Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
579
116.535.398
 
Ba truyện hài hước
Karinthy Frigyes

1.  Đến thầy thuốc thần kinh

 

Tôi suy nghĩ một tý rồi bảo:

-Tớ thích ăn xúp đậu vàng lắm.

Thằng bạn tôi, kẻ đang nghiên cứu phân tâm học của Freud, gay gắt nhìn:

- Tại sao cậu bảo cậu thích ăn xúp đậu vàng?

- Tại tớ thích- tôi thật thà.

- Hừm! Lúc sáu tuổi cậu có quan hệ thế nào với một người đàn bà tóc xanh?

- Tớ không nhớ. Tại sao?

- Bởi xanh và vàng là hai màu hỗ trợ cho nhau. Về con người không có nguyên nhân không nói lên điều gì: đây là thành tựu của phân tâm học. Tất cả mọi hiện tượng đều là biểu hiện vô thức của chủ nghĩa bạo dâm hay khổ dâm bị dồn nén: tất cả đều có nguyên nhân tính dục trong đó, và đều dẫn dắt trở lại ký ức tuổi ấu thơ. Thời còn bé cậu có quan hệ với một người đàn bà tóc xanh, nên cậu thích ăn xúp đậu vàng

- Có thể, nhưng tớ quên mất rồi.

- Nhưng tớ nhớ. Thần kinh của cậu hỏng rồi. Chủ nghĩa bạo dâm của cậu, bản năng tàn bạo của cậu muốn sống dậy. Cậu thú nhận đi, cậu muốn giết chết xúp đậu vàng.

- Tớ?!

- Đúng thế. Cậu muốn đấm và đánh xúp đậu vàng, bởi vì cậu phải lòng một người đàn bà tóc xanh, nhưng lại không thể hành hạ nàng. Cậu muốn giết chết nàng. Thần kinh cậu khủng hoảng. Cậu phải đến ngay bác sĩ thần kinh Berenczy, ông ta sẽ phân tích cho cậu biết. Đời cậu thế là hết.

 

Hoảng quá, tôi chạy ngay đến chỗ bác sĩ thần kinh Berenczy.

Lão tiếp tôi trong phòng làm việc. Tôi vừa bước vào, lão nhìn tôi chế nhạo cay đắng.

- Anh vội đi đâu ? đi đâu? - lão bảo - anh muốn, đúng không, những cánh cửa rơi vào đầu tôi, làm tôi chết ngoẻo?

- Xin…xin lỗi…phía này…không…thể..

- Nghe đây, anh kia, chỉ hai bản năng dẫn dắt nổi tất cả hành động và suy nghĩ của chúng ta: bản năng tàn bạo tính dục và bản năng bị ô nhục về tính dục. Động lực bị dồn nén của tư tưởng chúng ta là hai bản năng: bản năng của chủ nghĩa bạo dâm và bản năng của chủ nghĩa khổ dâm. Quả thật… anh muốn gì?

- Tôi… thích ăn xúp đậu vàng- tôi run rẩy thú nhận, sống lưng lạnh toát.

- Ta cũng nghĩ thế- lão bác sĩ thần kinh khinh bỉ nói- anh ngồi xuống đây, xem nào, ta có thể làm gì với anh.

 

Tôi ngồi xuống, cảm thấy cơn đau răng lúc mới bước vào đã biến mất.

Lão bác sĩ ngồi đối diện.

- Tóm lại, anh thích ăn xúp đậu vàng- lão nói- Anh có hiểu thấu đáo, điều ấy có nghĩa lý gì, khi anh thích ăn xúp đậu vàng ?

- Thưa bác sĩ…- tôi rơm rớm nước mắt- ..tôi rất thích ăn xúp đậu vàng…nhưng nếu không có…tôi từ bỏ được…

- Ngậm!-  bác sĩ rống lên- ta sẽ cho anh biết tay. Anh rất yêu xúp đậu vàng. Thần kinh anh suy sụp. Anh là kẻ cuồng dâm. Anh thích độc ác, anh muốn giết tất cả mọi người, anh muốn nện, muốn bấu, muốn véo, muốn đâm, chém, anh phải lòng một con mẹ già, anh muốn chặt đầu mụ, nhưng chính anh không biết. Đêm qua anh nằm mơ thấy gì?

