Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
820
116.526.625
 
Bến sông xưa
Nguyễn Lập Em

Nỗi nhớ như ngọn lửa cứ âm ỉ cháy trong lòng ông lão Tám Long, thúc giục ông cất bước.

 

Ký ức của ông lão hiện về một triền sông tươi xanh. Ở đó, có một ngôi làng nhỏ mà xa xa mới có vài căn nhà cất day cửa hướng về sông cái. Con sông cái ấy là sông Tiền, một nhánh chảy về của dòng Mê Kông. Bến sông của làng nhỏ ấy có tên là Bến Nước. Ông Tám Long vẫn nhớ…Mỗi lần ông đi tàu đò Nam Vang-Sài Gòn về ngang Bến Nước, lòng ông vẫn cứ xôn xao. Ông ra mũi tàu, nhong nhóng ngó lên bờ. Ai là người thân quen mà ông mong ngóng, ở phía trong bờ kia? Phía trong xóm nhà lưa thưa khuất sau hàng xoài xanh mướt có nhà của hai chị em cô Bướm, Điểm. Chị em Bướm, Điểm là thế nào với Tám Long kìa? Chẳng là thế nào cả! Ông Ba, cha của hai cô gái, là thông gia với tía của Tám Long. Tám Long là đàn em của bên vợ; Hai chị em Bướm, Điểm là đàn em của bên chồng. Đó, “ làm sui một nhà, biết ra cả họ”, là vậy! Cái cơ duyên quen biết ấy thật là vòng vèo. Vậy mà sao lòng Tám Long cứ mãi vấn vương?

 

Những năm sau này, càng về già, ông lão Tám Long càng vỡ lẽ ra nhiều điều. Ông cảm thấy thích thú khi nhận ra những cái tên dễ gọi, dễ nhớ như sông Tiền, sông Hậu, Bến Nước, Bướm, Điểm… cứ đi về trong ký ức của ông. Tất cả – âm thanh, tên gọi, hình ảnh – cứ sống động, tươi rói trong tâm trí ông, dù bước chân giang hồ của ông đã biết thế nào là sơn cùng, thủy tận, dù cuộc đời ông đã trải qua qua biết bao sóng gió, bộn bề. Đất ấy, người ấy sao mà mộc mạc, hoang sơ, để về già ông cứ mãi thương, mãi nhớ? Bến sông nào chẳng là bến nước, vậy mà Bến Nước cũng thành tên.Ông Ba sinh được mười người con nhưng chỉ sống vỏn vẹn có năm người. Hai con trai lớn của ông Ba, trong đó có một người đã là anh rễ của Tám Long. Hai con gái thứ của ông Ba, người chị tên Bướm, người em tên Điểm. Con út của ông Ba tên là Chầm, vì là trai; Nếu là gái, có lẽ ông Ba đã đặt cho đứa con này tên là Hoa hay tên Bông gì đó, cũng vẫn là cái tên dễ gọi, dễ nhớ như hai người chị của mình. Cũng từ đó, ông Tám Long suy ra, nếu đã có con sông Tiền phía trước thì thế nào cũng có dòng sông Hậu ở phía sau. Trong đời của Tám Long, ông đã có lần đến đó, đến nhánh thứ hai của dòng Mê Kông chảy về ở vạt biên giới Châu Đốc- Thất Sơn. Ở đó, ông gặp người anh thứ Bảy của hai cô Bướm, Điểm. Hai gã thanh niên trang lứa, cùng cảnh phiêu bạt, giang hồ, đã ngồi với nhau bên mâm rượu trên bồng bềnh sông Hậu. Khi biết Tám Long có chút tình lưu luyến với Bến Nước ở sông Tiền, người anh thứ Bảy của hai cô Bướm, Điểm trầm xuống, rồi nhủ người anh em nhà thông gia còn quá trẻ của mình.

