Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
779
116.011.211
 
Con trâu thần
Trương Hoàng Minh

Thấy Tòng quảy bình xịt, xách giỏ thuốc trừ sâu từ ngoài đường bước vào sân, Diệp lật đật đi hăm đồ ăn chuẩn bị dọn cơm. Tòng đi thẳng qua mái hiên bên hông nhà, treo bình xịt và cái giỏ vào móc cẩn thận, đi cặp theo hè xuống sông tắm rửa mới lên ăn cơm với vợ. Ăn cơm xong, Tòng xách máy cát xét đến đi văng mở nhạc nho nhỏ, nằm lim dim. Anh có thói quen ru ngủ như thế.

 

Tòng ngủ một giấc khá dài, gần ba giờ chiều mới thức. Nhạc còn hát ỏn ẻn bên tai. Anh tắt máy nhưng không dậy mà nằm gác tay lên trán vẻ mặt suy tư.

 

Mới hơn năm năm vật lộn với cuộc sống, Tòng cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chán chường. Hễ đến mùa thì chúi mũi vào cày bừa, gieo sạ, phun xịt, đến cắt, gom, tuốt…Cuối cùng là bán lúa lấy tiền lo tiếp vụ sau cũng với bao nhiêu việc làm quen thuộc. Những việc làm đó quay vòng vòng như cánh quạt, quạt hoài, quạt muốn gãy cánh mà cuộc sống của Tòng vẫn la đà như làn sương sớm chứ không bay bổng như mây. Tòng cho đây là hậu quả của việc học hành dang dở, của việc lập gia đình sớm của mình. Tòng đã nhiều lần tự trách tại sao hồi đó mình dở hơi, nông nỗi đến thế! Trong khi đám bạn học cũ như thằng Linh, thằng Hiệp, con Hằng đều là bác sĩ, kỹ sư. Tụi thằng Bá thằng Tín…làm công nhân trên thành phố, không biết lương bổng ra sao mà trông tụi nó ngon lành như cây kiểng được cắt tỉa đẹp đẻ, đi xe đắt tiền, lâu lâu về rủ nhậu cùng vài thằng bạn cũ một chầu bia bọt năm bảy trăm ngàn, cả triệu bạc là…chuyện nhỏ. Còn mình còi cọc như cây lúa thiếu nước thiếu phân, “ăn mắm húp giòi”, lúa có giá cũng chỉ dám mua chiếc “uây” Trung quốc! Trước thực tế hiển nhiên và hơi phũ phàng đó, Tòng nghĩ cần phải tìm hướng đi khác mới có thể giúp anh gột rửa được đôi chân hãm phèn và màu da rám nắng, mới trút bỏ được lớp vỏ quê mùa thô kệch của con ốc con cua.

 

Sau nhiều đêm trăn trở, suy tính thiệt hơn, cuối cùng Tòng quyết tâm thực hiện ý định của mình. Anh sẽ lên Sài Gòn hoặc Bình Dương tìm việc làm, cố gắng tiện tặn vài năm có vốn thuê nhà đưa vợ con lên ở chung. Để có thêm thu nhập, Diệp cũng sẽ đi làm, gởi con nhà trẻ. Khi cuộc sống ổn định, Tòng sẽ về quê bán đất lên mua nhà thiệt thọ. Đặt hết niềm tin vào kế hoạch của mình, Tòng kêu người cho mướn đất, thu hoạch xong vụ nầy sẽ đi.

 

Ngược lại, Diệp không tự tin như Tòng. Chị cho toan tính của chồng quá phiêu lưu mạo hiểm, may ít rủi nhiều. Đã có không ít người từng đi tìm vùng đất hứa như vậy nhưng một số chỉ sống đắp đổi trên thành phố, số khác quay về “ta tắm ao ta” nên chị rất lo. Nếu thất bại sau nầy sẽ ăn ở nơi đâu, làm sao giải thích với cha mẹ đôi bên. Tòng an ủi, động viên Diệp. Anh nói những người đó thất bại là do họ không có vốn, đi lập nghiệp mà chỉ mang theo hai bàn tay trắng thì thành công được mấy người, đếm không đủ trên đầu ngón tay. Hơn nữa, phần lớn trong số họ chưa có gia đình hoặc có nhưng vẫn còn ở chung với cha mẹ, trách nhiệm không cao, “được ăn cả ngã về không” chứ chẳng chết chóc gì. Dù vậy, Diệp vẫn không an tâm.

