Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
760
116.611.820
 
Nửa nghìn năm trầm tích
Văn Thành Lê

Ai qua phố Hội chùa Cầu

Để thương, để nhớ, để sầu cho ai?

Để sầu cho khách vãng lai

Để thương, để nhớ cho ai chịu sầu.

Câu ca xoắn vào lòng người như một cái níu áo quan họ “Người ơi người ở đừng về”. Ai một lần ghé qua Hội An mà không bị cái nét quyến rũ đến ngẩn ngơ lòng của đất và người nơi xứ sở đầy ắp những đền đài cổ kính này làm cho nhớ mong, hoài niệm? Đâu đó trên những con đường nhỏ nhắn của “khu phố bỏ túi”(1) này, biết bao dấu chân cùng với tấm lòng còn để lại, phương Đông lẫn phương Tây, đối đầu lẫn đối thoại, cái này chồng lên cái kia làm thành một vỉa quặng hồi quang cổ tích. Biết làm sao được, khi thời gian cứ lặng lẽ ngày từng ngày xanh rêu thêm nét phố, thản nhiên bóc dần đi vẻ nguyên sơ một thuở, còn con người thì nối nhau những thế hệ trẻ dần, dấu xưa liệu có còn vọng lại đâu đó một nỗi niềm hoài cổ?

Đất mô thanh bằng đất Hội An

Có lẽ người Hội An khó mà quên được “Ông cụ sử học” họ Trần với mái tóc mây lùa dắt díu học trò Bắc có, Trung có, tha thẩn khắp đường chiều Hoài Phố để đi tìm trầm tích nửa nghìn năm của đô thị cổ nhất miền Trung này. Con người đã từng lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm của mảnh đất hình chữ S để lật lên các bí ẩn trong lòng đất ấy đã dừng bước sững sờ trước “một bảo tàng ngoài trời và trong nhà sống động”(2). Các nhà văn hóa, các nghệ sĩ... đã từng ít nhiều trải cảm xúc của mình về đất và người Hội An lên tác phẩm nghệ thuật. Đến lượt mình, họ Trần - với phong thái của một nhà khoa học đầy trải nghiệm - không chỉ biết đào xới đất đá mà còn mải mê đi tìm một “Tâm hồn Hội An”, một “Phong cách Hội An” ẩn tàng đâu đó trong nhịp sống đời thường.

Đất mô thanh bằng đất Hội An

Chỗ mô vui bằng chỗ Phố, chỗ Hàn.

Hai con sông Thu Bồn và Trường Giang, một ngang một dọc suốt theo các chiều kích của miền đất Quảng Nam, làm nên cảng thị Hội An với những phố ven sông, ven biển, bên cạnh khu phố miền đồng bằng. Sự giao thoa của 3 miền môi trường sinh thái – nhân văn ấy là một sự thanh lọc không ngừng giữa đất và nước, nó kéo trôi mọi vẩn đục và bồi đắp những phù sa, làm nên nét “thanh” cho đất Phố. Từ lúc nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Antonio De Faira lần đầu tiên nói đến vùng đất Faifo xứ Cochichine (1535) cho đến khi cố đạo người Pháp Alexandre de Rhodes đến Hội An để nghiên cứu hình thành chữ viết người Việt (1635), toàn cảnh bức tranh kinh tế – văn hóa – xã hội của cảng thị xứ Đàng Trong này đã có những thay đổi vượt bậc. Phố xá sầm uất, hàng hóa no đầy, trên bến họp chợ, dưới sông đông thuyền. Cùng với cách buôn bán, người Trung Quốc (1567) rồi người Nhật (1593) từ phương Bắc xuống, người Pháp, người Hà Lan, người Tây Ban Nha... từ phương Tây sang, mang các nền văn hóa bản địa một dọc một ngang đến Hội An, làm nên một cuộc giao lưu Đông Tây kỳ vĩ. Cái cảng thị bé nhỏ ấy phút chốc trở nên chật chội :

Hội An đất hẹp người đông

Nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu.

Không chỉ là hội tụ điểm của nhiều nguồn đến, cái cảng thị lá bông đủ màu ấy còn là xuất phát điểm của nhiều nguồn đi.

Qua con đường thông thương mua bán, người Hoa mang đến sách báo, tư liệu, giúp sĩ tử không chỉ riêng vùng đất Quảng Nam mà cả xứ Đàng Trong có điều kiện học tập, trở thành các nhà khoa bảng. Khi Nho học đi đến thoái trào, vào buổi bình minh của Tây học, Hội An đã sớm có trường học với cấp học cao nhất tỉnh Quảng Nam. Nhiều người con ưu tú của Phố Hội đã dâng hiến cả nhân cách và tài năng của mình cho sự nghiệp kiến tạo đất nước trù phú và cường thịnh, làm rạng danh con dân đất Quảng. Phật giáo và Thiên Chúa giáo đồng hành cùng Nho giáo, để lại dấu ấn văn hóa tâm linh lên cả cấu trúc vật thể lẫn phi vật thể. Trong một thời gian dài, tư tưởng văn hóa Phật giáo đã ảnh hưởng không ít đến cách hành xử, giao tiếp của người dân nơi này trong tiến trình hình thành một “Tâm hồn Hội An”, một “Phong cách Hội An”. Không chỉ khách nước ngoài, mà ngay cả khách trong nước cũng đều nhìn nhận người Hội An có một nếp sống rất riêng, không lẫn vào đâu được.

