Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
879
116.623.536
 
Thần nông lên đồi
Khôi Vũ

Nếu cái tên Lâm còn dính líu chút gì đó với cái nghề của anh vì nó có nghĩa là rừng mà anh thì hiện đang là Trạm trưởng trạm trồng rừng Ông Thức, thì cái tên Hoa của ông tiến sĩ lại chẳng ăn nhập gì với những việc ông đang làm: Ông là tiến sĩ sử học và đang làm thêm ở một tổ hợp trồng sả. Hoa và sử học, và Hoa và sả. Tưởng như ông tiến sĩ Hoa là một đóa hoa lạc lõng trên giá sách hoặc trơ vơ giữa những thửa ruộng sả xanh rờn.

 

Ông tiến sĩ không ở hẳn khu đồi sả của tổ hợp: ông chỉ là một thành viên trong ban sáng lập - một thành viên khá quan trọng, người thứ nhì sau người thứ nhất là ông già Hưởng, tổ trưởng, một lão nông địa phương. Nghe đâu ông tiến sĩ đang dạy sinh viên học ở trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi khi có việc tổ hợp cần, hoặc có thể vào thời gian rảnh rang, ông tiến sĩ mới đi chiếc xe Puch hai thì chạy xăng pha nhớt sơn màu đỏ cổ lỗ sĩ có lẽ mua lại của một tay nào đó cũng cà tàng như chiếc xe, từ thành phố xuống khu đồi sả Ông Thức xa gần năm chục cây số. Những lần xuống đây, ông thường ở lại một hai đêm và muốn sao cũng dứt ra hẳn một đêm để hoặc ông qua Trạm trồng rừng, hoặc ông kéo Lâm qua khu đồi sả của ông, cùng ông và ông già Hưởng nhâm nhi dăm ba ly rượu rắn ngâm thuốc với chút mồi, cùng nhau tâm sự hàn huyên chuyện công tác, chuyện xã hội, chuyện đời, và cả chuyện... tình yêu.

 

Lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai người chỉ là một cuộc hội ngộ xã giao, kiểu láng giềng làm quen nhau. Lâm là người cũ, ông tiến sĩ thì mới tới, gặp nhau, chào hỏi nhau dăm ba câu cho phải phép lịch sự. Thế thôi. Bữa ra mắt tổ hợp, ông tiến sĩ đích thân qua mời Lâm tới dự để tỏ tình thân mật “thứ nhất cận lân”. Bữa ấy có cả Chủ tịch xã Tiên Phong là chủ quản ấp Ông Thức tới dự. Chính câu chuyện qua lại về việc Chủ tịch xã cấp đất cho tổ hợp đã là đầu mối cho Lâm có dịp hiểu hơn về ông tiến sĩ và sau đó họ trở thành đôi bạn vong niên khá thâm giao.

 

Ông tiến sĩ có cả một kho tàng kiến thức còn Lâm chỉ có một số kinh nghiệm nhỏ nhoi, cộng vào đó là những kỷ niệm thời thơ trẻ. Nhưng ông tiến sĩ xem ra lại thích nghe loại chuyện kỷ niệm này. Phải chăng để bổ sung cho cái chất khô vốn dĩ của nghề nghiệp ông? Chao ôi, toàn là những niên đại, chuyện kể, đất, đá và con người ngày xửa ngày xưa! Khi Lâm kể chuyện có lần theo chú vào rừng quê anh tìm trầm, tình cờ lấy được miếng kỳ nam về bán lại cho tiệm thuốc Bắc được một món tiền khá lớn, thì ông tiến sĩ hỏi dồn:

- Hãy tả cho mình nghe về miếng kỳ nam xem nào? Trong đời mình, thời gian lăn lộn ở rừng Khánh Hòa không phải là ngắn, nhưng trầm thì mình có thấy một lần chứ kỳ nam chưa bao giờ mình được thấy. Liệu cậu có còn nhớ rõ không? Chà! Hồi đó cậu mới mười lăm tuổi, bây giờ đã mười lăm, mười sáu năm nữa qua đi, khá lâu mất rồi. Theo tài liệu mình từng được đọc thì kỳ nam chính là lõi trầm già tích tụ nhiều tinh dầu thơm nhất có đúng thế không? Ngoại hình nó khác với trầm chỗ nào?