 

Thấy Tòng thức, Diệp đến bên đi văng nói:

- Hồi nãy ba qua kiếm anh.

Tòng ngồi dậy hỏi:

- Ba kiếm chi vậy?

- Hổng biết. Diệp lắc đầu. Thấy anh ngủ ba quay về chớ hổng nói với em. Đâu anh qua bển coi?

Tòng đi xúc miệng rửa mặt rồi qua nhà ông Tám. Ông đang ngồi trên ghế sa lông uống trà, Tòng đến ngồi đối diện ông, hỏi:

- Ba kiếm con có việc gì?

Ông Tám nhìn Tòng, hỏi:

- Nghe con Diệp nói mày tính đi Sài Gòn hả?

Tòng chới với. Chuyện nầy anh định giấu ông Tám không ngờ Diệp lại nói ra. Lỡ trớn, Tòng phải gật đầu thừa nhận. Ông Tám hỏi:

- Đi trển chi vậy?

- Không phải vợ con đã nói cho ba nghe rồi sao?

- Có, nhưng tao sợ “tam sao thất bổn” nên muốn chính miệng mầy nói.

Tòng bèn nói hết suy nghĩ và kế hoạch của mình cho ông Tám nghe đúng y như đã bàn bạc với Diệp. Ông Tám nói chẫm rãi:

- Mầy học chưa hết lớp 12, trong tay không có nghề, chẳng phải thầy chẳng phải thợ liệu lên trển  làm nên trò trống gì ngoài lao động phổ thông? Hơn nữa, ở trển không có ai quen, “đơn thân độc mã” làm sao vô được sở làm?

- Hôm tết con có cậy thằng Hùng “khoai lang”. Nó hứa chừng nào con lên nó giúp tìm việc hoặc dẫn vô xí nghiệp nó đang làm.

- Chắc không? Lương tháng bao nhiêu?

- Nghe nói khoảng một triệu. Qua thời gian thử việc nếu được và làm tốt sẽ tăng dần. Bước đầu làm công nhân ai cũng vậy.

Ông Tám nghiêm mặt:

- Mầy nói rồi tao mới nói. Đúng! Bước đầu làm công nhân ai cũng vậy nhưng mầy có biết hoàn cảnh của họ trước khi trở thành công nhân như thế nào không? Đơn giản là vì người ta không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định. Còn mầy có trong tay 5 công ruộng, thu hoạch mỗi năm thấp nhất, tao nói thấp nhất thôi cũng 300 giạ lúa, lại vứt bỏ tất cả để được làm công nhân có phải ngược đời và ngu ngốc lắm không?

Tòng ngồi thẳng người lên nói:

- Vậy chớ thằng Hùng “khoai lang” đó sao? Nó mới đi hơn một năm chớ gì mà nhìn nó muốn hổng ra?

- Nó khác, mầy khác. Ông Tám giải thích. Vợ chồng tư Mót bán ruộng sạch trơn, chỉ còn cái nền nhà trọi lỏi. Nó lại không vợ không con, anh em cả đống nếu hổng đi ở nhà hốt đách lên  ăn à? Mà tao có thấy vợ chồng tư Mót nhờ cậy nó được cái gì đâu? Có chăng cũng chỉ năm ba trăm ngàn và vài món quà gì đó khi thằng Hùng về chơi. Như vậy mầy cho là ngon lắm rồi sao?

Tòng ngồi nín thinh, ông Tám tiếp:

- Biết lo xa là tốt nhưng tính như thế là lầm. Ở đời không có ai vứt bỏ tất cả những gì mình đã có để làm lại từ đầu. Nếu mày muốn cuộc sống khá hơn thì ngay tại đây thiếu gì chuyện cho mày làm thêm chớ cần gì đi đâu cho xa. Mày có thể nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà, nuôi cá hoặc trồng nấm rơm, nấm bào ngư…vừa có tiền vừa nhàn nhã, mình lại làm chủ lấy mình. Còn lên trển làm công nhân mầy sẽ bị ràng buộc vào công việc, giờ giấc, nội qui, kỷ luật lao động…Tóm lại, khi trở thành công nhân, quyền tự chủ của mầy sẽ bị hạn chế bởi những thứ tao vừa kể. Đó là chưa nói đến chuyện vợ con mầy ở nhà sống thui thủi, cù bấc cù bơ! Mầy nghĩ thế nào?

Tòng nói xuôi xị:

- Làm mấy thứ ba nói để làm ruộng sướng hơn.

