Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
534
116.597.225
 
Vòng đời bé nhỏ
Trần Quang Vinh

Lên xe rồi ông Dự vẫn bồn chồn thắc thỏm. Xe khách mà đẹp thế, sang thế! Nghe đồn tàu xe bây giờ lừa đảo như ranh?  Cảnh giác vẫn hơn, ông quay sang hỏi người bên cạnh:

- Xe khách đi Hà Nội à ?

 

Người đàn bà khoảng năm mươi tuổi vẻ buồn đoan trang, ngước nhìn ông đáp khẽ, vâng ạ!

Tạm yên tâm, ông tìm chỗ đặt túi, duỗi chân cho đỡ mỏi. Từ ngày về hưu, dễ đến chục năm ông mới đi xa. Kể ra ông chưa già, nhưng thể trạng ốm yếu, tiền nong hạn hẹp, thời buổi lại hỗn độn, bất đắc dĩ ông mới phải đi. Cũng là vì con.

 

Ông Dự thở dài. Đời thật trớ trêu! Người hiền lành, yêu vợ thương con như ông mà bị vợ bỏ. Giờ đến lượt con gái ông  bắt chước mẹ nó…

 

Ông đã ở vậy nuôi dạy con Nga bằng chúng bằng bạn. Con gái ông đã tốt nghiệp đại học. Rồi lấy được chồng phó tiến sĩ đàng hoàng. Những tưởng nỗi vất vả long đong được đền bù, ông thanh thản về hưu. Thanh thản chấp nhận cuộc sống eo hẹp cô đơn cuối đời. Đột nhiên ông nhận được tin Nga bỏ chồng bỏ con theo gã lái xe. Đau đớn tái tê! Thế là hết, ông chẳng còn gì để an ủi, để hy vọng. Ông bật khóc rưng rức.

 

Sau một đêm mất ngủ, ông quyết định rút hết tiền tiết kiệm lên Hà Nội tìm con hỏi cho ra nhẽ. Ông tin rằng các con sẽ nghe ông. Sẽ hàn gan hạnh phúc. Bởi ông đã hy sinh tất cả vì nó.

 

Xe chuyển bánh êm ru. Bản nhạc xập xình vang lên từ chiếc rađiô catxét nhấp nháy đèn màu. Ông mở to mắt ngỡ ngàng! Hiện đại tinh vi thật. Có ra thành phố mới biết cách mạng đang tiến lên ầm ầm. Xe khách mà sang hơn xe chủ tịch tỉnh trước kia. Trong đời công tác, đã có lần ông được vinh dự ngồi xe chủ tịch Bích. Ngày đó ông là cán bộ ngành giáo dục. Được bình bầu là cá nhân suất sắc, đi dự đại hội thi đua toàn tỉnh. Nhà khách ông nghỉ cách hội trường hơn cây số. Đại biểu dự họp có ô tô đưa đón, long trọng lắm. Buồn cười, bữa ấy tưởng rủi lại hoá may. Căn bệnh táo bón chết tiệt giam ông nửa giờ trong cầu tiêu nhà khách tối om. Bị lỡ xe, ông hộc tốc chạy bộ đến hội trường. Đang lúc mệt lử thì chiếc xe Vonga đỗ lại cách ông mươi bước. Chủ tịch Bích, thủ trưởng cũ của ông, đưa tay qua cửa xe vẫy. Mắt ông dại đi, hơi thở bổi hổi. Ông rụt rè tiến lại gần. Chủ tịch thân mật kéo ông lên xe bảo, hôm qua tớ nghe báo cáo của cậu, khá lắm! Ông sướng run, khép nép thu mình vào góc ghế sau. Chủ tịch vui vẻ hỏi thăm, cô Na với cháu Nga khỏe chứ? Ông đê mê cả người. Chiếc xe có nệm mút bọc nỉ màu huyết dụ, thơm phưng phức. Có lẽ trong mơ ông cũng chưa từng thấy. Nhưng cảm động nhất là giây phút trong xe bước ra theo sau chủ tịch. Cả hội trường nhìn ông đầy vẻ thán phục…

- Một lít bố già!

