Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
555
116.598.156
 
Thời kỳ Bảo Bình- 1
Hamvas Béla

( Trích trong tập tiểu luận triết học Câu chuyện vô hình)

 

Ai nghiên cứu chút ít về chiêm tinh học đều biết, precessio là gì.

Thuật ngữ này dùng để chỉ sự chệch đi, có thể do quá trình chuyển dịch bấp bênh trên trục quay của trái Đất.

 

Chúng ta đều biết, điểm xuân phân, khi kinh độ Mặt trời bằng 0, rơi vào chòm sao Bạch Dương và điểm thu phân, khi kinh độ Mặt trời bằng 0 rơi vào chòm sao Thiên Xứng.  Đấy là lập Xuân và lập Thu.

 

Chỉ có điều, sự việc này không nhất thiết xảy ra đúng như vậy. Sự chệch đi do trái Đất quay không thể đo được từ năm nọ sang năm kia. Mặt trời mọc sớm hơn một chút. Giữa hai năm sự khác biệt không là bao, sau một trăm năm lại có thể đo được sự khác biệt này. Sau hai nghìn năm, sự khác biệt vào khoảng ba mươi độ chệch ra sau, Lập xuân sẽ sớm hơn. Điều này người ta gọi là precessio.

 

Sau hai nghìn năm, điểm xuân phân ( kinh độ mặt trời bằng 0)  không rơi vào chòm sao Bạch Dương, mà, với ba mươi độ lùi ra sau, rơi vào chòm sao Song Ngư.  Hai nghìn năm tiếp nữa, rơi vào chòm sao Bảo Bình.

 

Chiêm tinh học phương Đông gọi khoảng thời gian hai nghìn năm là một tháng của vũ trụ. Mười hai tháng vũ trụ bằng khoảng 26 nghìn năm, là một năm của vũ trụ. Chiêm tinh học phương Đông có quan điểm sâu rộng, đi xa hơn và cơ bản hơn, tìm ra mối quan hệ giữa sự chuyển dịch của sao và số phận con người.

 

Từng tháng của vũ trụ là những thời kỳ lịch sử lớn, tiếng Hy lạp gọi là: aion.

Những tháng vũ trụ khép kín đến nỗi sự quá độ chuyển từ tháng nọ sang tháng kia rất đặc trưng. Giữa năm, sáu tháng một lần xuất hiện những tai họa lớn. Tai họa xảy ra gần đây nhất mười ba nghìn năm trước CN là sự chìm xuống của biển Atlantik.

 

Chúng ta đang bước ra khỏi chòm sao Song Ngư. Tháng của vũ trụ đang kết thúc và aion khóa lại. Thời kỳ vừa qua là thời kỳ khủng hoảng, ai cũng tự mình  nghiệm thấy. Giờ đây chúng ta bước sang thời kỳ Bảo Bình.

 

Một cuộc sống khác hẳn bắt đầu, khi cái cũ đã khép lại. Đây là sự xuất hiện của những sự kiện làm lay chuyển đến tận gốc rễ cả quả Đất lẫn nhân loại, một dạng của lời Sấm truyền.

Thời kỳ Song ngư như thế nào, chúng ta đã biết. Thời kỳ Bảo Bình như thế nào, chưa ai biết.  Cái gì đã xảy ra khi từ thời kỳ Song Ngư chúng ta bước sang thời kỳ Bảo Bình?

 

 

2

Đây là thời kỳ, cách đây năm mươi năm Le Bon đã từng nói, những hoạt động vô thức của đám đông thay thế cho những hoạt động có ý thức của cá nhân.

 

 Sự thay thế này lúc đó không chỉ có vẻ vô hại mà còn được mong đợi. Một số người đã kích động đám đông bạo động. Marx và các tông đồ của chủ nghĩa xã hội, thay vì chỉ từ xa chiêm ngưỡng ý nghĩa những hành động của mình, họ đã chuẩn bị cho một cuộc nổi loạn.

 

Giá họ biết, cái đám đông đang leo lên sự thống trị, sẽ tuyệt đối không thực hiện  lý tưởng của nhân loại như họ nghĩ, thậm chí, vì cần phải tha bản thân, tha sự hiện hữu và tính cách theo mình, đơn giản họ sẽ xóa hy vọng về khả năng thực hiện toàn bộ các lý tưởng, họ sẽ không  ký các văn bản cách mạng của các tông đồ một cách dễ dàng như thế.

