Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
558
116.598.101
 
Thiên tai
Nguyễn Viện

1.

Vào ngày lễ của mẹ năm 2008, nhân vật N của truyện ĐI.COM đã bước ra khỏi cuốn sách vừa mới được in chui trước đó mấy ngày. N có nước da hơi đen và số tuổi đúng như bà chủ quán cà phê, mà tôi vẫn uống vào những sáng chủ nhật, đã bói cho tôi: “Đó là cô gái sẽ làm đời anh thay đổi.” Hình như tất cả mọi cô gái bán quán đều ít nhiều biết bói bài. Câu hỏi mỗi ngày của họ là hôm nay có tiền không, chứ không phải là hôm nay có gặp được ai không. Và họ luôn luôn bói bằng một cỗ bài mới. Trong khi tôi lại nghĩ, nếu họ bói bằng một cỗ bài cũ, với những câu hỏi càng ngày càng cũ, họ sẽ có cơ may đoán đúng hơn. Bởi tôi tin rằng, bị gặng hỏi mãi, thì ngay đến một bộ bài vô tri nhất, cũng sẽ phải nói ra điều gì đấy.

N bảo, sắp đến ngày vía Bà rồi. Anh đi Châu Đốc với em nhé.

Tôi nói, việc đi Châu Đốc theo như trong truyện thì mãi đến năm 2030 em mới đi với anh.

Nhưng N bảo, em không chờ được đến ngày đó.

Để anh thu xếp, tôi nói.

Một tuần sau, chúng tôi đi Châu Đốc trên chuyến xe mà ngày trước tôi đã cùng ngồi với Phượng và ông Đạo Tiếng.

N hỏi, anh có nhớ không?

Tôi nói, nhớ. Tuy nhiên tôi đã không kể lại việc tôi đã làm quen với Phượng như thế nào.

N bảo, em muốn là tất cả những cô gái đã đi qua đời anh.

Tôi cười nói, như thế thì đĩ quá.

N nhún vai, có sao đâu. Anh không thích em đĩ à?

Thích chứ. Tôi nói ngay. Mọi lúc mọi nơi.

Vừa thôi ông ơi. Sức ông bao nhiêu mà ham thế. N bảo.

Nói cho sướng miệng. Về mặt nhận thức, tôi nói thêm, biết rằng em lúc nào cũng sẵn sàng trong mọi tư thế, mọi tình huống, hạnh phúc chứ.

Chỉ có thế? N hỏi.

Ừ, lúc này, anh không muốn bận tâm đến bất cứ điều gì khác. Tôi nói.

Sao đến nông nỗi vậy? N lại hỏi.

Tôi hất đầu, chẳng sao cả, chỉ vì sắp chết thôi.

N cười, muốn chết cho nhanh?

Ừ.

Xe qua ngã ba Trung Lương. Tôi nói, em không giống như nhân vật trong truyện.

Nhưng giống với mẫu đàn bà anh thích hơn? N hỏi.

Có lẽ vậy. Tôi bảo.

N nói, em là giấc mơ của anh. Em đến để hoàn tất cho anh.

Tôi bảo, bà thày bói cũng nói thế. Nhưng em định ở với anh bao lâu?

Cho đến khi có một cô gái khác. N nói.

Tôi bảo, như thế em đâu có hoàn thành sứ mạng.

Sao lại không hoàn thành, khi anh đã thật sự được là anh? N hỏi ngược lại.

Tôi bảo, em nói em sẽ là tất cả những cô gái đã đi qua đời anh.

Thì đúng vậy, còn những cô sau này sẽ chỉ là cái bóng của em thôi. N nói.

Tôi cười, sướng thật.

N cũng cười, anh lúc nào cũng chỉ tưởng tượng.

Tôi nói, em có thật đâu.

Em mới là sự thật. N bảo. Những cái anh tưởng là thật đã qua rồi.

