Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
579
116.492.264
 
Phố người
Mang Viên Long

Thời gian ghi tên xác nhận có mặt cho tới lúc được gọi ra phi cơ bận này tương đối nhanh so với những bận trước: 2 giờ 10 phút. Lộ trình của chuyến bay 428 được loan báo sẽ đáp xuống Pleiku, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang. Cầm cái lệnh di chuyển trong tay, tôi nghĩ, quả thực đó là một cái bùa. Từ lúc có được giấy phép đặc biệt dành cho kẻ quanh năm không hề nghĩ tới việc trở về, dù trở về một chốn nào đó rất thoáng qua; cho tới khi nắm được lệnh di chuyển, tôi mới có thể tin là tôi trở về đúng hẹn với người đã chết, và một hai người còn sống đang chờ đợi tôi như chờ đợi con én, cánh hoa để mùa Xuân thực sự được trông thấy. Một con chim én, một cánh hoa nở không làm nên mùa Xuân nhưng vắng tôi có lẽ ngôi mộ sẽ đìu hiu với cỏ cây hoang dại, chị Phụng sẽ than vắn thở dài dàu dàu buồn bã, và tiếp theo là Châu sẽ bấm đốt tay mà lo lắng, âu sầu. Một mình tôi, thân tôi, không bằng một con én nhưng đời sống tôi hình như, đã từ lâu, là đời sống còn lại của những người đã mất. Là niềm tin của những người đã chết, còn lại. Và là  đời sống thiết tha quấn quít của chị Phụng lẻ loi, của Châu phiền muộn. Tôi sống,  tôi trở về cho những gắn bó keo sơn đó bởi đã lâu, tôi thường cho tôi không bằng một con chim, một cánh hoa. Chim thì ngàn đời líu lo núi ngàn đồng nội, còn hoa thì hương ngát một đời. Thử nhìn kỹ lại, có phải chúng ta không hề có những  thứ đó?

 

Lúc sắp hàng để lên phi cơ, tôi nhìn lại một lần nữa tấm giấy di chuyển, nơi đến của tôi được ghi rõ là Nha Trang, tôi biết được đó là cái trạm chót trước khi tàu trở lại Saigon. Tuy vậy khi ngồi yên vào ghế, buộc dây thắt lưng, tôi cũng thấy vơi đi nỗi bồn chồn lo lắng cũ; vì, dù sao, trong nội ngày nay tôi cũng sẽ rời được Saigon. Trong nội ngày nay mình sẽ nằm tại Nha Trang với Hoài một đêm la cà, thức suốt sáng bên ngàn chuyện tâm sự vặt vãnh nhưng vô vàn nồng nàn như những ước mơ mong được gặp gỡ của mười mấy tháng trời ròng rã mịt mù, thắt thỏm. Mong cho chuyến bay đừng giở chứng chuyển hướng, hay nằm ì lại một trạm nào không phải là nơi đến đã ghi rành rành trong lệnh di chuyển. Cái ì ạch, trục trặc được gọi chung là “lý do kỹ thuật” của Air-kaki đã nổi tiếng và làm cho hành khách sợ. Đã có lần tôi bị rét cóng ở Chu Lai một đêm, tối hôm sau lại bị vất xuống Cam Ranh, rời rã tìm nơi tá túc, mờ sáng đón xe đò đi Quy Nhơn, bước chân tới cửa nhà chị Phụng đã quẳng xắc xuống đất nằm dài lên phảng, kêu tay chân rũ riệt tê mỏi; trên một chuyến bay năm nào. Sống đợ, đi nhờ thì đành phải chịu chứ biết sao ?. Tới Nha Trang là tới Quy Nhơn, cũng như thấy được Hoài là gặp được Châu. Ở Hoài, tôi tìm thấy được thực nhiều an ủi êm dịu với một tình bạn được thắt chặt bằng nhiều nỗi cảm thông sâu kín. Từ những thấu hiểu chia sẻ, tôi thấy Hoài quả là người còn lại cho đời tôi nương tựa. Vì thế, Hoài bao giờ cũng ở quanh quẩn bên những câu chuyện của tôi, của Châu, của chị Phụng cho dù hắn có dong ruổi lang thang ở một phương trời nào tăm tối, của một tên lính đã năm lần bảy lượt vào nằm ở quân lao. Có một điều trái ngược là Hoài thật khác với đứa em hiện đang dạy học phè phỡn phất phơ: Hoài nồng nhiệt và can đảm, còn Nghi thì ơ thờ và nhút nhát. Mỗi câu nói thoát ra ở cửa miệng Nghi bao giờ cũng lỏng lẻo, nhạt nhẽo, hờ hững, chậm chạp. Hắn thờ ơ như lòng dạ mình đối với kẻ khác. Và lạnh lùng như cái tính tự phụ của hắn. Đã có lần tôi nghĩ, nếu vậy, làm sao hắn có thể tán được nhiều gái ? Có lẽ nào con gái dạo này lại dễ dàng nghe theo những câu tán tỉnh kiêu căng của hắn đến vậy? Mầm hy vọng và sức sống tin tưởng mãnh liệt bao giờ cũng trỗi dậy từ những cảnh đời lao đao, lận đận như Hoài. Còn thì mọi bả xa hoa sung túc đều làm thui chột hết mọi niềm tin, phấn đấu nơi con người. Dĩ nhiên là tôi chẳng bao giờ lại gần gũi với những kẻ chỉ để làm nản và buồn lòng mình như vậy.