- Đừng buồn, chú em! Sông nào mà chẳng đổ về biển cả. Trời đất  bao la mà Bến Nước của xứ anh quá đỗi nhỏ nhoi. Đêm nay, chú em mày có thể say mèm vì buồn nhưng sáng mai tỉnh dậy, chú em lại tiếp tục sống như sông vẫn chảy thôi  mà…

 

*

 

Phía ngực trái của ông lão Tám Long rung lên. Tiếng nhạc báo hiệu có người gọi ông qua điện thoại di động. Xe vẫn chạy ở tốc độ bình thường. Xe đò chở khách là xe đời mới nhưng tiếng máy nổ vẫn át cả giọng nữ trẻ trong điện thoại. Cháu gái của hai cô Bướm, Điểm hỏi ông đã đi đến đâu trong chặng đường về và cô chỉ dẫn cho ông điểm dừng xuống xe, nơi cô sẽ đón. Hai trăm cây số, từ Sài gòn  về đến chỗ cô gái, chẳng phải quá xa. Ông đã đi trên chục ngàn cây số, từ lục địa này sang lục địa khác, từ nước Mỹ về đến Việt Nam, để tìm lại một vùng quá khứ, là không gần gủi gì. Con đường trở về nơi ấy, lần này, lại cũng vòng vèo như cái cơ duyên mà ông đã gặp gỡ ngày xưa.Vậy mới biết thế nào là sự sắp bày của tạo hóa!

Vào thời đất Nam Vang loạn lạc, thời trước những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi, tình cờ, rất tình cờ, Tám Long đã gặp chồng của cô Chín Điểm. Khi ấy, ông Tám Long cũng đã là chồng của một người vợ hiền có cùng quốc tịch với ông; Cả hai đã có với nhau gần chục mặt con, đủ trai, đủ gái. Khi đối diện với chồng người bạn gái, trái tim của gã Tám Long hào hoa, phong nhã vẫn thấy nhói đau. Sau đó, gã mới bình tâm và tự nhủ mình. Gia đình ta và gia đình cô ấy là thông gia. Ta và cô ấy là anh em bạn. Chồng của cô ấy cũng là bạn ta. Ừ! Bạn ta! Sao lại không? Lẽ nào ta lại mong cho cô ấy chẳng lấy được chồng? Nếu như vậy, ta không công bằng với cô ấy. Cô ấy phải yêu thương ai đó và lấy ai đó làm chồng như ta đã từng yêu thương và lấy vợ ta. Nếu có thể hơn, ta chỉ mong cho thuyền tình của cô ấy gặp được bến trong; Chỉ mong hắn là người đàn ông hiền lành, đàng hoàng, biết thương yêu và chăm lo cho vợ. Hắn đang ở trước mặt ta. Hắn, cũng như ta, đang lưu lạc xứ người.

-Sao cô Chín không cùng đi với anh ?

-Định đi thử … nếu mà sống được ở đây mới trở về  đưa mấy mẹ con cô ấy sang!

-Vậy thì đừng! Xứ này đang rối ren chính sự! Gia đình tôi đang định hồi hương.

-Vậy à?

Sau đó, hình như người đàn ông chất phác ấy đã trở về Bến Nước. Có lẽ, anh ta cũng đi chuyến tàu đò Nam Vang- Sài Gòn mà năm xưa ông đã từng đi. Thật là… mấy chục năm, cũng vẫn là một chuyến tàu đò…Ngày xưa ấy,mỗi lần ông dừng chân Bến Nước, ghé thăm, chơi nhà thông gia của tía ông, hai chị em Bướm, Điểm thường ra cửa chào mừng rôm rả. Những bữa cơm mùa lụt với bông súng, bông điên điển chấm mắm kho cá linh đồng; Mùa khô, đơn giản với dĩa cà nướng giầm nước mắm ớt. Tất  cả đều do tài nấu nướng của hai chị em họ. Rồi khuya hôm sau, cũng chính hai chị em chuẩn bị con cúi làm đuốc soi đường đưa ông ra Bến Nước, đón tàu đò Nam Vang về ngang, để ông tiếp tục chuyến đi về Châu Đốc hoặc lên thẳng Sài Gòn bổ hàng cho công việc mua bán của gia đình. Dưới ánh sáng bập bùng của con cúi cháy vào lúc nửa đêm về sáng, trong không khí còn ướt đẫm sương khuya, gã Tám Long từng rày đây, mai đó bỗng thấy lòng ấm áp và ao ước có chỗ dừng chân. Ông mến cô em hơn nhưng lòng vẫn quý trọng cô chị. Cả hai chị em đều mang đến cho ông một niềm an ủi đặc biệt. Dẫu sao, trên những chặng đường đời dài dằng dặc mà ông đã, đang và sẽ đi qua, một thời, đã có hai người bạn gái quan tâm đến ông, nhiều lần đón đưa, mong đợi.