Tôi cầm bàn chân của N đang gác trên đùi. Xoa bóp nhẹ. Tôi muốn hỏi, em đã qua những thế giới nào? Những chuyện thần tiên ở New York sẽ là những chuyện thần tiên ở Sài Gòn. Sự tưởng tượng là một sự thật khác hay chỉ là phóng tưởng hư ảo. Ở một bình diện nào đó, sự tưởng tượng có giá trị “vật chất” không?

Tôi nói với N, anh vẫn ước ao, em biến sự tưởng tượng của anh thành sự thật.

N bảo, em đang ngồi với anh trên chuyến xe đi Châu Đốc, giá vé một trăm hai mươi ngàn một người, đúng không?

Đúng, tôi nói.

Như thế thì đâu phải anh mơ.

Bàn chân của N vẫn nằm trong tay tôi. Tôi bẻ những ngón chân của N, hỏi: Đau không?

Không, em thích. N nói.

Cầu Mỹ Thuận sáng rực. Nhưng tôi không nhìn thấy gì dưới dòng sông. Tôi chợt buồn cười với khám phá rằng, trời tối mênh mông ngoài kia hay trời tối đặc một chỗ tôi ngồi thì cũng không khác gì nhau. Tất cả những người khách khác trên xe đã ngủ.

Tôi nói với N, em ngủ đi.

Nếu em ngủ thì anh sẽ biến mất, N bảo, như thế chính tôi mới là nhân vật hư cấu.

Cầm tay N, tôi ngả người ra ghế. Bàn tay rất mềm dù hơi xương xẩu.

 

Mùa mưa mới đang sắp bắt đầu. Khí hậu nóng bức và những con ve kêu réo vang trời. Phượng xách rổ ra vườn hái mấy ngọn rau lang và mùng tơi. Cô muốn chiêu đãi N và V một bữa ăn “cây nhà lá vườn” với mấy con cá rô vừa mới bắt được. Phượng gọi điện thoại hỏi V, “anh muốn ăn cá chiên hay kho tộ?” V trả lời, “cá kho tộ, rau luộc và mắm kho quẹt.” Phượng đùa, “hay là thế này: rau kho tộ, cá kho quẹt và mắm đun sôi cho có tinh thần cách tân?” V bảo, “không cần cách tân thì cũng đến ngày phải ăn rau kho tộ thôi.”

 

Phượng mỉm cười nhớ lại đoạn nói chuyện điện thoại với V. Cô cũng không biết từ lúc nào, cô đã bước vào thế giới siêu thực của V. Mặc dù xóm Hòa Hảo của cô, căn nhà có mái tôn trắng của cô chẳng có gì thay đổi, ngoài mấy cuốn sách V gởi.

 

Những cuốn sách cô đọc đi đọc lại đã muốn rách. Những chữ gần như cô đã thuộc. Nhưng cái anh chàng V ba lăng nhăng vẫn cứ lạ với cô. Cô tự hỏi, sao hắn có thể ấm ớ dây mơ rễ má với tất cả các cô gái, trừ mình? Có phải hắn là thằng cha xấu xa không? Nhưng mình cũng chẳng có lý do gì để ghen với N. Có người bảo N là cứu cánh của V. Nhưng Phượng lại cho rằng N chỉ là một điểm tựa để V có thể đi qua cây cầu của sông “mê” đến bến “hoặc.”

 

Điều lạ lùng nhất của họ chính là mối quan hệ không phải vợ chồng, cũng không phải tình nhân.

