn, khiến đối phương lập tức choáng váng tê liệt không còn chống trả được. Nếu không kịp cột ga-rô ngăn nọc, kẻ bị rắn chàm quạp cắn chỉ sau nửa giờ sẽ bị ngộp tim chết.

Tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Công - ty cao -su Phú Riềng, anh Nguyễn Quang Tính được truyền huyết thanh. Thuốc bơm đến đâu, nọc rắn trong người anh lập tức đối kháng khiến da thịt quanh đó bầm tím. Bác sĩ quyết định chuyển anh Tính về Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi chứng kiến cảnh đó nên cũng lo cho anh...

Trong lúc chờ xe cứu thương, tôi nghe gia đình anh Tính bàn bạc với nhau: Xe có đến cũng phải cả giờ nữa, rồi thêm hai giờ chạy đến Chợ Rẫy, chắc gì kịp? Không chừng phải cưa tay... Chi bằng đến thầy Hòa ở Long Hà, đỡ mất thời gian và ít tốn kém. Tôi thắc mắc liền hỏi:

- Thầy Hòa nào?...

Vợ anh Tính đáp:

- Thầy chuyên chữa rắn cắn nổi tiếng đất Phước Long này, nhà ở dốc Suối Cạn xã Long Hà. Ổng nổi tiếng là Thầy Rắn. Đưa đến ổng là khỏi.

 Chị ta nói chắc như đinh đóng cột.

Tôi theo tân học, tin Tây Y hơn. Tôi từng ở Thành phố Hồ Chí Minh, biết vài “Bệnh Viện Đông Y” có nhiều Đông y sĩ từ Trung Quốc qua, họ quảng cáo trên tivi chữa được bách bệnh nan y- dĩ nhiên với giá không rẻ (rẻ thì tiền đâu chi quảng cáo trên tivi mỗi phút vài triệu đồng?) Người nhà tôi có đến đó chữa, dần dần tốn bộn tiền mà nan bệnh chưa hết, làm như họ nuôi bệnh kéo dài? Vì thế gặp trường hợp này, tôi nhỏ nhẹ khuyên gia đình anh Tính ráng chờ. Đã chắc gì bác sĩ cho đi chữa thuốc Tầu thuốc Ta?

Người nhà anh Tính nhìn tôi tỏ vẻ nghi ngại, họ bấm nhau kéo ra hiên bàn tính tiếp.

Tôi cứ đắn đo suy nghĩ, rồi bước ra ngoài, định tìm cách báo y tá hay để họ đề phòng. Rồi lại nghĩ đâu phải việc của mình? Lúc ấy thật sự tôi không tin, thậm chí nghi ngờ khả năng của các "lang vườn".

Khi xe cứu thương đến, quả nhiên anh Tính cùng gia đình đã "biến".

Lúc ấy tôi mới kể cho y tá bác sĩ nghe, nói cả tên thầy lang Hòa ở Suối Cạn Long Hà gì đó? Một y tá nói:

- Thầy Hòa thì chúng tôi biết. Dân ở đây hay vậy, bị rắn cắn là bảo nhau tìm đến Thầy Rắn. Mà thầy ta chữa mát tay lắm. Ông ta nổi tiếng tới nỗi tháng trước Đài Truyền  Hình Bình Phước đến nhà quay phim phóng sự.

 Tôi tròn mắt lắng nghe. Dân Tây y còn nói vậy thì chắc... đúng.

Với bản tính tò mò thích sự lạ, tôi quyết định hỏi thăm đến nhà Thầy Rắn tên Hòa này để thêm phần sáng tỏ.

 

quê hỏi thăm nhau không khó, nhất là hỏi thăm người có chút danh tiếng. Tôi đến ngã ba chợ Bù Nho, hỏi thăm nhà thầy lang Hòa chữa rắn cắn ở Suối Cạn xã Long Hà, thì hầu như ai cũng biết ông. Chị bán nước mía hỏi tôi:

- Anh là nhà báo hả? Tháng trước cũng có nhà báo, cả phóng viên truyền hình, đi xe hơi tới hỏi nhà thầy Hòa. Nhà ổng nằm khuất bên trong nên hơi khó tìm. Anh cứ gọi xe ôm là tới. Hay tới trạm Đông Y của Xã hỏi thì cũng ra.

Tôi cảm ơn, tốn thêm bốn ngàn đồng cho 2 cây số, anh xe ôm chở tôi đến tận sân nhà Thầy Rắn.

 

Tôi tới sau gia đình anh Tính chừng nửa tiếng. Gia đình thầy lang tưởng tôi là người nhà anh Tính. Tôi vội xin lỗi, trổ tài... ngoại giao, nói thật mục đích mình. Thầy Hòa xấp xỉ tuổi sáu mươi, không vồn vã không thờ ơ, cũng không... sợ (tôi có gì mà sợ?) chỉ lặng lẽ dẫn tôi xuống nhà sau - nơi gia đình thầy bỏ tiền túi sửa sang lại làm phòng bệnh (để bệnh nhân ở xa tiện nằm lại chữa trị). Phòng có mười giường gỗ cũ xộc xệch, được cái sạch sẽ ngăn nắp, hầu như lúc nào cũng đông khách. Có lúc người nhà bệnh nhân phải trải chiếu nằm dưới đất, hoặc "lấn" lên nhà trên.

Gia đình anh Tính thấy tôi vào, họ hơi lo... Tôi mỉm cười để họ yên tâm. Anh Tính đang uống thuốc, tay bị rắn cắn đã được bó lá thuốc.

 Thầy lang Hòa nói với tôi:

- Ca này dễ, nhờ kịp thời cột dây ngăn nọc, lại được Bệnh viện sơ cứu. Nhưng nếu chưa truyền huyết thanh tôi chữa sẽ nhanh hơn.