- Tôi mơ thấy Fuksz cho tôi hai mươi đồng tiền korona- tôi thì thào, răng đánh vào nhau lập cập

- Ngậm!-  bác sĩ hét- Giấc mộng của anh có nghĩa là anh bướng, chính anh không biết anh phải lòng Fuksz, anh thích tiền, anh muốn Fuksz giá mà rơi từ Lâu đài Người đánh cá xuống đất gẫy cổ. Anh là thằng bạo dâm bất trị. Anh là Nero hiện hình. Anh là Caligula. Ta sẽ cho anh biết tay, quân tội phạm!

- Tôi … làm gì bây giờ? – tôi òa lên khóc.

- Cần phải đánh thức một khuynh hướng chủ nghĩa bạo dâm mạnh hơn để đè bẹp sự cuồng dâm vô hạn của anh, để chiến thắng cái bản năng này, cần đánh thức khuynh hướng khổ dâm trong anh. Anh muốn ra lệnh, muốn cai trị, muốn quyền lực: đấy là cái bệnh thần kinh chết người của anh, ta sẽ chữa cho anh. Ta sẽ tác động bạo lực vào anh. Hiểu chửa?

- Dạ, hiểu…- tôi run lẩy bẩy và co dúm người lại trên ghế.

- Rồi.- lão bác sĩ bảo, và đứng dậy.

 

Lão nhìn tôi bằng cặp mắt tóe lửa.

- Đừng!, Giời ơi! Đừng…- tôi rên rỉ.

- Ngậm! -  bác sĩ rống lên- Mi là kẻ bạo dâm chó chết. Đứng ngay lên, nếu không ta bắn!

Tôi đứng lên.

- Có thế! Thò ngay tay vào túi. Hiểu chưa? Không ta tát cho một cái, bay xuống cầu thang bây giờ

Tôi thò tay vào túi.

- Có thế! Lấy ngay năm mươi đồng korona đưa cho ta. Nào, cái gì xảy ra? Nhanh lên. Rồi ta sẽ xóa sổ chủ nghĩa bạo dâm kệch cỡm của mi! Ta sẽ chữa cho mi khỏi chủ nghĩa cuồng dâm! Thế nào?

Lão giơ tay định tát.

 

Tôi run bần bật đưa cho lão năm mươi đồng korona.

Lão túm lấy cổ áo tôi, rồi đá nhào tôi lăn xuống cầu thang.

Từ chân cầu thang, tôi ngước mắt ngạc nhiên nhìn lên.

Thấy lão nhăn nhở cười bên cạnh chấn song:

- Tốt lắm.- lão nói- chủ nghĩa khổ dâm của anh bắt đầu phát triển dưới tác dụng tốt đẹp của chủ nghĩa bạo dâm theo hướng ngược lại. Vài tiếng đồng hồ nữa anh sẽ khỏi hoàn toàn. Rất hân hạnh được phục vụ anh. Lần sau anh đến nữa nhé.

 

(2009.06.18)

 

2. Đến mẹ đẻ tớ còn chả nhận ra

 

- Thật kinh khủng- bạn tôi, nhà thơ lập dị và tinh tế nói, trong lúc cánh tay trái của chàng đung đưa như một cành hoa hồng vàng bằng lụa, lủng lẳng thò ra ngoài tràng kỷ- Thật  kinh khủng, đến mẹ đẻ tớ còn chả nhận ra tớ

 

Hai chúng tôi  trầm ngâm.

Có cái gì đấy ngây ngất và đồi trụy trong lời thú nhận, như thể một âm thanh đổ vỡ và than phiền, và câm lặng, và tất cả.

- Thật kinh khủng- tôi cũng lên tiếng.

Trong lúc đó, những cái móng tay của tôi lặng lẽ và cong cớn dài ra trong ánh chiều chạng vạng, những nếp nhăn trên ngực áo ghi lê mỉm cười méo mó.

 

Ô! những hương thơm ngột ngạt, như thể vừa trụy lạc vừa héo mòn chen chúc nhau lan tỏa, Ô! Thượng đế! và những túi cafe đắng ngắt.

Ngây ngất và bàng hoàng, Chúa ơi, một lần nữa tôi dang rộng đôi tay

-  A! Cho qua! - nhưng tôi vẫn thốt lên lần nữa: Thật kinh khủng.

-  Đúng thế- Félix trả lời nho nhỏ, trong ảo ảnh tưởng tượng về một viên sĩ quan đang hành hạ cấu xé chiếc tạp dề của các xơ nữ đầm đìa máu

-  Đúng thế. Có thể rất kỳ quặc, nhưng đúng thế- chàng nói -  Tâm hồn bất khuất của ta, tớ không biết, và có thể cũng chẳng phải thế. Nhưng đúng là tớ đã rơi ra khỏi cuộc đời một cách  tráng lệ, rơi, đây là một sự thật, cậu biết đấy, một sợi dây buộc giày mới bi thảm làm sao, một nỗi hân hoan đi về phía cái chết, và tất cả.

