Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
501
115.870.176
 
Hoang tưởng
Phạm Hồng Danh

Buổi sáng  ảm đạm, mưa lất phất. Đoàn người dài bước đi chầm chậm. Những hạt mưa làm dịu nỗi đau buồn. Một nhà văn nổi tiếng vừa qua đời, ở độ tuổi 43, khi mà tài năng, sức sáng tạo và kinh nghiệm đang độ chín “Cái chết của anh là một mất mát lớn” - hầu như các báo trong nước đều có những dòng thương tiếc anh.  

Anh là bạn thân của tôi. Bao nhiêu điều anh hứa với tôi còn dang dở. Nỗi đau của tôi lớn hơn cỗ quan tài, lớn hơn những vòng hoa. Những người phụ nữ đưa đám anh đều khóc. Có một người không khóc - vợ anh. Chị bước xiêu vẹo trên đôi chân tật nguyền. Khuôn mặt đẹp một cách hoang dại, vẫn thanh thản như không có điều gì xảy ra. Có phải chị đã đau khổ đến nỗi không khóc được? Có phải nỗi buồn không cần đóng dấu bằng nước mắt? Có phải chị vô cùng đau đớn, và không có ranh giới giữa những cái vô cùng? 

Chị không khóc vì chị không giống những người khác - chị là vợ, và  những  người  khác  là  bạn.  Chị  đã yêu anh hơn tất cả, và tình yêu đó không thể biểu hiện bằng bất cứ hình thức gì? Có phải chị đã nhìn anh trong cuộc đời thực, còn những người khác đến với anh qua tác phẩm của anh? 

Tuần lễ sau, tôi đến thăm chị. Người ta đã đưa chị vào bệnh viện tâm thần với bệnh án “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”. Buổi chiều sau giờ làm việc tôi đến thăm chị, hỏi han một đôi câu và ngồi nhìn khuôn mặt dài dại của chị. Tôi muốn là họa sĩ để vẽ lại khuôn mặt này, một khuôn mặt hài hòa tất cả mọi thứ của cuộc sống. Khuôn mặt của một người đã nếm trải đến tột đỉnh hạnh phúc và tận cùng khổ đau. Nét hân hoan mãn nguyện, sự dằn vặt khôn cùng phảng phất và quyện lẫn vào nhau trên khuôn mặt đó. 

Ghé thăm chị vào mỗi buổi chiều đã thành thói quen của tôi. Thời gian cứ qua, và tôi không còn để ý nhiều đến ngày tháng. Có lần chị nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi: “Hình như anh yêu tôi?”. Tôi đáp: “Không. Có lẽ chị đã lầm” mà không cần suy nghĩ. Song tôi đã suy nghĩ nhiều...

Tôi yêu chị từ lâu, khi bạn tôi còn sống. Yêu một người đàn bà có chồng là có tội? Nhưng tôi lặng lẽ yêu, như yêu một nhánh hoa trong sân nhà người khác, không bao giờ nói. Chỉ nghĩ. Không nói và không làm là vô tội? Có luật pháp nào buộc tội những ý nghĩ vô hình?... Có phải tôi lãng mạn không thực tế? Không. Cái chính là tôi cảm thấy hạnh phúc, và hạnh phúc của tôi không mất mát gì cho ai? 

Chị nhìn tôi mỉm cười tự tin. Tôi đọc thấy trong đó câu nói: 

“-Đừng vờ vĩnh nữa cậu bé, tôi biết cả rồi”. 

Thời gian đủ lâu để tôi có thể hỏi chị “-Chị có thể kể về cuộc sống của chị và anh ấy?”. Chị ngồi im, đôi mắt hoang dã, thênh thang như rừng chiều. Đôi mắt chị bao giờ cũng ướt, nhưng có lẽ không bao giờ chị còn khóc nữa? Tôi tưởng chừng như không chịu đựng nổi sự im lặng mênh mông, kéo dài lê thê ấy. 

