Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
565
116.588.320
 
Mưa Trên Sông
Ngô Nhân Đức

1.

Giữa những đường trăng mê ảo, tôi thấy em về, ngút ngát trong một nguy nga tơ vàng. Sáng lạnh. Mùa trăng hân hoan nọ và mối tình xuân lóng lánh kia, hun hút ghì giữ niệm khúc của tôi về tuổi trẻ. Dấu chân của nó đã nằm trên cát nóng thiên thu thổi tràn vấy vá những khuôn diện nhạt mờ, nhưng chính nó cũng nằm lại miên viễn trong ẩn khúc trái tim tôi.”

 

Người đàn ông ngồi bên cạnh tôi trên chuyến tàu mùa hạ đã mở đầu câu chuyện của mình như thế - tất nhiên không thể suôn sẻ như tôi đang viết cho bạn đọc đây, nhưng cũng gần như vậy. Tôi có chỉnh sửa chút ít lời ông, thì vì đây là truyện ngắn, và cũng vì mong bạn có một cảm giác thực như tôi đã có. Nhưng xin các bạn tin, tôi chẳng thêm bớt tình tiết gì vào câu chuyện mà ông đã kể tôi nghe.

 

Tôi đang trên đường về quê sau kì thực tập điền dã ở trường. Cũng khá tình cờ, tôi hỏi khi thấy mắt ông mờ đi lúc nhìn ra những hàng cây và cảnh vật vốn quá quen thuộc với tôi qua cửa sổ toa tàu đang chầm chậm vào ga:

-    Chú từng ở đây thì phải?

Ông quay sang nhìn tôi, mái tóc màu xám khẽ đưa theo cái gật đầu khẽ - “Cậu là sinh viên à?” Tôi dạ.

-    Cậu học ở đâu?

-    Cháu vừa hết năm thứ 4 Đại học Tổng hợp Văn Sài Gòn.

-    Cũng sắp là ông cử rồi nhỉ? Ông nheo nheo mắt. 

“Năm ấy, ông nói, vừa tốt nghiệp Sư phạm, tôi vấp ngay hòn đá đầu tiên của cuộc đời: chia tay cô người yêu đã quen suốt ba năm Đại học. Tôi vốn chẳng thuộc loại con nhà khá giả gì, mà cô ấy cứ nằng nặc cưới xin. Điều đó bình thường thì không phải là chuyện quá đáng lắm, ngặt nỗi, nhà cô giàu sụ, nên đám cưới phải rình rang nở mày nở mặt bốn bên họ hàng. Thằng tôi thì kiên quyết không chịu cho nhà gái lo đám, đâm cãi nhau to. Cô bảo, hay là anh có ai khác nên kiếm cớ thoái thác, khóc lóc ầm ĩ. Tôi cáu, quen nhau lâu thế mà chả hiểu gì nhau, ừ phắt. Cô ôm mặt tỉ tê, từ nay không muốn nhìn thấy mặt anh. Chuyện cũng đâu đáng đến nỗi, nhưng thuở nọ, tôi chưa biết phải làm gì để giữ lòng tự ái mà không phương hại đến điều khác.”

 

2.

Tàu dừng hẳn. Ông cũng xuống ga này. Trong lúc chờ xe buýt, ông hỏi tôi tuyến xe chạy về nơi ông từng ở. Tôi bảo cách đây cũng không quá xa, nhưng đến cuối bến thì phải bắt xe ôm chạy thêm một đoạn. Ông lại gật đầu, vẻ tự nhủ, cũng không khác xưa nhiều lắm. Ông mời tôi ly nước mía ở quán cóc bên trụ cắm bảng tuyến buýt. Tôi không ngần ngại đồng ý, có cái gì ở ông làm tôi thấy gần gũi, mà tôi cũng muốn nghe nốt câu chuyện.

 

“Tôi gặp cô gái vào một chiều mưa, đúng là vào năm ấy, mùa mưa kéo dài lê thê với những cơn gió xám cần cù quần quật trên các nóc nhà vùng quê này. Vác hành lý xuống xe, tôi chẳng quan tâm gì ngoài cảm giác buồn bã từ cảnh vật trong buổi chiều của thị trấn miền trung du xa lạ và cảm giác vừa chán vừa tiếc cái quyết định nhận công tác trong lúc bồng bột của mình. Đã thế trời lại ầm ào đổ mưa, như muốn trang điểm cho bức tranh tâm trạng tôi thêm chút màu xám nữa, mới hả dạ.

 

Băng ngang đường, tôi trú dưới một mái hiên thấp. Em cũng bị mưa đuổi, vội dừng xe, nhìn lướt qua tôi, rồi nép bên cạnh góc hiên kia, nhìn ra. Cơn mưa như đang muốn chứng tỏ mình có một sức khoẻ dẻo dai, những sợi nước trắng bạc thi nhau đan xéo dày khuất tầm nhìn.

 

Nhưng rồi mưa tạnh. Tạnh ngắt. Như vừa bị một cơn truỵ tim đột ngột. Không gian chợt rớt tỏm vào im lặng. Không tiếng xe, không tiếng người, cả những giọt nước nhỏ xuống từ mái cũng lặng lẽ. Một chú chó con với bộ lông ướt đẫm lũn đũn chạy ven đường cống thoát nước. Tiếng chiều rơi êm trên những ngả đường, thứ tiếng bỗng khiến lòng ta chạnh nhớ những điều cũ kĩ nhưng dịu dàng. Gió trườn trên những vũng nước đọng, khẽ vẽ lên đấy những gợn sóng lăn tăn.

 

Trong tôi bỗng dưng xuất hiện một cảm giác kì quặc, muốn nấn ná thêm chút nữa, dù biết nếu trời sụp tối, việc tìm chỗ nghỉ trong đêm lạ nước lạ cái ở thị trấn nhỏ này không dễ. Một hấp lực nào đó ẩn náu trong lòng chiều đã đột ngột bắt dính lấy tôi, đột ngột như mưa tạnh. Bỗng nhiên, và rất ngắn, tôi chìm vào một cơn ngủ thiu thiu.

 

Khi sực tỉnh, tôi có thêm một phát hiện, cô gái vẫn còn đứng đấy, vẫn tư thế cũ, tựa hồ chưa nhúc nhích chút nào. Cô chờ ai ư? Như cảm nhận được tia nhìn lạ lẫm của tôi, cô gái ngoảnh lại, ngạc nhiên không kém:

- Sao anh cũng còn đứng đây?

Sau này, mãi tận giờ, tôi vẫn không hiểu được cái hấp lực nào đã bắt dính lấy tôi trong chiều ấy. Nhưng tôi nghĩ là em cũng đã lâm vào một tình cảnh hệt tôi. Bởi trong thoáng chốc, vẻ mặt của em lúc quay lại, có gì tựa như chú chim non vừa choàng tỉnh. Có thể đó chỉ là cảm giác của tôi thôi, nhưng đúng là lúc ấy trong tôi xuất hiện cảm giác như thế thật.”

 

3.

Ông dừng lại, nhấp một ngụm nước mía, ngậm khá lâu trong miệng rồi mới nuốt xuống, hai mắt nhắm hờ như đang cố thêm một lần tự hỏi về cái hấp lực ấy. Tôi biết lúc này mình nên im lặng.

- Cậu có bao giờ có cảm giác tương tự thế không? Ông hỏi sau một hồi và tôi lắc đầu. - Ừ, có lẽ đời mỗi người may mắn lắm cũng chỉ gặp nó một lần.

 

“Nhờ em, đêm đó tôi tìm được chỗ ngủ tạm trong một phòng trọ bé tí hin với cái giường luôn miệng cót két mỗi khi tôi trở mình vì lạ chỗ và vì suy tưởng mông lung. Sau đêm ấy thì tôi biết, tôi đang ở thị trấn nghèo cũ này, và đã bước đến một khúc cua nào đó mà trong đời ai cũng phải đi qua.