 

Cậu hãy thử tưởng tượng, một thị trấn ngoại ô quê mùa, cả thời trẻ thơ của tớ, trong một ngôi trường dân lập, nhưng chỉ đến lớp ba thôi, từ đấy tớ chỉ có đi lên, tiến lên đến đỉnh cao của tâm hồn, tỏa ánh sáng rạng ngời và tàn bạo, đến tận nỗi tê dại của bất lực, cậu hiểu chứ? Cậu vẫn hiểu đấy chứ?

- Vẫn…tớ hiểu- tôi lắp bắp- đến đây vẫn đang còn có ý nghĩa. Cậu nói đi, chúng ta hãy đi thẳng vào thực chất, bởi đến đây vẫn đang còn có ý nghĩa.

-  Tớ…tớ có thể nói được gì hơn ? Đoạn sau cậu biết rồi. Thi phẩm và những tình yêu nho nhỏ, Budapest - cái thung lũng nóng bỏng, ô! Và những vòng lụa dịu dàng, ô! Và những vòng đai thùng…

-  Bằng gỗ…-tôi dịu dàng tiếp, nhưng thực ra chỉ phác họa một cử chỉ mệt mỏi.

-  Thế đấy…tớ thất lạc trong điệu nhảy quay cuồng và điên dại, thủ đô, những thành công vặt vãnh, cậu biết rồi đấy.

Chàng nhìn tôi

-  Sự bừng tỉnh vụn vặt trong cơn sâu thẳm, tất cả là xanh biếc của bầu trời những cơn quằn quại…tóm lại…

-  Tóm lại?

-  Tóm lại nói một cách du dương, thật tuyệt mỹ, mười tám năm trời, Đấng sinh thành ra con!, mười tám năm giời tớ không về nhà…cậu thấy đấy, thật đẹp đẽ và khao khát biết bao, nhưng than ôi! Tớ đã thay đổi! tớ đã thay đổi khủng khiếp…

 

Đang nói, chàng đã giơ tay muốn ôm mặt, Félix, những ngón tay quý phái và cứng đơ, ôi! Félix và chàng khóc, ôi! Félix, như thể hoàng hôn đang buồn bã chìm dần, crépuscule d’automne

 

Tôi đã định an ủi chàng, những từ ngữ xanh xao còm cõi và đầy chất thị dân tầm thường bứt lên từ sâu thẳm, niềm cay đắng tự nó lăn lộn trong vẩn đục của nó, thì chàng lại lên tiếng.

Chàng nói bằng giọng đờ đẫn và hoang mang:

-  Đến mẹ đẻ tớ còn chả nhận ra, giờ đây, khi tớ về thăm nhà.

Tôi trầm ngâm: có thể nói gì đây trước một nỗi buồn sa đọa và thống thiết.

-  Mẹ đẻ tôi- Chàng rên rỉ - Thi ca để làm gì…tất cả…những cơn điên rồ cuồng nộ của tôi để làm gì và những nỗi bất lực cao quý, kiêu ngạo, tất cả,  tôi đã chắt chiu cho mình…nếu như đến mẹ đẻ tôi còn chả nhận ra…vĩnh viễn…Cậu thử tưởng tượng, tớ ra đi, mười tám năm sau, tội nghiệp, người lữ hành gục ngã, giữa những ga tàu và những tiệm ăn lộng lẫy…thị trấn quê hương, những con đường…và tất cả. Tớ đã gặp giữa đường…

-  Gặp mẹ…- tôi nhấn một nốt trầm, như cái đồng hồ treo tường ngân lên khi bị gió bão bứt ra.

-  Gặp mẹ…đúng, tớ nhìn thấy bà đi trên đường cái. Mẹ của con, tớ nói, mẹ không nhận ra con à? Ôi! Félix, Félix- lúc đó tớ đã lắp bắp- mẹ không nhận ra con trai mẹ…mẹ …cậu tưởng tượng đến mẹ đẻ tớ còn chả nhận ra…

-  Sao nữa?...

-  Cái gì sao? tớ quay đi ngay lập tức…ngồi lên tàu, con tàu phong ba bão táp…và tớ quay về. Hết. Thế là tất cả. Mẹ đẻ của tôi!...ôi! mẹ đẻ của tôi!...

 

Chàng khóc nức nở, ô! Felix.

Rất lâu, rất lâu chúng tôi ngồi im như thế. Ô! Và tôi lắng nghe nỗi u sầu rỉa rói.