 

 Nếu ngày hôm nay Marx, Engels, Lassalle hoặc bất kỳ ai trong đám cách mạng đó tỉnh dậy, nhìn xem cái gì đã xảy ra, đã thức tỉnh đám đông hào hứng thế nào, chắc chắn những người này sẽ đắm chìm vào suy nghĩ. Tôi quả thật không nghĩ nó sẽ như thế này, kẻ tội nghiệp sẽ lắp bắp khi tự kết án mình.

 

 Đám tông đồ đều đã từng tin tưởng, thiên thần sẽ thức tỉnh từ đám đông. Ngày nay giá họ nhìn thấy, không hề như vậy. Quái vật đã thức tỉnh thì đúng hơn.

 

 Thay thế  hoạt động có ý thức của cá nhân là những hoạt động vô thức của đám đông. Các tông đồ sẽ tận mắt nhìn thấy, xã hội phụ thuộc vào cái khác.

 Đám đông thống trị là những hoạt động hỗn loạn, mù quáng, mờ mịt, vô thức  thay thế những hoạt động sáng sủa, có tri thức, có ý thức của cá nhân, dìm loài người xuống sự tăm tối.  Đấy chính là điều những người cách mạng không nghĩ tới.

 

Nhưng nhiều người khác đã nhìn thấu suốt bản chất thống trị của đám đông. Họ hiểu, đây không phải vấn đề thống trị. Tình thế của thế giới đã thay đổi.

 Quá trình này không phải quá trình xã hội mà sâu sắc hơn: một quá trình cơ bản của đời sống. Trên bề mặt xã hội, đám đông nổi trội lên, kèm theo, sự vô thức cũng trồi lên như một sự tất yếu.

Tư duy và hoạt động tỉnh táo của cá nhân bắt đầu phụ thuộc vào sự vô thức và hỗn loạn của đám đông. Thứ giản dị có nội dung phụ thuộc vào thứ mù quáng và hỗn loạn. Thứ phát triển cao phụ thuộc vào thứ thấp kém. Vị trí lộn ngược tấn công, con người bắt đầu sống bằng cái đầu lộn xuống dưới. Và những hậu quả của nó không thể lường trước.

 

Thế hệ cách mạng thứ hai, Pareto và Sorel đã nhận ra, thực chất không phải vấn đề tình huynh đệ, vấn đề tự do của đám đông và bản khải hoàn ca của các lý tưởng nhân loại lớn. Họ thôi không lập luận ấu trĩ các khái niệm của mình nữa.

 

Cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản là một hiện tượng xã hội bề mặt, vì thực chất đây là cuộc đấu tranh giữa ý thức tỉnh táo và sự vô thức mù quáng.

 

Pareto chua chát tuyên bố, tư tưởng nào càng ít giá trị sự thật, đám đông càng bám chặt vào đó. Ông gọi sự mờ mịt và phân vân này là một thứ cặn bã (reziduum). Thứ cặn bã vô nghiã, đầy bản năng, không hợp lý, không dùng vào việc gì. Đấy chính là đặc trưng tư duy của đám đông.  Đặc biệt không liên quan đến tư tưởng. Cũng như không liên quan đến thứ Sorel gọi là thần tượng (mitosz). Đám đông không suy nghĩ, không nhận thức và không suy tính: thần tượng là sự kết tinh của đam mê, dục vọng và bản năng.

 

Thế hệ thứ hai đã nhận ra đặc thù của hoạt động vô thức của đám đông là sùng bái thần tượng và reziduum. Thế hệ này nhận ra cuộc đấu tranh giữa duy trí và vô thức bắt đầu và sẽ tiếp tục. Tại sao họ không nhận ra những cái khác nữa, bởi  khả năng của họ chỉ ở mức độ trung bình thông thường.

 

Nhưng rốt cuộc, xuất hiện những kẻ ngay từ phút ban đầu hiểu ra ngay tình thế. Trước hết là Kierkegaard và Nietzche. Sau đó là cả một đạo quân nhỏ, không xếp theo thứ tự và chưa đầy đủ: Feguet, Merezskovszkij, Pannwitz, Evola, Bergyajev, Valéry, Ortega, Jaspers.