 

Cũng nhờ em, tôi được ở trong một căn nhà nhỏ vốn là nhà cũ của gia đình em dựng ven bờ sông. Nói là nhà, thực ra chỉ còn lại nếp ngói hai mái vừa đủ cho một cái giường, một bàn sách, và một bàn tiếp khách, bốn bên vách ván. Phía sông này lở, nhà em đã dời vào sâu hơn trong khu vườn rộng hơn một mẫu Trung bộ. Tôi ở đấy, đến bữa vào nhà trong cơm nước, bù lại, tôi dạy thêm Anh văn cho em lúc không có tiết ở trường. Em vừa tốt nghiệp trung học nhưng sẽ cùng gia đình đi nước ngoài theo diện bảo lãnh. Đều đặn như thế, gần một năm, cho đến lúc tôi đi khỏi đó.

 

Có thể cậu cho rằng, tôi tệ lắm khi bảo không còn nhớ rõ khuôn mặt em. Tôi cố tưởng tượng, sau này, khi nhớ đến em như hôm nay, để mong hình dung rõ lại, nhưng không thể. Cứ có thể nhớ lại mái tóc thì lại nhoè mất hình dáng của đôi môi, vẽ ra được đường viền cho khuôn mặt thì lại quên cánh mũi thế nào… Tựa như em cứ đứng đâu đó sau một tấm màn thưa xa lắm. Tôi chỉ còn nhớ một điều, là đôi mắt em luôn long lanh màu nước hồ mùa xuân lấp lánh, long lanh đến nỗi mới nhìn có thể nhầm rằng có một làn hơi ẩm của nước mắt phủ lên trên ấy như một lớp mỏng khăn sương.

 

Nhưng trí nhớ của tôi thì lưu lại hình ảnh của mẹ em một cách sắc nét. Nhiều lúc tôi cũng thấy lạ lùng với điều này. Bà là một phụ nữ trung niên cao ráo với những bước thoăn thoắt sải dài, bàn chân như muốn nghiến nuốt mặt đường. Khuôn mặt với sống mũi hơi gồ lên ở giữa đỡ lấy đôi lông mày nhỏ vồng cao phía đuôi, hai mắt sắc lạnh chia đều trên đôi môi luôn mím chặt của bà gây nơi người nhìn một ấn tượng kì lạ. Khi bà nói, với một giọng khan, hơi ồm ồm, tôi luôn nghĩ tới những lời phán quyết của một vị thẩm phán nào đó. Từ khi bố em chết trước đấy mười một năm vì vỡ nợ do đầu óc kinh doanh khá mơ màng của ông, bà làm mọi cách chống đỡ lấy sự lụn bại ở gia đình đã từng nổi tiếng khá giả trong vùng, ở vậy nuôi em và cậu em trai. Lần đầu tiên gặp bà, tôi chỉ nhận được một câu kèm với một cái nhìn như lơ đãng:

- Tôi có nghe con bé thưa chuyện, hy vọng cậu làm đúng những gì tôi trông ở cậu.

Nhưng chỉ độ hơn tuần sau, tôi biết cái nhìn của bà chẳng lơ đãng chút nào. Nhất cử nhất động của tôi được cái nhìn ấy ghi lại. Tôi mặc kệ, sinh hoạt của tôi chẳng lấy gì làm khác người cho lắm, mỗi tội thức khá khuya đọc sách, và nếu không có gì ngăn cản, tôi chả bao giờ muốn dậy quá sớm.

 

Căn nhà tôi ở, có cửa sổ nhìn ra sông. Từ đó, có thể nhìn thấy một triền cỏ chỉ và cúc dại ken dày giữa những viên đá kè bờ. Một bụi tre đã lở gốc, bị dìm nửa mình trong nước, cành lá cố gượng chống lại dòng chảy, luôn rung bần bật trong gió. Thoai thoải một lối đi xuống sông được phủ mát bởi cội sung già, ở đó có buộc chiếc ghe nan nhỏ lắc lư theo sóng vỗ ì oạp. Xa qua phía bên kia, giữa dòng nước cạn bị rẽ làm đôi, nhiều cồn cát bồi nhô lên như bàn tay khum. Tôi nhiều lần để ý thấy có đôi cò trắng về đậu đấy, nhẩn nha trình diễn những điệu múa hài hoà lạ lùng.

