Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
772
116.612.526
 
Đất sóng
Khôi Vũ

I.

Cái bàn chân đau đã bớt dần. Phía bên kia vách, giọng ru con của Bạch Lan không còn nữa. Trên võng, ông chủ nhà đã ngoẻo đầu bên mép võng, ngáy khò khò như người bệnh phổi. Gió lùa qua song cửa để trống toang đem theo hơi lạnh của sương sớm. Sơn cố dỗ giấc ngủ mà đành chịu. Anh suy nghĩ miên man đủ thứ chuyện. Một lúc, anh nhớ lại câu hỏi của nhiều người đã đặt ra với mình: “Chừng nào chủ tịch xã cưới vợ đây?”. Tự dưng Sơn mỉm cười một mình.

 

II.

Trên con đường đất đỏ nối từ quốc lộ 1 vô trụ sở Ủy ban nhân dân xã, có nhiều ngõ hẻm chằng chịt đổ về nhà thờ. Người ta gọi những con ngõ hẻm bằng nhiều cái tên ngộ nghĩnh. Con ngõ men theo nghĩa địa có tên là ngõ Cô hồn. Con ngõ sang nhà ông trùm Tạo, một ông trùm nay đã bị mất chức vẫn mang tên ngõ Trùm Tạo. Ngõ Cây Xoài thì bắt đầu từ cây xoài trồng từ hột, tàn cây trùm kín cả chiều ngang con đường đất đỏ. Ở gần sát quốc lộ, con ngõ thứ nhất có cái tên còn đặc biệt hơn: Ngõ Cô Bạch Lan. Bạch Lan là cô con gái chủ nhà đầu ngõ. Có người giải thích rằng vì Bạch Lan xinh đẹp nhất xóm nên được chọn đặt tên. Người khác thì cố chứng minh rằng người ta đặt tên vì cô là một cô gái được nhiều nết nhất: ngoan đạo, lễ phép, dịu dàng, siêng năng cần mẫn… Hồi mới giải phóng, Bạch Lan cũng như nhiều thanh niên nam nữ khác được quy tụ sinh hoạt trong Hội thanh niên giải phóng mà Sơn là thư ký. Sinh hoạt thanh niên hồi đó chủ yếu là giúp ủy ban quân quản một số công tác chính quyền. Ngoài ra là nhiệm vụ nắm lực lượng thanh niên địa phương. Tuy ở chung xã nhưng do địa hình của xã kéo dài tới gần chục cây số, gia đình Sơn ở mút ranh phía đông, khu trụ sở thì ở mút ranh phía tây, nên Sơn ít hiểu biết về số thanh niên ở vùng này. Bạch Lan là cô bé cầm biểu ngữ sáng 1 tháng 5 đi dự mít tinh trên tỉnh? Hay là cô gái chăm chỉ cắt chữ dán tấm băng-rôn treo trước cửa văn phòng Ủy ban quân quản? Hay cô chính là người cãi lại Sơn khi anh chỉ định các thành viên của ban hợp ca thanh niên? Sơn không thể nào nhớ và chắc cũng chẳng bao giờ anh nhớ mà hỏi Bạch Lan để xác nhận. Với anh, đó là những chi tiết nhỏ không cần phải xác minh cụ thể. Anh sợ mọi ấn tượng về Bạch Lan tồn tại trong lòng mình.

 

Vậy nhưng tình cảm giữa hai người lại bắt đầu từ một câu chuyện tạo ấn tượng rất đậm nét trong Sơn. Chẳng vui gì khi nó là một ấn tượng không mấy đẹp.

 

Giữa tháng 6 năm 1975, những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu rắc bụi nước lên những khóm xương rồng kiêu kỳ trong nắng hạn; những bụi tầm vông dọc ranh xã tận hướng tây, chuyển mình cho măng lách đất nhú lên. Ủy ban quân quản các nơi cũng tập trung vào công tác tổ chức học tập cải tạo cho binh lính, sĩ quan chế độ cũ. Bên hàng rào kẽm gai quanh khu trụ sở, Sơn đang thơ thẩn đi lại, nóng lòng đợi chiếc xe tải của tay chủ thầu xây dựng tới chở các sĩ quan chế độ cũ đến nơi tập trung. Anh thấy một cô gái bịn rịn chia tay một thanh niên đứng phía trong hàng rào. Anh dừng bước, hỏi chuyện:

- Dường như cô có sinh hoạt trong Hội thanh niên giải phóng thì phải?

Cô gái thoáng lộ vẻ vui mừng:

- Vâng, em ở tổ thông tin…

- Còn anh đây là…?

- Đây là anh Tuấn, anh ruột của em. Anh ấy bị bắt đi sĩ quan Thủ Đức, vừa ra trường được một vài năm và vừa lên thiếu úy chưa được chục ngày thì giải phóng…

 

Sơn nghe gai gai nơi sống lưng như bao lần anh phải đứng trước một sĩ quan chế độ cũ. Anh nhắm hai mắt lại. Một giây ngắn ngủi ấy vẫn đủ hiện lên trong trí anh hình ảnh ba anh nằm phơi ngửa trên mặt đất đầy nắng nóng và cặp mắt cao ngạo, diễu cợt của tên trưởng ấp nhìn về phía tấm bảng nhỏ cắm gần đó: “Khu triển lãm xác Việt cộng”.

