Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
428
116.592.017
 
Đắng & Ngọt – Hương Vị Cuộc Đời.
Trần Hữu Dũng

Đắng & Ngọt là tập thơ của nhà văn Trang Thế Hy, mới ra lò vào tháng 12 năm 2009 do NXB Thanh Niên ấn hành. Tập thơ dầy 88 trang, gồm 12 bài thơ sáng tác, do nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn dịch sang tiếng Anh, và 11 bài thơ do ông dịch thơ R. Tagore trích từ tập thơ Giỏ Trái Cây, bản tiếng Pháp do NXB Nouvelle revue francaise, in năm 1921 tại Paris.

 

Thơ Trang Thế Hy giàu tính triết lý nhân sinh, mênh mang nghĩa đời, tình quê hương.

 

CHÀNG thấy NÀNG đẹp rồi chàng mới yêu,

Anh thì ngược lại,

anh yêu em trước rồi sau đó mới biết rằng em đẹp"

Lời nói dối ngược ngạo luật phản xạ của anh chồng

làm ửng hồng đôi má cô vợ trẻ.

(Lời nói dối nhân ái)

 

Ở bài thơ Tấm vé số và những thiên đường có sẵn, ông chỉ muốn tìm thấy một tình yêu khiêm nhường, nhỏ nhoi, thế mà cũng không có được :

 

Muốn xây tổ ấm khiêm nhường nơi mặt bằng

cuộc sống,

cho nên chàng không nhảy, chỉ bò thôi.

Nàng quen nhìn lên, không bao giờ nhìn xuống,

làm sao thấy được chàng

trong số những người bò ?

 

Từ lâu nhiều người biết đến bài nhạc Quán bên đường do nhạc sĩ Phạm Duy soạn nhạc, phổ thơ của tác giả khuyết danh (Vô danh thị). Đó chính là bài thơ Đắng & Ngọt (Cuộc Đời) của Trang Thế Hy cũng chính là tiêu  đề tập thơ nầy. Do lúc đó ông đã vào chiến khu hoạt động cách mạng nên nhạc sĩ Phạm Duy phải ghi tác giả bài thơ là Vô danh thị.

 

Ông viết : “…Vậy là tờ Vui Sống số 9 năm 1959 đến tay bạn đọc với bài thơ Cuộc Đời (nhan đề do Bình Nguyên Lộc chọn). Ký tên Minh Phẩm (một bút danh khác của Trang Thế Hy).

Nay Trang Thế Hy ưng bụng với cái tên của quyển sách để tiếp thu niềm cảm thông đồng điệu của người biên tập bây giờ và gửi vào cõi vĩnh hằng vài giọt ngậm ngùi thương nhớ người bạn hiền Bình Nguyên Lộc năm xưa”.

 

Nghệ thuật là gì em muốn biết

-          Mùi tanh nói mùi thơm,

-          Cây bút cầm tay: cần câu cơm.

Đó, em ơi! Nghệ thuật:

Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật.

Rồi đôi ta nhìn nhau

Không ai đánh mà nghe đau

(Cuộc đời)

 

Ông từng viết những dòng tâm sự : "Tôi đang động tâm, động não để nhìn cho thấu bốn chữ 'văn chương vô mệnh' mà thi hào Nguyễn Du viết trong bài thơ chữ Hán Độc Tiểu Thanh Ký (Văn chương vô mệnh lụy phần). Trong cơn lốc toàn cầu hóa nầy, liệu văn chương, vốn không có mệnh đã tự tạo cho mình được một cái mệnh hay chưa ? Suy nghĩ đầu tiên là : nếu có, e rằng nó cũng mỏng chứ không dày”.

 

Một tác giả thành danh từ lâu cả văn, thơ, vào tuổi hoàng hôn mới ra tập thơ đầu tay, dẫu muộn màng nhưng những dòng thơ cứ như mạch ngầm cuồn cuộn chảy làm xao xuyến, bàng hoàng tâm hồn bạn đọc./.

