Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
720
116.602.356
 
Lê Đạt với những đối thoại về thơ
Trần Hoài Anh

1. Không phải ngẫu nhiên Paul Valéry tự nhận rằng: “ Những câu thơ của tôi đối với tôi chẳng có ích lợi gì trực tiếp, trừ phi gợi ra cho tôi những suy tưởng về nhà thơ”. Việc các nhà thơ vừa làm thơ vừa phát biểu những suy niệm của mình về thơ cũng là cách đối thoại với thơ. Bởi lẽ, những câu hỏi Thơ là gì? Nhà thơ là ai? Hành trình sáng tạo thơ như thế nào?... mãi mãi là những vấn đề thời sự luôn đặt ra với người làm thơ và những người yêu thơ. Vì vậy, những đối thoại của Lê Đạt về thơ thiết nghĩ vẫn là một vấn đề không những có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa về thực tiễn.

 

Biết bao nhà thơ cả đời luôn khao khát đi tìm bản thể thơ để trả lời câu hỏi thơ là gì!? Lê Đạt cũng vậy. Suốt cuộc đời dấn thân vì thơ, ông luôn đối thoại với thơ như đối thoại với tâm linh của mình. Thơ hiện hữu trong tâm thức ông không chỉ có những câu thơ đa nghĩa như một thứ “bóng chữ” mà còn có cả những ưu tư của ông về thơ. Với ông, thơ như một thứ đạo, một thứ tôn giáo, một thứ cơ duyên. Nói như Đặng Tiến: “Người đời ví thi nhân với kiếp tằm, Lê Đạt tự xem mình như một lá dâu, còn lại trơ gân, xác xơ thân xác”. (1)

 

Đi tìm sự đối thoại của Lê Đạt về thơ tức là đi tìm mối cơ duyên ấy của thi sĩ đối với thơ. Bởi theo ông, thơ là một nghề. Không những thế nó còn là một thứ nghiệp chướng không thể dứt bỏ được. “Không người làm thơ nào không phải trải qua những cơn tuyệt vọng muốn quẳng bút đi làm nghề khác cho nó khỏe. Nhưng thơ là một nghiệp, một tình yêu đắm đuối” (2)

 

Xuất phát từ quan niệm như thế nên Lê Đạt rất coi trọng sự sáng tạo của nghề thơ. Ông yêu cầu người làm thơ phải tận hiến cho thơ, phải chủ động “cày sâu cuốc bẩm” trên cánh đồng thơ để tìm thi hứng “Không nên thụ động thắp hương chờ mà phải chủ động gọi hứng đến. Công việc này đòi hỏi một kỷ luật nghiệt ngã, gian khổ”. (3) Song nghề thơ trong quan niệm của Lê Đạt không chỉ có gian khổ mà còn là một nghề “hơi bị nguy hiểm” mà sự nguy hiểm nhất theo ông đó là “tình trạng mà Rilke gọi là niềm “cô đơn không tận” của nghiệp thơ.” (4)

 

Thật vậy, cô đơn phải chăng là một yếu tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Không hít thở trong bầu khí quyển cô đơn ấy người nghệ sĩ không thể sáng tạo được những tác phẩm để đời. Bởi thế, Inrasara cho rằng sở dĩ ta chưa có những tác phẩm lớn vì người nghệ sĩ hiện thời “chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”. Cô đơn vì vậy, không chỉ là một phẩm chất sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn là một yếu tính của nghệ thuật. Bởi nói như Nguyên Sa: “Đó là một niềm cô độc kinh khủng. Nhưng đó cũng là sự cô đơn thiết yếu cho sáng tạo”. (5) Lao động nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng bao giờ cũng sáng tạo trong cô độc. Hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ luôn mang dấu ấn cá nhân. Điều đó không những thể hiện cá tính sáng tạo mà còn biểu lộ tài năng thi sĩ.