Tôi thắc mắc:

- Tây Ta kị nhau à?"

Thầy Hòa cười:

- Không kị, nhưng tiêm huyết thanh lọc máu nọc sẽ loãng tứ tán. Bệnh nhân không chết nhưng ngầy ngật. Tôi phải dùng thuốc cô nọc lại, rồi đắp lá hút ra, do đó lâu hơn.

Tôi gật gù,... hơi hiểu, hỏi thêm ít câu về chuyên môn nghề nghiệp nữa. Thầy lang nghe rồi lắc đầu, nói nhỏ:

- Mở sách thuốc ông cha tôi để lại, trang đầu ghi: "Trường lộ ẩn gia" - nghĩa là đường xa việc nhà phải kín. Xin anh thông cảm.

"Gia truyền mà" - Tôi nghĩ - "Khó moi được tuyệt chiêu của ông thầy vui vẻ nhưng kiệm lời này.

Thầy lang Hòa không thích kể về mình, ông nói:

- Anh cần gì cứ hỏi các bệnh nhân. Còn về chuyên môn thì việc gì nói được tôi sẽ nói với anh sau. Giờ xin phép anh, tôi lên nhà trên làm thuốc cho ca chiều.

 

Khi thầy lang ra khỏi phòng, tôi hỏi bệnh nhân Nông Văn Chấn (32 tuổi) ở Đăk-ơ, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước:

- Thầy Hòa thăm bệnh làm thuốc ngày mấy lần?

Nông Văn Chấn trả lời:

- Thường là hai lần: sáng và chiều. Những bệnh nhân nặng và mới thì thầy đến thăm luôn, chốc chốc lại hỏi trong người thấy thế nào?

  Tôi nhìn ngực anh Chấn quấn đầy băng, hỏi:

- Anh bị rắn cắn vào ngực à?

Chấn lắc đầu:

- Không. Em ngã xe gẫy hai xương sườn. Nếu vào bệnh viện bó bột phải mất ít nhất 6 tháng, ngứa ngáy bực bội khó chịu lắm! Vào đây thầy Hòa nắn xương bó thuốc chỉ một tháng là cho về.

 - Có tốn nhiều không?

 - Chẳng bao nhiêu. Nhà em nghèo, lại xa, cách đây 80 cây số. Gia đình em neo người, đang mùa rẫy, em nằm đây một mình, phải nhờ gia đình thầy nấu cơm cho ăn.

Vừa lúc đó thì vợ thầy Hòa và con gái tên Vui vào, người bê cơm người bê nước. Tôi hỏi đùa chị Hòa:

- Mỗi bữa ăn bao nhiêu tiền đấy chị?

Chị Hòa cười:

- Sáu ngàn một ngày cho hai bữa cơm.

Tôi giật mình:

- Sao rẻ thế?

 - Cơm rau thôi mà. Gia đình tôi ăn uống đâu có sang gì.

 Tôi mỉm cười, nhìn cơm rau mà có thịt cá, có cả chuối tráng miệng (chuối trồng trong vườn). Nhìn nồi cơm đầy chắc chắn no.

Tôi nói:

- Vậy tôi đăng ký cơm một tháng.

Mọi người trong phòng cười. Dường như đây không phải là phòng bệnh.

 

Chị Nguyễn Thị Thoa (46 tuổi) đang nuôi con là Hà Văn Diên (3 tuổi) nhà ở Bù Gia Mập - cách dây 70 cây số, cho tôi biết:

- Thầy Hòa ngoài tài chữa rắn cắn, còn có nghề thuốc gia truyền chữa trật gãy xương. Năm 2001, tôi bị gãy cườm tay, chữa nhiều nơi không khỏi, cổ tay cứ sưng tấy, lủng lẳng đau nhức không chịu nổi. Sau nghe tiếng thầy Hòa, tôi tìm đến đây. Thầy nắn lại đốt xương, bó thuốc, chỉ trong 15 ngày là khỏi - Hai năm sau tôi bị u nang cổ, người ta gọi là bệnh tràng nhạc, tôi lại đến nhờ thầy Hòa. Thầy buộc lá thuốc, cho tôi uống thuốc, 10 ngày là tuyệt bệnh. Từ đó chỗ tôi có ai bệnh là tôi chỉ đến thầy. Cứ đến thầy là khỏi.

Tôi gật gù... Niềm tin này từ đâu mà có?

Chị Thoa còn kể thêm:

- Nhờ nằm đây lâu, tôi được biết thầy Hòa chữa nhiều ca hay lắm! Như hồi thằng nhỏ ở Nông Trường Cao Su 6 bị gẫy tay, đưa tới Bệnh viện phải bó bột 3 tháng, cột dây đeo cứng trước ngực. Thằng nhỏ nghịch lắm! Ngọ quậy hoài, tới nỗi trật lại xương mà nó không hay - thằng lì mà. Ở quê hay ỉ i, lơ là làm biếng tới bệnh viện chụp phim kiểm tra lại, cứ để vậy cho tới khi cắt bột thì cánh tay đã thành tật, không co lên duỗi xuống được. Bác sĩ nói phải tốn vài chục triệu, mổ xương lắp vít lại, rồi phải mất nhiều thời gian kéo gân cho giãn ra từ từ... Gia đình nghèo tiền đâu ra? Khóc quá trời! May gặp thầy Hòa, thấy thằng nhỏ đẹp trai mà để thành tật thì tội quá! Thầy bảo cha mẹ nó chụp lại phim để thầy coi, cũng là để họ thấy mà tin (trường hợp bệnh nhân mới) sau đó chữa có 6 tháng là đâu lại vào đấy. Gia đình thằng nhỏ mang ơn không kể xiết!

