Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
467
115.868.514
 
Người bán bún
Dương Phượng Toại

Trong sương sớm, t xa tôi đã nhận ra bà với gánh bún trên vai, cái dáng nhỏ nhắn lao nhanh tất bật về phía trước. Thật rõ người vất vả. Tôi quen biết bà nhờ những cuốc đi bộ buổi sớm trên con đường qua cánh đồng lên bến đò Cam. Quê bà bên kia sông, vùng làng đồi An Trì, nơi có tiếng chuông nhà thờ chiều chiều buông thong thả vào không gian, cả mấy làng xung quanh cùng nghe thấy.

- Bá Hướng phải không? Sao thời gian qua không thấy bá đi chợ? Chúng em đã lo… Nói bá thông cảm… Tết mà thiếu bún của bá thì chả nem kém ngon!

- Cảm ơn cô chú… Chị vào chỗ thằng út trong Sài Gòn. Cháu lấy vợ… Khổ, ba mươi tuổi mới chịu “đeo gông”. Chúng nó cố giữ tôi ở lại. Nhưng ở thế nào được. Hơn tháng trời được đi khắp thành phố, ăn sung mặc sướng mà vẫn nhớ quê đến nẫu ruột.

- Bá lại nhớ gánh bún chứ gì?

- Chú chỉ cái nói đúng! Nhớ gánh bún. Nhớ nhà nhớ xóm, nhớ chị nhớ em. Lại về kẽo kẹt đi chợ sớm cho vui!

- Bảy mươi rồi mà bá còn khoẻ thật. Con cái đề huề, giàu có, đâu đến nỗi túng thiếu mà bá ham công tiếc việc cho nhọc? Vợ tôi nửa khen nửa can.

- Ôi dào… Thời a còng, con cái chúng nó bao nhiêu việc, bao nhiêu thứ phải lo, mỗi đứa một phận. Mình sao nỡ ngồi há miệng chờ sung? Với lại lấy công lấy việc vui khoẻ là chính. Ngồi nhà, bứt dứt chân tay… Vợ tôi bật cười thán phục:

- Công nhận bá thức thời. Em chả biết a còng là gì mà bá đi mấy ngày đã thấy đổi mới quá!

- Cũng phải đổi mới chứ cô! Báo đài người ta gọi lớp trẻ bây giờ là a còng rồi bẩy ích tám ích um ra đấy. Các cụ xưa chả dạy “đi một đàng học một sàng khôn” là gì! Khiêm tốn vậy chớ. Cô còn trẻ, hiểu hơn chị nhiều...

 

Chuyện dọc đường về chợ lại được dịp rôm rả. Quen miệng, bà thường xưng chị, chúng tôi gọi bá, như người trong nhà với nhau. Giọng bà giòn giã, sôi nổi, âm vực cao ríu rít như tiếng chim. Nghe ngoài, tưởng bà vô tư lắm. Nhưng qua những sớm đi bộ, chắp lại những mẩu chuyện như chắp những mảnh gương vỡ, tôi thấy bà là một người đàn bà sống nội tâm và đa cảm. Quá khứ cuộc đời bà đầy những buồn lo, những lặng thầm cực nhọc. Hình như bà sinh ra trên cõi đời này, thời xuân sắc là để gánh chịu, không biết gì đến may mắn. Sự gánh chịu ấy biến bà thành chỗ dựa, thành ngọn lửa ủ trong xó bếp cho mọi người ghé vào. Khổ cực đấy nhưng khuôn mặt dễ tươi cùng nụ cười lại như bông hoa súng gặp ánh nắng mai. Trời cho bà nhiều thứ: xinh giòn, tháo vát, hiền hậu, nhưng trời cũng hành bà đủ thứ. Sinh ra người đàn bà, Tạo hoá cho họ ít hạnh phúc quá. Đã thế lại bắt họ mang nặng đẻ đau, chịu đựng đủ vị mặn ngọt, chát đắng, chua cay trong sông đời chảy xiết. Người đàn bà phải vượt cạn để chứng minh mình là người không thể thiếu vắng trên thế gian này. Người đàn bà là hồn vía của những đứa con. Mỗi lần đẻ là mỗi lần nằm trước cửa miệng cái chết. Đứa con khúc dưới hụng mới biết mình sống. Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con. Mong sao chúng đừng ốm yếu, là tốt phúc.

