Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
477
115.988.755
 
Đẹp dị biệt từ “ Dị hương “
Nguyễn Hoàng Vân Anh

(Đọc tập truyện ngắn “Dị Hương” của nhà văn Sương Nguyệt Minh.NXB Hội Nhà Văn - tháng 9.2009)

 

“... Đột nhiên, lại mấy thằng đàn ông nhập nhoà hiện ra trước mắt tôi. Thế này là thế nào? Ma chắc? Các gã đàn ông cũng đang thoả mãn niềm vui trần thế nhìn vết máu tươi ngấm xuống cát. Không thể tin được. Tôi đập chân vào thành giường đau điếng, tê dại. Thức dậy. Hoá ra, là giấc mơ. Mồ hôi vã như tắm.”

Trích “Đồi con gái”

 

Có lẽ chưa bao giờ Sương Nguyệt Minh lại “khác” đến thế.

“Dị hương” là một bước ngoặt. Không phải bước ngoặt cho sự thành công, mà cho một tư duy mới, một phong cách mới. Chính tác giả từng nói: “Viết về tính dục cũng chỉ là một thủ pháp sáng tạo thôi”. Bây giờ, “thủ pháp sáng tạo” ấy được khai thác triệt để trong 9 truyện ngắn của “Dị hương”, và sử dụng nó là người “có bản lĩnh, có nội lực cao” đã biến tính dục thành cái đẹp, thành nghệ thuật chở ý đồ sáng tác.

 

Đẹp, vì trước hết phụ nữ trong văn Sương Nguyệt Minh thường đẹp. Mê đắm trước hình dung này, tác giả bắt buộc phải viết (tôi nói bắt buộc bởi không thể làm gì, hoặc viết gì khác hơn): “Không thể tin được. Một cô gái đẹp như nữ thần Ponagar khỏa trần đang tắm ở thềm giếng... ... Thân thể ngọc ngà. Những đường cong mẩy nuột nà tưới đẫm trăng non.” (Dị hương). Với cô gái Sa Ly phiên dịch mang gene trội của hai dòng máu Việt – Khơ Me, tác giả lại bị ấn tượng bởi “Thân hình thon thả uốn, xoay, uyển chuyển như lướt nhẹ trên mặt đất. Các ngón tay Sa Ly như búp măng trắng hồng cong cong theo điệu múa” (Bên dòng Tonle Sap). Kỳ hóa hơn, cái đẹp có thực mà mong manh của nàng công chúa Ngọc Bình trong “Dị hương” còn phảng phất “mùi hương da thịt con gái đang hứng tình nồng nàn trộn lẫn mùi bạch lan đài các và cỏ thi dân dã quý hiếm.” Tác giả yêu cái đẹp quá, chăm chút nó với tất cả các mĩ từ có thể. Đôi lúc, người đọc có cảm giác như chạm tay vào là vẻ đẹp ấy tan đi, hoặc thêm một bước, thêm một hơi thở là nó loãng ra cùng không khí.

 

Có thể nói, ám ảnh trên trang viết của Sương Nguyệt Minh là những vẻ đẹp “rất đàn bà”, hiểu theo ba nghĩa: hình thể, trái tim, và cả tính chất phồn thực luôn ứ đầy bên trong họ. Hình thể, rất rõ ràng rồi, không chỉ có một nàng công chúa, một cô gái phiên dịch, hay một cô sinh viên non nớt, mà thậm chí đến cả người đàn bà chủ lò mổ trâu cũng đẹp. Dẫu thân hình phốp pháp, ngón tay thô ráp, nhưng bà đồ tể ấy vẫn gợi cảm ở cái tuổi bốn mươi; trong điệu nhạc ngất ngây, chị dường như “lột xác thành tiên”. Như vậy, người ta đẹp chính trong suy nghĩ, trong tâm hồn, trong khoảnh khắc nào đó của họ. Có lẽ vì thế mà người vợ quê mùa của gã đàn ông may mắn trúng cổ phiếu đã nhanh chóng thoát vỏ từ “Nạ dòng. Sề rồi” hóa “trơn lông đỏ da, mắt lúng liếng” (Cái nón mê thủng).

 

Trái tim đàn bà là một kết thúc không thể hợp lí hơn trong truyện ngắn “Đàn bà”. Người phụ nữ bị phụ tình tự tay săn sóc cô bồ trẻ của chồng, chỉ đáng bằng tuổi con mình. Chị tự nghĩ về những kiểu giải thoát cao thượng, và run sợ trước cách xử lí của một người bạn gái có cùng hoàn cảnh. Bạn chị hành động để gã chồng phụ bạc phải hối lỗi suốt đời, đến chết không nhắm mắt. Chị rùng mình cố nghĩ một kết thúc bao dung hơn, nhưng rồi, chẳng khác gì nàng Hoạn Thư, chị đã khép mình vào một vòng tròn ghen tuông: biến người tình của chồng, con bé sinh viên ấy, thành người giúp việc ngay trong nhà mình. Một trái tim đàn bà bằng máu thịt, không hơn, không kém, không khoa trương dưới ngòi bút khách quan của tác giả. Rõ ràng ông đang làm một cuộc giải phẫu, mà những khối u bắt buộc phải phơi bày ra, trần trụi, không cần phải che lấp bởi những tư tưởng cải lương sáo rỗng.

