Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
641
115.982.090
 
Từ ảo ảnh đến trò chơi cuối
Lê Huỳnh Lâm

(Đọc tập truyện ngắn “Thõng tay vào chợ” của Bạch Lê Quang, NXB Thuận Hóa, 11/2009)

 

Như một quy ước ngầm định, hợp tan là câu chuyện của mọi thời đại. Trong một trăm ngàn điều khổ, với nhà Phật có oán tằng hội khổ, nghĩa là đau khổ do gần với người mình oán ghét và ái biệt ly khổ là khổ vì rời xa người mình yêu thương. Điều đó đã được tác giả minh họa bằng những câu văn gãy gọn, dồn nén, đưa người đọc vào trạng thái hụt mà không hẫng. Truyện ngắn “Ảo ảnh” đã mở ra triết luận hiện thực ở xã hội Việt Nam, và rồi câu nói của Nhụy như một vết cứa vào những ai tự cho mình là trí thức: “trí thức vốn hèn mà thầy lại là người hèn nhất…”. Dù sao nhân vật thầy trong “ảo ảnh” vẫn còn có lương tri khi cảm nhận “lời nàng là một thứ dao khác sắt hơn, nhọn hơn”. Để rồi hình ảnh ẩn dụ đầy tính lãng mạn của những mảnh giấy vụn hóa thành hàng trăm con bướm trắng, thành hàng ngàn mảnh của một cánh buồm. Mà lại cánh buồm mê muội đường về. Phải chăng đây là cảm thức của một giáo viên dạy văn về thực trạng ngành nghề của mình?

 

Với tiết tấu nghịch đảo, ngắt quãng, mỗi dấu chấm câu như một dấu lặng, tác giả dành cho độc giả cái khoảng hoang vắng lạ thường trong không khí của chiếu bạc, được miêu tả khá kỹ lưỡng trong truyện “Cổ tích không bụt”. Bạch Lê Quang đã nêu bật được giá trị nhân văn, phủ nhận cái ngộ nhận về hình thức và luân lý đã ăn sâu trong tâm thức người Việt, khi mà Hồng voi là gái đứng đường lại lấy trộm cái chân gỗ của gã cụt đã cầm cố cho mẹ của Hồng trong canh bạc cuối cùng. Để rồi gã cụt phải nằm dưới gầm cầu với cơn đói mờ mắt… Hình ảnh Hồng voi đến với gã cụt như một cổ tích giữa đời thường. Câu chuyện khiến cho người đọc giựt mình trước sự vô cảm của những con người quyền thế đang gánh trách nhiệm lớn của xã hội. Ôi, phải chăng hình tượng chiếu bạc đã khiến người đọc liên tưởng đến những bãi chiến trường mà gã cụt như đại diện cho tầng lớp nạn nhân đã bị xã hội ruồng bỏ, rồi sau cuộc chiến đó là những hệ lụy, bao giá trị nhân văn của tiền nhân đã chìm vào khói lửa.

 

Cũng trong năm này, niềm tin vào các giai tầng trong xã hội, đã được một tờ báo mạng có tiếng đưa tin, theo thống kê thăm dò ở một nước láng giềng, thì độ tin cậy của người dân đối với gái điếm còn cao hơn cả sinh viên, chính khách... các cô gái điếm xếp vị trí thứ ba chỉ sau nông dân và nhân viên tôn giáo.

 

Và cơn đói của cái bao tử không bằng cơn đói của trái tim, của lòng người giữa một xã hội đầy rẫy những phi lý đang hiện hữu. Gã cụt đã quên mất mấy ổ bánh mì mà Hồng voi đưa đến. Gã nhào vào vị cứu tinh và như được hơi ấm của của nàng; một cô gái đứng đường truyền năng lượng sang gã cụt.

 

Trong “Đom đóm núi” lại là một lối kế chuyện đầy cuốn hút của tác giả. Hình ảnh và cử chỉ trọng nghĩa tình của giới giang hồ và câu chuyện bi thương về tình yêu, khi cái chết Trương Chi được giải mã qua chiếc vòng thạch cẩm trắng buồn nắm chặt trên tay chàng.