Đột nhiên chị nói: 

“Tôi sống như thế nào à? Tôi sống như một con thú bị thương. Tôi kiệt sức trước cuộc đời, trước những nỗi đau. Tôi đã cố sống ngay khi cuộc đời tưởng chừng không chịu đựng được. Tôi đã sống cuộc sống giả, câm lặng chịu đựng, mỉm cười với cuộc đời khi lòng mình chua chát. 

Tôi yêu chồng tôi, tôi yêu tôi. Danh dự và uy tín chồng tôi là của tôi. Tôi cũng yêu con người, nhưng tôi đã lừa dối con người. Tôi muốn gào thét lên sự thật -dù chỉ gào thét với riêng tôi. 

Ba tôi mất sớm, để lại cho hai mẹ con một gia tài khá lớn. Về sau cũng chẳng còn gì ngoài ngôi nhà đồ sộ. Tôi và Lan học chung với anh ấy ở đại học. Anh ấy và Lan yêu nhau suốt 5 năm. Ra  trường  họ  chia  tay.   

Lan mất tích. Sau đó anh đến với tôi và nói: “Họ không hợp nhau. Lan không biết sống và yêu hết mình”.  Anh  dạy tôi biết sống và biết yêu. Tôi yêu anh. Má tôi không bằng lòng tôi lấy anh. Có lẽ má tôi linh cảm rằng nếu lấy con người hào hoa và ngọt ngào ấy đời tôi sẽ khổ. Những ngày chưa là vợ, tôi vô cùng hạnh phúc khi ở bên anh. Vì thương mẹ, tôi từ chối làm vợ anh. Anh nắm tay tôi, ứa nước mắt và đòi chết. Thương tôi, mẹ đồng ý. Một năm sau ngày cưới mẹ tôi mất. Bây giờ, nhìn những cô gái khóc trong đám tang, tôi nhớ hình ảnh mẹ tôi còm cõi, buồn phiền khi tôi đi chơi với anh về khuya. Chắc những cô gái ấy cũng có một người mẹ như tôi. 

Tôi nhớ đến Lan - mối tình đầu của anh ấy. Sau này tôi biết rằng dù Lan mất tích, nhưng mãi mãi Lan như một bóng ma ám ảnh trong tâm trí anh. Vài năm sau anh trở thành một nhà văn nổi tiếng. Anh diễn đạt một cách sâu sắc nỗi đau khổ của con người, của những số phận nghiệt ngã. Văn của anh có thể xoa dịu nỗi đau nhưng anh không xoa dịu nỗi đau của tôi. 

Anh sống với tôi trần trụi, thô lỗ. Anh nói anh vô cùng cay đắng vì thiếu tiền. Ba anh tự tử vì nghèo. Má anh chết, anh phải bán chiếc xe đạp duy nhất để góp thêm tiền mua quan tài. Và cũng vì thiếu tiền mà anh phải học cùng lớp với tôi, khi anh lớn hơn tôi mười tuổi. Anh nói anh đến với tôi vì tiền. Anh yêu tôi sau  khi  yêu  tiền.  Anh quan sát căn nhà tôi hơn quan tâm đến tôi. Anh đã bán căn nhà của tôi 50 cây vàng để mua lại căn nhà 10 cây. Số vàng còn lại anh dùng để xuất bản sách kiếm lời. Không tiền, anh dùng thời gian để kiếm tiền; có tiền anh dùng tiền để làm ra tiền, để tạo thêm những mối quan hệ và để lót đường bước lên địa vị cao hơn, anh đã dùng tiền, một chút gian ngoa và chút ít tài năng để leo lên chức tổng biên tập tờ báo Z, rồi được bầu làm chủ tịch Hội Nhà văn thành phố A. 

Anh hẹn đưa tôi đi xem phim hàng trăm lần, nhưng bao giờ cũng có trở ngại đột xuất - một người có tên tuổi mời cơm anh, hay anh phải tiếp một nhân vật quan trọng. Khi anh hẹn, tôi chăm chút sửa soạn và chờ đợi. Đến giờ, anh trả lời bận không đi được. Những lần đầu tôi đau đớn, khổ sở, nhưng rồi cũng quen đi. Cái gì mà con người không quen được, kể cả thói quen phạm tội hoặc quen chịu đựng nỗi đau? Có lần ngồi xem ti-vi bên tôi, một ông chủ tịch hay giám đốc nào đó đang phát biểu, anh nói: anh đã dùng cơm với anh ta hai lần. Tôi chua chát : anh đã dùng cơm với tôi hàng trăm lần sao anh không kể ?! 