 

Thơ là một nghề nhưng là “nghề của bề sâu. Nghề thơ cũng như nghề giếng vậy, chỉ có đi sâu mới tìm ra nước”.(6) Lao động thơ là một thứ lao động “thầm lặng, chán nản, đơn độc, vất vả” (7); là “sự giằng xé căng thẳng”(8) từ trong sâu thẳm tâm thức của thi nhân. Trong quan niệm của Lê Đạt, lao động của nhà thơ chính là đào sâu, sáng tạo trên từng con chữ. Đối với ông chữ không chỉ đơn thuần là một kí hiệu giao tiếp mà như một sinh thể luôn cựa quậy, là một thứ mặc khải để thi nhân bộc lộ quan niệm nhân sinh của mình. Sự linh diệu của thơ bao giờ cũng hiển lộ ở chữ. Và sự linh diệu của chữ chính là sự linh diệu của thơ. Đây là phép biện chứng trong sáng tạo thơ ca. Vì thế, Lê Đạt đặt ra một yêu cầu rất nghiêm khắc đối với nhà thơ khi ông cho rằng: “ Nhà thơ không coi rẻ chữ như những vật vô tri vô giác, những công cụ quẳng đi khi đã hết tác dụng mà tôn trọng chữ như những sinh vật có hồn, lắng nghe tiếng nói của chữ và trò chuyện với chữ như những nhà ngoại cảm lắng nghe và trò chuyện với thế giới bên kia.” (9)

 

Không coi rẻ chữ, lắng nghe và trò chuyện với chữ, nghĩa là Lê Đạt đã đối thoại với thơ. Chữ trong thơ, vì thế đã trở thành người bạn tri âm của thi sĩ. Chọn lựa chữ, nghiêm khắc với chữ trong thơ cũng chính là sự chọn lựa của tình yêu và trách nhiệm với ngòi bút của mình. Đó là sự tôn trọng chính mình và tôn trọng người đọc. Vì theo Lê Đạt: “Với đa số chữ là tình nghĩa / Với nhà thơ chữ là tình yêu”. (10) Chính vì rất đề cao vai trò của chữ trong thơ mà ông đã xác quyết: “Một nhà thơ có kinh nghiệm là nhà thơ biết im lặng để nghe chữ phát biểu”. (11) Và ông rất tôn trọng sự “dân chủ” của chữ khi cho rằng: “Những tác phẩm thơ hay thường là kết quả sự cưỡng lại của chữ”. (12)

 

2. Lê Đạt là một trong không nhiều nhà thơ có quan niệm khá nghiêm khắc và đúng đắn về chữ trong thơ. Quan niệm ấy có thể có người cho là một thứ cực đoan hình thức. Nhưng trong một bối cảnh nào đó, khi khuynh hướng xã hội học dung tục đã lấn áp và nếu còn lấn áp cá tính sáng tạo của nhà thơ như nó đã từng xảy ra trong đời sống văn học dân tộc ở một thời chưa xa thì những ý kiến của ông về vai trò của chữ trong thơ vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề “cao trọng hóa” vai trò của chữ trong thơ không chỉ dừng ở quan niệm mang tính lý thuyết mà Lê Đạt còn ứng dụng trong quá trình sáng tạo thơ. Ông là nhà thơ luôn khắt khe với chính mình khi lựa chọn chữ. Ông tự nhận mình là “phu chữ”. Vì thế, trong quan niệm của Lê Đạt cá tính sáng tạo của nhà thơ bao giờ cũng gắn liền với việc chọn lựa chữ trong thơ. Ông cho rằng: “chữ bầu lên nhà thơ”, và “cái quan trọng nhất đối với người làm thơ không phải là những phút hân hoan thù tạc “văn mình vợ người” hay nhận hoa trên sàn diễn mà là những phút giây thầm lặng, chán nản, đơn độc và vất vả trên xới chữ”. (13) Và nhà thơ bao giờ cũng là người bộ hành cần mẫn dấn thân trên con đường chọn lựa “giữa nghĩa và hàm nghĩa, giữa chữ và bóng chữ”. (14) Hiện hữu của nhà thơ chính là hiện hữu của chữ trong thơ. Nhà thơ nếu không tạo ra được một “hành tinh” riêng về ngôn ngữ, nghĩa là anh ta đã tự đánh mất sự hiện hữu của mình. Và khi đó thơ anh chỉ là một “nấm mộ lạnh lẽo” trong nghĩa trang thơ. Chữ trong thơ, vì thế là một “nhãn hiệu cầu chứng” cho sự hiện tồn của thi nhân; là một trong những yếu tố quan trọng nhất nếu không nói là yếu tố quyết định tạo nên phong cách nhà thơ. Vũ trụ của mỗi nhà thơ được tạo nên từ những tinh tú của ngôn ngữ thơ mà ngôn ngữ thơ bao giờ cũng là hiện thân của chữ. Vì vậy, trong quan niệm của Lê Đạt, để khẳng định sự tồn sinh của mình “Người làm thơ tự trọng trên lĩnh vực ngôn ngữ phải bận tâm đến việc mở mang bờ cõi ngôn ngữ, tương tự một nhà bác học mở rộng bờ cõi của khoa học, đổi khác cách nhìn tự nhiên, khai khẩn những vùng mù của kiến thức”. (15) Và theo ông “chỉ nhà thơ có tiếng nói riêng” mới được coi là “nhà thơ đã trưởng thành”. (16)