 Điều họ nhìn thấy: đám đông từ trước tới nay ở dưới đáy bắt đầu xông lên những tầng lớp xã hội cao hơn. Đi cùng với nó là sự tàn bạo, không như trước, trong  thời kỳ di dân, tấn công vào kẻ ở tầng lớp phát triển cao từ xa, từ bên ngoài, mà giờ đây từ dưới lên và từ trong ra.

 

 Trong con người vô thức nổi lên, trong xã hội, đám đông xuất hiện. Đây là một dạng di dân mới, là sự đột nhập thẳng thừng của sự tàn bạo. Tình thế không chỉ thay đổi từ bên ngoài; mà trạng thái tâm lý con người cũng bị đảo lộn cùng sự xua đuổi những cá nhân ưu tú và có vị thế cao hơn.

 

 Những gì đã từng ở trên, rơi xuống dưới, những gì từng ở dưới  giờ nổi lên trên. Vô thức lên trên và ý thức xuống dưới. Tri thức không ở trên, mà là bản năng, không phải ánh sáng, mà là sự tăm tối, không phải paradiso, mà là inferno, không phải thứ phát triển mà là thứ thấp kém, không phải trật tự và sự tử tế, mà là sự hỗn loạn và dục vọng. Không phải thứ tư duy có ý thức, mà là một  thứ cặn bã (reziduum) và thần tượng( mitosz). Bởi vậy trong sự chọn lựa, trong cách đánh giá các giá trị, trong thứ bậc và trong nhu cầu xuất hiện một trật tự đảo lộn.

 

Một tai họa giống như thế này chỉ xảy ra với con người khi nạn hồng thủy tràn ngập quả đất, và loài người chìm xuống biển. Nhưng lúc đó sự chết chìm này chỉ là bên ngoài, như nạn di dân cũng chỉ là bên ngoài: ngày nay con người chết chìm trong sự vô thức riêng của bản thân mình và của đám đông riêng của xã hội mình. Biển chính là sự vô thức, và sự vô thức chính là biển. Nạn hồng thủy chính là sự chết chìm trong cái vô thức. Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong nạn hồng thủy từ bên trong.

 

 

3

Trong tình thế, cái ở dưới nổi lên trên, cũng tuyệt vọng như cái đang ở trên, bị chìm xuống dưới. Vị trí của đám đông, của vô thức là ở dưới, theo số phận, nó nằm ở vị trí đó. Con bò, nếu  kéo xe hoặc cái cày, là con vật thiêng liêng. Nhưng nếu bay lên, nó biến thành con rồng, không bao giờ cày ruộng nữa, nó vứt cái tròng cổ đi, hóa điên và phun lửa. Vị trí thống trị của nó ở trên, ở vị trí của ý thức.

 

Thiên thần, nếu sống trên trời, là thần linh, nhưng nếu rơi xuống đất, biến thành quỷ. Thiên thần không tỏa ánh sáng nữa, và lửa của thiên thần biến thành núi lửa. Vô thức ở dưới, nổi lên trên, sẽ biến thành ma quỷ, giống như ý thức rơi xuống dưới.

 

Từ con vật thiêng vứt tròng cổ biến thành rồng, từ thiên thần đầy ánh sáng biến thành quỷ. Ở dưới là con bò tận tụy làm việc, lên trên biến thành quái vật. Thiên thần đầy ánh sáng, xuống dưới sẽ thành qủy sứ. Con vật thiêng vứt tròng cổ cũng gây tai họa chẳng kém gì thiên thần biến thành quỷ sứ.

 

Tận đến ngày hôm nay vẫn có người tin, con vật hiền lành vứt tròng cổ khổ sở thế là đủ rồi, đã đến lúc nó cần thay thế vị trí của thiên thần, hãy để thiên thần đi mà kéo cày.

 Đáng lẽ cần chú ý điều này, phải chăng có thể đặt bụng lên vị trí của đầu, đặt óc xuống vị trí của dạ dày, giống như đề nghị cái cây hãy kéo rễ của nó lên khỏi mặt đất và cắm cành xuống đất.

 

 Đặt bụng lên cổ cũng rùng rợn chẳng kém gì đặt óc xuống dạ dày. Nếu ruột biết suy nghĩ để thảo kế hoạch thức ăn, đấy là những tư tưởng của ruột. Giống dấu hiệu thống trị đầu tiên của đám đông là tư tưởng nổi lên đầu tiên của ruột: ưu tiên cái gì là thức ăn, là kinh tế, là dạ dày, là của cải vật chất. Hiện hữu của con rồng chỉ là nhai ngấu nghiến và ngáy khò khò.