Tôi gật gù... Quả ông thầy lang này có những phương thuốc độc đáo.

 

Sau này, tôi hỏi thầy Hòa:

- Sao đã thành tật rồi mà còn chữa được?

 Thầy Hòa cho biết trong vòng 6 tháng thì chữa được, nhất là xương trẻ còn mềm, đang phát triển, và không phải tật bẩm sinh. Thầy nói chữa ca đó kỳ công lắm: Đầu tiên đắp thuốc cho sưng lại chỗ bị trật gãy, cho bệnh nhân ăn cơm nếp, ăn măng... Tóm lại là phải làm sao cho chỗ cần chữa sưng đau trở lại như lúc mới bị nạn. Nếu đắp thuốc một tuần mà không nóng không sưng là đã thành tật vĩnh viễn. Nếu vẫn cố chữa phải phối hợp Tây y, chụp thuốc mê mổ ra ghép xương lại, sau đó mới bó thuốc phục hồi. Nếu để lâu quá một năm thì cơ gân đã cứng, lúc đó đành bó tay. Chữa ca này cả thầy và bệnh nhân phải kiên nhẫn, vì phải chữa từ từ, co ra co vào mỗi ngày một chút, vì cơ gân đã cứng làm nhanh không được - bệnh nhân sẽ rất đau.

 Trường hợp của em nhỏ mà chị Thoa kể, thầy Hòa phải chữa trong nửa năm, tốn tất cả 3 triệu. Chỉ với 3 triệu trong nửa năm mà khỏi tật cả đời, mang niềm vui và tương lai cho đứa bé (cả gia đình và xã hội) thì tôi cho là quá rẻ.

 

Trường hợp cháu Diên, con chị Thoa, do được chữa trị sớm nên lấy xương bó thuốc một tuần là khỏi.

Tôi hỏi chị Thoa:

- Cháu có phải ăn kiêng gì không?

Chị Thoa gật:

- Trước tôi cũng gẫy cườm tay, thầy dặn kiêng thịt gà - ăn vào sẽ co gân, kiêng ăn măng và cơm nếp - dễ sưng mủ. Nếu vết thương trầy xước lở loét thì kiêng thêm ăn cam quít - sẽ tạo nước vàng. Còn những thứ khác cứ việc ăn thoải mái cho mau mạnh.

Tôi hỏi:

 - Mẹ con chị cũng đăng ký ăn cơm chứ?

 - Không. Vợ chồng thầy Hòa bận lắm rồi, Đây sẵn bếp củi, tôi cùng mấy gia đình kia tự nấu lấy ăn, vui lắm! Chiều nay nhà báo ăn cơm với chúng tôi nhé?

 Tôi cười:

- Cảm ơn. Tôi lỡ đăng ký cơm với vợ chồng thầy Hòa rồi. Đăng ký một tháng cơ mà.

Mọi người trong phòng lại cười:

- Nhà báo vui quá! Chụp hình xong nhớ rửa cho tụi tui vài tấm nghe?

Tôi quay qua "phỏng vấn" anh Nguyễn Hữu Cát (40 tuổi) là bộ đội phục viên.

Anh Cát bị rắn chàm quạp cắn vào ngón tay khi hái điều. Đầu tiên gia đình đưa anh đến bệnh viện huyện Phước Long, anh không chết nhưng vết thương nhiễm trùng lở loét chảy nước vàng. Bác sĩ nói có thể tháo ngón. Anh Cát sợ trốn về, chạy chữa ba bốn thầy cũng không hết, may nhờ xem truyền hình Bình Phước mà tìm đến Thầy Rắn,  chỉ sau một tuần uống thuốc và đắp lá, giờ tay anh đã khô. Anh Cát nói với tôi:

- Thầy bảo vài hôm nữa em có thể về. Thầy sẽ cho thuốc tự đắp tự uống, tuần nữa là khỏi. Không phải tháo ngón em mừng lắm! Em ơn thầy lắm! Thầy Hòa có những toa thuốc gia truyền rất hay.

Mỗi thầy thường giỏi một hay vài phương thuốc - Tây y gọi là chuyên khoa. Thầy Hòa giỏi về xương khớp, phong thấp, còn giỏi trị chất độc nguy hiểm như ung nhọt, bướu, thối rửa… Như trường hợp chị Phan Thị Lịch, người ở thôn 9 xã Long Hà, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước bị ung tuyến vú đã đến thời kỳ sưng mủ lở loét nhìn mà sợ. Chị Lịch đến Trung tâm Ung bướu TP.Hồ Chí Minh chữa trị, cuối cùng bác sĩ quyết định cắt bỏ một bên vú. Phẫu thuật rất tốn kém, biết đâu lại di căn sang chỗ khác. Có chữa trị được cũng mất thẩm mỹ. Trong lúc gia đình chị Lịch đang đắn đo dồn tiền thì có người mách đến thầy Hòa. Thầy Hòa xem bệnh nói chữa được. Sau đó hàng ngày thầy chạy xe 5 cây số đến nhà chị Lịch để rửa vết thương, đắp thuốc và cho uống thuốc, chỉ một tháng là khỏi. Công lao và thuốc thang như thế mà thầy Hòa chỉ lấy 1 triệu. Gặp thầy ham tiền thì ca đó chữa xong muốn lấy bao nhiêu mà chẳng được. Tôi nhấn mạnh điểm này để nói ngoài cái Tài ra thầy Hòa còn có cái Tâm rất lớn. Thầy không kể đâu mà chính những bệnh nhân của thầy kể lại.

