Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
628
116.493.625
 
Lang thang chữ nghĩa- 6.
Phan Huy Đường

1. Darwin, từ tư duy hình thức tới tư duy biện chứng

 

Nhật báo Le Monde và nhà xuất bản Flammarion đăng và bán, trong một ngày thôi, quyển L'origine des espèces của Darwin với giá 1 €, mở màn đăng "những quyển sách đã thay đổi thế giới", mỗi thứ 5 một quyển. Ôi, thế thì, mỗi tuần ta chỉ bỏ 5€ thôi và chịu khó đọc một quyển trong bộ sách này thì sau một năm, ta có thể bớt ngu nhiều. Tôi đã mua quyển sách ấy với giá ấy. Nay đã đọc "lại". Phải nói : rất chán ! Cơ bản, đây là một cuộc tranh luận giữa Darwin với những thành kiến của thời ông, những thành kiến mà, hôm nay, người làm khoa học chẳng mấy ai tin nữa. Nhưng đấy cũng là giá trị lớn nhất của quyển sách : một cuộc tranh luận khổng lồ giữa nhiều thế kỷ tín ngưỡng của một nền văn minh với một cá nhân muốn hiểu.

 

Cuộc tranh luận ấy có thể tóm tắt, một cách thô bạo, như thế này.

Nói chung, tới thời Darwin, hầu hết trí giả đều chấp nhận sự mô tả thế giới tự nhiên của Linné : "vật giới", thảo giới, thú giới (règne minéral, végétal, animal) và, trong thú giới, sự sắp xếp của ông (Wikipedia) :

(vivant, sinh giới) → règne (giới) → embranchement (ngành) → classe (lớp) → ordre (bộ) → famille (họ) → genre (chi) → espèce (loài)

Thí dụ, cho loài người đời nay (Homo sapiens) :

(vivant, sinh giới) → règne animal (thú giớ) → embranchement des vertébrés (ngành có xương sống) → classe des mammifères (lớp có vú) → ordre des primates (bộ khỉ) → famille des hominidés (họ người) → genre Homo (chi người)espèce Homo sapiens (loài người hiện đại).

Thêm bước nữa, có giống nòi : variétés.

 

Đậy là một bước đường kinh điển trong quá trình tiến tới tri thức : quan sát thế giới, đặt tên cho sự vật, sự kiện, mô tả chúng, sắp xếp chúng theo một thứ tự dễ nhớ, dễ chấp nhận vì nó dựa vào một số đặc tính chung có thể quan sát được của những sự vật. Nét đặc thù của cách tiếp cận và suy luận này là : phi thời gian tính, phi lịch sử tính. Người ta trải kiến thức trong không gian, thế thôi. Với cách suy luận này, không thể tưởng tượng ra được học thuyết của Darwin. Mỗi loài đã được tạo ra như nó , không ai tưởng tượng được rằng con ruồi, con giun, con ếch và con người có một "cụ tổ" chung !

 

So với thời ông, trong lĩnh vực sinh học, học thuyết của Darwin có hai nét đặc biệt :

1/ Ông muốn tiếp cận "sự sống" trong thời gian tính của nó, tìm hiểu quá trình vận động khai sinh ra và dẫn tới sự tiêu vong của các hình thái của nó. Đây là nét đặc thù của cách tiếp cận và tư duy biện chứng : nó không tìm hiểu bản thể của sự vật hay sự kiện vì đối với nó không có gì tự tại, trường tồn, sự vật và sự kiện chỉ là những hình thái tồn tại tạm thời ổn định đối với nhãn quan giới hạn của ta ; nó tìm hiểu quá trình vận động khai sinh ra và dẫn tới sự tiêu vong của sự vật, sự kiện.

2/ Trong nhiều môn khoa học, đơn vị đo lường thời gian có thể là ngày, tháng, năm, 10 thế kỷ. Trong môn sinh học, với cách tiếp cận và suy luận của Darwin, đơn vị đo lường thời gian là 100 triệu năm[1] ! Quá trình vận động của sự sống trong thời gian ấy chẳng để lại bao nhiêu dấu vết, chắc chắn không đủ để chứng minh học thuyết của Darwin đúng.