 

Nếu không no, nó đi ăn cướp, và hạ gục tất cả ai tới gần. Nó cần nhiên liệu- khẩu hiệu của thời kỳ đám đông: nhiên liệu.

 

Vì óc rơi xuống dưới, chiếm chỗ của ruột, nó cần nổi loạn trong tối tăm, ở vị trí không quen thuộc, chống lại sự tồn tại của nó. Giống như một người có tri thức rơi xuống đáy ngày nay không là gì, khác ngoài một cuộc nổi loạn thuần túy. Bộ óc nổi loạn độc ác không khác gì cái ruột suy nghĩ. Cũng ma quái y như một cái cây rễ hướng lên trên và cành cắm xuống đất. Thiên thần bị tròng ách vào cổ cần phải biến thành quỷ sứ, cũng như con bò rơi vào chiếc ghế thống trị cần biến thành con rồng.

 

 

4

Những lý thuyết Le Bon hoặc sau này MacDougall và Lévy Bruhl công bố đều là những lý thuyết tâm lý học phổ quát.

 

Đám đông và đám đông giữa chúng không có gì khác biệt.

Như nhau, là ai cùng với ai, những nhà ngoại giao đến một cuộc hội nghị, các viện sĩ hàn lâm đến một cuộc họp, các dân biểu ngồi trong nhà quốc hội, trẻ con học cùng một lớp, dân thường đi bỏ phiếu, công nhân công đoàn, nông dân, đám đông trong tòa án hay trong nhà hát.

 

Tại sao đều như nhau?

 

 Bởi trong một nhóm người bất kỳ như thế nào, cái gọi là tri thức con người, tri thức cá nhân đã hình thành, đều giảm sút. Trong đám đông, tri thức cá nhân bị thủ tiêu.

 

Đám đông có một đặc tính hoàn toàn khác, độc lập hoàn toàn với tất cả hành vi của một cá nhân. Chính vì vậy nó là vô thức. Là sự cả tin, dao động, một chiều, lạc hậu, chuyên quyền, tăm tối, u mê, hay thay đổi; đám đông không có tri thức, không có khả năng phán xét, không biết đánh giá, dễ dàng bị chinh phục, và còn dễ dàng bị lừa gạt và dẫn dắt hơn nữa.

 

 Người thông thái nhất rơi vào đám đông cũng từ từ trở nên ngu đần. Bộ óc bị thả lỏng, hoạt động trí óc ngừng lại, tri thức tắt dần, thay vào đó họ bước vào một sự tê liệt phân vân, mờ mịt, hỗn loạn, là những đặc tính đặc trưng cho đám đông. Trí tuệ sáng suốt và tỉnh táo ngủ yên, những bản năng ngự trị con người không kiểm soát được bắt đầu dẫn dắt họ. Và con người bị tan vào đám đông một cách không để lại dấu vết. The group is feeling and acting as one soul- người ta tan vào thành một linh hồn duy nhất trong đám đông.

 

Đám đông không kết án, không suy nghĩ, không yêu, không cố gắng hiểu, mà đám đông sợ hãi, gào rú, ngưỡng mộ, quyến rũ, chinh phục. Nhưng trên tất cả, LeBon nói, đám đông tàn phá.

 

Ông nói thêm: sự nổi dậy của đám đông bao giờ cũng đi kèm kết quả tiêu cực, bởi vậy nhiệm vụ của đám đông là thủ tiêu nền văn hóa.

 

 Đám đông có thể là trạng thái cặn đáy của cá nhân, có thể là trạng thái hậu cá nhân. Hành vi của linh hồn thay đổi: trí tuệ tự thân trở nên u ám. Đến mức, theo Lévy Bruhl con người đánh mất mình, và đồng hóa mình với người khác.

 

 Trong trạng thái tập thể con người tin vào một cái gì đấy, mà bản thân nó không tin, chỉ tin một cách chung chung. Con người không là một thực thể cá nhân, nó đồng hóa nó với một cái gì đấy, bằng quan điểm, bằng cảm xúc, bằng hành động, có thể đồng hóa với một vật gì đấy, hoặc có thể đồng hóa mình với người khác.

 

Hiện tượng này người ta gọi là participation mystique.

