Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
617
116.602.544
 
“Mái Tây” và Nỗi Lòng Thánh Thán
Phạm Lưu Vũ

Nước Tàu xét nguyên về mặt văn chương cũng đã có vô số tay khổng lồ. Đến nỗi ai đó chỉ cần làm cái việc sắp hàng lại mà điểm mục, cũng đủ khiến cho những kẻ yếu bóng vía phải tẩu hoả nhập ma. Kẻ vô cảm lắm thì chí ít cũng nhân cơ hội đó mà làm nên một luận án cỡ tiến sĩ văn chương. Những khổng lồ ấy không ai giống ai, điều đó cố nhiên rồi, song sở dĩ các vị được hậu thế suy tôn, tựu trung bởi hai nhẽ. Thứ nhất, trước tác của các vị hoặc đã đạt đến cái “đạo” của của cõi nhân sinh, hoặc lồng lộng kì vĩ, ôm hết thảy nhân tình, thế sự vào trong lòng, kể không gian thì trùm lên hàng vạn dặm, kể thời gian thì phải tính hàng trăm đời… Thứ hai, trước tác của các vị hoặc chạm đến, hoặc khoét sâu vào một nỗi niềm, một tâm trạng nào đó, khiến cho những văn nhân tài tử đời sau, không đọc đến thì thôi, hễ cứ đọc đến là không tránh khỏi bị… lên cơn, rồi không kìm lòng mình được, tất phải dựa vào những cơn cớ đó mà múa bút, mà bình, mà tán cho tan tành nhân thế, cho khuây khỏa cái món nợ tang bồng…

 

Mái Tây (Tây Sương kí) của Vương Thực Phủ đời nhà Nguyên (viết trong khoảng 1297-1307), chính là loại văn tự thuộc dạng thứ hai ấy vậy. Và một trong những văn nhân tài tử lẫy lừng đời sau bị “lên cơn” với Mái Tây chính là Kim Thánh Thán tiên sinh, con người cũng khổng lồ không kém bất kì một tiền nhân nào của ông. Đến nỗi, mỗi lần đọc Mái Tây, kẻ viết những dòng này thường tự hỏi, rằng không hiểu cái vở tuồng tình này của cái nhà ông họ Vương kia sẽ có diện mạo ra sao nếu không có những lời bình, tán thông thiên triệt địa, nhuần nhuyễn nhân tình ấy của Kim tiên sinh. Mà không chỉ riêng đối với Mái Tây, kể cả nền văn học cổ điển Trung Hoa nói chung chắc sẽ phải mang một diện mạo khác hẳn, sẽ bị phủ một lớp bụi thời gian dày lên rất nhiều nếu trời không cho xuất hiện một bậc quái nhân dị kiệt trong làng bình, tán văn chương là Thánh Thán tiên sinh.

 

