Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
467
115.868.463
 
Thơ Thời Gian – (trích trường ca, chương I )
Đỗ Quyên

Chương I: Thơ

 

I. 1 - Thơ là gì?

 

Sinh một định nghĩa thơ

giao hợp Tàu ta Tây tân cổ

Trình làng

cái của tôi

đệ nhất thơ

trường ca đây

 

I. 2 - Nhà thơ là ai?

 

Người làm những bài được coi là thơ

được thích được ngâm nga được lưu nhắc bình phê

Người làm những bài thơ bằng cái gọi là thi pháp

Người sống bằng hồn thơ chết với lòng thơ

Người tưởng đoán ra điều ngày mai sẽ có

(ngày mai không có sẽ tới ngày có)

Người bón chăm vườn thơ bằng máu thịt của mình

Người nuôi dạy con chữ cái nghĩa lớn khôn ngoan khỏe đẹp

Người làm một việc không tưởng hoặc tưởng là không tưởng

Người soi nến tìm mặt trăng ban ngày gối đầu lên mặt trời mỗi đêm

Người mổ lá cây tìm vàng thả tiền xuống biển

Người đi mãi không hết lòng mình quanh quanh vài khúc

Người không là đàn ông không đàn bà không gay không lesbian không bi

mà mang giới tính theo mỗi câu thơ, bài thơ, thời kỳ thơ

Người không giàu nghèo bậc thang kim tiền mà theo trị giá thời thơ

Người không xấu đẹp trên thẩm mỹ thông tục mà trên nhan sắc trang thơ

Người không tốt tệ trong khuôn viên đạo đức khi

mà hình như đạo đức thi nhân cũng chưa định danh

Người là vô thần ở trần đời và đạo của người là thơ rồi đó

Người có gia đình thông tục mà làm như không có

Người sinh ra thơ và ngược lại -

trong cái gia-đình-thi-ca thì đó là một điều không tường minh!

Người có thể phản tổ quốc, từ người thân, hy sinh danh dự

mà không vậy với thi ca

Người đã là nhà thơ thì chẳng nên là gì nữa

Người không đi mà bay

bằng một cánh từ ngữ - ý tưởng

cảm xúc một cánh

và như thế có khi cánh cụp cánh xòe

Người không biết phân biệt đâu nội dung đâu hình thức trong triết học của mình

Người cần thức uống đồ ăn để sống từ bài thơ vừa xong tới bài thơ kế đó

Người luôn cần tình yêu trước và sau một lần thơ

Người tỏ vẻ không ham tiền khi thơ của mình không trực tiếp biến thành tiền

Người cũng ra vẻ chẳng màng danh tiếng nếu thơ chẳng hóa nên danh tiếng

Người tỏ ra cần bạn thơ như cần đến thơ

và không thủy chung với bạn như chung thủy với thơ

Người ưa thức đêm ham ngủ ngày nhưng thực ra đêm ngày chỉ là chuyện nhỏ

Người (đa phần) thích và biết làm tình

xoàng ra cũng bằng thơ và ít ra cũng bằng đầu môi chót lưỡi

Người cần Tự do tuyệt đối cho thơ và cũng ưa lạm dụng Tự do

Người làm ra cái chưa ai có theo cách chưa ai biết

bằng những thứ đã có với một kiểu riêng

Người ít nhất nên được là một bài thơ của chính mình

và nhiều nhất hãy được là bài thơ của đời

Người không bắt buộc nhà thơ khác làm thơ

Người coi cát phủ mặt đất như sao sa thiên hà như giọt mưa bay giữa trời như lá cây đậu trong rừng già như nhân dáng đi giữa cuộc đời như trái tim đập giữa tình người như nấm mộ nằm nghĩa trang như song sắt vây bọc nhà tù như câu thơ kéo dài bản trường ca

Và cứ thế cứ thế người có thể

 

 

I. 3 - Thơ về thơ

 