Ông Tám bật cười:

- Vậy sao? Biết vậy sao không chọn sung sướng mà chọn cực khổ? Mầy thấy hiện giờ mầy giống cái gì không? Giống con chim bỏ bầu trời bao la, con cá bỏ giòng sông sâu rộng để chun vào lồng vào chậu làm thân cá cảnh. Đừng “đứng núi nầy trông núi nọ” con ơi. Suy nghĩ không chín chắn kỹ càng dễ dẫn đến sai lầm, “tính lộn con toán bán con trâu” đó con.

 

Phân tích và nhận định của ông Tám không đúng hết cũng không sai. Vả lại, ông đã biết ý định của Tòng, quyết lòng ngăn cản cho nên Tòng không thực hiện được ý định của mình. Bẵng đi một thời gian dài Tòng cất cái ý định một bên lòng, chí thú làm ăn, không đá động gì đến chuyện đi đứng nữa mà ẩn nhẫn chờ cơ hội. Diệp rất mừng. Chị chăm sóc, chiều chuộng Tòng chu đáo, tế nhị trong từng miếng ăn giấc ngủ, từng lời nói việc làm. Luôn luôn tạo không khí ấm cúng, vui vẻ để cho Tòng biết một gia đình hạnh phúc dù giàu hay nghèo, dù ở bất cứ nơi đâu cũng là gia đình hạnh phúc.

 

Khi phong trào nuôi cá tra xuất khẩu phát triển rầm rộ thì nhà nhà nuôi cá, người người nuôi cá. Một vài địa phương còn mạnh dạn tuyên bố đây là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân đã tạo ra một sức hấp dẫn ghê gớm đối với Tòng ví như thanh nam châm trước cây đinh sắt. Thời cơ đã đến! Tòng phấn khởi nghĩ. Anh lập tức sang gặp hai Pháp, anh bà con bạn dì bên cồn Dầm, có miếng bãi bồi lý tưởng cho việc đào ao nuôi cá, bàn bạc với anh ấy hùn nuôi. Hai Pháp còn rủ thêm sáu Hoà, từng nuôi cá cho các đại gia, có nhiều kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật chuyên môn. Để có vốn làm ăn, ba người đem bằng khoán thế chấp vay ngân hàng và hỏi bạc tháng thêm. Việc làm ăn nầy tuy không “phiêu lưu mạo hiểm, ngược đời và ngu ngốc” nhưng rút kinh nghiệm lần trước, Tòng vẫn dấu Diệp và ông Tám. Nhất là ông Tám. Ổng chẳng những cổ lổ mà còn nhút nhát đối với những việc làm to tát, lớn vốn. Tòng nói. Quan trọng hơn, nếu ổng hay tui đã đổ hết tài sản vào đây chắn chắn sẽ ngăn cản quyết liệt. Khi ông Tám và Diệp biết được thì việc đã rồi.

Ao đào xong giá cá thương phẩm có dấu hiệu sụt giảm. Giá cả lên xuống là chuyện bình thường, nghĩ vậy nên ba người lỡ phóng lao thì phải theo lao. Nào ngờ, thả cá không bao lâu giá cá rớt thảm hại. Khi cá bán được không có người mua đành bán đổ bán tháo để thu hồi vốn. Lổ nặng, thua to, treo ao lơ lửng. Tòng bị kẹt cứng trong núi nợ nần như Tề thiên bị đè dưới Ngũ hành sơn!

 

Lúc nầy Tòng rất cần một sự cảm thông. một lời an ủi của người thân, bạn bè. Nhưng, Diệp chỉ biết buồn và khóc. Cha mẹ ruột, cha mẹ vợ cùng anh chị em đều luôn miệng chê Tòng gàn dở, không biết an phận, không liệu sức mình. Ông Tám đay nghiến:

- Tao đã nói rồi mà mầy không nghe. Giày dép còn có số huống chi con người. Trời cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu, cầu không được, cãi không xong. Nếu cầu được cãi được thì đời nầy không có người giàu kẻ nghèo, không có người sang kẻ hèn. “Trèo cao té nặng” thấy chưa con?

Tòng bây giờ như con cá nằm trên thớt, ai muốn cắt xẻ băm vằm thế nào cũng được. Anh nhỏ nhẹ phân trần:

- Việc nầy đâu phải lỗi của con mà do biến động của thị trường xuất khẩu. Nếu xuất được suôn sẻ thì số lời không phải nhỏ đâu ba. Hơn nữa, có rất nhiều người thua lỗ chớ đâu chỉ mình con. Có phước làm quan có gan làm giàu ba à. Bằng lòng với hiện tại làm sao vươn lên được với người ta?