Vậy trước khi đọc Mái Tây, tưởng cũng nên thắp một nén nhang để tưởng nhớ tiên sinh. Than ôi! Tiên sinh lấy hiệu Thánh Thán là quái gở lắm. Văn của tiên sinh đọc lên nghe như lời cợt nhạo, đùa giỡn thoả thích trên đầu hết thảy những kẻ sĩ trong thiên hạ, vậy mà ngẫm cho kĩ, vẫn quả đúng là tiếng thở dài bất tận, tiếng than muôn đời của một bậc thánh nhân. Thiên hạ đối với tiên sinh lúc nào chẳng đầy rẫy những kẻ “viết không đến” mà đã vỗ ngực xưng danh là văn nhân, kẻ sĩ, có khi ôm đầy một bụng tri thức mà vẫn suốt đời uốn gối khom lưng chấp nhận những luật lệ phi nhân, thối nát của cường quyền. Song cái kiểu than thở mà tưởng như đang ha hả đùa bỡn ấy của tiên sinh thì thế gian chưa hề chứng kiến, có lẽ phải hàng trăm đời may ra mới xuất hiện một lối viết điên đảo kì tuyệt đến thế chăng. Tiên sinh đùa cho đến tận lúc chết, thậm chí còn tận dụng cả cái chết của mình để đùa bỡn nốt một chiêu thượng thặng cuối cùng. Đã bao lần tiên sinh hạ bút khen những câu, những đoạn văn trong Thuỷ hử, trong Nam hoa kinh… rằng ấy là: “văn lạ”; “tứ lạ”… Song tiên sinh có ngờ đâu rằng sẽ có lúc tiên sinh phải dùng đúng cái từ “lạ” ấy để “bình” về cái chết của chính mình: "Chém đầu thì đau đớn lắm, tịch biên thì thê thảm lắm, thế mà ngờ đâu Thánh Thán ta lại gặp cảnh này, kể cũng lạ lắm thay !". Nhưng đỉnh cao của sự đùa bỡn, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng ấy là lời trăng tri cui cùng tiên sinh đ lại cho hậu thế: Gửi con: dưa muối mà ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này mà được lưu truyền thì ta chẳng còn hận chi nữa".(*) Thật là một lối trăng trối quái lạ song lại giản dị đến mức làm cho đời sau bỗng cảm thấy hoát ngộ một điều gì. Thì ra lưỡi gươm của cường quyền ngu muội đã không mảy may làm tư duy của một bậc đại trí, đại giác như tiên sinh phải bận tâm để ý. Ôi! cái chết oan uổng, thậm chí có phần lãng xẹt ấy của tiên sinh chẳng phải là một bản hùng ca, chắc tiên sinh cũng không cần điều đó. Song đấy mới thực sự là một kiệt tác đùa bỡn vĩ đại, một huyền thoại không tiền khoáng hậu mà tiên sinh đã để lại cho muôn đời.

 

Kẻ viết những dòng này nhớ hồi đọc Thuỷ Hử, rất khoái thứ văn chương quán thế, lạnh lùng và trùng điệp của bộ sách ấy bao nhiêu thì cũng thích thú không kém trước những lời bình của Thánh Thán bấy nhiêu. Vậy mà khi đọc Mái Tây, mới hay rằng khi viết những lời bình tuyệt tác ấy cho Thuỷ Hử, Thánh Thán tiên sinh chỉ cần vận đến năm, sáu thành công lực là đủ. Chỉ riêng đối với Mái Tây, tiên sinh mới thực sự phải vận hết mười hai thành công lực của mình. Tại sao như thế? Thưa rằng với Thuỷ Hử, tiên sinh chỉ cần làm cái việc ra tay quyết đoán, “trảm” đứt ba mươi hồi cuối của toàn pho truyện đi là đã thỏa tấm lòng khinh bỉ bấy lâu của mình trước cái giáo lý “trung quân” tối tăm và tệ hại của đương thời. Bởi trong mấy chục hồi cuối đó, Thi Nại Am đã khờ khạo đến độ để cho Tống Giang dẫn cả 108 anh hùng Lương Sơn Bạc yêu quý của tiên sinh trở về quy thuận triều đình. Lối viết truyện gọi là “có hậu” ấy hẳn đã làm tiên sinh giận lắm nên mới phải ra tay như thế. Đó là một cú “trảm” quyết liệt, tựa như một tuyên ngôn không lời ngạo nghễ tuyên thẳng vào mặt muôn đời lũ cường quyền u tối song lại cứ muốn dùng mãi cái giáo lý “trung quân” đê tiện kia để khuất phục anh hùng: “Này! đừng có mà tưởng bở nhé. Thi Nại Am thì có thể như thế, song Thánh Thán ta đây thì chớ có hi vọng!”. Kẻ hậu thế này muốn thưa với tiên sinh, rằng trong cả cuộc dạo chơi văn chương kì thú của tiên sinh, cú “trảm” này là “nhân”, còn cú trảm mà cường quyền dành cho tiên sinh sau đó là “quả”. Tiên sinh đi từ “nhân” tới “quả” bằng một phong thái ung dung, lồng lộng như thế thì đúng là chẳng còn hận gì nữa. Và như thế là… xong, sau cú “trảm” ấy, Thuỷ Hử vẫn của Thi Nại Am, song 108 anh hùng Lương Sơn Bạc kia thì không còn của riêng văn nhân họ Thi nữa. Đó là 108 anh hùng đích thực của Kim Thánh Thán. Còn những gì tiên sinh “tán” thêm vào trong suốt những chương, hồi còn lại của Thuỷ Hử chẳng qua chỉ là nhân cơn cảm hứng từ trong văn tự của bộ hùng ca ấy mà dệt gấm thêm hoa cho thỏa chí tang bồng đấy thôi. Thế còn với Mái Tây?