Bao nhiêu bài thơ về thơ

Là bao nhiêu thòng lọng

cổ nào cũng vừa

 

Thơ cho thơ

Thủy chung với điều không cần phản bội

 

Một câu thơ nói về thơ

Một cánh én muốn làm mùa xuân

Một cô bé mơ hóa người khổng lồ

Một nấm mồ xin phủ vạn nấm mồ

Một bước chân son toan rải giang hồ

 

Bài thơ về thơ

Bộ trang phục có thể đẹp mà không thể vừa

Thân hình không biết ngừng đổi dạng

 

Bao nhiêu bài thơ về thơ

Bao nhiêu chiến bại

 

Thơ của thơ

Sự thủ dâm vĩ đại lành mạnh

Và lành mạnh vĩ đại

Trong một hạnh phúc đơn

 

Một câu thơ về thơ

Là một hạt sương ngó về bầu trời

Một tia sáng hướng về mặt trời

Một con suối tìm về biển khơi

Một em bé hát về loài người

 

Bài thơ về thơ

Có điều gì dư thừa

Sự lõa thể một người đẹp

 

Thơ về thơ

Có những cái chói trong sự chói lọi

Mắt đời thường có khi cần nhắm lại

Sẽ nhìn ra

 

 

I. 4 - Người làm thơ về thơ

 

Những ai làm thơ về thơ

Mời cả lại đây vui một lần hội thảo

Chủ tọa

            những Joseph Brodsky, Tô Đông Pha

những Chế Lan Viên, Saint John Perse, Czeslaw Milosz

 

Và chủ xị bữa nay

                            Tôi

 

Những ai một lần làm thơ về thơ

Một lần sám hối

Lỗi tại thơ mọi đàng

 

Những ai một lần làm thơ về thơ

Thêm một lần kho tuyên ngôn chất chật

Thêm một lần tăng trọng Nàng Thơ

một lần các vòng eo ngôn ngữ mất

                                                                                               

Những ai một lần làm thơ về thơ

Thoát một lần tự tử

Quay về nhà mình sống phút chót trước chuyến đi sau

Ơi những đứa con hoang đàng chữ nghĩa xa hoa

 

Những ai một lần làm thơ về thơ

Biết một lần cô đơn vượt cạn

Đời trốn biệt trơn trang giấy trắng

Nhà thơ bơi giữa lòng mình

 

Những ai một lần làm thơ về thơ

Hóa thân nhai lại

Rơm vàng thóc vàng cỏ vàng

Nước miếng vàng trong thân vàng trâu

 

Những ai một lần làm thơ về thơ

Tắm thêm một lần một dòng sông

Nước chảy đi bóng hình chảy lại

Bến đò không tuổi cô lái đò buông mái

 

Những ai một lần làm thơ về thơ

Nhặt thêm một vàng lá rụng

Thả về xanh thân cây

 

Những ai một lần làm thơ về thơ

Mỹ nhân ngắm mình

Gương không nói

Nhưng những lời thơ luôn tự hỏi

 

Những ai một lần làm thơ về thơ

Dấu chấm trên chữ “ i “ tô đậm lại

Người tới tô chơi chơi bỏ đi về chữ câu khác

Kẻ ham tô hoài tô hủy - Có một tôi

 

 

I. 5 - Tại sao thơ?

 

Tại đời chưa đủ thương đau

 

Tại sông mãi lượn tại cầu mãi cong

 

Tại em em hết thủy chung

má hồng em nhuốm khăn hồng em phai

 

Tại anh anh chuộng dặm dài

chân nào để nhớ ngày mai thì về

 

Tại câu tại chữ làm mê

văn chương nào buộc ai thề với ai

 

Tại non cao tại sông dài

cao dài ơi có kẻ hoài ngóng trông

 

Tại đời khôn dại dại khôn

 

Tại lòng tôi mớ bòng bong những vòng

 

Tại trời vân cẩu u tường

 

Tại trăng viễn xứ ngăn đường cố quy

 