Tôi sống lặng lẽ bên anh như chiếc bóng. Không hiểu anh có biết nội tâm tôi đầy sóng gió? Làm sao anh hiểu được nỗi đau của người phụ nữ tật nguyền, phải cô đơn từ sáng đến khuya, từ ngày này sang ngày khác?   

Những lần tôi khóc, anh không hỏi tại sao. Có thể anh hiểu vì sao tôi khóc, hoặc anh không cần biết tại sao. Anh dửng dưng trước khát vọng  và hạnh phúc nhỏ bé của tôi. Anh chà đạp lên tình yêu của một người sẵn lòng sống chết với anh đến chút hơi sức cuối cùng, để chạy theo những danh vọng hào nhoáng. Có phải danh vọng, đồng tiền là mãnh lực làm người ta quên đi nhiều thứ - cha mẹ, vợ con, bạn bè...? Anh có khả năng sống với nhiều khuôn mặt. Bên tôi, anh luôn luôn có bộ mặt bơ phờ, mỏi mệt, đầy dằn vặt. Khi tiếp xúc với người nào đó, lập tức anh mỉm cười tươi tỉnh, bình thản và tự tin, dù trước đó một giây anh khác hẳn. Anh cuốn hút người khác bằng nụ cười tươi tắn, cởi mở; bằng cái nhìn thân ái; bằng giọng nói trầm ấm; bằng những câu khéo léo, đúng lúc. Mọi người đều bị anh thuyết phục bằng những lý luận có tình, có lý, những câu chuyện hấp dẫn, sinh động. Khi nói chuyện với anh, người ta dễ ảo tưởng rằng anh là chỗ dựa vững chắc cho đời họ, anh có thể giúp đỡ cho họ bất cứ điều gì khi họ cần. Anh làm cho họ nghĩ rằng có thể bám víu vào anh khi tuyệt vọng. Trước đó có nghe ai nói xấu về anh, thì khi gặp anh những ý nghĩ xấu sẽ tan biến đi. Đặc biệt, anh có đôi mắt si dại khi ngắm nhìn sự vật. Những phụ nữ gặp đôi mắt đó cứ nghĩ anh say vì họ mà đặt niềm tin vào anh. 

Anh cho rằng con người có một cái quyền mà không dám sử dụng - đó là quyền  được  làm  thú,  được sống như một con thú. Còn anh, anh sẵn sàng làm con thú mặc áo người, vì con người có hơn gì những con thú đâu? Trí tuệ, tâm linh, suy tư, văn hóa, lương tâm, tình yêu... tất cả những thứ đó chỉ là vật trang sức, để con người ảo tưởng và tự hào lố bịch mình hơn con thú, mình cao quí!? Có phải con người đã giành giựt nhau khéo léo, lừa bịp nhau tinh vi? Có phải ai cũng muốn giành về phần mình những sản phẩm nguyên vẹn, nhường những rạn nứt cho đồng loại? 

Anh sẵn sàng mỉm cười với người anh thù ghét. Anh nói: người ta có thể nuôi, vuốt ve một con rắn độc, rồi dùng nọc và xương của nó ngâm thuốc. Phải có bản lĩnh sử dụng rắn, dù rắn độc. Phải biết dùng người, dù người xấu.

Anh phát biểu như một chính khách giàu lòng ái quốc, giàu lòng nhân đạo trong các cuộc họp. Anh dùng tiền để mua chuộc những người thực tế, dùng tình cảm với người đa cảm, dùng áp lực và đe dọa những người sợ bạo lực, dùng thư nặc danh để làm giảm uy tín đối thủ. Chính tay tôi đã đánh máy cho anh những lá thư đó. Tôi nghĩ là xấu, nhưng tôi không dám làm trái ý anh. 