-Lần sau, thằng Tám này về tắp bến nữa nghen, hai chị ?

Họ không trông rõ mặt nhau vì đêm khuya mờ ảo nhưng giọng nói của Chín Điểm thì trong suốt, rõ ràng.

-Ừ! Thỉnh thoảng, Long nhớ ghé đây chơi, mà ở  chơi lâu lâu!

Có phải hẹn hò gì đâu mà ai mong, ai đợi? Có phải mình ta mong đợi? Có phải, chỉ lòng ta vướng bận chút tình? Cái ranh giới vô hình mong manh, quá đỗi  mong manh, giữa tavà cô ấy, vậy mà sao chẳng ai chịu vượt qua, chẳng ai dám nghĩ gì hơn? Thông gia lại thông gia, có sao đâu? Suốt mấy mươi năm, cho đến sau này, ông Tám Long vẫn thấy nuối tiếc ngậm ngùi nhưng lại vờ vịt, với cả chính mình, hờ hững như không. Thời gian, nước chảy mây trôi. Tất cả các dòng sông đều chảy và cùng đổ về biển cả. Mênh mông là đáy lòng người.

Sau đó, đất Nam Vang xảy ra chính biến. Người dân chính quốc phải chịu cảnh gian nan. Dân Việt kiều, như gia đình ông Tám Long, cũng phải tản lạc, chạy tìm sự sống, chạy thoát chết. Gia đình ông Tám Long mỗi người một ngả, cả con cái, vợ chồng. Trước khi tản cư, cả nhà ngồi tính lại : E rằng, kéo hết cả nhà về xứ thì mấy thằng con trai sẽ bị bắt đi lính rồi lại chết trận chứ chẳng không! Thôi thì… vợ và các con gái của Tám Long xuống tàu đò dông về Sài Gòn; Tám Long và mấy con trai qua Thái Lan, rồi từ Thái Lan qua tuốt bên Mỹ. Cái cơ duyên lưu lạc của gia đình Tám Long là như vậy, nghĩ cũng nực cười.

 

                                                              *

 

-Chú thắp nhang cho ba cháu, chớ!

-Ừ!

Ông lão Tám Long ngước nhìn di ảnh một ông lão già hơn mình chút ít. Ông cười, nói với người đã khuất:

-Lâu dữ, mới gặp lại, ông anh!

Bữa cơm không chú trọng phần ăn uống. Một già, một trẻ mới gặp và mới quen nhau, cần trò chuyện, tâm tình.

-Bao lâu rồi, chú chưa gặp lại ba cháu ?

-Sáu mươi năm! Hồi ấy, cô Chín Điểm chưa lấy chồng, chú chưa có vợ!

-Trời! Hồi ấy, cháu chưa có mặt trong cuộc đời này! Bây giờ, cô Chín của cháu đã thọ gần tám mươi. Cô Chín sống với  con gái và cháu ngoại. Vậy là… chú đã thọ…

-Ổng còn sống không ?

-Dượng Chín của cháu hả ? Nghe nói, ổng chết hồi năm nẳm, lâu lắc, lâu lơ rồi! Dượng Chín chết lúc cô Chín còn rất trẻ!

-Tội nghiệp!

