Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
525
116.588.634
 
Ông Sáu Bia
Nguyễn Chính

Ký sự của Nguyễn Chính  (Giải A báo chí Toàn Quốc – 1994) 

 

Câu chuyện về “Ông Sáu Bia” là một vụ án phức tạp, có mâu thuẫn gay gắt về chứng cứ buộc tội. Tác giả  đã không sa vào lối viết thiên về nêu những lập luận khô cứng, mà bình tĩnh trình bày sự việc một cách logic, chân thực, không khoa trương tô vẽ, trong một bố cục hợp lý. Rất nhiều bạn đọc đã nói về cái tâm của người viết, khi truyện ký này với cái tên “Hành trình giải oan” đăng tải nhiều kỳ trên báo Đại Đoàn Kết và nhận được giải A Báo chí toàn quốc. Nhưng theo tôi, tính thuyết phục của “Hành trình giải oan” lại chính là sự chân thực, trách nhiệm công dân và tình yêu thương đối với con người. Tự vụ việc đã gây sự chú ý và hấp dẫn bạn đọc…   Nhà thơ Giang nam.

 

Trời xanh trong. Mới giữa tháng 6, ngoài Bắc quê tôi đang nắng như đổ lửa mà ở đây, Nha Trang đã như vào thu rồi. Khi tôi đến thì phòng họp lớn của cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hoà đại biểu đã đến khá đông. Sáng nay, 14 -6-1992 có buổi tiếp xúc của các ứng cử viên đại biểu Quốc Hội khoá 9, với đại diện các cơ quan báo chí.

 

8 giờ, đã bắt đầu làm việc mà ông M.C.Đ – một trong những nhân vật quan trọng của buổi họp vẫn chưa thấy đến. Một đại biểu cho biết, ông M.C.Đ đang phải tham gia giải quyết vụ một gia đình ở Cam Ranh chở quan tài người thân, vượt gần 40 cây số đưa đến tỉnh đường. Giờ giải lao, một số người cũng xôn xao bàn tán. Tôi chú ý lắng nghe và hiểu được là một xe tải tông chết người, lái xe bỏ chạy bị công an bắt, sau đó đột ngột chết trong trại giam. Gia đình bức xúc chở quan tài đến UBND tỉnh kêu oan. Buổi chiều lúc 17 giờ, sau khi làm việc xong, chủ nhiệm HTX Hoàn Thành (Nha Trang) hỏi tôi : “Sáng nay ông có biết một gia đình ở Cam Ranh chở quan tài đến Uỷ ban tỉnh không ?”. Với thói quen nghề nghiệp, tôi bảo : “không”. Ông ta liền nói : “Nghe đâu xe nó không tông mà bảo tông nên nó làm dữ”. “Thế à, làm gì có chuyện đó ?” – Tôi hỏi lại. Ông ta bảo : “Thì tôi cũng nghe vậy. Điện thoại đây, ông cứ điện cho cụ Nhường hỏi thử”. Tôi quay số điện thoại nhà riêng của Chủ tịch tỉnh Hồ Ngọc Nhường. May quá, tôi nhận ra tiếng ông ở đầu dây :

- Thưa Thủ trưởng, nghe nói sáng nay có chiếc xe chở quan tài thẳng đến chỗ Thủ trưởng làm việc, xin Thủ trưởng cho tôi biết đôi nét về vụ việc.

- Đúng đấy Chính ạ.  Còn về nguyên nhân, nghe anh em báo cáo thì cha con người lái xe này gây tai nạn làm chết một lúc hai người rồi bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm. Gần một tháng sau anh em công an mới tìm ra, đưa vào tạm giữ cả người và xe. Nhưng không may, ông ta bị chết nên gia đình mới làm eo như vậy để đòi trả xe cùng đứa con. Và mình giải quyết thế này, “nghĩa tử  là nghĩa tận” gia đình người ta đang bức xúc, bên công an phải hết sức bình tĩnh, cứ trả xe, chỉ giữ giấy tờ và cho con người ta về chịu tang cha. Sau đó sẽ xử lý tiếp, mà phải xử lý kiên quyết. Vì cái xe này như vậy là rất vô lương tâm, không thể tha thứ được. Mình giải quyết như vậy, Chính thấy thế nào ?

- Giải quyết như vậy là nhân đạo, chúng tôi rất hoan nghênh. Còn về nguyên nhân cái chết, Thủ trưởng đã được báo cáo chưa ạ ?

- Bên pháp y đã làm và cho biết là “nhồi máu cơ tim”.

- Xin cám ơn Thủ trưởng.

Tôi đặt máy, nói với chủ nhiệm HTX Hoàn Thành : “Như vậy là xe này cán chết người rồi bỏ chạy chứ không phải oan đâu”.

 

Trên đường Trần Phú, tôi đạp xe chầm chậm về nhà với suy nghĩ miên man. Tai nạn xảy ra đã hơn một tháng, thời gian đủ cho sự hoảng loạn của kẻ phạm tội lắng lại, bình tĩnh nhận thức được lỗi lầm và sau đó là sự thức dậy cái phần Người bẩm sinh mà tự thú, để không phải mang theo suốt đời một thứ  tội ác. Đó là sự nhẫn tâm, trốn tránh trách nhiệm. Chao ôi ! “Đáng sợ nhất là con người”. Văn hào Hemingway đã phải cay đắng kết luận như vậy, khi ông thấu tỏ cái hốc tối trong những tâm hồn đang tiềm ẩn những âm mưu và cả sự câm điếc. Tôi nhìn ra biển, bóng chiều đang chìm dần, chìm dần giữa đại dương mông mênh. Hoàng hôn. Và, một ngày sắp tắt …

 

Lại một ngày nữa sắp trôi qua. Có tiếng gọi cổng. Tôi cầm chìa khoá đi ra. Phía ngoài là bốn thanh niên bận đồ bảo hộ lao động màu xanh, đầu tóc bù xù, mặt mày nhớn nhác. Không chào hỏi, họ đặt ngay yêu cầu : “Cho chúng tôi gặp ông nhà báo Chính”. Tôi cảnh giác : “Các anh gặp ông ấy có việc gì ?”.

- Người ta bảo giờ này ông ấy có ở nhà, cứ cho chúng tôi gặp.

- Không được ! Các anh phải nói rõ để tôi còn vào báo với ông ấy.

- Chúng tôi là gia đình sáng qua đã đẩy xe tang vào tỉnh đường.

- Vậy các anh cần gì ? Tôi sẵng giọng.

- Cha chúng tôi chết oan. Chúng tôi đi kêu oan cho cha.

Tôi mở khoá cổng. Họ đi cả dép vào nhà. Tôi nói với họ :

- Tôi là Chính, mời các anh ngồi. Xe các anh tông chết người rồi bỏ chạy, giờ lại kêu oan. Có gì các anh trình bày vắn tắt đi. Tôi ít thì giờ lắm.

 

Một thanh niên cầm cuộn giấy nhỏ kéo ghế ngồi đối diện với tôi :

- Em là Tạo, con rể ông Vĩnh. Xe của gia đình em không tông người, đó là điều quá oan ức.

Tôi ngồi nghe Tạo  tường trình toàn bộ vụ việc và suy nghĩ mông lung. Có lẽ mấy phút đã trôi qua, không thấy tôi nói gì, Tạo giở gói giấy đưa cho tôi. Giọng anh ta lẫn trong nước mắt :

- Đây là những chứng cứ xác nhận xe cha em không gây tai nạn.

Tôi lật xem. Đó là xác nhận ngày, giờ xe 79B-1830 ở tại TP.HCM của trạm kiểm soát giao thông (KSGT) số 1 và một số bản viết tay của các nhân chứng, có con dấu xác nhận chữ ký của chính quyền nơi cư trú. Tôi hỏi Tạo : “Các anh có được những giấy tờ này từ  bao giờ ?”.

- Dạ, ngay sau khi cha em và cậu Loan bị bắt mấy ngày, em đã đề nghị xác nhận ở những nơi mà xe cha em đã đến vào lúc xảy ra tai nạn, về nộp cho công an Khánh Hoà. Nhưng họ không chịu.

- Thôi được, tôi nhận hồ sơ này, mà các anh đã gửi cho báo nào chưa ?

- Dạ, đã gửi cho báo Thanh Niên.

- Họ có đặt điều kiện gì không ?.

- Dạ không.

- Nhưng với báo Đại Đoàn Kết thì phải có điều kiện.

- Để minh oan cho cha, điều kiện gì gia đình cũng xin chấp nhận.

- Vậy thì thế này, nghe các anh nói cộng với những giấy tờ đây, chúng tôi còn phải điều tra xác minh thêm. Nhưng trước hết các anh phải cam đoan chấp nhận những yêu cầu sau đây …

 

Sau khi nói rõ từng yêu cầu đề ra, tôi lấy giấy bút để ra bàn :

- Bây giờ trong các anh, ai có đủ quyền đại diện gia đình thì viết cam đoan chấp nhận các điều kiện mà tôi vừa nêu vào đây.

- Dạ em – Một thanh niên nãy giờ vẫn ngồi im lên tiếng.

- Anh là sao với gia đình ?

- Em là Ninh, con trai trưởng của ông Vĩnh.

Toàn bộ điều kiện của tôi đưa ra được con trai người lái xe quá cố cam đoan bằng giấy trắng mực đen, có nội dung :

Gia đình phải thừa nhận việc đẩy xe tang vào tỉnh đường là sai.

Không được lợi dụng tổ chức phúng điếu theo phong  tục để gây mất trật tự an ninh nơi cư trú.

 

Phải tôn trọng luật pháp. Không được có hành động trả thù đối với Lê Thị Loan, mà theo gia đình là kẻ vu cáo, và đối với một số điều tra viên mà gia đình cho là đã bức cung những người bị bắt.

 

Tôi buộc phải đưa ra những điều kiện này vì nghĩ rằng, gia đình họ dám làm chuyện “động trời” sáng qua ở tỉnh đường, thì nếu bị kích động, họ có thể vì quá bức xúc mà làm những chuyện không thể lường trước. Vả lại, ngày bầu cử Quốc hội (19/7/1992) đã đến gần. Tôi không ngờ sau đó, chính tờ cam đoan này đã giúp tôi thoát khỏi một sự “chụp mũ”.

 

Khi mấy người con của ông Vĩnh ra về, tôi ngồi đọc kỹ lại từng loại giấy tờ, ghi những nhận xét ban đầu, rồi cho tất cả vào cặp tài liệu có chữ “Khẩn cấp”. Bên tai vẫn còn nghe tiếng nghẹn ngào của Tạo : “Anh ơi, họ bảo mấy hôm nữa sẽ bắt lại thằng Loan”. Trên tường, chiếc đồng hồ hết pin rệu rã kéo một bản nhạc quen thuộc, rồi tút tút 6 tiếng nghe thật buồn. Ngoài sân, bóng tối đã giăng đầy …

 

Sau mấy ngày tìm hiểu, tôi đã biết khá rõ lai lịch và gia cảnh của người lái xe Nguyễn Vĩnh. Ông vốn là người hiền lành, chịu khó, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sinh ở đất Hoài Nhơn, Bình Định, suốt thời trai trẻ gắn với ruộng vườn và nghề đốn củi. Không biết sự đời run rủi thế nào mà ông bước vào nghề “lơ xe” ở cái tuổi 39, để tạo nên cái “nghiệp chướng” của một kiếp người. Sau mấy năm vất vả, vừa phụ xe, vừa học nghề trên tuyến Quy Nhơn – Sài Gòn, ông đã có được bằng lái xe và đưa gia đình vào Cam Đức, Cam Ranh, Khánh Hoà sinh sống. Chiếc xe tải biển số 79B-1830 được ông sang lại của người bà con từ năm 1974. Chiếc xe này nhập vào miền Nam năm 1967 nên còn mới, được ông coi như con. Và cuộc sống của cái gia đình 15 miệng ăn đã thực sự được cải thiện nhờ chiếc “đại xa” này. Nhưng không ai ngờ rằng, gần 20 năm sau, nó lại là “vật chứng” của một đại họa. Lấy khăn lau hàng nước mắt tưởng đã khô kiệt sau cái chết đầy uẩn khúc của chồng, bà quả phụ Hồ Thị Tín kể : “Ông nhà tôi chưa bao giờ chịu rời xa chiếc xe này. Giữa năm 1977, ai có xe riêng đều bị “cải tạo” đưa xe vào Nhà nước và mỗi đầu xe “cải tạo” được nhận theo hai người một chính một phụ xe. Ông ấy cùng thằng con thứ  ba là Thiết cùng chiếc xe vô làm ở  Xí Nghiệp Hàng hoá Phú Khánh. Sau đó, xí nghiệp này bán xe cho Công ty Vật tư y tế, cha con ông ấy cũng bám theo xe về chỗ mới và cùng nó ra Bắc vào Nam suốt mười mấy năm trời. Cuối năm 1991, Công ty này bị thua lỗ phải giải thể nên phải bán xe này. Mặc dù xe đã cũ, nhưng ông nhà tôi vẫn không muốn rời xa nó. Ông ấy động viên cả nhà nín nhịn, vay mượn thêm để “chuộc lại” và xin ra khỏi biên chế về làm riêng. Vậy mà chỉ mấy tháng sau …”

 

Trong tập hồ sơ con ông Vĩnh đưa, tôi vô cùng xúc động khi đọc nét chữ run run của ông viết trên mảnh bao thuốc lá, từ nơi tạm giam nhắn ra ngoài cho các con, sau mấy ngày bị bức cung : “Hãy kêu oan đến nhà báo cho cha”. Người lái xe ở tuổi 61 ấy, trong cơn tuyệt vọng đã nghĩ đến báo chí, và tin rằng báo chí có thể cứu mình. Vâng ! Xin cảm ơn ông Vĩnh về niềm tin ông đã dành cho đội ngũ chúng tôi.   