Có những lần anh ngồi lặng lẽ suốt ba giờ để nghe những lời đay nghiến của tôi. Khuôn mặt anh đanh lại, nếp nhăn trên trán, trên đuôi mắt và trên khoé miệng sâu hơn. Tôi biết anh đau khổ, biết  anh  dằn  vặt mà vẫn nói, bởi vì tôi đau đớn hơn anh. Tôi tội nghiệp anh, tội nghiệp tôi. Tôi biết anh chẳng hạnh phúc gì khi bủa vây đời mình bằng sự giả dối, lo toan, thủ đoạn. Hình như mọi người đều bị nô lệ một điều gì đó - tiền, nhục dục, tình yêu, danh vọng ...Người nhiều tham vọng đáng trách, nhưng cũng đáng thương. Họ đã bị tham vọng sai khiến đến khổ sở, điên cuồng. 

Giữa cái giả dối ngọt ngào và sự thật trần trụi, tôi chưa biết chọn cái nào. Anh đã chọn dùm tôi. Anh dành riêng cho tôi lối cư xử trần trụi, thô lỗ - vì tôi là vợ. Anh nói anh tế nhị với mọi người mà không thể tế nhị với chính bản thân anh, và anh với tôi là một. Nhưng làm sao một được khi anh từ chối mang theo tôi trong công việc, trong các cuộc vui của anh? Làm sao là một khi anh đang đấu hót trong một nhà hàng nào đó, còn tôi vẫn một mình trong căn nhà trống trải - căn nhà dành để anh quay về khi mỏi mệt. Nhưng tôi thấy thương anh trong những cơn vật vã khi anh đi nhậu về khuya, say khướt, ói mửa, đau đớn. Có lẽ anh chẳng vui thú gì trong những bữa tiệc đầy tính ngoại giao ấy!? 

Số người ngưỡng mộ anh khá nhiều. Ngày nào cũng có người đến tặng quà. Anh chưa bao giờ từ chối món quà nào, và hầu như chẳng bao giờ anh để lại cho anh. Anh suy nghĩ tính toán nên tặng quà ấy cho ai. Dĩ nhiên anh sẽ tặng cho những người liên quan đến công việc làm ăn, những người có thể củng cố địa vị cho  anh. Anh đã cho tôi nhìn thấy tận cùng của sự bỉ ổi. Anh luôn nói những điều cao thượng, mà bề trái là những toan tính vị kỷ. Anh làm tôi nghi ngờ cả loài người. 

Có phải tất cả mọi người đều sống cho cái tôi của mình? Người ta xây dựng, hy sinh, làm nghệ thuật... có phải chỉ để thoả mãn cái khát vọng cao thượng nào đó của mình, để cảm thấy hạnh phúc và không cô đơn? 

Con người chạy trốn mình đủ kiểu đủ cách. Có lúc yêu thương, hy sinh làm người ta đau khổ. Nhưng người ta vẫn yêu, vẫn hy sinh; vì nếu không họ sẽ nhận một đau khổ khác lớn hơn. Bản năng yếu đuối, vị kỷ, đã xui khiến người ta chọn nỗi đau khổ nhỏ hơn. 

Đôi lúc tôi tưởng mình không chịu nổi sự tàn nhẫn của anh - sự tàn nhẫn khốc liệt, che đậy bằng hình thức tao nhã. Tôi vừa yêu anh, vừa căm ghét anh. Tôi muốn giết anh, nhưng anh không thể chết trong tôi. Hình ảnh anh, tính cách anh, nỗi đau khổ của anh, sự gian ngoan của anh đã thấm vào máu tôi! 

Bây giờ tôi không khóc được nữa. Đã nhiều lần tôi bỏ nhà tìm đến một bờ sông vắng ngồi khóc cả ngày. Tôi mơ hồ cảm nhận rằng, ở tột đỉnh nhân hậu hay tận cùng khổ đau, người ta khám phá ra nhiều điều mới lạ. Tôi nói: “Tôi hối hận vì đã lấy anh”. Anh đáp: “Đời mà, ai trả cao hơn người ấy được! Tôi đã trả giá tình yêu của em bằng những giọt nước mắt, em tưởng nó có giá trị.  Nhưng  đó  chỉ  là  những  giọt  nước  mắt  rẻ tiền,  nước mắt của lòng tự ái bị thương, của ước muốn vuột ngoài tầm tay”. 