Có tiếng con Bili sủa. Phượng đi ra cổng. Lão khùng đang đứng xớ rớ với một bịch nylon nặng trĩu trên tay. Phượng hỏi, “Có gì không?” Lão khùng nói, “Tôi đem cho cô mấy trái xoài để cô đãi khách.” “Sao biết tôi có khách?” Phượng hỏi. “Chuyện gì ở nhà cô tôi cũng biết,” lão khùng thành thật nói. “Ông làm chỉ điểm cho công an hả?” Phượng lại hỏi. “Không, cô nói oan tôi. Tôi chỉ là người quan tâm đến cô,” lão khùng phân trần. “Tôi không lấy đâu. Ông đem ra chợ bán lấy tiền,” Phượng bảo. “Tôi đâu cần tiền,” lão khùng nói. “Thế ông cần gì?” Phượng vẫn hỏi. “Tôi không cần gì cả,” lão khùng ôn tồn. “Được rồi, tôi nhận. Nhưng từ giờ về sau, không được mang cho tôi cái gì nữa nghe,” Phượng bảo. “Dạ, cô nói tôi nghe,” lão khùng ngoan ngoãn. Bất chợt, Phượng lại hỏi, “Ông có muốn gặp bạn tôi không?” Lão khùng nói, “Tôi không biết nói chuyện. Tôi cũng không biết gặp bạn cô để làm gì. Tôi chỉ muốn nhìn thấy cô thôi.” Phượng bảo, “Vậy lần sau ông cứ đứng xa mà nhìn, đừng đòi vô nhà tôi, nhớ không?” “Dạ, cô nói tôi nghe,” lão khùng bước đi.

 

Người đàn ông đó ngang tuổi V. Nhưng V phơi phới bao nhiêu, thì lão dúm dó bấy nhiêu. Lão cũng có một cái nhà và mấy cây xoài. Mọi người trong xóm nói lão khùng sống với một âm hồn. Lão trò chuyện suốt ngày suốt đêm với âm hồn đó, và chuyện gì lão cũng biết. Cũng có người nói, Đức Thày nhập vào lão. Dù tin hay không, lời đồn đại này khiến lão được mọi người đối đãi tử tế. Ngưởi ta bỏ gạo và đồ ăn vào nhà lão. Bù lại, lão cũng luôn mang niềm vui đến cho mọi người bằng những lời tiên tri vô thưởng vô phạt.

 

Bỗng nhiên Phượng gọi giật, “Nè, ông khùng. Ông ăn cơm chưa?” Lão khùng quay mặt nhìn Phượng, “Tôi không sống bằng cơm.” Phượng bực mình nói, “Thôi, ông đi đi.”

Đối với Phượng, lão khùng chỉ có một nhân dáng còm ròm duy nhất và một tuổi tác tèm lem không thay đổi. Dường như lão không có quá khứ. Không có quá khứ thì không có nhân quả, phải chăng điều ấy làm cho lão hạnh phúc, hay cái sự khùng bất biện của lão mới là nguồn hạnh phúc? Phượng đứng tần ngần hồi lâu, cô tự hỏi V có hạnh phúc hơn lão khùng không? Sáng sớm mai V và N mới đến, nhưng Phượng đã chuẩn bị cho bữa ăn chào đón họ từ hôm nay. Điều ấy làm cho cô vui. Lão khùng cũng đã muốn làm điều gì đó cho Phượng vui. Nhưng cuộc sống không công bằng, Phượng chưa bao giờ vướng bận về những điều lão khùng đã làm cho mình, dù lão luôn biết trước những việc nặng nhọc của Phượng cần được giúp đỡ. Lão giống như ông Bụt trong những truyện cổ tích.

 

Đây là tôi.