Trong tiến trình phát triển và dần dần định hình văn hóa, Hội An tự khẳng định mình bằng một bộ môn nghệ thuật giàu chất diễn cảm: âm nhạc. “Miền Trung và riêng vùng Hội An, Đà Nẵng, một nhóm nhạc sĩ đồng thời xuất hiện, đem ra một phong khí nhạc đẹp sáng, gợn gió trùng dương như những bài Xuân và tuổi trẻ (La Hối), Mùa đông binh sĩ, Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu), Trai đất Việt (Dương Minh Ninh), Trên sông Hương (Nguyễn Văn Thương...). Sau đó còn có Ngọc Trai, tác giả Nhắn người chiến sĩ, Bến Hàn giang, Nhạc sĩ với giấc mơ”. Đọc đoạn trích từ bài “Thời tiền chiến trong tân nhạc (1938-1945)” của nhạc sĩ Lê Thương đăng trên tạp chí Văn học - số Kỷ niệm đệ cửu chu niên 1970, người “vùng Hội An, Đà Nẵng” không khỏi tự hào về những đóng góp của các nhạc sĩ xứ mình vào buổi bình minh hình thành nền nhạc mới của dân tộc. Tất cả họ, dù đến nay đã có kẻ còn người mất, nhưng vẫn mãi được công chúng mọi thời đại dành một chỗ đứng trân trọng trong trái tim.

Hội An nguyên vẹn nỗi tương tư

“Tôi theo cha vào thăm phố Hội An, về, viết được một bài “Cửa Đại”, vậy mà đã gần nửa thể kỷ rồi. Vậy mà Hội An vẫn còn nguyên vẹn như xưa, bất chấp bom đạn hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ”. Tác giả “Vang bóng một thời” đã viết như thế sau lần đến Hội An vào tháng 2-1985. Khi người ta yêu một ai đó, cái sự “nguyên vẹn như xưa” của người mình yêu sau những tháng năm xa cách khiến ta càng yêu say, yêu đắm. Đó không chỉ là tâm trạng của riêng Nguyễn Tuân, mà là của tất cả những ai đã có lần trót bị Hội An mê hoặc mà đem lòng tương tư nó. Trong lớp vỉa trầm tích nửa nghìn năm làm nên các tầng văn hóa cho khu phố cổ này, đã tìm thấy nhiều trái tim từ mọi nơi đến tự nguyện nhận lấy nỗi đau dịu dàng ấy để kết tinh nên một bản sắc văn hóa rất riêng cho nó.

Trong một thời gian dài, khu phố cổ Hội An đắm chìm trong giấc ngủ triền miên, lặng lẽ. Thế rồi, ngày nọ, có một “chàng hoàng tử” từ phương xa đến, kính cẩn nghiêng mình đặt một nụ hôn sùng bái lên di sản vô giá ấy, đánh thức “nàng công chúa” ra khỏi giấc ngủ nửa nghìn năm. Hoàng tử ấy có tên là Kazimierz Kwiakowski, một kiến trúc sư người Ba Lan mà bạn bè gọi thân mật là Kazik, còn người dân Hội An thì gọi là “Thầy Lang”, tên một nhân vật trong bộ phim nổi tiếng cùng tên của điện ảnh Ba Lan một thời. Con người này đã bỏ ra 17 năm miệt mài với tháp đền Mỹ Sơn, chùa miếu Hội An và lăng tẩm cố đô Huế để - bằng tâm lực và trí tuệ của mình - tìm cách trả lại những giá trị đích thực mà các di sản vô giá của nhân loại này xứng đáng được hưởng. Kazik đã bị Hội An mê hoặc, đã tương tư Hội An; còn người dân Hội An thì - qua lời cảnh báo của Kazik - đã nhận ra rằng mình đang nắm giữ cả một kho báu trong tay. Ngày “công chúa” Hội An đăng quang thành “Di sản văn hóa thế giới”, bên cạnh niềm hân hoan tràn ngập phố phường hôm ấy, người Hội An còn trân trọng dành một niềm tri ân tưởng nhớ về “hoàng tử” Kazik – Thầy Lang của họ.

