Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
414
115.864.426
 
Từ thầy đến Quân sư
Trần Hạ Tháp

Quân - Sư - Phụ trong đời sống hôm nay vẫn có thể hiểu rộng ra một cách thiết thực và phù hợp hơn so những gì mà hệ tư tưởng phong kiến ngày xưa đặt để. Là một trong những giềng mối căn bản, phổ thông nhất nhằm đi đến thẩm định - trung, hiếu, nghĩa - ba tiêu chí đạo đức dựng nên nhân cách một con người.

 

"Quân, sư, phụ tam cương giả"

"Qua chuyến đò đầy, đò ngả cứu ai" ?

 

Một câu đố chữ lưu truyền trong dân gian Huế qua chuyện hò vay trả. Và đáp án ở đây được cho là lý tưởng:

 

"Thầy, cha thì xoác hai vai"

"Trên lưng cõng chúa, bỏ ai cũng không đành"

 

Quân - hay vua - biểu tượng còn hạn chế cho ý nghĩa lớn lao về đất nước, non sông. Thực tế không ít triều đại thay nhau lên chấp chính, song tổ quốc vẫn luôn luôn chỉ một. Yêu nước, không hẳn khi nào cũng nhất thiết trung quân. Dưới triều đại những hôn quân như Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Thống thì lòng trung quân của tôi thần trước những kẻ mãi quốc cầu vinh kia, thực ra chỉ có nghĩa ngu trung. Đối tượng tối cao của trung - đích thực  duy nhất và mãi mãi - là tổ quốc.  

 

- hay thầy - người dạy chữ hoặc truyền nghề. Biểu tượng cho tri thức văn minh. Là chìa khoá kho tàng tinh thần giúp con người mở mang trí tuệ. Bên cạnh cha mẹ sinh thành ra vóc dạc thì thầy, các vị đã khổ công tạo dựng nên phần tinh thần, tư tưởng. Đối tượng trước hết của nghĩa là ở những bậc khai mở ấy. Tất nhiên, chả riêng gì dưới một mái trường, ngành nghề nào hoặc trong chỉ một thời gian nhất định.

 

Biển học vô bờ. Sự học là cuộc hành lữ lâu dài trong suốt cả cuộc đời. Biết bao thành tựu cá nhân, tập thể, cho đến non sông đất nước hoặc ngay cả sự nghiệp quốc tế... Đều gián tiếp có sự góp phần không nhỏ của muôn triệu bậc thầy hữu danh và vô danh trong xã hội. Ân nghĩa của thầy - nói chung - chẳng thể nào xem nhẹ. Bậc minh sư xứng đáng được "tôn sư trọng đạo" để phân biệt với những manh sư chỉ biết gieo tàn hại cho đời vì lợi ích riêng tư.

Ẩn đằng sau sự rực rỡ muôn chiều của nền văn minh hôm nay, là tổng hợp cái bóng muôn thuở của những con người lặng lẽ ấy. Suy cho cùng, kém văn minh nhất - trong mọi thứ văn minh - là thiếu đạo nghĩa với thầy. Là phủ nhận biểu tượng văn minh trong tự mỗi kẻ đã không còn "tôn sư trọng đạo".

 

Vì lẽ ấy, mà được đặt trước cả Phụ để hàm ý rằng, dù một người được cha mẹ sinh ra nhưng không được giáo dục đầy đủ, để thiếu khuyết tri thức thì ngay cả hiếu cũng không có cơ hội vẹn toàn, nói gì tới những đạo hạnh cao xa ban bố với đời...

           

Phụ - hay cha mẹ. Là biểu tượng nói chung, bao hàm cho tiền nhân, dòng tộc. Không chỉ hiếu với cha mẹ mà còn hiếu với tổ tiên, nòi giống. Nói rộng ra là cả dân tộc, những người cùng chung một cội nguồn, lịch sử.

           

Trong Tam cương, không như QuânPhụ, vị trí của thật đặc thù và vô cùng sinh động. Có cả những bậc thầy của vua chúa với danh nghĩa tôn vinh từng được ghi ân trong sử sách. Những người tham mưu tối cao, đã trực tiếp vạch nên đường lối, kế sách giúp các bậc nguyên thủ, anh hùng từ vô danh mà làm nên nghiệp lớn khiến ổn định nước nhà, đem áo ấm cơm no cho dân tộc. Đây cũng là điểm vàng son nổi bật của nền văn minh Đông Á, trong đó bao gồm xứ sở Việt Nam. Vâng, những bậc Quân sư đúng nghĩa.

           

Đức độ hơn người, tài trí tuyệt luân cỡ như Khương Thượng Tử Nha, Phạm Lãi, Gia Cát Khổng Minh, Lưu Cơ trong lịch sử Trung Hoa. Hoặc trên đất nước Việt Nam như Vạn Hạnh thiền sư, Hưng Đạo Đại vương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ...chẳng hạn. Trong số họ, người đã chính danh Quân sư hoặc kẻ tương đương tước vị, song hết thảy đã thể hiện xuất sắc vai trò đặc biệt và vô cùng vinh dự ấy.