Tại hương tại khói có khi

nhà người mượn góc khóc về mẹ cha

 

Tại kia hoàn vũ bao la

 

Tại hồn ta nhốt thân ta những ngày

 

Tại đầu ham bốc lửa say

 

Tại bàn chân có cánh bay tới giời

 

Tại người còn ác với người

súng còn có mắt bom rơi sẽ còn

 

Tại ngã ba tại con đường

 

Tại sân ga đã cho nương những lần

 

Tại trang giấy trắng gọi hồn

bao nhiêu câu chữ cùng chôn cũng vừa

 

Tại ta thắt cổ ta chưa

xong rồi đây kiếp sống đùa sống thơ      

 

 

I. 6 -  Thơ, làm thế nào?

 

Ta lại đào bới văn tự Việt (*)

Tìm bản trường ca mới của thi ca Việt hôm nay / của cả thi ca Việt mai sau

Nào ngôn ngữ sâu sâu với tư tưởng cao cao / bên tác giả hồ hởi với bên độc giả hăng say

Ta đào đắp văn thơ Việt cho sâu và dân tộc tính (ới) dân làng thơ trong nước hải ngoại ơi / cho xa và toàn cầu tính (ới) dân làng thơ trong nước hải ngoại ơi

Dân làng thơ trong nước hải ngoại ơi

 

Tranh thủ lúc vợ ta đi xa vắng (và chắc vợ/chồng độc giả cũng đi vắng xa)

Ta lại đào đắp văn tự Việt cho sâu và dân tộc / cho xa và toàn cầu

Ta mỹ từ Việt cho thật ra dáng

Chêm các câu duyên duyên tiếng Anh - Pháp - Bồ - Nga - Hàn - Trung

 

Vài hôm sau từ nền văn học Việt hợp lưu trong nước hải ngoại của ta

Từng trang từng dòng nơi tác phẩm lớn tương xứng với tầm thời đại bằng tiếng quốc tế được dịch ra

Bay đến đập vào mặt bàn văn Ban giám khảo Nobel

Tha hồ vẻ vang đất nước Việt trống đồng làng quê Việt lũy tre xanh

 

Dân làng thơ trong nước hải ngoại ơi (ới) dân làng thơ trong nước hải ngoại ơi

 

 

I. 7 - Các trường hợp riêng

 

I. 7. a- Cái tếu của thi ca

 

@ à này nếu trên bộ ngực thơ của các lão tướng lê đạt trần dần đặng đình hưng dương tường không có các tấm huân chương nhân văn giai phẩm thì các tác phẩm thuộc về dòng chữ ấy sẽ đến với giới thưởng ngoạn ra sao nhỉ tôi treo giải thưởng cõng vòng quanh bờ hồ hoàn kiếm một vòng cho phê bình gia nào từ sao hỏa không biết tứ vị trên là ai mà phân tích cho ngon cho lành bóng chữ (phần lão núi) mùa sạch bến lạ mea culpa đấy thẩm thơ đương đại như bác hảo thì phải nói là hơn bị tẩm nhưng bình thơ cách tân kiểu bác hưng thì nhà em chửa thông lắm ấy là vì bác cả vú dương tường lấp miệng bạn đọc có lẽ tổ con chuồn chuồn nó ở chỗ thế này trong vụ đọc thơ cách tân người ta ngước lên nhòm tên tác giả trước rồi mí cúi xuống lườm tác phẩm chả nói đâu xa cánh mở miệng mà có thành tích cách mạng thơ thẩn gì gì trước đó thì bi giờ thi ca việt đến bỏ mẹ với mở miệng mất thôi hên là đám này trần như trụi trên nhái dưới giễu

 

@ với các nhà thơ bình thường tạm gọi là không cách tân thì không nói làm chi dưng mà với các vị bất thường cách tân hoặc có các bài thơ bất thường cách tân thì chia làm hai loại một là thơ cho người đọc bình thường hai là thơ cho những người làm thơ đọc bóng chữ mùa sạch bến lạ mea culpa á loại hai là cái chắc như đinh thơ đóng cột đời