 

Tôi nghĩ thế và càng thấy thương cho Hoài, biết yêu quí tình bằng hữu hơn. Trèo lên xe buýt Thuận Thành chỉ bốn giờ đồng hồ là xe đã xuôi xuống đèo Cù Mông, gọi xe dừng lại ở ngã ba Phú Tài đi tiếp đoạn đường cuối ra Đập Đá bằng xe lam, xe Châu Thành hay xe buýt đỏ là đã nói chuyện được với chị Phụng. Là đã được nằm dài lên tấm phảng mát rượi bóng loáng mà nhìn từng nụ cười chiu chắt, nghe từng lời hỏi thăm vồn vã đằm thắm của chị dành cho thằng em phiêu bạt, lãng đãng trở về tợ bóng mây bềnh bồng nhớ khung trời cũ. Bốn giờ ngồi nhìn lại từng chặng đường đèo sương phủ mạch suối mờ ẩn khuất xa xăm để nao nức nhớ Châu trên những chuyến xe đò tìm kiếm năm trước. Bốn giờ ngồi trông lại từng cánh rừng già cháy trụi phơi đá trắng đá đen cỏ cây âu sầu vàng võ còn lại với hai câu thơ Hoài đã một phút xúc cảm đọc lên cho tôi nghe ngày nào hai đứa còn đeo theo sau chuyến xe đò về muộn để thấy mình càng lẻ loi, ngơ ngác. (Tôi còn nhớ rõ hai câu thơ này: Thôi rừng đã hết màu tươi/ Thôi người cũng hết lòng vui với đời). Bốn giờ ngồi trên xe đếm từng cánh rừng dừa bị ảnh hưởng thuốc khai quang èo uột, khô héo; từng cánh đồng không cô quạnh cỏ mọc phủ bờ còm cõi gian nan như những bóng người như bóng vật lam lũ thấp thoáng ở bìa rừng, trong nương rẫy. Bốn giờ ngồi hút thuốc, bốn giờ ngủ gật cho qua mấy chục cái bót gác chỉ đặt ra để hạch sách, làm tiền xe cộ hơn là để kiểm soát lưu thông. Bốn giờ tỉnh ngủ khỏe khoắn nói chuyện cà kê với những ông già, chị đàn bà ngồi cạnh để thấy cái xao xuyến được quen dần với quê nhà mà mong cho chóng tới chân đèo Cù Mông yêu dấu…

Tàu chếnh cánh bay trên những lũng đồi, rừng núi, nhà cửa san sát nằm thoai thoải giữa khoảng bao la tươi mượt của một màu xanh Cao nguyên đậm đà, nhỏ bé, quyến rủ. Tôi nhìn lên mặt đồng hồ: Hơn một giờ bay. Tôi nhìn vào ô kính tàu: Pleiku phía dưới. Pliku của những sớm mai mùa hè sương mù lạnh buốt, những trận mưa mục đất não lòng ào ạt mênh mông, những ngày mỏi mệt rời rã lười biếng nằm hoài trong chăn chờ đợi từng giấc ngủ trễ nãi, phờ phạc. Pleiku kín mít núi đồi rừng cây hoang tịch lặng lờ những tháng ngày bị cô lập đường bộ bị đặt mìn, đụng độ suốt ngày dưới chân đèo An Khê, trên lưng chừng đèo Man Giang heo hút. Pleiku của sáu năm trước lúc chị Phụng còn lặn lội theo chồng ngày mới làm đám cưới đi hết, sống hết từng vùng núi rừng độc địa hiểm nghèo xa lạ trở về với bệnh sốt rét rừng vàng võ tựa hồ chiếc lá rừng khô. Pleiku của năm năm sau này tôi và Hoài bị nhốt vào bót cảnh sát bị trục xuất khỏi thành phố trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ như một tội nhân nguy hiểm bởi những bồng bột của tuổi trẻ ham dong ruổi đây đó để lãng tránh cái không khí hỗn loạn mà không có được tấm giấy phép. Pleiku không còn bóng dáng chị Phụng, không còn bước chân Hoài nên Pleiku vô cùng cách biệt trở nên xa lạ trong mắt tôi …