 

Mái Tây là câu chuyện tình của một đôi trai gái được viết dưới dạng một vở tuồng cổ. Vậy cuộc tình ấy có gì ghê gớm? Xin thưa chẳng là cái gì cả nếu so với vô vàn cuộc tình bờ bụi kiêm nhà nghỉ hạng trung của những cậu ấm cô chiêu thời bây giờ. Nàng Thôi Oanh Oanh được bà mẹ khoe: Thơ, từ, tính, viết, thêu, dệt, nữ công, nó đều thông thạo cả. Đại khái con hát mẹ khen thế thôi, chứ trong suốt vở kịch, nàng ta chẳng có nhiều cơ hội để phô bày những “thông thạo” đó trừ vài bài thơ lơi lả, ỡm ờ với tình lang. Song có một điều thông thạo bẩm sinh của nàng mà bà lớn mẹ kia đã cố tình lờ đi không giới thiệu. Ấy là cái nghệ thuật câu trai, dứ trai cực hiểm có thể làm mất mạng bất kì gã đàn ông nào trên thế gian này kể từ Vương Thực Phủ tới Thánh Thán tiên sinh, suốt cho đến… kể cả kẻ đang viết những dòng này. Vậy một khi cái cần câu trai mê hồn của nàng Thôi đã sẵn sàng giương lên, thì tất sẽ có ngay một chàng Trương nào đó lao vào thí mạng. Anh chàng phong tình lãng tử này cũng tự giới thiệu là con nhà quan song thất thế, “công danh chưa đạt, du học bốn phương”. Lời tự giới thiệu này xem ra cũng đáng ngờ lắm. Loại trai này chuyên rong chơi chim chuột bốn phương thì đúng hơn. Bằng chứng là trên đường đi qua phủ Hà Trung lần này, tiếng là vào kinh dự kì thi hội, song câu đầu tiên chàng hỏi chủ quán: “Ở đây có chỗ nào đi chơi giải trí không?” thì rõ là cái việc đi chơi kia mới là mục đích của chàng, chuyện thi cử chẳng qua chỉ để khoe mẽ cho oai đấy thôi. Cặp nhân vật chính thì như thế, còn văn trong Mái Tây của Vương tiên sinh thì sao? Không biết nguyên bản bằng chữ Tàu cổ nó mùi mẫn thế nào. Chứ qua bản dịch của cụ Nhượng Tống thì cũng chỉ là thứ văn trần thuật, văn có vần, thường gắn vào miệng nhân vật để ngâm nga, lúc thì tả cảnh, lúc lại tả tình, có khi bâng quơ, có khi hữu ý, thỉnh thoảng cũng gặp được câu hay, tứ lạ… thế thôi. Cái khéo của họ Vương là sự xắp xếp, “đạo diễn” các màn kịch sao cho có lúc mở, lúc thắt, lúc diễn ra tự nhiên, lúc bất ngờ biến hoá làm cho cuộc tình của Thôi, Trương luôn nằm trong trạng thái “có vấn đề”. Đại khái cũng có hồi hộp, đợi chờ, cũng ỡm ờ, lơi lả, đâu đó cũng có vài tiếng gươm khua, dăm tiếng ngựa hí, rồi “anh hùng” ra tay nghĩa hiệp bằng cách… cầu cứu người khác, rồi cũng hi vọng, háo hức, háo hức chưa xong lại gặp cảnh trớ trêu, rồi tuyệt vọng, tương tư, rồi âm mưu, lén lút… và rốt cuộc, tất nhiên vẫn cứ là trai trên gái dưới làm cho suốt cả trời đất cũng phải đỏ mặt thèm thuồng. Song, dù có cho là khéo cỡ nào đi nữa, tuyền bộ truyện Mái Tây nếu không được “nhúng” trong đại dương những lời bình, tán mênh mông của Thánh Thán tiên sinh thì chỉ còn là một chuyện tình kiểu “phường tuồng” hết sức bình thường, thậm chí có thể coi là một vở tuồng thuộc loại “sến”. Đến đây, bỗng lại muốn thắp hương vái tiên sinh ba vái. Tiên sinh xứng đáng là một nhà giả kim thuật có tài điểm đá ra vàng. Vậy tiên sinh tìm cảm hứng ở đâu mà tuôn trào những lời bình thông đến cả ba cõi như thế? Thuỷ Hử thì tiên sinh bình từ trong ra, bởi với thiên kiệt tác ấy, đọc đến đâu đã có ngay cảm hứng từ trong chính văn tự của nó rồi. Còn Mái Tây thì sao? chắc phải dụng công tìm cả ở bên ngoài văn tự nữa may ra. Nghĩa là với Mái Tây, tiên sinh đã làm cái việc “tán” từ ngoài vào. Vậy nên mới nói tiên sinh phải vận hết mười hai thành công lực khi bình, tán Mái Tây là như thế.  