 

Em bảo ngày xưa nơi này từng là bến nước, bây giờ nhà nào cũng có giếng rồi nên không ai ra tắm giặt nữa, ngại nguy hiểm. Mỗi em là vẫn hay ra ngồi ở bậc đá dưới tán lá, ngâm chân trong nước, thích lắm. Có lẽ cũng hơi dài dại, ảnh hưởng từ bố, lúc còn sống ông thường ra đây đọc thơ với em ngồi trong lòng, mặc cho mẹ quát tháo các kiểu - em kể và che miệng cười khúc khích. Thật ra thì không biết ông bố hay bà mẹ, nghĩ thầm nhưng không nói, tôi nhìn em, rồi nhìn ra bến nước. Gió khẽ đưa một chiếc lá sung vào lòng sông, xoay xoay trôi chậm. Nhiều năm sau, tôi vẫn còn hình dung được cái cách mà chiếc lá đã vẽ trong không trung một đường zic zac tuyệt mỹ rồi yên lòng nằm trong nước xuôi đi.

 

Những buổi học của tôi và em thường kết thúc bên bến nước cũ đó. Có khi chỉ ra đấy để ngồi hàng giờ im lặng nhìn nước. Những ngày nắng, dòng nước trong in bóng từng cuộn mây xốp mỏng, lững lờ như khói thuốc trôi trên nền màu xanh lơ dịu làm bầu trời có vẻ cao hơn mọi ngày. Em bảo, ước gì được lên trên ấy nằm, mà nếu có thể, chắc cũng mất nhiều thời gian hơn so với mọi ngày. Tôi ừ hử, nghĩ về cảm giác vừa thoáng đến, cái cảm giác thấy rằng thực ra sông có vẻ sâu hơn bình thường – vì mây như chìm đến tận đáy nước. Lại có cảm giác, bởi mây và nước đều trôi, nên giống như chúng đứng yên hơn. Nhìn sang, thì thấy mắt em hình như cũng thế.

 

Những ngày mưa dài, tôi thấy em ngóng mãi ra sông. Những lúc ấy, đôi mắt bất động của em mang màu của những cơn mưa. Lần nào đó, bất chợt em hỏi tôi, những giọt mưa rơi trên sông, có gây ra tiếng động không nhỉ. Tôi đã không thể trả lời, bởi tình thật cho đến lúc ấy, tôi chưa bao giờ nghe ai hỏi một câu gì tương tự. Mà nghe rồi, tôi cũng không chắc là mưa có hay không việc gây ra tiếng động trên sông, bởi thường người ta chỉ chú ý những tiếng động loại khác của mưa, như tiếng rơi trên mái hay trên lá, chẳng hạn. Tôi nói điều mình nghĩ, rồi thêm, nhưng anh nghĩ chắc mưa sẽ tan vào sông, là nước cả ấy thôi. Chả thế mà mưa nhiều thì nước sông dâng thành lũ còn gì.”

 

4.

Xe buýt đến. Ông lên xe, chọn chỗ ngồi bên cửa sổ. Cánh đồng vừa gặt đang nằm phơi mình ủ ê chờ những đường cày của mùa mới. Thoảng tới mùi rạ ẩm ướt ngai ngái theo những cơn gió lồng vào từ phía sông. Tôi thấy ngực ông phập phồng theo từng cơn gió.

- Tôi đang cố hết sức hít vào ngực mình mùi ngày tháng cũ - ông nói với tôi đang ngồi cạnh. Tôi vẫn còn nhớ mùi cỏ ẩm đêm mưa, mùi của những bông cúc dại bé nhỏ, mùi gì nhỉ, gọi là mùi bình yên cũng được, mà chỉ ở những miền quê xa như nơi này mới có, cả mùi của cô ấy - cái mùi tóc quyện lẫn mùi da thịt riêng trên mỗi người con gái, cả cái cười như nụ lài đầu ngày he hé và dáng ngồi nghiêng nghiêng bên bến sông của cô ấy nữa. Cậu chắc cũng từng có người yêu rồi chứ?