 

Liệu ông Vĩnh có bị oan không ? Câu hỏi ấy đã làm tôi dằn vặt suốt mấy ngày. Từ xác nhận của công an tại trạm KSGT số 1 :“Xe 79B-1830 đến TP.HCM lúc 20 giờ 30 phút ngày 30/4/1992” và lời xác nhận của các nhân chứng trong giấy viết tay, tôi lập sơ đồ lộ trình của xe này từ ngày 29/4/1992 đến ngày 01/5/1992. Tôi đánh dấu những địa danh mà xe ngừng lại, rồi làm nhiều lần bài toán giả thuyết trên cơ sở những dữ kiện về thời gian và độ dài của toàn bộ tuyến lộ trình. Từ  Cam Đức đi TP.HCM khoảng 420km, với tốc độ trung bình của xe tải 79B-1830 khi có hàng khoảng 5 tấn (không tính thời gian nghỉ dọc đường) là 30 km/giờ, cũng phải mất 13 tiếng đồng hồ. Xe đến trạm KSGT số 1 lúc 20 giờ 30 phút ngày 30/4/1992, dù có quay lại với tốc độ kỷ lục của “đại xa” là 40 km/giờ cũng phải 6 giờ 30 phút  ngày 01/5/1992 mới về đến Cam Đức. Nếu tính cả thời gian xe dừng nghỉ dọc đường nữa, thì xe về đến Cam Đức còn muộn hơn nhiều. Trong khi đó, tai nạn xảy ra tại thôn Cây Xoài, xã Suối Tân từ  lúc 4 giờ 15 phút và còn cách Cam Đức gần 20 km. Nhưng tại sao công an Khánh Hoà lại khẳng định xe 79B-1830 là xe gây tai nạn ? Tôi đã thận trọng kiểm tra lại lộ trình thường lệ của xe này, trong khoảng thời gian từ  khi ông Vĩnh chạy xe riêng cuối năm 1991, đến khi bị bắt ngày 30/5/1992.

 

Ông Vĩnh còn có tên gọi là Sáu bia vì ông chuyên mua bia chai từ TP.HCM bỏ cho các quán dọc đường về, từ Ninh Thuận đến Nha Trang. Khi đến TP.HCM, xe ông thường xuống Bình Dương chở lu khạp (một thứ đồ gốm) cho một khách hàng quen về Cam Đức. Xe của ông thường về đến nhà ở Cam Đức vào buổi chiều, nghỉ lại một đêm. Sáng hôm sau, uống cà phê xong, cha con ông mới đánh xe ra Nha Trang bốc hàng, thường là rỉ mật. Sau đó, xe trở về Cam Đức khoảng 16-17 giờ chiều. Không bao giờ ông Vĩnh đánh xe ra Nha Trang vào ban đêm. Tôi đã yên tâm một phần vì lộ trình chuyến đi từ 19/4/1992 đến 01/5/1992 của xe 79B-1830 vẫn nằm trong lộ trình thường lệ. Sau khi cân nhắc, tôi thấy cần phải xác minh thời gian xuất phát của xe ở Cam Đức. Sau đó là 3 nơi khác ở TP.HCM: Trạm KSGT số 1; phường 19 quận Tân Bình, nơi ông Vĩnh giao rỉ mật và phường 14 quận 10, nơi xe ông Vĩnh lấy bia. Theo tường trình của các con ông Vĩnh thì ngày 29/4/1992 gia đình có đám giỗ. Đáng chú ý là, trong số người đến ăn giỗ có Nguyễn Dày cũng đi nhờ xe ông Vĩnh vào TP.HCM. Tôi tìm gặp Nguyễn Dày, một thanh niên nông thôn dáng chậm chạp, quanh năm bận rộn với công việc nương rẫy. Anh cho biết : “Đây là lần đầu tiên tôi theo xe chú Sáu để biết Sài Gòn, nhân tiện mua bia về cưới vợ. Xe đi khoảng 4 giờ 30 phút chiều”. Hỏi một số người khác có đến ăn giỗ nhà ông Vĩnh hôm ấy, họ đều xác nhận : “Sau khi lo xong việc cúng kính, vào buổi chiều ông Vĩnh mới cùng xe đi TP.HCM”. Tôi còn lưu ý đến một chi tiết, trước khi đi bao giờ ông Vĩnh cũng cho kiểm tra xe. Tôi tìm đến một ga-ra xe gần nhà ông Vĩnh. Rất may, người chủ ga-ra hôm ấy cũng dự đám giỗ nhà ông Vĩnh, anh ta khẳng định : “Hôm ấy, trước khi đi ông ấy đã bơm hai bánh xe ở đây, lúc đó khoảng 4 hay 5 giờ chiều gì đó”. Vậy là tôi đã xác định được thời gian và điểm xuất phát của lộ trình xe 79B-1830, một “cái nút” của vụ án , mà cũng là dữ kiện đầu tiên của bài toán mà tôi cần giải. Với mốc thời gian và địa điểm đó, sau này tôi đã loại được nhiều giả thuyết về hướng xe chạy gây tai nạn. Qua câu chuyện với Nguyễn Dày, được biết công an cũng đã hỏi anh ta mấy lần. Như vậy, họ đã triển khai công việc điều tra khá lâu rồi. Tôi quyết định đi TP.HCM vào ngày 22/6/1992. Vụ án rất phức tạp, tôi nghĩ ngoài máy ảnh, máy ghi âm, còn cần phải ghi hình các nhân chứng. Và, một thợ  camera ở Nha Trang đã nhận lời đi cùng với tôi.

 

Sáng sớm ngày 22/6/1992, tôi vào viếng mộ ông Vĩnh ở Suối Dầu. Gia đình đã chôn cất ông ở đây. Đó là một gò đất nổi ven Quốc lộ 1, nằm giữa Cam Ranh và Nha Trang, cách nhà ông Vĩnh khoảng 20 km. Tôi thắp nén hương lên mộ ông : “Ông Vĩnh ơi, khi chúng tôi nhận được mẩu giấy ông bảo các con tìm đến, thì ông đã thành người thiên cổ ở trong tù. Ông có bị oan thật không ? Chúng tôi đang đi tìm chứng cứ để giải oan cho ông đây”.

 

Nắng buổi sáng đang trải vàng trên những ngôi mộ xếp thành hàng thẳng tắp. Chao ôi ! đời người cũng chỉ là gang tấc. Tôi bất giác thở dài và nhìn những giọt sương như những giọt nước mắt đang tan.

 

Từ ngày có ô-tô ray, việc đi lại giữa Nha Trang và TP.HCM rất tiện lợi. Năm giờ chiều ngày 22//6/1992, tàu rời ga Nha Trang, đến 6 giờ sáng ngày 23/6/1992 chúng tôi đã có mặt ở TP.HCM. Được ngủ một đêm nên cũng chẳng mệt nhọc gì. Anh bạn camera hỏi tôi : “Bố trí quay như thế nào đây ?”. Tôi bảo : “Không có bố trí, dàn dựng kịch bản gì, ông đừng bỏ sót chi tiết nào là được”.

 

Gần 8 giờ sáng, chúng tôi đến trạm KSGT số 1. Người trực ban cho biết, công an Khánh Hoà cũng vừa vào điều tra ở đây và anh ta từ chối không cho chúng tôi xem sổ trực ghi số xe vào thành phố với lý do : “không được phép của cấp trên”. Vậy là trong băng video sẽ không có cuốn sổ trực và dòng chữ “Xe 79B-1830 vào thành phố lúc 20 giờ 30 phút ngày 30/4/1992”, mà chúng tôi định quay cận cảnh. Chẳng lẽ lại không thu thập được gì, tôi đề nghị anh ta giải thích có mấy trạm ghi số xe vào thành phố và việc ghi được tiến hành như thế nào. Anh ta trả lời : “Thành phố có 4 cửa ngõ. Các loại phương tiện muốn vào thành phố ở cửa nào là tuỳ theo địa điểm họ định tới giao nhận hàng. Trạm KSGT có nhiệm vụ ghi vào sổ trực ngày, giờ xe đến thành phố và cấp phép cho họ”. Và, điều không may là lần ấy, cha con ông Vĩnh đã không lưu giữ được giấy phép này. Chao ôi ! cái giấy phép chỉ nhỏ bằng bàn tay của đứa trẻ lên mười… Chúng tôi thất vọng rời trạm KSGT số 1.

Con đường vào xóm nhỏ ở phường 19 quận Tân Bình khá lầy lội bởi những trận mưa đầu mùa. Chúng tôi vất vả tìm đến cơ sở sản xuất cồn từ rỉ mật của anh Nguyễn Quang Thành. Chúng tôi đã không gặp may, Thành vừa đi vắng, không biết khi nào mới về. Một trận mưa vừa bất chợt đổ xuống ào ào. Tôi ngồi nhìn những bong bóng nước vừa hiện, vừa tan dưới mái tranh mà lòng thì như lửa đốt. Tạnh mưa, để tranh thủ thời gian, anh bạn camera đã đồng ý với tôi là sang phường 14 quận 10, chỗ ông Vĩnh mua bia ở số 9T đường Tô Hiến Thành. Đây là cơ sở kinh doanh của HTX bia nước ngọt. Vợ chồng chủ nhà còn khá trẻ. Anh chồng có cái tên dài, mà rất có ý nghĩa đối với công việc chúng tôi đang quan tâm : Đoàn Trần Dân Chủ. Cuộc đối thoại của chúng tôi được ghi lại bằng hình ảnh :

-Ông Vĩnh quan hệ với cửa hàng của anh lâu chưa ?

-Từ gần một năm nay.

-Từ ngày 29/4 đến ngày 1/5/1992 ông Vĩnh có giao dịch với cửa hàng của anh không?

-Ngày 19/4 không, ngày 30/4 không. Nhưng ngày 1/5/1992 lúc 8 giờ sáng khi tôi mở cửa đã thấy ông Vĩnh ngồi chờ ở ngoài. Chúng tôi thực hiện việc mua bán với nhau. Và tôi đã giao đủ bia tại xe của ông lúc 16 giờ cùng ngày.

-Tại sao anh nhớ là ngày 1/5 ?

-Vì là ngày lễ nên tôi ngủ dậy muộn để ông Vĩnh phải chờ ở ngoài. Vả lại, việc giao dịch với mọi khách hàng, chúng tôi đều ghi sổ nhật biên và có phiếu xuất hàng ngày.

-Anh có thể cho chúng tôi xem quyển sổ ấy được không ?

- Được chứ. Nhưng hôm qua ngày 22/6/1992 có mấy anh công an của Khánh Hoà được đồng chí công an phường này đưa đến đã mượn toàn bộ sổ sách ghi chép của chúng tôi từ tháng 2/1992 đến cuối tháng 5/1992.

-Có biên bản mượn không ?

-Có. Nhưng họ không để lại biên bản cho tôi.

-Lập biên bản mà anh không  được giữ  một bản thì sao ?

-Vì tôi tin đồng chí công an phường của tôi. Tất nhiên, đây là tất cả những ghi chép liên quan đến công nợ của chúng tôi, nên công an Khánh Hoà không thể làm thất lạc được. Vì trước khi giao, tôi có ký đánh dấu vào từng trang và viết rõ tổng số trang.

 

Đã quá 12 giờ trưa, chúng tôi ăn uống qua quýt vì không thấy đói, rồi vội vàng quay trở lại phường 19 quận Tân Bình. Trong đầu tôi ngổn ngang những suy nghĩ về chi tiết cuốn sổ nhật biên của Đoàn Trần Dân Chủ bị công an Khánh Hoà “mượn”. Họ cũng thu giữ cuốn sổ ghi chép hàng ngày của ông Vĩnh, ngay khi ông bị bắt. Liệu thời gian và việc mua bán thể hiện trên cuốn sổ này có mâu thuẫn nhau? Theo Đoàn Trần Dân Chủ, 8 giờ sáng anh ta mở cửa đã thấy ông Vĩnh ngồi chờ ở ngoài. Vậy đêm 30/4 ông Vĩnh đậu xe và ngủ ở đâu ? Tôi nóng lòng được gặp chủ cơ sở sản xuất cồn : Nguyễn Quang Thành. May quá, anh ta đã về. Thành khoảng 40 tuổi, da ngăm đen, rắn chắc trong bộ đồ bảo hộ lao động. Không bắt tay, nhìn chúng tôi với vẻ mặt giận dữ, anh ta lạnh nhạt : “Để người ta chết rồi mới xác minh thì người chết có sống lại được không ? Tôi cũng từng là công an đây. Các anh có còn lương tâm không ?”. Chúng tôi cúi mặt như thể mình có lỗi trước sự bức xúc và hiểu nhầm của anh Thành. Đợi anh bình tĩnh trở lại, tôi mới đưa thẻ Nhà báo cho anh xem và nói rõ mục đích của mình. Thành ngồi lặng im, mãi sau anh mới lên tiếng, giọng lạc hẳn đi : “Công an  Khánh Hoà cũng có vào tìm tôi, nhưng không gặp và họ bỏ đi luôn. Tôi nghĩ là họ đã nhầm và sẽ thả ngay ông già. Nào ngờ, lâu quá không thấy xe ông già vào, tưởng là đau ốm gì, nhưng rồi nghe tin ông già đã chết ở trong tù, tôi không thể tin được. Tôi thấy bất công và nhẫn tâm quá. Các anh là nhà báo, là tiếng nói của dân, sao chậm trễ thế, để người ta chết rồi mới lo đi điều tra, viết bài”. Không thể giải thích cho Thành ngay được, tôi lái câu chuyện vào trọng tâm :

-Mỗi lần ông Vĩnh giao rỉ mật, anh có ghi sổ không ?