- Cô chú ạ! Cái bận chị đẻ con Thài đầu lòng… Chiều hôm ấy ra giếng làng, vừa ghé vai nâng gánh nước lên thì nghe đánh ục bên dưới. Chị quẳng thùng, ngồi thụp xuống. Nước ối oá lênh láng. Con bé đã thòi loi thoi, oa oa ngay dưới đất. Mừng ơi là mừng! Chị được nước đẻ. Quen dạ, chửa đứa nào đẻ nhanh đứa ấy. Đầu xuôi đuôi lọt. Mau mắn như gà. Cấm có sai. Đứa nào cũng khoẻ mạnh, ăn uống tạp bạ như lũ bê đói gặp gì gặm nấy. Đấy còn là không được yêu. Chứ được yêu tha thiết, được tự do như các cô các chú bây giờ, chắc là phải đàn phải đống! Tên tuổi chúng nó, cô chú đừng cười. Thài, Lài, Sóng, Sánh, Nhanh, Tắp, Dặm, cu út là Vòng. Hồi ấy trạm xá bắt đặt vòng. Quái, đặt vòng mà thằng cu tý vẫn chui được qua. Đêm hôm đặc quánh như hũ nút, chồng vào mò mẫm, mặt chẳng thấy mũi mà vẫn chửa. Chửa thì phải đẻ, không hoãn được! Nếu ông ấy còn, chắc không Vèo thì cũng Tít nữa cho mà xem. “Trời sinh voi trời sinh cỏ” là dành cho cảnh nhà chị hay sao ấy? Nghèo, kéo lại được nết đẻ, nết nuôi, nên cũng đỡ cực, các em ạ! Đàn bà mà không sinh ra con cái cho nhà chồng là đàn bà đắc tội. Khổ mấy cũng cố mà chịu. Thời vua chúa, nô tỳ thị nữ đẻ con cho vua, nhất là con trai, lập tức được rinh lên thành hoàng hậu, nguyên phi, quyền ăn quyền nói trong tay, bảo cúi vua cũng phải cúi, bảo bò vua cũng phải bò. Như cái bà Đắc Kỷ ấy, xui vua Trụ giết chú, vua cũng nghe. Rõ là ác quỉ. Cô chú nhẩy

- Bá cũng thạo sử đáo để…

- Nghe nhiều thì nhớ chứ chú!

 

Làng đồi dạo ấy đói lắm. Nhiều người di cư vào Nam. Mấy nhà hàng xóm, qua đêm sáng ra chỉ còn nhà không cửa trống. Cha Hướng tỏ vẻ dao động. Nhưng mẹ khăng khăng: “Đói chết cũng phải bám quê cha đất tổ!” Được chia ruộng trong cải cách ruộng đất, cha mẹ Hướng không phải đi làm thuê cho nhà giàu nữa. Mẫu ruộng mé chân đồi Ba Đại như quyển sách mở rộng cho cô bé Hướng dắt con trâu vào cuộc đời mới. Mỗi lần tiếng chuông nhà thờ rung lên như người ngái ngủ là mỗi lần Hướng lắng nghe, nín thở chờ Đấng cứu thế thức giấc bay qua. Dù Đấng cứu thế nhân từ có giang đôi cánh rộng ra đón, Hướng cũng không rời chân khỏi mảnh đất này.

 

Thế rồi Hướng lấy chồng. Rất đơn giản. Nhiều khi nhớ lại thấy hồi ấy sao mà ngây ngô. Mười bảy tuổi, tưởng lấy chồng là việc người lớn ăn trầu uống nước, còn mình đến nhà người ta chơi, làm hộ tý việc rồi liệu cơ cắp nón quay về. Ai biết chồng kéo vào buồng, đè ngửa ra. Nhớ cái chạn bát, cái cầu ao quá! Chạy về chưa kịp ngửi nách mẹ, cha đã đuổi. Buộc phải bỏ nhà mình sang ở nhà người ta. Rồi ốm đứng ốm ngồi, rồi bụng to lùm lên. Đến lúc đi gánh nước đẻ ra thằng người con con, mới hiểu thế nào là vợ chồng, là làm mẹ. Chồng, là một chàng thợ nề. Hôm anh thợ đang xây cái cổng ngõ cho một nhà chủ, Hướng gánh lúa đi qua. Khuôn mặt cô gái trẻ măng ướt đẫm mồ hôi, hồng rực trong vành nón. Anh thợ mải nhìn, thế quái nào lại bước xuống thùng vôi bên cạnh. Chàng bị ngập gần tới cổ. Lóp ngóp leo lên, người trắng toát như cây bù nhìn canh lúa. Ngượng không để đâu cho hết. Còn Hướng được mẻ cười sặc sụa, hôm sau đi qua vẫn không kìm được. Vậy mà Thân, anh thợ nề ấy đã tìm tới nhà Hướng. Thấy Thân dáng thư sinh, ăn nói gẫy gọn, cha Hướng ưng ngay. “Tưởng ai, hoá ra con ông phó nề xóm Chợ Đồn! Năm nọ tôi có mua cây xoan của bố anh! Chịu đến hàng tháng sau vẫn không thấy đòi. Ông ấy là người thể tất lắm!” Cha Hướng còn rành rọt: “Chỗ này gả được! Con  không lấy nó thì lấy ai?”…