 

Cái vô thức, không là một công cụ phân biệt ban đầu cần thiết, cái vô thức này liên tục nhầm lẫn nó với một cái gì hoặc với một ai khác, thể hiện ý kiến  và sống cuộc sống của kẻ khác, bởi vậy ý thức bản thân của nó trôi nổi lộn xộn trong những bản năng mờ mịt.

 

 

 

5

Một số người, như Merezskovszkij, Pannwitz, Rathenau, Keyserling đã viết một cách rất thuyết phục về một hiện tượng, được gọi là cuộc tấn công của sự tàn bạo, hoặc cuộc nổi dậy của đám đông, hoặc cuộc di dân mới, hoặc nạn hồng thủy của linh hồn.

 

Tận đến hôm nay, chưa ai bổ sung quá trình bị chìm nghỉm vào đám đông của  cá nhân có ý thức,  luôn đi kèm với sự nổi dậy của đám đông. Sự song song này không chỉ là khả năng Ngày nay là sự cưỡng bức, bắt buộc người ta phải nhận ra.

Nhân loại trở thành đám đông, ý thức cá nhân yên ngủ, một phần bị dập tắt,  hoạt động vô thức của đám đông thay thế hoạt động có ý thức của cá nhân. Tâm lý đám đông là một quá trình, một sự đột phá hung hãn của sự tàn bạo.

 

 Thay thế vị trí tỉnh táo, tri thức sáng sủa của toàn thể nhân loại là một thứ vô thức mê muội, tối tăm và dao động, thứ không có chút trí tuệ, không biết đánh giá, thứ xử sự như một trò bầu cử, hoặc một phường chèo, hoặc như một đứa trẻ đang đi học.

 

 Toàn bộ nhân loại chuẩn bị tan thành một linh hồn duy nhất, thứ linh hồn nông nổi, lạc hậu, độc đoán, không biết yêu, không biết tư duy, chỉ biết sợ, run rẩy, gào rú, và đặc biệt chỉ thích tiêu diệt, bởi nhiệm vụ của đám đông là tàn phá nền văn hóa.

 

 Con người  rơi vào trạng thái cặn đáy của cá nhân, ý thức riêng về bản thân mình lu mờ dần. Bài học của quá trình này là cá nhân không được bảo vệ như  đám đông. Trình độ học thức, phẩm hàm chức tước, của cải, vị thế, giai cấp, tri thức của con người chỉ là những cái bóng mờ mịt to lớn có thể đạt đến, nhưng không bảo vệ được nó.

 

Mọi khả năng, tài năng, tinh thần, vị trí cao cả từ trước tới nay con người thu được không đủ sức bảo vệ con người khỏi sự chết chìm này. Quả trình mông muội hóa không trừ ai mà tóm lấy, chôn vùi tất cả mọi người. Quá trình này làm nguội tắt tinh thần, hạ thị hiếu đến mức sơ đẳng nhất, từ tôn giáo nó tạo ra mê tín, từ thần linh nó gây dựng thần tượng, thay thế những tư tưởng sáng sủa và tỉnh táo bằng thứ tư tưởng cặn bã hồ đồ và thần tượng rối rắm.

 

 

 

6

Quá trình mông muội  hóa giờ đây cho thấy, nó có thể tấn tới và đạt được những bước đi cơ bản đầu tiên. Là thứ từ trước tới nay mới chỉ là từ ngữ, cho dù lan truyền khắp nơi, ai cũng có thể tiếp cận, được giữ gìn trong các cuốn sách. Những hậu quả và sự cân nhắc lâu dài đã muộn. Trong tình thế ngày nay, để con người khỏi chờ đợi thêm, nó đã chín muồi.

 

 Quá nhiều sách vở đã nói đến con người nguyên thủy, mông muội (primitiv)  nhưng từ khi có nạn di dân từ dưới lên trên, cần đặc biệt chú ý đến khái niệm này.

 Các bộ môn dân tộc học, tâm lý học, khoa học xã hội, khoa học tôn giáo đều nhất trí cho rằng con người nguyên thủy, mông muội là tổ tiên, là nền tảng và là sự bắt đầu của con người văn hóa.

Tổ tiên của chúng ta là những người nguyên thủy (primitiv)là những thú dữ, những kẻ ăn thịt người, sống trong các khu rừng, dùng đá đập vào đầu nhau, cướp bóc đàn bà, những kẻ chưa biết đọc, biết viết, như Jung nói, chúng tôn thờ thần linh bằng cách nhổ vào lòng bàn tay, rồi bôi nước dãi khắp nơi và chỉ cho nhau khi mặt trời mọc.