Tôi thấy ai cũng khùng, nhưng chỉ có mình tôi được gọi là “lão khùng.” Mặc dù, không ai minh triết hơn tôi. Bởi không ai tự biết mình hơn tôi. Có một xung lực ghê gớm luôn gùn ghè xô đẩy trong tôi và khi cái xung lực ấy thoát ra khỏi cổ họng tôi, lập tức nó biến thành những lời u nhã bậc nhất. Tôi đoan chắc rằng, chính Đức Thày cũng đã có một trạng huống như tôi. Thậm chí có người còn cho rằng Đức Thày đã nhập vào tôi. Nhưng tôi biết chắc Đức Thày đã giải thoát. Những gì còn lại của ngài ở thế gian chỉ là mấy bức di ảnh và một ít huyền thoại. Chính tôi cũng là một trong những huyền thoại của ngài. Nhưng thật sai lầm khi cho rằng tôi đang rao giảng về ngài. Bởi vì cũng đã đang có những huyền thoại về tôi được thêu dệt nên ở cái xóm quê nhỏ bé này. Dù chỉ mang một hình hài hèn mọn, nhưng không ai trên thế gian này mạnh mẽ hơn tôi. Tôi có thể làm được tất cả mọi việc và thấu hiểu mọi sự. Thế mới khùng. Tất cả mọi chúng sinh đều có căn tính Phật, nhưng chỉ có Phượng trong tất cả những người tôi biết ở xứ sở này, đang chuyển hóa thành Phật ngay trong kiếp lai sinh. Bởi vậy nhiệm vụ của tôi là dọn đường cho Phượng. Nhưng điều quái quỉ nhất, một thứ tình cảm không thể diễn tả làm tôi quyến luyến cô ấy. Điều này dẫn đến nguy cơ cả tôi và Phượng sẽ không thể giải thoát. Hằng đêm, những ảo tượng của dục vọng tà dâm như những con ngựa hung hãn cỡi nhau trên bờ cỏ và biến tôi thành kẻ sát sinh. Dục bất khả tuyệt. Thế mà tôi nửa tu nửa tục, dang dở bẩm sinh. Hằng đêm tôi giết ngựa mà vẫn muốn quì xuống ôm chân Phượng. Mùi Phượng tràn trề linh hồn tôi. Hình hài Phượng làm bốc cháy thân xác tôi. Tôi phải giết Phượng trong từng ý niệm của cái tồn lưu sinh tử phập phù oái oăm của tôi. Nhưng Phượng như tòa sen lộng lẫy chỗ tôi thiền định. Phượng là hương sắc nhiệm màu khải thị tôi giữa cuộc sống đầy bí ẩn.

 

Chiều nay mang mấy trái xoài cho Phượng và được biết thằng cha V sẽ đến đây, đó là điều tôi không muốn. Chẳng phải tôi ghen tuông với hắn, nhưng vì hắn chính là một hóa thân của tôi trên cuộc đời hiện thực này. Hắn không hề biết tôi chính là hắn, hay hắn chính là tôi, một cuộc song trùng hãn hữu của trời đất và duyên nợ nghiệp chướng của chúng tôi. Chỉ có tôi, kẻ thấu hiểu mọi sự, mới biết được bí mật kỳ lạ này. Đó là sự lộn kiếp. Hoặc tôi, hoặc hắn đã đầu thai nhầm thế hệ. Những gì hắn làm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tôi và ngược lại. Bởi vậy, tôi cần phải điều chỉnh hắn trên lộ trình giải thoát của tôi, cũng là cho hắn. Nhưng tôi không thể giáp mặt hoặc đi cùng với hắn. Thiên cơ bất khả lậu. Một cuộc gặp gỡ giữa tôi và hắn có thể sẽ phá vỡ cái mắt xích luân hồi không chỉ của riêng hai chúng tôi mà toàn thể cục diện chúng sinh.

 

Hắn có thể chơi với ai cũng được, nhưng tôi không thích hắn trở thành bạn của Phượng, mặc dù tôi biết mình đối với Phượng ra sao, hắn cũng sẽ đối với Phượng như vậy. Bởi vậy tôi nghĩ, tốt nhất là không cho hắn đặt chân đến đất Hòa Hảo này.

 

Dự định đi Châu Đốc vào buổi sáng, nhưng N bị nhức đầu, nên chúng tôi đã đổi vé đi ban đêm. Trưa ăn cơm xong, tôi chở N đi massage. Sẽ thật vô duyên nếu tôi và N không cùng tắm hơi chung với nhau, không nằm cạnh phòng nhau khi đấm bóp, bởi thế, tôi nói với người phục vụ, dành riêng phòng xông hơi cho chúng tôi 15 phút.

Nhìn chiếc khăn N quấn trên đầu che cho tóc khỏi ướt, tôi thấy N đẹp như một cô gái Ả Rập.