 

Cậu ét xe đẩy vai ông quát. Người đàn bà ngồi cạnh  khẽ bảo, tiền vé xe, mười ngàn đấy bác ạ! Ông Dự a lên một tiếng rồi rờ rẫm đếm tiền. Mọi thứ đều lạ lẫm với ông. Bất giác ông đụng mắt vào bức hình cô gái thễu thệt trong bộ đồ tắm dán đỉnh cabin. Thật quá sàm sỡ! Quá nhố nhăng! Con gái bây giờ ngang nhiên phô bày hở hang … lại dạng đùi ưỡn ngực nữa chứ! Ngày trước thế là tư tưởng đồi trụy, rác rưởi tư bản đế quốc! Dính vào chuyện ấy chỉ có tàn đời. Chả trách con gái ông thoái hoá, biến chất, bỏ chồng theo trai. Nhưng vợ ông cũng bỏ ông đấy thôi?... Ông Dự băn khoăn. Đến tận bây giờ ông vẫn không cắt nghĩa nổi hành động quyết liệt của Na, vợ ông.

 

Lần ấy cơ quan được phân phối một xe đạp thống nhất. Na ép chồng giành mua. Nhưng công đoàn cơ quan họp, xin ý kiến cấp ủy. Rồi phân cho ông Sáng, cán bộ lâu năm. Về nhà, vợ ông nghiến răng bảo, ngu như bò! Anh to hay lão Sáng to? Ông ấp úng phân bua, mình là đảng viên… phải gương mẫu … Na chồm dậy, đè lên người ông gào thét, thử một lần gương mẫu trước mặt tôi đi !... Rồi thị bỏ mặc ông ngã lăn kềnh trên nền nhà, khóc tức tưởi. Hôm sau, thị chìa lá đơn xin ly dị. Ông tái mặt van xin, em đừng bỏ anh! Đừng bỏ con! Na uể oải ném lá đơn vào mặt ông bảo, lòng thòng rách việc! Không ký tôi sẽ làm cho bẽ mặt.

 

Ông có ngờ đâu vợ ông đã chuẩn bị mọi việc từ trước. Ly dị xong, Na đến ngay với người đàn ông khác...

- Bác đi Hà Nội  ạ? Người đàn bà rầu rĩ hỏi. Ông Dự lơ ngơ như mất hồn. Lúc sau mới ậm ờ nói rằng, tôi thăm ...  con. Cháu nó công tác ở Hà Nội.

Người đàn bà rơm rớm nước mắt bảo, em cũng thăm con! Dưng mà chẳng được như bác. Cháu nhà em đang ở… Hoả Lò!

 

Ông Dự ái ngại an ủi, cô đừng buồn! Cha mẹ sinh con, trời sinh tính! Nhưng chế độ ta ưu việt, biết hối cải chắc sẽ được khoan hồng.

- Thật không bác? Sẽ khoan hồng chứ ? Người đàn bà rối rít hỏi. Ông Dự lúng túng bảo, ờ … ờ … sẽ khoan hồng! Nhất định hối cải sẽ khoan hồng.

 

Người đàn bà bỗng cảm thấy hi vọng. Bà rấm rứt khóc, đau đớn kể, nhà em hoàn cảnh éo le … được mỗi thằng con trai. Em là giáo viên, lương bổng thấp. Nhưng nhận may thêm, hai mẹ con cũng tạm đủ sống. Vì em bận, không có thời gian bảo ban dạy dỗ cháu nên nó theo chúng bạn chơi bời lêu lổng. Dính vào vụ … giết người cướp của, lĩnh án tử hình! Em thật vô phúc! Nhiều đêm nghĩ ngợi không thiết sống nữa bác ơi !