 

Đến thời vào hợp tác xã, ruộng nương đem tập thể hết. Làm điểm nào chia công điểm ấy. Vợ chồng cảnh vừa nghén vừa đẻ, cực kỳ nheo nhóc. Bốn cái miệng liên tiếp ra đời, như đàn lợn rãu ăn. Dạo đẻ cái tí Sánh mới khốn khó, đói khát làm sao. Đang cơ đông vụ chi kỳ, chân nam đá chân chiêu, một mình Hướng suốt ngày phơi lưng ngoài đồng. Chốc chốc, lại có tiếng gọi ấm éo đầu bờ: “U ơi… em khóc!”, lại buông trâu, cắm cày bỏ đó chạy về cho con bú. Con bé bíu chặt tay vào bầu vú mút nấy mút để. Ruột mẹ thì rỗng như quả na chín bị lũ chim rỉa hết cùi. Hoa hết cả mắt, phải ngồi tựa vào vách đất. Một lần, chồng Hướng đang xây nhà cho người ta, đám bạn bè đến rủ rê, liền bỏ việc đi đánh bạc. Chả biết cờ bạc thế nào, hai ngày nữa thì Tết vẫn chưa thấy tăm hơi. Bác Tấm sang, cho một chiếc bánh chưng, ngậm ngùi bảo em dâu:

- Bao nhiêu chỗ không màng. Thím lấy thằng Thân nhà tôi là vớ phải đống bọt. Cái thằng dài lưng tốn vải này nó chảy thây từ lúc nứt mũi. Ông bà tôi dạy bảo nó chẳng khác gì nước đổ đầu vịt. Ván đóng thuyền rồi, thôi, cố mà chịu thím ạ!

- Cũng đành chứ sao hả bác! Cái số giời cột giời se!

Xẩm tối ba mươi, Thân ở đâu mới ló mặt về. Đầu tóc rối bù, thiểu não. Tay xách một chùm dăm chiếc bánh chưng con. Bọn trẻ mừng rơn: Có bánh chưng ăn Tết rồi mẹ ơi! Mùng Một, mẹ con hạ chùm bánh con trên bàn thờ Tết xuống, hý hửng bóc ra. Toàn bánh đúc ngô trong lá chuối! Cái Thài gọi bố bắt đền, chả thấy bố đâu. Thân đã đi đánh bạc từ lúc nào!

 

Cuộc sống ngày thêm khó khăn, túng quẫn. Vùng đồi, đất cằn cỗi như bà mẹ đẻ dày cạn sữa. Lúa vàng đồng như váng cua mà nhẹ xọp, chia về nhà chả được bao nhiêu. Mái gianh vẹt mỏng như tấm chăn rách. Chồng Hướng thì càng tồi tệ, chỉ cốt uống rượu, mài đít chiếu bạc, chẳng mó gì đến công việc, chẳng đoái gì đến vợ con đói no hay sống chết. Anh ta còn nhăn nhở: “Chúa đã định rồi. Chúa cho mẹ mày cái lam lũ, cho tôi cái rông rài. Đổi cho mẹ mày cái rông rài cũng không theo được. Mà đổi cái lam lũ sang tôi, thì tôi không thể gặp mẹ mày. Đã không gặp thì không thể có cái Thài Lài, cu Sóng, thằng Vòng!”… Cứ thế Hướng lai lưng ra làm lụng và chịu đựng mớ lý sự của chồng.

- Cô chú có tin đời tôi đã chết một lần không?

- Chết trong lòng một ít thì ai không một lần hở bá?