Sau cùng, rất khe khẽ, tôi thì thào:

-  Ê, cậu!- tôi bảo chàng- e-hèm!

Chàng quay lại

-  E-hèm! Cậu…có chắc…có chắc đấy đúng là mẹ cậu không?

Chàng sững sờ  và choáng váng nhìn tôi, miệng vẫn đang nức nở cố nuốt đi vài tiếng rên rỉ. Rồi rất lâu sau, chàng há hốc mồm nhìn tôi chằm chằm.

-  Ôi!- chàng bật ra, một cách hiền lành và van vỉ- cậu nói gì nhỉ

Rồi từ từ tỉnh lại:

-  Rất…rất có thể…cậu…tớ không dám chắc…Yên, để yên xem nào.

Chàng suy nghĩ một hồi rồi đập tay lên trán:

-  Tất nhiên rồi- Chàng cất tiếng cười vang đầy an ủi- giờ tớ mới nhớ ra, mẹ tớ thấp và tóc vàng, còn người đàn bà này cao và tóc đen, người tớ gặp ấy…gần như chắc chắn…đấy không phải mẹ tớ.

 

Thế là cả buổi tối hôm ấy chúng tôi hết sức vui vẻ.

 

( 2009-07-02)

 

3. Các nhà soạn nhạc

 

Hết mùa rồi, tôi nghĩ, vả lại một lần mình chưa hề vào nhà hát Opera.

Thế là tôi đi, định xem vở”Hãy đến đây nào!” của Wagner.

 

Trên đường tôi gặp ông bạn học trường nhạc, hắn nói giờ hắn làm việc trong một dàn nhạc giao hưởng lớn, với bản nhạc sắp trình diễn ở Viên, tôi hãy nghe đây, lalalala- lalalaa…nhưng hắn có viết hai bài tấu hài phổ nhạc. Tôi chớ đi xem một mình, hắn sẽ đi với tôi và giải thích về nhạc cho tôi nghe, chứ một mình làm sao mà hiểu được.

 

Dọc đường đi hắn đã bắt đầu giải thích. Cậu xem, nghe tớ đây này, cả tác phẩm nằm trên một môtip, mà các giai điệu sẽ bắt nguồn từ đấy. Cậu nghe đây, lalalala, đây là violon-xen, giờ đến kontrapunkt- đa âm: tralalala…âm trầm: phừng phừng, giờ lên, lên, chỉ lên, đến tận triangel- âm cao nhất: trere,tretete, đây nữa, nghe, nghe này: che-che-che, nhỏ dần, rồi bùng nổ: pùmpùmpùm cứ thế đến piano: nhinhinhi,bebebe,avavava…

 

Khúc dạo đầu. Trên sân khấu, ánh đèn mờ ảo. Tôi chăm chú lắng nghe khúc ca dạo đầu.

ÔNG BẠN: ghé vào tai tôi hồi hộp: bắt đầu! Cậu nghe thấy chưa! Violon-xen. Cậu chú ý:  bebebebe, brub,ru…tay hắn kéo ngang nhịp nhàng Tuyệt!...Tuyệt! A, allé Achtung vor phối âm phối khí. A, bọn này biết phối khí…hắn đắc thắng nhìn tôi. Một tai tôi tìm phối âm, tai kia bực bội ngọ nguậy

 

ÔNG BẠN rống lên Bắt đầu!...cậu chú ý…bắt đầu giai điệu phản bác…S..ssờ…Bu…bem..bem…Cậu nghe thấy chưa?!! Nghe thấy chưa, đấy …trađamtrađam…đến violon: pipipi…cậu nghe tiếng búng violon?...cậu không nghe thấy tiếng búng rồi. Hắn  nhìn tôi dọa dẫm

 

TÔI sượng sùng như bị bắt quả tang: đâu, tớ  nghe thấy…thật mà…tuyệt! Tôi hốt hoảng tìm kiếm giữa mọi âm thanh tiếng búng violon, những cái tai của tôi đứt rời, và bảy người anh em nắm tay nhau chui vào lỗ tai tôi. Chúng cáu kính bò ngổn ngang giữa các nhạc cụ, trèo lên bộ thổi, chui vào kèn đồng, chui xuống dưới gầm piano, rồi chễm chệ nhảy lên ngồi cạnh bộ dây của violon hỏi đi hỏi lại: xin thưa, chúng tôi đánh rơi hai âm thanh của bác búng violon, làm ơn đem trả lại nếu nhặt được.