Xin nêu thêm một trường hợp về cái Tâm của thầy Hòa mà chính tôi chứng kiến khi thầy chữa trị cho một bệnh nhân tên Võ Thị Dê (sinh năm 1942) ở thôn Sơn Hà 1, xã Bình Phước, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Chữa trị xong thầy lấy tổng cộng 1 triệu (cả tiền ăn uống gần 1 tháng) con gái lớn của bà Dê biếu thầy thêm 500 ngàn. Sau có người kể gia đình bà Võ Thị Dê nghèo khổ lắm, chồng là công nhân cao su, nhiễm chất độc da cam bị liệt không làm ăn gì được đã gần năm nay - con nhỏ nhất đã gần 30 tuổi - Ba chị em phải dùng chung một xe lăn tay do Sở y tế tỉnh Bình Phước tặng. Gia đình bà Dê hiện chỉ trông vào mẫu điều. Bà Dê già rồi vẫn phải đi làm thuê. Vợ chồng con gái lớn cũng là công nhân cao su, may giá cao su đang được giá, lương công nhân tăng nên mới có tiền lo thuốc thang cho mẹ. Hay tin ấy, gặp lúc tôi lên chơi, thầy Hòa nhờ tôi chở đến xã Sơn Hà (cách đó 20 cây số) hỏi thăm tìm đến tận nhà bà Dê để tặng lại số tiền 1.500.000đồng. Biết tôi viết văn viết báo, thầy Hòa còn nhờ tôi xin báo Công An giúp đỡ. Báo Công An TP.Hồ Chí Minh đã trích quỹ cứu trợ người nghèo giúp gia đình bà Võ Thị Dê 1 triệu đồng. Lại đích thân thầy Hòa cầm tiền mang đến.

Tận tâm với người bệnh như vậy mà trong nhà thầy Hòa treo hai câu thơ của Hải Thượng Lãn Ông nói lên điều mong ước của người thầy thuốc:

Trường nguyện thế gian nhân bất bệnh

Ngâm thi chước tửu dĩ y nhàn.

(Hằng ước ở đời người không bệnh

Ngâm thơ uống rượu thầy thuốc nhàn)

 

Thầy lang Hòa vào - đã đến giờ thay thuốc ca chiều. Thầy tủm tỉm cười, nói với tôi và anh Cát:

- Tôi may đấy thôi. Anh Cát chữa nhiều nơi, sắp hết rồi, đến tôi thì bệnh vừa khỏi.

Phải chịu ông thầy lang vui tính và khiêm tốn này.

Trong khi quan sát thầy lang thay thuốc cho bệnh nhân, tôi hỏi ông:

- Có trường hợp rắn cắn nào thầy bó tay không?

 Thầy Hòa ngẫm nghĩ một chút, trầm ngâm nói:

- Hầu như chưa. Dù rắn độc đến đâu, nếu đưa bệnh nhân đến kịp, chắc chắn tôi sẽ chữa khỏi.

Chị Thoa ngồi giường bên gật đầu:

- Đúng thế thật. Chưa thấy ai đến đây mà không khỏi.

 Thầy Hòa lắc đầu:

- Chị đừng vội nói thế. Đã có một trường hợp: Người bị rắn cắn không thể đến được. Người nhà chở tôi đến, tôi nhìn thấy phải lắc đầu chịu thua. Người nhà năn nỉ cách nào tôi cũng đành chịu, nói: "Anh ấy sắp chết rồi - Vài phút nữa là chết".

Thấy người ta khóc, tôi đứt cả ruột! Làm thầy mà không cứu được người còn đau gì hơn? Lúc ấy mà có phương thuốc nào? Dù đánh đổi mạng mình mà cứu được bệnh nhân tôi cũng sẵn sàng - tôi nói thật lòng đó. Vì đánh đổi mạng già mà có được thần dược cải tử hoàn sinh thì đâu có uổng chút nào. Những người còn lại sẽ có thêm bài thuốc mới.

Tôi chộp ngay lấy:

- Vậy... thầy có sẵn lòng công bố những bài thuốc gia truyền mà mình đang giữ?...

 Thầy Hòa trầm ngâm:

- Tôi cũng muốn... Dù ông cha tôi dặn Trường lộ ẩn gia, nhưng lỡ tôi mất đột ngột không kịp truyền lại cho con cháu thì sao? Uổng lắm chứ. Vì thế tôi phải ghi lại, hết sức gìn giữ, dặn con dặn cháu, dặn đứa có tâm. Nếu công bố mà được công nhận đàng hoàng - dù tôi chẳng muốn lưu danh mà chỉ sợ bị cướp công. Đã có nhiều trường hợp xảy ra rồi - cả bên Tây y - nhiều phát minh bị lơ đi, bị đánh cắp. Huống chi tôi chỉ là một thầy lang vườn,  không quan chức, thấp cổ bé miệng, giữa nơi xa xôi tít mù này.

Cái chính là gì anh biết không? Những bài thuốc này, vào tay những người tham lam thiếu y đức thì họ sẽ lập tức lợi dụng làm giầu, dù chữa được nhưng tốn kém nhiều cho bệnh nhân.

Tôi chợt nghĩ đến tình trạng những y bác sĩ thiếu lương tâm hiện nay vẽ vời làm tiền bệnh nhân (mà báo chí đã đưa tin).

Tôi cứ ngồi im nghe thầy Hòa thổ lộ. Dường như tôi đã khơi đúng mạch ngầm sâu thẳm trong con người này(?)