 

@ xài đỡ thuật ngữ độ dung sai bên làng cơ khí chế tạo máy thì làng thơ ta có thể ca bài kết đoàn chúng ta là sức manh ở chân lý sau đây độ dung sai của một bài thơ cực kỳ cao nói chung là một bài thơ dở thì tác giả là ai nó cũng dở nhưng một bài thơ hay nào đó có thể nó vẫn vĩnh viễn không được biết không được phong danh hiệu hay nếu tác giả của nó vô danh hoặc tiểu tốt vụ này ở thơ khác mí văn xuôi đó à nha

 

@ phan đan là một ví dụ cho mệnh đề nhà thơ dễ bị thời đại mà đúng ra là các phê bình gia và độc giả của thời đại rê qua mặt đối xử tệ bạc mặc dù thi ca là một sáng tạo nghệ thuật ít phụ thuộc thời gian nhứt tôi lại thách một nhà phê bình văn học cổ nào đó dám phê bình ca tụng một bài thơ cổ nào đó mình mới tìm ra và cảm thấy nó hay không thua gì một bài thơ của khiêm của trãi hay của quát của hương đấy trong các trò chơi mỹ học có nhẽ thơ là thằng cha bất định hơn cả rồi sau chắc là mẹ đĩ hội họa điêu khắc gì gì đó

 

@ đừng lầm tính bất định ở một bài thơ với vấn đề riêng của một nhà thơ nào đó bác này mà có sáng tác tầm kích về phẩm cũng như về lượng nhưng đeo số con bọ cạp thì ắt thiên tài trong túi càn khôn thiên hạ lâu ngày cũng phải tòi ra

 

@ dân phê bình à đa phần là ích kỷ và độc đoán văn phiệt thấy mồ cứ đè thơ ra mà bình vì mục đích tham vọng nào đó vô tình hay hữu ý nên hoặc là nhà thơ chết hoặc là nhà phê bình chết còn bài thơ thì sống dở chết dở thương nhất là ở các vị giàu học thuật nghèo tình thương thơ cứ cắm cổ gò lưng đẩy thơ theo con đường chỉ lo cái cỗ xe của mình mà quên rằng nàng thơ vốn tinh nhạy mong manh đỏng đảnh khó tính khó chiều khóc cạn nước mắt rồi tắc tử trong cỗ xe phê bình thành ra nhiều bài phê bình làm nấm mồ chôn nhà thơ nhiều nhà phê bình làm kẻ đào mồ chôn nhà thơ còn bài thơ rồi cả thi ca thì làm sao chôn nổi cứ đạp mồ sống dậy sau mỗi cái chết lâm sàng

 

 

I. 7. b- Ba lớp tường văn đàn Việt đương đại

 

 

cái tếu nầy bự quá khổ

như vú bà triệu ẩu xưa

thảy qua nơi riêng phẫu thuật

cho vừa size thời bi giờ

 

số là vấn đề cộng sản

chủ nghĩa từ đời tới văn

nửa thế kỷ nay dân mình

vấp hoài vẫn chưa thấy tởn

 

thì dân hải ngoại bi giờ

nhá văn miền bắc thấy khó

cục sạn ghê răng thấy mồ

là vụ chánh em chánh trị

 

rào cản nầy quả kiên cố

nhưng nó rành rành thanh thiên

đã căm kộng xản thì đến

tết công gô đọc hổng vô

 

biết vậy dưng mà cứ đọc

khỏi cần nhấp nhí cái duyên

cái xấu ông đè ông hiếp

ghét người ghét cả văn luôn

 

hai là hàng rào về ngôn

ngữ ngôn từ văn học

vụ này tinh tế tinh vi

dễ chi mà nhòm ra được

 

văn chương là của giời cho

chữ nghĩa thì do đất tặng

xã hội chủ nghĩa hóa ngôn

từ trên từng con chữ nhỏ

 

tới các tư duy to to

mất đi thiên tính địa tính

mang cơ chế tính bó gò

ngôn ngữ tư duy thành thử

 