 

Khoa học và sự hào hứng kiểu Rousseau khi nhắc đến người nguyên thủy đã phát triển tới mức, dù nhắc đến Sophokles, hay Shakespeare, hay nói về bản chất  lời kinh hoặc về sự hy sinh, trước hết bao giờ họ cũng kính cẩn đi tìm hiểu những người Patagon và Papua.

 

 Khi toàn bộ điều này loại trừ thành công  khỏi hình thức của chủ nghĩa thực chứng luận, nó lập tức quay trở lại như một biến thế văn hóa.

 

Khoa học đã nhầm lẫn nguyên thủy(primitiv) với quá trình phát triển( primer), nhầm lẫn sự mọi rợ với cái cổ xưa. Người ta cho rằng, người nguyên thủy là tuổi trẻ, là mức độ đơn giản, là khởi đầu ấu trĩ và chưa chín muồi của con người đã tiến hóa.

 

Một người nào đó đi nghiên cứu về con người đã tiến hóa, việc đầu tiên bao giờ họ cũng nghĩ cần nghiên cứu người nguyên thủy, bởi ở đấy có tất cả mọi khởi điểm. Thế là cả cuộc đời chúng ta bằng lòng đóng khung trong nghiên cứu một làng cổ châu Phi.

 

 Nếu ai đó tìm ra một hiện tượng nào đấy của ngày nay, thế là thành công. Chỉ cần nói: đây là quá trình của sự phát triển thế là tất cả mọi người hiểu bằng cách chắt lọc, phức tạp hóa, nhào nặn, ngụy biện, thêm bớt, hiện tượng đã hoàn thành trong hình dáng của ngày hôm nay một cách nhợt nhạt.

 

 

7

Không thể bào chữa cho khoa học về nhận định ngu ngốc này.

 

 Bởi trước tiên và trên hết, không có ngoại lệ  hiện tượng đời sống của người nguyên thủy thay vì đơn giản, sáng sủa, thực chất, nó bị biến thành phức tạp, mờ nhạt, hỗn độn và không hiện thực.

 

Trong những hiện tượng primitiv, con người không khám phá ra một cách tự nguyện và trực tiếp những thành tố cổ xưa của chính cuộc sống của họ. Người nguyên thủy(primitiv) tuyệt đối không phải là người cổ đại. Cái gọi là thành tố, là cổ xưa, là cái khởi điểm,  là cái bắt đầu, không tìm thấy ở người nguyên thủy, mà tìm thấy ở người đã tiến hóa cao nhất, ở các bậc thiên tài( genius)

 

Điều này tự bản thân nó có thể hiểu được. Khoa học không dám từ bỏ cái định đề sự vật bắt đầu từ dưới, và từ dưới lên trên. Trong điều này có cả chủ nghĩa lãng mạn Rousseau tin tưởng rằng sự bắt đầu của văn hóa là ở trong rừng. Quan điểm này trở nên táo tợn hơn, khi tự nhận đấy là hướng tích cực.

 

Vô ích người ta cho rằng, không phải nhà thờ của thành phố xây dựng lên từ khuôn mẫu làng, người có học thức suy nghĩ và ăn mặc không giống những tập quán nguyên thủy, không phải thành phố thừa hưởng thị hiếu của làng quê, mà ngược lại.  Khoa học vẫn không thể từ bỏ niềm tin cho rằng xuất xứ của sự vật từ dưới lên, để nhìn thấy, những gì đơn giản hơn, rõ ràng hơn, chân thực hơn không phải ở dưới, mà chính là cái ở trên.

 

Kẻ thiên tài gần với cái khởi điểm hơn một anh nông dân hoặc một kẻ mọi rợ.  Từ những hiện tượng cổ xưa, dản dị sáng sủa, con người càng buớc đi xa càng rơi vào sự hỗn loạn, phân vân, phức tạp và đan chéo vào nhau nhiều hơn.

 

 

 

 

8          

Khi Lévy- Bruhl trong cuốn sách nói về người nguyên thủy lần đầu tiên cho rằng tư duy của người nguyên thủy (primitiv) cần gọi là tiền logic, một thứ tư duy đi trước tư duy logic, Durkheim bằng trực giác tuyệt vời đã chống lại điều này.