 

Tàu đáp xuống phi đạo, chạy vào sân, tiếng máy nổ rền vang dội một góc trời tĩnh mịch. Cửa tàu mở: khoảng sân đáp rộng, trống trải, tràn ngập ánh nắng mai. Ánh nắng rực rỡ, trong mới, yên lặng một cách êm đềm trên những đồn trại, rừng cây, khiến tôi nghĩ Pleiku ồn ào biến động của một thời ngày đêm bị pháo kích, đạn bom nổ ì ầm chấn động nhà cửa trong cánh rừng kề cận thành phố.. Pleiku được trả lại với núi đồi rừng cây trơ vơ hoang dã của miền Cao nguyên thầm lặng âm u. Tôi giúp bồng đưa nhỏ trạc ba bốn tuổi con của chị đàn bà ở miệt trong lặn lội ra thăm chồng, xuống tàu. Nhìn thằng bé lăng quăng, ngơ ngác chạy theo chân mẹ vào trạm, tôi bỗng nhớ tới Châu. Nhớ tới một đứa con mơ ước. Nhớ tới những toan tính thắc thỏm trong lòng để cố dứt bỏ mọi hệ lụy oan khiên mà cùng Châu đằm thắm bên nhau với những đứa con như những ước mơ canh cánh nơi lòng. Nếu tôi cưới Châu (lại cũng bắt đầu bằng cái giả thiết mơ hồ, buồn bã này) thì thằng con đầu lòng của tôi cũng xấp xỉ bằng thằng bé kia rồi còn gì? Năm năm, thời gian quá đủ cho cuộc tình mặn nồng có thêm một đứa con bồng bế. Năm năm đã qua, qua chậm chạp, qua từng đêm, qua từng giờ, qua từng cơn hốt hoảng ray rức; nhưng đứa con tình nghĩa ái ân vẫn chưa chào đời, vẫn chưa cất tiêng khóc cho người cha phiền muộn, người mẹ cô đơn đỡ thấy sự có mặt của mình là một tai ương của đất, trời lãnh đạm. Em yêu dấu, con yêu dấu… dù con vắng bóng cạnh cuộc đời phiền nhiễu của cha, nhưng hình bóng con vẫn hoài hoài ngời sáng trong mơ ước đêm ngày của cha tựa cánh phượng hồng của ấu thời mơ mộng. Em yêu quí, anh không còn lời lẽ nào để diễn tả hết nỗi thương nhớ em, và niềm mơ ước về một đứa con mà chúng ta vẫn hằng mong đợi. Em hãy giữ vững lòng tin yêu cũ, bởi vì, chỉ có tấm lòng thủy chung son sắt đó mới còn lại sau những thù hận đổi dời này. Em yêu quí, anh đã quyết định: Mùa xuân này chúng ta sẽ có một đứa con…”.Tôi nhìn dõi theo bóng thằng bé lẽo đẽo theo mẹ ngược xuôi thăm cha, mà nhớ thương Châu da diết. Tôi nghĩ, Hoài nói có lý: “Mày phải nhớ rằng, trong bất kỳ cuộc tình nào cũng có cái khó khăn. Càng sống như tụi mình, càng gặp nhiều oan trái. Mày có bao giờ chịu được như lũ thằng Nam, thằng Phùng, thằng Thọ chui vào rọ gia đình, xem tình yêu như một đổi chát không? Nếu không, mày phải hãnh diện là đã yêu Châu, và được nàng đáp lại. Những liên hệ bên ngoài, ở ngoài tình yêu là những điều tạm thời, và giả trá cần được dứt bỏ.. “Những liên hệ phía ngoài, ở ngoài tình yêu là những điều tạm thời, và giả trá cần được dứt bỏ”, liệu tôi có thể dứt bỏ hẳn một dòng họ bà con thấp thoáng sau lưng tôi không? Chính nỗi im lặng riêng rẽ khép kín nơi chị Phụng đã làm tôi bàng hoàng, phân vân nhiều hơn. “Chị Phụng à, nếu chị đã nói ngày đêm nguyện cầu Má phù hộ cho em hạnh phúc, thì việc của em yêu Châu đã là một nguồn hạnh phúc gần gũi mà chị đã nguyện cầu được. Chị hãy vui, vì nhìn thấy lũ em yêu thương nhau. Những lo ngại e dè của chị, em đã biết, nhưng không hề gì. Rồi mọi xôn xao sẽ qua đi, và chỉ còn tình yêu thương ở lại. Châu là một người con gái đáng yêu quí và cần được chị yêu thương che chở trong lúc nàng đang bơ vơ”.