 

Vậy hãy thử dùng ngay cái phép “tán” từ ngoài vào của Thánh Thán tiên sinh mà xét câu chuyện tình dưới mái Tây chùa Phổ Cứu kia xem sao. Đó là một mối tình kiểu gì vậy? tay đôi, hay… tay ba? Bỏ qua Vương Hi Chi với văn bản nguyên thuỷ của câu chuyện là “Hội Chân kí”, thì khi viết lại thành Mái Tây, văn nhân họ Vương đã mặc nhiên coi đó là mối tình của mình rồi. Đến lượt Thánh Thán tiên sinh, khi bình, tán Mái Tây, tiên sinh cũng lại thản nhiên nhận nàng Thôi là ý trung nhân. Té ra cái nhân vật mang tên Trương Quân Thụỵ kia chỉ là một hỗn danh. Anh chàng phong tình ngờ nghệch đó chẳng qua chỉ là công cụ để hai văn nhân tài tử lẫy lừng, một ở đời Nguyên, một ở đời Thanh thay nhau hành lạc văn chương trên nhan sắc và tiết hạnh khả nghi của nàng Thôi Oanh Oanh một cách vô cùng thỏa thuê. Cố nhiên văn nhân họ Vương là người tới trước. Và cứ theo như lời Thánh Thán tiên sinh thì họ Vương đã hành lạc bằng một thứ văn “thông với Tạo Hoá”, rằng đó là văn “do Trời, Đất làm ra”; “như châu ngọc bày ra trước mặt”… Mặc tiên sinh muốn nói gì thì nói, trong cuộc tình tay ba bất chấp thế kỉ này, tuy là kẻ đến sau, song rõ ràng chính tiên sinh mới là người được hưởng phần thoả thuê hơn hẳn. Vậy tại sao tiên sinh lại hăng hái xông vào đúng cuộc tình ấy để thả sức lạc thú cùng chữ nghĩa tới mức không cần tiết kiệm nguyên khí? trong khi cõi “phi thời gian” của văn chương thiếu gì mĩ nhân, đại mĩ nhân… hay tiên sinh muốn “dây máu ăn phần?” Ai chẳng biết giáo lý đạo đức giả phong kiến là vô cùng nghiệt ngã với cái chuyện “dâm”, chuyện trai trên gái dưới. Điều đó đã làm méo mó cả cái nhẽ sinh tử vốn hết sức bình thường trong cuộc đời này. Không những thế, điều tệ hại là nó đã bóp chết những tư tưởng tự do yêu đương phóng khoáng của những người như tiên sinh từ bao đời rồi. Thế thì tận trong gan ruột, tiên sinh quả đã phải chịu đựng những búc xúc ái tình vẹo như đường tắt, tối như đêm tăm, rối như bòng bong, đắng như bồ hòn, giấu như giấu bệnh, nhịn như nhịn đau … này từ những kiếp trước. Đã đành cõi văn chương không thiếu gì mùi son phấn cùng với những ánh mắt nghiêng thành của các mĩ nhân. Song ở Mái Tây, ngoài trang quốc sắc thiên hương Thôi Oanh Oanh ra, còn một “nhân vật” đặc biệt mà tiên sinh hầu như không viết tới. Nhưng đó mới thực sự là cái chỗ tiên sinh không viết mà thành ra viết đến, không tả mà thành ra tả rất đến ấy. Chính là chiếc quan tài quàn thi hài quan Tướng Quốc họ Thôi vẫn hiện diện đâu đó trong chùa Phổ Cứu. Chiếc quan tài ấy đến trước văn Mái Tây của họ Vương, đến