 

-Có chứ, mỗi lần xe ông Vĩnh giao rỉ mật tôi có ghi sổ từng mã cân, rồi tổng cộng đưa vào sổ chính, có ghi ngày tháng giao hàng để thanh toán cho khỏi nhầm lẫn. Hôm ấy, vì xe ông Vĩnh vào khuya, lại là ngày lễ nên anh em bốc xếp nghỉ cả. Xe ông Vĩnh phải chờ đến sáng hôm sau 01/5/1992 mới xuống được hàng.

 

Thành lật giở cuốn sổ nhận hàng và thuyết minh rành rẽ từng ngày, từng chuyến hàng nhập của các chủ xe. Ngày 01/5/1992, xe ông Vĩnh giao 10.287 kg rỉ mật, giá 225đ/kg, thành tiền là 2.623.000 đồng v.v… Xóm nhỏ ở phường 19 quận Tân Bình này, từ em nhỏ đến người già đều biết “Ông già Nha Trang” (tức ông Vĩnh), một ông già hiền lành, chất phác. Chúng tôi đã ghi được lời xác nhận của số anh em xuống rỉ mật cho xe ông Vĩnh hôm đó và bà con ở đây : Đêm 30/4/1992, xe ông Vĩnh đậu ở trước cửa cơ sở sản xuất của Nguyễn Quang Thành.

 

Vốn tính cẩn thận, trước khi khẳng định một điều hệ trọng, tôi còn tìm đến chỗ cha con ông Vĩnh thường nấu cơm nhờ mỗi khi đến giao rỉ mật ở đây. Vì sự việc xảy ra đã gần 2 tháng nên gia đình không ai còn nhớ rõ. Nhưng khi tôi nhắc đến chuyến xe vào hôm 30/4/1992 thì chị chủ nhà rú lên : “Đúng rồi, thấy xe ổng vào khuya, má tôi bảo bộ  xe “ông già Nha Trang” không nghỉ lễ chiến thắng chắc. Sáng hôm sau, cậu Thiết (con ông Vĩnh) ngồi ở giường đây còn nói, năm ngoái nghỉ lễ, giờ này còn đang nhậu ở nhà…”. Vậy là, tất cả những gì thu thập được đã cho phép tôi khẳng định một điều chắc chắn : đêm 30/4/1992, xe 79B-1830 đậu ở đây, cách nơi xảy ra tai nạn gần 500 cây số. Chúng tôi kiểm tra lại chất lượng của băng video, băng cát-sét, rồi thu xếp về Nha Trang gấp.

 

Tạm biệt xóm nhỏ phường 19, cảm ơn tất cả… và còn phải cảm ơn ngày 30/4, cái mốc lịch sử  ghi nhận ngày đại thắng của dân tộc. Nhưng cũng là cái mốc đặc biệt để các nhân chứng nhớ lại sự việc, giúp chúng tôi khẳng  định được rằng: ông Vĩnh bị oan. Nhưng mọi chuyện không phải dễ dàng vì tôi được biết ở Nha Trang công an Khánh Hoà đang hoàn tất hồ sơ vụ án : xe 79B-1830 gây tai nạn rồi bỏ chạy.

 

Sau những ngày làm việc căng thẳng, tôi định lên tàu sẽ làm một giấc cho bõ. Nhưng tôi không sao chợp mắt được, bởi câu hỏi mà tôi không thể nào lý giải là : công an Khánh Hoà đã đi trước tôi nhiều, tất cả những nơi tôi đến thì họ đều đã đến. Trừ  trường hợp nhân chứng Nguyễn Quang Thành bị họ bỏ qua, còn họ đã thu thập được tất cả. Cũng xin nói ngay để bạn đọc rõ là, gần một năm sau, ngày 28/3/1993, khi công an Khánh Hoà trả cho gia đình ông Vĩnh hai cuốn sổ giao hàng, tôi đã đối chiếu thì thấy, thời gian, sự việc và con số đều rất phù hợp với những gì mà tôi thu thập được từ vợ chồng Đoàn Trần Dân Chủ và Nguyễn Quang Thành. Vậy mà họ vẫn buộc tội cho xe ông Vĩnh ? Lê Thị Loan là ai ? già hay trẻ ? người đàn bà này đã khai với công an là mình trực tiếp đi trên xe gây tai nạn kia mà ? Thế thì trật làm sao được? Dưới ánh sáng yếu ớt của bóng điện trên tàu, tôi đọc đi đọc lại mấy lần thư cảm ơn của chỉ huy phó CSND, kiêm trưởng phòng CSGT công an Khánh Hoà gửi gia đình Lê Thị Loan : “Nha Trang, ngày 31/5/1992. Thay mặt cho Ban giám đốc, Ban chỉ huy CSND và phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hoà, xin chân thành cảm ơn ông bà cùng gia đình trong thời gian qua đã tạo mọi điều kiện và động viên chị Lê Thị Loan sinh năm 1969 giúp công an điều tra, truy tìm thủ phạm gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng rồi bỏ chạy lúc 4h15 phút sáng ngày 01/5/1992 tại Quốc lộ 01 A thôn Cây Xoài, xã Suối Tân, huyện Diên Khánh, Khánh Hoà. Việc làm của chị Loan cùng gia đình đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân trước pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn gia đình cùng chị Loan và mong rằng, trong thời gian tới, gia đình cùng chị Loan tiếp tục phát huy những việc làm tốt để góp phần cùng với toàn xã hội giữ  vững kỷ cương, trật tự xã hội. Ký tên (có cả con dấu đỏ): thiếu tá Nguyễn Tấn”.

 

Phải chăng những gì tôi thu thập được vẫn chưa đủ sức thuyết phục gỡ tội cho người lái xe quá cố ? Số phận ngòi bút rồi sẽ ra sao nếu trong vụ này tôi bị bức xúc dẫn đến việc ngộ nhận ? Nhưng nếu không phải là xe ông Vĩnh thì là xe nào ? Tôi nhẩm tính trong đầu một kế hoạch đặc biệt để có thể tìm ra hướng trả lời câu hỏi này. Vâng ! Đối với tôi đó là kế hoạch đặc biệt. Vì trong nghề điều tra tội phạm, cánh nhà báo chỉ là những anh lính nghiệp dư  và phải tiến hành công việc hoàn toàn bằng “phương pháp thủ công”. Nhưng trước mắt, tôi phải gặp Lê Thị Loan và một nhân chứng nữa là “ông Tư đầu bạc”, mà theo tờ trình của con ông Vĩnh là người áp tải hàng lu khạp theo xe 79B-1830 hôm đó về Cam Đức …

 

Về đến Nha Trang, tôi thuê xe quay ngay vào Cam Ranh, không gặp được “ông Tư đầu bạc”. Người ta bảo gặp ông này rất khó. Vì ông ta thường ở Sông Bé, chỉ áp tải hàng ra cho vợ đến Cam Đức, rồi lại quay về Sông Bé ngay. Vợ ông Tư đầu bạc, một người đã luống tuổi, quê gốc Nam bộ kể lại như sau : “Tôi thường thuê xe ông Vĩnh chở lu khạp từ  Bình Dương, Sông Bé về đây. Chuyến xe đó ông Vĩnh về trễ làm tôi trông hoài. Tôi nhớ được như vậy vì hôm 30/4 có đoàn đua xe đạp qua đây làm một người bị tai nạn. Tiếp đến hôm sau 1/5, lại nghe nói ở Cây Xoài, Suối Tân có hai vợ chồng đi lễ bị xe cán chết, mà tôi chờ đến tận trưa ngày 3/5/1992 xe ông Vĩnh mới về tới đây bỏ hàng cho tôi. Bà Tư nhận lời về nói với chồng viết và gửi cho tôi bản tường trình về chuyến đi áp tải hàng hôm đó. Nhưng tôi chờ mãi mà không thấy hồi âm. Ông Tư “đầu bạc” đã im tiếng ?

 

Báo Thanh Niên ra ngày 25/6/1992 tóm tắt vụ việc trên cơ sở hồ sơ gia đình gởi tới trong bài “Uẩn khúc chung quanh một cái chết”. Báo bán đắt như tôm tươi. Vậy là vụ án đã được công luận đánh động. Lần theo địa chỉ trong hồ sơ, tôi tìm đến nhà Lê Thị Loan ở Diên Bình, Diên Khánh. Đường khó đi, lại ngoắt ngoéo, phải dừng lại hỏi thăm luôn khiến anh bạn lái xe Honda khó chịu. Lại một lần nữa tôi không gặp may. Lê Thị Loan đi vắng. Được biết cô ta thường xuyên vắng nhà. Thấy thái độ gia đình cô ta không mặn mà lắm, tôi nghĩ có thể cô ta không muốn gặp. Anh bạn lái xe Honda khuyên tôi nên nhờ sự giúp đỡ của uỷ ban xã. Tôi bảo : “Sẽ hỏng việc ngay”. Nghe tin công an Khánh Hoà sắp họp báo công bố kết quả điều tra vụ án này. Việc gặp Lê Thị Loan đã trở nên rất cấp bách. Tôi quyết định thuê hẳn một người, bằng cách nào đó chỉ thông báo cho tôi một tin chính xác “Lê Thị Loan đang ở nhà”. Một thanh niên địa phương đã giúp tôi việc này.

 

Tôi mệt mỏi về nhà, xem lại những thước phim đã quay và nghe lại lời các nhân chứng trong băng cát-sét. Tôi chú ý đến lời kể của một phụ nữ được chứng kiến cảnh dựng lại hiện trường của công an Khánh Hoà : “Trước đông đảo người xem, chú Sáu (tức ông Vĩnh) đã giơ cao cái pha đèn kêu lên : bà con xem này, đèn xe người ta lâu nay vẫn nguyên lành mà bắt phải cho là vỡ”. Đèn xe bị vỡ ? Vậy thì phải thay. Tiệm nào thay ? Tôi ghi vội vào sổ chi tiết này và tiến hành xác minh ngay. Chủ tiệm sửa xe ở 20 đường Mê Linh, Nha Trang cho biết : “Đèn xe ông Vĩnh không vỡ, nhưng quá cũ nên thay cái mới luôn và thay trước ngày 1/5/1992 chừng hai tháng”. Đèn xe 79B-1830 bị vỡ ? Ôi! Tại sao tôi lại không chú ý đến chi tiết cực kỳ quan trọng này nhỉ ? Trong đầu tôi đã loé lên bài toán so sánh giữa độ cao của đèn ôtô với độ cao của xe đạp mà các nạn nhân đã sử dụng khi bị tai nạn ở thôn Cây Xoài. Tôi đang rú lên vì sung sướng thì người nhà ông Vĩnh đến báo, có một người nói là họ đã có mặt ngay lúc xảy ra tai nạn …

 