 

ÔNG BẠN riễu cợt trắng trợn: Tuyệt! …tớ đã bảo tuyệt!...thôi, giờ cậu chú ý đến tiếng piano đây này…sắp đến….đấy là đỉnh cao của sự hài hòa…toàn bộ piano …pli..pli sau đó cao hơn tretetete, trete: pizzicato…nghe này…sắp…sắp. Bằng hai ngón tay hắn làm một động tác như thể chúng tôi đang sờ soạng một vật gì bé tý

 

TÔI hốt hoảng chờ đợi piano. Một phút sau tiếng kèn câm bặt, và một điệu violon lả lướt. Đúng lúc ấy:

 

ÔNG BẠN rống lên: Bắt đầu! Bắt đầu! Bắt đầu! Cậu chú ý  piano đây này…thấy chưa?...Hắn nhắm mắt, thân trên bắt đầu bơi lội, sang phải sang trái, như làm động tác chạy tại chỗ, lườn uốn éo, sắp sửa cất cánh bay lượn. Trong lúc ấy tiếng piano tràn ngập màng phổi, chới với hân hoan không kìm giữ nổi: cả nhà hát chỉ nghe thấy âm thanh này. Nhưng người ta chỉ chơi piano dưới kia. Sau cùng âm thanh tắt dần, hắn ngậm miệng và chỉ thấy môi hắn mấp máy.

 

TÔI giờ chỉ muốn nghe xem trên kia có gì. Tôi nghểnh cổ. Một quý bà đang hát  khúc tình ca trên sân khấu

 

ÔNG BẠN bất ngờ thụi vào sườn tôi một cái đến nỗi tim tôi dừng lại. Hắn đưa cặp mắt vằn máu ngây dại ngắm trần nhà, rồi thều thào. Cậu nghe thấy không?

 

TÔI sợ cứng người: Cái gì?

 

ÔNG BẠN: Cậu có nghe thấy gis? Thấy không: gis? Nghe thấy không?

 

TÔI: Tớ …tớ không nghe thấy…Sao? cô ta bị sao? Vẫn còn kịp…chúng mình đi gọi telefon..

 

ÔNG BẠN: Thấy chưa, Wagner đấy…cho một Gis vào thay thế Fis! Điều này chỉ Y dám làm, chỉ Y! Thật bất tử, không thể hiểu nổi, thấu tận xương tủy…đây là sự dũng cảm nhổ toẹt vào tất cả…đấy, trong âm này, một Gis vào cung thứ, ba thăng giáng…ba…

 

MỘT GIỌNG  NÓI  đằng sau chúng tôi:  Pardon, hai thăng giáng, một bê.

 

ÔNG BẠN quay lại: Ông nói với tôi? Ông có nghe thấy GIS?

 

GIỌNG NÓI khiêm tốn: Tôi là Kontrapunk Ernő, trường nhạc

 

ÔNG BẠN: tôi cũng thế, ông không nghe thấy à: Hắn hát trata,ta,tada-ra!

 

ÔNG KIA lạnh như kem, cất tiếng hát Có chứ, nhưng không phải: tra-ta,tada-ra, mà là: trete,dede-re!...

 

ÔNG BẠN riễu cợt Hay là như thế này: dede-rada-lala…

 

ÔNG KIA tức giận: Pe-pe…plem…plem…

 

ÔNG BẠN nồng nhiệt Tadaradala-da…

 

ÔNG KIA hát to hơn Tra..dadara…tedere…ti.te.tite

 

ÔNG BẠN gào hết cỡ: Tu-tu…tutu..

 

ÔNG KIA: Cái gì? Với tôi? Thế thì ông nghe đây Hát thật to: te..de-de..de-dalala…

                                        Rồi chúng nhảy bổ vào nhau, tát, đấm…

 

(2009-07-02)

 

 

Karinthy Frigyes
Số lần đọc: 1632
Ngày đăng: 02.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà thiện xạ! - Phùng Thành Chủng
Chiếc huy hiệu cồ - Minh Diện
Tình nghĩa phu thê - Phạm Thanh Phúc
Ánh đèn trong cửa sổ - Yuri Nagibin
Huyền thọai tình yêu - Trần Quang Vinh
Thiếu phụ và đứa con nhỏ - Vinh Anh
Con trâu thần - Trương Hoàng Minh
Quê Mẹ - Lê Hải*
Tiếng hú - Lê Trâm
Cô gái mặc áo blu trắng - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Ba truyện ngắn (truyện ngắn)
Ẩn dụ về nhà văn (truyện ngắn)
Ba truyện hài hước (truyện ngắn)