- Không! Tôi chết thật! Chết thẳng cẳng, tắt thở cơ mà…

- Em tưởng bá chết như có ông nhà thơ từng nói: “Yêu là chết ở trong lòng một ít” ?

- Chết đấy khác! Chết vì yêu vì thương! Chị cũng thấy bọn trẻ thường đọc thế! Còn chị có được yêu được thương đâu mà chết trong lòng một ít? Đây chị chết thật! Người ta bó liệm rồi, chỉ chờ đóng đinh! Vậy mà sống lại mới thần thoại chứ!

 

Đận ấy sau tiết giêng hai. Đàn ông trong làng bỏ đi làm xa hết. Xóm thôn vắng ngơ vắng ngắt. Chỉ còn mấy gã nghiện rượu rài rạc như gà què ăn quẩn cối xay tụ bạ vào chiếu bạc, lột nhau từ rá sắn khô, mớ củ cải. Lần này, đêm gió bấc căm căm, Thân lại đi đò sang làng Điền Công đánh bạc. Nước to, sóng cả, trời tối bưng bưng, đò va vào cồn đá bị đắm. Người ta bơi được vào bờ. Còn Thân chết đuối, trôi đâu không thấy xác. Hướng bơ bải đến rồ dại. Người tọp như con cá phơi nắng. Tuy chẳng đỡ đần gì cho vợ con, nhưng vắng bóng đàn ông, ngôi nhà bỗng lạnh ngắt, buồn thông thống. Ông anh cả tốt bụng cũng ốm bệnh chết. Ba ông anh em còn lại cũng rượu chè cờ bạc như Thân. ốc không mang nổi mình ốc, họ thiết gì đến cháu! Người làng cám cảnh: “Tội nghiệp nhà Hướng. Đường dài phận mỏng, chả biết trông cậy vào ai? Một nách tám đứa con, không biết sẽ xoay xở thế nào để qua sóng gió?” Hướng lại quần quật trên sá cày, gốc rạ. Đàn con như chùm khoai rãi. Đứa lớn mười sáu, đứa bé mới lẫm chẫm đi. Đứa suốt ngày lươm lũ ngoài đồng mò cua bắt ốc, đánh dậm, đơm lươn. Đứa con mèo tha con chuột, lê la. Có điều không bao giờ chúng chí choé. Mẹ con biền biệt, tối mặt mới về quấn túm lấy nhau. Cạnh đốm đèn dầu leo lét, căn nhà gianh dột nát lại ồn ã như ổ lợn sề rối rít đàn con quanh bụng mẹ. Chốc sau tất cả đã chìm ắng vào đêm khuya…

 

Mùa đông năm sau, một buổi sớm. Chỉ kịp nuốt bát bánh đúc ngô, Hướng dặn cái tý Lài: “Hôm nay rét dữ lắm, con ở nhà trông em, đắp điếm cẩn thận để mẹ với chị Thài đi cấy thôi. Đến bữa, nhớ bảo các em nhường hai nắm cơm trắng mẹ nắm riêng cho hai đứa bé…” Cả buổi ngoài đồng, mẹ con Hướng cùng chị em cố cấy cho xong thửa ruộng. Cuối chiều, trời úp xuống cái vòm vung xám xịt. Gió bấc thốc hun hút héo quăn cả ngọn lúa. Những tấm lưng đeo mảnh áo tơi, áo mo cau như những chiếc mu rùa bò trên mặt ruộng. Chân tay ai cũng tê cóng, run cầm cập. Vừa cấy vừa tán chuyện mà vẫn không xua được cái rét buốt xương. Đứng lên một chút rồi vói vào bờ kéo chiếc mạ lại gần, bỗng Hướng hoa mắt, lảo đảo. Đầu óc quay cuồng, xoay tít như chong chóng. Chị ngã gục xuống vạ bờ. Chị em hốt hoảng khiêng về trạm xá. Y sĩ tiêm cấp cứu, làm hô hấp mãi vẫn không thấy tỉnh lại.

- Bà ấy bỏ đàn con, đi theo ông ấy mất rồi!