 

Châu đã khóc, chỉ biết khóc, có lúc tôi nghĩ, trời sinh nàng ra để khóc sao đó. Và toàn thân nàng, như được kết tụ lại bằng những giọt nước mắt trong suốt và nồng nàn. Nhìn những giọt nước mắt Châu tuôn nhanh, vội vã, như bao phiền muộn đã ứ đọng tràn đầy, tôi đã thấy được rằng, quanh tôi, chung quanh chúng tôi, tất cả thực, tàn nhẫn: Tôi thấy tôi lẻ loi, cô độc hơn bao giờ khi nhìn thấy nàng khóc. Tôi lạc lõng và yếu đuối trong những giọt nước mắt của Châu. Sống giữa cõi tăm tối của những phi lý được nhìn nhận cho đời người, con người quả thực là khổ sở và cô độc. Đời sống bấp bênh hiện thời lại có quá nhiều nỗi rối reng như vậy nên những lời lẽ lý tưởng của Hoài thường vẫn bị lãng quên, và đôi khi bị coi là điên rồ. Cuộc đời với những ân oán của đất trời mờ mịt chưa đủ để dày vò đày ải con người hay sao? Sao lại bày thêm những oán cừu thù nghịch ngay với những đứa bé thơ ngây, những người hiền từ giản di như đồng ruộng, nương rẫy, những người con gái như Châu suốt đời chỉ mơ một đứa con tình nghĩa để hy vọng ? “Châu thương nhớ, đã năm lần, năm mùa xuân qua trên ngôi mộ mẹ chúng ta đã van xin, khẩn nguyện. em đã khóc thật bùi mỗi bận anh trở về tảo mộ, và buổi sáng đầu năm lặng lẽ cùng nhau đi thăm. Nước mắt chúng ta đã chảy thắm nấm cỏ xanh trên đầu ngôi mộ, nhưng lời nguyền ước xưa vẫn tàn lụi, hư ảo, như khói hương đốt cháy. Cỏ bây giờ chắc đã mọc đầy nấm mộ hoang liêu ấy, nhưng giấc mơ sao không xanh thêm tiếng khóc trẻ thơ trong lòng chúng ta keo sơn, gắn bó ?”

Tôi nhớ một chuyến trở về, muộn màng ghé Châu, giục  nàng cùng đi tảo mộ. Ngôi mộ đó, trước mặt chúng tôi, không là một nấm đất cỏ mọc tiêu điều, mà là cả một mạch nguồn an ủi vô tận, êm ái. Vâng, chỉ có người chết (Ôi, người mẹ hiền từ, chung thủy) mới cảm thông, xoa dịu được nhiều nỗi buồn đau, khổ ải của chúng tôi mà thôi. Người chết thì bao giờ cũng khoan dung, nhân ái. Phải, chỉ có người mẹ mới biết thương yêu con, như suối nguồn lênh láng mênh mang. “Em không được một người thân nào của anh thương yêu hết lòng cả. Mẹ sẽ yêu thương em và anh hết lòng. Nếu không có mẹ, chắc em khổ sở lắm. đúng vậy, tới chừng nào mẹ bảo không yêu quí em, lúc đó em mới thực là đáng buồn. Nhưng mẹ có bao giờ nói thế đâu? Vâng, mẹ đã chết từ mười chín năm nay rồi”.

Tôi dẫy gần xong ngôi mộ thì mặt trời chui ra khỏi những đám mây rời rạc, mỏng manh , chiếu ánh nắng nóng bức, ngột ngạt. Châu che nón lên đầu tôi, đầu nàng đội nắng . Tôi dừng tay cuốc, nhìn Châu, cười . Tôi lấy chiếc nón đội hẳn lên đầu, rồi bảo nàng vào ngồi dưới bụi tre đợi. Ôi, con chim non hiền hậu bên khóm tre già.

 

Tôi cúi xuống chia hai thẻ nhang cắm xuống đầu ngôi mộ. Châu đứng lặng nhìn tôi sững sờ. Hình như trong nỗi im lặng thênh thang kia, nàng cũng đang thì thầm cầu nguyện. Những lời lẽ cũng im vắng sâu thẳm trong tận cùng lòng dạ và trí óc. Tôi đọc được những điều đó trên nét đờ đẫn, rưng rưng, thoáng một chút chua xót, bơ phờ. Châu đã đến đứng thế vào chỗ của tôi, hai tay chắp lại để giữa ngực, những ngón tay dài âu yếm, ngón áp út bàn tay trái sáng ánh chiếc nhẫn đính hôn (ôi, một cuộc đính hôn thầm lặng, nhưng ngọt ngào gắn bó biết bao) của tôi gởi tặng hai năm trước (ôi, chiếc nhẫn tình nghĩa gối chăn chưa một lần được nồng đậm) mái tóc đổ lòa xòa xuống khuôn mặt, đôi môi mắp máy chợt khóc, hai giòng nước mắt lặng lẽ chảy xuống trủng má. Đợt khói của hai khóm nhang bay vơ vất, lãng đãng phía dưới. Tôi chợt nhận ra đôi chân nàng run rẩy. Hình như gió lạnh?