 

Quan niệm về ngôn ngữ thơ của Lê Đạt có những điểm tương đồng với  Nguyên Sa. Bởi trong quan niệm của Nguyên Sa: “thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng. Làm văn xuôi, chữ không có sức mạnh ma quái như vậy(…) thi nhân là một thần linh nói một thứ chữ riêng mà thế nhân phải diễn tả dài dòng thô lậu”. (17) Thật vậy, ngôn ngữ thơ bao giờ cũng là sự vang vọng từ trong tâm cảm của thi nhân. Nói như Trần Nhựt Tân: “ Ngôn ngữ thơ ca là một ngôn ngữ có nội dung phản ảnh được dư vang nghệ thuật”. (18)

 

Xuất phát từ một quan niệm giá trị như thế nên trong tư duy thơ của mình, Lê Đạt xem chữ như một hệ qui chiếu để định vị nhà thơ và sự cách tân trong thơ. Làm thơ dù được coi là một công việc “sang trọng” nhưng Lê Đạt cho rằng: “Nhà thơ không phải là một chức vị suốt đời. Mỗi lần bắt đầu làm một bài thơ, nhà thơ lại phải trải qua sự bỏ phiếu tín nhiệm của chữ”.(19) Bởi lẽ, theo Lê Đạt: “con đường thơ là một chu kỳ mở. Không ai được vỗ ngực độc quyền chân lý cũng như tự cho phép mình nói tiếng nói cuối cùng”. (20)

 

Không chỉ trong thơ mà trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có lẽ không thể có tiếng nói cuối cùng về bất cứ vấn đề gì. Cuộc sống luôn vận động và phát triển. Mọi sự vật và hiện tượng trong cõi nhân sinh luôn biến đổi. Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng nước như một lời triết gia đã nói. Sự hiện hữu bao giờ cũng là sự hiện hữu của khoảnh khắc vô thường. Hiện hữu và hư vô là hai mặt của một quá trình biện chứng. Thơ cũng thế! Thơ bao giờ cũng hiện hữu trong hư vô và hư vô trong hiện hữu. Thế nên, khi bàn về tính hiện đại trong thơ Lê Đạt cho rằng: “Thơ không sống bằng phủ định loại trừ mà bằng khẳng định bổ sung. Không phải chỉ có một cách hiện đại mà có nhiều cách hiện đại. Không có một tổng công ty độc quyền phát hành tín phiếu hiện đại. Thơ hiện đại không phải một trường hợp phải khép kín. Mà một trường hợp phải mở”. (21) Và “Người làm thơ chơi những phép tu từ như một thứ bẫy vô thức. Anh ta sinh sự với ngữ nghĩa và ngữ pháp để tạo ra một sự sinh mới cho thơ”. (22)

Hành trình sáng tạo của mỗi nhà thơ luôn gắn với hoàn cảnh và số phận của mỗi người. Vì theo Lê Đạt: “Con đường thơ gồm nhiều con đường riêng rất khác nhau của từng người. Không có đại lộ chung một chiều cho tất cả. Ta có thể nói con đường thơ chính là số phận của một nhà thơ”. (23) Chính vì thế, khi bàn về thơ hay, Lê Đạt đã có một ý tưởng khá độc đáo và lý thú. Ông cho rằng: “Những câu thơ hay đều kỳ ngộ, nhưng là kỳ ngộ kết quả của một thành tâm kiên trì, một đa mang đắm đuối làm động lòng quỉ thần, chứ không phải may rủi đơn thuần.