 

Trích Thơ Trang Thế Hy trong tập Đắng & Ngọt.

 

Dấu răng

 

Miếng bánh mang dấu răng NÀNG  nằm buồn hiu

và khô queo trên mặt dĩa đầy xác kiến.

NÀNG đã từng cắn CHÀNG và CHÀNG biết răng

NÀNG không có độc.

 

Vậy cớ sao dấu răng NÀNG trên miếng bánh bị bỏ

quên lại tiêm vào tâm hồn CHÀNG một giọt nọc

không bao giờ tan của nỗi đau tuyệt ngọt?

 

 

Lời dạy của mẹ về thời gian và văn minh

 

Đứa trẻ thơ ôm cổ ông nội, hôn lên đôi má

nhăn nheo, lởm chởm râu.

Ra đường mẹ hỏi: “Con và ông nội nói nhỏ gì với nhau?”

“Ông nội nói miệng con thơm bánh sữa,

con nói râu ông nội hôi thuốc rê”.

Mẹ dạy: “Có một thời ông nội cũng thơm bánh sữa

như con hôm nay đó là món quà thời gian tặng

ông nội cách đây bảy mươi năm.”

“Thời gian như trẻ con hả mẹ;

Vui thì cho, giận thì đòi lại?”

“Thời gian không có trái tim để thương giận,

Không có trí nhớ để đòi nợ

Năm hai ngàn bảy mươi, con sẽ hôi thuốc rê

như ông nội bây giờ còn mùi thơm bánh sữa

con trả lại cho thời gian hồi nào con không nhớ”

“Như vậy buồn quá mẹ!”

“Không có gì phải buồn; chừng đó đứa cháu nội

của con – văn minh hơn con hôm nay – Không nói

ông nội hôi thuốc rê mà nói ông nội thơm

mùi thơm của tuổi cao.”

 

 

Định lí và định lí

 

Nỗi nhớ nhung

từ trái tim

chảy tràn xuống trang giấy thành thơ.

 

Nàng ngỡ đó là định lí, nên thích lưu đày chàng

thật lâu trong cõi nhớ để gặt được nhiều thơ

nói về nàng.

 

Trong một lần nhờ đói bụng mà thẩm thấu được

cái đẹp tranh Cézanne. Hemingway áng chừng

rằng những bức họa tuyệt vời ấy được vẽ

trong lúc Cézanne đang đói bụng.

 

Sự áng chừng của Hemingway, nếu được nâng lên

thành định lí, thì đó là thứ định lí dao hai lưỡi:

một cơn đói ngắn hạn vì si mê nghệ thuật,

quên ăn có khi là cô đỡ giúp một thiên tài đẻ ra tuyệt tác.

 

Còn sự đói bụng kéo dài quá lâu của số đông

người nghèo khổ chỉ đẻ ra nhà giam để nhốt

người phạm pháp mà thôi./.

Trần Hữu Dũng
Số lần đọc: 2796
Ngày đăng: 05.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xuân Thao, thơ và người - Phạm Ngọc Lư
Sơ lược về tác phẩm Thơ đến từ đâu - Khánh Phương
Nguyễn Tam Phù Sa với tập truyện Nơi chim cu ưa gáy - Huỳnh Minh Tâm
Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ - Đặng Thân
Quang Hoài và sự hiện diện tập thơ thứ sáu - Dương Kiều Minh
Ám Ảnh Đêm trong Thơ Ly Hoàng Ly - Trần Hoài Anh
Môt thóang Quang Hoài - Trần Ðăng Khoa
Nét Bình Dân Trong Thơ Bùi Giáng - Nguyễn Thành Giang
Nhà Thơ Trần Hùng và Đôi Cánh Trập Trùng của Ước Vọng - Dương Kiều Minh
Đọc “Refresh cuộc đời” của Phan Thế Hải để hiểu không chỉ một cuộc đời - Phương Giang
Cùng một tác giả
An Giang (thơ)
Du hành (thơ)
Mưa (thơ)