 

Lần khác, Lâm kể chuyện quê anh ở Cù Lao bên kia cầu Xóm Bóng, rồi anh hỏi ông tiến sĩ có biết tháp Bà Thiên Y A Na không? Ông tiến sĩ đáp ngay:

- Có, có chứ! Bà Pô Na Ga ấy mà. Có lẽ cậu chỉ nghe truyền thuyết mới sau này, khi người Kinh đã Việt hóa sự tích của một nữ thần Chàm. Thực ra vị nữ thần ấy đầu tiên được đúc tượng bằng toàn vàng hồi thế kỷ thứ mười. Sau đó, tượng vàng bị cướp mất, người ta phải làm thay một tượng bằng đá đen. Khi thực dân Pháp qua Việt Nam, chúng đã lấy một phần mặt tượng. Lần này, chịu ảnh hưởng của triều Nguyễn, mặt tượng bà Pô Na Ga được thay có dáng mặt một phụ nữ Kinh. Dù vậy, đồng bào Chàm vẫn tôn sùng bà, đồng thời đồng bào Kinh cũng coi bà như một đấng linh thiêng của mình. Hồi năm 1978, mình có ra Nha Trang, thấy nhiều bà con người Kinh từ miền Tây, miền Đông lặn lội ra tận đó mà xin xăm, cầu Bà phò hộ...

 

Ngoài kiến thức uyên bác, ông tiến sĩ lại sống rất có tình. Biết Lâm ở xa nhà, vùng Ông Thức lại xa thị xã, lần nào tới ông cũng gửi tặng anh đôi ba cuốn sách, tờ báo để đọc. Ông chọn sách dịch hay tiểu thuyết của các nhà văn trong nước, hoặc sách chuyên khảo có đề tài về rừng, là ngành nghề của Lâm. Lâm muốn hoàn tiền lại thì ông xua tay ngay:

- Cậu túng hơn mình, cứ giữ lấy mà tiêu...

Một năm với hai mùa mưa nắng đến rồi đi. Khu đồi tràm bông vàng thử nghiệm của Trạm đã qua năm thứ hai kể từ khi được trồng vẫn lên xanh tốt, hầu như phủ kín ngọn đồi. Quanh đó, trên những ngọn đồi khác thuộc khu đất do lâm nghiệp quản lý, tràm một năm cũng lên đều ngay hàng thẳng lối. Những chỗ khuyết do cây bị chết không bao nhiêu - dưới xa tỷ lệ quy định - còn chờ đầu mùa mưa năm tới mới trồng dặm. Dãy nhà của Trạm trồng rừng Ông Thức khiêm tốn nằm dưới hàng tràm thử nghiệm đầu tiên đã cao đến hơn năm thước, bông vàng rải thảm trên nền đất như hoa giấy trong ngày hội. Cây điều thử nghiệm duy nhất còn sống sót gầy gò khẳng khiu như bộ xương ở sát cửa sổ phòng Lâm, anh vẫn không chịu đốn bỏ đi theo đề nghị của anh chị em trong trạm. Anh muốn xem bản năng của giống cây có tiếng là không kén đất này trong trường hợp đặc biệt ở vùng đồi Ông Thức, có thể phát triển đến mức độ nào? Trên cái bàn nhỏ kê sát cửa sổ nhìn ra cây điều gầy, mấy chục cuốn sách đủ loại được Lâm trân trọng đóng bìa cứng, gáy vải để giữ gìn một kỷ niệm khó quên với ông tiến sĩ. Phải lấy số đầu sách chia bình quân cho hai hay ba để có được đáp số số lần ông tiến sĩ gặp anh đây? Chia mấy thì cũng không dưới mười lần. Và như vậy có nghĩa là rải ra cả năm, cứ chừng tháng, ông tiến sĩ lại từ Thành phố Hồ Chí Minh đi xe Puch xuống.

 

Thêm một cái Tết xa nhà qua đi. Bây giờ đã là tháng ba âm lịch, khoảng thời gian cuối nắng đầu mưa. Lâm đã nhận kế hoạch trồng thêm hai hec-ta tràm cho trạm trong mùa mưa này, cây giống anh sẽ đi nhận vào đầu tuần sau để đem về chăm sóc trước. Mấy ngày Tết, ông tiến sĩ có ghé Trạm thăm anh một lần. Ông tặng anh cuốn lịch sách kiến thức phổ thông của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật cùng mấy tờ báo xuân bìa in nhiều màu tuyệt đẹp. Rồi từ đó đến nay không thấy ông qua nữa. Vì ông bận việc gì đó ở thành phố không xuống Ông Thức hay ông có tới khu đồi sả mà không qua bên anh? Hay là anh có điều gì thất thố với ông, làm ông giận chăng?

 

Lật sổ công tác thấy hôm nay rảnh, Lâm thay quần áo mới, dặn anh em ở nhà rồi lấy xe đạp qua khu đồi sả. Hỏi thăm ông già Hưởng tất biết thôi.

 

*

 

Hai người đụng đầu nhau ở con đường rẽ vào lán trại của tổ hợp trồng sả. Ông tiến sĩ thắng vội chiếc xe Puch nhưng vẫn để nguyện cho máy nổ, giọng mừng rỡ:

- Trời! Cậu Lâm! Tính qua “rước” cậu đây.

- Chuyện gì mà tới “rước” lận hả ông tiến sĩ?

