Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
860
116.623.025
 
Đò đêm
Trần Quang Vinh

Giữa đêm khuya tôi đạp xe đến đò Trang, vị trí cuối cùng của đảo Hà. Bên kia là thị trấn Yên Hồng ánh điện lung linh, nhưng bên này vẫn hoang dã như cách đây hai mươi năm. Ngày ấy tôi bước vào tuổi mười bảy, chúng tôi nô nức tòng quân lên đường đi đánh giặc. Đoàn tân binh qua đò rời đảo Hà cũng vào một đêm như đêm nay, cũng ở bến đò này. Nhưng bấy giờ chúng tôi bộn rộn, hồi hộp lắm. Đợi chờ chiến công. Đợi chờ ngày mai. Tiếng máy bay Mỹ ì ầm ngoài biển. ánh chớp bom lập lòe nơi chân trời. Từng chuyến đò phủ đầy lá ngụy trang lặng lẽ sang sông.

 

Thấm thoắt hai mươi năm. Những điều ngày ấy đợi chờ, dòng thời gian ào trôi, vùi lấp. Mưa phùn. Sông Trang trải rộng mông lung.

 

Lỡ đò rồi, tôi bơ vơ một mình thầm ân hận. Buổi tối bà mẹ Cường giữ nghỉ lại, tôi nhất quyết từ chối, tôi không đủ can đảm nằm ngủ trên chiếc giường tre ọp ẹp, manh chiếu rách, chiếc vỏ chăn màu vàng xỉn vá chằng vá đụp. Bây giờ thì không thể quay lại, phải kiên nhẫn mà chờ đò.

 

Từ dưới lùm cây ven sông một chiếc thuyền nan nhỏ lách ra, hình như người lái đò là một ông lão:

- Mời... xuống đò!

 

Giọng lão như gần, như xa. Tôi vác xe đạp bước xuống thuyền. Con đò khẽ tròng trành rồi quay mũi. Mái chèo vỗ xuống mặt nước êm nhẹ lạ lùng. Không gian trống trải hơn, những âm thanh mơ hồ lởn vởn, lao xao.

- Quê đảo Hà?

Lão lái đò hỏi lập lờ thảng thốt.

- Dạ!

 

Lão giữ xuôi mái chèo, thuyền vẫn lướt nhẹ nhàng. “Lão chèo đò đúng một trăm năm!” Tôi ngạc nhiên? Lão lơ đãng kể, chèo về khuya, khi trên sông vắng người … Tôi bắt đầu hoang mang. “Những người qua đò đều quên, nhưng lão nhớ tất cả!” Biết cậu Cường không? Tôi hỏi. Lão lẩm bẩm: “Cường con bà Khán. Lão mới chèo đò đưa cậu ta đi”. Tôi cãi, lão nhầm to! Cường đi bộ đội hy sinh ngay trận đầu ở ngã ba Tân Đức, Quảng Bình! Lão lái đò bảo, ở đâu cũng phải qua đò .

 

Tôi không thể quên … hôm ấy đại đội vừa kéo pháo vào trận địa thì bốn chiếc Con ma ập đến, mỗi chiếc tung hai thùng bom bi. Đơn vị thương vong gần hết. Cường nằm trên cáng tỉnh táo như thường, nó vẫy tay bảo, chào đồng hương nhé, bao giờ về quê nhớ đến thăm mẹ mình. Rồi nó vĩnh viễn nằm dưới đồi sim … Tôi cảm thấy bâng khuâng. Chiến tranh qua từ lâu, tôi đã cởi áo lính, đã học hành, đã có một tổ ấm ở thành phố, xa lạ với đảo Hà. Hình bóng nhăn nhúm, còm cõi của mẹ Cường cứ day dứt trong tôi. “Khổ lắm anh ạ! Thằng Cường đi không về. Con Thoan trời bắt tội! Giờ chỉ còn thằng Thảnh tàn tật!”…

 

Lão lái đò vẫn kể lể, lão từng chèo đò đón nghĩa quân Đốc Tít, đón cả công sứ Tây. Năm cách mạng đưa nhiều cán bộ Việt Minh. Lão chép miệng bảo, họ không giống nhau, nhưng đã xuống đò lão thì đều như nhau .

 

Tôi không quan tâm những lời lẽ vớ vẩn của lão. Tôi sốt ruột hỏi, sông Trang sao rộng thế? Lão cười xòa bảo, rộng cũng bằng gang tay! Đầu óc tôi nghĩ vẩn vơ, đò gì mà lạ?

Tạnh mưa, sương mù buông kín. Ngay bên cạnh có thuyền ai qua. Tiếng trẻ thơ khóc oe oe. Người mẹ trẻ âu yếm hát ru:

 

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.”

 

Tôi tấm tắc khen, hát hay quá! Lão lái đò thản nhiên bảo, tiếng cô Thoan, em cậu Cường! Tôi bàng hoàng kêu lên, cô Thoan tự tử chết rồi mà! Lão cười bảo, chết với các anh …

 

Tôi rùng mình, lão này là ma chắc? Thuở bé nghe mẹ kể, sông Trang xưa quân Tàu chết trận, nhiều ma quái lắm. Có đêm ma họp chợ trên sông đông đúc như đi hội. Lớn lên được học hành, tôi không tin. Thế nhưng sau cái hôm Cường hy sinh, đêm ngồi trực chiến trên mâm pháo, tôi bỗng mơ màng thấy Cường lại gần thì thầm bảo, mày phải sống trở về! Mai đừng ra khỏi hầm! Hôm sau khẩu đội trưởng phân công theo xe chở đạn, tôi kêu mệt. Pháo thủ Hùng xung phong đi thay, bị bom chết. Ngẫm thấy mình hèn … nhưng cũng từ đó cứ ngờ ngợ chuyện duy vật, duy tâm? Bất giác tôi hỏi , có linh hồn thật à? Lão lái đò lặng thinh .