Ông Tám giận dữ:

- Ông bà ông vãi cha mầy! Đã tan bành tét bẹ hết rồi mà còn cãi giống, còn dạy khôn tao nữa hả? Mầy không làm có ai nói mày ngu mày điên không? Quan gì? Có môn hoang đàng chi địa chớ quan gì? Tao an phận thủ thường mà vẫn nuôi nổi tụi bây khôn lớn, dựng vợ gả chồng, tạo lập sự nghiệp đàng hoàng có thua ai đâu? Mầy giỏi quá ha? Giỏi tới đâu, cái gan bao lớn mà tài sản tiêu tan nợ nần lút đầu vậy mậy? Nói cho tao nghe coi?

Sợ cha con cãi nhau một hồi sanh lớn chuyện, bà Tám nạt Tòng:

- Sao hổng dìa bển đi còn ngồi chần ngần đó hoài vậy, thằng quỉ sứ?

 

Tòng đứng lên lủi thủi ra về, bèo nhèo như con gà thua độ.

Giận thì mắng chửi cho hã chứ cha mẹ nào không đau đớn xót xa và yêu thương con khi nó lâm nạn. Đêm đó ông bà Tám bàn bạc, nhất trí trích 5 công đất của mình đem cố, giúp Tòng trả bớt bạc tháng nếu không đóng lời gì nổi. Ngân hàng cũng khoanh nợ cho những người thua lỗ nên Tòng yên tâm làm ăn.

 

Tám chín tháng sau, một sự kiện trọng đại làm thay đổi cuộc sống của hơn phân nửa bà con ấp An Hữu. Một công ty thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất giấy. Bà con được bồi thường thoả đáng. Người thấp nhất vài trăm triệu, người cao nhất vài tỉ đồng. Tòng được năm trăm triệu, ông Tám đựơc tỉ hai. Trở thành triệu phú, tỉ phú bất ngờ, người ta đua nhau hưởng thụ. Xây nhà tường nhà lầu, mua xe gắn máy, sắm điện thoại di động và những đồ dùng hiện đại đắt tiền khác. Suýt tán gia bại sản vì không biết “liệu cơm gắp mắm” Tòng lấy làm lo cho những người “vung tay quá trán”. Họ chỉ thấy cái lợi trước mắt chứ không thấy cái hại lâu dài. Không còn ruộng, sau nầy họ sẽ sống ra sao khi họ chỉ biết làm ra hột lúa và những thứ họ mua sắm  đều không thể…đẻ ra tiền!

 

Sau khi Tòng trả nợ, chuộc đất, ông Tám biểu anh cất nhà. Tòng nghĩ. Tiền cất nhà là tiền “chết”, nếu cất nhà sẽ không còn vốn làm ăn. Đã có không ít người cất nhà nguy nga, trang trí lộng lẫy nhưng trong ruột bọng lỏng như cọng hành hương, phải chạy gạo từng ngày hoặc không tiền trở nợ vật tư bị xiết nhà trừ nợ. Chi bằng cứ gởi trong ngân hàng đợi có cơ hội làm ăn cho nên Tòng mượn cớ nhà cũ còn tốt lại không được tuổi cất nhà để từ chối.

 

Hồi Tòng nuôi cá thất bại, nợ nần tứ giăng, cha mẹ vợ anh không có gì giúp con rể nhưng thỉnh thoảng sai út Thiệt đem qua cho ít giạ gạo, vài trăm ngàn đồng. Cảm cái ơn đó, vợ chồng Tòng mua quà sang tạ ơn. Bà Năm mừng rỡ, đon đả:

- Dữ hông! Tới giờ nầy mới dìa? Mà dìa thăm ba má được rồi còn mua đồ chi lủ khủ vậy con? Lợi ngoại ẵm coi con. Bà Năm sớp bồng đứa bé trên tay Diệp.

Thấy không có ông Năm ở nhà, Diệp hỏi:

- Ba đâu má?

- Ổng đi đám giỗ bà già chồng chị Tư mầy hồi sớm. Nè, hai đứa dọn vài món lên bàn thờ cúng ông bà nội đi con, cho ông bà nội chứng miêng tấm lòng hiếu thảo của tụi bây.

 

Tòng và Diệp làm theo lời bà Năm. Cúng xong, Diệp móc túi lấy ra hai bao lì xì màu đỏ, cầm hai tay đưa cho bà Năm một bao, nói tụi con tặng ba má mua trà uống, mua trầu cau ăn. Bà Năm đỡ bao lì xì nước mắt rưng rưng. Bao còn lại Diệp tặng vợ chồng út Thiệt.