Chắc bạn đọc còn nhớ, đêm không ngủ trên tàu từ TP.HCM về Nha Trang, tôi đã có một kế hoạch đặc biệt để tìm ra xe gây tai nạn rồi bỏ chạy. Vì nghĩ rằng đây cũng là một hướng để minh oan cho xe ông Vĩnh. Kế hoạch đó được lập ra trên cơ sở lập luận như sau : Tai nạn xảy ra lúc 4 giờ 15 phút. Vậy xe gây tai nạn phải có mặt trên đường trong khoảng thời gian từ 1 giờ đến 4 giờ sáng. Đây là khoảng thời gian mà một người có sức khoẻ bình thường ngủ ngon nhất. Còn các lái xe đang phải đi trên đường thì tất nhiên là rất buồn ngủ. Ở các tuyến đường phía Nam đều có những quán cà phê, quán cháo… phục vụ lái xe vào thời gian này. Các quán phục vụ đêm trong khoảng  từ  1 giờ sáng đến 4 giờ sáng như vậy không nhiều và hầu hết ban ngày đều đóng cửa. Lấy thôn Cây Xoài, nơi xảy ra tai nạn làm mốc, tôi đã lân la đến gần hết các quán cà phê, quán cháo có kiểu phục vụ như trên trong phạm vi 50 km về phía Nam và 50 km về phía Bắc của Quốc lộ IA, tổng cộng là 100 km. Và, cuối cùng, trong hàng chục cái quán, tôi đã đặt hy vọng vào quán cà phê của bà T. Vì tôi đã lọc được trong câu chuyện của bà những thông tin rất có giá trị tham khảo cho vụ án. Bà T. kể : “Gần như thành lệ, cái xe ấy cứ cách 2 - 3 đêm lại ghé quán của tôi. Hôm ấy, xe này cũng ghé vào, lúc ấy khoảng 3 giờ 30 phút sáng ngày 1/5/1992. Người lái xe tỏ ra mệt mỏi và buồn ngủ. Anh ta nằm chờ tôi pha cà phê. Xe chở lúa gạo, trên xe còn có mấy người đàn bà. Có người phụ xe tên là Hùng. Uống xong ly cà phê, ông lái xe có khuôn mặt nám xấu xí cho xe chạy ra Nha Trang, lúc ấy khoảng 3 giờ 45 phút. Sáng ra, tôi nghe có hai người bị cán chết lúc 4 giờ 15 phút. Từ  hôm xảy ra tai nạn, gần hai tháng nay, tôi không thấy chiếc xe này cùng người lái xe ghé vào quán nữa”. Và, theo bà T. kể, thì đây là loại xe tải Bò-ma, rất tiếc là bà T. không để ý số xe nên chỉ nhớ hai số đầu là 52K. Tên người phụ xe này làm tôi chú ý vì Lê Minh Phương, người bà con của ông Vĩnh khi bị bắt, công an Khánh Hoà cứ ép anh ta phải nhận tên là Hùng (?). Trên xe cũng có mấy người đàn bà giống như lời khai của Lê Thị Loan với công an. Mặt khác, đoạn đường từ quán cà phê bà T. đến thôn Cây Xoài nơi xảy ra tai nạn là 17 km, xe tải chở nặng đi trong khoảng 30 phút là phù hợp. Bà T. nhận giúp chúng tôi ghi số xe và hỏi tên người lái xe nếu xe này còn ghé vào …

 

Tôi giục anh bạn “Honda ôm” phóng càng nhanh càng tốt đến chỗ người có mặt lúc xảy ra tai nạn và cho rằng, cuối cùng thì “dấu chấm hết” của vụ án cũng đã xuất hiện. Đó là một nhà sư tên là Trương Văn Xước, trạc ngoài 50 tuổi, ở thôn Gò Cam (gần thôn Cây Xoài). Gặp ông, tôi hỏi ngay: “Công an đã gặp ông chưa ?”. Ông ta trả lời : “Chưa”. Tôi sửng sốt : “Sao ông không đi báo ngay số xe cho công an ?”. “Vì trời còn tối nên tôi không nhìn được số xe” – ông ta trả lời – Thế là lại thêm một lần mừng hụt. Song bù lại, nhà sư Trương Văn Xước đã cho tôi biết tai nạn lúc ấy xảy ra như thế nào. Ông kể : “Tôi từ nhà thân chủ cách quốc lộ 1A hơn trăm mét ở thôn Cây Xoài, ra về lúc 4 giờ sáng. Trời còn tối, không trăng. Khi ra đến Quốc lộ, một chiếc xe tải to chạy qua mặt tôi. Sau đó tôi nghe tiếng xoảng, bụp bụp… Tôi nghĩ chắc xe đó cán phải cái gì đó. Tôi thấy xe ngừng lại, thụt lùi rồi chạy thẳng. Lúc đó tôi còn đạp xe cách xe tải khoảng 80 mét, trời lại tối nên không nhìn thấy số xe. Khi tới nơi thì thấy có chiếc xe đạp và hai người bị cán. Người đàn bà bị vọt óc ra ngoài. Người đàn ông thì hai tay còn cào cào được vài cái trước khi chết. Tôi khẳng định đó là loại xe tải to, đi từ trong ra…”.

 

Như vậy, về thời gian mà bà T. quán cà phê cho biết là thống nhất với thời gian quan sát của nhà sư  này. Tôi có ghi nhận xét vào sổ và gạch đít dòng chữ : “Xe gây tai nạn : Xe tải. Hướng xe : Sài Gòn – Nha Trang”. Cũng cần nói thêm, hướng xe chạy gây tai nạn đang còn là vấn đề tranh cãi. Theo biên bản khám nghiệm hiện trường tại chỗ của công an ngay sau khi xảy ra tai nạn, thì hướng xe gây tai nạn là Nha Trang – Sài Gòn. Nhưng công an Khánh Hoà buộc cha con ông Vĩnh đi dựng lại hiện trường thì lại dựng theo hướng ngược lại, Sài Gòn – Nha Trang. Chính vì chi tiết mâu thuẫn này mà viện kiểm sát tỉnh Khánh Hoà không phê chuẩn lệnh bắt cha con ông Vĩnh. Tôi tự hỏi thầm, mình đã đi được đến đâu trong cuộc hành trình này ? Những con số sau mã biển số 52K là những con số nào ? Giữa lúc tôi đang cảm thấy bất lực thì có tin báo “Lê Thị Loan đang ở nhà”. Tôi kiểm tra lại máy ghi âm cực nhạy, thay hai cục pin mới, rồi lập tức lên đường.

 

Khi thấy chúng tôi đột ngột vào nhà, Lê Thị Loan tỏ vẻ lúng túng. Trông cô ta già hơn cái tuổi 23 nhiều. Tôi tự giới thiệu qua loa rồi tranh thủ vào đề. Lê Thị Loan trả lời các câu hỏi một cách suôn sẻ, mạch lạc, như được chuẩn bị sẵn. Cô ta chỉ vấp khi tôi chủ động đột ngột thay đổi nội dung câu hỏi. Mặc dù máy ghi âm của tôi thuộc loại “xịn” nhất trên thị trường, nhưng phải đặt ở vị trí khá kín trong người, nên tôi vẫn sợ không ghi được trọn vẹn tiếng nói của nhân chứng quan trọng số một này. Với một giọng rất dịu dàng, tôi đề nghị Lê Thị Loan : “Anh hơi nặng tai, em làm ơn nói to hộ, cho anh nghe được rõ nhé”. Và câu chuyện của chúng tôi được ghi lại như sau (Xin trích lại một đoạn ngắn) :

- Cô Loan đi trên xe gây tai nạn đó à ?

-Đi xe nào, có đi xe nào gây tai nạn đâu ?

-Sao bảo cô đi trên xe gây tai nạn ở thôn Cây Xoài mà ?

-Không đi xe nào hết, chỉ đi xe ông Sáu (Nguyễn Vĩnh) thôi à.

-Thế xe ông Sáu có gây tai nạn không ?

-Có chứ sao không.

-Cô kể tường tận chuyến đi đã gây tai nạn xem nào ?

-Ngày 28/4/1992, khoảng 8 giờ sáng, em theo xe ông Vĩnh từ Hố Nai về Cam Đức. Dọc đường xe chỉ dừng lại để ăn uống. Lúc 8 đến 9 giờ tối (tức 20 đến 21 giờ) ngày 29/4/1992, xe đến Cam Đức nghỉ lại một ngày. Hai giờ sáng ngày 01/5/1992, xe ra Nha Trang. Trên xe không có ông Vĩnh. Xe không dừng ở đâu, đến đó thì gây tai nạn.

-Từ Hố Nai, cô chở hàng gì theo xe ông Vĩnh ?

-Chở 5 tấn gạo.

-Bao nhiêu bao ?

-50 bao.

-Trên thùng xe có còn cái bồn đựng rỉ mật không  và có chở gì nữa không ?

-Còn chở mì tôm, bia, bồn rỉ mật vẫn còn đó chứ  ai mà rinh đi đâu được.

-Cô xuống gạo ở đâu ?

-Ở Cam Thành và Cam Đức.

-Ở Cam Đức cô xuống gạo cho ai ?

-Xuống 25 bao cho bà Chín.

 

Sau khi nghe lại nhiều lần cuộn băng, tôi viết lại những vấn đề cần xác minh và sang thêm một cuộn nữa cho chắc ăn. Theo tôi, đây là cuộn băng rất quan trọng, có sức mạnh “lật ngược thế cờ”, nếu kết quả xác minh thực tế mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng sống tự nhận là người trực tiếp đi trên xe gây tai nạn. Trước hết, tôi cho đo thể tích thùng xe 79B-1830, thể tích bồn đựng rỉ mật, thể tích một bao gạo 100kg. Sau khi thực hiện phép trừ đơn giản, thì thùng xe 79B-1830 không thể chở hết 50 bao gạo một tạ. Vậy làm sao mà chở nổi mì tôm, bia … như lời khai của thị Loan? Tôi tìm đến tất cả những địa chỉ mà thị Loan khai đã lên, xuống hàng. Không có người nào có tên như Lê Thị Loan đã nói. Trời ơi ! vậy mà công an Khánh Hoà lại dựa vào những lời khai bịa đặt này để buộc tội cha con ông Vĩnh. Có sự nhầm lẫn ở một khâu nào đó chăng ? Tôi chợt nhớ đến Nguyễn Đức Loan, sau khi được tạm tha về chịu tang cha, sắp bị bắt lại. Tôi đón xe về Nha Trang, đến nơi đã gần 4 giờ chiều. Tôi đến thẳng UBND tỉnh Khánh Hoà xin gặp Chủ tịch Hồ Ngọc Nhường. Mấy cô văn thư nói, muốn gặp Chủ tịch phải đăng ký trước. Tôi đến Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Ông Tám Nhiên, Chủ tịch Mặt trận đang ở nhà riêng. Tôi đến trình bày toàn bộ kết quả điều tra của mình và kết luận : “Oan cho gia đình người ta rồi, anh Tám ạ”. Nghe xong, ông Tám Nhiên ôn  tồn nói với tôi : “Vấn đề nghiêm trọng thế, không thể báo cáo miệng được, em phải làm văn bản”. Tôi về nhà đánh máy vội lá thư gửi Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà :

 

“Kính thưa đồng chí Hồ Ngọc Nhường, phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà. Về vụ tai nạn giao thông xảy ra rạng sáng ngày 1/5/1992 tại thôn Cây Xoài, xã Suối Tân, Diên Khánh, sau một thời gian tiến hành điều tra xác minh, thu thập các chứng cứ, đến nay chúng tôi có thể báo cáo với đồng chí rằng :

Xe tải 79B-1830 không phải là xe gây tai nạn.

 

Việc công an Khánh Hoà vừa qua bắt giam ông Nguyễn Vĩnh (chủ phương tiện) và các con ông là nhầm lẫn, không đúng luật pháp.

 

Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị đồng chí, với cương vị của mình, chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương : Dừng lại ngay mọi biện pháp định tiếp tục áp dụng đối với gia đình người bị oan để tránh gây thêm những hậu quả đáng tiếc.

 

Với lương tâm và trách nhiệm của người làm báo, chúng tôi  xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về những kết luận trong quá trình làm phóng sự điều tra của mình. Xin kính chuyển đến đồng chí lời chào trân trọng, Đại Đoàn Kết”.

 

Đã hơn 6 giờ chiều, tôi đạp xe lên nhà riêng đồng chí Hồ Ngọc Nhường. Ông vẫn chưa về, vợ ông ra mở cổng. Tôi nhờ bà chuyển thư và dặn thêm : “Bây giờ đã gần 7 giờ, chị đã nhận lá thư khẩn này. Đề nghị chị đưa ngay khi Thủ trưởng về. Chị cứ  nói là từ 19 giờ trở đi, nếu công an Khánh Hoà còn áp dụng biện pháp gì có hại cho gia đình người lái xe Nguyễn Vĩnh, thì Thủ trưởng cũng có trách nhiệm đấy”. Tôi mệt mỏi đạp xe về nhà. Đường Trần Phú mát rượi. Ngoài khơi xa, thuyền lưới đăng đã bật đèn, kết thành một vệt sáng dài lung linh giữa đại dương.