 

Người lính ở phía dưới bậc thang sừng sộ giục tôi trở vào tàu, mặc dù phi hành đoàn chưa có ai trở lại. Tôi rời rã lui vào, nhoài người qua dãy ghế giữa, chui vào ngồi ở một góc tàu. Người lính nhớn nhác nhìn một vòng các hàng ghế đầy ắp hành khách rồi thảy xắc vào chỗ trống cạnh tôi. (chỗ của người đàn bà và đứa con đã xuống). Gã móc túi lấy thuốc châm hút. Nhìn bộ tịch, cũng biết gã đã sung sướng đến dường nào. Có lẽ đã năm lần bảy lượt đón tàu, giờ gã mới thực sự nghĩ tới phút nghỉ phép mơ mộng ? Đốt xong điếu thuốc, rít một hơi dài nhìn tiếp một vòng đám hành khách bơ phờ lặng lẽ, gã nhảy qua hàng ghế, ngồi vắt chân lên những sợi dây buộc của hàng ghế trước. Thỉnh thoảng có tiếng thở dài mỏi mệt của vài hành khách. Đôi lúc, những tiếng thở dài cam chịu, ngao ngán này không nén giữ được những chờ chực bực bội, vuột ra với những câu nói cộc lốc, tục tĩu. Tôi đã nhắm mắt, mở mắt tới mấy bận, vẫn không thấy bóng một người nào của phi hành đoàn. Tôi cố nhắm mắt lại, giằn cơn giận mơ hồ. Tôi tự nhủ, hãy ngủ đi một lát, thế nào nội trong ngày này cũng tới Nha Trang, sẽ gặp Hoài đang chờ đợi đâu đó trên đường về nhà. Và, tôi nhắm mắt cố dỗ một giấc ngủ tình cờ.

 

Tôi mở mắt ngớ ngẩn như có tiếng ai gọi thì thầm: Đám hành khách vẫn ngồi rủ riệt, chờ đợi. Lãng đãng trong lòng tàu khói thuốc bốc lên mờ mờ. Tôi nhìn thấy gã lính ngồi cạnh cúi đầu lên trang thơ của cuộc tuần báo, khói thuốc phì phà liên tiếp. Tôi bắt đầu nhìn gã kỹ hơn lần gã sừng sộ tôi: Gã hãy còn rất trẻ, dáng dấp của một thư sinh, tóc tai bờm sờm. Gã mải mê đọc những bài thơ của một trang thơ đăng dày đặc. Trông gã ngồi đọc thơ, đoán biết gã hâm mộ thơ văn một cây. Tôi tò mò ngồi ngay ngắn, nhìn vào trang thơ gã đang đọc dở. Cái nhan đề của bài thơ đầu đăng ở phía ngoài: Xuân Ly Loạn, ở dưới có ghi, thương trao về người em áo trắng xứ dừa xanh, thi văn đoàn Dấu Chân; tôi ngầm đoán chắc gã đọc Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Mới, hay Phụ Nữ Tân Tiến gì đây. Tôi lại nghĩ tiếp cắm trại một trăm phần trăm, ứng chiến một trăm phần trăm làm cho những mong mỏi quay về sum họp cũng một trăm phần trăm tan tành, mây khói; mà được tấm giấy phép đặc biệt ân huệ cho một chuyến ra đi trong những ngày kề cận cuối năm quả thực đáng được để ngồi hút thuốc, đọc thơ phụ nữ như gã lắm. Tôi lại hối tiếc bởi tôi không được hưởng những giây phút mơ mộng đó, với một tập báo phụ nữ cất sẵn trong xắc như gã. Tôi chợt chú ý tới hơi thở nóng bừng, yếu đuối, gấp gáp của tôi: cơn sốt chắc đã bắt đầu kéo tới hành hạ ? Đôi mắt tôi trĩu nặng, nóng hực, cay xót quá rồi. Cái váng vất xây xẩm dấy lên mỗi lúc một dữ, tôi nghe yếu lã hẳn trong người. Khi tôi nhắm mắt lại, tôi vẫn giữ được hình ảnh gã đăm chiêu mơ màng trên những bài thơ. Hình ảnh này khiến tôi nghĩ, ít ra, thơ thẩn cũng có ích. Có ích như lúc này chẳng hạng. Những lợi ích quá nhỏ, đến như thừa thãi kiểu cách như cái dáng ngồi gác chân vễnh lên, miệng ngậm xéo một điếu thuốc Salem, của gã lính ngồi cạnh. Thơ văn và đời sống hình như hai con đường sắt song song, ít khi được gặp gỡ chung một ga xép nào của con đường đời muôn trạm. Nó cũng có thể ví như một con tàu chạy hờ hửng bên ngoài cuộc đời oan trái, dâu bể. Người ta nghe, thấy, nhận sự có mặt của nó như một hiện hữu tất nhiên êm đềm, nhưng có mấy ai đã nhảy qua ngồi hẳn với con tàu thênh thang, nồng nàn, êm ái kia ? Chính tôi, ngay tôi, đã có nhiều nỗi bực tức vu vơ nào đó về gã lính ngồi cạnh, vì những bài thơ nọ. Hay tôi đã quá mỏi mệt, thất vọng rồi chăng ? Tôi dang hai tay bấu vào những sợi dây chằng ghế, cố dằn một cơn buồn nôn. Và, tôi chập chờn đi vào một giấc ngủ mê thấy mình đang lủi thủi trên một khúc đường Pasteur cạnh công viên có vài cặp nhân tình ôm nhau quấn quít. Những cặp tình nhân trông tựa đôi chim lẫn trốn, co ro,….