 

Hướng chơi vơi trong không gian nhập nhoà, lạnh lẽo. Sương khói ở đâu từng cuộn bốc lên, lan toả mù mịt. Người Hướng nhẹ bỗng, lơ lửng như chiếc lông gà phát tán trong gió rồi từ từ hạ xuống. Đây là đâu mà mặt đất cũng nhẹ và xốp như con đường rải đầy rơm? Hướng là là trôi đến một góc núi. Trong góc núi có một cái giếng. Miệng giếng hắt lên một màu vàng lung linh chói mắt và toả ra những vòng hào quang lúc to lúc nhỏ. Hướng che mắt. Vàng! Đúng rồi! Những vàng là vàng! Vàng từ giếng tràn ra chảy như nước lênh láng, dát từng vòng, từng vòng. Nhưng rồi những vòng vàng ấy lại từ từ biến mất. Xong lại hiện, lại phun, lại dát, như xa như gần. Bỗng một thứ nước rất kỳ lạ, cũng màu vàng nhưng trong suốt và thơm như mùi hoa nhài buổi sớm phụt lên. Cơn khát ở đâu sực đến, cháy khô họng. Hướng chạy tới giơ hai tay định hứng lấy những giọt nước vàng rơi xuống. Vừa lúc đó, một ông già râu tóc vàng óng ánh hiện lên. Ông cầm một chiếc Thánh giá cũng bằng vàng to như cây gậy trỏ vào mặt Hướng: “Lui ngay! Nhà ngươi lui ngay! Nước này của Chúa, chỉ đẹp, chỉ để ngắm thôi. Không uống được. Kẻ nào vô tình hứng một giọt đem về cũng bị hoá đá, cứng ngay tức khắc!”

“Con khát quá! Chỉ xin một ngụm thôi!” Hướng van xin.

“Không được! Nhà ngươi về ngay! Lũ trẻ ở nhà đang đợi. Chúng khóc cạn cả nước mắt. Ta sẽ cho ngươi một nắm phoi vàng. Ra khỏi đây, nắm phoi vàng này sẽ biến thành thúng gạo trắng. Ngươi đem về học lấy nghề làm bún. Ngươi sẽ sống bằng nghề làm bún để nuôi con!”...

Cổ Hướng sít lại. Gạt cây Thánh giá, Hướng lao vào quầng sáng trong suốt. Đốp! Cây Thánh giá giáng xuống. Hướng giật mình, ôm đầu, choáng váng… Cũng là lúc… trên sân nhà đang ồn ào huyên náo, chợt yên phắc. Con cái đang xụt xịt chờ những người khâm liệm đặt xác Hướng bó vải trắng lốp vào quan tài.

- Khoan! Người chết cựa quậy!

- Điên à? Chết rồi còn cựa cái gì? Có mà ông hoa mắt!

- Không! Rõ ràng cựa quậy. Cho ra ngoài chiếu đi. Đấy, cựa thật mà! Tôi nói có sai đâu!

- Bà ấy sống lại! Nhanh. Tháo vải ra. Cứu… cứu mau!

- Lấy cháo đúc cho bà ấy!

- Trời ơi, chưa từng thấy! Còn nặng kiếp nên Chúa chưa nhận đây mà!

 

Đúng là Hướng đã sống! Đôi mắt vừa mở vội nhắm lại bởi ánh sáng bất ngờ chói loá. Cái giếng vàng biến mất. Trước mặt Hướng, bát cháo bốc hơi sực mùi ngũ cốc. Từng thìa cháo đổ vào miệng Hướng. Một thứ nước gạo sền sệt, ngọt ngào, béo ngầy ngậy. Nuốt đến đâu, người nóng ran đến đấy. Ôi! Các con tôi đâu? Chị quờ tay ra xung quanh. Thằng tí bé đây rồi! Thực hay mơ đây?

 

Hướng lại đứng dậy một mình gồng gánh đàn con. Chỉ một chút nữa chúng mồ côi mẹ. Một chút nữa chị trút gánh ra đi. Nhẹ nhàng cho mình. Còn chúng sẽ dắt díu nhau ra sao? Nghĩ vậy, nước mắt Hướng ròng ướt đêm khuya. Mấy hôm sau, người chị dâu trưởng đến bảo em: “Tôi yếu rồi. Con gái về nhà chồng hết cả. Chúng nó chả thiết gì bún bánh. Tôi sẽ giúp thím làm bún, trước để có kế sinh nhai, sau giữ lấy cái nghề cho con cho cháu…” Từ đó, Hướng chuyển sang nghề làm bún. Chỉ cần gạo tẻ, cái bếp, cái ống bơ đục lỗ và chịu khó thức khuya dậy sớm. Thức khuya dậy sớm thì Hướng giỏi rồi. Đêm nào Hướng cũng chỉ nằm được với con hai, ba tiếng cho khỏi quên hơi. Ngày đồng áng, tối về Hướng lại miệt mài xay gạo, vắt bún suốt đêm. Sao mai chưa mọc, đã dậy vã nước vào mắt cho tỉnh để gánh hàng ra chợ. Thoạt đầu chợ gần. Sau quen thì chợ xa, sang tận bên kia sông. Bún Hướng ngon có tiếng. Khéo làm lại khéo mời chào. Dân sành ăn ngoài thị trấn chờ bún của Hướng từ đầu cửa chợ.