Tôi điện cho Chủ tịch Hồ Ngọc Nhường hỏi về lá thư hôm trước, ông bảo đã đọc rồi và trao đổi với bên công an. Tôi tin lời ông và chờ đợi. Vâng ! Tôi đã chờ đợi một quyết định sáng suốt của họ là đình chỉ điều tra đối với Nguyễn Đức Loan và giải oan cho gia đình ông Vĩnh. Vì tôi vẫn thành tâm tin rằng công an Khánh Hoà đã nhầm lẫn ở một điểm nào đó. Nhưng ngày lại ngày trôi qua, tôi chỉ nhận được từ phía họ sự im lặng. Tiếp đến, người ta lại gửi giấy, mời tôi dự buổi họp báo nghe công an tỉnh Khánh Hoà thông báo kết quả điều tra vụ án xe 79B-1830 gây tai nạn rồi bỏ chạy và cái chết của ông Vĩnh, do Hội nhà báo tỉnh Khánh Hoà tổ chức vào 14 giờ ngày 30/6/1992. Thì ra, công an Khánh Hoà không nhầm. Họ cố tình buộc tội cho cha con ông Vĩnh. Nhưng vì sao thì tôi không thể lý giải được. Và, để khỏi phân vân vì sự khẳng định ấy của mình, tôi đã sắp xếp lại những việc làm của công an Khánh Hoà theo lô-gíc thời gian và vụ việc : Sáng ngày 1/5/1992, Phòng CSGT khám nghiệm hiện trường xác định hướng xe chạy gây tai nạn là Sài Gòn - Nha Trang. Nhưng khi thị Loan khai xe 79B-1830 chạy từ Cam Đức ra Nha Trang và gây tai nạn thì hướng xe chạy là ngược lại với biên bản hiện trường ban đầu. Nhưng họ đã không chịu nhận ra sự mâu thuẫn ấy và sửa sai ngay từ lúc này. Sau nhiều ngày đi điều tra xác minh, đến ngày 5/6/1992 (lúc này ông Vĩnh đang còn sống) thượng uý Nguyễn Ngọc Luân đã có đầy đủ chứng cứ để xác định, khi xảy ra tai nạn, xe 79B-1830 đang ở TP.HCM. Vậy mà ngày 6/6/1992 chính Luân đã bức cung buộc Nguyễn Đức Loan phải nhận là đã lái xe gây tai nạn. Mặc dù viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh từ chối phê giam vì thấy hồ sơ mâu thuẫn, nhưng từ ngày 02/6 đến ngày 10/6/1992, thiếu tá Trương Thanh Chí, Trưởng phòng CSGT hai lần ký công văn xin VKSND tỉnh phê duyệt lệnh bắt giam cha con ông Vĩnh. Đó là chưa kể việc họ chỉ nghe và tin mà không chịu xác minh thực tế những lời khai của thị Loan .v.v… Rất yên tâm về sự khẳng định của mình và nhận thức được sự nguy hiểm đang đe doạ gia đình bà quả phụ Hồ Thị Tín, tôi đã thầm khấn hương hồn ông Vĩnh giúp cho đầu óc mình luôn sáng suốt để đi nốt đoạn cuối cuộc hành trình. Tôi bình tĩnh sắp xếp lại tư liệu, cẩn thận photo thành mấy bộ gửi  nhiều chỗ và củng cố thêm các lập luận của mình. Tôi rất hài lòng về bài toán mà công an Khánh Hoà cố ý bỏ qua. Đó là so sánh độ cao giữa đèn pha xe 79B-1830 và độ cao xe đạp của các nạn nhân. Chỉ là bài toán lớp 1 thôi, và phương pháp cực kỳ … thủ công. Nhưng giá trị của nó có thể cứu được cả mạng người, danh dự, cũng như cuộc sống an bình của cả một gia đình. Vâng ! Cái phép đo đếm, cộng trừ  i tờ ấy cho thấy : Nếu xe ô tô đi từ trong ra (TP.HCM – Nha Trang) cùng chiều với xe đạp của các nạn nhân, thì bộ phận gây vỡ đèn phải là cái đèo hàng. Còn nếu xe ôtô đi từ ngoài vào (Nha Trang – TP.HCM) ngược chiều với xe đạp của nạn nhân, thì bộ phận gây vỡ đèn phải là ghi-đông xe đạp. Nhưng các số đo độ cao của cả đèo hàng và ghi đông đều thấp hơn nhiều so với vị trí đèn pha xe 79B-1830.

 

Sự thật cao hơn tất cả. Tôi sắp xếp lại và hệ thống lại toàn bộ tư  liệu, chứng cứ làm cơ sở pháp lý cho những lập luận của mình. Tôi cũng khẩn trương hoàn thành một số bài báo gửi về toà soạn. Làm xong mọi việc, tôi vào thăm mộ ông Vĩnh trong một buổi chiều, khi trời vừa tắt nắng. Tôi đến bên mộ người lái xe đã chết oan vì sự vu khống độc ác và thói vô trách nhiệm của những kẻ thừa hành công vụ. Đã mấy tháng rồi mà không một ngọn cỏ nào mọc được trên mộ ông. Người ta bảo, cỏ chẳng mọc được đâu trên mộ những oan hồn. Những mầm cỏ còn nằm trong đất bởi sức đè nặng của nỗi oan khiên, như một dấu hỏi, một lời nhắc nhở, kêu đòi … Ông Vĩnh ơi, tôi đã khẳng định được là ông đã bị oan rồi. Nhưng cuộc hành trình của tôi còn nhiều lắm những gian nan …

 

Sáng ngày 30/6/1992, tôi nhận được điện của Văn phòng Tỉnh uỷ Khánh Hoà mời lên trao đổi một số vấn đề xung quanh vụ xe gây tai nạn ở thôn Cây Xoài. Anh Bình, Chánh văn phòng, cho biết : “Dư luận quần chúng ở địa phương rất quan tâm, nên Văn phòng muốn được nghe thêm thông tin về vụ việc này; anh Nhường, Chủ tịch tỉnh, cũng sẽ sang nghe anh trình bày”. Suốt 3 giờ đồng hồ, Chủ tịch Hồ Ngọc Nhường và một số đồng chí ở Văn phòng đã chăm chú nghe tôi báo cáo lại toàn bộ quá trình thu thập chứng cứ  và các lập luận khẳng định xe 79B-1830 vô tội. Sau đó, tôi trả lời thêm một số câu hỏi của các đồng chí Văn phòng về lộ trình của xe. Đồng chí Hồ Ngọc Nhường cảm ơn buổi báo cáo của tôi và đề nghị anh Bình gọi Thủ trưởng cơ quan điều tra sang làm việc với ông ngay.

 

Tôi vội  vã về để chuẩn bị cho buổi họp báo lúc 14 giờ chiều nay. Thực ra thì tôi đã chuẩn bị sẵn từ đêm hôm trước, băng hình, băng cát-sét, đầu máy video … Tôi dự định sau khi công an Khánh Hoà công bố kết quả điều tra buộc tội xe 79B-1830, cứ để cho các đồng nghiệp nêu câu hỏi và nghe công an trả lời. Cuối cùng, tôi sẽ mời tất cả xem phim…

Đến giờ, các đại biểu đến khá đông, thư ký Hội nhà báo tỉnh Khánh Hoà phát biểu mở đầu. Sau khi hoan nghênh và cảm ơn nhiệt tình tham dự của các đại biểu, ông thư ký Hội đã đọc thư của Phó giám đốc công an tỉnh Khánh Hoà Cao Minh Nhạn :

“Kính gửi Thư  ký Hội nhà báo tỉnh Khánh Hoà, theo dự  định chiều nay, công an tỉnh sẽ làm việc với các nhà báo xung quanh vụ án tai nạn giao thông xảy ra ngày 01/5/1992  và cái chết của ông Nguyễn Vĩnh ngày 13/6/1992. Song vì một lý do rất đặc biệt xung quanh việc điều tra vụ án này chưa hoàn thành, do vậy công an tỉnh xin lỗi các đồng chí và các nhà báo, xin  được hẹn gặp lại vào một buổi khác...”.

 

Các đại biểu tỏ ý không vui vì nhỡ mất một buổi làm việc về vụ án mà dư luận đang quan tâm. Riêng tôi, vừa tiếc công chuẩn bị, vừa mừng vì có lẽ công an Khánh Hoà đã thấy sai. Nhưng tôi đã lạc quan quá sớm. Mấy ngày sau đó, cùng lúc dư luận rộ lên chuyện nhà báo Nguyễn Chính đã vào Cam Đức dựng hồ sơ giả, bức cung Lê Thị Loan và sáng ngày 14/6/1992 có Nguyễn Chính trong đám người đẩy xe tang ông Vĩnh vào tỉnh đường,v.v vàv.v … Còn thị Loan thì gửi “đơn kêu cứu” đi các nơi.

 

Tôi mỉm cười về sự “đồng khởi” của dư luận với ý đồ “chụp mũ”. Kịch bản cũ : dùng thị Loan để vu khống,  dàn dựng quá nhạt nhẽo, vụng về. Nhưng đến nước này thì tôi buộc phải sử dụng quyền công dân được luật pháp cho phép. Ngày 30/6/1992, tôi đã gửi đơn đến các cơ quan bảo vệ luật pháp ở địa phương và Trung ương, tố cáo Phòng CSGT và Phòng CSĐT công an tỉnh Khánh Hoà dựa vào nhân chứng giả, từ đó  lập hồ sơ giả hãm hại người dân lương thiện. Báo Đại Đoàn kết đã đăng nội dung đơn tố cáo này ngay trên trang nhất với tiêu đề : “Bức thư ngỏ của một nhà báo”, Đài truyền hình Trung ương cũng đưa “Bức thư ngỏ” này vào mục điểm báo. Kết quả: đã tạo được áp lực  lớn trong công luận. Đồng thời, tôi đã kính gửi tới đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ bức thư sau đây :

 

                                               

Nha Trang, ngày 5 tháng 7 năm 1992

Kính gửi đồng chí Bùi Thiện Ngộ

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

 

Thưa đồng chí,

Vì mức độ nghiêm trọng của vụ án và sự giải quyết chậm trễ của các cơ quan chức năng, sau khi cân nhắc, suy nghĩ, tôi xin kính chuyển đến đồng chí bức thư này.

 

Về vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Diên Khánh (Khánh Hoà) rạng sáng ngày 1/5/1992 làm chết hai người. Xe gây án bỏ chạy. Một tháng sau, từ lời khai của một nhân chứng, công an tỉnh Khánh Hoà đã bắt ông Nguyễn Vĩnh (lái xe, chủ phương tiện) cùng 3 người con và người giúp việc. Bằng biện pháp bức cung, công an tỉnh Khánh Hoà đã buộc họ phải nhận tội, dẫn đến cái chết của ông Vĩnh ngay trong tù. Tất cả lệnh bắt và giam giữ không được sự phê chuẩn của VKSND tỉnh Khánh Hoà. Sau cái chết đau thương của ông Vĩnh, chúng tôi đã nhận được đơn kêu oan của gia đình ông. Và sau một thời gian tìm hiểu, điều tra, xác minh, chúng tôi đã có được đầy đủ bằng chứng để xác định : Tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe 79B-1830 cùng cha con ông Vĩnh đang ở TP.HCM. Cũng trong quá trình điều tra, chúng tôi đã phát hiện nhân chứng mà công an tỉnh Khánh Hoà dựa vào để buộc tội cha con người lái xe Nguyễn Vĩnh là nhân chứng giả.

 

Theo tôi, đây là vụ sử dụng nhân chứng giả, từ đó lập hồ sơ giả hãm hại người dân lương thiện, gây hậu quả nghiêm trọng, khá điển hình của công an địa phương.

 

Vẫn biết, với trọng trách hiện nay, đồng chí bận rất nhiều công việc trọng đại của quốc gia. Nhưng chắc đồng chí Bộ trưởng cũng đồng ý với chúng tôi rằng : Giải oan cho một người đã chết, để gia đình vợ con họ được sống trong bình yên cũng là một trọng trách. Vì vậy, kính mong đồng chí với cương vị của mình, kiểm tra đôn đốc các cơ quan chức năng của ngành, mau chóng làm sáng tỏ vụ án nghiêm trọng này.

 

Kính chúc đồng chí Bộ trưởng mạnh khoẻ, trong nhiệm kỳ tại chức của mình, chỉ đạo giải quyết được nhiều việc trọng đại cụ thể, thiết thực, làm dịu bớt phần nào nỗi đau của những người dân vô tội.

                                     Xin kính chuyển đến đồng chí lời chào trân trọng.

                                                                        Kính thư

                                                                     Nguyễn Chính

                                            (PV thường trú báo Đại Đoàn Kết tại miền Trung)

Vậy là giữa “gỡ tội” và “buộc tội”, lá bài đã được lật ngửa. Một cộng tác viên của báo đến báo tin cho tôi : “bà T. quán cà phê cần gặp”. Chắc là cái xe đó đã xuất hiện trở lại.

Bà T. kể : “Sau mấy tháng không thấy, vừa rồi cái xe ấy lại ghé vào, cũng khoảng 3 giờ 30 phút. Vẫn người lái xe có khuôn mặt “bớt lam” và anh chàng phụ xe tên Hùng. Anh ta giải thích sự vắng bóng lâu nay là vì không có lúa chở nên về nhà ở Sài Gòn. Tôi nhớ được số xe là 52K... (Xin bạn đọc thông cảm, vì lý do nghiệp vụ nên tôi ký hiệu bằng 3 chấm)”.

 

Thế là kế hoạch đặc biệt của tôi kết thúc. Tôi phải làm gì với số xe này ? Sau khi cân nhắc, tôi gọi điện cho đồng chí Hồ Ngọc Nhường.

- Thưa Thủ trưởng, trong vụ tai nạn ở thôn Cây Xoài, trong quá trình giải oan cho gia đình ông Vĩnh, tôi thấy cần mở rộng hướng điều tra và tôi đã có tư liệu về hướng tìm ra xe gây án.

- Ồ ! Thế thì quy hóa quá, Chính à. Cậu đã làm việc với công an chưa ?

- Dạ chưa.

- Thế thì làm việc ngay đi. Anh em nên kết hợp với nhau mà làm.

- Tôi có một đề nghị thế này, Thủ trưởng xem được không. Nếu công an Khánh Hoà rút toàn bộ những kết luận sai trái đối với gia đình ông Vĩnh, tôi sẽ giao hết toàn bộ tư liệu. Còn không thì tôi không thể làm việc với họ được. Vì tôi không tin họ nữa.

- Tại sao ?

- Vì trong vụ Nguyễn Vĩnh, chỉ mới dựa vào lời khai của Lê Thị Loan mà họ đã vội vàng buộc tội ngay cho người ta. Còn tư liệu mà tôi có mới chỉ là chìa khoá tìm ra thủ phạm chứ chưa phải là thủ phạm. Tôi trao cho họ để họ tiếp tục sai nữa thì sao ?