đã nghèo lại còn thêm khô

văn tự phải sao vô tư

khỏi cần qua cầu suy đoán

trần dần ổng đã đoan quyết

 

mưa rơi khỏi cần phiên dịch

để thoát virus xã hội

ngôn ngữ tư duy khô nghèo

nhà văn có số may mắn

 

dòng máu dị ứng mang theo

bằng không phải ráng phải gồng

câu chữ của mình cho khỏe

đuổi con virus ra ngoài

 

mỗi khi nghiêng lòng ngả bút

hoàng cầm lê đạt nhất là

tô hoài văn tài thượng thặng

dzậy mà ngôn ngữ tư duy

 

chửa ra khỏi vòng cơ chế

thằng người xã hội nhấp nhô

trong mỗi áng văn ánh chữ

so mí hoài thanh nguyễn đình

 

thi thì khác nhau khác hẳn

với hai trự sau đâu là

văn ruột đâu văn lưỡi gỗ

chân diện mục nhận liền ra

 

tô hoài đại ca có nhẽ

là ca khó hiểu to đùng

văn như hút hồn thiên hạ

mà hồn ai hiểu nông sâu

 

này thêm nhiều ca tài văn

kích cỡ còn chưa ổn cố

riêng vụ tư duy ngôn ngữ

như là không bị dính vô

 

này nguyễn việt hà kia nguyễn

viện rồi nguyễn bình phương rồi

nguyễn quang thiều rồi lý đợi

inrasara rồi phạm xuân nguyên

 

so mí bộ tứ thành danh

(thiệp hoài hương ninh) trước họ

được giời cho chữ nhiều hơn

văn rơi chẳng lo di dịch

 

còn cái hàng rào thứ ba

gọi tên ra là cảm xúc 

thằng cu này khó trị nhứt

so mí chính trị ngữ ngôn

 

cảm xúc văn chương phe khác

đòi độ thẩm ngữ nghĩa sâu

và sắc để mà còn bóc

lớp vỏ đầu lớp vỏ sau

 

không thì bẩm sinh có chất

chủ nghĩa xã hội trong mình

thế còn văn chương miền nam

và con là dòng hải ngoại

 

đứa trong xó đứa rìa lề

chuyện dài nhân dân tự vệ

hẹn tới đại trường ca sau

mõ làng lại ra hầu chuyện

 

đó bức tường thành bá lanh

văn đàn an nam đương đại

 

 

I. 7. c- Về Mở Miệng

 

 

 

‘Khởi thủy là Lời’ - Chúa duy ngôn đáo để

Duy thực không đâu như dân mình

Đầu lưỡi nào có phải ‘Hao a iu?’

‘Bác ăn cơm chưa?’ là câu chào chính hiệu Việt

 

Nhà văn An Nam nay sương sướng rồi (chó không thể sánh so)

Câu sửa mình ‘Học ăn, học nói, học gói, học mở’ đã chuyển sang giai đoạn nhị

Khỏi lo ‘Học ăn’ văn là chuyện to ăn là chuyện nhỏ

Thế hệ a còng thèm nói rồi quá khứ lặng câm ơi!

 

Bè lũ bốn tên này dấu ấn thiên tài âm mưu trong từng mẫu tự con con

Một là Lý Bạch (Đợi chờ gì đâu biết mộng văn hùng của chú bọ không mần thinh mãi được)

Hai Nguyễn Duy từng rằng ‘Tớ không Yêu nữa thì thành Nguyễn Du’ vậy ta có quyền suy ra Khúc Duy cũng thừa tài hành ngôn kiểu ấy

Ba dòng nhà Bùi bắn ca nông từ Giáng sẽ tới liền ngay Chát

Bốn Nguyễn Quán họ thần Siêu tên thánh Quát đọc trại đi chứ gì

 

Mà thôi luật thi nhân Đông phương

Luận thi tài bất cần soi tên tuổi

Hay như thần đồng (điếu cày) Khoa đã nói

‘Anh cứ chiềng thơ ra đi!’