Thực tế, Darwin đã quan sát sự vận động của những hình thái sống ngay trong thời đại của mình, xuyên qua những kinh nghiệm, kiến thức mà loài người đã tích lũy được. Từ đó ông suy diễn ra lôgích vận động của sự sống nói chung, từ thuở xa xưa hàng trăm triệu năm, dẫn tới những hình thái sống có thực ngày nay. Và ông đưa ra một quan điểm biện chứng để giải thích sự hình thành của các loài vật. Quan điểm ấy dựa trên hai khái niệm "sự tiến hoá" (vận động trong thời gian) xuyên qua "sự chọn lọc tự nhiên" (hành-sự trong môi trường, trong không gian ở một thời điểm nhất định). Hai khái niệm này thống nhất với nhau nhờ khái niệm "sự di truyền có thêm sự thay đổi[2]").

 

Vì thế, học thuyết của Darwin không là một môn khoa học. Nó "chỉ là" một lý thuyết khoa học (théorie scientifique) theo định nghĩa của Gerald Edelman : một giả thuyết đi đôi với những biện luận phải được sự kiểm nghiệm khẳng định hay phản bác. Điều ấy dễ hiểu : lý thuyết của Darwin chỉ có thể đứng vững nếu ta hiểu được một cách khoa học "sự di truyền" là gì. Chưa kể tới chuyện di truyền có thêm sự thay đổi trong lý thuyết ấy. Thời ông, sự di truyền là một niềm tin vu vơ, một khái niệm mơ hồ, một "nguyên lý" không có cơ sở khoa học. Chính ông biết rõ điều ấy nên ông mong đợi rằng ngành cổ sinh vật học tương lai sẽ mang lại những thông tin cho phép khẳng định lý thuyết của ông. Hôm nay, mong đợi ấy đã được đáp ứng nhưng nhờ một kiến thức… khác !

 

Người đầu tiên tạo ra một nền tảng khoa học khẳng định lý thuyết của Darwin là Mendel với công trình nghiên cứu sự di truyền của ông, công bố năm 1865, chỉ 6 năm sau sự chào đời của quyển Nguồn gốc của các loài ! (1859). Nhưng thời đó không ai quan tâm tới tác phẩm của Mendel.

 

Đến thế kỷ 20, người ta mới có khả năng tìm hiểu sự sống ở mức phân tử, định nghĩa, kiểm chứng bằng cách thao tác vào chương trình gien của các loài sinh vật, xác định "sự di truyền" là gì và vận động ra sao. Dựa vào những kiến thức ấy, ngành cổ sinh vật học khám phá được trong ADN của nhiều di thể những bộ gien cho phép khẳng định quan điểm của Darwin. Lúc ấy lý thuyết của Darwin mới được dứt khoát khẳng định : đây là một cách tiếp cận và tư duy khoa học có thể làm sợi chỉ đỏ hướng dẫn suy luận của con người trong nhiều ngành khoa học của môn sinh học.

Darwin lớn ở đó.

 

Văn hoá Anh sau thời Phục Hưng quả là đồ sộ. Newton, một đỉnh cao của khoa học vật lý. Darwin lập nền tảng cho sinh học. Adam Smith lập nền tảng cho kinh tế chính trị học. Shakespeare và biết bao nhân tài khác trong những lĩnh vực của nghệ thuật và tư duy !

 

sửa lần cuối : 2009-10-30.

 

[1] Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng tất cả các thú vật có trên mặt đất đều xuất thai từ một sinh thể đã sống cách đây 600 triệu năm.

[2] Một cá thể truyền lại cho con cháu những đặc tính dị biệt của mình đối với đồng loại, thuận lợi cho cuộc tồn sinh.

 

 

2. Đọc cổ  nhân

 

Hôm nay, tôi ghé một sạp báo mua tác phẩm lừng danh của Darwin. Tôi ngượng chín người. Trong 20 quyển sách đầu mà Le MondeFlammarion tuyên bố sẽ đăng mỗi thứ 5 tới một quyển, có gần ½ tôi chỉ biết tên, chưa hề đọc. Sống hơn 40 năm ở Paris mà âm u như thế thì chán thật. Ngay tác phẩm trứ danh của Darwin, tôi nhớ mang máng là tôi đã đọc ở tuổi thanh niên khi tôi mới qua Pháp, khi tiếng Pháp ở tôi còn ba xí ba tú, tôi chẳng còn nhớ gì thật rõ ràng, vì thế mà tôi mua để đọc "lại". Những gì tôi biết về Darwin đều qua những nhận định của các nhà khoa học sinh học mà tôi đọc sau này, và… Marx-Engels !