- Rau cháo nuôi nhau. Cô chú ạ! Có tí vốn, chị xoay sang cả chăn nuôi. Hai, ba bầy lợn nái ấy chứ. Chả mấy nỗi, đàn “lợn con” nhà chị mỗi lúc một khác. Chị em chúng lần lượt xuất chuồng. Các cụ nói cấm có sai. Đời con gái như hạt mưa sa, hạt xuống giếng, xuống cỏ, hạt vào vườn cải, vườn hoa. Nhưng bây giờ khác hơn. Xuân thì chúng nó dài hơn thời mẹ chúng. Trai gái biết nhau được quyền lựa chọn. Nói vậy, chứ ban đầu các cháu nhà chị đều vào những chỗ nghèo khó cả. Nghèo nhưng được cái sạch sẽ, quí trọng lẫn nhau. Con nào cũng chịu khó, tính toán làm ăn. Chàng rể lớn, mờ sáng cày xong sào ruộng, đã vội vàng gánh hàng ra chợ, đặt đòn ghế vào đít vợ đâu đấy mới ù về rau cám lợn gà. Nhất là khi nhà nước mở cửa cho dân. Chúng nó cày bừa, cấy hái, chợ búa đủ việc. Làm gì cũng hỏi qua ý mẹ một tý. Nhìn các con yên ấm mình cũng đủ no. Chị bảo các cháu: “Chẳng quà nào quí bằng các con hạnh phúc! Quà cho mẹ đấy chứ đâu!”

 

Tiện đây kể cô chú nghe về con bé Sánh hiện ở thành phố Hồ Chí Minh. Cháu là thứ ba, à không… thứ bốn. Trên nó còn một cậu đàn ông nữa. Nó đưa được cả thằng em út vào làm ở Công ty rồi. út là thằng Vòng tôi vừa nói vào ăn cưới nó đấy. Ngoan lắm. Mẹ về, vợ chồng cứ quấn quít đòi giữ lại. Nó ngả vào lòng tôi nũng nịu y cái thời tấm bé. Đấy lại quên… Đang kể về con bé Sánh… Chị Sóng trên con Sánh có một đứa con trai. Một lần cháu bị xe máy tông vào, ngất xỉu, đầu tóc mặt mũi bê bết máu, phải cấp cứu bệnh viện. May không chấn thương sọ não. Một tuần thì xuất viện. Cái chú xe máy gây tai nạn ấy cảnh nhà cũng không có. Vợ đẻ. Xe thì mượn. Chú cũng là người tốt. Đưa cháu đi bệnh viện cẩn thận, chịu viện phí xong cũng xin đền bù cho cháu một khoản. Nhưng lấy của chú ấy làm gì. ăn bao nhiêu cũng hết. Còn cái tình ở đời với nhau mới đáng quí. Tưởng chuyện qua loa, đường ai nấy đi. Không dè hơn tháng sau, thằng cháu tự dưng đang ngồi học lại lăn ra ngất. Cấp cứu, hô hấp hàng giờ mới tỉnh. Xóm láng bảo phải tìm bằng được cái thằng xe máy, bắt nó đền trở lại. Cái hạn ở đâu chạy đến. Có tránh cũng chẳng được. Sự đã rồi, phải tự cứu con cháu mình đã. Xử lại với người ta làm gì chú nhỉ?

-Vâng! Bá nghĩ thế là phải! Tôi đồng tình với bà: -Trong cuộc sống xô bồ, đồng tiền đang gây lũng đoạn xã hội, có nguy cơ phá vỡ những đức tính tốt đẹp lâu đời; bá vẫn hết lòng với việc nuôi dạy con cháu, vẫn muốn truyền lại cho chúng những phẩm chất nhân cách quí báu cần có của một con người. Những giá trị đạo đức đó có thể không còn được như xưa nữa, nhưng cốt cách thiện nhân của mỗi gia đình, mỗi con người vẫn còn. Lòng ăn ở của bá như mạch ngầm lan toả. Con cháu bá đã ngấm dần một cách thầm lặng trong máu và đường gân thớ thịt.