- Dạ, nhưng chẳng đến đâu cả.

Ông im lặng như đồng ý, rồi chợt hỏi:

- Đã bắt đầu vào mùa mưa của miền Trung rồi đấy nhỉ?

 

“Mưa miền Trung dấm dẳng, lầm lì. Dường như cái đặc tính ấy cô cạn lại trong một ngày Chủ nhật nọ. Mưa đều đặn không ngơi từ sáng đến chiều. Tôi bỏ bữa trưa. Nhà em cũng chẳng lạ gì thói ăn uống thất thường của tôi, không ai ra gọi. Mang tơi đội nón qua lối đi sình lầy trong vườn, để nhận về một câu từ chối chắc chắn trong thời tiết thế ấy, không phải là chuyện thích thú gì.

 

Quẩn chân, tôi vừa uống rượu một mình vừa nằm dài đọc lại “Đẹp và buồn” của Kawabata. Đến đoạn gặp lại giữa nhà văn Oki và người tình trẻ năm xưa thì hầu như tiếng mưa bên ngoài đã rơi hoà vào trang sách tôi đang giở. Có cảm giác rằng nếu mình đọc thêm ít dòng nữa, mưa sẽ làm ướt hết cả, tôi đặt úp cuốn sách lên mặt chiếu, lắng tai nghe mưa. Từ lúc em hỏi tôi cái câu kì lạ nọ, tôi phát hiện mình chú tâm đến mưa. Phải thật tập trung, mưa không lớn nên tiếng rơi nhẹ lắm. Khi mường tượng ra được tiếng mưa trên lá thì tôi cũng thiếp đi.

 

Cái gì đó đã đánh thức tôi. Không chắc lắm, nhưng tôi nghĩ vậy. Bên ngoài vẫn còn mưa. Đầu óc vẫn nằm trong đám sương mù đặc, tôi nhìn lên trần nhà. Những cây gỗ đỡ mái chập chờn lay động. Thoáng nghĩ chắc mình say, nhưng sau chừng năm giây, tôi biết không phải. Ai đó đã thắp lên ngọn đèn dầu và gió làm ánh sáng của nó lập loè. Hẳn trời đã tối. Nhưng là mấy giờ rồi? Tôi nhìn đồng hồ tay. Hơn chín giờ. Tôi chỉ ngủ hơn bốn tiếng đồng hồ sao? Có suy nghĩ là vừa trải qua một giấc dài.

 

Nhưng ai đã thắp đèn? Khi tôi ngừng đọc sách, trời còn khá sáng. Hay là em? Tôi chống tay ngồi dậy, không ai cả. Cuốn sách vẫn nằm úp bên gối, hình như, chỉ hình như thôi vì tôi cũng không chú ý khi chiều mình đã đặt sách nằm thế nào, có ai đó đã chạm đến nó. Tôi mở sách, vẫn là đoạn gặp lại của Oki và Otoko. Hay là trong lúc ngủ tôi đã lăn nhằm sách mà không biết?...

 

Cố vắt cạn những giọt ngủ cuối cùng còn đọng trên mí mắt nặng trĩu, nhưng tôi vẫn như người mộng du trên đường ra bến nước. Cơn mưa đã nhẹ hạt hơn nhiều, khi mưa chạm vào mặt và tay, tôi chỉ còn có cảm giác như mình đang hứng những giọt sương đêm. Dường như mưa đã lau sáng bầu trời đầu hạ, trăng bước ra từ bức màn đen của những đám mây phía bên kia sông, lặng lẽ sáng. Những tàu lá chuối nghiêng thân đón nhận, lấp loáng ánh bạc.

 

Tôi nhìn thấy em ngồi dưới bến, cằm tựa vào đầu gối. Ánh sáng từ dưới lòng sông hắt lên tạo nên một đường viền mờ ảo quanh dáng tối thân em. Dế gáy lặng lẽ từ đâu đó trong cỏ. Tôi nghe tiếng bước chân mình dẫm trên những cành cây mục trên lối đi như vọng lên từ một phía khác.