trước chữ nghĩa của tiên sinh. Nó có mặt tại đó cùng với văn của họ Vương, có mặt tại đó cùng với chữ nghĩa của tiên sinh, và khi văn của họ Vương kết thúc rồi thì chiếc quan tài vẫn còn ở đó, chữ nghĩa của tiên sinh dừng lại rồi thì chiếc quan tài cũng vẫn còn ở đó. Nó hiện diện suốt cả trước, trong và sau văn chương của hai vị như thể thêm một lần khẳng định, thêm một lần khoá, thêm một lần cửa đóng then cài cho cái giáo lý chết tiệt vốn đã gây ra bao bức xúc ái tình trong gan ruột tiên sinh. Và nàng Thôi kia lẽ ra đã tiết hạnh lại càng phải tiết hạnh, đã nghiêm trang lại càng phải nghiêm trang hơn mới phải. Vậy mà câu chuyện lại diễn ra ngược lại, hỏi không lấy làm kì thú sao được. Nàng Thôi từ chỗ chăm chỉ ngày ngày bày hương án thắp hương cho cha, đến chỗ dùng ngay việc thắp hương ấy làm cái cớ để hẹn trai thì rõ là “tiết hạnh khả… nghi” rồi còn gì. Một trang “quốc sắc thiên hương” mà “tiết hạnh khả nghi” thì tất có sức hút mê hồn. Có khác gì một bông hoa rực rỡ đang ra sức tỏa hương để dụ những loài ong bướm. Ở vào một địa vị như thế (con nhà quan danh giá), trong một môi trường như thế (trong chùa Phổ Cứu), với hoàn cảnh như thế (quan tài cha vẫn quàn bên cạnh), cùng sự giám sát nghiêm ngặt của giáo lý (mà bà lớn mẹ nàng Thôi là tượng trưng), vậy mà trước thì văn nhân họ Vương, sau đến Thánh Thán tiên sinh, hai vị đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu vẫn quyết để cho một cuộc lạc thú mây mưa trai trên gái dưới tràn trề nguyên khí diễn ra. Rõ ràng là tự do tình ái và cái nhẽ sinh tử bình thường của muôn đời đã chiến thắng mọi thứ giáo lý bó buộc bấy lâu. Ai dám bảo hai vị làm ra thứ văn chương đó là coi thường chữ “trinh”, coi thường chữ “hiếu”,v.v…? Kìa! văn của Trời, Đất làm ra đấy chứ. Và cuộc tình ấy, lẽ dĩ nhiên cũng do Trời, Đất làm ra. Mà cái gì đã do Trời, Đất, thì mọi thứ giáo lý đều không đáng kể vào đâu. Lại một lần nữa xin nghiêng mình bái phục Thánh Thán tiên sinh. Tiên sinh không những đã cố ý chọn đúng cuộc tình này để trút ra những bức xúc trong gan ruột của mình từ những kiếp trước, mà còn bê cả Trời, Đất vào để làm nội ứng cho văn chương thì quả là… Thánh rồi còn gì. Nghĩa là thưa tiên sinh, với cuộc tình tay ba xuyên thế kỉ diễn ra dưới mái Tây chùa Phổ Cứu ấy, văn nhân họ Vương và tiên sinh, hai người kẻ tung người hứng, kẻ thắt, người cởi… đã nhất tề dùng văn chương (có Trời, Đất làm nội ứng) để thực hiện một cuộc “hiếp dâm” ngoạn mục cái giáo lý cổ hủ đã từng trói buộc những khát vọng tự do tình ái của muôn đời.