 

Phản thi ca anti-poetry

Thể nghiệm hết cỡ

Tự xuất bản samizdat nơi cửa tiệm photocopy chốn web

Cần chính danh ư tên Giấy Vụn đây nè

Chủ nghĩa đạo văn plagiarism

Làm mới phá thể cách tân cách mạng

Ngôn từ đời thường trần trụi thùi lụi

Tu từ thực chăm phần chăm

Thi pháp parody giễu nhại nhại văn nhại thơ nhại một tác giả nhại một bài thơ

Yếu tố cửng nứng tàn bạo là tục khắp bốn vùng chiến thuật pha độ tiếu báng nhạo

Logo: chưa thấy xì ra

Motto: ‘Chúng tôi không làm thơ’(Ngôn nội ý ngoại: ‘Chúng tôi chỉ mở miệng thôi mà thơ nó văng miểng theo chớ bộ!’)

 

Việc làm thơ như thế nào mới là chuyện lớn

bài thơ hay dở như thế nào là chuyện không lớn

Người ta biết mình làm thơ như thế nào càng là chuyện lớn

người ta khen chê thơ mình như thế nào càng là chuyện không lớn

 

Đọc Mở Miệng hồi hộp làm sao

Lòng thơ bạn đọc cổ hủ hệt như Kiều mới mất trinh sắp phó mình cho Sở Khanh bốn chú

 

Mở Miệng ngon quá rùi Mở Miệng ơi Mở Miệng

Từ Thơ Mới tới giờ chửa có nhóm thơ nào mầm thành quả một phát ăn ngay

Các cụ Nhân Văn - Giai Phẩm mở miệng ở hai số báo thì mùa thu lá bay bèn ngậm miệng (nghèo có xu sứt nào để mà được ăn tiền đâu mà được ăn cái hoạn nạn thì có) Trần quân vay tiền còi bạn văn, Phùng quân câu cá trộm, Nguyễn quân nhai thịt cóc vận nội lực cách tân để Mở Mắt Mở Tim

Có kẻ nói rằng cánh Nhân Văn - Giai Phẩm như rồng đến khi về trần thì chả thấy chất rồng của họ đâu

Đúng là lưỡi không thơ nhiều đường thô thiển nghe thì đau nhưng cũng ra vấn đề ảo ảo thực thực của văn nhân

Khổng Tử dạy ‘văn tâm điêu long’ Nguyễn Đình Thi diễn ngôn rồng chỉ là hình tượng chớ hổng ai thấy mặt mũi nó ra răng nhưng người thơ thì khắc hình tượng đẹp đó nơi con tim

Văn học trên căn bản là ẩn hiện kiểu là bồng bềnh song le tác giả không nên hèn đớn nương trong đám mây giời che (không tính đám bỉ văn náu trong mây nhân tạo càng không chấp tụi nhục văn lẩn trong mây tự tạo)

Chả thế thềm kỷ nguyên mới Lý-Bùi-Khúc-Nguyễn mở toang miệng ra cho thiên hạ thấy trong trỏng có những gì

 

Phỏng vấn tưởng tượng Mở Miệng của Đỗ (Quyên thôi hổng phải Phủ đâu mà sợ!)

Đề nghị bác Lý trưởng cứ cho làng mình mở tiếp ráng mở cho đúng chỗ đúng lỗ là miệng nha?

Tụi này biết mà nhưng cứ mở lộn cúc quần cúc áo phẹc mơ tua chơi cho các ông già các bà goá các cô trẻ tá hỏa tam tinh

Trước khi mở đã uốn lưỡi thơ đủ 7 lần?