Giọng người đàn bà tắc nghẹn. Ông Dự chột dạ. Giết người? Cướp của? Con nhà lương thiện? … Đầu óc ông rối mù! Bên cạnh ông, người đàn bà vẫn thổn thức… Đã có lần em khuyên răn, rồi ngăn cấm. Nhưng cháu không chịu nghe. Nó bảo, mẹ nhân từ đức hạnh nên mới khổ thế. Còn bố bỏ vợ lấy con ông cốp, bây giờ có chức có quyền, giàu sang phú quí. Thử hỏi, đạo đứcđể làm gì? Con thương mẹ, nhưng không thể sống kiếp con sâu cái kiến như mẹ .

 

Ông Dự cảm thấy bâng khuâng. Có lần ông đã nghe vợ nói những lời gần như như thế. Đợt ấy ông được nâng lương, do đủ niên hạn 5 năm. Vợ ông cười mỉa bảo, gương mẫu (!) đạo đức(!) cán sự mãn tính ! Khối đứa nhởn nhơ chơi bời đục khoét vẫn thăng chưc tăng lương! Nói cho mà biết nhá, cái ngữ anh suốt đời chỉ làm con trâu kéo cày!

- Em định xin giảm án cho cháu, người đàn bà thủ thỉ bảo. Em là mẹ, em hiểu. Ngày nhỏ nó ngoan hiền.

 

Em tin, nếu được giảm án cháu sẽ hối cải. Bác có cách gì giúp em .

- Tôi co người bạn, làm thẩm phán .

Như chết đuối vớ được cọc, người đàn bà chôp lấy cánh tay ông rối rít van xin,          bác làm ơn giúp em!

 

Bác hứa đi! Bác giúp em nhé! Em sẽ đội ơn suốt đời.

Ông Dự cảm thấy hối hận. Đúng là ông có người bạn cùng cơ quan thời chống Pháp. Nghe nói bây giờ làm thẩm phán toà án tối cao, nhưng lâu lắm rồi không gặp. Vả lại, gặp người có chức quyền đâu dễ. Mà bản tính ông lại nhút nhát. Sinh ra trong một gia đình quan chức Tây. Bản lý lịch mang thành phần đen nhẻm của ông như  trái núi đè nặng lên cuộc đời ông. Lúc nào ông cũng lo sợ người ta moi ra bản lý lịch ấy để qui kết, kiểm điểm. Không chừng còn bị xếp vào sổ đen của tổ chức. Nhưng hoàn cảnh người đàn bà này cũng tội nghiệp lắm! Dù chẳng giúp được gì ông cũng không nỡ từ chối.

- Tôi … tôi  sẽ cố…

Ông lại thầm trách mình lỡ mồm. Làm sao ông có thể giúp người ta ?

-  Em chẳng biết cậy ai, xin bác thương mẹ con em! Cháu dại dột, theo chúng bạn học đòi thói xấu. Hồi nhỏ nó là đứa trẻ hiền lành, ngoan ngoãn, thông minh,  đẹp như thiên thần. Đời em coi  như  chấm hết. Cứu em với bác ơi! …

 

*

 

Đến Hà Nội, xe không vào bến mà đậu ở một vỉa hè lõng bõng nước lẫn rác rưởi. Người đàn bà luống cuống hỏi địa chỉ. Ông Dự ghi vội trên bìa cuốn vở nhỏ. Đám cửu vạn, xe ôm, râu tóc tởm lợm ào đến băm bổ, bốp chát, giật chiếc túi giả da trên tay ông.

- Xe ôm cụ khốt!

- Xích lô con hết ý!

- Mẹ, già mõ rồi, ăn nhằm chó gì mà ghi với chép. Có đi không thì bảo?

 

Ông Dự hoảng hốt luống cuống giữa bọn người dữ dằn đôi co chèo kéo, chửi rủa thô tục. Vừa may, chiếc xe khách thứ hai đỗ lại, cả bọn vội bu đến con mồi mới.

Thoát vòng vây cánh xích lô, xe ôm, cửu vạn, ông Dự vẫn nơm nớp. Ông quyết định đi bộ, đỡ tốn tiền lại khỏi lo lưu manh lừa đảo.