 

Tôi bật cười khi thấy quyển số 19 lại là Tuyên ngôn cộng sản (Le manifeste communiste, sau được tái bản dưới tên Le manifeste du Parti Communiste, của Marx và Engels). Thực chất, đây là một bài hịch, không là một quyển sách lý luận, tuy Marx-Engels không bao giờ viết suông bất cứ gì hết. Chính hai tác giả, trong mấy đề tựa, đã giải thích phần cơ bản (lý luận) và phần ứng dụng tạm thời, tuỳ bối cảnh (hịch). Người đời trong thế kỷ 20 đã dùng nó như thế nào, hôm nay, khỏi cần bàn nữa. Để xem Le MondeFlammarion sẽ đăng những gì trong quyển sách ấy. Nếu chỉ có bài ấy thôi, quá ngắn, đăng thành sách để kinh doanh sao được ? Có điều chắc chắn : tư tưởng của hai con người này, xuyên qua cách hiểu của người khác, đã góp phần thay đổi thế giới trong thế kỷ 20. Phần tích cực nhất là ở… các nước tư bản ! Hầu hết các môn "khoa học" nhân văn đã chịu ảnh hưởng của nó ! Chưa kể tới các thành quả chính trị và xã hội. Phần tiêu cực nhất là ở… các nước gọi là xã hội chủ nghĩa, toàn là những nước lạng quạng đi vào thời đại khoa học và công nghiệp từ một thực tế kinh tế xã hội chính trị và văn hoá của thời Trung cổ Âu hay Á. Đây là một câu hỏi đau điếng đối với người xuất thân Ziao Chỉ như tôi nhưng lại trưởng thành giữa Tháng năm 68 tại PhuLăngXa khi thanh niên và nhiều trí thức ào ạt đặt lại vấn đề với đủ thứ giá trị, niềm tin, hệ tư tưởng, học thuyết…

 

Có người nhận định rất đúng : nếu chỉ dựa vào tiêu chuẩn khách quan "Les livres qui ont changé le monde" thì nên đăng lại Mein Kampf của Hitler và Le petit livre rouge của Mao et tutti quanti. Bản thân tôi tán thành chuyện đó nếu, đồng thời, ta trang bị cho độc giả khả năng đọc sách, nghĩa là khả năng tư duy tự do, kể cả đối lập với… chính mình. Sau đó, như ta, mọi người tự do.  Hi hi…

Tôi hỏi bà bán hàng ở quầy báo : bán được không ? Bà bảo : chạy lắm. Dường như hôm nay bàn dân PhuLăngXa đang ý thức rằng mình đang khủng hoảng văn hoá nên mới có nhu cầu đọc lại một đống những văn kiện kinh viện như vậy. Thật đáng mừng.

Không biết đến ngày nào bàn dân Ziao Chỉ mới được "thoải mái" như thế ?

Nước ta, dân ta, hôm nay, nó vậy ? Đành vậy ?

 

Không. Hơn 60% người Việt đời nay dưới 25 tuổi. Hầu hết họ xa lạ với tất cả những chuyện này. Không phải vì vậy mà họ không có nhu cầu sống cho ra người. Chúng ta, những đàn anh khốn khổ, có gì đáng nới với họ không ?

 

2009-10-18. PHD

 

3. Khi trưng cầu dân ý chửi khoa học kinh tế

 

Cách đây không lâu, đầy nhà tư tưởng VN, sau vô vàn nhà tư tưởng quốc tế, hùng hồn khẳng định : phát triển kinh tế chỉ có thể có được với thể chế dân chủ pháp quyền. Nói toạc móng heo thì thế này : phải thành lập thể chế dân chủ pháp quyền tư sản mới có cơ may phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường tư bản toàn cầu hoá này. Vì kinh tế thị trường tư bản là nền kinh tế áp đảo nhân loại ngày nay ? Ai lại nói thế, tuy đó là sự thực ! Một tiên đoán của Marx đó, trong trường hợp này không sai – nhưng dù quý trọng Marx, tôi cũng không đành sống vậy, cũng vì một ý tưởng khác của Marx về con người.