Về sau tôi không dám nói nhiều với anh, vì khi tôi nói anh lạnh lùng bảo rằng: “Anh tởm lợm nhất đời là những lời lải nhải, cằn nhằn của người đàn bà chỉ vì ghen tuông, ích kỷ. Càng nói nhiều về mình, thì sự hèn mọn càng biểu hiện rõ nét”. Tôi nói: “Thiếu một tấm lòng làm sao anh thành nhà văn được?”. Anh bảo: “Tấm lòng không phải dành cho những người hạ đẳng, ích kỷ, ti tiện, luôn kêu gào và đòi hỏi cho riêng mình. Tại sao cô giận tôi? Có phải cái tôi của cô bị đụng chạm? Nếu khéo léo dẹp cái tôi dơ bẩn của mình đi, thì cuộc sống dễ thở hơn”. Tôi hỏi: “Còn cái tôi to tổ bố của anh thì sao?”. Anh đáp: “Tôi chắt bóp gian dối. Nhưng tôi đâu có đụng chạm ai? Tôi đâu có kêu gào van xin lòng nhân đạo của người khác dành cho tôi? Tôi làm việc cật lực, tôi viết những tác phẩm được nhiều người yêu thích. Tôi lấy của cuộc sống mười, thì chia cho thiên hạ năm”. 

Vâng, anh luôn có những tác phẩm mới. Không phải chỉ ở vốn sống phong phú và khả năng cảm nhận độc đáo, mà còn ở khả năng ăn cắp, chế biến và tổng hợp. Trong số bài không đăng được của các cộng tác viên, mỗi bài anh ăn cắp một ý hay nhất, mới nhất làm của riêng mình. Anh biết cách gom góp những chất liệu trong tư duy người khác. Anh cho rằng: họ có  những  tư duy lấy từ cuộc sống, anh lấy lại của họ, đó là quy luật. Anh nói: nếu anh không đãi cát tìm vàng trong những tác phẩm non nớt ấy, chúng cũng vứt sọt rác. Ngoài ra, anh còn biết ăn cắp tinh vi và chế biến khéo léo trong những tác phẩm nước ngoài nổi tiếng mà khó ai nhận ra. Anh cho rằng những người giàu có là những người biết lấy cắp khéo léo, lấy cắp mà mọi người không thể buộc tội và phải cảm ơn... 

Hằng ngày bên gường bệnh của anh tấp nập khách khứa, đặc biệt là những cô gái trẻ. Anh chết lúc gần 12 giờ khuya, nên bên anh chỉ có bác sĩ trực và tôi. Lúc anh hấp hối, những giọt nước mắt ứa ra trong mắt anh - lần thứ hai tôi thấy anh khóc. Anh nói: “Anh đã sống một đời sống giả, làm những công việc giả và vui những niềm vui giả”. Anh cảm ơn tôi đã yêu anh hết lòng và xin tôi tha thứ cho anh. Nhưng tình yêu đâu cần lời cảm ơn, và nỗi đau có thể nào xin lỗi? Anh sống với tôi như một con thú bên cạnh một con thú. Suốt một đời anh làm tôi đau đớn, rồi đền bù bằng những lời xin lỗi suông. Không có sự quân bình khi đặt lên bàn cân những lỗi lầm to tướng và vài câu xin lỗi nhẹ nhàng. Tôi không tha thứ!!. 

Anh mất đi tôi còn lại gì? Một đứa con cũng không. Tôi không có con, vì  anh  bệnh  vô  sinh.  Những kẻ nhiều tham vọng thường sẽ phải trả giá cho những tham vọng đó. Nhưng anh, anh chưa phải trả giá!? 

