Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
537
116.490.385
 
Im lặng
Phùng Văn Khai

Đêm mùa đông. Dãy phòng thí nghiệm tối như hũ nút bỗng vang lên những tiếng lào xào, như là tiếng một cậu bé “bạn muốn một nơi nào đó bình yên à?” Im lặng mấy giây, tiếng một cô bé vang lên “ừ mình muốn trở về dòng sông, ngày xưa mình ở đấy, mình rất thích sông”. Lại tiếng lào xào “còn mười bảy phút nữa mới tới nửa đêm kia mà”. Một tiếng khác “thôi mình sẽ cùng với bạn đi vào đêm mai, ngoài trời lạnh lắm, chúng ta bị cảm hết thôi”. Tiếng cô bé reo lên “anh nhớ nhé, nhớ hẹn em ngày mai nhé”. Căn phòng đen đặc, không một chút ánh sáng lọt tới nơi này, căn phòng như chiếc hầm sâu hàng nghìn mét dưới lòng đất, chứa những hàng chai lọ thẳng tắp nằm im lìm đã hàng chục năm nay, trong đó là những đứa trẻ, đứa đứng, đứa ngồi, có đứa co quắp, thể hiện những kiểu hình thù kỳ dị mà những đứa trẻ bình thường ngoài đời không làm được, có những đứa díu ba díu bốn vào nhau, có đứa chỉ nhận ra được ở một cái tay, một con mắt, một bàn chân, nhưng lạ lùng, chúng thảy đều có những chiếc cuống rốn dài loằng ngoằng, xoăn tít lại. Người y tá già sống độc thân trực ở đây chăm sóc những đứa bé đã nhiều năm kể rằng hằng đêm vẫn nghe thấy chúng trò chuyện. Người ta chuyển chị sang khoa tâm thần nhưng ông viện trưởng quyết định chị ở lại, chị gần như định cư tại những căn phòng có những chai lọ, trong ấy là những sinh linh, hằng đêm nghe tiếng chuyện trò của chúng. Chị không rời được căn phòng, căn phòng như có một ma lực níu chị lại, chị còn biết đi đâu trong cái thành phố lúc nào cũng như sôi sùng sục, đi rồi ai sẽ tiếp nhận những đứa trẻ kia, ai chăm sóc chúng, ai sẽ cho chúng uống những giọt nước trong vắt thấm đẫm toàn những hóa chất kịch độc, ai sẽ nhẹ nhàng vuốt ve chúng ngủ, ai sẽ lắng nghe tâm tư của chúng, chị đã quyết định rồi, sẽ mãi mãi ở bên chúng. Một tiếng nói cất lên “em chưa nói với anh, mẹ em là một người rất đẹp, mẹ em cũng đã mất sau cái ngày ấy” ,“cái ngày gì cơ?”, “sao ngốc thế, cái ngày chúng mình gặp nhau ở đây ấy, có thế cũng không nghĩ ra, đúng là thiểu năng”. Có tiếng khóc thút thít, lại có tiếng dỗ dành “ừ, em xin lỗi, chúng ta là bạn mà”. Chợt có những bước chân di chuyển nhẹ nhàng như lướt qua cửa sổ, có lẽ những đứa nghịch ngợm đã vượt tường đi chơi về, ở đây có đứa rất ham chơi, nhiều khi chúng đi một mạch mấy đêm liền về mang theo bao nhiêu bánh trái, hoa quả, có những đứa đi rồi không nhớ đường về, chúng đã bị lạc ở đâu, người ta đã làm tình làm tội gì chúng một lần nữa? Thường chẳng bao giờ có câu trả lời, chỉ người y tá già nhận ra điều đó, chị lặng lẽ đem những chiếc lọ đã chuyển sang màu xám đi chôn và đánh số thứ tự vào một quyển sổ, quyển sổ ấy cũng đã viết được ngót trăm trang. Một tiếng nói cất lên “mình tiễn bạn một đoạn”, “thôi thôi, cứ mặc tớ, để các bạn