Sơn nuốt khan trước khi nói với Tuấn:

- Anh yên tâm đi học tập. Ở trại tập trung người ta sẽ nghiên cứu từng trường hợp cụ thể và sẽ giải quyết có lý, có tình…

Tuấn nắm tay vào sợi kẽm gai, giọng cầu khẩn:

- Tôi có thể xin được xét đặc biệt ngay từ bây giờ không? Theo thông báo thì từ cấp chuẩn úy trở xuống không phải học tập trung, mà tôi thì chỉ lên thiếu úy có mấy ngày bằng lệnh miệng, không có giấy tờ gì…

Cô gái đột ngột nắm lấy một bàn tay Sơn khiến anh phải đỏ mặt. Nhưng cô ta vẫn tự nhiên siết chặt bàn tay anh:

- Anh… Xin anh cố giúp anh của em. Gia đình em sẽ hết sức đội ơn anh…

Sơn rút tay lại không nói gì. Rồi anh khẽ lắc đầu.

 

Xe đến. Những người sĩ quan chế độ cũ được lệnh xếp hàng, cán bộ quân quản điểm danh lại lần cuối trước khi cho họ lên xe. Suốt thời gian ấy, Sơn đứng ở một góc sân quan sát. Theo sự phân công, anh ở trong đội bảo vệ để đề phòng tình huống xấu xảy ra. Nhưng tất cả đều suôn sẻ. Chiếc xe lăn bánh với nhiều bàn tay vẫy trên xe, nhiều bàn tay vẫy và vài tiếng khóc của những người thân đi tiễn tụ tập cả nơi cổng trụ sở.

 

Sơn ra về. Ở ngõ rẽ một đường về nhà anh, một đường ra quốc lộ, Sơn gặp lại cô gái. Chắc chắn là cô ta đã ra trước và đứng đợi anh ở nơi đây. Cây me keo trồng làm giậu căn nhà kế đó xõa bóng hiền hòa, có tiếng sột soạt bên trong như hai chú tắc kè đang đuổi cắn nhau. Cô gái gật đầu chào khiến Sơn buộc phải đứng lại:

- Cô chưa về sao?

Cô gái nhìn anh bằng ánh mắt rất lạ lùng. Ánh mắt ấy đầy vẻ trách móc. Cặp môi của cô ta cắn lại trước khi bật ra câu nói:

- Anh chưa phải là Việt cộng mà đã ác như họ rồi!

 

Sơn giận tái mặt. Nếu trước mặt anh chẳng phải là một cô gái thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Giọng anh run lên:

- Cô nên ăn nói cẩn thận. Cô... cô tên gì?

Bên trong đám cành lá rậm của cây me keo lại vang lên tiếng động, rồi tiếng chóe chóe của một con vật bị cắn đau. Một lần nữa, cô gái lại mím cặp môi. Cô ta trừng đôi mắt đẹp, tự biến mình thành một kẻ khác hẳn:

- Tôi tên Bạch Lan! Anh hỏi để sẽ kiểm điểm tôi đấy phải không? Anh yên tâm. Từ nay, tôi sẽ không bao giờ thèm đến với cái Hội thanh niên giải phóng của anh nữa đâu! Hay là anh sẽ báo Việt cộng bắt tôi? Anh cứ việc. Đây là địa chỉ nhà tôi: căn nhà sơn màu hồng đầu ngõ Cô Bạch Lan. Anh đừng lo. Tôi không trốn đâu. Tôi sẽ mở to mắt để xem các anh làm cách mạng!

Bạch Lan bỏ đi trong khi Sơn còn đứng sững vì ngạc nhiên. Trời vẫn nắng nóng. Mấy giọt mồ hôi lăn trên trán Sơn theo sống mũi xuống môi anh mằn mặn. Mấy con chuồn chuồn bay là là gần mặt đất sao mà vô tư và gợi nhớ tuổi thơ hồn nhiên đến thế. Chiều nay, thế nào rồi trời cũng chuyển mưa...

 

*

Hãy đi tới xứ sở của những cơn gió mạnh

Hãy leo tới xứ sở của những cơn gió thổi

Hãy tới nơi nguồn gốc của gió

Trong những thảo nguyên đầy cỏ xanh

Rồi tới những khu rừng thưa có cỏ tranh

Và ở đó có chim B’rling bay lên

 

Sơn đứng mãi một mình giữa đồi lộng gió. Ông tiến sĩ Hoa có lần đọc cho Sơn nghe một đoạn về Luật tục N’Dri của dân tộc Mạ và Sơn chỉ cần yêu cầu ông đọc lại lần thứ nhì, đã có thể nhớ ngay.

 

Quê hương của người Mạ được xác định là từ vùng Lâm Đồng kéo dài tới Đồng Nai. Theo Luật tục N’Dri thì nơi ấy là một bình nguyên rộng lớn, một thảo nguyên nuôi trâu, xứ sở của những cơn gió. Kia, gió lồng lộng. Gió đầy trời. Gió thổi mây bay lên cao hơn. Gió ru cành lá lao xao hát. Gió làm cho lòng Sơn sảng khoái.

Sơn đang sống những ngày đầy lạc quan. Anh vừa được bầu làm bí thư Chi đoàn thanh niên xã Tiên Phong. Anh nghĩ đã đến lúc mình thực hiện dần những ước mơ đẹp nhất về công cuộc xây dựng thôn xã quê hương bằng trái tim nhiệt tình và đôi tay thanh niên rắn khỏe.

 

Triển khai chủ trương phủ xanh các vùng đồi trọc của tỉnh, thành phố chỉ đạo xã Tiên Phong phân lô đất Ông Thức cho từng gia đình thuộc hai ấp phi nông nghiệp để trồng màu. Một buổi lễ xuất quân đã được tổ chức khá trọng thể. Chính quyền huy động được mỗi gia đình một người lớn tập trung tại địa điểm hành lễ, ngay trung tâm vùng đồi hoang. Trong gió lồng lộng thổi, tiếng loa phóng thanh như bị giạt hẳn đi. Sau đó là những bàn tay giơ cao cùng lời hô quyết tâm dõng dạc. Bà con đã vào cuộc ngay sau buổi lễ. Các lô đất đã được chia sẵn còn chuyện trồng trọt riêng sẽ được tiến hành sau; lúc này người ta chung ta phát chà, châm lửa đốt những bụi cỏ khô, phát hiện và rượt đuổi chuột đồng. Sơn đã vui vẻ chuyện trò với nhiều người. Anh luôn động viên họ cố gắng lao động và vẽ ra một viễn ảnh đẹp trong nay mai.