Anh đã sống một đời vinh quang và chết trong huy hoàng. Anh không ngờ người ta có thể đào bới  lịch sử, có thể trả thù một người ngay khi họ đã chết. Nếu người chết có linh hồn, thì linh hồn anh sẽ đau đớn, vì tôi đã kể những điều thô bỉ của anh. Tôi yêu anh vô lượng và hận anh vô cùng. Tôi đã sống cho anh khi anh còn sống. Bây giờ tôi trả thù anh khi anh đã chết. Có thể tôi hèn, nhưng đó là giá mà anh phải trả. Và chính anh cũng đã dạy tôi: “Một bản lĩnh của con người là biết mình hèn, nhưng vẫn can đảm sống”. 

Chị lại ngồi im. Khuôn mặt đờ đẫn, mệt mỏi như vừa trút hết sức lực. Một chút tần ngần của một người chưa thật điên, chị đưa tôi lá thư và nói: “Đây là một trong những lá thư mà chồng tôi đã viết khi từ biệt những cô nhân tình bé nhỏ”. Tôi mở lá thư  và đọc: 

“T. thân yêu, 

Tôi viết cho em bằng những rung động thật thà nhất của một trái tim đã chai lạnh. Có thể  không bao giờ tôi còn nghĩ về em và thương em như hôm nay. Nhưng mãi mãi em vẫn sống trong tôi như hình ảnh một giấc mơ tuyệt đẹp. 

Chúng ta sống với nhau thật trọn vẹn. Tôi đã sống với em bằng tất cả tấm lòng chân thật còn sót lại của một cuộc đời đầy bụi bặm. Tôi không dám đòi hỏi gì  hơn ở em. Tại sao tôi lại đòi hỏi em những điều em không  có; và em lại đòi hỏi tôi những điều tôi không có, để làm gì? Chia tay với em tôi mới hiểu tôi thương em chừng nào. Tôi cảm nhận rằng tôi hiểu em, hiểu sự im lặng, hiểu cái mím môi, hiểu cái nhìn mông lung của em. Khuôn mặt em đã gợi cho tôi những suy tư sâu xa về cái đẹp,về khát vọng;  đánh thức trong tôi những rung cảm dịu dàng. T. ơi! Tôi gọi tên em hằng trăm lần. Em có nghe không? Vâng. Trong giấc mơ nào đó, em đã gặp tôi, hiểu tôi và sống cho tôi.  Còn trong cuộc đời thực này, chúng ta không đủ sức bước qua những giới hạn tầm thường. 

Tôi cảm ơn em, cảm ơn người, cảm ơn cuộc đời đã mang đến cho tôi nhiều quá, nhưng đời cứ giằng xé tim tôi. Tại sao cuộc sống lại cho tôi gặp em, rồi tôi lại để em lủi thủi một mình trên con đường của em? Giá gì tôi có thể chia sẻ với em, với công việc của em, nỗi buồn của em. 

Mình sẽ không còn là của nhau. Nhưng hình như mình sinh ra để dành cho nhau. Một lần nữa tôi muốn cảm ơn, cảm ơn những hạnh phúc em đã chắt chiu mang đến cho tôi. Những món nợ tình suốt đời tôi không trả hết, để  khi nhắm mắt tôi còn uất nghẹn. T. ơi, tôi thương em mà tôi cứ muốn xa em. Khi xa em, tôi lại thấy đau lòng. Nghĩ đến ngày mai em thuộc về một người nào đó, tôi chợt thấy ngậm ngùi. 

Ai sẽ hiểu và thương em hơn tôi? Ai sẽ nhận chân giá trị của em, cảm nhận sự tế  nhị,  sâu  sắc  trong tâm hồn em và đồng cảm cùng em? Có những vì sao không bao giờ với tới, những hạnh phúc không bao giờ đạt được. Chúng ta sẽ phải đứng ở hai góc đời riêng biệt, nhớ về nhau mà xót xa 

“ Sao không là của tôi
Bàn tay người đã một thời giá lạnh
Sao xa người lại là điều bất hạnh.” 