 

Kẻ hậu sinh này học đòi theo sách cổ, một hôm dọn mình thắp hương khấn vái, tha thiết thỉnh một cụ tiền nhân về làm “thượng hữu” (bạn bề trên, vong niên) với mình. Đêm ấy giời xui đất khiến thế nào gặp ngay Thánh Thán tiên sinh. Tiên sinh cầm cây phất trần, xoay ngược đằng cán gõ vào đầu kẻ này ba cái như gõ một cái chuông đục rồi bảo: “Kể cho ngươi nghe chuyện này: Ngày trước, ta từng mơ thấy cụ Mạnh (Mạnh Tử) cưỡi một con lừa tìm tới nhà ta trỏ gậy quát - Thằng cuồng chữ kia, Mái Tây là dâm thư hiểu chưa? - Ta hoang mang quá, chưa kịp trả lời thì cụ Mạnh đã vỗ lừa quay ngoắt đi. Lát sau lại có một cụ khác tới. Ta lập tức nhận ra cụ này đích thị là cụ Khổng (Khổng Tử), vừa mừng vừa sợ, lại vô cùng kinh ngạc bởi vật cụ Khổng đang cưỡi kia không phải con lừa, mà rõ ràng là… cụ Mạnh. Sao các cụ lại cưỡi nhau trước mặt hậu sinh như thế kia chứ? Ta còn đang hoảng hốt thì đã thấy cụ Khổng một tay bưng lấy mồm cụ Mạnh, một tay trỏ ta mà nói liền mấy tiếng: “Ngụy dã! Ngụy dã!” Ta chưa kịp hiểu ra làm sao thì cụ Khổng đã lại dùng hai tay xoay vai cụ Mạnh quay ngoắt đi. Ta vội vàng chạy theo, bởi một kẻ hậu sinh như ta mà gặp được Khổng Phu Tử là cơ hội ngàn năm có một. Vừa chạy ta vừa hổn hển: “Thưa Phu Tử, lũ hậu sinh chúng con vẫn hằng ngày hành trì theo chữ “Nhân” của Phu Tử”. Khổng Tử vẫn vùn vụt phóng đi, Ngài chỉ xua tay ra phía sau mà bảo: “Đừng nói nữa khiến ta nổi giận. Lũ hậu thế các ngươi đã xuyên tạc chữ “Nhân” của ta đến thế còn chưa đủ hay sao. Ta không còn là “Phu Tử” con khỉ con tườu gì đó của các ngươi nữa. Từ khi chết đi, ta đã về bên cạnh Phật Tổ làm Nho đồng cà kheo của Ngài rồi.” Nghe Phu Tử nói thế, Thánh Thán ta sững sờ dừng lại, thẫn thờ nhìn theo và - một lần nữa kinh ngạc khi thấy vật cụ Khổng đang cưỡi lúc này không phải cụ Mạnh nữa, mà rõ ràng là một… con lừa. Tỉnh dậy biết mình nằm mơ, ta bèn lấy giấy viết một chữ “thiện” thật to đặt trước mặt rồi mở Mái Tây ra đọc, quả nhiên thấy toàn thị là dâm thư. Lại viết một chữ “ngụy” đặt trước mặt rồi cũng mở Mái Tây ra, thấy ý tứ tươi sáng, văn chương khoáng đạt, không hề có bóng dáng dâm thư ban nãy. Bèn vớ lấy bút mực, viết liền một mạch thiên “Phép đọc vở Mái Tây”, dọa “nhổ lưỡi”, “đánh đòn” kẻ hậu sinh nào dám cho Mái Tây là dâm thư.”

 

Té ra thiên “Phép đọc vở Mái Tây” được tiên sinh viết ra trong hoàn cảnh như thế. Chẳng biết câu chuyện trên tiên sinh kể là thực hay bịa. Chỉ biết rằng kẻ hậu sinh này đọc thiên sảng bút ấy, thấy tiên sinh biện luận chữ “dâm” trong văn chương quả là kì tuyệt. Tuyệt đến nỗi sau này đọc Mái Tây, kẻ hậu thế nào đó nếu vẫn cứ khư khư kết luận Mái Tây là dâm thư thì cũng bởi cái “Phép đọc…” ấy, mà kết luận không phải dâm thư cũng chính bởi… cái “Phép đọc…” ấy. Than ôi, chỉ ngần ấy chữ thôi mà tiên sinh đã làm thành cả một trời văn tự biến hoá tùy nhân, tùy thế không biết đâu mà lường. Tiên sinh quả thực đã nhìn thấu toàn bộ cả ưu lẫn nhược, cả quá khứ lẫn vị lai của cái nền văn minh đã sinh ra tiên sinh, đã sinh ra những Mái Tây với những Thuỷ Hử…  ấy. Đó là nền văn minh duy nhất trên thế gian này tồn tại liên tục tự cổ chí kim, nó có những đạo đức tuyệt thế vô song, lại có cả ăn thịt người, có chữ “nhân” nổi tiếng quán thế, lại có cả một trời dục vọng, đến nỗi chém giết nhau để tranh thành, tranh đất, tranh ngôi, tranh tước ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thế kỉ này qua thế kỉ khác vẫn chưa đã, còn phải sinh ra cả một nền đạo đức giả để che đậy những dục vọng ấy đi. Tiên sinh muốn chữa cái phần đạo đức giả đó lại chỉ dọa “nhổ lưỡi” với “đánh đòn” thì liệu có chữa được không? 