- Đó, cậu thấy chưa? - Ông tiến sĩ chỉ về phía lán trại - Khách đã đến khá đông đủ. Điểm danh lại thấy thiếu mặt cậu, mình hỏi ông già Hưởng thì ông mới ngẩn người ra mà la lên “Chết cha, quên khuấy nó đi mất rồi”. Mình tức tốc lấy xe để qua Trạm, vừa đích thân xin lỗi cậu cái vụ mời mọc trễ nải, vừa để “rước” cậu qua cho mau vậy mà...

 

Lâm nhìn về phía lán trại. Ở đó có hai chiếc xe hơi: một chiếc LaDalat và một chiếc Peugeot, còn thì là mấy chiếc xe gắn máy, xe đạp. Khách xa, khách gần đông đủ dữ đa.

- Tiệc tùng gì vậy ông tiến sĩ? - Lâm hỏi.

- Cậu không nhớ à? Kỷ niệm một năm ngày thành lập tổ hợp. Mà thôi, chút sẽ nói chuyện đó, còn bây giờ... vô chứ, chẳng lẽ đứng đây mãi sao? Cậu cứ tà tà đạp xe đạp, mình phải phóng cái xe máy vô trước, chứ không khách khứa không có ai tiếp. Thông cảm nghe. Ờ mà này, tay Chủ tịch xã Tiên phong đã đến rồi đó...

Ông tiến sĩ chợt cười trước khi sang số cho chiếc xe Puch chồm lên, vọt đi. Nụ cười ấy Lâm rất hiểu.

 

... Hôm đó cũng một ngày tháng ba âm lịch, ngày đầu tuần thứ nhì sau khi bọn Lâm dựng xong căn nhà gỗ lợp tôn vừa dùng làm chỗ ở, vừa tạm làm văn phòng. Lâm tiếp một người khách lạ. Anh ta có lẽ còn trẻ hơn Lâm cả ba, bốn tuổi nhưng gương mặt có vẻ lạnh lùng, kém vui làm anh ta trông có vẻ già đi. Theo sau anh ta là một thanh niên trẻ hơn, xách súng các bin.

- Tôi muốn gặp người phụ trách cơ sở này. - Khách nói với Lâm.

- Tôi đây. Tôi là Lâm, Trạm trưởng Trạm trồng rừng Ông Thức. Mời anh ngồi.

Khách vẫn đứng, lặng lẽ đưa mắt nhìn soi mói quanh căn phòng một chút rồi tự giới thiệu:

- Tôi là Sơn, chủ tịch xã Tiên Phong.

- Rất hân hạnh.

Vẻ mặt lạnh lùng của Sơn không có được chút vui tươi điểm xuyết, dù chỉ là để xã giao. Anh ta vẫn đứng và nói với giọng lúc đầu còn bình thường, sau chuyển dần qua giận dữ:

- Ông Thức là một ấp của xã Tiên Phong, ranh giới địa dư của chúng tôi gồm cả khu đồi trọc này. Chính Ủy ban nhân dân Thành phố đã quy định chức trách quản lý cho chúng tôi như thế. Vậy mà các anh đến đóng quân, dựng cơ sở trên lãnh thổ xã chúng tôi cả nửa tháng nay, không hề có một lời thông báo.

- Anh cho tôi được đính chính, chúng tôi mới đến đây được một tuần lễ, không phải là nửa tháng...

- Một tuần hay chỉ một ngày thì các anh cũng đã cư trú bất hợp pháp. Vì thế, thay mặt xã, chúng tôi mời anh về Ủy ban cùng giải quyết vụ này.

Cho là mình bị xúc phạm, Lâm vụt đứng lên, đối mặt với Sơn:

- Tôi không đi đâu cả. Tôi là một Trạm trưởng trồng rừng. Cấp trên của tôi là Sở lâm nghiệp. Ngoài các đồng chí trên Sở, không ai có quyền ra lệnh cho tôi phải đi đâu hay làm bất cứ việc gì khác.

- Nhưng các anh là người cư trú bất hợp pháp trên địa phương tôi quản lý.

- Chúng tôi không phải cư dân đến chiếm đất làm nhà ở. Chúng tôi là cán bộ, công nhân nhà nước. Chúng tôi được lệnh đến đây lập Trạm trồng rừng giúp các anh thực hiện kế hoạch phủ xanh đồi trọc. Có thắc mắc gì, đề nghị anh liên hệ trực tiếp với cấp trên chúng tôi ở Sở lâm nghiệp.

Một chị công nhân đem ấm nước trà vừa pha ra. Lâm khoát tay nói:

- Khỏi cần. Chị đem vô cho anh em uống. Các anh đây sắp về.

Rồi anh ngồi xuống, bình thản lấy giấy tờ ra làm việc coi như không có ai trước mặt. Chủ tịch xã Sơn tím mặt lại, khuôn mặt vốn lầm lì của anh ta càng nặng trịch hơn. Anh ta ném về phía Lâm cái nhìn căm giận nhưng cuối cùng cũng đành tạm chịu thua, hậm hực bỏ về sau khi không quên buông lời hăm dọa:

- Các anh hãy chờ đấy, tôi sẽ có đủ cách để tống cổ các anh ra khỏi khu vực này.