 

Không thể, Durkheim nói, coi lối tư duy nguyên thủy là tiền đề cho lối tư duy ngày nay. Khoa học, bằng sự cẩn thận vĩ đại đã thừa kế  những lầm lẫn này, và chính phương pháp của khoa học  cản trở khả năng sửa chữa sai lầm về sau này. Bởi khi nhận ra sai lầm, chính phương pháp và sự cẩn thận này lại rơi vào mối quan hệ của những lĩnh vực khác, khiến không thể nào giải quyết được mọi liên hệ và dấu vết của nó.

 

 Từ nguyên lý tư duy tiền logic không biến thành một hệ thống lý thuyết, nhưng dấu vết gián tiếp của nó có thể bắt gặp trong khoa tâm lý học, khoa học tôn giáo, dân tộc học, và trong toàn bộ lĩnh vực các khoa học xã hội.

 

Mallarmé định nghĩa lôgic, là ý thức hài hòa cổ xưa của sự tồn tại. Theo đó, tư duy lôgic đồng nhất với tồn tại hài hòa cổ xưa.

 

 Người ta thường cho rằng lôgic hoàn toàn là công việc của tinh thần, là định luật của lối tư duy theo quy tắc. Mallarmé cho rằng lối tư duy đúng đắn không phải là đặc tính tự thân của tinh thần con người; tinh thần đã nhặt nó ra từ đâu đó.

 

Cái tinh thần khi hoạt động đúng đắn, hay khi hoạt động có lôgic, mang một biểu mẫu: biểu mẫu này là sự hoài hòa của trật tự cổ xưa của vũ trụ. Cái tinh thần luôn luôn nhìn thấy ở đâu đó định luật này, và đọc được từ đó. Từ đâu vậy? Trong trật tự thế giới của thượng đế. Tinh thần không là gì khác, ngoài giác quan con người và tài năng, để nhận biết ra trật tự của vũ trụ.

 

Hệ thống định luật logic là sự xuất hiện của trật tự vũ trụ trong linh hồn con người. Tư duy có logic không phải là thứ tư duy khô khan, trừu tượng, máy móc, ngược với tự nhiên, mà là lối tư duy hòa hợp với trật tự của vũ trụ: đấy là lối tư duy dản dị, hợp lý, tỉnh táo và rõ ràng.

 

Khi khoa học giả thiết, con người thuở hoang sơ không biết suy nghĩ một cách logic, như vậy phải chăng họ không nhận biết sự hài hòa cổ xưa của vũ trụ.

 

 Điều ấy có nghĩa rằng con người thuở hoang sơ không tồn tại trong sự hài hòa cổ xưa với vũ trụ. Đúng là như vậy; chỉ khác một điều kẻ có tư duy phi logic không phải là người cổ đại mà chính là kẻ nguyên thủy, mông muội( primitiv)

 

 

 

9

Kẻ mông muội, nguyên thủy (primitiv) không phải người cổ đại, người rừng không phải cổ đại. Der Urstand des Menschen ist gewib nicht der der Primitivenstufe – trạng thái cổ xưa của con người chắc chắn không phải là primitiv.

 

„ Cái gọi là primitiv là sự đánh dấu một tình huống rơi ngược trở về sự lạc hậu trước thời kỳ phát triển của lịch sử.” Kẻ man rợ không phải con người đầu tiên , mà là một thực thể lạc hậu với thời đại của nó và mắc kẹt lại.

 

 Hiện tượng này” có thể tìm thấy ở giống người Fellah ở Ai cập, người Maja ở Mexiko, và ở nơi khác, những nơi cho thấy sự man rợ không là gì khác ngoài sự tha hóa của linh hồn sau thời khởi điểm”.

 

Con người ở giai đoạn cuối, khi một aion khép lại, ý thức cá nhân bị lu mờ, thay thế vào hoạt động có ý thức của cá nhân là hoạt động vô thức của đám đông. Con người bị rơi vào tâm lý tập thể biến thành đám đông. Nó trở thành mông muội( primitiv) hay nói cách khác bắt đầu thời kỳ thoái hóa linh hồn, rơi ngược trở về sự lạc hậu trước thời kỳ phát triển của lịch sử ( vorgeschichtlicher Spatzustand seelischer Ruckbildung)

 

Con người biến thành đám đông chìm xuống trạng thái quên sạch tư duy logic, sự tính táo sáng sủa có quy tắc, có tri thức. Mối quan hệ với sự hòa hợp cổ xưa của vũ trụ dừng lại. Tinh thần bị suy sụp. Cái trạng thái người ta gọi là tiền logic, nhưng té ra đấy là hậu logic.