Thầy lang lại im lặng làm việc, mãi sau mới nói với tôi:

- Anh viết văn viết báo chắc cũng hiểu ít nhiều sự đời. Anh cứ suy nghĩ việc tôi vừa nói, rồi chỉ cho tôi cách làm, sao cho hài hòa, rõ ràng minh bạch. Tôi chỉ cần thế chứ không cần tiền. Đủ sống mà cứu được người hơn giầu có mà vô tâm. Anh thấy đấy: Tôi có thể hái ra tiền nhờ nghề thuốc gia truyền. Nhưng người xưa đã dạy: LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU. Mẹ hiền hết lòng vì con, lương y cứu người không nghĩ đến lợi thì làm sao giầu được? Người giầu thường tính toán, ăn trên ngồi trước. Ít có người giầu đầy lòng nhân.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về những lời thầy lang Hòa vừa nói.

 

Sau đó tôi hỏi thầy Hòa:

- Anh đã chữa nhiều người bị rắn cắn. Theo anh thì những ca nào khó nhất?

Thầy Hòa trả lời ngay:

- Có hai ca khó khiến tôi phải cân nhắc rồi quyết định nhanh - thậm chí táo bạo. Vì nếu chậm trễ mươi phút là nạn nhân sẽ chết.

 - Anh có thể kể cho tôi nghe?

 - Được thôi. Nhưng giờ sắp tối rồi. Mời anh lên nhà trên chuẩn bị dùng cơm với gia đình tôi. 6 giờ sáng mai tôi sẽ chở anh lên Phước Long cách đây 20 cây số. Mình phải đến sớm trước khi họ đi làm. Anh sẽ được nghe gia đình và chính bệnh nhân của tôi kể, điều ấy xác thực và hay hơn.

Tôi mừng rỡ gật đầu. Tôi rất muốn gặp những người thật việc thật.

 

·  LỜI KỂ CỦA CHỊ NGUYỄN THỊ HỒNG (Phó chánh án huyện Phước Long, tỉnh Bình phước):

- Ngày 6 tháng 4 năm 2000, tôi đang làm việc thì nghe điện thoại báo: Mẹ tôi bị rắn độc cắn, đang nằm bệnh viện Phước Long. Tôi vội chạy xe đến bệnh viện, gặp bác sĩ trực là Ngọc Hòa (ông vốn quen tôi trong quan hệ công tác) Bác sĩ Hòa nói: "Cụ bị rắn hổ lửa cắn vào ngón chân trỏ, trúng động mạnh nên nọc chạy lên tim rất nhanh - dù đã kịp cột garô ngăn nọc. Bệnh viện Huyện mình chỉ có thể sơ cứu truyền huyết thanh, cần phải đưa cụ lên Bệnh viện Chợ Rẫy gấp - ở đó mới đủ thuốc men và phương tiện chữa trị". Tôi gật đầu, lo lắng bước vào phòng cấp cứu, thấy mẹ tôi đã mê sảng, nọc độc quá mạnh khiến mẹ phát điên loạn. Ở tuổi 86 mà bà co giật mạnh dễ sợ! Bà giật đứt dây chuyền huyết thanh, đánh xé y tá bác sĩ và con cháu nào tới gần. Phải ba bốn thanh niên mới giữ nổi bà để bác sĩ chích thuốc ngủ. Khi mẹ tôi nằm im, thân thể đã tím nửa phần dưới. Lúc đó tôi nghĩ chắc mẹ mình sẽ chết trước khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ Phước Long tới đó 180 cây số lận mà!

Bỗng tôi chợt nhớ trước đây mình có thời gian công tác ở xã Long Hà, nghe đồn ở đó có ông thầy Hòa chuyên chữa rắn cắn. Chính tôi có lần gặp người bị rắn cắn kể lại đã được thầy Hòa cứu. Không phải một người kể mà là nhiều người cũng xác nhận vậy. Đến ông là khỏi, lại đỡ tốn kém.

Tôi nhìn mẹ mình rồi nghĩ tiếp: Mẹ mình 86 tuổi rồi, giờ đã chết nửa người, đến Chợ Rẫy chắc là không kịp, chi bằng thử chở đến thầy Hòa xem sao? Đây tới Suối Cạn chỉ hai chục cây số". Thế là tôi nói ý định của mình với bác sĩ Ngọc Hòa. Dẫu quen tôi nhưng ông không chịu: "Mẹ chị là Mẹ Việt Nam Anh Hùng, có tới bốn người con hy sinh. Đã tới đây thì chúng tôi có bổn phận và trách nhiệm phải lo cho cụ. Không dám để chị đưa cụ đi chữa chỗ khác đâu. Chữa thuốc ta không bảo đảm". Tôi hết sức năn nỉ. Bác sĩ Hòa thông cảm tôi nhưng sợ trách nhiệm, cuối cùng ông đề nghị: "Nếu gia đình nhất quyết như vậy, thì chị viết cho cái giấy cam đoan, để chúng tôi đỡ trách nhiệm nếu cụ có mệnh hệ nào. Sau đó tôi cho xe cứu thương chở cụ đi, trên đường đi đến ngã ba Bù Nho, ta sẽ rẽ vào nhà thầy lang Hòa. Nếu ông ấy nhận chữa được thì ở đó chữa. Không thì sẽ đi thẳng đến Bệnh Viện Chợ Rẫy".

Tôi đồng ý vì đề nghị quá hợp lý. Thật ra chẳng còn cách nào tốt hơn.

 

Xe cứu thương đến nhà thầy Hòa, lúc đó mẹ tôi đã tiểu ra máu. Ai thấy cũng nghĩ chắc chết. Thầy Hòa chỉ nhìn qua, nói ngay: "Còn chữa được. Tin tôi thì tôi chữa". Sự tự tin quyết đoán của thầy làm tôi mừng và hy vọng. Tôi đưa giấy cam đoan cho bác sĩ Ngọc Hòa, rồi đưa mẹ tôi vào nhà.