           

Điều đáng nói ở đây, sự trọng đãi hay lòng "tôn sư trọng đạo" tột bực của vua chúa với Quân sư. Chu Vũ Vương trước Khương Thượng Tử Nha và Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông trước Hưng Đạo Đại vương chẳng hạn... Những người quyền uy thiên tử ấy đã không ngần ngại tôn vọng, gọi các vị Quân sư của mình là Thượng Phụ. Họ đích thân làm gương cho quốc dân bá  tánh noi theo để triều đại càng thanh bình, thịnh trị.

 

Một khi - người thầy - được tôn vinh đích thực, hiển nhiên tri thức và nền giáo dục được vận dụng tích cực, tối đa hiệu quả... Khi ấy, người tài cao đức lớn trong thiên hạ có đầy đủ cơ hội xuất hiện để ra tài ích quốc, lợi dân.

 

Ngược lại khi hiền tài ẩn dật, minh sư lui bước là lúc triều đại đành phải nghèo nàn về kế sách, mưu cơ. Vận nước mặc tình bọn nịnh thần lộng hành, tàn hại. Những kẻ đục nước béo cò, manh sư sẽ loạn cả triều cương. Trong thế nước lửa chẳng dung nhau, đối tượng cần loại trừ - trước hết - của chúng thường là các bậc minh sư và hiền tài nổi tiếng.

 

Lắm lúc chỉ cần nhìn vào mức độ đắc dụng của người thầy trong lịch sử, đủ để ta thấu suốt lẽ thịnh suy từng triều đại. Chu Văn An cam đành trả áo mão, bỏ về quê thời Dụ Tông nhà hậu Trần đang từng bước suy vong... Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân gặp nhà Mạc phản nước, soán ngôi. Ông bất đắc dĩ làm quan võn vẹn mấy năm rồi tìm đường thoái ẩn. Không lạ gì, đấy cũng là những lúc giặc ngoại bang xảo quyệt nắm lấy cơ hội, có dã tâm dòm ngó mưu toan... Đấy là lúc thầy giỏi nhưng gặp phải trò hèn, thầy đầy công tâm và trí tuệ, song trò thì hôn quân hoặc bạo chúa trị vì.

 

Hạnh phúc cho dân biết bao khi thầy giỏi gặp minh quân, hiền chúa lên ngôi. Chắc rằng, là lúc mở ra thanh bình và thịnh trị. Thôn xóm đều âu ca hoan lạc, nơi nơi chẳng còn oán hờn xông chín từng mây.

 

Thử xem lại sử sách thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người được Đào Duy Từ đem hết lòng phò giúp chính sự... Phương nam từ ấy ngày càng hưng vượng, Phật đạo được đề cao. Từ đó mặt bắc được ổn định, tạo điều kiện thuận lợi về chiến lược. Một bước ngoặc rất quan trọng để sự nghiệp nam tiến các chúa Nguyễn nối tiếp nhau, dần đi đến thành công to lớn trong lịch sử Việt Nam. Thời kỳ mở mang tổ quốc không dễ gì phủ nhận.

 

Vốn dòng tộc "xướng ca vô loài" - con đào, kép hát - xuất thân, Đào Duy Từ dù mưu trí siêu quần, toàn tài văn võ vẫn bị đối xử khinh thị và cấm thi dưới triều đình Lê Trịnh. Đã tuổi 53 ông vẫn phải ngậm ngùi, liều chết bơi sông trốn vào nam tìm lẽ sống vì cùng đường tuyệt lộ.

 

Thật kỳ diệu, ông lập tức nhìn ra ở Nguyễn Phúc Nguyên đạo đức của một vì chân chúa. Vị chúa ấy có đủ sức mạnh của một bậc anh hào, vượt qua sự khống chế của thời đại về quan niệm xuất thân, nguồn gốc họ Đào để một lòng tôn vọng vì tài năng và đại nghĩa. Quả thực, anh hùng mới tương ngộ được anh hùng.

 

Họ đã không hề lầm lẫn, nghi nan nhau như rất nhiều bậc vương hầu "đại khẩu, tiểu tâm" triều đại nào cũng có. Đấy là loại quyền cao chức trọng miệng nói đại ngôn để mị dân, để được tiếng thương nước yêu nòi, làm cớ cho các sử quan ghi vào trong chính sử - song sự thực ngược lại - túi tham không đáy, lòng dạ tiểu nhân ẩn chứa lắm mưu sâu kế hiểm.  

Điều đáng nói hơn ở đây, nhân cách "tôn sư trọng đạo" của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trước Quân sư Đào Duy Từ đã khiến muôn đời sau vô cùng ngưỡng vọng. Hình ảnh đẹp một cách cao cả, hiếm có nên mãi mãi còn đọng lại cảm xúc thiêng liêng ở những ai đêm đêm đọc sử Việt./.  

 

Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 2605
Ngày đăng: 20.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Claude Lévi-Strauss (1908-2009) Với thuyết cơ cấu - Khổng Ðức
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -1 - Nguyễn Ước
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -2 - Nguyễn Ước
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -3 - Nguyễn Ước
Lyotard với chủ nghĩa Hậu Hiện Đại - Khổng Ðức
Mỹ học của Thuyết Giải Cấu Derrida - Khổng Ðức
Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế! - Phạm Toàn
Ðại cương Thiền tông - 1 - Nguyễn Ước
Ðại cương Thiền tông - 2 - Nguyễn Ước
Ðại cương Thiền tông - 3 - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)