 

Như vậy là tôi đã kẹt lại ở Saigon đúng năm ngày và một buổi chiều. Năm ngày và một buổi chiều ở Nha Trang, Hoài mặc sức mà đợi, ở quê nhà, Châu mặc sức mà thờ thẫn mong  ngóng. Năm ngày và một buổi chiều tôi đã lang thang đi giữa phố phường hoa lệ mà ngỡ như đi giữa đồng không. Năm ngày và một buổi chiều lên xe lam, xuống xe lam, đi tới đi lui những ngã đường quen thuộc đến mỏi nhừ đôi chân, chui vào một quán ăn tệ mạt nhất thủ đô trong con hẻm cạnh đường Bùi Viện của một bà già thất nghiệp mở quán ăn bình dân ngay trong tiệm may của con gái mình. Năm ngày và một buổi chiều rầu rĩ trong từng cơn nóng sốt trên căn gác ván ọp ẹp nhện giăng lù mù ánh đèn tròn của một người bà con xa lắc. Năm ngày và một buổi chiều: Thời gian cực hình ở giữa muôn ngàn âm động nhức buốt, ở cạnh những vồ vập đổi chác trắng trợn, ở trong nỗi lạc lõng phũ phàng của những kẻ xa lạ, khốn khó. Đời sống bịt bùng như những ô cửa cao kín cổng; hối hả lo âu như dãy xe nối đuôi chờ tắt đèn màu đỏ; chật vật hả hê bên những quán tối có điếm lớn điếm nhỏ o bế với những chai bia, ly rượu…. Quả thực khi đi giữa Saigon không có mặt trời, tôi mới thấy quí góc trời yên vắng trên vòm tre quê kiểng. Tôi yêu lạ lùng mãnh trời trong khu vườn sai hoa trái của mẹ con Châu. Tôi nhớ quá đổi những khung trời hoang dã thênh thang trong những lần di quân, hành quân trong ký ức. Bầu trời cao rộng sáng ngời bao trùm tâm hồn tôi từ những ngày kháng chiến tuổi nhỏ. Từ đó, tôi vẫn thường bị những bầu trời cao, sáng, trong, và nhuốm thêm một chút đìu hiu quyến rủ, vỗ về. Giá cho tôi sống mãi trong Saigon với những tiện nghi, chắc tôi sẽ không thể chịu được khi phải rời bỏ hẳn trời xanh, mây trắng, gió lộng, núi ngàn, chim chóc, đồng ruộng của những vùng rực rỡ ánh nắng đam mê và mơ mộng. Tôi rời Saigon trong một buổi sáng sớm khi cây lá, nhà cửa, công viên, chợ búa, trụ điện Saigon còn ngủ mê, mỏi mệt. Buổi sáng có gió thực lạnh, có mưa thực hiền, có đèn đường thực vàng, và có lòng tôi thực thanh thản, êm dịu. Chào Saigòn. Tôi chào Saigòn như chào một đứa con gái một đêm chung chăn gối. Saigon đã bao lần đến, bao lần đi nhưng Saigon vẫn là khuôn mặt của những cô gái trong những quán tối lúc nào cũng sẵn sàng o bế, chịu đựng, và dửng dưng. Có ai lại quá ngây thơ để quyến luyến, đau xót khi rời xa một người con gái trong dãy quán bên khu Dân sinh, hay ngã tư Nancy ? Dù lòng có mở rộng bao la, nhưng tình cảm kia cũng sẽ bị coi như là một điều thừa thãi, vô ích. Vô ích như cây cầu bắt ngang qua ngã tư chợ Bến Thành. Khi xe của chúng tôi chạy dần ra ngoại ô Saigon, những chuyến xe chở đầy trái cây ở vùng phụ cận đang di chuyển dần vào thành phố. Đó là một thức dậy của Saigon bắt đầu cho Saigon náo nhiệt, phiền nhiễu.