 

Từ ngọn đồi tràn gió, Sơn dắt xe đạp men theo con đường nhỏ tới khu vực trồng màu. Anh phải dừng lại nhiều nơi để hướng dẫn bà con. Khá nhiều người còn chặt hom mì quá dài. Có người đặt ngược phía gốc lên. Có người chôn hom quá sâu trong đất. Đến một lô đất nọ, Sơn cũng đã dừng lại nhưng không phải để hướng dẫn. Người thanh niên mặc bộ kaki vàng của sinh viên sĩ quan Thủ Đức cũ, đầu đội nón tai bèo, đang mải mê lao động, lanh lẹn và tỏ ra là người có nhiều kinh nghiệm trồng trọt. Đống hom mì chặt sẵn của anh ta gồm toàn đoạn già, mập mạnh, mỗi hom không quá ba mắt. Còn các luống đất thì thẳng tắp theo sợi dây anh ta chăng làm mực. Đợi lúc anh ta trở lại lấy hom, Sơn bắt chuyện:

- Chào anh! Anh thuộc hộ nào?

- Vâng, chào anh! - Người thanh niên vừa quệt mồ hôi trán vừa đáp - Tôi là con trai hộ ông Lê Văn Thu. Chắc anh là cán bộ xã?

- Tôi là Sơn, phụ trách Đoàn thanh niên.

- Anh thấy đó, tôi chấp hành lệnh của chính quyền rất nghiêm túc.

Sơn lờ mờ đoán người thanh niên đang có ý phân bua. Như vậy anh ta phải thuộc thành phần “đối tượng”. Sơn hỏi ngay:

- Anh mới đi cải tạo về phải không?

- Vâng! - Người nọ gật đầu - Tôi vừa được về chưa đầy một tháng thì gặp đợt trồng mì. Vậy là tôi có việc làm ngay...

- Trước đó anh học tập cải tạo ở đâu?

 

Người thanh niên ngồi xuống bờ đất cạnh đống hom mì lấy bi-đông ra uống nước, rồi anh ta vừa vặn nắp đậy lại, vừa kể:

- Tôi đã qua nhiều trại nhưng lâu nhất là ở Long Khánh. Ở đó tôi được giao phụ trách một tổ làm rẫy chuyên trồng mì. Anh biết không, mì trồng nơi đất đỏ củ lớn lắm, có củ bằng bắp chân tôi. Phải cái mì ăn bở, không ngon. Tôi nghe nói mì ở xã mình tuy củ nhỏ chỉ bằng ngón chân nhưng ăn dẻo ngon lắm. Có người còn giới thiệu với tôi là hàm lượng tinh bột mì ở đây cao nhất so với các nơi khác. Tôi hy vọng đó là sự thực. Nếu đúng như vậy, tôi sẽ xin phép mở một tổ hợp chế biến tinh bột khoai mì. Ở trong trại cải tạo, tôi đã học được nghề ấy...

 

Sơn thấy có cảm tình với người thanh niên. Anh ta có hoàn cảnh khác Sơn, nhưng ý nghĩ lạc quan của anh ta sao mà hợp với Sơn đến vậy. Anh ngồi ghé bên anh ta, cũng trên cái bờ đất nhỏ có lẽ được đắp làm ranh đất. Sơn hỏi:

- Tôi thấy anh trồng mì hơi thưa. Hay đó là kỹ thuật trồng của anh?

- Phải, tôi trồng thưa. Lẽ ra phải là ngược lại vì coi bộ đất này không được tốt mấy. Nhưng tôi đặt thưa vì muốn trồng xem thêm ít bắp. Nghe anh giới thiệu làm công tác thanh niên, tôi đoán là anh dễ thông cảm hơn. Cánh trẻ với nhau mà! Chớ với mấy ông trong ban ấp thì tôi chẳng dám hé răng chuyện đó đâu. Tôi tính cứ trồng xem bắp rồi sau này tới đâu hay đó. Anh cho tôi hỏi: có phải xã ra lệnh chỉ được trồng mì thôi không?

Sơn lắc đầu:

- Xã không có chủ trương đó. Mì là cây gợi ý. Bà con có thể trồng thêm nhiều loại cây khác tùy điều kiện của mỗi người.

- Vậy mà ban ấp tôi các ông ấy hăm: ai làm sai sẽ phải bồi thường thiệt hại cho xã.

- Anh bị quản chế bao lâu?

- Không. Tôi được trả quyền công dân ngay tại trại. Các anh trong ban quản giáo giải thích là đáng lẽ tôi được về sớm vì mới lên thiếu úy có mấy ngày, nhưng thủ tục bị chậm do chuyển trại nhiều lần nên thời gian chậm trễ này được tính thay thời gian quản chế...

 

Sơn thoáng nhớ ra trường hợp tương tự anh biết cách đó ba năm trong buổi chờ xe đưa sĩ quan chế độ cũ đi tập trung. Anh đặt ngón tay lên trán, nhíu mày hỏi:

- Như là tôi đã gặp anh rồi... Anh là anh của cô...

- Đúng rồi! - Giọng người thanh niên vui mừng - Tôi cũng đã ngờ ngợ khi thấy anh. Tôi là Tuấn. Còn con em tôi tên là Bạch Lan...