 

Tôi nói, nhìn em khỏa thân mờ nhân ảnh trong hơi nước chắc là tuyệt. Lãng mạn một chút đi.

N bảo, kỳ cục. Lỡ có người vào.

Tôi nói, anh muốn lưu giữ một hình ảnh đẹp của em.

Thôi đi. N bảo.

Đừng bỏ phí cái khoảnh khắc sẽ trở thành thiên thu, tôi nói.

N cười, thiên thu thì chết em.

 

Sống ngay và quên nhanh, đang là một khẩu hiệu đương thời. Tôi hôn khoảng vai trần của N. Khi chia tay vào phòng massage riêng, chúng tôi không nói gì nữa. Cô gái làm cho tôi có bàn tay to bè, nhưng đấm bóp êm ái. Dường như ở phòng bên cạnh, N đã ngủ. Gần hết giờ, cô gái ghé sát vào tai tôi hỏi, “Anh có muốn làm gì nữa không?” Tôi nói, “Sao cũng được.” Cô gái đổ dầu xoa bóp vào thằng nhỏ của tôi, rồi sục. Một lúc, cô hỏi, “Sao lâu thế?” Tôi nói, “Mỏi tay thì thôi.” Cô gái bảo, “Em thích nhìn thấy đàn ông xuất tinh.” Tuy vậy, tôi cũng không thể chiều cô được.

Sự kích thích quá độ làm tôi đau bụng. Những cục cứt lổn nhổn nhưng mềm thoát tục rơi tõm xuống hố thẳm của nghệ thuật ý niệm trong cái bồn cầu men sứ trắng, tôi nhớ tới câu chuyện của nhà thơ Dương Tường kể về họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm ở Hà Nội nhiều năm trước đây, đại khái rằng, một lần cả bọn được một nhà sưu tập tranh mời đi ăn, ông họa sĩ rất ấn tượng với cái toilet của nhà hàng. Khi nhà sưu tập hẹn ngày hôm sau sẽ mời nhậu tiếp ở nhà ông ta, thì ông họa sĩ nhất định để dành cái bụng đầy cứt của mình đến nhà ông sưu tập để được ỉa một cái cho đã đời trong cái toilet sạch sẽ. Lời thú nhận của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm với nhà thơ Dương Tường tuy không cho người ta thấy cái kinh hoàng của các hố xí , nhưng ít ra cũng cho người ta biết được cái sướng của việc ỉa ở một chỗ văn minh.

 

Với tôi, cảm giác thong dong của cái bụng trống rỗng đôi khi cũng sướng chẳng thua gì việc xuất tinh.

 

Thoải mái, tôi nhìn N cười, cô gái vừa sục cặc tôi cũng cười.

Tôi hỏi N, bớt nhức đầu chưa?

N bảo, đỡ rồi.

Tôi nói đùa với N, đến lượt anh nhức đít.

N bảo, bậy bạ.

Ngồi uống trà, tôi nhìn N trang điểm lại trước khi về và nói một câu rất thừa, lúc nào anh cũng thấy em đẹp.

 

Cảm giác đầy ứ ở đầu thằng nhỏ không được giải phóng từ buổi trưa làm tôi bồn chồn. Người tài xế đã tắt đèn trong xe. Tôi cầm tay N đặt vào háng tôi. N không phản ứng, cô chỉ ấn nhẹ bàn tay xuống để cho tôi hiểu cô đã biết tôi muốn gì.

Tôi lại đau bụng khi vừa qua Bắc Vàm Cống.

N cũng nói, em bị đau đầu lại.

Chúng tôi uống thuốc trên xe. Tuy nhiên một cảm giác bất an lớn dần lên như có những cây nhang đang cháy trong bụng tôi.

N nói tiếp, càng lúc em càng thấy khó chịu.

 

Tôi quay qua xoa bóp vùng đầu cho N. Nhưng chỉ qua vài động tác, N đã gạt tay tôi ra, nói đừng đụng vào em nữa, đau lắm.