 

Loanh quanh mãi  cũng tìm ra căn hộ của gia đình con gái ông. Hai đứa bé gái mở cửa chao chát nhìn ông dửng dưng xa lạ. Ông cười gượng bảo, các cháu không nhận ra ông ngoại à? Đứa em bi bô reo lên:

- Ông ngoại! Ông ngoại  ở quê ạ !

Con  chị  khoảng sáu tuổi quay lại  quát  em:

- Ông ngoại nào? Bố con đĩ chứ !

 

Trời ơi! Ai dạy nó những lời tàn nhẫn ấy? Ông Dự rớm nước mắt sững sờ. Căn nhà tối om, bừa bộn như ổ chuột. Nồi cơm độn bo bo đặt trên chiếc mâm nhôm Liên Xô ở giữa nhà. Trên mâm còn có đĩa rau muống luộc, vài miếng cá khô nướng cháy nham nhở.

 

Con rể ông, phó tiến sĩ Lâm từ phía trong bước ra, giương cặp kính cận dày cộp ngó ông trân trân. Mãi sau anh mới nhận ra, từ tốn kêu lên, bố! Bố đi đường xa vất vả quá! Rồi bảo con đi nấu thêm cơm. Thôi, khỏi phải nấu, ông còn nắm cơm nếp mang theo!

 

Ông Dự nhai miếng cơm mà nghẹn tới ba lần. Hai đứa cháu hăm hở chia nhau ăn món cơm nếp, khen cơm nhà quê ngon thật! Phó tiến sĩ Lâm bình thản nuốt đủ ba lần đơm, vui vẻ chuyện trò.

- Bố đừng buồn! Con không giận Nga. Loài người sắp bước sang thế kỷ hai mốt, thế kỷ bùng nổ thông tin, tất cả đều đảo lộn. Có những thể chế tồn tại gần trăm năm, tưởng như thiên đường vươn tới của nhân loại, vậy mà sụp đổ trong chốc lát ! Con không coi sự thay đổi là hành vi thuộc phạm trù đạo đức. Tất nhiên, nếu thỏa mãn được nguyện vọng bằng sự  hoà hoãn phải đạo vẫn tốt  hơn.

 

Ông Dự chẳng hiểu gì cả. Bọn trẻ coi sự đổ vỡ bình thường đến thế ư? Xưa ông từng thất vọng khổ đau. Bây giờ ông vẫn đớn đau chua chát ... Thôi thì chúng nó chẳng luyến tiếc nhau, coi như số phận. Nhưng  còn lũ trẻ ? Chúng như gà con lạc mẹ, bơ vơ, lầm lũi, nhem nhuốc. Ông Dự khẩn khoản bảo, các con phải biết thương hai đứa trẻ nhỏ dại chứ !  Phó tiến sĩ Lâm gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Con hiểu bố ạ! Con người vẫn chỉ là con người, đâu phải thần thánh! Họ luôn  bị hoàn cảnh khống chế. Con là nhà khoa học. Cao quý thật, nhưng lại không kiếm đủ tiền bảo đảm cuộc sống cho vợ con. Cô ấy lựa chọn cuộc sống  tốt hơn cũng là lẽ thường.  Như vậy đổ vỡ là qui luật tất yếu. Thà chấp nhận sự đổ vỡ để làm lại còn hơn cố tình bám giữ  tấn bi kịch!

 

Ông Dự buông đũa thở dài. Ngày trước con gái ông hiền dịu, nết na, không đua đòi ăn diện. Lẽ nào vì  nghèo mà bỏ chồng bỏ con ? Anh phải có ý tự thức tự bảo vệ hạnh phúc chứ! Không cho phép nó làm trái đạo đức như thế. Ông Dự thều thào rên rỉ . Phó tiến sĩ Lâm vừa pha trà vừa kể, tuần trước ở đây có vụ đánh ghen. Rốt cuộc một người chết, một người đi tù. Xã hội văn minh coi hành vi bạo lực là quái đản, không thể chấp nhận, dù nó nhằm mục đích gì.