 

Cũng bởi “vẻ đẹp” ấy, mà thân phận của nàng công chúa Ngọc Bình trong “Dị hương” đã buộc phải lao luân và kết thúc bằng cái chết bất đắc kỳ tử, nhưng là cái chết “được báo trước”. Nàng sở hữu vẻ thoát tục của tiên nữ, nhưng lại mang trong mình một trái tim rất đàn bà. Nàng tôn thờ (hoặc yêu, muốn làm vợ) Nguyễn Huệ, hay Nguyễn Ánh, bởi họ mạnh, họ làm nên sự nghiệp lớn. Dĩ nhiên, mĩ nhân luôn mơ đến anh hùng. Nhưng nàng quên mất rằng xây nên ngai vàng là những xương máu, những thanh kiếm không bao giờ sạch mùi tanh. Chính những điều đó đã hút cạn kiệt dị hương của nàng, biến nàng thành “cái xác vô hồn, dị hương sang trọng quý phái thanh tao biến mất.”

 

Tính chất phồn thực lúc nào cũng nhừa nhựa căng tức như muốn vỡ òa ra có lẽ là yếu tố ngự trị trong cái đẹp dị biệt của “Dị hương”. Cho nên, nàng công chúa Ngọc Bình mới héo hon khi sống với người chồng bất lực, nhưng khi ở trong vòng tay Nguyễn Ánh, dẫu biết thanh gươm tanh tưởi mùi máu nhưng vẫn phải quằn quại rên la khoái lạc. Cho nên, dẫu người đàn bà chung tình với chồng đến đâu thì cũng không thoát khỏi thứ khoái cảm hoan lạc cùng lúc với tiềng hồ, với người đàn ông không rõ mặt (Đồi con gái). Cho nên, bà chủ đồ tể Mộng Hoa mới tim đập thình thịch, “nắm tay tôi, vô tình đặt lên đùi. Đùi chị nóng hôi hổi.” (Mùa trâu ăn sương). Rồi: “Gió thổi mạnh dán vải vào đường cong, gò cao tươi mởn. Gió tốc tác lật váy dài. Gió đùa giỡn, quấn quýt. Gió mơn man gò ngực trần, vai trần ngọc ngà chưa bao giờ lẫn vào bóng đêm của nàng. Gió thông thốc thổi gợi tình” (Đêm mùa hạ tuyết rơi) – khiến lòng người không thể kìm nén được. Ngay cả những câu văn miêu tả cảnh làm tình, cũng được lạ hóa, khi thì bằng một ý nghĩ toan tính bẽ bàng, khi thì bằng một thanh gương nhuốm mùi máu, khi thì bằng một giấc mơ ma quái mà những người đàn ông đều mơ giống nhau... Chính điều đó khiến cái đẹp của tính dục trong văn Sương Nguyệt Minh trở nên khác lạ, dị biệt, rất thật, song cũng không kém phần mơ hồ.

Tính dục, nhưng không dung tục, người đàn bà trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh bao giờ cũng có thân phận gắn liền với nhan sắc. Ngoài việc cho người đọc tìm kiếm một nét văn hóa phồn thực (như trong truyện ngắn Đồi con gái), nhà văn còn trải những dị biệt ấy để bọc lấy cuộc sống hôm nay. Đẹp, không chỉ là đàn bà, mà còn là thứ hạnh phúc quen thói nào đó, mà chính nó thi thoảng đã đánh lừa cảm giác con người. Hầu hết các truyện ngắn trong “Dị hương” đều bắt đầu bằng những đề tài nhỏ, những mẩu chuyện cỏn con đời thường, nhưng lại áp tải sự trống rỗng, vô hồn, đơn điệu của cuộc sống hiện đại. Trong mớ bòng bong với những leo thang giá cả, những trò game bạo lực, những loại mĩ phẩm đắt tiền... con người đánh mất mình lúc nào không hay biết. Họ sống với nhau, đánh lừa nhau bằng cảnh hạnh phúc nhưng thực chất trong đó là những nút buộc đã bị bở ra, đứt hẳn. Họ cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình (Đêm thánh vô cùng). Hoặc cuồng nhiệt, mê tơi bởi tình yêu lãng mạn mà không dám biết gian dối đang ở ngay bên cạnh mình. Cái giá trị chân chính đặt không đúng nơi trở thành bi hài kịch. (Đêm mùa hạ tuyết rơi).

 

“Dị Hương”, ngay từ cái tên đã mang vẻ biệt lập riêng của Sương Nguyệt Minh lần này. Sách được NXB Hội nhà văn và Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết xuất bản tháng 9 năm 2009./.

Nguyễn Hoàng Vân Anh
Số lần đọc: 1878
Ngày đăng: 15.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điểm sách :Tạo dựng tương lai * - Phạm Toàn
Nháp, những vần thơ đêm trắng bạch - Lê Vũ
Mai Văn Phấn, ngòi bút phiêu lưu giữa những biến cố của tâm hồn - Nguyễn Hoàng Đức
Hoàng Vũ Thuật, một chặng đường Thơ - Yến Nhi
Giai điệu trầm quê hương của Trần Vạn Gĩa - Lê Khánh Mai
Vấn đề con người trong tiểu thuyết Hư thực của Phùng Văn Khai - Trần Thị Ngọc Lan
Mai Văn Phấn, Hai tập thơ, Hai mảng màu hiện thực - Lê Vũ
Ngô Thị Thanh Vân – Vĩ thanh lụa và thơ - Nguyễn Thị Anh Đào
Hiện thực giả định và hiện thực tâm tưởng trong hai tập thơ mới của nhà thơ Mai Văn Phấn - Dương Kiều Minh
Nhân vật trong tiểu thuyết của J.M.Coetzee. - Nguyễn Thị Minh Duyên
Cùng một tác giả