 

*

 

Không biết ai đó đã kể cho Sơn nghe câu chuyện này:

 

“Vào năm hai ngàn hai trăm, có ông viện trưởng Viện tự động hóa nọ rất lo ngại cho thanh niên nam nữ ở Viện ông. Họ ăn nói, đối xử với nhau không khác gì những rô-bô, chẳng bao giờ nghe họ nói chuyện tình cảm với nhau cả. Một hôm ông viện trưởng tình cờ nghe được mẩu đối thoại sau một cửa phòng thí nghiệm: “Anh tha thiết yêu em” - “Em cũng vậy, không có anh chắc em chết mất”. Ông viện trưởng muốn reo lên mừng rỡ: thì ra thanh niên nam nữ của Viện ông vẫn rất là con người! Ông không kìm nổi xúc động liền đẩy cửa để nhìn cho rõ mặt của cặp thanh niên. Ông căng mắt ra nhìn và thấy hai người máy rô-bô đang ôm chặt lấy nhau!”.

 

Câu chuyện khôi hài phản ánh mối lo sợ của loài người khi thế giới tiến tới trình độ tự động hóa cao. Sơn cho đó chỉ là sự lo hão. Con người muôn đời vẫn là con người với những tình cảm dành cho nhau. Bạn bè thường bảo Sơn là lạnh lùng. Đầu tiên thì anh chỉ cười nhạt không để ý. Kế đó anh thấy bị làm phiền.

 

Nhưng cuối cùng một sự lo lắng vẩn vơ lại xuất hiện trong anh. Có thể cái cảm giác trống vắng, thiếu thiếu mà anh hằng cảm nhận chính là sự vắng bóng của tình yêu. Và anh thấy cần phải có nó. Nó đã đến với anh bởi một lẽ đơn giản, anh trước sau vẫn là một thanh niên với nguyên vẹn tình cảm thương, yêu, hờn, giận.

 

Từ năm 1977, Bạch Lan di chuyển hộ khẩu qua Hố Nai và Sơn đã quên hẳn cô gái dám mắng anh là “ác như Việt cộng”. Có lần Sơn đã nghĩ nếu lúc ấy anh kiên quyết hơn thì Bạch Lan đã phải chịu một cái tát tai đầy phẫn nộ rồi. Anh kết luận về sự chuyển hộ khẩu của Bạch Lan: cô ta sợ không thể sống yên với anh nếu còn tiếp tục ở Tiên Phong.

 

Sau lần gặp Tuấn, Sơn được biết Bạch Lan đang là cô giáo cấp I ở Hố Nai. Sơn nhờ Tuấn gửi lời thăm Bạch Lan và nhắn hỏi cô ta xem bây giờ cô ta nghĩ sao về câu nói với anh dịp nào? Phải đến cuối năm học ấy, Sơn mới nhận được câu trả lời của Bạch Lan. Cô viết thư báo tin cô vừa được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh, cô sẽ rất vui nếu Sơn đồng ý cho cô gặp và nối lại quan hệ bạn bè. Thời gian ấy, trong nỗi buồn gặm nhấm lòng Sơn, thì điều gợi ý của Bạch Lan như một sự an ủi có giá trị không gì thay thế được. Để phủ xanh một khu đồi trọc chẳng phải dễ dàng như anh nghĩ. Kế hoạch chia đất cho các hộ phi nông nghiệp trồng màu không thành công vì năng suất kém, bà con lại thiếu tin tưởng, chỉ làm qua loa chiếu lệ, không phân tro chăm sóc gì. Một vài lô đất có bỏ công sức như của Tuấn kết quả có khá hơn nhưng lại không bảo vệ được thành quả. Chỉ trong một đêm, bọn xấu đã nhổ sạch phân nửa lô mì của Tuấn. Anh ta giậm chân kêu trời và trách chính quyền địa phương “đem con bỏ chợ”. Sơn không nói được câu nào hầu an ủi anh ta. Tuấn chán nản buông trôi một thời gian, rồi anh ta đi đạp xích lô kiếm sống.

 

Quan hệ tình cảm giữa Sơn và Bạch Lan ngày càng vượt xa hơn giới hạn của tình bạn. Có lần Bạch Lan đã đạp xe đến chơi nhà Sơn tận trong rẫy. Hai người đã đi bên nhau cả một buổi chiều quanh vùng đồi. Họ đạp xe dọc theo con hào chống tăng trước đây ngụy quân cho đào xuyên xã Tiên Phong với hy vọng ngăn chặn được bước tiến của xe tăng cộng sản. Những con hào đó bây giờ trở thành những con mương dẫn nước từ nhiều nơi cùng dồn về dòng suối chính của khu vực. Bạch Lan đã tranh cãi với Sơn về tên gọi của con suối. Cô cho rằng trước kia ở đây có nhiều cây sơn máu nên tên con suối đúng ra là suối Sơn Máu. Còn Sơn thì kể lại chuyện ngày xưa khi đoàn tù cách mạng từ trại giam Tân Hiệp phía bên kia đường phá khám thoát ra, nhiều người đã bị giặc bắn gục, đổ máu trên con suối này trên đường thoát về chiến khu Đ, bà con ghi nhớ sự kiện lịch sử ấy, gọi là Suối Máu. Sơn còn bùi ngùi kể về trận đánh mà cha anh đã hy sinh ngay nơi đầu nguồn con suối. Rồi anh lặng thinh, đau đớn mà nghĩ rằng bao người đã đổ xuống đất này máu đỏ, vùi xuống đất này thịt xương, nhỏ trên đất này những giọt mồ hôi mặn, vậy mà màu xanh vẫn chưa phủ tràn được khắp vùng đồi.

 

Chia tay nhau, Sơn báo cho Bạch Lan biết một tin mới:

- Tôi vừa được bầu vô Hội đồng nhân dân và được cử là ủy viên thư ký.