 

Không phải ngẫu nhiên mà truyện đầu tiên là “Ảo ảnh” và cuối cùng là “Trò chơi cuối”. Đó là một sự sắp đặt trong cơn say khi mà “trong những chiều mưa sủi tăm, trắng trời, trắng xóa lòng người” rồi ông Năm cũng tan biến vào đất và “tôi chẳng nhìn rõ mọi vật xung quanh mình, kể cả thằng Côi.”

“Ảo ảnh” băng qua những “Gái nghê thường”, “Giấc mơ chim”,… rồi “Ngọc Phật” và “Thõng tay vào chợ”, đã phần nào vẽ lên bức tranh trong những chiều mưa tả tơi, với những cuộc người bôn ba chìm nỗi. Để cuối cùng là giấc mơ về một sự tan biến của hư vô ngập ngụa trong những ám tượng nặng nề, mà chỉ có những cơn say mới sẻ chia niềm ấm khô hanh của cõi ngày vắng lạnh.

 

Các nhân vật trong truyện ngắn của Bạch Lê Quang đa phần là những con người lao động kham khổ, không gặp thời... Như Hồng, Mưng, Phước, Đoàn, Vũ, Lã,… Mỗi nhân vật là một mặt cắt của hiện thực xã hội đã được tác giả cô đọng lại trong từng trang viết.

 

Trong âm hưởng của ngôn ngữ nhẹ như tóc mây giữa chiều ngược gió, tác giả đã sử dụng song hành vốn ngôn từ gãy gọn thuần Việt kết hợp với cơn hí lộng quỷ thần qua những từ Hán Việt, mà phần nào những thi nhân đời Đường, Kim Dung và Cổ Long đã lưu dấu. Vì vậy, mà trong truyện của Quang mới cũ được hòa trộn, hình ảnh phố thị trộn vào hơi ẩm mốc của mùi rơm rạ sau những cơn mưa Huế rả rích trên những phận đời. Cũng có lời nhận định, truyện của Bạch Lê Quang như muốn gợi lại một điều gì đã lùi xa vào trong quá khứ, đó là những câu chuyện cổ tích đã vắng mặt ở xã hội được mệnh danh là hiện đại và nhân bản.

 

Cũng cần phải nói rằng, trong thời gian vừa qua, những tập truyện ngắn của các tác giả ở Huế ra mắt quá thưa thớt. Tuy là tập truyện đầu tay, nhưng văn của Bạch Lê Quang đã góp phần làm ấm lại cái không khí văn chương vốn nhạt nhẽo và vô hồn trong thời gian gần đây.

 

Chỉ có điều, sau khi khép lại tập “Thõng tay vào chợ”, lòng tôi chợt tiếc một cái gì đó thật mơ hồ, như cuộc tình rong ruỗi của đôi uyên ương mà thiếu vắng một nụ hôn dại, hay tiếng thở gấp của gã cụt khi quên rút tay về để lấy ổ bánh mì của người gái điếm,… Và trong 12 truyện ngắn đó như thiếu thiếu một chút vị ngọt sâu trong tô cơm hến ở miệt Cồn xứ Huế. Phải chăng, nước sông Hương đã đổi thay!

 

Huế, 25/11/2009

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 2490
Ngày đăng: 19.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về khuynh hướng phê bình hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Câu chuyện của kẻ chơi dao - Bùi Công Thuấn
Thơ Nguyễn Trung Bình – giọt nước mắt đàn ông trong đêm. - Trần Hữu Dũng
Trở mình ngoạn mục - Nguyễn Văn Ninh
Bùi Công Thuấn đọc lại : LỜI NGUYỀN HAI TRĂM NĂM - Bùi Công Thuấn
Tản mạn với Huỳnh Duy Hiếu quanh “Giấc Mơ Thời Gian” - Nhị Ka
Phạm Thiên Thư, Người đi tìm "bụi đỏ" - Trần Hoài Anh
Cuốn sách – đời người - Vũ Ngọc Tiến
Thử “giải mã” một số kết hợp từ lạ trong thơ Trương Nam Hương - Huệ Triệu
Trương Nam Hương và cuộc “Tìm mình’ - Dương Kiều Minh
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)