- Ủa! Cậu út đâu sao nãy giờ anh hổng thấy, mợ út? Tòng hỏi vợ Thiệt.

- Ảnh đi kiếm kêu người mần lúa, anh ơi? Vợ Thiệt đáp.

- Bộ lúa chín hồi hả?

- Chín muốn rục nữa là khác. Bà Năm nói.

- Sao cậu Út để dữ vậy? Tòng hỏi.

Bà Năm thở dài:

- Để gì! Tại kêu người mần hổng được chớ ai muốn để. Mà cũng tại cái hội chợ gì đó trên huyện. Hổng biết người ta nói cái gì mà tụi con trai con gái kéo nhau lên thành phố mần sở hết trọi, lúc nầy lại là lúc đông ken báo hại kiếm người mần trần ai lai khổ.

- Vậy à?

Tòng bước ra sân đứng ngó xa xăm. Diệp và vợ út Thiệt ra sau bếp làm cơm. Tòng quay lại nói với bà Năm:

- Con đi ruộng chút nghen má?

- Ừ! Đi đi, tao cũng vô mần phụ tụi nó.

Tòng đứng ở mép vườn nhìn ra. Trước mắt anh là cánh đồng lúa chín vàng ươm, bạt ngàn. Lác đác đó đây vài đám đang làm. Nhiều đám chín muốn rục như lúa út Thiệt. Chắc họ cũng không kêu được nhân công. Thu hoạch lúa phải qua nhiều công đoạn, làm cùng một lúc nên cần nhiều người làm mới xuể. Lúa lại chín đồng loạt, nếu trai gái không lên thành phố tìm việc làm cũng thiếu người trầm trọng. Đây là vấn đề nan giải của bà con nông dân. Làm sao giải được bài toán nầy cho bà con đây. Tòng lẩm bẩm.

Tòng nhảy qua cái mương nhỏ, đi chầm chậm ra phía ngoài đầu đất. Được khoảng năm chục thước Tòng bỗng dừng lại và “à” lên một tiếng rồi nhìn đám lúa vui vẻ nói :”Nếu trước kia thì khó thật đấy, còn bây giờ mua máy gặt đập liên hợp là xong ngay. Tụi bây yên tâm, nay mai tao sẽ đưa tụi bây về nhà một cách nhanh gọn”.

 

Sau khi nghe Tòng trình bày những tính năng ưu việt của máy gặt đập liên hợp và những lợi ích khi sắm máy, ông Tám thấy đây là cách làm ăn khá tốt có thể cầm chưn Tòng hay nhảy bậy nhảy bạ nên đồng ý cho Tòng mua ngay. Tuần sau, đứng nhìn Tòng điều khiển cái máy hoạt động, út Thiệt khoái chí nói lớn:

- Đúng là con trâu thần! Hàm răng bén như dao cạo, gặm lúa rồn rột, nhai rào rạo, đã nhứt là nó ỉa cục cứt bự chà bá (bao lúa), sạch trơn, chắc lọi. Phải ảnh mua sớm sớm tui đâu có chạy đôn chạy đáo kiếm kêu người mần muốn rã cặp giò.

 

Bà con cười ồ trước câu nói khôi hài của út Thiệt. Họ vui mừng khi biết từ nay về sau họ sẽ không còn chạy đôn chạy đáo kiếm kêu nhân công muốn rã cặp giò như út Thiệt, không phải cắt lúa, gom từ ôm chất thành cây, đút từ mớ vào máy tuốt và hứng từ thúng lúa hột đổ vô bao nữa. Có lẽ nguời vui hơn hết thảy là Tòng. Anh nhận ra rằng “ly nông” không nhất thiết phải “ly hương” vì ngay tại đây vẫn có thiếu gì việc cho anh làm như lời ông Tám nói./

 

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 1739
Ngày đăng: 30.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng hú - Lê Trâm
Cô gái mặc áo blu trắng - Đỗ Ngọc Thạch
Mẹ tôi - Minh Diện
Nước vây - Phùng Văn Khai
Đừng rót trà cho em nữa - Nguyễn Đình Bổn
Kẻ lang thang - Leonid Leonov
Tô tem của tí choai. - Lâm Hà
Ẩn dụ về nhà văn - Karinthy Frigyes
Viết thuê - Trần Kim Sơn
Hoa quý - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)