Người cháu gái của cô Chín Điểm nhìn ông lão Tám Long, tò mò vì hai tiếng “ tội nghiệp” mà ông lão vừa thốt lên. Ông lão nhìn vào mắt của cô gái. Cô bé này có đôi mắt giống cô Chín Điểm. Nhưng ông vừa tội nghiệp ai kia? Tội nghiệp người chồng chết sớm hay tội nghiệp người bạn gái góa chồng lúc còn quá trẻ? Hay là tội nghiệp cho ông, nghe tin bạn gái góa chồng sớm,  mà buồn! Nhưng ông có gì đáng tội nghiệp đâu? Thật là… những mắc mớ, rối ren trong lòng cho đến bao lâu, cho đến tuổi nào, người ta cũng chẳng dễ gì gỡ ra cho được. Giải thích với cháu gái này thế nào đây? Cô bé này không trải qua những nỗi niềm như ông. Cô bé này làm sao hiểu được, cho dù cô đã ngót nghét tuổi năm mươi. Mỗi đời người là một khoảng trời riêng.

-Chú có muốn cháu đưa chú đi thăm cô Chín không ?

Ông Tám Long khoát tay

-Không!

Người cháu gái thoáng ngạc nhiên nhưng cô không hỏi vì sao. Cô tôn trọng quyết định của ông lão Tám Long. Ông lão có lý do của riêng mình. Thời gian trôi qua, không biết bao lâu nữa. Một già, một trẻ lặng lẽ ăn uống, nhấm nháp, nghĩ ngợi. Ông lão lại bất chợt hỏi.

-Từ đây về tới đó, bao nhiêu xa ?

- Về đâu, chú ? Về chỗ ở của cô Chín, hả ?

- Không phải! Chú muốn hỏi đường về Bến Nước!

- À! Từ đây về tới quê nội của cháu là một chặng đường xa, lại phải qua hai con đò…

- Xa vậy à ? Vậy mà chú nghĩ mình đến đây là đã tới nơi rồi! Hóa ra, anh Bảy cũng đi xa xứ vậy !

- Ngày mai, chú có muốn cháu đưa chú đi thăm lại Bến Nước không ? Muốn đi cũng đến được! Hay là đi xem phong cảnh một vài nơi?

 

Ông lão lắc đầu rồi vỗ vào ngực trái của mình.

-Tất cả ở đây, đã mấy mươi năm rồi! Về đây, lần này, chú chỉ muốn được thắp cho ba cháu cây nhang. Sáng sớm mai, chú trở về Sài Gòn rồi lại về xứ lạ …

-Trời! Chú đã phải đi đường quá xa…

 

Xa sao bằng con đường vòng vèo năm xưa, cô bé? Nhưng mà không nói được, không giải thích được với cô bé này hay với bất kỳ ai khác, nỗi lòng của lão già này. Hơn nửa đời người, ta đã mang theo, đi khắp năm châu, bốn biển, câu chuyện trong bữa rượu ấy, một đêm hao dầu, trên dòng sông Hậu, với cha của cô bé này.

 

Hai gã trai tráng, cùng cảnh ngộ phiêu bạt, giang hồ, ngồi uống rượu trên tàu. Người đàn anh cũng say mèm, sẻ chia với thằng em bạn nỗi lòng, trong lúc nó thất tình mà không dám nhận là mình thất tình…Dưới kia, sông Hậu vẫn chảy lững lờ./.

Nguyễn Lập Em
Số lần đọc: 2191
Ngày đăng: 12.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phố người - Mang Viên Long
Lời của thác - Khôi Vũ
Em ở Tây hồ - Đỗ Ngọc Thạch
Nắng hanh vàng - Nguyễn Văn Ninh
Nghìn năm bia miệng - Nguyễn Chính
Những mảnh vỡ (13) - Nguyễn Thị Hậu
Mèo con yêu dấu - Mang Viên Long
Tai qua nạn khỏi - Huỳnh Văn Úc
Chùm truyện ngắn ngắn : Ngẫm sự đời - Đỗ Ngọc Thạch
Cúc muộn - Vũ Thảo Ngọc