 

Kinh tế kinh tế, khoa học, còn chính trị chính trị, là những trò chơi ta nên xa lánh ! Kinh tế chính trị học là chuyện phiếm, không đáng bàn đối với một nhà khoa học. Một số những vị đó cũng đã từng nêu giả thuyết rằng muốn phát triển kinh tế phải có một chính sách thống nhất lâu dài đúng đắn và đưa trường hợp Đài Loan và Nam Triều Tiên như ví dụ, quên béng rằng những nước đó đã phát triển kinh tế dưới thể chế độc tài, thậm chí quân phiệt. Còn Trung Quốc hôm nay, ai dám phủ nhận vị trí kinh tế hạng 3 trên thế giới của nó và đồng thời coi nó là một thể chế dân chủ pháp quyền tư sản ? Thôi mà, đó là tiểu tiết, bàn làm chi. Dù sao thì Đài Loan và Nam Hàn đã đạt mức kinh tế cao của thời đại và đã ít nhiều biến thành những nước dân chủ tư sản. Đó là điều đáng mừng cho họ. VN ta làm được như thế, tôi đành vỗ tay hoan hô liền. Tuy, nói trước, tôi rất đau, nỗi đau nhân tình dấm dớ ấy mà…

 

Theo những nhà tư tưởng ấy thì cách tốt nhất để tăng trưởng kinh kế là Nhà nước nên rút lui khỏi lĩnh vực kinh tế để thị trường tự điều tiết. Trừ khi thị trường điên loạn tới mức Nhà nước phải lấy tương lai của bàn dân để cứu vãn thị trường. Thị trường là ai, bố ai biết được, chứ bàn dân đóng thuế để cứu vãn thị trường là những ai, hôm nay và ngày mai, ai cũng biết.

 

Cũng theo những nhà tư tưởng ấy, nên tư hữu hoá tất cả những xí nghiệp quốc doanh. Đó là điều Pháp và Châu Âu ráo riết thực hiện từ hơn 20 năm nay, nhiều khi bằng lời dối trá với bàn dân : khẳng định Gaz de France (Công ty quốc doanh  Khí đốt Pháp) sẽ mãi mãi thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Pháp 100% và, vài năm sau, bán cho tư nhân).

Bàn dân PhuLăngXa đáng yêu thật. Chúng nó đáng là hậu duệ của Descartes. Chúng nó điên điên dân chủ đến thế này : chúng nó tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để xem có nên biến một cộng ty quốc doanh phục vụ dân sinh (service public) do tiền của chúng nó lập ra, Bưu điện Pháp, mỗi năm đem lại không ít tiền lời cho chính phủ Pháp, thành một "hội vô danh" (société anonyme, công ty kinh doanh của những người chủ vô danh) hay không ? Nếu chúng nó ok, thì quyền sở hữu Bưu điện Pháp không vĩnh viễn là của bàn dân PhuLăngXa đã tạo ra nó nữa mà có thể trở thành quyền sở hữu của một vài tư nhân. Kết quả sẽ thế nào, nó đã từng nghiệm sinh với một quá trình tương tự của công ty quốc doanh Gaz de France (Khí đốt Pháp).

 

Kết quả ? Hơn 2 triệu bàn dân PhuLăngXa đã tham gia cuộc trưng cầu ý kiến và hơn 90% đã tỏ ý chống lại quy chế mới của Bưu điện Pháp do chính phủ chủ trương. Chuyện này chỉ có thể hiện thực khi hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật của xã hội cho phép một phần của thượng từng kiến trúc của nó hiện thực : cách đây, chỉ 10 năm thôi, đừng hòng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như thế[1] ! Bàn dân PhuLăngXa thật ngu xuẩn, không biết điều, dám có ý kiến của mình về tương lai của một cơ cấu hoạt động xã hội do chính mình tạo ra với tiền của chính mình để phục vụ mọi người PhuLăngXa. Nó chẳng hiểu biết gì hết về quy luật kinh tế thị trường khoa học cả !

 

Chưa bao giờ nguyên lý dân chủ chửi bới khoa học kinh tế thống trị tư duy hiện hành đến thế này ngay trong một nước chủ trương dân chủ ở mức toàn cầu, nêu chính mình như một tấm gương, và biểu dương khoa học trong mọi lĩnh vực của tư duy !