 

Con đò bắt đầu đi chậm lại. Hình như chung quanh rất nhiều thuyền. Tiếng người trò chuyện, chào hỏi nhau, thân mật, ríu rít. Ai đó hỏi, khách à? Lão lái đò ậm ừ. Tôi lẩm bẩm, nghe quen quen. Lão lái đò bảo, không nhận ra ư? Cậu Cường đấy! Tôi vội bảo, cho gặp Cường! Lão lái đò dửng dưng bảo không được, ở đây luật lệ rất nghiêm.

 

Lạ nhỉ ? Tôi nhớ những nơi đã qua, làm gì có nơi nào cuộc sống êm đềm, trật tự như thế ! Tôi hỏi, lão là người âm? Lão lái đò lặng thinh. Tôi giãy nảy thét, không đi nữa! Lão lái đò cười hiền từ bảo, cõi dương khổ mà thích à?  Cãi, chúng tôi vẫn đầy đủ hạnh phúc! Lão lái đò than, người đời vốn  dối trá …

 

Tôi bỗng hoang mang. Quả thật kiếp người bon chen vất vả. Lo ăn, lo mặc! Lo địa vị, tiếng tăm... Vì miếng cơm, manh áo, vì chút xíu công danh hão huyền mà phải cúi đầu nhẫn nhục(!) Lại còn những kẻ tàn nhẫn, hiểm độc, mưu mô, thủ đoạn hãm hại bạn bè, đồng loại … Biết bao người nghèo đói, lam lũ, cơ cực như mẹ Cường?... Ôi, cõi đời khủng khiếp! Nhưng còn có người giàu sang, nhàn tản, muốn gì được nấy, quyền thế ngất trời? Họ đáng sống lắm chứ!

 

Đọc được ý nghĩ của tôi, lão lái đò đủng đỉnh bảo: “Kẻ nghèo, khổ vì kiếm miếng ăn! Kẻ giàu, khổ vì giữ miếng ăn!” Tôi bảo, những người biết xoay xở khôn ngoan, thời nào chẳng thành đạt! Lão bảo: “Kẻ ngay khổ vì người! Kẻ gian khổ vì mình!” Tôi hỏi, còn những người thông minh trác việt? Những thiên tài lưu danh kim cổ?... Lão bảo: “Kẻ hèn khổ vì mình! Kẻ tài khổ vì người!” Tôi lại hỏi, cõi âm sung sướng à? Lão lái đò trầm ngâm : “Cũng tuỳ thời! Dương thịnh thì âm suy”. Bao giờ dương sẽ thịnh? Lão im lặng . Lại có tiếng ngâm nga:

 

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”…

 

Tôi ngạc nhiên hỏi, cõi âm cũng thích Kiều? Lão bảo: “Dương sao âm vậy”. Tôi hỏi, âm có quan liêu không? Trả lời: “Lão không hiểu”. Tôi hỏi, âm có chiến tranh không? “…!” Tôi hỏi, âm có phe phái không? “…!”

Tôi đứng bật dậy kêu lên, hãy trả tôi về! Lão dửng dưng cất tiếng hát:

 

“Sông sâu... ơ... Con thuyền.

Âm, dương... ơ... nỗi niềm.

Dại, khôn... ơ... kẻ hiền.

Con đò... ơ thời gian...”

 

Tiếng vọng mênh mang… sông Trang càng thêm mịt mùng… không thấy đâu là bờ. Xa xa một quầng sáng hình bán nguyệt lóe lên. Tôi hỏi, thị trấn Yên Hồng phải không? Lão lái đò lắc đầu bảo, phủ Diêm vương! Tôi hốt hoảng kêu, cho về Yên Hồng! Lão nói bâng quơ: “Tuỳ!” Tôi bỏ xe đạp nhảy ào xuống dòng sông lạnh buốt. Mặc kệ, tôi gắng sức bơi vào bờ. Thật kỳ lạ, thị trấn Yên Hồng ngay gần đó.

 

*

 

... Mười giờ sáng tôi tỉnh dậy. Anh bạn thân bảo, mất xe đạp Mipha rồi à? Họa phúc, phúc họa, thôi còn người là quí ! Tôi phân vân tự hỏi, chẳng lẽ những gì xảy ra đêm qua là thật ? Anh bạn đưa cho tôi tờ báo, hỏi, cậu đọc bài này chưa? Khủng khiếp!

 

Tôi định kể về sự kiện đêm qua, nhưng người bạn không chú ý, anh say sưa nói về bài báo. Lúc sau anh quay sang bảo, ông liều lĩnh thật, dám một mình một xe xuống đò đêm. May mà bọn cướp không tặng  nhát dao! Phải khao đấy nhé!

Anh ta nói gì vậy? … Tôi ngơ ngẩn ra bờ sông Trang./.

 

VT- 1992

 

Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2523
Ngày đăng: 16.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc chạm trán thứ hai - Xujun Eberlein
Chuyển kiếp - Đặng Văn Sinh
Tình như sương khói - Trần Quang Vinh
Vĩ nhân! - Khôi Vũ
Im lặng - Phùng Văn Khai
Sự đời thế thái nhân tình - Đỗ Ngọc Thạch
Trò khỉ - Khôi Vũ
Lan trinh nữ - Trần Quang Lộc
Kỳ ly - Dương Đức Khánh
Đờn ca tài tử - Nguyễn Minh Phúc