- Thế đồng chí có tin tôi không ? (Ông đổi cách xưng hô)

- Tôi tin Thủ trưởng. Nhưng còn cơ quan chức năng của Thủ trưởng qua cách làm thực tế với xe 79B-1830, tôi không thể … Tôi hứa sẽ giao tài liệu cho công an Bộ Nội vụ và VKSND tối cao. Xin cám ơn Thủ trưởng…

Giữa tháng 7/1992, đoàn điều tra của Bộ Nội vụ gồm 3 người, trong đó có đồng chí Cục phó Cục điều tra, đến Nha Trang làm việc về vụ án này. Để việc thu thập tài liệu của đoàn được khách quan, mấy ngày sau tôi mới tìm đến họ. Với thái độ trân trọng người cung cấp thông tin, các anh đã kiên nhẫn ngồi nghe tôi trình bày các chứng cứ và lập luận “gỡ tội” cho xe 79B-1830. Tôi cũng nói đến tư liệu về chiếc xe 52K (tất nhiên là rất khái quát và cái đuôi vẫn là 3 chấm). Đồng chí Cục phó cảm ơn và đề nghị tôi nếu có thể được thì giao cho đoàn tư liệu đó cùng bản thảo những bài báo sắp đăng. Tôi nhận lời và hẹn sẽ đưa vào một buổi khác.

 

Một số đồng nghiệp lâu nay vẫn là “bộ tham mưu”, sẵn sàng “chia lửa” khi cần thiết với tôi trong vụ này. Sau khi bàn với các anh, tôi đồng ý chờ xem quan điểm và cách làm của đoàn công tác thế nào đã. Phải nói là đoàn công tác của Bộ Nội vụ làm việc rất khẩn trương. Nhưng trong đó có hai việc mà tôi nghĩ là ít tính thuyết phục. Đó là việc lấy mẫu vân bánh xe 79B-1830 để so sánh với vân bánh xe để lại trên áo nạn nhân và việc cắt mẫu cao su ở bánh xe 79B-1830 để giám định xem có giống “chất màu đen” trên vạt áo nạn nhân không. Tôi đã phân tích như sau:  lốp xe được sản xuất hàng loạt. Vân lốp xe 79B-1830 cũng nằm trong số “hàng loạt” ấy. Vì có hãng nào chịu sản xuất  một loại lốp có vân đặc biệt dành riêng cho xe ông Vĩnh đâu ? Cũng như vậy, cao su có chung một công thức phân tử. Vậy “chất màu đen” trên áo nạn nhân nếu là cao su thì cắt mẫu một chiếc dép cao su đi giám định cũng cho kết quả giống “chất màu đen” này. Vậy là không ổn rồi. Tôi quyết định không giao tư  liệu về xe 52K cho đoàn công tác. Chỉ cung cấp chứng cứ gỡ tội cho xe ông Vĩnh, bản thảo các bài báo và bản sao đơn tố cáo gửi các nơi cùng bản sao bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

 

Bắt tay tạm biệt đồng chí Cục phó, tôi đã mạnh dạn nói riêng với anh : “Anh thông cảm cho, chúng tôi còn thấy một vài vụ trong ngành các anh, đã có bao che theo kiểu, Trung ương “bênh” tỉnh, tỉnh “bênh” huyện và huyện “bênh” xã…”. Đồng chí Cục phó cười và trả lời : “Quyền trao tư liệu là của anh. Nhưng trong vụ này, vì sự thật, chúng tôi sẽ vô tư  làm hết trách nhiệm của mình”.

 

Một lần nữa, Văn phòng Tỉnh uỷ lại mời tôi trao đổi thêm về vụ án. Tôi đã mời các anh nghe lại toàn bộ các cuốn băng tư liệu từ khi bắt đầu đến khi kết thúc quá trình làm phóng sự. Nhưng đến phần về xe 52K, tôi đã bấm máy và mong các anh thông cảm. Cuối buổi làm việc, đã gần 12 giờ trưa, một đồng chí bất ngờ đặt câu hỏi : “Sao chỉ thấy toàn là chứng cứ chạy tội cho xe ông Vĩnh ?”. Tôi bức xúc trả lời : “Từ sáng, các anh chị đã nghe tất cả. Dù phải chết theo quan tài ông Vĩnh, tôi cũng khẳng định xe 79B-1830 vô tội”. Chắc đồng chí ấy đã phật lòng. Nhưng sau này, khi có quyết định khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp của công an, đồng chí ấy đã gặp tôi bắt tay thân mật : “Cậu đã đúng”.

 

Ngày bầu cử Quốc hội khoá 9 (19/7/1992) đã tới gần. Gia đình ông Vĩnh và nhiều bạn đọc ở Cam Ranh, Nha Trang gửi đến Cơ sở thường trú của báo những câu hỏi, đề nghị tôi phỏng vấn các ứng cử viên trong các cuộc tiếp xúc với cử tri. Tôi đề nghị gia đình ông Vĩnh nên thực hiện những điều cam kết với báo trước đây, đừng bức xúc gây ra những gì căng thẳng không cần thiết, chắc chắn gia đình sẽ được minh oan. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gia đình phía vợ sinh con một bề, là rể nhưng ông Vĩnh được cha mẹ vợ quý như con trai. Các cụ già lắm rồi, đều đã ngoài tám mươi, tóc bạc phơ, nhưng sống trong một gia đình êm ấm, thuận hoà trên dưới nên vẫn khoẻ mạnh và còn giúp được cháu, chắt nhiều việc. Sau cái chết đột ngột của ông Vĩnh, hai cụ trở nên vật vờ như cái bóng. Bà cụ nằm liệt giường, còn ông cụ suốt ngày ngồi một chỗ bất động. Tôi đã nghe các cụ nêu một câu hỏi xé lòng : “Luật pháp ở đâu, công lý ở đâu, ông nhà báo ơi?  Sao người ta không bắt chúng tôi chết, lại bắt thằng Vĩnh chết ?”.

 

Đời người mong manh như chiếc lá. Ngoài Bắc đã vào thu, lại bắt đầu một mùa lá rụng. Nhìn gia cảnh ông Vĩnh, tôi chua chát nghĩ về sự ra đi trái quy luật của những chiếc lá còn xanh.

 

Đêm. Tôi nằm thiếp đi lúc nào không biết. Có tiếng gọi cổng. Đó là H, một đồng nghiệp “chí cốt”. Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 23g. Cậu ta đến vào giờ này chắc có chuyện gấp. H. nói chậm như cố ý để tôi nghe thật kỹ : “Vụ Nguyễn Vĩnh, công an Khánh Hoà quyết tâm lắm. Hết hạn điều tra, họ sẽ xin gia hạn thêm. Nguyễn Đức Loan, con ông Vĩnh, đã nhận tội bằng giấy trắng mực đen và đang bị quản thúc. Nguyên nhân cái chết ông Vĩnh phức tạp lắm. Trước mắt, ông phải làm sáng tỏ việc nhận tội của Nguyễn Đức Loan đã. Vì đấy chính là cơ sở để họ khởi tố bị can. Trong vụ này, anh em bạn bè rất lo ông chủ quan”. Đúng là trong năm người bị bắt, chỉ có Nguyễn Đức Loan là nhận tội. Tuy nhiên, theo tôi, việc “nhận tội” này vô nghĩa. Vì tôi đã chứng minh được, khi xảy ra tai nạn, xe ông Vĩnh đang ở TP.HCM. Nhưng tôi đã hiểu ra ý “tham mưu” của đồng nghiệp lúc nửa đêm thế này là : Vụ án có hai bị can, một đã chết trong tù  và “căn cứ nhận tội” là mắc xích cuối cùng cần “bẻ gãy”.

 

Trong mấy người con ông Vĩnh, Nguyễn Đức Loan được coi là hoạt bát hơn cả. Sau tai họa, trông anh hốc hác, mắt trũng sâu và như  người mất hồn. Anh bảo tôi : “Chuyện mệt lắm, buồn lắm, anh nghe mà làm gì ?”. Và đây là câu chuyện vừa buồn, vừa đau xót của Nguyễn Đức Loan : “Khoảng 20 giờ ngày 30/5/1992, tôi và anh trai là Nguyễn Thiết bị bắt tại nhà ở Cam Đức rồi bị dẫn ra phòng CSGT tỉnh. Anh Thiết bị chuyển đi một chỗ khác. Suốt mấy tiếng đồng hồ, tôi vừa bị mấy người CSGT vừa hỏi, vừa đánh vào đầu, vào hông buộc phải công nhận điều họ nói là : “Sáng ngày 1/5/1992, khoảng hai giờ sáng, mày chạy xe cán chết hai người”. Nhưng tôi chỉ trả lời : “Xe tôi không bao giờ ra Nha Trang lúc hai giờ sáng cả”. Lập tức tôi lại bị đánh bật ngửa ra đằng sau, té xuống nền nhà, bị đá vào đầu, vào lưng. Tôi cố gượng dậy ngồi vào ghế. Ông Nguyễn Tấn, trưởng phòng CSGT, vào nắm tóc tôi kéo ngửa người ra sau và lên gối một cái vào lưng tôi và nói : “Mày giống thằng cha mày cứng đầu, tao cho mày thấy”. Tôi bảo : “Con không biết gì hết”. Ông Tấn lại bảo : “Thằng cha mày dạy một câu “không biết”, mày thuộc rồi chứ gì”. Cứ mỗi lần tôi nói không biết là bị đòn tới tấp. Khi bị một cú đánh trúng giữa đầu, tôi bị xỉu ngay. Được nghỉ một lúc, ông Luân đến kêu tôi đứng lên, dựa vào vách tường, giơ hai tay lên cao, rồi đánh vào ống quyển, vào ngực tôi. Khi tôi được ngồi lại ghế, ông Tấn lại cùng mấy cảnh sát vào và nói : “Được, mày không nhận tội, tao đưa mày xuống trại giam cho mày không còn ngày về với vợ con, hồi giờ mày bị châm điện chưa ? Giờ tao cho mày thấy”. Và một anh công an đã cầm dùi cui điện châm vào người tôi, rồi ông Tấn ra lệnh còng tôi lại. Tôi bị còng số  8 vào tay và bị châm điện lần nữa… Khoảng một tiếng đồng hồ sau, ông Tấn đưa anh Sang xuống và bảo tôi nhận tội, tôi không chịu liền bị ông lấy dùi cui đánh vào lưng và kêu người mở còng. Tiếp theo, ông Tấn lại đưa anh Thiết xuống bảo tôi nhận tội. Tôi vẫn không nhận tội, ông Tấn vừa đánh tôi bằng dùi cui, vừa nói : “Mày nhận tội còn được sống, còn không tao cho cả gia đình mày không ngóc đầu dậy nổi và đừng hòng làm nghề chạy xe”. Rồi ông Tấn sai người lấy dây treo tay tôi lên. Vì bị đánh đập chịu không nổi, bị đe doạ đến cả gia đình, tôi đành phải nhận tội. Lúc đó vào khoảng 3 giờ sáng ngày 31/5/1992. Nhưng khi bị đưa lên giam ở trại giam của công an tỉnh, tôi đã khai lại đúng với sự thật là hôm 1/5/1992 tôi đi làm ruộng, còn cha tôi và anh Thiết cùng xe đang ở  TP.HCM. Tôi liền bị nhốt vào buồng kỷ luật và sau đó bị đưa lên nhốt vào buồng kỷ luật ở nhà tạm giam trên huyện Diên Khánh. Khoảng 3 giờ chiều ngày 6/6/1992, ông Luân gọi tôi ra hỏi cung. Ông Luân bảo : “Tao đã gặp gia đình mày, gia đình mày nhờ tao giúp đỡ. Nhưng tao không thể giúp mày trắng án được, chỉ giúp được bảy tám phần thôi, mày tin tao đi”. Tôi đã tin vào lời ông Luân vì chẳng còn cách nào khác. Đến 9 giờ sáng ngày 9/6/1992, ông Trương Thanh Chí hỏi cung tôi, buộc tôi viết thư cho cha tôi đang còn bị giam ở trại giam của công an tỉnh. Tôi viết lá thư đầu, ông Chí không chịu. Và tôi đã phải viết theo yêu cầu nội dung của ông Chí là : “Con đã nhận tội với công an và đó là sự thật, mong cha hãy nhận tội để được pháp luật khoan hồng”. Tôi còn phải nhận với ông Chí là phải nói không bị ép cung, cưỡng bức. Nhận tội, nhưng tôi không biết gì để khai cả, thế là một anh công an tôi nhớ mặt nhưng không biết tên đã kể cho tôi chi tiết toàn bộ vụ tai nạn xảy ra ở thôn Cây Xoài, để tôi dựa vào đó mà viết”.