Làm thơ không phải đánh quả. Và không ai trúng số độc đắc suốt đời”. (24)

 

Thật vậy, “trúng số độc đắc” đã là điều mầu nhiệm, và không thể có sự mầu nhiệm suốt đời. Làm được những câu thơ hay trong quan niệm của Lê Đạt là một phép mầu như “trúng số độc đắc”. Sự so sánh tưởng chừng giản đơn nầy đã hàm chứa trong đó sự tôn vinh những giá trị cao cả của thơ. Rõ ràng, không có những sự thăng hoa diệu kỳ trong sáng tạo thì không thể có những câu thơ hay. Sáng tạo thơ bao giờ cũng là sự ám ảnh của vô thức và tâm linh. Đi vào thế giới của thơ là đi vào thế giới của những ảo diệu, của mặc khải để người nghệ sĩ thể hiện những dự phóng sáng tạo của mình. Vì thế, khi bàn về sự nối tiếp giữa các thế hệ trong sáng tạo thi ca, Lê Đạt cũng thể hiện một quan niệm riêng của mình mà ở đó “chữ” trong thơ luôn là một chuẩn giá trị để ông khẳng định tài năng của nhà thơ. Theo ông: “Cái trẻ, cái già của nhà thơ quyết định không phải do ở tuổi đời, mà ở nội lực chữ”. (25) Và “phần lớn các nhà thơ “trẻ” đều bắt đầu “già” vì thường nghĩ và nói lại những điều đã học được của người xưa. Nhà thơ tự trọng phải phấn đấu gian khổ để tạo cho mình một “ngôn ngữ riêng”. Và chỉ khi bắt đầu có một ngôn ngữ riêng nhà thơ mới thật sự trở thành trẻ”. (26)

 

Như vậy, trong quan niệm của Lê Đạt không thể có nhà thơ trẻ hoặc già mà chỉ có nhà thơ luôn tạo cho mình một “nội lực chữ” để tạo cho mình một thế giới “ngôn ngữ riêng”. Và chính thế giới “ngôn ngữ riêng” nầy sẽ làm nên một hệ giá trị trong vũ trụ thơ của thi nhân. Nó khẳng định sự hiện tồn của nhà thơ trong tâm thức người đọc cũng như định vị tư cách nhà thơ  trên thi đàn. Thơ luôn “chống lại nguy cơ sa mạc hoá của tâm cảnh”. (27) Và khi nào nhà thơ không để cho tâm cảnh của mình bị sa mạc hoá, lúc đó nhà thơ mới có cái nhìn linh động về cuộc sống và khi đó thế giới ngôn ngữ của nhà thơ mới phong phú và linh động. Vì vậy, theo Tô Thuỳ Yên: “Nhiệm vụ người làm thơ là bơm chất máu của sự sống thời đại vào ngôn ngữ có vẻ đã khô héo”. (28) Bởi vì “trong thơ chẳng có chi đáng nói bằng sự khôn tả, vì thế người ta trông cậy nhiều vào sự ngụ ý lẫn sau các dòng chữ” (P. Reverdy).

 

3. Nhà thơ Phùng Quán đã từng tâm niệm: “ Có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!”. Thơ là gì mà có sức mạnh diệu kỳ đến thế!? Câu trả lời sẽ đến với mỗi chúng ta từ sự nghiệm sinh của chính mình. Thơ là thơ nhưng thơ cũng chính là cuộc đời. Vì vậy, qua những đối thoại của Lê Đạt về thơ ta thấy được những quan niệm của ông về cuộc sống và con người. Đó là những khát vọng về dân chủ, về tự do, về chân lý, về sự khẳng định nhân vị con người.