Thầy lang Hòa cho mẹ tôi uống vài viên thuốc gì đó - phải tán ra đổ vào miệng bà. Rồi ông đắp lá thuốc bó lại chỗ vết rắn cắn đang tươm máu. Ông nói: "Chừng 7 giờ sáng mai cụ sẽ tỉnh".

Đêm ấy, thầy Hòa cho mẹ tôi uống thuốc lần nữa, tự tay thay lá thuốc, khi rỡ ra máu đen dính đầy. Đêm đó thay tới ba bốn lần. Thầy Hòa và tôi dường như thức suốt đêm".

6 giờ sáng hôm sau mẹ tôi đòi ngồi dậy, bà đã nhận ra tôi. Lúc đó tôi mới tin mẹ mình còn sống. Tôi vô cùng biết ơn và phục tài thầy Hòa. Tôi giục thầy đi ngủ cho lại sức, thầy nói: "Tôi mừng quá không ngủ được".

Tôi hỏi thầy: "Lúc mẹ tôi đến, thầy chưa bắt mạch, chưa xem vết thương, mà đã nói chữa được. Sao thầy giỏi vậy?" Thầy Hòa nói: "Tôi thấy cụ tiểu ra máu đỏ là còn chữa được. Chớ tiểu ra máu đen là hết cứu. Bởi máu bên trong đã đông". Tôi hiểu ra, khen: "Thầy giỏi quá! Lại còn biết 7 giờ sáng nay mẹ tôi tỉnh". Thầy Hòa cười: "Khi biết còn chữa được. Phải tính được sức bà cụ, từ đó tính sức thuốc mình. Người yếu mà cho thuốc mạnh sẽ tiêu luôn. Bởi vậy tôi phải cho thuốc nhiều lần liên tiếp. Phải đánh gục vi trùng nọc độc càng sớm càng tốt. Với cụ, tôi đã tính sai một giờ. Không ngờ cụ còn khỏe quá".

Chị Hồng kể xong nhìn tôi:

- Anh thấy đó: Thầy Hòa giỏi lắm! Không phải thầy đã cứu mẹ tôi mà tôi khen thầy đâu. Thầy đã từng cứu sống nhiều người rồi. Tôi quý thầy không những có Tài mà còn có Tâm. Tâm thầy rất lớn.

"Ở cái Tâm" - Tôi lẩm bẩm. "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" (Kiều).

 Rồi tôi nhớ lại - mới tối qua thôi: Vợ chồng người bị rắn cắn đến trả tiền thầy. Thầy lấy hai mươi bảy ngàn. Tôi ngạc nhiên: "Sao rẻ vậy? Sao không lấy hai mươi lăm hay ba chục ngàn đồng?..." Thầy Hòa cười, cho biết: "Họ bị nhẹ, tới liền, tôi đắp ít thuốc, cho uống ba ngày là dứt nọc. Thật ra chỉ lấy hai chục ngàn thôi, còn bảy ngàn xe ôm là vợ tôi ứng trả cho họ. Vì lúc bị rắn cắn gấp quá họ quên không mang tiền".

Anh Cờ - chồng chị Hồng (hiện công tác ở Đảng Ủy xã Phú Nghĩa, huyện Phước Long) rót nước mời thầy Hòa và tôi, cũng gật đầu xác nhận cái Tâm của thầy Hòa:

- Thầy Hòa chữa cho mẹ vợ tôi cả tháng trời. Chữa xong còn chạy qua chạy lại thăm nom. Cái tình nghĩa và ơn đó biết chừng nào mới trả được? Vợ chồng tôi cũng có ít tiền tạ thầy, nhưng thầy nhứt quyết không nhận, thầy nói: "Người khác tôi còn giúp được, huống chi cụ là Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Cụ như mẹ tôi vậy. Anh chị đừng quan tâm tới việc đó". Vợ chồng tôi nói mãi, ít ra cũng trả thầy tiền thuốc. Lúc đó thầy Hòa mới chỉ gốc mít (mà vợ chồng tôi đã đốn để lấy ánh nắng sân phơi) Ông nói: "Anh chị đã nói vậy thì cho tôi xin gốc mít này. Tôi sẽ mang về mướn thợ chạm tượng Phật Di Lặc để thờ". Vậy là vợ chồng tôi kêu người đào gốc mít lên, chở tới tận nhà thầy Hòa.

"Không ngờ chuyện hay quá!" - Tôi gật gù lẩm bẩm.

Đến đây xin mở ngoặc: Chiều hôm ấy - sau khi từ nhà chị Hồng về, tôi đã xin chụp ảnh thầy lang Hòa ôm tượng Phật Di Lặc (làm bằng gốc mít ở sân nhà chị Hồng). Sau khi chụp xong tôi thử hỏi ông:

- Sao thầy không chạm tượng Hải Thượng Lãn Ông?

Thầy Hòa gãi đầu cười:

- Lúc đó tôi quên!... Đáng ra phải thờ ông tổ nghề mình trước. Chẳng qua tôi ham vui, lè phè, thấy trong các vị Phật, có Phật Di Lặc cười tươi và bình dân quá.

 Sau đó thầy nói thêm:

- Nhứt định Tết này tôi sẽ nghe anh rước tượng Hải Thượng Lãn Ông về thờ.

 

Trở lại tiếp câu chuyện ban sáng ở nhà chị Nguyễn Thị Hồng. Sau đó tôi hỏi thầy lang Hòa:

- Chuyện chữa rắn cắn cho mẹ Phạm Thị Thung thì hay rồi. Nghe thầy nói có hai ca chữa rắn cắn quan trọng. Vậy còn ca nào nữa? Thầy đưa tôi đến phỏng vấn luôn?