-Cảm ơn chú! Thuốc tây thuốc bắc, nói đâu xâu đấy, chúng tôi cố chạy chữa cho cháu. Tuy vậy, cháu vẫn học và thi hết cấp ba. Chỉ phải cái hơi yếu, người dài như cây sào. Lúc này, con Sánh đã vào Sài Gòn. Vợ chồng ăn nên làm ra, đã mua được nhà, mở được cửa hiệu buôn bán vải vóc ở quận 5. Nhớ cái hồi ban đầu… chị cũng có những se sắt, so đo với các con, chỉ vì đời chị từng khổ quá, không muốn con gái mình dẫm lại vết chân. Chả là thế này: Thằng chồng con Sánh quê Hà Tĩnh, đi bộ đội đóng ngoài này. Một hôm sau giờ luyện tập, lúc hành quân qua làng đánh rơi quyển sổ ghi nhật ký. Dò hỏi mãi nó tìm đến nhà con Sánh. Thế rồi chúng yêu nhau cơ nào không biết! Ngày thằng Nga đặt vấn đề, tôi nói luôn: “Đời lính nay đây mai đó. Tôi không muốn cho con tôi phải khổ! Nói anh thông cảm. Có con mà gả chồng xa, một là mất giỗ hai là mất con! Làng An Trì đầy con gái. Thiếu gì chỗ!” Con Sánh liền đỡ thay: “Con xin mẹ! Chúng con yêu nhau thật lòng. Anh Nga nghèo, nhưng là người tốt, mẹ ạ. Quan trọng là tình yêu! Có tình yêu chúng con sẽ vượt qua tất cả!”. Anh lính được thể: “Vâng mẹ ơi! Được mẹ cho phép, chúng con xin mỗi năm một lần ra thăm mẹ! ”

-Về sau anh bộ đội là chàng rể hết ý đấy thôi bá? Vợ tôi ngắt lời bà.

-Vâng! Cứ như con giai ấy! Cưới xong, chị giữ hai đứa ở lại. Khi vợ đẻ, hàng ngày thằng Nga gánh bún ra chợ bán. Nó tằn tiện, chắt bóp định mua tấn vôi, ít gạch để xây căn nhà nhỏ. Nhưng gió vào nhà trống cô chú à! Hôm bà ngoại sang thăm chắt ngoại, nó tỉ tê tâm sự với bà. Bà cụ liền xui: “Cháu sang bà, bắt con chó bán đi, thêm cặp vào mà mua. Làm giai có chí là tốt!” Được lời, anh cháu rể bèn chạy sang nhà bà ngoại. Săn mãi mới bắt được con chó. Con chó kêu ăng ẳng ầm ĩ. Người trong xóm đổ sang hoạnh hoẹ: “Chú bộ đội sao lại bắt trộm chó của bà cụ Hân?” “Dạ không! Cháu là con mẹ Hướng, là cháu rể của bà ngoại cháu. Bà cho cháu con chó này, bán đi để mua vôi…” Nghe giọng thực thà, ai cũng buồn cười. Đám thanh niên liền xúm vào trói con chó hộ. Từ cái lộc của bà ngoại mà vợ chồng nó xây được nhà, rồi đồng nọ nối đồng kia, nẩy sinh vốn liếng. Ngày chuyển vào miền Nam, chúng nó cho thằng em Dặm ngôi nhà này. Trước lúc chia tay, thằng Nga thú thật: “Thưa mẹ! Con có lỗi với mẹ. Dạo bán bún, mỗi ngày con bớt của mẹ năm đồng cho vào con lợn đất. Con lợn cộng với con chó của bà ngoại đã cho chúng con nên người. Con xin mẹ tha tội!” Nghe mà rơi nước mắt cô chú ạ! “Đi buôn một chuyến không bằng hà tiện một năm. Con làm thế cũng chỉ vì thương vợ thương con… Ruộng đắp cho bờ. Chẳng mất đi đâu. Mẹ cũng mừng…”

 