 

Là một nhà thơ luôn đề cao cá tính sáng tạo, với những trải nghiệm của mình, Lê Đạt muốn đối thoại với thơ để khám phá bản thể của thơ. Đó cũng là cách để ông đối thoại với đời và khám phá bản thể con người. Và qua những đối thoại của ông về thơ, ta thấy trong quan niệm của Lê Đạt: “ Thơ là chóp của kim tự tháp văn hoá”. (29) Nghĩa là thơ đã trở thành một đỉnh cao văn hóa loài người. Vì thế, theo ông: “một nền thơ lành mạnh sống động không thể không luôn đổi mới. Đổi mới là lội ngược dòng suy thoái. Đổi mới là tạo ra một entropi âm, nó chính là sinh tố cải lão hoàn đồng của trí tuệ”. (30) Vì vậy, những đối thoại về thơ của Lê Đạt sẽ góp phần gợi thức cho chúng ta trong việc nhận diện khuôn mặt thơ hôm nay, nhằm cách tân nền thơ ca dân tộc, hướng đến một xã hội nhân văn. Vì nói như Lê Đạt: “Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn…” (31)

 

Và việc tìm đến với bản thể thơ cũng chính là tìm về những giá trị văn hoá mà trong đó cái đẹp bao giờ cũng được tôn vinh như một biểu tượng của sự bất tử trong cõi nhân sinh vốn đầy giới hạn và bất an này. Bởi theo Lê Đạt: “Thơ là một cố gắng về mỹ học cũng là một cố gắng về đạo đức học”. (32) Và thơ hay bao giờ cũng là hiện thân của cái đẹp. Vì vậy, nó sẽ góp phần cứu rỗi nhân loại này.

 

Chú thích:

(1). Đặng Tiến, Thơ thi pháp và chân dung, Nxb Phụ nữ, H, 2009, tr.315

(2)(3)(4)(7)(8) (9) (13) (14) (16) (19) (20) (21) (23) (24) (25) (26) (29) (30) (31) Lê Đạt, Đối thoại với đời và thơ, Nxb Trẻ, 2008, tr. 143,140, 142, 149, 136, 131,149, 136, 135, 163, 119, 107, 119, 117,118, 124,140, 106, 115

(5) Nguyên Sa, “Sự cô độc thiết yếu”, Sáng Tạo số 5/1958, tr.76

(6) Chế Lan Viên, Suy nghĩ và bình luận, Nxb Văn học, H,1960, tr. 215

 (10) (11) (12) (15) (22) (27) (32) Lê Đạt,  Đường chữ, Nxb Hội Nhà văn, H, 2009, tr.419, 395, 402, 494, 627, 568, 496, 573.

(17) Nguyên Sa “Trả lời phỏng vấn của Thượng sĩ, Phan Kim Thịnh và Vũ Bằng”, Văn học số 99/1969, tr.8

(18) Trần Nhựt Tân, Dư vang nghệ thuật, Nxb Hạnh, SG, 1971, tr 81

(28) Nhiều tác giả, Thảo luận về Văn nghệ tiền chiến, về Nhân vật trong tiểu thuyết, về Thơ, Nxb Sáng Tạo, SG, 1965,  tr. 134

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 14793
Ngày đăng: 17.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Inrasara trong Hành Trình Cách Tân Thơ Việt - Lê Thị Việt Hà
Mảnh hồn làng trong thơ Tế Hanh - Trần Hoài Anh
Hành trình khám phá mékong : Mô hình du lỊch cho Đồng bằng sông cửu long - Đinh Văn Hạnh
Charter for Compassion: Hiến chương Nhân ái - Nhiều Tác Giả
Quá trình tiếp nhận EDGAR ALLAN POE - Nhìn từ bức tranh dịch thuật - Hoàng Kim Oanh
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải -Phần 7. - Sam Harris
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải : Lời bạt - Sam Harris
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải- Phần 5. - Sam Harris
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải- Phần 6. - Sam Harris
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải -Phần 3 - Sam Harris
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)