Thầy Hòa mỉm cười, chỉ chị Hồng:

- Thì em họ chị Hồng đó thôi - chính chị ấy giới thiệu. Anh có muốn nghe chị Hồng kể sơ trước không?

Vậy là may lại gặp may. Tôi gật.

Chị Hồng được dịp, vui vẻ kể tiếp:

- Con em tôi mới về quê rồi, anh muốn gặp thì tháng sau tới đây. Trường hợp nó bị rắn cắn còn nguy kịch hơn mẹ tôi. Bởi đêm tối nó đi đồng, đạp nhằm đuôi rắn, nó đớp liền - lúc đó chẳng ai hay. Tới khi chồng nó thấy lâu quá sao vợ chưa vô? Xách đèn ra thì thấy vợ đã tím ngắt toàn thân, máu tươm ra ở tai miệng, ở mắt mũi, cả đầu ngón tay ngón chân...

Tôi hồi hộp lắng nghe... cầm ly uống nước...

- Nhờ kỳ thầy Hòa cứu mẹ tôi, tôi tức tốc biểu thằng em mau chở tôi tới nhà thầy Hòa - lúc đó đã hơn 10 giờ tối. Thầy Hòa biểu tôi kể sơ tình trạng? Rắn nào cắn?... Tôi nói không biết rắn gì? Vì nó cắn xong bò đi rồi. Còn tình trạng thì như vậy đó... Thầy Hòa nghe xong lắc đầu nói: "Do không kịp cột dây ngăn nọc chạy về tim, thời gian cũng khá lâu rồi. Nếu bị rắn cắn vào động mạch thì sẽ chết, còn cắn vào thịt thì may ra cứu kịp. Dù chị tin tôi mới tìm đến đây, nhưng lần này tôi phải dùng phương thuốc quyết tử quyết sinh, lỡ có chết xin đừng đổ thừa hay kiện cáo gì". Tôi gật: "Tôi biết thầy cứu người là chính. Em tôi có chết là số nó đã hết. Đâu dám trách gì thầy".

Lúc đó thầy Hòa mới biểu tôi ở lại sáng mai hãy về, để thầy lên xe em tôi phóng đi cho kịp (vì nó biết nhà). Đêm tối ba chục cây số đường xấu mà thầy hối thằng em chạy có 25 phút. Lúc đó đường vắng và nguy hiểm lắm! Ngay bây giờ cũng còn. Tụi cướp phục sẵn chận đường giết người cướp xe là chuyện thường. Gây án xong chúng lặn vào rừng cao su thì khó mà bắt. Do đó chẳng ai dám đi đêm.

Thầy Hòa gật đầu cười:

- Tôi biết chứ. Chỉ nghĩ mau mau cứu nạn nhân. Nguy hiểm cỡ nào cũng phải đi. Sống chết có số. Nếu lúc đó sợ không đi thì cô em đó chết chắc.

Tôi hỏi:

- Cô em tên gì?

Chị Hồng đáp:

- Lan - Lê Thị Lan - Em bà con với tôi. Số nó chưa chết nhờ gặp thầy Hòa. Giờ vợ chồng nó xin làm em nuôi thầy - giống như vợ chồng tôi vậy.

Tôi hỏi thầy Hòa:

- Ca đó nặng vậy thầy chữa bằng cách nào?

- Thì cũng đắp lá, cho uống thuốc. Mỗi loại rắn trị một cách. Nọc ít và yếu mà cho thuốc mạnh sẽ làm mệt nạn nhân. Ngược lại nọc mạnh mà dùng thuốc yếu sẽ không trị nổi.

- Lần đó rắn gì cắn?

- Theo tôi là hổ mang bành - tức hổ mang chúa. Vì khoảng cách hai vết răng to và cách xa nhau - chắc chắn rắn lớn. Rắn hổ mang chúa vừa cắn vừa phun nọc. Tôi thấy nhiều đốm nám quanh vết cắn.

- Có phải rắn hổ mang chúa độc nhất?

- Chưa đâu. Mới độc loại hai. Hổ mang chúa to và dài, phùng mang phun nọc coi dữ tợn nhưng độc thua hổ lửa, tức chàm quạp lửa. Độc nhất vẫn là rắn cạp nong.

- Có phải rắn khúc đen khúc vàng?

- Phải. Cạp nong có hai loại: Loại khúc vàng khúc đen là Hoàng Xà Đới. Loại khúc trắng khúc đen là Bạch Xà Đới. Bạch Xà Đới hiếm thấy và bao giờ cũng độc hơn. Như Bạch hổ to mạnh hơn Hoàng hổ.

Sau đó, thầy lang Hòa còn giải thích thêm:

- Sở dĩ sách nói rắn cạp nong độc hơn rắn hổ chúa là như vầy: "Thả vào lồng hai loại rắn đó, dù hổ mang chúa bự hơn, nhưng nó phải sợ nằm im trước rắn cạp nong - Loài rắn sợ nhau qua hơi độc. Nếu chúng cắn nhau thì con nào nọc độc yếu hơn sẽ chết, con độc mạnh sẽ không hề hấn gì. Nếu cạp nong gặp hổ mang, nhắm nuốt được là nó trườn tới cắn rồi nuốt liền, còn lớn quá mới thôi.

Tôi vừa nghe vừa ghi chép, thầy lang cười:

- Anh viết truyện thôi nghe? Chớ viết báo là tôi... mệt đó.

Tôi cũng cười:

- Truyện viết về rắn chắc chắn hấp dẫn rồi. Nhưng viết báo về thầy rắn như thầy cũng nên lắm. Phải nói là đáng viết. Trước nay tôi ít khen ai, không thích lăng-xê. Vì lời khen có đúng đi nữa, có khi người được khen cũng không muốn, cho là nịnh, hoặc có ý gì? Nhưng gặp trường hợp thầy tôi phải viết, thích viết. Vì truyện về thầy có thật, sống động, nhất là CÓ ÍCH.