 

Mấy người trong phi hành đoàn đã trở lại tàu nói cười rộn rã. Vì “lý do kỹ thuật” nên tàu cất cánh chậm  hơn một giờ đồng hồ. Cùng theo lên tàu với hai viên phi công, có một ả thiếu phụ trông rất đài các, tươi tắn. Ngó nàng, tôi nghĩ tới một cánh hoa rừng của đồi núi Pleiku. Một viên phi công mang hộ valise lên trước. Gã nhìn quanh lòng tàu có vẻ khó chịu, bực dọc. Gã làm giống như chiếc tàu là của riêng gã. Đoạn, gã bảo người lính hải quân đang ngồi trước mặt qua một ghế khác. Gã nói tới lần thứ hai với giọng sừng sộ, quyền uy. Người lính hải quân nhượng bộ tới ngồi nép bên một người bạn ở hàng ghế sau, với vẻ tức giận nhưng thực nhiều cam chịu, nhẫn nhịn. Thấy người lính hải quân bỏ đi nhường chỗ cho ả nọ, viên phi công giải thích với vẻ đạo đức: Anh là lính, đàn ông, anh đứng nhường chỗ cho đàn bà có được không? Người đàn bà có vẻ do dự, ngồi xuống nơi bỏ trống. Gã cúi xuống cười với ả thực lịch sự. Nhìn chiếc khăn màu tím hoa sim quấn quanh cổ, lối phục sức rườm rà, khuôn mặt no mập trắng trẻo của gã, tôi thấy gã thực là cù lần. Ai đời thanh niên mà điểm trang như đàn bà. Hành khách trong tàu ngồi im, theo dõi. Tôi nghĩ, chắc ai cũng biết được rằng, nếu cô ả là một chị đàn bà quê mùa, xấu xí như người đàn bà lúc mới xuống trạm, thì một trăm phần trăm gã phi công kia không hề tỏ chút gì là đạo đức, lịch sự. Sức mấy mà những chiếc khăn choàng cổ màu xanh, tím, đỏ nọ để cho những người quê kệch kia nhìn ? Sức mấy mà những lời lẽ đượm nhiều săn đón nồng nhiệt kia cũng sẽ dành cho tất cả những người đàn bà xấu số? Những lời hào hoa của những kẻ hào hoa chỉ để dành nói cho những kẻ hào hoa như họ mà thôi. Tôi nhắm mắt, cố quên, cố ngủ khi máy bay vừa nhấc bỗng đôi cánh lên không.

 

Tiếng reo hốt hoảng của gã lính ngồi cạnh kéo tôi bừng tỉnh những mơ nghĩ rối reng, lộn xộn đang khắc khoải. Tôi mở mắt. Tôi ngơ ngác. Tôi nhìn ngó láo liên. Tôi thấy mấy người trong phi hành đoàn dáo dác hoảng hốt di chuyển lăng xăng từ nơi này tới nơi kia trong tàu. Họ đi xem xét từng nơi, từng chỗ. Hai người khác trèo lên trên gầm tàu, đong đưa. Một lát im lặng kinh hoàng, một người trong bọn hỏi vọng lại phía góc tôi ngồi: Có nghe thấy mùi khét khét không? Tôi cố ngồi ngay ngắn, tỉnh táo. Tôi nhăn mũi cố hít thở. Có, có mùi cháy khét, ở đâu vậy ? Người lính trong bọn vừa hỏi tôi, quay đi tới chỗ khác: Có nghe thấy mùi khét khét không? Có, có. Cả tàu bỗng nhớn nhác, mất hồn. Tôi trườn người cao hơn nhìn xuống tận đuôi tàu: Hơn 50 hành khách ồn ào, sợ hãi. Một thoáng, tôi nghĩ, nếu tàu bỗng dưng bốc cháy ? Có thể sẽ cháy một chốc nữa. Tin tức về việc mất tích, phát hỏa trên máy bay không phải là ít. Tàu sẽ cháy, báo chí sẽ đăng tin dù nhắc đi nhắc lại nhưng cũng rất gọn ràng: Tàu bốc cháy, hơn 50 hành khách thiệt mạng. Hơn 50 người thiệt mạng không tim thấy xác gọn gàng hết sức. Năm mươi người thiệt mạng mà tôi hiện đang thấy rõ nét tuyệt vọng, khổ sở, lo âu của họ. Năm mươi người thiệt mạng trong đó có tôi. Có gã lính mê đọc thơ phụ nữ. Có cô ả xinh xắn như một cánh hoa rừng. Có viên phi công quàng khăn tím mập tròn trắng trẻo. Có người lính hải quân giận dỗi bỏ chỗ lòng còn khó chịu. Có năm mươi đời sống như năm mươi sợi dây chằng chịt vương mắc khắp nơi trên tàu như một hoang đảo âm u, biệt lập. Tàu sẽ bốc cháy. Tôi sẽ chết. Giản dị, dễ dãi như lật úp bàn tay. Đời sống vẫn thường được kết thúc sớm sủa chóng vánh như vậy. Nhưng còn Châu, còn chị Phụng, còn Hoài mỗi ngày ngóng đợi tôi tới mòn con mắt ?