Tôi nghĩ cả hai chúng tôi cần phải được khám bệnh. Bởi vậy, thay vì sẽ xuống xe ở bến phà Năng Gù, chúng tôi đi thẳng Châu Đốc.

Ở phòng khám bệnh, bác sĩ nói, tôi không thấy có dấu hiệu gì hai người bị bệnh.

Tôi hỏi N, tình trạng của em bây giờ sao?

N nói, hình như em cũng cảm thấy không còn vấn đề gì.

 

Đây là tôi thứ thiệt.

Tôi vẽ hai hình nhân gồm một nam và một nữ sát cạnh nhau trên mặt đất, rồi cắm một cây nhang giữa đỉnh đầu người nữ, một cây nhang giữa bụng người nam. Tôi ngồi xuống trước mặt họ, tập trung tinh thần.

 

Các ngươi sẽ bị thiêu đốt bởi chính các ngươi. Các ngươi sẽ bị u mê bởi chính các ngươi. Các ngươi sẽ bị cùng khốn bởi chính các ngươi. Các ngươi sẽ phải phiền muộn vì chính các ngươi. Các ngươi sẽ phải căng thẳng vì chính các ngươi. Các ngươi sẽ phải gục ngã vì chính các ngươi.

 

Khi cây nhang tàn, tôi biết V và N sẽ không thể đến được đây. Nhưng tôi không thể chặn được Phượng đi Châu Đốc gặp họ. Tôi không dám làm điều gì trái ý Phượng. Khi đi ngang nhà tôi ra bến phà, Phượng nói: “Trông chừng giùm tôi con chó.” Thế có nghĩa là hàng ngày tôi phải mang cơm cho chó ăn. Con chó trở thành Đức Phật của tôi. Phượng là Bồ Tát của tôi. V và N là ngạ quỷ của tôi.

 

Tôi qua hàng xóm xin cơm và đồ ăn mặn. Họ hỏi tôi: “Không tu nữa à?” Tôi nói tôi đang tinh tiến sắp thành Phật. Họ cười bảo tôi đúng là khùng. Tôi nhủ thầm, bọn khùng bao giờ cũng nghĩ người khác khùng. Và tôi cảm thấy mình độ lượng.

 

Con Bili sủa vang khi thấy tôi. Mày cũng khùng như người ta, tôi nói. Cơm đây, thưa ngài. Tôi đặt tô cơm với cá kho vào phía trong cánh cổng. Đứng khoanh tay chờ. Mày không ăn tao không về được. Con chó lại sủa. Mày muốn tao dâng hoa nữa chăng? Tôi lội xuống nước hái một bông hoa lục bình màu tím. Con thành kính dâng ngài. Ngài ở lại xơi cơm, chiều con đến hầu hạ ngài. Tôi ra bến phà hát nghêu ngao. Thỉnh thoảng có người cho tôi tiền. Tôi lấy tiền mua nhang cúng Đức Thày.