Dĩ nhiên sau đó nội vụ đã được giải quyết êm thắm. Sở Lâm nghiệp nhận phần lỗi đã thiếu sót không thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương biết về sự hiện diện của Trạm rừng Ông Thức trên lãnh thổ xã Tiên Phong. Chủ tịch xã được xem quyết định của tỉnh về việc bãi bỏ kế hoạch phủ xanh khu vực đồi trọc Ông Thức bằng cách trồng mít do xã đề xuất đã thực hiện thất bại và thay bằng kế hoạch trồng rừng. Lâm cũng phải nhận khuyết điểm về thái độ không được hòa nhã của anh với Sơn. Chủ tịch xã có vẻ được vuốt ve tự ái, nhưng trong thực tế, cảm tình của anh ta với anh chị em Trạm trồng rừng, nhất là với Lâm thì quả rất hạn chế. Nó chỉ dừng ở mức xã giao bình thường nhất...

 

*

 

Lâm bước vào cái lán rộng nhất dùng làm hội trường. Bàn ghế nơi đây được kê thành một chữ U, có lẽ chủ nhân nó tính toán để chút nữa sau khi họp hành sẽ liên hoan luôn tại chỗ cho tiện. Khách khá đông, phần lớn là những người Lâm được gặp trong lần liên hoan ra mắt tổ hợp năm trước. Bác Văn Khá, một nhà cách mạng lão thành từng là giáo sư đại học đã về hưu là chủ chiếc xe Peugeot được nhà nước tặng riêng. Chú Bảy Năng, một cán bộ hưu trí ở địa phương. Đại diện xí nghiệp sản xuất tinh dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, đi chung chiếc xe LaDalat. Đặc biệt, ngoài một số khách khác, có hai anh chị phóng viên đeo máy ảnh và sổ sách ghi chép. Có lẽ Tổ hợp mời đến để lấy tin. Chủ tịch Sơn ngồi ở một ghế nơi đáy chữ U, tình cờ sao nơi ấy lại còn trống hai ghế. Buộc lòng Lâm phải đến đó, và cũng không có cách nào khác hơn, anh phải chọn ngồi cạnh Sơn. Cả hai cùng chào nhau có vẻ như niềm nở, thực sự họ vẫn không thể không e dè nhau. Ông tiến sĩ tỏ ra lịch lãm, nghe Lâm kể chuyện ngày đầu căng với Sơn, đã vỗ vai Lâm và khuyên không nên có thái độ xa cách như thế. Ông rất có lý khi nói: “Dù sao mình cũng là người ở trọ trong nhà người ta. Trừ phi mình trở thành dân địa phương có hộ khẩu chính thức. Vấn đề là hãy bằng việc làm mà tiến tới gần nhau kìa”. Lâm chịu lý nhưng vẫn cố cãi: “Có thể đó là cách xử sự đúng với một ai đó là Chủ tịch xã Tiên Phong này, chứ với cái tay Sơn mặt lúc nào cũng cau cau có có như khỉ ngửi phải mắm tôm thì...”

Ông tiến sĩ thay mặt tổ hợp giới thiệu mọi người với nhau. Rồi ông bước vào chương trình làm việc ngay. Ông đọc một bản báo cáo tóm tắt thành tích hoạt động một năm của tổ hợp. Chủ tịch Sơn lấy sổ công tác ra ghi chép. Anh phóng viên rời khỏi chỗ ngồi để chụp ảnh còn chị phóng viên thì bắt đầu tốc ký trên trang viết...

- ... tiếp theo, chúng tôi xin ghi nhận lòng nhiệt tình giúp đỡ các đồng chí trong Ủy ban xã Tiên Phong đã đồng ý cấp cho Tổ hợp chúng tôi một khu đồi rộng để trồng dược liệu...

 

Lâm liếc qua Chủ tịch Sơn. Anh ta không ghi gì khi ông tiến sĩ đọc đến đoạn này. Lâm nhìn xuống nền láng. Dù đã được đầm nén chắc chắn, cái nền đất vẫn không giữ được những viên đá ong, đá sỏi nhô bật khỏi mặt phẳng. Một khu đồi rộng. Phải, đúng đây là một khu đồi rộng, thậm chí lại là khu đồi cao nhất vùng nữa. Đất ở đây là loại đất sét lẫn đá ong, mai, cuốc bổ vào tóe lửa là chuyện bình thường. Thời gian mới lập Trạm trồng rừng, Lâm và các bạn đã được nếm mùi gian khổ ấy. Đất đá Ông Thức cứng đầu cứng cổ, bướng bỉnh với những người muốn hồi sinh chúng, muốn khoác cho chúng bộ áo màu xanh tươi đẹp, tràn căng sức sống. Phải chăng sự ngang bướng ấy chính là hậu quả của những làn thuốc hóa học địch đã rải khắp vùng đồi trước đây để tàn phá mọi loại cây cối, làm trắng cả một khu vực rộng lớn bao quanh sân bay quân sự của chúng. Riêng trên khu đồi sả bây giờ, chúng đã chọn làm địa điểm đóng quân cho một đơn vị pháo chuyển hướng nòng súng về phía chiến khu cách mạng bên kia sông mà bắn phá. Ông tiến sĩ có nụ cười rất hồn nhiên, không phải của một người trẻ tuổi vô tư, mà chính là của một người từng trải, hiểu đời và luôn tự tin vào đôi tay, khối óc của mình cùng các cộng sự viên. Lần ấy, Lâm hỏi:

- Tổ hợp ta trồng loại gì?

- Sả! - Ông tiến sĩ đáp - Cũng có thể sẽ thêm táo, bạc hà không chừng...

Lâm di di chân trên nền đất đồi đỏ quạch, cười nói:

- Ông có nghĩ rằng với loại đất xấu hơn bất cứ khu đồi nào khác quanh đây cũng vốn dĩ chẳng tốt gì, sẽ chẳng có cây dược liệu nào sống nổi không?

 

Chẳng phải Lâm võ đoán. Đó là đúc kết một năm đầu tiên của Trạm trồng rừng căn cứ trên những thử nghiệm đầy gian khổ. Chất xám và mồ hôi của anh và các bạn đã phải đổ ra để đánh đổi lấy một kết quả khiêm tốn ngày nay. Điều vốn là loại cây dễ thích hợp nhất với các loại đất xấu mà vẫn mọc còi cọc như trẻ con thiếu dinh dưỡng. So đũa không vượt nổi tầm đầu người. Rồi sao, dầu và nhiều loại cây khác trên từng mảnh đất thử nghiệm, cứ lụi đi hoặc ít ra cũng khựng lại sau khi cố vươn lên được một độ cao nào đó. Đất Ông Thức không đơn giản chỉ là vùng đất xấu mà chúng còn bị nhiễm chất độc hóa học quá nhiều, đến độ không cho phép bộ rễ của đa số cây trồng phát triển. Bao cực nhọc qua đi, các anh mới trụ được cây tràm bông vàng. Nhưng cũng chẳng phải dễ dàng gì. Hết mùa mưa đầu tiên, những cây trồng thử nghiệm đang lớn lại khựng lại, các anh phải phân lô thực hiện tiếp một thử nghiệm khác: lô đối chứng phát triển thật chậm trong khi lô được huy động sức tưới suốt mùa nắng, lên khá hơn. May mà chúng chỉ đòi hỏi được tưới một mùa nắng đó, từ năm sau, bộ rễ đã đủ mạnh để tự tìm lấy nước và dưỡng chất sâu trong lòng đất...

Ông tiến sĩ thản nhiên cười đáp:

- Bàn tay ta làm nên tất cả. Cậu cứ tin mình như thế đi. Vả chăng, ở đây không phải chỉ có thuần túy bàn tay. Ta còn khối óc. Đây nhé, đất đỏ có chút đá ong hóa, tuy có không thuận lợi cho đa số cây, nhưng với sả thì lại khá thích hợp. Bộ rễ sả là rễ chùm, chỉ ăn sâu chừng một hai tấc là cùng. Thêm nữa, chúng mình lại còn thêm phân cho chúng. Rồi cậu xem, tổ hợp sẽ phát triển thêm đàn dê. Nuôi loại này có cái hay là vừa không phải dùng đến lương thực lại được chúng tiếp tay dọn sạch những bụi mắc cỡ, những cây cỏ hoang trong vùng đồi, chúng cũng cung cấp cho ta nguồn phân bón khá quý.

Lâm vẫn chưa hết hoài nghi:

- Có thể sẽ đúng như ông nói.

Chợt anh chỉ tay về phía khu đất thấp dưới chân đồi cũng đã được khai phá, chất đất có khá hơn, đỏ lẫn đen màu mỡ.

- Sao tổ hợp không xin luôn khu đất dưới kia?

Ông tiến sĩ khoát hai tay như phân bua:

- Có chứ. Và chính tay Chủ tịch xã có vẻ cũng đã bằng lòng rồi. Anh ta còn bày cách cho tổ hợp nên sử dụng miếng đất đó như một nguồn cải thiện: lấy ngắn nuôi dài mà. Nhưng... lạ lắm. Sau đó, khi chính thức cấp giấy phép sử dụng đất thì... khu đất ấy lại về tay một người khác. Lý do vì sao thì chỉ có tay Chủ tịch xã và người kia được biết.

- Vì tổ hợp thiếu... xã giao chăng? Lâm được dịp kê kích Sơn.