kia yên giấc”. Người y tá khẽ thở dài, lại có một sinh linh nào rơi vào vòng khốn cùng của tạo hóa nữa đây, và còn bao nhiêu sinh linh nữa sẽ vướng vào vòng oan nghiệt này, đời người sao lắm những oan khiên và những oan khiên cứ sinh sôi đàn lũ như thế, chúng do người sinh ra hay do quỷ sinh ra, chúng bắt nguồn và tuôn chảy như sông ư? Đã có dạo người đời ồn lên về những chiếc ang sành đựng những thai nhi đã chết thả bập bềnh chi chít trôi trên một dòng sông, rồi những người đàn bà phát điên, những người đàn ông lặng lẽ rời khỏi làng vì những thị phi ma quỷ, cũng chẳng chính quyền nào ngó ngàng đến và những chiếc ang sành sóng gió dập dồn va nhau vỡ chìm xuống đáy sông, cua cá ở những nơi ấy béo tròn nung núc bầy lên trên bàn tiệc sâm banh choáng lộn viên mãn của những người thành danh những tên hợm của vốn nhiều như nấm sau mưa ở xứ này. Lũ trẻ thì ngày một ham chơi, có đêm chị phải dậy mở cửa ba bốn lần, rồi thì cũng chẳng buồn đóng nữa, rồi thì những cánh cửa có đóng hay không cũng vô ích với chúng và sự xuất hiện của chị cũng chỉ như một ngọn nến nhỏ le lói trong căn phòng hàng trăm thước vuông, chúng dường như không để ý tới sự có mặt ấy, chỉ khi nào chị giải quyết thanh lọc những đứa mải chơi không về chúng mới tò mò nhìn vào cuốn sổ đang ngày một chi chít dần những chữ số một cách vô thức.

 

Người y tá già đến bên chiếc lọ đã thâm lại, hôm nay là ngày thứ ba, chị biết thế nhưng vẫn cố chờ đợi, biết đâu chả phải là một cuộc rong chơi mê mải, trẻ con bao giờ chả thế, chúng phải ham chơi chứ, như chị ngày xưa chiến tranh vẫn còn ham chơi, ham chơi đến mức vào tận chiến trường vẫn chưa biết một làn môi con trai, khi ấy là cô bé 17 tuổi nghịch ngợm, ưa thích chơi trò y sỹ bộ đội vì nơi chị ở là một phố nhỏ có những cậu học trò gầy giơ xương cao lêu nghêu như thần chết vẫn thường tổ chức những trò nghịch ngợm. Vào chiến trường, cô bé được học cấp tốc một lớp y sĩ, vốn tợn tạo, sau này xen lẫn cả sự yêu thương những tấm thân trẻ trung bị gẫy dập, mất khuyết, cũng biết bao nhiêu nước mắt nhưng cũng không ít nụ cười, có những người lính, bây giờ nghĩ lại vẫn còn xấu hổ, muốn cô bé hôn một lần trước khi vĩnh viễn nhắm mắt, cô bé đã bao nhiêu lần làm việc ấy, chiến tranh mà, tại sao người ta giải thích chiến tranh đơn giản thế nhỉ, hàng vạn hàng triệu sinh linh có nghe được những lời giải thích ấy không, hay người ta chỉ giải thích điều đó trên bàn hội nghị, trong những toan tính hết sức mơ hồ với những làn môi mấp máy kia, điều này khi về già chị mới biết. Hình hài trong chiếc lọ đã thâm lại, chị chợt mỉm cười, cậu bé này có ba đầu sáu tay, chắc ngài Tôn Ngộ Không còn mải ngao du sơn thủy, hôm kia, ông giám đốc đã nhắc, chị ạ, chị đem chôn nó đi, tôi đã nhìn thấy mấy ngày rồi, mai kia chúng ta lại đón một đợt mới. Một đợt mới, chị đã đón bao nhiêu đợt như thế không nhớ hết, cũng như đã chôn đi bao nhiêu cái lọ, quyển sổ ghi chép chỉ mang tính đại khái. ở đời tính đầu người sống chứ ai tính đầu người chết, nhất lại là những sinh linh khác biệt thế này, ai biết đâu mà tính, tính để làm gì, và ai chịu trách nhiệm về những con số, đã bao nhiêu năm nay, không ai kiểm kê con số ấy, con số mỗi lúc một tăng lên, trong khi mỗi lúc chị một già đi, có những lúc cũng muốn tìm người giao lại công việc của mình nhưng không ai nhận, họ viễn dẫn đủ mọi lý do, họ tìm đủ mọi cách kể cả việc khai gian tuổi của chị, người đời lạ lùng thế nhỉ, khai giảm tuổi cho tôi ích gì, trong khi tôi mỗi ngày một già đi, trong khi tôi nhìn các cô các cậu ấy cũng mờ mịt lắm, có những cô cậu ở với tôi lâu ngày còn dễ nhận diện chứ mỗi khi có đợt mới về là cứ rối tinh cả lên, sao mà nhiều thế, sao đông đúc vậy, thành phố thì ngày một chật chội, ngay cả khoảnh đất dành cho các cô các cậu cũng cứ vãn dần, rồi mai kia biết để các con ở đâu, ôi các con, hãy tha thứ cho mẹ, cho bà, cao xanh ơi, hãy giang rộng cánh tay đón các con tôi. Cứ miên man như thế, chị ôm chiếc lọ vào lòng, tuổi tác đã khiến chị thấm mệt, chị ngồi xuống chiếc ghế gỗ ở góc phòng để nghỉ, một mùi rất khó chịu xộc đến, chị rúm người chực như ngã xuống tay vẫn cố ôm chiếc lọ thủy tinh, sáu cặp mặt, sáu bàn tay trong lọ như cười cợt, ôi người bà tội nghiệp, cháu đã đi chơi rồi bà còn tìm về làm gì nữa, cháu đi xa lắm rồi bà không tìm thấy được đâu. Người đàn bà cố gượng dậy ôm chiếc lọ sóng sánh đi về cuối dãy hành lang nhỏ hẹp lòa xòa những tán cây đón vẫy. Khu vườn hiện ra, những ngôi mộ nhỏ xíu được đánh số thứ tự càng lúc trắng rợn lên, những âm thanh u i phát ra từ dưới lòng đất. Người y tá âm thầm tiến về phía một khoảng trống, đặt chiếc lọ xuống, bước mấy bước về góc đựng dụng cụ lấy ra cái xẻng hí hoáy đào một cái hố nhỏ. Hôm nay sức chị như kiệt nên tiến độ công việc diễn ra rất chậm. Mình đã đào bao nhiêu cái hố và sẽ đào bao nhiêu cái nữa, chị ngưng tay xẻng quệt giọt mồ hôi già nua hay nước mắt nữa cũng không biết trên hốc mắt ngồi thở dốc, bên cạnh chiếc lọ im lặng như một báu vật, giờ đây đối với chị nó là báu vật hay là tai ách? Có những câu hỏi không dễ trả lời, thậm chí chúng ta, dù khôn ngoan đến mấy cũng vĩnh viễn không trả lời được. Chiếc lọ dường như cũng thông cảm với chị, nó như thầm nói, bà ơi, bà đang chôn xuống đất những hạt dẻ, ba hạt dẻ đang nẩy mầm, đấy bà xem, ở nơi đây đã chẳng trở thành rừng rồi còn gì và bà là bà tiên trong khu rừng cổ tích của chúng cháu. Người đàn bà lặng lẽ cầm chiếc xẻng, hôm nay nó trở nên nặng nhọc và quá sức với chị, hay là mọi thứ đang kết thúc ư? Không con cái, không người thân, rời đạn bom chị gắn chặt với căn phòng này, cũng đã được ba mươi năm gì đó. Thế là ta cũng đã già, tuổi già chẳng bao giờ đợi chờ ai cả, nó cứ xồng xộc kéo đến như một lẽ tự