- Anh ngủ dễ thương thật - Em nói nhưng không quay lại.

- Ừ, nhưng cũng thỉnh thoảng thôi. Mà, em ướt cả rồi, không khéo sẽ ốm mất.

- Ừ, nhưng cũng thỉnh thoảng thôi, phải không? 

Tôi thoáng thấy nụ cười của em trong ánh sáng mờ mờ. Cũng không biết tại sao, nhìn nụ cười ấy, tự dưng tôi nhớ đến buổi sáng mùa thu mẹ tôi dẫn tôi vào học lớp Một. Chẳng có liên quan gì giữa hai việc ấy cả. Cũng không biết tại sao, tôi đã thấy em giữa hai vòng tay mình. Dưới chiếc váy liền mặc ở nhà đã đẫm nước mưa bó chặt lấy người, em không mặc gì cả. Lóng ngóng, em hôn lên má và cổ tôi, thì thầm:

- Trong lúc đợi anh ngủ dậy, em đã muốn làm Otoko.”

 

5.

Xe buýt đến bến. Mọi người lục tục đứng dậy đem hành lý xuống xe. Người đàn ông dừng câu chuyện, nhìn tôi mỉm cười:

- Thế là tôi không có dịp kể cho cậu nghe hết rồi.

Tôi buột miệng:

- Nhà cháu gần đây, hay chú cháu mình đi bộ đến đấy, rồi cháu gọi xe ôm chở chú lên.

- Cậu lém lỉnh thật, muốn viết gì đấy với chuyện của tôi, phải không?

Tôi ngạc nhiên:

- Sao chú biết?

- Tôi là phóng viên mà. Đoán thì biết ngay - Ông rút một tấm card trao cho tôi – Nếu viết được gì, gửi cho tôi với nhé! Rất tiếc là chính tôi lại chẳng thể làm gì với chuyện của mình.

 

“Vì tôi mà đêm ấy em trở thành đàn bà, vừa đi ông vừa kể, nhưng em không khóc, cũng không ngại ngùng với sự trần truồng của mình. Tôi nhớ lúc ấy, em vừa đưa tay gỡ lại những sợi tóc mà gió sông đã đánh rối hẵng còn vướng cỏ, khuôn ngực trăng trắng nhô in lên nền sông phía sau, nhoẻn cười - nụ cười mỏi mệt nhưng rạng ngời:

- Mẹ em có nói là em không được lấy chồng, nhưng em sẽ lấy anh. Em sẽ nhớ mãi những đường trăng đêm nay. Vĩnh viễn, như tin rằng, anh sẽ yêu em vĩnh viễn vậy!

Tôi ngồi nắn nót những nhánh cỏ bông, nhìn cái hình mũi tên bé nhỏ mà hình dáng chúng tạo nên, tưởng như nó vừa đâm vào tim mình. Trăng tràn lênh láng trên mặt sông dợn sóng. Ánh sáng bàng bạc lan toả, bàng bạc lạ lùng và mê mị. Trăng đêm đó đi vào tôi, vào em, dịu dàng như tôi và em đi vào nhau, mải mê và hoan hỉ say quên, quên cả những tiếng sột soạt khe khẽ phía bóng tối sau lưng.  

 

Tôi đi khỏi nhà em không lâu sau đó, lúc kết thúc niên khoá đầu tiên cũng là cuối cùng trong đời dạy học của tôi. Và từ lúc ấy tôi cũng không gặp lại em nữa.

 

Hôm ấy trời cũng mưa, tôi lao về nhà sau buổi tổng kết ở trường, bởi khi đó, mọi thời gian rảnh của tôi đều không thể thiếu em. Tôi gặp mẹ em ở ngưỡng cửa. Với cơn giận dữ sùi bọt mép, bà lớn tiếng nói nhiều hơn tất cả những ngày tôi đã ở đấy cộng lại, nhưng tôi không nghe gì cả. Chỉ nhớ vài câu cuối: “Cậu phải ra khỏi nhà tôi, và đừng hòng gặp lại con gái tôi ở bất cứ đâu. Nó không thể yêu ai khác ngoài tôi, cậu hiểu chứ? Nếu muốn có cậu, thì nó phải chôn tôi trước.”