Bạch Lan ngắt một bông cỏ Mỹ lạc lõng bên đường, phất phất trước mặt rồi cười cười:

- Sao lúc nào anh cũng có thể nhắc đến chuyện chính trị, chuyện công tác được vậy? Anh thử nói với tôi một chuyện tình cảm nhẹ nhàng xem nào?

Sơn nghe tim mình rộn lên. Anh thu hết can đảm mà nói:

- Thực ra tôi đã để ý đến cô ấy nhưng còn chưa biết ý cô ấy ra sao?

- Cô ấy? - Đến lượt Bạch Lan hỏi với sự ngỡ ngàng xen lẫn hồi hộp - Anh có thể tiết lộ với tôi cô ấy là ai chứ?

- Tiếc là lúc này nói chưa tiện lắm, Bạch Lan à...

 

Ít hôm sau, Sơn lại một lần nữa bấm gan đạp xe đến nhà Tuấn nhờ anh ta gửi giùm cho Bạch Lan một lá thư. Trong thư, Sơn kể chuyện ngày xưa có một bá tước người Pháp muốn cầu hôn một phu nhân người Anh, ông ta đã gửi tặng bà này một cái gương có ghi chú “Đây là hình ảnh người tôi yêu”. Anh kết thư với nét chữ không đều:

“Anh muốn được ghi chú câu nói đó sau cái gương soi mặt gửi kèm theo lá thư này, em nghĩ sao?”

 

*

 

“Tôi, Lệ Thu, hân hạnh giới thiệu đến quý vị đồng hương, siêu thị Wai Wai mà Lệ Thu mến chuộng với các tiêu chuẩn độc đáo: rau cải tươi và đủ loại trái cây với quầy thịt tươi thứ thiệt”

“Tôi, Việt Dũng, xin trân trọng giới thiệu quầy thịt tươi Wai Wai hiện đang dẫn đầu với tiêu chuẩn thịt cao nhất. Ngoài ra, theo Việt Dũng thì Wai Wai có đầy đủ mặt hàng và bán giá rẻ, ta nên ghé mua thử một lần”

 

Sơn đọc đi đọc lại hai mẩu quảng cáo trên tờ báo tiếng Việt in ở nước ngoài mà ban văn hóa thông tin xã tịch thu được. Đứng tên làm quảng cáo cho các nhà kinh doanh, đó là cách kiếm tiền của các ca sĩ từng một thời nổi tiếng ở Sài Gòn. Còn tình cảnh những người di tản khác? Liệu còn tồi tệ đến mức nào?

May mà Bạch Lan đã không trốn thoát ra nước ngoài.

Nhưng cũng thật không may cho Sơn...

 

Liên tiếp trong vòng một năm, Sơn chịu nhiều nỗi đau. Đầu tiên là cái chết của người mẹ, người thân duy nhất còn lại trong gia đình anh. Đêm đêm thắp nén nhang nơi bàn thờ mẹ, Sơn tưởng như đâu đó còn vang tiếng ầu ơ của bà... “Anh Trương Chi tình si mà thổi sao, người ta không thương nên anh ảo não bỏ thuyền (mà) bỏ sông...”. Sự lạc quan thơ ngây của Sơn cũng dạy cho anh một bài học không thương xót. Kế hoạch trồng mít đại trà thay thế cho kế hoạch trồng màu nhằm phủ xanh đồi trọc của anh đã thất bại hoàn toàn. Cấp trên khiển trách, bà con trách móc, nỗi buồn càng gặm nhấm lòng anh. Nguồn động viên duy nhất của Sơn, ngoài công việc của một chủ tịch xã mà anh được phân công, là tình yêu của anh với Bạch Lan. Ngày mẹ Sơn hấp hối, bà có căn dặn anh: “Con nhỏ coi cũng dễ thương, nhưng má thấy nó còn sống đài các quá. Muốn xây dựng với nó, con phải hết sức lưu ý điều đó”. Sự việc đã diễn ra... Đột nhiên, suốt mấy tháng trời Sơn không nhận được tin tức gì của Bạch Lan. Tuấn giấu quanh và còn tìm cách tránh mặt anh. Sơn tìm đến nơi thường trú của Bạch Lan ở Hố Nai cũng không biết thêm gì ngoài việc cô đã vắng mặt không biết lý do.

Sơn vẫn lao vào công tác sau những thất bại và tâm sự riêng tư. Trước mặt anh là rất nhiều công việc phải giải quyết: Đơn xin cấp đất của tổ hợp trồng sả; Báo cáo của ban ấp Ông Thức về sự xuất hiện của một đội trồng rừng; Báo cáo của du kích về tình hình an ninh trên con đường xuyên vùng đồi; Đơn xin chuyển lên hợp tác xã của tổ hợp đan lát; Những đơn khiếu tố của bà con về ban quản lý chợ...

 

Một hôm, Tuấn đến gặp Sơn với tờ đơn xin việc. Anh đọc qua nội dung và thật sung sướng khi biết Tuấn quyết định bỏ nghề đạp xích lô xin lên công tác ở vùng khai thác lòng hồ Trị An. Nhưng anh ép Tuấn phải nói sự thực về Bạch Lan. Sự thực ấy không vượt quá dự đoán của Sơn là mấy. Bạch Lan không chịu đựng nổi những khó khăn trong cuộc sống đã nhẹ dạ trốn ra nước ngoài cùng một giáo viên nam hứa lo liệu cho cô. Chuyến đi thất bại, Bạch Lan bị giữ một thời gian ngắn rồi được trả tự do. Nhưng cô sẽ không bao giờ về Tiên Phong nữa... Trong bụng cô đã có giọt máu của người bạn giáo viên mà anh ta lại tìm cách chối bỏ...