nhiên, ôi tuổi già, tuổi của những hãi sợ mùa đông mùa hè, sự ẩm ướt và giá buốt, ta nào khác gì các con, ta cũng chỉ ước mai kia các con đào cho ta một cái hố, ta cũng sẽ chui vào một cái lọ bè bạn cùng các con, không bè bạn với các con ta biết bè bạn với ai, đời ta như thế là sung sướng mãn nguyện còn hơn chán vạn bè bạn ta ở chiến trường không trở về, hoặc như các con cũng thế, so với các con ta còn hạnh phúc chán ra đấy, phải thế không. Sao bà nói đúng thế, một tiếng rì rầm cất lên, nếu có một cuộc chiến tranh nữa chúng cháu sẽ bầu bà làm thủ trưởng của chúng cháu, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Chiến thắng, ừ chiến thắng quá đi chứ, nhưng hãy để ta làm công việc của mình, hãy động viên ta có thêm chút sức lực để làm trọn phận sự, phận sự của ta là để các con quây quần bên nhau, các bạn con nữa, họ đang đến, đang có đợt mới, những rong chơi dường như ngày càng ngắn lại thì phải. Lại một tiếng rì rào, bà ơi bà đừng chết nhé, nếu bà chết ai sẽ tập hợp chúng cháu thành đội hình, chúng cháu không nhớ được hàng lối của mình đâu, nhiều bạn không có trí nhớ, nhiều bạn không biết đi, không biết khóc, cả vệ sinh nữa, không có bà chúng cháu sẽ sống như thế nào đây. Sống như thế nào đây ư? Chà chà, câu hỏi này khó đấy, với ta cũng cứ sống thôi đã là thành cuộc sống rồi cuộc sống tự nó đi theo chiều hướng của mình, các cháu cũng chả nên biết nhiều làm gì. Người đàn bà xúc những xẻng đất một cách nặng nhọc, mấy con chim ở đâu sà xuống ngó nghiêng nhìn chiếc lọ, ngài Tôn Ngộ Không ở trong giương sáu cặp mắt nhìn lũ chim như thắc mắc một điều gì, rồi chúng nhìn người đàn bà đối với chúng cũng chỉ như một sinh vật đã quen thuộc ở khu vườn này, thỉnh thoảng chúng lại thấy bà đến đào xuống lấp lên một vật gì đó, đối với loài chim, tư duy về cái chết thật đơn giản. Cái hố đã gần xong, chị sửa sang nó như sửa sang một căn nhà bé nhỏ, cho một công cuộc cư trú lâu ngày, việc làm đã thành thạo lắm, thành thạo đến mức đang suy nghĩ vẫn chẳng sai một động tác nào. Chị xoay người bê chiếc lọ, những hạt dẻ khổng lồ, thận trọng đặt xuống đáy hố, lẩm bẩm điều gì đó. Một nghi thức chăng? Một cầu nguyện chăng? Một lời thề chăng? Một lời hứa? Hay một vĩnh quyết? Thời gian như trôi chậm hơn, có những lúc tưởng chừng đông đặc lại. Những xẻng đất đầu tiên bao giờ cũng có những giọt nước mắt, lũ chim nhảy lách chách xung quanh, chúng dường như cũng rất quen thuộc với công việc này, công việc đã diễn ra nhiều năm ở khu vườn, hầu như ở nơi đây đã quá quen với chị và những chiếc lọ. Ngọn đất được vun lên nhỏ xinh như một chiếc nấm, trên đó có số thẻ theo quy định, gió hân hoan thổi giỡn đàn chim vỗ cánh nhảy chuyền đùa nghịch trên những tán cây, ánh nắng ban mai đậm dần sau vòm lá, mọi thứ ở nơi đây thanh sạch đến lạ lùng, thanh sạch như không hề đếm xỉa tới những ồn ào ở xung quanh.