 

Tất nhiên, cuộc Trưng cầu dấn ý này, trong chế độ dân chủ pháp quyền tư sản của PhuLăngXa hiện nay, không có giá trị pháp luật nào hết. Trong chế độ đó, thực tế, chỉ có một người thôi có quyền tổ chức Trưng cầu dân ý, đó là… tổng thống đương thời, là… Sarkozy thánh nhân. Trước đó có… Mitterrand và… De Gaulle. Trong những vĩ nhân ấy, chỉ có De Gaulle đã chấp nhận buông chính quyền, tuy không có gì bắt buộc, khi dân ý không đồng tình. Ông hơn chính giới PhuLăngXa ở đó. Người ta quý trọng ông ở đó : dám sống với niềm tin của mình ngay khi niềm tin ấy bị người đời bác bỏ.

 

Chưa bao giờ, ở PhuLăngXa, hoài bão dân chủ lại chửi kiến thức khoa học kinh tế thời thượng đến thế này. Ta nên nghĩ gì về chuyện ấy khi ta dựa vào "khoa học" kinh tế của đủ thứ trường phái thời thượng từ sau Keynes để khẳng định rằng thành lập một nền dân chủ tư sản kiểu Tây Âu là cần thiết nếu muốn phát triển kinh tế ở đời nay ?

 

Để bạn đời, nếu có, đừng lầm lẫn về tôi, tôi xin nói thẳng : tuy không mấy hứng thú, hiện nay, VN có được một thể chế dân chủ pháp quyền tư sản đích thực, với những giá trị văn hoá của nó, là điều đáng mừng. Bản thân tôi đã được hưởng điều đó, rất biết ơn nhưng không mãn nguyện. Tôi cầu mong mọi người Việt cũng được hưởng điều ấy, trước mắt, và, lâu dài, cũng không mãn nguyện như tôi.

 

2009-10-06.

 


[1] Vụ Bauxite ở VN cũng vậy !

 

4. Chết

 

Hôm nay ta tự-nhiên chết là chuyện bình thường, chẳng có gì phải thắc mắc. Làm sao khác được ?

Nhưng nếu ta còn một điều gì đáng nói mà chưa nói được nên lời, ta chưa đành chết.

Ngoài ra, hè hè…

 

2009-10-04. 

 

5.  Lòng người

 

Lòng người thường quá nặng với quá khứ, quá hời hợt với tương lai.

Nên quá khứ thắt họng tương lai.

 

2009-10-09. 

 

6. Nghiên cứu

 

Nghiên cứu, đương nhiên là tìm hiểu một điều gì chưa ai hiểu được. Nhưng, quan trọng hơn, là sáng tạo một cách tiếp cận, những giả thuyết và một cách suy luận mới mở đường hiểu biết một lĩnh vực chưa ai hiểu được.

Darwin khác đời ở đó. Freud cũng vậy.

 

2009-10-09.

 

7. Thơ, ý, tình

 

Thơ "có ý" có đầy, thường thiếu nhục cảm, chỉ lý luận suông, không có tình. Thơ tràn trề "nhục cảm" không thiếu, thường rỗng tuếch, không có ý, chỉ ví von nhạc điệu và chữ nghĩa thôi, rất thường tình, tôi có thể thích, ai mà chưa hề ? nhưng không mãn nguyện. Dường như văn ngày nay cũng vậy ! Petri György hơn đời ở đó. Vì thế tôi thích thơ Chân Phương.

Nhưng tôi không là nhà thơ, tôi ít khi dám dịch thơ, bốc phét về thơ, chỉ biết rung cảm thôi. Đành vậy.

 

2009-10-10. PHD

 

 

Phan Huy Đường
Số lần đọc: 2915
Ngày đăng: 02.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lang thang chữ nghĩa 5 - Phan Huy Đường
Lang thang chữ nghĩa -4 - Phan Huy Đường
Danh xưng nào chuẩn ? - Thẩm Hồng Thụy
Về chữ Huý trong Thác Bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam - Nguyễn Văn Hoa
Giá trị biểu cảm của từ “ai” trong thơ Tản Đà - Nguyễn Hoàn
Đại Danh Từ Tiếng Việt - V. U Nguyen
Nói về Mắt, Nhãn, Mục - Khổng Ðức
Khả năng liên tưởng nghĩa của từ “hoa” trong Truyện Kiều - Phan Thị Huyền Trang
Hiểu và giải thích cụm từ ‘chín chiều ‘ như thế nào? - Vương Trung Hiếu
Câu đối Và trào phúng bằng nghệ thuật câu đối! - Trần Huy Thuận