 

Cũng bằng kiểu “làm việc” như vậy, lúc 6 giờ 30 phút ngày 31/5/1992, Võ Hoà, Nguyễn Ngọc Luân, Lê Hồng Khải, Trần Ngọc Minh đã lập được một biên bản như sau : “Tại cơ quan công an, Phương, Thiết, Chỉnh đã khai nhận đầy đủ diễn biến vụ tai nạn và trách nhiệm của từng người khi xảy ra. Cơ quan công an yêu cầu Phương, Thiết, Chỉnh từ  nay khi nhận được giấy triệu tập làm việc của công an phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Kỳ quặc hơn, Lê Minh Phương còn bị ép buộc phải có cái tên là “Hùng” nào đó. Anh kể lại : “Tôi bị dẫn về phòng CSGT. Một anh cảnh sát hỏi tôi “mày tên Hùng phải không ?”. Tôi trả lời : “Tôi tên Sang”. Anh ta hỏi tiếp : “Ngoài tên Sang, mày còn tên gì nữa ?”. Tôi trả lời tên Phương, nếu không tin tôi có chứng minh nhân dân. Lúc đó ông Nguyễn Tấn bước vào, nói: “Mày còn không chịu  à ?”. Rồi ông Tấn đánh vào mặt tôi một cái. Sau đó,  ông Tấn đưa cho tôi một tờ giấy và nói : “Chớ mày không phải tên Hùng ôm vô lăng à ?”. Tôi trả lời “không phải”, liền bị ông Tấn đánh mạnh vào hai thái dương, rồi nói : “Mày quanh co, trên xe mày có chở 3 người”. Tôi trả lời: “Em không biết”. Ông Tấn lấy roi điện dí vào cổ tay tôi. “Đau quá”, tôi la lên: “Em không biết chuyện gì hết. Có gì cho em về nhà gọi người nhà em lên”. Ông Tấn bảo : “Không cần người nhà. Có phải mày tên Hùng, lúc xảy ra tai nạn có cầm cây sắt và cây đèn pin nhảy xuống xe gõ vào lốp trước, ra đằng sau quét đèn pin thấy vết máu và người chết, nhảy lên xe nói: Thiết chạy luôn, đúng không ?”. Tôi trả lời không biết, thì liền bị ông Tấn đánh tiếp, ông đứng dậy khỏi ghế và đạp vào sườn phải tôi. Đau quá, tôi la lên. Ông Tấn hỏi tiếp : “Chớ không phải mày tên Hùng à ? Nếu mày ngoan cố, tao dẫn nhân chứng lên”. Tôi nói: “Chú cứ dẫn nhân chứng lên rồi tội gì con cũng chịu”. Ông Tấn bảo tôi ngoan cố, rồi đánh vào mặt tôi một cái. Ông Tấn cho dẫn nhân chứng lên. Cô ta thấy tôi thì lấy tay che mặt và cúi  xuống. Ông Tấn hỏi : “Cô Loan có biết người này không ?”. Cô ta trả lời: “biết”. Ông Tấn lại hỏi tôi : “Mày có biết nó không ?”. Tôi nói: “Dạ biết”. Ông Tấn nói: “Vậy mà mày còn quanh co”. Ông Tấn nắm tóc tôi nói : “Đừng quanh co, khai đi, trên xe có mấy người đàn bà ?”. Tôi trả lời: không biết. Ông Tấn hỏi tiếp : “Sau lúc xảy ra tai nạn, xe chạy ra ngã ba Thành bỏ mì tôm phải không?”. Tôi nói, không có mì tôm nào hết. Liền bị ông Tấn lấy dùi cui màu đen đánh mạnh hai cái vào cánh tay trái của tôi. Rồi ông Tấn bảo: “Mày quanh co, tao đánh mày cả đêm nay”. Vì sợ bị đánh nữa, tôi đã chịu nhận tội theo yêu cầu của ông Tấn : nhận tên là Hùng, có cầm cây sắt và đèn pin, lúc xảy ra tai nạn, nhảy xuống xe, gõ vào lốp trước và ra phía sau thấy vết máu và người chết, nhảy lên xe nói với Thiết chạy luôn tới ngã ba Thành bỏ mì tôm, rồi đi Nha Trang. Lúc ông Tấn hỏi tôi, có anh công an ngồi ghi, rồi bắt tôi ký tên. Xong, ông Tấn bảo: “Mày khai vậy thì đâu có bị ăn đòn”, rồi dẫn tôi xuống cho ăn phở, uống bia lon, hút một điếu ba số. Ông Tấn còn hỏi: “Khai rồi thấy người có nhẹ và ăn ngon không?”. Sau đó, tôi bị dẫn lên phòng bảo nằm trên ghế và ngủ tới sáng ngày 31/5/1992”.

 

Với những chứng cứ được tạo ra bằng cách áp đặt như vậy, thử hỏi công an Khánh Hoà làm sao mà nắm bắt được sự thật ? Sau khi cho đồng nghiệp H. nghe lại quá trình “nhận tội” của Nguyễn Đức Loan, tôi cất cuộn băng cát-sét vào đáy tủ hồ sơ lưu trữ  và nghĩ sẽ chẳng bao giờ đụng đến, thì được tin Trưởng Phòng CSĐT Trương Thanh Trí xin gia hạn điều tra lần 1  để tiếp tục buộc tội cha con ông Vĩnh. Họ vẫn quyết đi tìm … Tôi chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán và buông một tiếng thở dài …

 

“Trúng gió”, “nhồi máu cơ tim”, hay…? Tôi hoàn toàn bất lực trong việc đưa ra ánh sáng cái chết của ông Vĩnh. Ngay chiều ngày 15/6/1992 Chủ tịch tỉnh Hồ Ngọc Nhường đã được báo cáo là ông Vĩnh chết vì nhồi máu cơ tim. Đòi nhiều lần không được, mãi đến ngày 30/6/1992, gia đình ông Vĩnh mới nhận được kết quả. Trong đơn khiếu nại về cái chết của chồng, bà Hồ Thị Tín nêu : “Từ trước đến nay, chồng tôi không hề bị bệnh tim mạch, bệnh thần kinh hay một bệnh mãn tính nào khác. Hơn nữa, chồng tôi được phép lái xe tải nên phải có đủ sức khoẻ, không bị những chứng bệnh trên. Điều đó thể hiện qua hồ sơ để được phép của CSGT cho điều khiển xe tải. Đồng thời cũng thể hiện qua những lần khám sức khoẻ định kỳ. Vì vậy, không thể kết luận cái chết của chồng tôi là do nhồi máu cơ tim như kết quả giám định pháp y, mà theo nhiều nguồn tin cũng như dư luận thì chồng tôi bị đánh dập lá lách dẫn đến cái chết”. Còn “Biên bản họp buồng 4” (trại giam) thì ghi: “Vào lúc 3 giờ 30 phút (chiều), điểm danh xong thì sức khoẻ bác Vĩnh vẫn bình thường;  đến lúc ăn cơm xong vào khoảng 4 giờ 30 phút, bác gục đầu xuống, anh Tân phát hiện bác trúng gió. Anh Tân có kêu anh em xúm lại thoa dầu và cắt lể, đồng thời báo cán bộ cấp cứu. Khoảng 5 phút sau thì bác ngừng thở;  anh em vẫn tiếp tục xoa bóp và hô hấp nhân tạo nên bác thở trở lại. Cán bộ và y tá đem dầu nóng và cồn lên cấp cứu và tiếp tục xoa bóp và bác thở trở lại trong vòng 5 phút rồi sau đó  ngưng thở …”. Và “Biên bản sự việc” lập lúc 17 giờ ngày 13/6/1992 của lãnh đạo và trực trại cũng ghi : “Vào lúc 16 giờ 30 phút, ở buồng 4 có kêu cấp cứu, thì đồng chí Tuấn đem chìa khoá lên mở buồng 4. Lúc đó y tá Thoi đem thuốc, dầu để cấp cứu tại chỗ. Nhưng lúc bấy giờ phạm nhân Vĩnh ngưng thở. Sau một lúc làm hô hấp nhân tạo, xoa bóp dầu nóng thì phạm nhân Vĩnh thở đều lại được một lúc khoảng 5 phút, sau đó phạm nhân tắt thở. Cùng lúc đó, y tá làm động tác hô hấp nhân tạo và chích một mũi thuốc trợ tim nhưng không có kết quả…”. Tất nhiên là hai biên bản không có một điểm mâu thuẫn nào. Nhưng Nguyễn Ninh, con trai đầu của ông Vĩnh lại cho biết : “Trong khi giải phẫu tử thi, gia đình phát hiện thấy gan và lá lách bị tổn thương, có hỏi bác sĩ Thinh, là người trực tiếp mổ, thì bác sĩ Thinh trả lời là do quá trình giải phẫu bị rách”. Quả là vấn đề rất nan giải. Tôi nhờ một số bác sĩ chuyên khoa giải thích về bệnh nhồi máu cơ tim và có trường hợp nào nạn nhân chết đột ngột vì nhồi máu cơ tim lại “thở đều trở lại trong khoảng 5 phút được không ?”. Nhưng không ai muốn “dây dưa vào chuyện của mấy ông công an ” cả. Chỉ một bác sĩ (đề nghị giấu tên) trả lời chung chung thế này : “Y học hiện đại đã chứng minh rằng bệnh tim mạch không làm chết người khi mới xuất hiện lần đầu, và thường không xuất hiện vào buổi chiều...”.

 

Vâng ! Có thể y học hiện đại đã rút ra một kết luận như thế. Nhưng ông Vĩnh thì đã bị cơn bệnh khủng khiếp ấy cướp đi vào buổi chiều, sau khi ăn cơm và một tiếng đồng hồ trước đó còn khoẻ mạnh bình thường. Cái chết của ông Vĩnh có thể là trường hợp ngoại lệ, hoàn toàn ngoại lệ chăng ? Tôi đã buồn rầu thuyết phục bà quả phụ Hồ Thị Tín và các con nên tạm bằng lòng với kết quả giám định pháp y, vì đây là vấn đề lớn, “vấn đề của y học thế giới...”, như lời của một “ông lớn”. Và cánh nhà báo không thể qua mặt “pháp y” hay đùa với pháp luật được.

Các bài báo của tôi được đăng trên các báo Thanh Niên, Đại Đoàn Kết, Khánh Hòa chủ nhật, được đông đảo bạn đọc hưởng ứng, đã tạo một “sức ép” từ phía công luận đối với các cơ quan chức năng. Nhưng việc xử lý vẫn quá chậm chạp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bình thường của gia đình người lái xe bất hạnh. Ngày 15/6/1992, công an Khánh Hoà trả xe, nhưng không trả giấy tờ, nên xe 79B-1830 không hoạt động được, trong khi cuộc sống của mười mấy con người chỉ trông vào chiếc xe. Một buổi chiều, các con ông Vĩnh lại đến tìm tôi. Trông họ khá hơn, tự  tin hơn. Họ đề nghị báo can thiệp để công an trả lại giấy tờ xe vì nó chính là “sinh kế” của gia đình. Tôi tưởng vấn đề không khó lắm. Vậy mà “hành trình xin giấy tờ xe” của gia đình ông Vĩnh cũng phải qua  biết bao nhiêu vòng, từ  Cam Đức ra tỉnh. Đến VKS, “Quý Viện” lại chỉ sang công an, đến Công an tỉnh, lại bảo sang VKS ... Cứ  thế, nguy cơ  “đói gạo” của gia đình họ có thể sẽ đến bất cứ lúc nào. Tôi lại gửi thư công tác cho Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà đề nghị can thiệp. Gia đình ông Vĩnh cũng yêu cầu ông Bí thư tỉnh uỷ, ông Giám đốc công an tỉnh “Đèn giời soi xét” v.v và v.v.... đến ngày 30/7/1992, gia đình ông Vĩnh mới nhận lại được đủ giấy tờ xe. Báo Thanh Niên , trong số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, đã đưa tin xe 79B-1830 trở lại lưu hành bình thường. Bạn đọc các nơi gửi thư về động viên tôi tiếp tục bám sát vụ án, mà theo họ là vụ điển hình về thụ lý án tai nạn giao thông của cả nước thời gian qua.

 

Tôi đến VKSND tỉnh Khánh Hoà hỏi về đơn tố cáo ngày 30/6/1992 của mình. Họ nói đã chuyển về Viện KSND Tối cao. Tôi tiếp tục chờ đợi. Các đồng nghiệp của tôi trong “bộ tham mưu” nhóm họp nhiều lần, và quyết định tôi phải đi Hà Nội. Phải nói trong cuộc hành trình này, tôi được các đồng nghiệp chỉ bảo nhiều điều rất sáng suốt. Họ nói : “Chỉ có Hà Nội mới dứt điểm được, ông phải đi, chờ ở đây đến năm 2000 chưa chắc...”.

 

Tôi lên đường vào giữa tháng 10/1992 khi một cơn áp thấp nhiệt đới đang hình thành ngoài biển Đông. Vừa đến Hà Nội thì nghe tin miền Trung đang mưa lụt. Vậy là vạn sự khởi đầu đã gặp may. Hà Nội, niềm tin và hy vọng đây rồi. Người ta bảo dân các nới có điều oan ức, sau khi loay hoay với những tờ báo tin “Kính chuyển” đều phải đội đơn về Thủ đô. Tôi cho đó là chuyện bình thường. Thời nào chả vậy. Ngày xưa, có những oan ức của con dân, bởi đám sâu mọt nơi xóm ấp, có vụ cũng phải đưa đến “bệ rồng” để phán xử cơ mà.

