Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
558
116.602.894
 
Điên như Kiệt Tấn 1
Khuất Đẩu

Bài 1.  Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi!

 

Thuở còn bé, St Exupéry vẽ một con trăn nuốt con voi mà bao nhiêu người lớn nọ cứ tưởng là vẽ một cái mũ. Cái hồn mộng mị mà người lớn không sao hiểu được ấy, mãi sau này, giữa sa mạc mông mênh, giữa chết và sống, chú mới tìm được người đồng cảm. Đó là một cậu bé mong manh như ánh trăng từ một tinh cầu bé xíu đi lạc xuống trần gian, nhờ vẽ cho một cái rọ bịt mõm. Phải mất một lúc lâu, từ người lớn trở lại làm đứa bé, anh mới vẽ được một cái thùng hình hộp đủ cho trí tưởng tượng của chú bé tin là mình đang nhốt một con cừu.

 

Hoàng tử bé của tôi ơi! Biết bao người ở khắp nơi trên thế giới đã từng kêu lên như thế. Nhờ cậu mà tâm hồn khô cằn của họ bỗng dưng xanh mướt như cỏ tháng giêng, để cho đứa bé của năm xưa bước đi núng nính. Nhưng họ là những cư dân của phố thị giàu có rộn ràng. Họ reo vui khi tìm lại được thiên đường tuổi nhỏ nhưng với một anh nông dân cho dù là ở xứ Bạc Liêu giàu có nếu một hôm bất ngờ gặp hoàng tử bé thì cũng chỉ biết giương mắt ếch mà nhìn. Vì sao? Vì chú mong manh quá, cao sang quá, con của vua mà lại!

 

Cho dù Kiệt Tấn đã có bằng đại học ở Canada và đang sống ba mươi năm hơn ở Pháp, tôi vẫn tin ông là một nông dân. Mà lại là nông dân thứ thiệt, chẳng tin, thử đọc Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi thì hết cãi. Kiệt Tấn không kêu Hoàng tử bé của tôi ơi mà lại kêu em vịt vàng nhỏ của tôi ơi!, kêu lên giữa Paris hoa lệ, giữa xứ sở của St Exupéry, kêu lên giữa lúc khôn nguôi nhớ về cái tuổi nhỏ quê mùa ở tận Hậu Giang, chỉ mong đến Tết để được ăn thèo lèo cứt chuột!

 

Mà lại kêu bằng em mới dễ thương và dễ ghét làm sao! Dễ thương vì một cậu bé sáu tuổi tưng tiu con vịt bé xíu như em út của mình là thương đứt đuôi con nòng nọc rồi, không trật một ly ông cụ nào. Còn dễ ghét là vì anh dám gọi con vịt bằng em trong khi tôi là vợ anh cho dù đã già nhưng rất hiền lại cứ bị gọi mụ nọ mụ kia!  Hay là tại ông điên như Bùi trung niên thi sĩ đã từng kêu các nàng dê bằng em! Kêu sướng miệng quá, ước gì tôi cũng điên được như ông.

 

Nói vậy mà chơi chứ ông không điên đâu, ông khôn bỏ mẹ. Ông mượn cái chết của con vịt vàng để chửi Pháp, chửi chiến tranh, chửi thằng con bà chủ, chửi luôn cả bà, lại nói kháy cả ông cụ sinh ra mình. (Cái chi tiết bà chủ đi ra bờ ao xả nước thải bị con vịt xiêm cồ cuồng dâm rỉa cái bàn tọa la choi chói đã lạ rồi mà ông bố bảo gặp tao, tao cũng rỉa huống hồ là con vịt, quả thật là có một không hai trong văn chương Việt).