 

Sơn chứng nhận vào đơn của Tuấn với những lời có lợi nhất cho Tuấn. Tuấn bắt tay Sơn rất chặt:

- Tôi muốn sống xứng đáng trong đoạn đời còn lại của mình. Tôi còn trẻ, vẫn có thể làm lại từ đầu. Sơn hãy tin tôi...

Sơn tin Tuấn.

Ngày giáp Tết năm ấy, Sơn nhận được món quà của Tuấn từ Trị An gửi về: một giò phong lan với hai chùm bông trắng muốt. Anh nhìn giò lan, sững sờ. Gió lan trắng. Bạch Lan. Tuấn vô tình hay cố ý?

 

*

 

Thời tiết năm nay có những dấu hiệu thay đổi đáng lo ngại. Mùa mưa kéo dài đến quá tháng mười một âm lịch. Gió lạnh đến sớm và con suối xuyên xã Tiên Phong có những đợt dâng nước cao tràn bờ, gây lụt lội tạm thời cho những khu dân cư ven bờ. Người ta bảo đó là hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi phía bên kia sông mà những khu rừng mới trồng ít ỏi chưa đủ sức thay thế, đảm nhận nổi nhiệm vụ ngăn nước, điều hòa thời tiết. Vùng đồi Ông Thức sau nhiều năm cố gắng nay đã dần được phủ xanh bằng nhiều loại cây. Cho đến thời điểm này thì cách làm đó là hiệu quả nhất. Người ta căn cứ đặc điểm từng khu vực mà trồng rừng, trồng cây làm thuốc, làm rẫy, làm ruộng hay trồng cây ăn trái. Lại có một ngọn đồi được quy hoạch trồng cỏ nuôi đàn bò tăng gia của xã đội. Dẫu sao, vẫn còn một số diện tích bị bỏ hoang, chưa giải quyết được. Đất đồi lượn sóng, những nơi đó có khi bạc phếch màu cát, có khi đỏ quạch màu đất lẫn đá ong. Những cơn mưa cuối mùa vẫn đủ sức làm những hạt cỏ Mỹ còn vương vất đây đó nảy mầm, cao nghển, phất phơ trong gió kiêu ngạo thách đố.

 

Tin báo cho biết dọc hai bên bờ thác Trị An, những công trình xây dựng đang được thi công với tốc độ nhanh nhất. Nhà máy chính đã đổ móng. Những dầm cầu cứng ngang sông đã được phóng. Cũng theo tin báo, những tập đoàn sản xuất nông nghiệp ở Đại An, Thiện Tân đã chủ động được thủy lợi và tiến lên làm hai, ba vụ trong năm, bà con từ no đủ tới dư giả chút đỉnh. Những khu ruộng mía miệt Vĩnh Cửu xanh um tươm mật ngọt được chế biến thành các loại đường thiết dụng trên thị trường. Nhưng, từ lòng hồ Trị An tới là gỗ, củi; từ Đại An, Thiện Tân qua là lúa, bắp, đậu...; từ Vĩnh Cửu vòng xuống là bánh dầu, đường mật... và luôn cả thịt bò, thịt trâu, thịt heo giết mổ không hợp pháp đã theo con đường đất xuyên đồi Ông Thức về hướng quốc lộ I rồi từ đó, những thương lái tung đi khắp nơi trong tỉnh, ngược lên Thuận Hải hoặc vòng xuống Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Dòng máu xanh đã chảy như thế đó.

Đêm chụp xuống vùng đồi một màu đen đầy bí mật. Góc trời phía Trị An hắt lên màu đục lờ của đèn điện lẫn với ánh lửa bay tàn đỏ rực của những đám đốt cây. Chín giờ, nếu đúng như tin báo thì chiếc xe chở hàng lậu sắp xuất hiện. Sơn vén tay áo khoác xem đồng hồ rồi nói anh em công an và du kích xã chuẩn bị.

Chín giờ mười lăm phút, họ bắt đầu nghe được tiếng động cơ từ xa. Năm phút sau, ánh đèn xe để “cốt” xuất hiện ở đỉnh đồi. Sơn khoát tay ra dấu. Một cậu du kích cầm các-bin bước ra mặt đường, giơ tay chặn xe. Chiếc xe chạy chậm lại rồi dừng bánh, tắt máy. Sơn ra lệnh:

- Mở đèn “pha” lên!

 

Một giọng phụ nữ đáp lại:

- Đèn “pha” hư rồi, anh Hai!

Mấy ánh đèn pin cùng lóe lên. Quầng sáng vàng từ phía Sơn loa lóa vào ca-bin. Gã lái xe vẫn ngồi sau vô lăng. Cạnh gã, một phụ nữ đang mở cửa xe bước xuống. Thị đến trước Sơn:

- Trên xe chỉ có ít bao than, anh Hai thông cảm giùm...

- Chị là chủ xe?

- Dạ không... Em chỉ là người đi nhờ xe...

 

Sơn ra hiệu cho anh em công an và du kích khám xe. Anh nhìn kỹ gương mặt người phụ nữ dưới ánh sáng vàng lợ của bóng đèn xe vẫn đang để “cốt”. Đôi mắt của thị thuộc loại ti hí nhưng lại cố mở lớn ra cho ngây thơ. Mi mắt là một quầng xanh đậm mà trên đó, cặp lông mày rõ là lông mày vẽ chì. Mấy nốt tàn nhang trên gò má hơi nhô cao cho Sơn đoán tuổi của thị không thể khác đã trên dưới bốn mươi. Vậy nhưng thị vẫn xưng “em” với Sơn nghe ngọt xớt.

- Nếu chị không phải là chủ xe thì xin mời chị đứng qua một bên. Tôi sẽ làm việc với lái xe...