Chả sao nhầm là chuyện nhỏ thơ là toán đâu mà chính xác từng dòng

Đã đánh răng thơ nạo lưỡi thơ?

Chậc hơi thơ nào phải nước hoa mà thơm tho lại nữa đây là hơi từ miệng ắt có mùi riêng tư chứ bộ

Cứ mở hoài vậy có mỏi thơ hông?

Hỏi chi mà hèn rứa mần cách mạng thơ như mần tình non-stop nỏ biết mỏi là mô nỏ biết mệt là chi

Khi nào khép miệng hay cứ dzậy mà mở đến khi (thơ) chết?

Cái anh lày ninh tinh hỏi vớ va vớ vẩn Mở Miệng Mở Miệng nữa Mở Miệng mãi!

 

Trong chiếu tự gio ngôn nuận, tự ro suất bản, tự ro hội hè thì vụ làng ta Mở Miệng cho thấy cái mật Khương Duy to bằng quả trứng gà công nghiệp của bốn trự

Tại chiếu kách mệnh trong Nghệ Thuật (viết hoa viết đúng chánh tã đàng hoàng nha hổng là Nghệ Thọt) Mở Miệng đang ở giai đoạn quá độ thiên hạ mới chỉ thấy răng cùng lưỡi và ngửi được hơi lòng phèo

Trong khi Nghệ Thuật của Mở-Miệng-chân-chính là Lời

Nghệ Thuật chân chính - hổng phải chân phụ chân ăn theo, chân hai bên chớ hổng phải chân giữa - xét đến cuối cùng là Mở Tim (Tâm) Mở Mắt (Tài)

Miệng là chuyện nhỏ là chuyện ăn chuyện nói

Chỉ ở các xứ đói ăn thèm nói mới trọng chuyện nói chuyện ăn

Mắt

Tim

Chuyện lớn chuyện vẻ chuyện văn

 

Sắp sang giai đoạn tam tứ Học gói Học mở chưa nào?

 

Chúc may cho tứ nhân bang Lý-Bùi-Khúc-Nguyễn

Có làm được một bộ tứ Đinh-Lý-Trần-Lê trong thiên thi sử Việt không thì bảo!

 

 

I. 7. d- Về bài thơ Mea culpa của Dương Tường

 

Vẫn có thể đọc bằng mắt thường một bài thơ dị thường tới độ phi thường

Nghĩa, âm và hình của các con chữ sắm vai son phấn cho một cơ thể đẹp

Cái âm điệu nhịp độ kia dìu Mea culpa tới đỉnh thơ như 3 vạn 8 ngàn bài thơ hay ở kiểu bình thường

Tác giả đong đưa đỏng đảnh vi phân chữ vi phân âm tích phân ngôn ngữ theo chiều năng nghĩa trên mặt chữ nhìn nghiêng

Người mẫu Mea culpa ý thức được vẻ đẹp có bảng hiệu Dương Tường nên mặc sức đánh mắt cởi áo ngẩy mông thò ngực trên sàn chơi ngôn ngữ

Cá rằng B40 Trần Mạnh Hảo cũng không nỡ nhả đạn vào những vần thơ đẹp như từng có của từ ngữ tư duy Việt:

 

Tình thật

tôi năng giặt lòng mình như

đàn bà tháng tội giặt trăng

Buồng trắng vắng tôi nhớ

mênh

mông

cái ghế góa từ buổi chưa chồng

(Ai vỗ về hòn đá khóc?)’

 

Lỗi tại tôi mọi đàng

Viết lại nạo đi dăm ba ý

Nhả câu thơ về dạng đẹp thường thường

 

‘tươi nguyên một nhành sương

đêm quà sinh nhật

Khối Đau Trái Đất

bắt đầu

từ một tiếng ve sầu’

 

Bài thơ hay là ở cái dáng hình cái tình ý

Các mông má trang điểm khác có thể A không hiểu B chưa cảm mà cả từ A tới Z cũng chẳng thể mong toan phủ sóng hết lòng mình

 

Thơ ca hậu hiện đại sẽ xấu xí trong ánh đèn dầu soi lên mỗi dòng, chữ

 

 

 

 

 

I. 7. e- Điểm nhanh về lục bát

 

Không đọc nổi câu lục bát thứ ba, Nguyễn Quốc Chánh?