Nếu có ai đó cất công đi tìm định hình cho cái tinh túy làm nên một “chất” Hội An khiến cho những người có duyên nợ với nơi này như chàng Kazik du lãng ấy “cầm lòng không đậu” thì cũng chỉ là vô vọng, bởi không thể lấy cái hữu hạn để đo lường cái vô hạn. Có thể là bóng áo the thấp thoáng mái rêu, tiếng guốc mộc đi về phố cổ. Có thể là tiếng rao quà đêm âm vang suốt từ thượng chùa Cầu đến hạ Âm Bổn. Có thể là bóng đèn lồng cổ tích hay câu hò khoan nhuộm sắc màu dân gian vào những đêm phố cổ... Như cây trầm, cây quế, nửa nghìn năm lặng lẽ đi qua miền đất này đã tích hợp nên một hương sắc riêng không lẫn vào đâu được, để mỗi khi có ai đó dù có hững hờ chạm đến, cũng phải bâng khuâng một niềm riêng khôn dứt:

Hội An không là Quê

Mà là Hương, khổ thế

Quên Quê! Ai có thể

Hương ư? Ôi dễ gì (3)

Trong rất nhiều tấm lòng tha thiết với “Hương” ấy, người ta nhận ra một tấm lòng đã chôn chặt với đất và người Hội An bằng những hình bóng một thời và mãi mãi. Trong lòng nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân, mảnh đất này còn là “Quê” với những mảng ký ức một thời đã hiện thân bằng xương bằng thịt trên hình ảnh. Một Hội An từ đầu những năm 30, cách ăn mặc của người Hội An hơn nửa thế kỷ trước... tất cả đã kết tinh thành một “Hương” trong muôn nghìn “Hương” khác làm nên nỗi tương tư cho hàng triệu con người.

Với cuộc chuyển giao Thiên niên kỷ

Ngước nhìn nửa nghìn năm trước, người Hội An hôm nay có quyền tự hào về đất Hội An. Là một trong những đô thị lớn đầu tiên trên đường mở cõi về phương Nam của dân tộc, Hội An vẫn còn lưu giữ vẻ nguyên sơ của phong cách kiến trúc Việt – Trung – Nhật cùng với một “tầng văn hóa” đủ để các thế hệ hôm nay kính cẩn làm cuộc chuyển giao thế kỷ - thiên niên kỷ. Con tàu đất nước đang tăng tốc tiến vào thế kỷ mới với khúc tráng ca bốn nghìn năm, trong đó có niềm tự hào và nỗi lo của người Phố Hội. Tất cả họ – những người con của phố cổ hiện sinh sống tại quê nhà và trên khắp thế giới, đều hướng về Đất Mẹ với nguyện ước mãi mãi được tôn vinh nét đẹp truyền thống quê hương mình trước những đổi thay đến chóng mặt của tiến bộ thời hiện đại.

Lễ hội đón chào Thiên niên kỷ mới ở phố cổ Hội An đã dậy đèn lồng, âm nhạc và vòng tay. Hơn tháng sau, đoàn làm phim “Người Mỹ thầm lặng” của điện ảnh Uc đến tái hiện cảnh sinh hoạt Hội An vào những năm 50 để chuẩn bị ghi hình. Cuối tháng 2-2001, Hội An chính thức đón nhận Giải thưởng “Dự án kiệt xuất về việc hợp tác bảo tồn di sản văn hóa thế giới” do Tổ chức văn hóa – khoa học – giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao tặng. Lễ hội Trăng rằm Phố Cổ nhân Tết Trung thu vừa qua đánh dấu một nối kết cùng phát triển của 3 vùng đất du lịch Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam... Vậy là, khu phố cổ đã mở đầu thiên niên kỷ mới bằng hàng loạt các sự kiện mang tính biên niên sử trọng đại. Như cha ông ta vẫn thường nói, đầu xuôi đuôi lọt, những trầm tích nửa nghìn năm trước đã tỏa hào quang lên vùng đất từ thượng chùa Cầu đến hạ Âm Bổn, thúc giục con người nơi này hăm hở tiến bước vào thiên kỷ mới bằng cả tâm hồn và sự sống để các thế hệ mai hậu còn có được niềm tự hào trong nhiều nghìn năm nữa...n

Cuối năm 2001



(1) Une ville de poche – chữ dùng của Thế Lữ khi đến Hội An vào năm 1946.

(2) Giáo sư Trần Quốc Vượng – Tổng quát về khu phố cổ Hội An (Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, ngày 24-7-1985)

(3) Trích từ “Quê hương”, thơ Chế Lan Viên

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 2007
Ngày đăng: 08.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bí mật tiếng chiêng Phước Kiều - Văn Thành Lê
Hoa cỏ dại - Nguyễn Chính
Khúc tráng ca mù u - Văn Thành Lê
Ông Sáu Bia - Nguyễn Chính
“Thầy rắn” Lương Y NGUYỄN TIẾN HÒA - Phan Đức Nam
Cảm Bút từ Yên Phú Cổ Tự - Vũ Ngọc Tiến
Những cánh chuồn trên biển - Trần Kim Sơn
Ăn bẩn - Trần Huy Thuận
Hội An và bài học vỡ lòng của tôi - Nguyễn Trung Bình
Lầu Đất: Di dân được mới nói bảo tồn. - Giản Tư Hải