 

Người tiếp tôi ở Viện KSND Tối cao là ông Trương Ngọc Nhuận. Tôi rút thuốc ra mời. Ông bảo : “Cám ơn, tôi không hút. Về vụ án Nguyễn Vĩnh, chúng tôi đã nhận nhiều đơn của gia đình và được VKS địa phương báo cáo. Bây giờ tôi đề nghị anh trình bày ngắn gọn...”. Sau khi nghe tôi trình bày, ông Nhuận trầm ngâm một lúc rồi nói : “Thôi được, chúng tôi sẽ sắp xếp lịch làm việc vụ này với địa phương. Anh có thể cung cấp cho chúng tôi những cuộn băng tư  liệu mà anh có. Anh còn ở đây lâu không ? Lâu à, thế thì hai ngày nữa mời anh đến. Còn bây giờ, xin lỗi, tôi phải bận có chút việc”.

 

Buổi làm việc đã để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp. Bây giờ tôi phải kiểm tra lại một lần nữa những cuốn băng gốc. Các đồng nghiệp của tôi ở Nha Trang giữ bản sao. Họ bảo mang băng gốc đi cho nó “xịn”. Nhưng thật bất ngờ, băng đưa vào máy mà không chạy. Bạn tôi phải đi mượn một máy cỡ bự, theo anh là loại “nồi đồng cối đá”, nhưng cũng chỉ nghe thấy những tiếng ư  ử. Tôi toát mồ hôi hột. Thì ra, băng gốc được cất kỹ quá, và không biết cách bảo quản nên bị ẩm mốc, các dải băng từ dính lại kẹt cứng. Tôi loay hoay vừa sấy băng, vừa sao lại cuộn mới, đến “gà gáy canh ba” mới hoàn thành.

Đúng hẹn, tôi đến gặp ông Nhuận. Ông bảo : “Người của VKS Khánh Hoà cũng vừa ra”. Ông Nhuận nhận  mấy cuốn băng và cẩn thận viết cho tôi mấy chữ biên nhận. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế là tư liệu được trao tận tay cho người của Viện KSND Tối cao. Và một lý do nữa là tôi có cảm giác đã gặp được một người đáng tin cậy. Tôi báo cáo toàn bộ công việc và án oan của gia đình ông Vĩnh cho lãnh đạo tòa soạn. Đồng chí Ngọc Thạch , Tổng biên tập, bảo tôi : “Mới đầu thế là thắng lợi. Chính phải bám chặt vụ này và không được chủ quan. Những vụ như thế này là phải được khởi tố, không thể để yên được...”.

 

Tôi tranh thủ về quê nội ở Vĩnh Phú  mấy ngày. Cuộc sống của dân quê tôi so với ngày “đi làm theo kẻng” đã khá hơn rất nhiều. Nhưng mỗi lần về thăm quê vào mùa đông lạnh giá, gia đình vẫn chiều theo ý thích riêng, chuẩn bị cho tôi một ... ổ lá chuối. Tôi thích được cuộn tròn trong cái mùi ẩm mốc và nghe tiếng sột soạt của lá khô, nhắc nhớ những kỷ niệm khó quên suốt một thời thơ ấu. Nhưng năm nay rét muộn, mẹ tôi bảo : “Gần hết tháng mười rồi mà chưa có đợt gió mùa nào”. Tôi nằm trong ổ lá, thích thật, nhưng mồ hôi ròng ròng... Vậy mà khi tôi xuống Hà Nội để lên tàu về Nha Trang thì đài báo thời tiết : “Một bộ phận không khí lạnh đang dịch chuyển xuống ...”. Tôi về đến Nha Trang, bạn tôi điện vào : “May cậu quá, ngoài này đang lạnh quá trời”.

 

Tôi kể lại chuyến đi cho các đồng nghiệp trong “bộ tham mưu”. Các anh đều  bảo, lần này sẽ không phải chờ lâu đâu. Chờ đợi ! Nhưng không phải trong sự vô vọng. Tôi đã khẳng định với các anh cũng như đã khẳng định với bà quả phụ Hồ Thị Tín và gia đình như vậy. Vì tôi tin vào quan điểm của ông Trương Ngọc Nhuận : “Sẽ làm vì công lý, vì sự  minh oan cho một gia đình đang kêu oan”.

 

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết âm lịch. Tôi được tin ông Nhuận và một số người nữa của Viện KSND Tối cao  đã vào điều tra vụ này. Với kinh nghiệm dày dạn, người kiểm sát viên cao cấp ấy đã thận trọng xác minh lại từ đầu từng chi tiết … Ngày 29/01/1993, phó Phòng CSĐT CA Khánh Hòa xin gia hạn điều tra vụ án, để buộc tội xe 79B-1830 lần thứ hai. Họ vẫn cố đi tìm … Tôi bảo với các con ông Vĩnh : “Các cậu cứ tổ chức chạy xe cho tốt, lấy chữ an toàn làm trọng. Hãy quên luôn cái chuyện gia hạn lần hai, lần ba gì đó đi. Đi tìm cái không có thật thì thấy thế nào được. Họ cũng sắp hết hơi rồi”. Vậy mà cũng phải gần một tháng sau, họ mới chính thức chịu “hết hơi”. Ngày 27/02/1993, công an Khánh Hoà đã có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cha con ông Vĩnh. Chấm dứt hơn 200 ngày “thực thi công vụ”, đẩy cả một gia đình lương thiện vào tình cảnh bi thương. Với một kết luận quá muộn mằn : “Các tư liệu, chứng cứ thu thập được chưa đủ cơ sở chứng minh các bị can  đã thực hiện tội phạm”. Và 4 ngày sau đó (04/3/1993), vào lúc 10 giờ 45 phút, ông Cao Minh Nhạn, phó Giám đốc CA  Khánh Hoà cùng các cộng sự Ngô Thị Kim Cúc, phó Phòng CSGT; Nguyễn Ngọc Luân, người trực tiếp điều tra vụ án, và một số người khác của Công an Khánh Hoà, đã đến gặp bà quả phụ Hồ Thị Tín để xin lỗi : “Về việc làm sai trái của một số cán bộ, chiến sĩ trong quá trình điều tra vụ án dẫn đến việc bắt giữ ông Vĩnh và anh Nguyễn Đức Loan. Và trong quá trình giam giữ, ông Vĩnh đã chết trong trại giam làm tổn thất cho gia đình”. Đáng lưu ý là, trong đoàn đi “nhận lỗi” không có thiếu tá Trưởng Phòng CSGT Nguyễn Tấn, người trực tiếp chỉ đạo việc bắt người, giữ xe và hỏi cung các con ông Vĩnh trong đêm 30/5/1992. Và cũng không thấy cả thiếu tá Trương Thanh Trí, người đã chỉ đạo việc điều tra và lập hồ sơ giả…

 

Tôi đánh máy vội bài báo gửi về toà soạn. Tổng biên tập của tôi chỉ đạo bằng điện thoại : “Vụ án vẫn chưa kết thúc đâu. Nhiệm vụ của Chính vẫn còn, phải tiếp tục làm để góp phần bảo vệ kỷ cương, luật pháp”. Hơn nửa tháng sau, ngày 23/3/1993 Viện KSND Tối cao  có quyết định khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp xảy ra tại Phòng CSĐT công an tỉnh Khánh Hoà. Và mấy tháng tiếp theo là quyết định khởi tố bị can đối với Trương Thanh Trí, về tội bắt và giam giữ người trái pháp luật; Nguyễn Ngọc Minh, Trần Ngọc Luân về tội bức cung và Lê Thị Loan về tội vu khống. Chỉ còn thiếu tá Nguyễn Tấn là vẫn còn “bình an vô sự”, khiến công luận không thể nào hiểu nổi. Vào một ngày đầu tháng 4/1993, có một người lạ mặt tìm đến, đưa cho bà quả phụ Hồ Thị Tín một tờ giấy đánh máy sẵn và thuyết phục bà cùng các con ký vào, sẽ được hậu tạ… Tờ giấy đó có nội dung nguyên văn như sau :

Gia đình chúng tôi gồm :

 

Mẹ là Hồ Thị Tín – 58 tuổi (Vợ ông Nguyễn Vĩnh)

Cùng các con của ông Nguyễn Vĩnh

Nguyễn Thiết     – sinh năm 1965.

Nguyễn Đức Loan          – sinh năm 1971.

Nguyễn Đức Chỉnh         – sinh năm 1971.

Hiện ngụ tại xã Cam Đức – huyện Cam Ranh – Khánh Hoà.

Chúng tôi đồng ký tên minh oan cho ông Nguyễn Tấn như sau :

 

Vụ tai nạn giao thông gây án mạng chết hai người tại quãng đường thôn Cây Xoài, thuộc xã Suối Tân – huyện Diên Khánh – tỉnh Khánh Hoà, vào lúc 4 giờ 15 sáng ngày 01/5/1992. công an Khánh Hoà đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình chúng tôi.

 

Đó là bắt sai, gây nên cái chết oan nghiệt cho chồng và cha chúng tôi : ông Nguyễn Vĩnh. Khi tang gia bối rối, toàn bộ gia đình mẹ con chúng tôi đau buồn và thương tiếc lớn lao nên thiếu sáng suốt, không nhận rõ trách nhiệm của ai là người gây ra thiệt hại tang thương này cho gia đình chúng tôi. Do đó, trong các tờ đơn khiếu tố trước đây của gia đình mẹ con chúng tôi, có phần nào thiếu chính xác.

 

Hôm nay, qua một năm hồi tỉnh lại, nỗi đau đớn buồn thương của gia đình mẹ con chúng tôi được phần nào lắng dịu xuống… Vì vậy, mẹ con chúng tôi nhìn rõ sự thật vụ án, trách nhiệm của ai gây ra nỗi đau đớn, bất hạnh của gia đình chúng tôi.

Thứ nhất : Ông Nguyễn Tấn, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông – công an tỉnh Khánh Hoà là người không có liên quan gì trong việc bắt giữ xe, bắt giữ người và gây ra cái chết của chồng và cha chúng tôi (ông Nguyễn Vĩnh).

Thứ hai : Trách nhiệm gây ra cái chết oan uổng của ông Nguyễn Vĩnh là Phòng Cảnh sát Điều tra Xét hỏi của công an tỉnh Khánh Hoà. Vì từ lúc chiếc xe 79B-1830 và cha con chúng tôi bị mời về Phòng CSGT đến việc ra lệnh bắt giam cha con chúng tôi, rồi đưa đến cái chết bất đắc của chồng và cha chúng tôi (ông Nguyễn Vĩnh) trong trại giam đều không có ông Nguyễn Tấn tham gia. Thực tế, ông Nguyễn Tấn không hỏi cung, không hành hung, không nhục mạ cha con chúng tôi.

Chúng tôi chỉ thấy ông Nguyễn Tấn loáng thoáng đến Phòng CSGT vào lúc 6 giờ đến 8 giờ, 9 giờ đêm 30/5/1992. Ông Nguyễn Tấn không có thái độ và hành vi gì đối với cha con chúng tôi cả. Từ đêm 30/5/1992 đến lúc ông Nguyễn Vĩnh bị chết oan trong nhà giam, chúng tôi không thấy ông Nguyễn Tấn nữa.

 

Vậy gia đình mẹ con chúng tôi đồng ký tên minh oan cho ông Nguyễn Tấn. Ông Nguyễn Tấn là người không dính líu gì đến vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình, mẹ con chúng tôi.

Mẹ con chúng tôi nói rõ để cấp trên xem xét minh oan cho ông Nguyễn Tấn…”.

 

Bà Hồ Thị Tín và các con đã từ chối. Vì không muốn chồng mình, cha mình đã nằm yên dưới mộ phải chết lần thứ hai.

 

Đã lâu lắm rồi tôi mới thả bộ trên đường Trần Phú. Khu Quảng trường và Đài liệt sĩ vẫn rực sáng ánh đèn. Kỷ niệm ngày 30/4, người ta đến chơi ở đây khuya hơn. Vậy là đã tròn một năm, chắc mộ ông Vĩnh bây giờ đã bắt đầu xanh cỏ. Cũng đã tròn một năm, cuộc hành trình của tôi đã tới đích, với nhiệt tâm tiếp sức của biết bao người. Tôi bỗng nhớ đến lời giáo huấn của người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học : “Chỉ có những loài súc vật mới quay lưng lại với số phận  người khác, để chăm chút cho bộ dang của mình”.

 

Tôi nhìn ra biển. Biển Nha Trang về đêm đen sẫm, chỉ còn nghe tiếng sóng ì ầm, như những tiếng thầm thì vọng lại từ xa. Rất xa…

 

Tháng 6/1992 – 10/1993

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 2028
Ngày đăng: 24.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Thầy rắn” Lương Y NGUYỄN TIẾN HÒA - Phan Đức Nam
Cảm Bút từ Yên Phú Cổ Tự - Vũ Ngọc Tiến
Những cánh chuồn trên biển - Trần Kim Sơn
Ăn bẩn - Trần Huy Thuận
Hội An và bài học vỡ lòng của tôi - Nguyễn Trung Bình
Lầu Đất: Di dân được mới nói bảo tồn. - Giản Tư Hải
Tây nguyên du ký - Vũ Ngọc Tiến
Tự Thuật - Nguyễn Thành Thống
Suy tưởng về một thị dân –Ghi chép về Márai Sándor- - Imre Kertész
Một vài kỷ niệm với Trịnh Công Sơn - Sâm Thương