 

Người y tá già lặng im như tự đánh giá thành quả lao động của mình, một nấm mộ nhỏ, rồi mai đây cỏ sẽ xanh thôi, cỏ ngàn đời vẫn thế, vẫn ủ ấm và công bằng với tất thảy mặc những dẫm đạp, mặc những đúng sai của con người. Chị cảm thấy mệt mỏi sau một kết thúc, chị uể oải đi về căn phòng nhỏ dành riêng cho mình, nơi nối thông với dãy nhà của các cô cậu bé ngồi xuống chiếc ghế gỗ cũ kỹ. Có một tiếng động nhỏ, không cần quay lại chị cũng biết người viện trưởng đến sát bên mình, đặt vào tay chị cốc nước ấm. Nhấp ngụm nước, chị nghe tiếng thì thầm, cảm ơn chị, tôi vừa ký quyết định tăng lương cho chị. Tăng lương ư, tại sao lại nói chuyện tăng lương cho tôi vào lúc này, anh không thấy tôi đang khó ở ư, chúng ta phải nói chuyện khác chứ. Người đàn ông nhìn chị như động viên, khích lệ, thì tôi còn biết làm gì khác, chúng ta có ngăn chặn được nó đâu, chị không thấy tôi cũng đã già và mệt mỏi lắm sao, không có tôi và chị và một số người nữa chắc người ta đã xóa đi việc này rồi, xóa như một dấu vết ấy mà, xóa như xóa một vết bẩn của đứa trẻ nghịch ngợm. Hồ đồ! Chị quắc mắt nhìn người thủ trưởng của mình rồi lại từ từ dịu mắt xuống, ừ, có việc gì mà các anh không làm được, mà người ta không dám làm, tôi chỉ xin các anh một đặc ân, khi tôi chết các anh hãy hỏa thiêu rắc tro vào khu vườn ấy, tôi không rời chúng nó được, còn sau đó các anh muốn làm gì thì tùy, điều gì các anh chả dám làm. Chị mắng tôi ư, người đàn ông vẫn kiên nhẫn, mắng tôi thì có ích cho lũ trẻ ư, nếu được như thế thì còn gì bằng, chị cứ mắng nữa đi, dù tôi không có lỗi gì cả, tôi sao lại có lỗi trong việc này được, tôi cũng như chị, nhỏ bé biết bao nhiêu, không, tôi còn đớn hèn hơn chị, tôi không sống được cuộc sống như chị, chị là một anh hùng. Người đàn bà cười chua chát, ôi giời ơi, ở xứ ta ai chẳng anh hùng, các anh hào phóng hay ti tiện với tôi đều giống nhau cả, điều tôi cần các anh có hiểu đâu, hoặc hiểu mà các anh im lặng, im lặng như đã từng im lặng, cái giá của vinh quang đắt đỏ đến thế ư, vinh quang cho ai, tôi chỉ thương những đứa trẻ, nghề nghiệp chuyên môn anh biết đấy, những đứa trẻ, anh ơi chúng là con người đấy, các anh phải kêu lên đi chứ, các anh phải làm một điều gì chứ, chẳng lẽ chúng ta không phải con người? Một im lặng mông mênh đáp lời chị, người viện trưởng già đã lẫn hút về phía hành lang, không một ai trả lời câu hỏi của chị, ông biết mọi an ủi chỉ là vô ích nhưng ông luôn đứng về phía chị, có những sự thực mãi đào sâu chôn chặt dưới đáy mồ. Tĩnh tâm, chị bước về những cái lọ, những dãy hàng lối thẳng tắp được đánh số thứ tự, chị nhìn chúng lòng không cảm giác gì, không thất vọng không hi vọng, lòng trống rỗng như một lỗ thủng không có đáy, chị như rơi xuống tầng địa ngục sâu nhất, mọi thứ cứ lơ lửng như chân không, như định mệnh. Những đứa trẻ hôm nay như im lặng, chúng tôn trọng những im lặng của chị, hay chúng đồng loạt ngủ quên, hay chúng vĩnh viễn rời xa chị. Chị rùng mình khi nghĩ đến điều này, khi không có chúng, chắc chắn cuộc sống của chị sẽ kết thúc. /.

Phùng Văn Khai
Số lần đọc: 2051
Ngày đăng: 13.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự đời thế thái nhân tình - Đỗ Ngọc Thạch
Trò khỉ - Khôi Vũ
Lan trinh nữ - Trần Quang Lộc
Kỳ ly - Dương Đức Khánh
Đờn ca tài tử - Nguyễn Minh Phúc
Bồi hồi kể lại - Trần Quang Vinh
Bà Nội - Đỗ Ngọc Thạch
Cuộc cá cược lạ kỳ - Anton P. Chekhov
Hơi điên điên - Trần Đức Tiến
Thằng nhà quê - Huỳnh Văn Úc