- Thôi được, chính tôi sẽ bắt con Nga trở về. Tôi là bố nó, tôi không cho phép!

 

Đứa cháu nhỏ nén nhìn chị, sán đến gần ông thủ thỉ, cho cháu đi tìm mẹ Nga, ông nhé! Ông cúi xuống ôm đứa bé đau đớn bảo, cháu ngoan lắm! Mai mẹ cháu sẽ trở về .

 

Ông Dự tìm đến công ty xe khách hỏi phòng tổ chức. Anh cán bộ to béo phục phịch nghe ông trình bày ngáp ngắn  ngáp dài, lấp lửng bảo, công ty có đến vài  Chiến lái xe ca, nhưng chuyện sinh hoạt riêng tư của họ chúng tôi không rõ. Bác tính, cánh xế bây giờ như ma xó, làm sao  biết được nó ăn nằm với cô nào?

 

Ra cổng, ông Dự dò hỏi cậu lái xe con đứng gần đó. Người bảo vệ nghe lỏm gọi ông lại gần bảo, cậu Chiến cặp bồ cô Nga phải không? Tôi biết cậu ta có nhà riêng ở phố Hàng Thùng.

Ông Dự vội vã thuê xe xích lô tìm đến nhà riêng gã lái xe ở phố Hàng Thùng. Con chó bécgiê đứng trước cửa gầm gừ nhìn ông. Đúng lúc ấy một thiếu phụ mặc áo liền váy bước ra quát:

- Xin ăn hả? Già rồi, chết quách đi  có sướng hơn không!

 

Ông Dư ngờ ngợ, đúng con Nga rồi! Ông đứng ngây trong giây lát. Nga sững sờ  nhìn ông .

- Bố! Bố vào nhà đi!

Ông Dự lặng lẽ chùi chân trên tấm thảm cỏ. Lặng lẽ bước trên nền gạch hoa sáng bóng.  Căn phòng khá sang trọng. Một gã đàn ông cởi trần, thân thể lực lưỡng săn chắc nằm ở ghế xích đu hút thuốc, xem băng hình. Ông Dự thoáng nhìn những cô gái trần truồng, ưỡn ẹo nhảy múa, cụp mắt sượng sùng. Nga ghé tai gã đàn ông nói nhỏ. Gã đứng bật dậy tắt máy, vui vẻ tự tin chào ông. Nga bảo,        bố ở chơi vài ngày, lại sức hẵng về.

Ông Dự thở dốc, nhấp ngụm nước đá con gái đưa. Ăn phải bả tư sản rồi con ơi! Ông vừa buồn, vừa giận, vừa đau, nhưng không biết nên bắt đầu thế nào. Hóa ra nhiều ngày nay ông chỉ nghĩ đến việc tìm con nhưng lại quên chuẩn bị lý lẽ. Mà lý lẽ gì nữa? Nó hư hỏng vô luân thất đức! Nó bôi nhọ thanh danh  gia đình! Ông phải bắt nó quay về xin lỗi chồng con chứ. Ông Dự chưa bao giờ nặng lời với con. Lần này cũng vậy, ông hắng giọng ba lần, nói một câu nửa chất vấn nửa trách móc:

- Sao con không báo cho bố biết ?

Nga cười thản nhiên bảo, bố già rồi! Việc riêng chúng con bố biết cũng chẳng để làm gì. Ông giận mình quá nhu nhược. Ông muốn thét to nhưng lại không đủ can đảm. Chỉ còn biết rên rỉ than, tôi là bố cô, tôi nuôi day cô đến ngày lấy chồng! Tôi phải có trách nhiệm ...

- Bố thông cảm … thời buổi đổi khácrồi, bố không hiểu nổi đâu.

Ông gượng đứng dậy tuyệt vọng kêu lên, thời nào làm người cũng phải tôn trọng đạo lý! Mày hư hỏng rồi, con ơi!