Mặc dù tôi biết chắc chắn tôi là hiện thân của Đức Thày, Đức Thày là hiện thân của Phật, nhưng tôi không là Phật. Mỗi khi thắp nhang trước bàn thờ Đức Thày, lòng tôi như lửa đốt. Có điều gì đó thôi thúc tôi phải nói. Tôi thuộc lòng Sấm giảng của Đức Thày, nhưng điều kỳ lạ là khi đầu tôi nghĩ như Sấm giảng thì miệng tôi lại nói như một thằng lăng nhăng bất nhã. Có khi tôi lập ngôn mà không biết. Dẫu sao, tôi vẫn được mọi người tôn kính như Đức Thày tái thế. Ngoại trừ Phượng coi tôi ngang hàng như con Bili. Tôi tưởng tượng cảnh Phượng xoa đầu tôi như xoa đầu con Bili, tôi thấy mình hạnh phúc. Tôi sẽ bò dưới chân Phượng, liếm láp như con Bili vẫn làm. Tôi sẽ nằm ngửa ra như con Bili vẫn đùa giỡn như thế cho Phượng đạp chân lên mặt. Và tôi sẽ ôm bàn chân Phượng đặt lên môi mình. Và mút từng ngón chân Phượng. Và liếm sạch gan bàn chân Phượng. Và tôi cúi lạy Phượng như tôi vẫn lạy Bồ Tát. Và tôi thờ Phượng trên đầu tôi. Và tôi tụng niệm Phượng trong tâm can tôi. Vũ trụ được tạo thành và duy trì bởi dục. Nhưng dục bất khả túng. Thế mà tôi thủ dâm Phượng vượt không gian và thời gian. Dục lai láng từ tiền kiếp đến hậu kiếp. Con đường giải thoát tôi ở đâu? Tôi hiện tồn cùng với dục vô chấp trước. Thằng cha V đểu cáng biết tôi mê Phượng, nó hư cấu Phượng mê thằng cha Đạo Tiếng, bạn nó, bỏ tôi một mình trong cõi điên loạn trùng phùng viễn mộng thơ ngây. Tôi lại có thêm lý do giết V để đem Phượng về với bản quán chân như xứ Hòa Hảo giao tình với lão khùng thiết thực.

Mày cứ lên núi Cấm tìm Phật mà xin cứu độ. Tao sẽ có cách giết mày không dơ tay.

 

Dưới lán lợp bằng lá dừa, những chiếc võng nylon mắc lủng lẳng thành một hàng dài trông như một bầy ngựa bị nhốt. V nằm giữa, bên phải là N, bên trái là Phượng. Cả ba đều nhắm mắt. Ở mỗi đầu võng có một cái bàn nhỏ, trên đó lỏng chỏng ba ly nước thốt nốt gần cạn.

V nói trong lúc vẫn nhắm mắt, anh có cảm giác như đang động đất.

Phượng bảo không phải đâu. Cái cây mắc võng rung đó.

N nói động đất hay không thì vẫn cứ phải nằm. Em muốn ngủ.

V bảo, ừ ngủ đi.

 

Tuy nói thế, nhưng V thấy nắng lung linh trong đôi mắt nhắm của mình. Liền sau đó là những vạt lửa chạy trên đồng cỏ, nó dồn đuổi V về phía chân trời. Không chân đứng. Mất hút hai cô bạn gái. Trong khi cả N và Phượng đều bị vướng vất bởi những ý nghĩ về mối tương quan không thể xác định giữa họ với nhau, mặc dù họ đang cùng chia sẻ một trải nghiệm về cái hang. Nơi chốn mà người ta cùng cảm thấy chung một số phận. Rất khác với khi người ta ngồi chung trong một căn phòng, hay trên một chiếc xe. Đó cũng là cảm thức về sự tách biệt khỏi thế giới xung quanh.

Tiếng gió xào xạc làm cho sự yên tĩnh của ban trưa trở nên nhẹ nhàng hơn giữa nắng chói chang và hai người đàn bà. V duỗi thẳng chân, hắn muốn đạp đến một chỗ nào đó, nhưng điều ấy chỉ có nghĩa là chân hắn rớt ra khỏi chiếc võng. Đôi khi người ta cũng cần phải biết bơi, hắn nghĩ. Hụt chân và hụt hơi. Bỗng dưng V cảm thấy mình như người khuyết tật. Tôi thiếu cái gì? Tất nhiên không phải một chiếc xương sườn mỹ miều, một con cặc hoành tráng hay đôi cánh thiên thần.

 

Chỉ có lão khùng ở Hòa Hảo biết V thiếu cái gì. Nhưng thay vì bù đắp cho V, lão khùng đang hô biến một thằng cha V lếu láo vớ vẩn ra khỏi cuộc đời. Bởi không biêt mặt V, lão vẽ hình V theo nhân dáng của chính lão, rồi đặt tấm hình trên một cái đĩa.

Thắp mấy cây nhang, lão đặt cái đĩa lên bàn thiên. Ngửa mặt lên trời, lão thầm khấn vái, chết mẹ mày đi, biến mẹ mày đi, máy bay đâm vào mày, xe hơi tông vào mày, xe bò húc vào mày… Sau đó, lão cầm tấm hình vẽ đốt.