 

Xin được trở lại với em vịt vàng. Câu chuyện bắt đầu bằng một cái trứng vịt ( trứng sinh ra vịt đấy nhé, đừng có cãi cù nhầy nữa). Cậu bé Kiệt sáu tuổi một hôm nhặt được một cái trứng giữa đám ruộng trước nhà. Cậu lấy mực đánh dấu rồi nhờ con vịt xiêm mẫu hậu ấp nở giùm. Con vịt xiêm là mẹ nuôi còn cậu tự xưng là anh ruột. Nhưng vịt vàng xinh xinh lại tưởng mẫu hậu là mẹ ruột nên suốt ngày cứ lẻo đẻo chạy theo. Và rồi một hôm trước tết, bị một đoàn xe nhà binh và xe thiết giáp của Pháp cán chết. Chỉ có vậy thôi, nhưng tôi nghĩ Trường hận ca của Bạch Cư Dị khóc Dương Quý Phi, hay Tự Đức khóc Trịnh Bằng Phi cũng không lâm ly não nuột bằng chú bé Kiệt Tấn khóc em vịt vàng của mình. Không bằng, bỡi vì cái chết của con vịt vàng tội nghiệp quá. Mười mấy chiếc xe mười bánh và xe tăng xích sắt kêu loảng xoảng cán qua thì còn gì là xương thịt. Không bằng, cũng bỡi ông quan tư mã áo xanh và ông vua ốm yếu mặc hoàng bào ấy dẫu sao cũng đã là người lớn. Mà người lớn thì đã chắc gì khóc thiệt nhất là khóc bằng cách “đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ xếp tàn y lại để dành hơi”

 

Có một thời tôi cũng đã khóc con chó mực của mình, nhưng khi cột ba đồng tiền vào cổ liệng xuống sông là hết khóc ngay. Có đâu như Kiệt Tấn, qua Canada rồi qua Paris mà vẫn còn khóc đến tận bây giờ. Xem cái đoạn cậu bé sáu tuổi phải mất một buổi ngồi nhặt từng sợi lông, cạy từng chút đất sỏi dính máu dính thịt bỏ vào tờ báo gói đem đi chôn, tôi không khỏi liên tưởng đến người mẹ Gio Linh nghẹn ngào không nói một câu mang khăn gói đi lấy đầu. Có biết bao người mẹ đi nhặt xác con, người chị đi nhặt xác em, người vợ đi nhặt xác chồng trong cuộc chiến dài lê thê vừa qua! Bây giờ ông hãy còn khóc là khóc cho bọn họ, những nạn nhân không tên không tuổi ở quê hương mình.

 

Cái tuổi thơ của những người Việt nay sáu bảy chục tuổi là vậy. Mất mát nhiều quá. Chỉ một con vịt vàng bé xíu kêu lép kép đã đau như thế huống hồ mất mẹ, mất cha, mất cả quê hương.

Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Từ ngày em bị chiếc xe nhà binh mười bánh và chiếc xe tăng nghiến nát, cuộc chiến tranh không ngừng tiếp diễn khốc liệt ở quê hương hai anh em mình Tôi tô đậm sáu chữ này để khắc sâu một lần nữa cái quê hương đằng đẵng ba mươi năm chiến tranh khiến một người giàu xúc cảm như ông xót xa khi nhớ tới. Con vịt vàng bé xíu bị hàng chục chiếc xe mười bánh và những chiếc xe tăng nghiền nát sao giống với thân phận của nước Việt mình quá.

Năm nay đào lại nở, năm nào đào chẳng nở, nhưng ông chẳng nhớ tới ông đồ già, cũng chẳng nhớ tới một nhân diện đào hoa tương ánh hồng nào, lại càng không nhớ tới một tà áo tiểu thư hay tóc vàng sợi nhỏ mà nhớ tới em vịt vàng nhỏ của mình. Nhớ tiếng kêu lép kép, nhớ màu lông vàng tức là nhớ tới cái xóm Mới tuy nghèo vẫn rộn ràng đón xuân. Nhớ tài kho thịt của cha, quần áo mới do má xỏ kim may có hai túi thẳng hai bên coi cũng le lói lắm. Trên tầng thứ mười lăm của một cao ốc lạnh lẽo ở ngoại ô Paris, ông nhớ thương quê cha đất tổ còn hơn bà huyện Thanh Quan nhớ nước đau lòng con quốc quốc / thương nhà mỏi miệng cái gia gia khi đi qua đèo Ngang.