 

Quá trình man rợ, mông muội hóa, hay còn gọi là quá trình tập thể hóa nhấn chìm sự tồn tại cá nhân, thay vào đấy là đời sống của đám đông. Sự đánh giá không có, tri thức biến mất, khả năng nhận thức mờ mịt, nhu cầu thị hiếu thấp xuống.Nổi bật lên là sự bực bội, nỗi ghen tị, sự dao động, mê muội, sự nhẹ dạ, nỗi lo sợ không tên, sự tôn thờ và lòng căm thù không lý do, sự mê tín và thờ thần tượng.

 

Con người, kẻ được gọi là mông muội (primitiv) không xuất hiện với thời kỳ đầu tiên của thời gian mà vào thời kỳ cuối cùng của thời gian. Đây là con người hậu lịch sử. Đây không phải là nhân dân, thứ phát triển từ lịch sử, mà là đám đông, thứ bị mắc lại và quật trở lại sau sự diễn ra của một quá trình lịch sử. Sự mông muội là một thứ cặn bã rác rưởi rơi tách ra từ vũ trụ, rồi vón lại thành cục và quay ngược hướng phát triển: đi về phía bóng tối, trượt chệch hướng, và trở thành thứ quái vật lệch lạc.

 

 

 

10

Cái hiện tượng được gọi là sự nổi dậy của đám đông chính là sự nổi dậy của sự vô thức. Bởi vì hiện tượng xảy ra này không ở bên ngoài mà ở bên trong. Và sự nổi dậy của vô thức không là gì khác ngoài sự bắt đầu của một quá trình phát triển ngược.

 

Đám đông ngày nay bắt đầu chìm ngược trở lại sự lạc hậu trước thời kỳ phát triển của lịch sử. Con người biến thành mông muội, ý thức cá nhân ngủ yên, thay thế vị trí của các thần linh là các thần tượng và vật thờ, toàn bộ là những điều man rợ, kinh khủng, kích thích, làm lạc hướng, bành chướng, thay thế cho tư tưởng là hệ thống đẳng cấp, con người không biết tự phân biệt mình với người khác, và đồng nhất mình với những thứ không liên quan gì với mình.

 

Sự đột nhập thẳng thừng của thô bạo là dấu hiệu nhãn tiền của tai họa đang diễn ra trong thế giới linh hồn vô hình: sự thay đổi là ở bên trong,  vô thức giống như biển trào dâng phủ lấy ý thức của con người.

 

Đây là nạn hồng thủy trong số phận con người ngày hôm nay. Nó không chỉ đe dọa. Nó đã tới, và bao trùm lên một bộ phận lớn của nhân loại.  Toàn bộ nhân loại  chìm vào sự mơ hồ cuả vô thức, và chìm xuống sự sống tăm tối của những kẻ man rợ. Một sự man rợ đã văn minh hóa, hay còn gọi là sự thô bạo máy móc hóa. Những đặc điểm bên ngoài của môi trường sống chưa bao giờ có thể cải hóa được vị trí vũ trụ thật sự của con người, và thay đổi nó càng không thể.

 

Các nhà tư tưởng viết về sự thô bạo hóa của nhân loại, tưởng rằng nỗi nguy hiểm này đe dọa tinh thần, văn hóa và con người cao cấp. Nhưng tai họa của vô thức chỉ làm hại con người, nếu bản chất hiện sinh của nó không cao cấp.  Chỉ con người đám đông mới biến thành kẻ dã man và mông muội.

 

 

 

Hamvas Béla
Số lần đọc: 2018
Ngày đăng: 29.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà thơ trong quan niệm của Chế Lan Viên - Trần Hoài Anh
Bàn luận về thơ Tân hình thức - Đỗ Quyên
Từ thầy đến Quân sư - Trần Hạ Tháp
Claude Lévi-Strauss (1908-2009) Với thuyết cơ cấu - Khổng Ðức
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -1 - Nguyễn Ước
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -2 - Nguyễn Ước
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -3 - Nguyễn Ước
Lyotard với chủ nghĩa Hậu Hiện Đại - Khổng Ðức
Mỹ học của Thuyết Giải Cấu Derrida - Khổng Ðức
Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế! - Phạm Toàn