 

Gã lính ngồi cạnh quẳng tập báo xuống sàn, mở dây thắt lưng vội vàng. Hành khách phập phồng đứng ngồi như một chiếc lò so. Có kẻ quay nhìn chằm chặp vào ô cửa kính. Tàu vẫn kêu rúng động. Tôi chờ chực từng lần lên xuống chao liệng của thân tàu mà nghĩ, giá có Châu ở cạnh. Nếu có nàng bên tôi chắc chắn tôi không thấp thỏm chờ đợi như vậy. Coi như tôi và nàng đã chuẩn bị một chuyến đi xa, như chuyến từ giã của mẹ tôi hơn mười chín năm về trước. Từng mảnh thịt xương rơi tản mát giữa biển hay trong rừng già, sẽ không có ai bây giờ nhọc công tìm kiếm, sẽ không có ai mai sau biết rằng đã có hồi tôi và Châu có mặt trên phần đất tình nghĩa thâm sâu này. Không còn gì của tôi và nàng để lại, ngay cả một mối tình.

 

Những người trong phi hành đoàn đã chia nhau đi trấn an hành khách sau khi tìm kiếm đã mỏi. Không hề gì, chắc cháy mối dây điện nào, không hề gì, ngồi yên lại, buộc dây thắt lưng cho kỹ vào. Không hề gì, người lính trong phi hành đoàn tiến tới góc chỗ tôi ngồi, và tôi thấy nét mặt gã phờ phạc, hãi hùng, điểm lấm tấm những giọt mồ hôi. Gã lính ngồi cạnh tôi nãy giờ mải mê xoay lưng nhìn ra ô cửa tàu. Có lẽ gã còn quyến luyến với cuộc sống ở dưới ? Phải, còn nhiều mơ mộng viễn vong với những bài thơ tình phụ nữ chắc hẳn gã hãy còn nhiều thiết tha với đời sống rộn ràng ở dưới kia chứ? Tôi làm theo lời dặn của người lính trong phi hành đoàn, ngồi yên lặng, buộc chặt dây thắt lưng, nhắm mắt ngủ…

Viên phi công có quàng chiếc khăn màu tím hoa sim bước ra khỏi phòng máy, mặt tái nhợt nhạt, đôi mắt đờ đẫn hẳn trong sắc trắng bạc, khoa tay nói trổng:

-Hỏng, không đi tiếp được…

 

Đoạn, gã cúi xuống cố mỉm cười với người đàn bà, chiếc hoa rừng xinh sắn đưa tay xách chiếc valise của ả, bước xuống thang tàu. Hành khách một thoáng do dự, lục đục kéo xuống. Tôi đợi cho mọi người đã xuống sân, tản mát vào trạm, xuống sau rốt. Khi xách chiếc xắc đứng dậy, tôi quay lại hỏi một người lính trong phi hành đoàn :

-Tàu không vào Nha Trang sao ?

-Không …

 

Tôi lửng thửng nối đuôi những hành khách muộn màng vào trạm Đà Nẵng. Cơn sốt hãy còn váng vất, ngất ngư. Trước sân chờ của trạm hàng không Đà Nẵng tôi thấy một đám đông người với hành lý cầm tay. Đám đông mờ dần, nhòe nhoẹt đi cùng lúc với một thành phố dập dìu người, xe cộ, bụi bặm, Mỹ, và gái điếm …/.

 

( trong tập truyên cùng tên PHỐ NGƯỜI  Xuất bản Saigon năm 1971)

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2482
Ngày đăng: 10.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời của thác - Khôi Vũ
Em ở Tây hồ - Đỗ Ngọc Thạch
Nắng hanh vàng - Nguyễn Văn Ninh
Nghìn năm bia miệng - Nguyễn Chính
Những mảnh vỡ (13) - Nguyễn Thị Hậu
Mèo con yêu dấu - Mang Viên Long
Tai qua nạn khỏi - Huỳnh Văn Úc
Chùm truyện ngắn ngắn : Ngẫm sự đời - Đỗ Ngọc Thạch
Cúc muộn - Vũ Thảo Ngọc
Chuyển vai - Nguyễn Bích Hạnh
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)