 

Mái Tây đến với hậu thế bằng diện mạo như ngày hôm nay có thể nói bảy phần công tội đều thuộc về Kim Thánh Thán, tác gia Vương Thực Phủ chiếu cố lắm cũng chỉ ba phần mà thôi. Thậm chí, văn bản Mái Tây của họ Vương chỉ là cái cớ để Thánh Thán tiên sinh dụng công cho những việc còn lớn lao hơn rất nhiều, Mái Tây chỉ là chuyện nhỏ. Cả nền văn học sử nước Tàu phải ghi nhận Thánh Thán tiên sinh là một hiện tượng “rách giời rơi xuống”. Tiên sinh không chỉ tung hoành ngòi bút của mình trong các tác phẩm văn học, mà cả trong những trước tác triết học, lịch sử… đại khái ở đâu có chữ là ở đó tiên sinh sẵn sàng múa bút xông vào tả xung hữu đột. Tiên sinh không có lý luận, và không cần lý luận bởi tiên sinh đã có phép. Những “phép đọc”; “phép viết”; “phép tả”… của tiên sinh là trên mọi lý luận, nó giản dị mà hiệu dụng như thần. Không hề đóng vai trò của một nhà cách tân văn chương. Song những việc tiên sinh đã làm đối với văn chương, chữ nghĩa là việc của con Tạo, không phải việc mà một nhà “lý luận phê bình” có thể làm được.

 

Trước khi có Thánh Thán, văn chương nước Tàu nói riêng và tư tưởng nói chung cùng với vạn vật là chung một mớ, có sinh có diệt, có đến, có đi, có chính, có ngụy, có vạm vỡ, có èo uột,v.v... Thậm chí nhiều lúc, nhiều thời còn bị xếp vào hạng… vô loài. Kẻ viết những dòng này chỉ đến khi đọc Thánh Thán, mới hay rằng chữ “văn” kia, thì ra nó lớn lao đến vậy. Tiên sinh không cần cách tân văn chương, chính xác là không cách tân bằng hình thức. Song tiên sinh vẫn mở rộng được khái niệm văn chương tới vô cùng bằng cách kéo dãn cái đường biên vốn hữu hạn của nó ra tận đường chân trời. Và một điều còn lớn lao hơn thế nữa, tiên sinh đã “định vị” lại chữ “văn” trong cả cõi nhân sinh này, trong cả Trời, Đất này, làm cho “văn” trở thành một thứ “đạo”, một thứ “hồn vía” hằng tồn tại trong cả vũ trụ tam tài Thiên, Địa, Nhân này. Chữ “văn” ấy của tiên sinh, hạng tầm thường hủ nho, hạng bồi bút giá áo túi cơm ở cả đương thời lẫn hậu thế kia làm sao hiểu được. Và cứ như thế, tiên sinh suốt đời hành trì chữ “văn”, chết trong chữ “văn”. Nhân loại từng chứng kiến những bậc phi thường, những cái chết phi thường, kẻ tự mổ bụng moi gan mà không hề đau đớn, người để mặc cho ngọn lửa thiêu cháy mình thành than mà vẫn bất động như trái núi… Những bậc ấy sở dĩ phi thường vì đã tu trì đạt đến cái “đạo” của mình, đã chết trong cái “đạo” của mình. Nay lại thấy tiên sinh cười trong lúc bị chém, đùa bỡn trong lúc bị chém, bâng quơ trong lúc bị chém, thì rõ ràng chữ “văn” kia của tiên sinh mà bảo rằng không lớn sao được.   