 

Nghe giọng nói thất thanh của ông, con bécgiê giật nảy mình sủa lên ba tiếng. Gã đàn ông ung dung nhả khói thuốc thơm. Nga hất tay xua con chó ra ngoài, nước mắt rưng rưng.

- Con thương bố, nhưng con cần sống cho ra người. Con không thể bắt chước bố ngậm đắng nuốt cay, cam chịu nghèo khổ. Con buộc lòng phải nói sự thật, đến con bố cũng phải mượn của kẻ khác! Nga nức nở nghẹn ngào, nói ra điều này chắc bố đau lòng lắm! Hãy tha lỗi cho con !

 

Ông Dự đờ đẫn. Mồ hôi túa ra. Môi ông mấp máy. Thì ra nó biết tất cả. Đúng, nó không phải con ông. Trước hôm buộc ông ký đơn ly dị, vợ ông đã nói toạc ra rằng, Nga là con vị thủ trưởng cũ của ông. Ông đau đớn lắm chứ! Nhưng số ông nó khốn nạn như thế. Ông không đủ khả năng làm thằng đàn ông thực thụ. Mỗi lần chăn gối Na lại ngồi khóc tức tưởi, trời ơi, sao số tôi khốn khổ thế này!        Vợ ông, cái cô Na hừng hực như lò lửa ấy, đã làm mot việc ân nghĩa cuối cùng. Tặng ông đứa con và thề sống để bụng, chết mang đi. Thị theo người tình đi xa từ lâu. Vậy thì tại sao con Nga lại biết điều bí mật ấy? Ông Dự lẩy bẩy ra khỏi phòng. Cái nắng đầu hè ở thành phố mới dữ dội làm sao! Mắt ông hoa lên. Đầu ông nhức nhối. Hàng ngàn con ve sầu chui vào hai lỗ tai ông kêu than rỉ rả.

 

Nga khóc chạy theo xin ông tha thứ. Nó ấn vào túi ông xấp tiền lớn. Ấý là khoản tiền trả công ông nuôi nấng ăn học. Ay là khoản cuộc đời bồi hoàn đức hạnh một kiếp người …

Ông thất thểu lê bước trên đường phố. Phía sau ông, con chó bécgiê kêu ông ổng như  muốn chào vĩnh biệt. Ông Dự cứ đi, không cần biết về đâu. Cho đến khi cái khát, cái đói, cái mệt cáo cấu cuống họng, cào cấu chân tay ông mới chịu dừng lại.

 

*

Người đàn bà đi cùng chuyến xe ngồi đó chờ ông. Họ lặng lẽ bên nhau như cặp tình nhân gặp gỡ buổi đầu. Họ lắng nghe tiếng huyên náo của thành phố. Tiếng cá quẫy trên mặt hồ Gươm.

- Bác vẫn nhớ giúp em chứ ?

Bà cất tiếng lào thào. Ông bối rối, ngác ngơ…

- Cảm ơn bác… Nhưng …  cháu đã... đi  từ sáng qua...

Người đàn bà khóc rấm rứt, thế mới đúng là đạo lý bác ạ! Nó giết những … ba mạng người !

 

Ông Dự không nói lời nào. Ông đứng dậy, trôi đi bập bềnh. Tiếng người đàn bà vẫn rầu rĩ bên tai ông. Chính em là kẻ có tội, bác ơi! Em mới là kẻ giết người! Em đã giết con trai của mình ! …/.

 

Tháng 11- 1991

Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2307
Ngày đăng: 16.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qua bờ bắc - Khôi Vũ
Người thứ 79 - Mai Tú Ân
Gã tử tù đáng yêu - Nguyễn Chính
Bến sông xưa - Nguyễn Lập Em
Phố người - Mang Viên Long
Lời của thác - Khôi Vũ
Em ở Tây hồ - Đỗ Ngọc Thạch
Nắng hanh vàng - Nguyễn Văn Ninh
Nghìn năm bia miệng - Nguyễn Chính
Những mảnh vỡ (13) - Nguyễn Thị Hậu