Chuyến đó, vợ chồng Nga Sánh đón thằng cháu con tí bá vào Sài Gòn, chữa bệnh và nuôi ăn học. Dì chú chăm bẵm cháu chẳng thiếu thức gì. Mỗi sáng một cốc sữa, cơm bữa đều đặn thịt cá, rau đậu. “Đế xe” bằng hoa quả lúc nào cũng sẵn trong tủ lạnh. Lại nghỉ ngơi có giờ có giấc. Cái cây được chất bón có khác! Tươi cành xanh ngọn. Chỉ một năm trời, cháu phổng phao, đẹp giai hẳn ra. Dì chú còn mời gia sư đến nhà kèm cặp ôn bài. Năm sau lại dẫn cháu về Bắc để thi. Bạo thật, cháu thi cả hai trường đại học Sư phạm và đại học Y khoa Thái Nguyên. Kết quả cả hai trường cùng gọi. Nó về bàn với bố mẹ: “Nhà mình chẳng có ai là bác sĩ. Con muốn thành bác sĩ để cứu chữa bệnh tật cho mọi người, trong đó có nhà mình!” Vậy là nó vào Đại học Y. Có một ông giáo sư quí cháu như con đẻ, đón về nhà ở để nuôi dạy thêm. Bố mẹ cháu đã lên thăm ông. Ông cũng đã về thăm chúng tôi một, hai lần. Nom phúc hậu lắm! Ông ấy khen thằng bé chịu học, cần cù, thông minh, lại thật thà, khiêm tốn. Buông sách ra là lao vào gầm bàn xó bếp, cầu thang dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, ăn ở tinh tươm hơn cả con gái. Các cụ ta xưa bảo “Chỗ đức gửi thân, chỗ nhân gửi của”. Ơn Giời nhờ Chúa, gần đây mẹ con bà cháu tôi cũng được yên tâm, nở mày nở mặt với xóm làng. Lần nào cháu về chơi nhà cũng dặn dò các em: “Chớ làm bà và bố mẹ buồn lòng. Nhờ các bề trên anh mới được như hôm nay!” Thì ra, chẳng gì bằng ăn hiền ở lành, nó như mạch nguồn chảy qua ruột đất lọc được một thứ nước chẳng vàng chẳng bạc gì, vẫn trong trẻo từ đời này sang đời khác. Khổ mấy rồi cũng gặp phúc, cô chú ạ!

-Em thấy bá như một khu vườn sau bão được cơn mưa đền gốc cây! Tự dưng tôi nhớ ra một hình ảnh ví von vận vào cuộc đời bà. Vợ tôi hỏi:

-Tết này các cháu có về quê ăn Tết với bá không?

-Người đâu Tết đấy! Cũng muốn cả nhà xum họp cho vui, nhưng chúng còn công tác, học hành, đi đây đi đó. Thời mình cơ cực, thiệt thòi một lẽ. Thời con cháu chúng nó lại vất vả nhọc nhằn kiểu khác. Thấy chúng nó sọng cứ hàng mớ tiếng. Nào A sem a sung rồi Vê kép tê o gì gì ấy. Nào uy tín, chất lượng, nào cạnh tranh, tiếp thị, nào cổ phần, chứng khoán… Trăm đường trăm mối lo toan. Vất vả mấy cũng phải cố, cô chú nhỉ?

-Vâng! Chịu bá! Một mình một lái mà bá chỉ huy được con thuyền tới bến. Giá được học hành hẳn hoi, có khi bá làm được cả chủ tịch huyện!

-Ấy! Cô chú cứ đùa!./.

Dương Phượng Toại
Số lần đọc: 2058
Ngày đăng: 18.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gã Đớp - Minh Diện
Vòng đời bé nhỏ - Trần Quang Vinh
Qua bờ bắc - Khôi Vũ
Người thứ 79 - Mai Tú Ân
Gã tử tù đáng yêu - Nguyễn Chính
Bến sông xưa - Nguyễn Lập Em
Phố người - Mang Viên Long
Lời của thác - Khôi Vũ
Em ở Tây hồ - Đỗ Ngọc Thạch
Nắng hanh vàng - Nguyễn Văn Ninh
Cùng một tác giả
Bóc lại màn đêm (truyện ngắn)
Trăng cuối đông (truyện ngắn)
Người bán bún (truyện ngắn)
Vàng (truyện ngắn)
Bụi tre xanh (truyện ngắn)
Chênh vênh vực thẳm (truyện ngắn)
Cái cổng ngõ (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)