Có thể một ngày nào đó tôi sẽ bỏ hết mọi điều để chỉ ngồi nghĩ về em, về những hạnh phúc thoáng qua. Em đã hâm nóng tấm lòng băng hoại của tôi bằng chính nội tâm phong phú của mình. Tôi muốn lặng im suốt đời, để em còn đó mãi mãi trong trí tưởng của tôi, dịu dàng, mảnh khảnh như cánh hoa bé nhỏ. 

Đời sống không cùng và chúng ta cứ lê mãi bước chân trên cuộc hành trình đơn độc. Tôi thương em, em thương tôi, nhưng không phải khi người ta thương nhau là có thể sống cho nhau và đi bên nhau đến cùng trời cuối biển. Yêu nhau và nghĩ về nhau bao giờ cũng dễ hơn là sống cho nhau. 

Hãy chấp nhận chia ly như chấp nhận số phận.
Hãy chấp nhận đau khổ như đã từng hài lòng về hạnh phúc. 

Tôi sẽ mỉm cười khi nghĩ rằng em vẫn hạnh phúc và yên vui trong một góc đời không có tôi dự phần. Đời dạy tôi đừng  ích  kỷ,  đừng  cố  gắng  giữ  lại  cho  mình những gì nguyên vẹn. Trái tim bé nhỏ của tôi không chứa nổi một tình yêu lớn, nên suốt đời tôi là người chạy trốn. Hơn nữa, có bao giờ tôi dám sống, dám giữ lại tình yêu bằng tất cả sức lực, tất cả máu thịt của mình? 

Trong một giấc mơ, tôi đã thấy em và tôi lơ ngơ như hai kẻ lạc đường rồi chết đi đơn độc. Lời trối trăn dành riêng cho nhau chưa kịp nói để ấm ức mang theo vào cõi vô cùng. 

Tôi ngỡ tôi gặp em quá muộn. Nhưng không! Chính độ tuổi này tôi mới đủ lớn để nhận ra em, để hiểu mình và để hiểu em. Nhưng tôi thương em không bằng tôi thương tôi. Vết rạn nứt nhỏ nhoi xé lòng nhau tan nát. Cuộc chia ly thật sự sẽ không có lời giã biệt.Sao tôi muốn nói với em  lời từ biệt.Có phải tôi muốn níu kéo thời gian? Có phải tôi đã sống không đúng với con người thật của mình? Và có phải đây là lần cuối cùng để tôi dẹp tất cả những gì gọi là tự trọng và nói lời xin lỗi em? Tôi đã có lỗi với em. Tôi đã không giữ nổi cho em chút hạnh phúc đơn sơ, bình dị. Em đừng tha thứ cho tôi. Hãy nguyền rủa tôi như nguyền rủa một kẻ khiếp nhược, không giữ nổi cho mình và cho người một tình cảm thiêng liêng. 

Có phải thời gian sẽ mang mọi thứ trôi xa như mây trời bềnh bồng, để lại gánh nặng kỷ niệm trên đôi vai con người? Tôi sẽ mang em theo trong ký ức, để nghe lòng ấm cúng và  thấm thía nỗi đọa đày!”. 

Đọc xong lá thư, đầu óc tôi rối mù trước những tồn tại khách quan đầy phức tạp và bí ẩn. Phải chăng những điều chị kể là hoang tưởng của một người điên? Hay câu chuyện này chính là đám tang thực sự dành cho anh - một nhà văn bất tử ?./.

 

Phạm Hồng Danh
Số lần đọc: 2585
Ngày đăng: 18.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gã Đớp - Minh Diện
Vòng đời bé nhỏ - Trần Quang Vinh
Qua bờ bắc - Khôi Vũ
Người thứ 79 - Mai Tú Ân
Gã tử tù đáng yêu - Nguyễn Chính
Bến sông xưa - Nguyễn Lập Em
Phố người - Mang Viên Long
Lời của thác - Khôi Vũ
Em ở Tây hồ - Đỗ Ngọc Thạch
Nắng hanh vàng - Nguyễn Văn Ninh
Cùng một tác giả
Hoang tưởng (truyện ngắn)
Những cô bạn cũ (truyện ngắn)