Yêu lục bát đến thế mà lại bảo không

Chỉ đọc cho ra hai câu là đã ăn nằm hết cả thân thể lục bát

Câu thứ ba rồi tư, năm…

thứ 3254 trong Kiều là đám chút chít chắt cháu con

 

Nguyễn Tuân có ý coi lục bát như giấy thông hành qua cửa thơ Việt Nam?

 

Mười bốn chữ sáu tám trắc bằng là một chu kỳ

Chu kỳ ngôn ngữ

Chu kỳ suy tư

Chu kỳ tâm lý

Chu kỳ sinh học

Người tộc Việt da vàng mũi thấp chân vòng kiềng đầu gối củ lạc bàn chân xòe bám đất lưng dài nói nhanh đi chậm hay cười yêu thơ

Chuyển dịch trong chu kỳ lục bát

                                                    Cả những gì không thơ

Nếu vậy thì nét duyên duyên cong vòng ẩn hiện cơ thể thi ca Việt

Quá riêng tư để chia sẻ chốn đại đồng

 

Vòng lục bát còn xoắn chúng ta đến bao giờ? - Không ai biết

 

Chỉ các nữ tiếp viên hàng không Việt Nam là biết mình trong chiếc áo dài làm người bay giữa vũ trụ ra sao

 

Và Trần Dần chắc biết ông có chu kỳ thơ Việt riêng đầu tiên phi lục bát?

 

 

 

(Trích trường ca Thơ Thời Gian)

Melbourne, 5/2005 – 3/2006; Tu chỉnh: Vancouver, 11/2009

ĐỖ QUYÊN

 

 

Chú thích:

*) Nhái bài Đào Công Sự của Nguyễn Đức Toàn - một bài ca thời máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Tôi vô tình thuộc nó ngay trong lần tới nhà ông chú ruột chơi với khoảng thời gian vừa bằng Chương trình dạy bài hát mới của Đài Truyền thanh Hà Nội, 40 năm có lẻ! Nhớ lại, tất sai sót; chắc mọi người và tác giả bài hát sẽ tha lỗi. Những người cần được xin lỗi là các bạn thời nay và các bạn cùng trang lứa không sống ở miền Bắc, khó mà biết giai điệu bài hát.

 

‘Ta lại đào công sự

Cho trận chiến đấu ngày mai / còn dài

Nào tay cuốc với tay mai / bên gái với bên trai

Ta đào mau (ới) dân làng ơi / nhanh (ới) dân làng ơi

Dân làng ơi

 

Tranh thủ lúc trời chưa sáng

Ta lại đào cho mau / nhanh

Ta lèn cho thật chắc

Cắm thêm cả cành ngụy trang

 

Nay mai pháo của ta

Nòng vươn cao (ấy) trên trận địa

Bắn vào đầu quân xâm lược Mỹ

Bảo vệ đất nước làng quê

Dân làng ơi (ới) dân làng ơi.’

 

 

 

0-0

 

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 2497
Ngày đăng: 01.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chào tháng chạp - Từ Hoài Tấn
Bài tình cho S V - Trương Phước Lai
Cuối năm thăm mộ bạn - Trần Ngọc Tuấn
Ma núi một mình - Hồ Minh Tâm
Mùa chuyển - Nguyễn Trung Bình
Requiem - Anna Akhmatova
Thơ Quang Hoài - Quang Hòai
Xi nhan - Linh
Thơ ba bài Ngô Nhân Đức - Ngô Nhân Đức
Ngày của những bóng ma - Nguyễn Tấn Cứ
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)