- Chính mình cũng có lúc nghĩ như thế. Cái cung cách làm việc xấu ấy, khổ một nỗi, bây giờ ở đây lại trở thành phổ biến. Tiếc là tổ hợp bọn mình gồm toàn cán bộ hưu, một số là viên chức đương nhiệm thì tiền bạc cũng chẳng dư dật gì, còn thì toàn là bà con nông dân nghèo làm ăn lương thiện. Cho nên, vấn đề “xã giao cho phải phép” thì tổ hợp xin miễn bàn tới... Nhưng... sau này thì mình lại nghĩ khác, cậu à. Mình không tin rằng tay Chủ tịch xã Tiên Phong lại đến nỗi tệ như vậy. Có thể là do anh ta chưa tin tưởng vào sự làm ăn của tổ hợp bọn mình chăng? Nếu đúng như thế, chẳng có cách thuyết phục nào có giá trị hơn là chứng tỏ bằng kết quả lao động của mình cho anh ta thấy...

 

*

 

- ... Đến nay, tổ hợp chúng tôi đã trồng được hai héc ta sả Java, tuy chỉ đạt 50 phần trăm hợp đồng với Xí nghiệp sản xuất tinh dầu nhưng qua lần thu lá đầu tiên, số tinh dầu chưng cất được tại chỗ cho thấy chúng tôi đã đạt được tỷ lệ khá, vượt dự kiến ban đầu. Ngoài ra, chúng tôi còn phát triển đàn dê từ năm con lúc ban đầu lên mười lăm con hiện nay. Chúng tôi nói ra đây không biết có là quá sớm và táo bạo chăng? Thực tâm chúng tôi đang suy nghĩ về việc tạo đàn dê đông hơn để lấy sữa...

 

Ở đoạn này của bản báo cáo thì chủ tịch Sơn ghi chép có vẻ kỹ lưỡng lắm. Vẻ mặt anh ta vẫn lầm lì nhưng không còn là điều khó hiểu với Lâm nữa. Qua bà con trong vùng Ông Thức, Lâm đã hiểu hơn về Sơn. Anh ta vốn là con dân ở đây. Cha theo cách mạng, hy sinh năm 1968 ngay trên mảnh đất quê hương mình. Khi đó Sơn còn là một cậu thiếu niên vô tư. Cậu ôm lấy xác cha bị địch đem phơi nắng trước trụ sở ấp cùng các đồng đội khác bị hy sinh. Tên trưởng ấp xách batoong - dù y mới chỉ hơn ba mươi tuổi - đập đập vào đầu vào vai cậu bé Sơn, cười đểu và bảo cậu: “Bé con, liệu mày có thể đem xác ông già về chôn cất một mình được không? Nếu mày làm được việc đó, tao sẽ ưu tiên cho mày cái đặc quyền được nhận xác cha. Nhưng hãy nhớ, đừng có theo gương ông già mày đi Việt cộng mà bị chết thảm như vậy đó nghe chưa?”. Cậu bé Sơn nhìn kẻ thù với đôi mắt muốn tóe lửa. Sau đó, không hiểu sức mạnh từ đâu đến, cậu bé xốc lấy xác cha, ẵm về bằng đôi tay bé nhỏ của mình trước sự ngạc nhiên của tên trưởng ấp. Sau cái ngày thê lương ấy, Sơn không đi theo Việt cộng nhưng cậu bắt đầu những hành động chống phá địch tự phát. Phải chăng đó là cá tính của một đứa con duy nhất trong gia đình, quen với sự cô độc? Giải phóng, Sơn hoạt động thanh niên, là Phó bí thư chi đoàn của xã rồi Ủy viên thư ký, cuối cùng, anh đắc cử Chủ tịch xã. Người chủ tịch xã trẻ tuổi sống với bà mẹ, mới đây lại trở thành cô đơn hơn khi mẹ mất đi, gương mặt thêm sắc lạnh, hành động thêm đơn lẻ. Anh có ý tốt muốn phủ xanh đồi trọc quê anh, và tự mày mò soạn thảo kế hoạch trồng mít, đệ trình thành phố xét duyệt. Anh tự chạy vạy, thuyết minh và cuối cùng khi kế hoạch được thông qua, anh hăm hở lao vào thực hiện với mọi toan tính chủ quan. Một chiến dịch được phát động rầm rộ trong xã. Mỗi hộ gia đình được giao chỉ tiêu ươm năm cây mít giống và cử người tham gia những ngày ra quân trồng mít toàn xã. Nhưng chỉ qua một mùa mưa, những cơn nắng ập đến, mít đang độ lớn thiếu nước tàn lụi dần. Những chiếc lá úa vàng, khô nâu rồi rụng xuống dưới gốc trơ gầy. Sơn gánh chịu sự thất bại như một chiến tướng bất lực trước vòng vây của địch: một lề lối làm việc thiếu bàn bạc tập thể. Anh đã tự kiểm điểm trước tập thể về sự hạn chế khả năng của mình: anh chỉ nghĩ đến việc phát động trồng cây mà không lo nổi việc huy động nhân lực chăm sóc, bảo quản cây. Chính lần thất bại nhớ đời ấy đã khiến Sơn chạnh lòng khi thấy Lâm xuất hiện với Trạm trồng rừng Ông Thức. Nào ai có thể giải thích được tâm trạng của Sơn, anh vừa muốn những người công nhân lâm nghiệp thành công trong việc phủ xanh vùng đồi, lại vừa không muốn họ làm được điều anh không làm được. Đó cũng là lý do vì sao Sơn không chịu giao luôn khu đất trũng có thể trồng lúa cho Tổ hợp trồng sả chăng? Với Sơn, ông già Hưởng, ông tiến sĩ và những người khác trong Tổ hợp, tuy quá trình chiến đấu hoặc tham gia hai cuộc kháng chiến thần thánh vừa qua có dầy lên bao thành tích, vẫn chưa đủ để anh tin là họ có thể thành công trong công việc mới mẻ này chăng? Tất cả với Lâm đều còn là một dấu hỏi.