Tôi nói CÓ ÍCH, vì khi báo ra thầy sẽ được thêm nhiều người biết. Như của quý để dành, để đến khi lỡ ai gãy tay gẫy chân, hoặc bị rắn cắn, họ sẽ nghĩ đến thầy mà tìm tới.

Tôi cũng nói thêm là: Nếu biết thầy dùng tài hay nghề thuốc gia truyền để chặt chém thiên hạ, thì chẳng đời nào tôi thèm viết. Thầy hiểu không?

Thầy lang Hòa nắm tay tôi:

- Cảm ơn anh.

Tôi mỉm cười:

- Tôi cũng cảm ơn thầy. Tôi rất vui khi ta có duyên với nhau. Trời giao mỗi người một việc, mỗi người mỗi nghề. Thầy có thể mệt về nghề lương y chân chính của mình, tôi cũng có cái mệt của tôi. Mệt mà vui phải không thầy? Đó là nghề nghiệp. Biết đâu tôi sẽ được ăn theo chút phước lộc của thầy?

Thầy lang trầm ngâm…

Tôi nói tiếp:

- Không phải nói gỡ, đời người may rủi khó lường, biết đâu một ngày nào đó: Tôi, hoặc người thân quen chẳng may bị nạn, tôi sẽ nhớ ngay đến thầy lang Nguyễn Tiến Hòa chuyên chữa rắn cắn, chuyên chữa trật gãy xương, chuyên trị chất độc … Nhà thầy ở dốc Suối Cạn xã Long Hà, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước - Địa chỉ này tôi phải ghi vào sổ, để ai cần thì chỉ người ta. Phước chủ may thầy. Cho phép tôi ghi số điện thoại nhà thầy: 0651 - 776113. Thầy có điện thoại di động không? Không có à? Tiếc thật! Đúng thầy lang quê cổ, chẳng biết kinh doanh tiếp thị gì cả. Sao thầy không dời nhà ra mặt lộ, trương bảng, để người bệnh dễ tìm?

Thầy lang Hòa cười, lắc nhẹ đầu:

- Tôi thích yên tĩnh. Trương bảng cũng tốt, nhưng sợ hơi phiền. Tăng tiền bệnh nhân để đóng thuế thì tôi không muốn. Nhiều người quen ở thị xã, ở thành phố, sẵn sàng cho mượn nhà để làm chỗ chữa bệnh, trên phố đông người và xe cộ, tai nạn xảy ra nhiều. Tôi cảm ơn, nghĩ ở đâu đã có thầy ở đó rồi. Mình đâu muốn người ta bị nạn nhiều để mà chữa. Mà bị gẫy tay gẫy chân thì cũng chưa thể chết được, nếu họ chữa không hết thì đến tôi vẫn còn kịp. Chứ bị rắn cắn thì phải chữa càng nhanh càng tốt, mà rắn thì có nhiều ở thôn quê, trong rừng cây. Vì thế tôi ở đây là đúng rồi. Chắc tôi cũng phải ráng sắm cái điện thoại di động để đi đâu thì ở nhà gọi cho nhanh…

Tôi mỉm cười, phục cho cái tâm và suy nghĩ  của thầy lang Hòa.

Tôi nói:

- Thôi thì cứ cho là tôi quảng cáo không công cho thầy - dù thầy không muốn. Quảng cáo người tốt việc tốt sao lại không nên? Thiếu gì người dở mà đánh bóng rầm trời, lừa bịp thiên hạ. Vậy thì tôi phải a - lô để có người chẳng may bị nạn biết mà tìm đúng thầy đúng thuốc, để họ được cứu sống thì nên quá đi chứ.

Tôi biết thầy chỉ muốn “Hữu xạ tự nhiên hương”. Hương có bay được xa cũng nhờ gió nữa. Nhà thơ Xuân Diệu từng khuyên “Gửi hương cho gió” Cứ gửi hương đi rồi ta sẽ gặp duyên.

Chẳng nói đâu xa, với cái duyên này, thỉnh thoảng có dịp tôi sẽ đáp xe đến ngã ba chợ Bù Nho, chỉ thêm vài ngàn xe ôm cho hai cây số là đến Suối Cạn xã Long Hà. Nhiều người ở đó biết và yêu mến thầy sẽ đưa tôi tới, gặp nhau ta lại nhâm nhi rượu rắn nói chuyện thế thái nhân tình.

 (Suối Cạn - Bù Nho - Long Hà

Bình Phước, tháng 6 - 2004)

 

Đã đăng:   - Báo Văn Nghệ số 46 (13-11-2004)

  - Tạp chí Tài Hoa Trẻ số 333 & 334

  - Báo Bình Dương cuối tuần 10-2004

 

Ảnh Lương y Nguyễn Tiến Hoa

 

 

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 2357
Ngày đăng: 11.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm Bút từ Yên Phú Cổ Tự - Vũ Ngọc Tiến
Những cánh chuồn trên biển - Trần Kim Sơn
Ăn bẩn - Trần Huy Thuận
Hội An và bài học vỡ lòng của tôi - Nguyễn Trung Bình
Lầu Đất: Di dân được mới nói bảo tồn. - Giản Tư Hải
Tây nguyên du ký - Vũ Ngọc Tiến
Tự Thuật - Nguyễn Thành Thống
Suy tưởng về một thị dân –Ghi chép về Márai Sándor- - Imre Kertész
Một vài kỷ niệm với Trịnh Công Sơn - Sâm Thương
Cây gõ thiêng trả ơn ngôi cổ tự - Phan Hoàng
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)