 

Một bàn tay, rồi hai bàn tay lành lạnh, nhão nhẹt chợt nắm lấy cổ tay phải của Sơn. Người phụ nữ nghiêng mình tới, mặt thị gần như sát bên tai anh. Sơn ngửi được cả mùi xà bông gội đầu loại đắt tiền thoang thoảng. Giọng của thị nhỏ đi, ngọt lịm:

- Anh thông cảm rồi anh muốn gì em cũng xin chiều...

Sơn cười nhạt:

- Chị sẽ chi bao nhiêu?

- Dạ... - Giọng người phụ nữ lộ rõ vẻ mừng rỡ - Em xin tặng các anh kia hai ngàn, còn riêng anh Hai cũng chừng đó.

- Chỉ bấy nhiêu thôi à?

- Dạ... - Vẫn cái giọng ngọt lịm thêm hiểu lầm - Nếu anh Hai muốn... Dạ... Mà em tin chắc là anh Hai muốn thôi... Với riêng anh Hai thôi đó... Em... có thể ở lại hết đêm nay...

Sơn hất tay con ma nữ ra. Anh lớn tiếng hỏi các cộng sự:

- Khám xong chưa, anh em?

Đằng sau chiếc xe tải có mấy người nhảy xuống và hai câu đáp ngắn vang lên:

- Xong rồi anh. Gỗ quý lẫn củi...

- ... Đậu phộng, bánh dầu và than.

 

Sơn rọi đèn pin về phía ca-bin xe. Trong phần tối sau ánh đèn, anh nói với người phụ nữ:

- Yêu cầu chị trở lại xe lấy giấy tờ giao cho chúng tôi. Nói anh lái xe xuống cho chúng tôi xét giấy tờ luôn...

- Anh Hai... Sao lại như vậy? Thôi... ba ngàn cho các anh kia. Còn anh thì năm ngàn và... em! Được chưa anh Hai?

Sơn quát lên:

- Tôi nói chị lên xe lấy giấy tờ xuống đây!

 

Ánh đèn pin cứ rọi theo người phụ nữ. Chị ta bước về phía ca-bin xe. Gã lái xe vươn người ra hỏi gì đó, có lẽ gã đang nóng lòng muốn biết kết quả. Hai kẻ gian trao đổi với nhau và chúng cùng châu đầu vào hộc đựng giấy tờ phía trước ca-bin. Sơn gọi anh em lại định bàn kế hoạch áp tải xe về trụ sở ủy ban. Ánh đèn pin của anh chếch đi. Luồng sáng vàng tan nhanh trong bóng đêm dày đặc. Đúng lúc ấy, ánh đèn “cốt” của chiếc xe vụt tắt. Rồi tiếng máy xe nổ ì ì. Trong những tích tắc của sự bất ngờ, chiếc xe tải sang số rốp rốp rồi hộc tốc lao về phía trước. Sơn và các cộng sự hốt hoảng nhảy tránh qua hai bên đường. Chiếc xe vọt đi chìm vào bóng đêm chỉ để lại đám bụi đường cảm nhận được qua hơi thở nặng mùi đất ngai ngái. Mấy tiếng súng nổ phá tan cái không gian yên ắng của vùng đồi. Sơn nằm ngửa người trên nền đất, vai và đầu gối trên lề cỏ lành lạnh sương đêm. Một bàn chân của anh tê hẳn đi. Kế đó là cảm giác đau đớn. Dễ chừng cả bánh trước lẫn bánh sau chiếc xe đã đè lên bàn chân ấy...

 

*

 

Con sông kia nước chảy lờ đờ

Con thuyền lững đững với trăng mờ nào soi

Con sông kia bên lở bên bồi

Lở kia lở mãi, bên bồi bồi thêm

Lúc bao giờ gió đứng sóng êm

Con thuyền em xuôi ngược qua đêm lại về

Với anh, em trót nặng lời thề...

 

Giọng ru con miền Bắc của thiếu phụ ở nhà bên buồn buồn, mệt mỏi. Đứa trẻ cứ nín lặng được một lúc lại khóc ré lên sau mấy tiếng hứ hứ ậm ừ như không vừa lòng điều gì đó.

 

Cái chân cứ buốt lên làm đôi lúc Sơn đã bi quan dù anh vẫn cố bảo mình ráng tin lời ông chủ nhà tốt bụng khoe: “Thuốc gia truyền của tôi rịt vào, xin cam đoan với ông chủ tịch chỉ sáng mai sẽ giúp ông khỏi hẳn đau!”.

 

Một cậu du kích trở lại báo cho Sơn biết họ đã đuổi bắt được chiếc xe chở hàng lậu khi nó vừa lọt vào đoạn đầu xa lộ. Sơn bảo cậu ta về, sáng sớm tìm xe đến đón anh. Vậy là đã yên. Sau khi chuyển vụ việc tối nay lên thành phố, Sơn sẽ chính thức đề nghị lập chốt kiểm tra trên con đường đồi Ông Thức. Còn lúc này, anh muốn tìm một giấc ngủ yên lành...

 

Tiếng thiếu phụ dỗ con cứ rề rà, trầm buồn, chán nản. Sơn thầm nghĩ nếu đó là giọng ru ầu ơ Nam bộ anh đã nghe quen tai chắc sẽ giúp anh ngủ được. Đứa trẻ lại khóc. Lần này, nó gào lên và Sơn nghe được cả tiếng đập chân của nó lên vạt giường. Thiếu phụ bất lực, giọng líu ríu:

- Thôi... thôi...  Mẹ xin con... Đây... Bú đi... Bú đi con...

Chị ta lại ru. Lời ru đã thanh thoát nhẹ nhàng hơn:

- Cái cáo mặc áo em tao

Làm tổ cây cà, làm nhà cây chanh...