 

Mọi người kéo cả ra ngoài, bắt đầu đi thăm các cơ sở của tổ hợp. Lâm quyết định bám sát Chủ tịch xã. Những người cô đơn dù thiện chí đến đâu cũng không thể làm nên việc lớn. Nhất nữa là khi họ lại mắc thêm bệnh hoài nghi. Phải phá vỡ sự cô đơn của Sơn bằng mọi cách. Mở đầu là phải nghe lời ông tiến sĩ, thôi không nhìn anh ta bằng con mắt xa lạ nữa...

- Anh Sơn à, anh có nghe chuyện ông Thần Nông không?

- Ờ, chuyện ông vua Tàu ngày xưa ấy hả ? - Chủ tịch xã đáp có vẻ hờ hững trong khi mắt anh lơ đãng nhìn bầy dê đùa giỡn trong chuồng - tôi chỉ nhớ mang máng đâu như ông ta là người đã khai sáng ra nghề nông thì phải...

- Ông tiến sĩ biết rất rõ chuyện này - Lâm nói - Trước hết, Thần Nông chẳng phải là người Hán như ta vẫn tưởng đâu...

- Hả? Có điều đó à?

Chủ tịch xã bắt đầu chú ý đến câu chuyện. Hai người dừng chân dưới một dàn bầu cuối mùa bắt đầu xơ xác. Gần đó, một khóm hoa vạn thọ có lẽ gây từ giống của những cây vạn thọ Tết được phân tro đầy đủ, đã cao hơn gang tay, xanh tốt. Vồng hoa mười giờ đã có những bông màu đỏ rực.

- Ông tiến sĩ chẳng phải là người khô khan đâu - Lâm kể với giọng một người hiểu khá rõ về ông tiến sĩ - Tôi biết chắc mọi thứ hoa ở đây đều do ông ấy gieo trồng. Có điều, người chăm sóc lại là ông già Hưởng. Nghĩ cũng lạ, hai ông già một người thì kiến thức khoa bảng, người kia thì ít chữ thật thà, vậy mà vẫn thân nhau được. Mình có thể tin ông tiến sĩ. Chuyện ông Thần Nông ấy mà. Theo ông tiến sĩ thì ngày xưa người Hán ở phía Bắc sông Dương Tử chỉ biết trồng lúa mì và kê. Thần Nông thuộc dân tộc Bách Việt mới là người bày ra cách trồng lúa nước và các dân tộc Việt đều ăn gạo. Ngoài ra, Thần Nông còn biết lấy cây rừng làm thuốc chữa bệnh nữa...

- A... tôi hiểu rồi. Vì vậy mà ông tiến sĩ đặt tên cho tổ hợp trồng sả là Tổ hợp Thần Nông...

- Chính là như thế...

 

Bất giác cả hai cùng nhìn về cánh đồng sả. Vào cuối mùa nắng, đất thiếu nước dù cái máy bơm của tổ hợp vẫn hoạt động hàng ngày bơm nước từ giếng sâu hàng hai mươi thước xịt tưới khắp khu vực, sả vẫn thiếu sự tươi xanh mượt mà. Nhưng sự sống vẫn ẩn nấp nơi những ngọn lá nhám tích lũy tinh dầu. Hương thơm tinh dầu sả phải qua giai đoạn chưng cất mới góp mặt với đời. Cũng như màu xanh của khu rừng tràm, của ruộng sả, vườn táo đã phải trải qua bao khó nhọc, sức con tim và sức bàn tay, máu luân lưu trong óc và mồ hôi trên trán, trên lưng nhiều người mới có được.