 

Đến đây hẳn có người thắc mắc, rằng sao toàn gặp Thánh Thán mà ít thấy Mái Tây? Xin thưa nếu chỉ với Mái Tây thì có gì đáng nói. Những chuyện tình son phấn trong văn học cổ của Tàu thiếu gì tuyệt phẩm hùng vĩ hơn thế này nhiều lần. Nhưng nếu không có Thánh Thán tiên sinh, chắc hậu thế không có Mái Tây. Vì thế nhân Mái Tây mà bàn đến tiên sinh, tức là bàn “Mái Tây” của tiên sinh đó vậy.

 

Sinh thời, chắc tiên sinh cũng đã tiên liệu được rằng chỉ cần đem nửa cái “đại dương” Mái Tây của mình ra cũng đủ làm cho văn học sử Trung Hoa phải “tâm phục khẩu phục”. Ấy thế mà có một kì nhân nước Nam sống sau tiên sinh không lâu lại không hề bị tiên sinh thuyết phục. Người ấy là cụ Tố Như tức Nguyễn Du tiên sinh. Chứa trong bụng cả một nền văn minh Trung Hoa, trong đó tất nhiên có cả Mái Tây. Song Nguyễn Du tiên sinh đã không chọn “áng văn hay trong khoảng Trời, Đất”Mái Tây ấy, mà đi chọn một câu chuyện “thường thường bậc trung” là Kim Vân Kiều truyện của một văn nhân cũng “thường thường bậc trung” là Thanh Tâm Tài Nhân để làm nên một Truyện Kiều bất hủ. Vậy xin mượn bậc tiền bối vĩ đại này mấy câu trong truyện Kiều, đoạn Thuý Kiều bàn về chính mối tình của Thôi, Trương trong Mái Tây để kết thúc bài viết này:

 

“Ngẫm duyên kì ngộ xưa nay

Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương

Mây mưa đánh đổ đá vàng

Quá chiều nên đã chán chường yến anh

Trong khi chắp cánh liền cành

Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên

Mái Tây để lạnh hương nguyền

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng”./.

 

Hà Nội tháng 10/2009

  

(*) Ghi chú:

Năm 1661, vua Thanh ra chiếu đến Giang tô, lệnh các quan từ chức tuần phủ trở xuống đều phải tới phủ trị. Nhân dịp này, các học sinh đến tố cáo nhng việc làm phi pháp của mt viên huyện lnh họ Ngô. Tuần phủ Châu Quốc Trị bắt liền 5 học sinh. Hôm sau các học sinh lại đến Quốc tử giám kêu khóc, bị bắt thêm 30 người, trong đó có Kim Thánh Thán. Nhân lúc vùng Giang Nam đang có giặc cướp, các học sinh trên liền bị khép vào tội phụ hội với giặc, kết án tử hình, tịch biên gia sản.

 

Trước khi thọ hình, ông than thở: "Chém đầu thì đau đớn lắm, tịch biên thì thê thảm lắm, thế mà ngờ đâu Thánh Thán ta lại gặp cảnh này, kể cũng lạ lắm thay !". Rồi cười mà chịu chết.

 

Tương truyền ông có nhờ ngục tốt đem thư về cho vợ con trước khi bị xử. Ngục tốt trình lên quan. Ngờ trong thư có lời phỉ báng, quan mở ra xem thì bật cười vì thấy mấy dòng: "Gửi con: dưa muối mà ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này mà được lưu truyền thì ta chẳng còn hận chi nữa". – Theo Wikipedia.org

 

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 2780
Ngày đăng: 12.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hà Nội ngày trở gió - Huỳnh Văn Úc
Dỗi hờn - Huỳnh Văn Dung
Cây của miền quê nghèo - Vinh Anh
Những đài sen. - Võ Quê
Aha! Hoàng đế cởi truồng! - Hiếu Tân
Bây giờ bỏ nhau - Thụy Vi
Sương khói bên hồ - Nguyễn Đức Tùng
Cao nguyên trơ trụI : Gò đồI nhấp nhô ( * ) - Minh Nguyễn
tạp bút 2 - Nguyễn Đức Tùng
Từ Thanh Mai nghĩ về Pháp Loa thiền sư - Đặng Văn Sinh
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)