 

Ông Kiệt( không có chữ Trụ) ơi, bắt chước một câu thơ nổi tiếng, tôi cũng kêu lên rằng, ông ơi, ông ở rất xa/ mà sao tôi thấy rất là Việt Nam. Ông đã là dân Paris rồi nhưng không mất gốc, những người đã gần bảy chục tuổi đầu mà còn biết nhớ tới con vịt vàng bé xíu là không bao giờ mất gốc. Nỗi nhớ như rễ đước cắm sâu ở rừng Cà Mâu thì sóng gió nào nhổ bật lên được.

 

Cũng đừng bảo rằng chuyện một con vịt be bé bị xe cán có chi đâu mà phải ầm ĩ. Hãy nhớ rằng đối với một đứa bé sáu tuổi, con vịt xấu xí đó đã được cậu yêu thương hơn cả cha, yêu như yêu mẹ đó, thì trên đời này không có gì to tát bằng. Yêu nước, yêu dân, cậu không biết yêu ra làm sao, nhưng bảo yêu con vịt từ lúc xí được cái trứng cho đến khi biết kêu lép kép là cậu hiểu được và yêu được. Yêu mãi cho đến già, đến chết.

 

Trở lại câu chuyện Hoảng tử bé. Tác giả bảo cảnh đẹp nhất là cảnh vẽ một ngôi sao cô độc trên nền trời sa mạc. Còn đây là cảnh đẹp và buồn nhất mà ông Kiệt vẽ ra cho tôi, một người đồng niên ở tận quê nhà: trên cụm mây xa thiệt xa, tôi hình dung một đứa nhỏ sún răng đang ôm con vịt vàng nhỏ của mình trong lòng và hai anh em đang bồi hồi ngó xuống trần gian ngắm thiên hạ nở pháo rộn ràng đón Xuân…

 

Cảm ơn ông đã cho tôi sống lại thuở lên năm lên sáu bằng một truyện nhỏ đầy chất dân dã mộc mạc như những câu hát buồn muốn chết mà thương cũng muốn chết trên Cửu Long giang.

 

10/2009

Khuất Đẩu
Số lần đọc: 2389
Ngày đăng: 30.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Viết cho những nỗi người… - Phạm Xuân Hùng
Lê Mai Thao – Phiêu Du Dọc Miền Ký ức - Tạ văn Sĩ
Cuộc đời nhân vật đã bị bỏ quên - Trần Thị Ngọc Lan
Tiếng hát người nô lệ mới của Nguyễn Ước - Nguyễn Hồng Nhung
Để khuyết giải thơ 2009- Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam không có con mắt xanh - Trần Mạnh Hảo
Tái ám ảnh về một bài thơ ám ảnh - Đỗ Quyên
Đi suốt đời chưa hết niềm say - Bùi Công Thuấn
Nỗi đời riêng và ánh rằm xưa - Võ Quê
Đẹp dị biệt từ “ Dị hương “ - Nguyễn Hoàng Vân Anh
Thơ vài khắc của Nguyễn Hồng Nhung - Phương Giang
Cùng một tác giả
Những con đom đóm (truyện ngắn)
Tiểu công chúa (truyện ngắn)
Vua Tango (truyện ngắn)
Phố Núi (truyện ngắn)
Bóng Tháp (truyện ngắn)
Không Thấy Núi (truyện ngắn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)
Để Tang Cho Sách (truyện ngắn)
Ai Đã Giết A.Q ? (truyện ngắn)
“Bộ Tam” (truyện ngắn)
Trăng Hát (tạp văn)
Cặp Đôi Bi Tráng (truyện ngắn)
Chôn Đứng (truyện ngắn)
Nguyễn Hòa VCV (tạp văn)
Những đêm trắng (truyện ngắn)
Bà chúa hời (truyện ngắn)