Sơn ngồi vùng dậy. Ông chủ nhà đang nằm đu đưa trên võng, có lẽ đã mơ màng, giật mình hỏi:

- Sao vậy ông chủ tịch?

- Không có gì đâu bác. Tôi khó ngủ quá...

- Chắc mẹ con cái Lan làm ông bực mình rồi chứ gì. Ông thông cảm cho mẹ con nó, mẹ góa con côi... Cái Lan đang cai sữa thằng bé để đi làm...

- Chị bên kia nhà tên là Lan à? - Sơn thảng thốt.

- Ông chủ tịch có biết nó sao? Phải rồi. Dân xã Tiên Phong này mà. Tội nghiệp. Dại dột nghe lời người ta để bây giờ bị bỏ rơi, bôi mặt mà về ở tạm nơi đây. Thằng bé để quấn quýt quá, hai mươi mấy tháng mới tập cai sữa, đâu phải dễ dầu gì...

 

Sơn nghe nhịp tim mình rối loạn. Không còn nghi ngờ gì nữa. Bạch Lan. Chắc chắn thiếu phụ bên kia vách là Bạch Lan. Cô đã trở lại Tiên Phong. Và đêm nay, nếu cho là một sự ngẫu nhiên, thì chỉ có nghĩa là Sơn đã gặp lại Bạch Lan vào tình huống này mà không phải vào tình huống khác, vào một hôm khác.

 

 

III.

Vẫn gió dữ dội trên những ngọn đồi. Mái tóc xõa dài của Bạch Lan tung bay trong gió lộ cái cổ cao trắng ngần, gầy guộc, kéo gân xanh. Thằng bé khá hiếu động, lon ton đi vòng quanh mẹ như một trò chơi thích thú. Gió làm đám cỏ rối lại. Trời về chiều có những dải mây trắng nhuộm sắc hồng vắt ngang nền trời đã sang màu lam sậm. Đàn bò gần hai chục con của xã đội đang được tập hợp lại để lùa về.

 

Hai người đàn ông đứng bên nhau trò chuyện khá tâm đắc. Sơn thuật lại chuyện bắt xe hàng lậu đêm nào, rời chuyện củng cố các tập đoàn sản xuất nông nghiệp, chuyện lập nhà văn hóa xã, chuyện lập chốt kiểm soát trên con đường đồi. Tuấn thì kể chuyện dọn lòng hồ, chuyện quy hoạch thị trấn tương lai, chuyện anh ta quen thân với một cô công nhân bên bờ bắc trên công trường xây dựng nhà máy chính.

 

Thằng bé đã rời mẹ nó, tiến đến phía hai người. Tuấn ngồi xổm xuống, vỗ tay làm nhịp và gọi cháu:

- Nhanh lên nào! Nhanh lên nào! Cu Tèo.

Thằng bé gấp bước hơn, và nó vướng một vật gì đó, ngã xoài ra, khóc òa lên. Tuấn vội chạy tới ôm lấy cháu, vừa xoa xoa cho nó vừa dỗ dành:

- Thôi nín đi, nín đi cu Tèo. Mày muốn lớn lên thì còn phải vấp ngã nhiều lần nữa đấy, cháu ạ.

 

Câu nói vô tình của Tuấn lại xúc động lòng Sơn. Bước trưởng thành ngày nay của anh há chẳng đã phải vượt qua bao thất bại trong công tác đó sao? Còn Bạch Lan, cái giá cô phải trả dễ có gì bù đắp được. May mà cô còn lấy lại được lòng tin. Ngày mai đây, đúng là ngày mai đây cô sẽ đem con cùng theo anh lên Trị An. Cô hy vọng những ngày lao động mới sẽ giúp cô quên dần đi kỷ niệm đau lòng cũ. Và biết đâu cô lại chẳng gặp may như Tuấn đã gặp may trong chuyện tình cảm.

 

Hãy tới nơi nguồn gốc của gió

Trong những thảo nguyên đầy cỏ xanh

Rồi tới những khu rừng thưa có cỏ tranh

Và ở đó có chim B’rling bay lên...

 

Sơn đọc đoạn Luật tục N’Dri cho anh em Tuấn nghe. Bạch Lan hỏi anh:

- Chim B’rling tiếng Việt gọi là chim gì?

Sơn đành lắc đầu không trả lời được vì anh chưa từng thắc mắc tương tự để yêu cầu ông tiến sĩ Hoa giải thích. Tuấn chen vào:

- Chẳng cần biết chim B’rling ra sao, nhưng cứ hình dung cảnh lũ chim này bay lên giữa thảo nguyên đầy gió là đã đủ thích thú rồi...

 

Sơn lại nhìn ra một hình ảnh khác. Trên vùng đất đồi này, đất lượn sóng, đất làm khó con người, cuối cùng rồi vẫn phải mặc chiếc áo màu xanh ấm áp, từ giã những ngày trần trụi, tự mãn, lầm lạc. Những mảnh đời cũng đã trăn trở như cuộc đời vùng đất, cuối cùng đã hiểu mình hơn.

Chim B’rling là chim gì? Với Sơn, Tuấn và Bạch Lan đang là hai con chim B’rling bay lên giữa thảo nguyên đầy gió.../.

Khôi Vũ
Số lần đọc: 1893
Ngày đăng: 18.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài Học Đầu Đời - Mai Tú Ân
Bên trời mơ ước - Mang Viên Long
Bức ảnh - Triệu Thế Việt
Quán và những lệ thường - Franz Bartelt
Luật rừng - Huỳnh Văn Úc
Ma lai - Đỗ Ngọc Thạch
Phá - Hiếu Tân
Trăng cuối đông - Dương Phượng Toại
Cột điện. - Ngô Nhân Đức
16- Phan Sỹ Minh 2 - Phan Thế Hải
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)