 

Tôi nghĩ bà nói thật, với con dao dứ dứ trên tay. Tôi thấy nhục nhã hay cái gì đại khái giống vậy. Tôi đoán, có lẽ bà đã nhốt em trong nhà sau khi theo dõi chúng tôi và biết tất cả, cả lời hẹn của em sẽ cùng tôi đi khỏi nơi này nếu bà không cho phép.  

 

Buổi chiều ấy, trong lúc quyết định đời mình sẽ không bao giờ dạy học nữa, tôi đứng dầm mình trong cơn mưa nhìn ra quãng sông mờ trắng và bỗng nhiên tôi nhận ra được câu trả lời cho điều em hỏi trước đây.”

 

6.

Tôi hỏi lúc tiễn ông đi:

- Chú nhận ra điều gì ạ?

- Đó là một điều khó nói. Ông cười nhẹ, lắc đầu. Có lẽ điều ấy thì tôi sẽ viết qua thư cho cậu sau chuyến đi này.

Tôi đứng bâng khuâng nhìn người đàn ông đang dần hút khỏi tầm mắt tôi trong chiều mùa hạ. Ráng chiều màu mỡ gà mờ ảo nhuộm lên con đường, con đường sẽ dẫn ông về với chốn cũ. Tôi không biết ông tìm gì khi biết rằng, cô gái ấy chắc chắn chẳng còn ở đây nữa?

 

Hai tuần sau, tôi nhận được thư ông, viết tay với một nét chữ hơi nghiêng:  

“Như lời hứa với cậu, tôi sẽ viết cho cậu cái điều khó nói mà tôi nhận ra, thuở ấy và cả sau chuyến đi vừa rồi. 

 

Nếu thời gian có thể ví với hàng cây ven đường, thì ngày nào đó nhìn lại, bỗng nhận ra mình như đã có những cây cối lặng im. Cái im lặng khó diễn tả. Mà im lặng chắc đã là từ diễn tả đúng không? Nhưng, nếu có một so sánh thì sự im lặng đó giống những cơn mưa trên sông. Những giọt mỏng mảnh từ trời lặng lẽ rơi tan trên sông rộng chảy và chẳng để lại tăm tích gì. Chỉ khoảng thời gian nhỏ bé, cực kì nhỏ bé, lúc giọt mưa chạm vào mặt sông, có lẽ là lúc đã có một tiếng động gì đấy, đã có chút gì đó ngoài sự im lặng. Mọi cơn mưa trên sông đã rơi như thế, và thanh âm của nó, mơ hồ như được lọc qua một màn sương. Biết đâu sau này, cậu cũng chia sẻ với tôi điều gì tương tự?

 

Mà nói thì nói vậy, chứ có lẽ chỉ có thể tự mình nhấm nháp cái im lặng kia trong một cơ hội hiếm hoi nào đó thôi.”

 

Đọc thư xong, tôi chợt nghĩ, ông về lại chốn cũ, có lẽ chỉ để ngồi một mình bên sông nhìn nước xuôi đi./.

 

Trầm trang, 26.5.2009

Ngô Nhân Đức
Số lần đọc: 2132
Ngày đăng: 13.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qúan xe thồ - Khôi Vũ
Cá kim cương - Đinh Gia Hưng
Nhật Ký của Một Cô Giáo Trường Làng - Đỗ Ngọc Thạch
Bóc lại màn đêm - Dương Phượng Toại
Ngôi nhà xây cho Tây ở - Vinh Anh
Những mô đất trong vườn - Trương Văn Dân
Chờ bão - Mang Viên Long
Kịp không - Giản Tư Hải
Lão Dậu tò he - Nguyễn Chính
Thầy thuốc búi tó - Khôi Vũ