 

Ông tiến sĩ tiến tới chỗ Lâm và Chủ tịch Sơn, hỏi một câu cho có lệ rồi thao thao kể về những ngày đầu đến khai phá khu đồi. Chuyện này có lẽ cần thiết với Sơn hơn với Lâm. Anh đã nghe và cả thấy tận mắt những điều ông tiến sĩ đang nói. Con người uyên bác ấy không nói thêm gì ngoài sự thực. Sự thực là ông già Hưởng chỉ dám trồng thử đúng một trăm bụi sả không hơn, và ông tiến sĩ đã đích thân vô phân chuồng lót từng hốc đất vuông vức hai tấc trước khi vùi những tép sả giống xuống, lấp đất. Sự thực là hai ông già đã ôm nhau nhảy nhót vui mừng khi những bụi sả trồng thử lên những ngọn mới xanh mướt. Lán trại, họ đi sâu vào một khu rừng gần đó chặt cây, đốn tre, đánh tranh tự dựng lấy. Họ đã đào giếng cực nhọc và hồi hộp không biết có đào trúng nơi có mạch hay phải hoài công. Họ đã bỏ thêm vốn tìm mua một cái máy bơm với giá tưởng hời, không ngờ bị con buôn qua mặt bán cho cái máy nay hư, mai hỏng và cuối cùng cái máy phải làm lại như thay mới gần toàn bộ.

 

Cuối câu chuyện, không biết vô tình hay cố ý, ông tiến sĩ đã chỉ tay về phía khu đất trũng sau một vụ lúa năng suất không khá gì, nếu không muốn nói là tồi, chủ nó đã bỏ luôn, có lẽ cũng chẳng thiết báo lại cho xã biết nữa. Giọng ông tiến sĩ nửa đùa nửa thực:

- Chủ tịch xã nghĩ thế nào đây? Người ta đã bỏ đất rồi, còn chúng tôi vẫn muốn được cày xới nó...

 

Chủ tịch xã cười mỉm không nói. Nụ cười hiếm hoi này có thể hiểu như một câu trả lời đặc biệt thuận lợi cho người hỏi. Nhưng nó vẫn mang đầy đủ sự bí mật. Nào ai biết được sau cái nụ cười mỉm ấy, rồi Sơn sẽ giải quyết đề nghị cũ của Tổ hợp Thần Nông mà ông tiến sĩ vừa nhắc khéo ra sao? Anh ta đã chẳng từng gợi ý, rồi lại không cấp đất cho tổ hợp là gì.

 

Có tiếng gọi của ông Hưởng đằng hội trường. Đã đến giờ vào tiệc. Ông tiến sĩ nói với Lâm và Sơn.

- Ta trở lại thôi. Hôm nay tổ hợp giết một con dê đãi khách. Vừa khách vừa người nhà gần năm mươi người mà chỉ có một con dê thì có lẽ hơi hẻo một chút. Nhưng... tổ hợp còn nghèo...

Vừa đi, Chủ tịch xã vừa gật gù không hiểu vì nghĩ đến điều gì. Anh ta đi chậm lại. Lâm để mặc ông tiến sĩ vượt lên trước. Mặc ông ấy, chủ nhà thì phải tất bật thôi. Sơn bỗng vỗ vai Lâm:

- Này hình như hồi nãy anh có nói rằng ông Thần Nông làm thuốc chỉ là phụ thôi phải không? Còn nghề chính của ông ấy là làm lúa nước?

Không để Lâm kịp trả lời, anh ta đã tiếp:

- Ông tiến sĩ làm tôi phải động não dữ. Cũng phải, chẳng lẽ cứ bắt Thần Nông lên đồi trồng cây thuốc mãi...

 

Gió đưa tiếng xào xạc từ khu rừng tràm bông vàng xa xa về, hương sả thì nhè nhẹ man mác như thách thức khứu giác người ta tìm bắt được. Tiếng dê kêu, tiếng xèo xèo xào nấu từ phía bếp, tiếng cười nói của mọi người. Không biết Chủ tịch xã đang nghĩ gì. Riêng Lâm, anh đang nghĩ về một sự đổi mới ở vùng đồi trọc Ông Thức. Chẳng phải một sự đổi mới kỳ diệu lạ lùng gì. Chính máu nóng quả tim, nhiệt tình khối óc, đôi chân không mỏi và cánh tay lao động miệt mài đã làm nên tất cả. Đó là điều rất đơn giản và dễ hiểu. Ông Thần Nông, có thể cũng chỉ là hình ảnh đúc kết của những người dân Bách Việt ngày xa xưa có quả tim, khối óc, đôi chân và bàn tay như thế!./.

 

Khôi Vũ
Số lần đọc: 1638
Ngày đăng: 06.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô giáo mầm non - Đỗ Ngọc Thạch
Người lưu giữ bản thảo - Mang Viên Long
Bi hài biên tập - Nguyễn Hồng Nhung
Sau bão - Triệu Thế Việt
Ba truyện hài hước - Karinthy Frigyes
Lão Hậu - Nguyễn Chính
Những Mảnh Vỡ (11) - Nguyễn Thị Hậu
Nhà thiện xạ! - Phùng Thành Chủng
Chiếc huy hiệu cồ - Minh Diện
Tình nghĩa phu thê - Phạm Thanh Phúc
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)