Trên chiếc võng, V bồn chồn xao xuyến. Hắn mở mắt và phát hiện dưới đất đầy những con sâu màu xanh to bằng ngón tay đang bò lổn ngổn.

V vội vàng gọi N và Phượng: Chạy nhanh ra khỏi đây.

N hoảng hốt và cô không thể đặt chân xuống đất. Giữa lúc ấy người chủ quán xuất hiện. Bà ta cầm cây chổi cứng quét.

Cách đó không xa lắm, lão khùng gục xuống. Lão đã đốt chính lão.

 

Ngày hôm sau, khi về Hòa Hảo, Phượng mới biết tin lão khùng bị đột quị. Cô quay trở lại Châu Đốc vào nhà thương thăm lão khùng. Lão không nói được, chỉ ứa nước mắt nhìn Phượng. Cô cảm thấy khó xử. Nuôi lão thì quá khùng, mà bỏ mặc lão thì bất nhẫn. Cuối cùng Phượng tự an ủi, cô chẳng có trách nhiệm gì với lão, cứ để cho thần thánh và nhà nước lo. Phượng ra về, lòng buồn vô hạn. Một ngày nào đó, cô cũng sẽ nằm một mình như thế, chờ chết. Phượng tự hỏi, mình có đủ can đảm để tự xử khi chán sống hoặc không thể cứu vãn mạng sống? Cảm giác về nhà giống như chui vào nấm mồ, Phượng đi lang thang ngoài đường. Tôi chẳng sống vì điều gì, thế mà tôi vẫn sống. Tôi cũng là một con điên.

Buổi tối, Phượng quay lại nhà thương với lão khùng. Cô sờ cặc lão. Một cục thịt bèo nhèo. Chẳng có gì thú vị, cô nằm xuống dưới chân giường ngủ.

 

2.

N nói với V, em muốn viết một cái gì đấy.

V bảo, nếu thật sự em cảm thấy bị thôi thúc.

Nhưng chữ nghĩa trốn đâu mất. N nói. Có cách nào không anh?

V cười, cách tốt nhất là cứ gặp nhau và cọ vào nhau.

N bảo, anh chỉ thích lạm dụng.

 

Không, thật đấy. Văn chương là ngọn lửa xẹt ra từ chỗ da thịt chạm vào nhau.

N lườm V. Tuy thế, cô cũng cọ má vào vai anh. Em không cảm thấy muốn làm nhà văn hay nhà thơ, nhưng em muốn viết.

Điều ấy hoàn toàn đúng đắn. V nói.

Trước mắt, em cần được hạ hỏa. N bảo.

Vào khách sạn anh giải quyết cho.

Không, em muốn đi gội đầu. N bảo.

 

Tiệm gội đầu có ba ghế. Một ghế đã có một cô gái nằm. V và N nằm trên hai ghế còn lại. Cô thợ hỏi, anh muốn dùng dầu gội gì? Đầu V trọc, nên V nói cái gì cũng được. Vừa gãi trên đầu V, cô thợ vừa hỏi, được không anh? Mạnh một chút nữa, V nói. Ô-kê, được rồi.

V thích nhất cảm giác nước xối thấm tràn qua cái khăn lạnh vào da đầu.

Hình như N đã ngủ. V mở mắt nhìn cô thợ. Cô nheo mắt với anh. V chu mỏ. Cô thợ cười, cô lấy tay bịt mắt anh lại.

 

Ra khỏi tiệm gội đầu, N nói khi ngồi trên xe sau lưng V, em muốn tặng anh cái đồng hồ, hàng hiệu, nhưng second hand thôi. Em thích đồng hồ.

V bảo, anh có đồng hồ rồi. Tặng anh mấy cái quần lót đi.

Cũng được. Hôm trước em nhìn thấy mấy cái rằn ri hay lắm.

V nói, mặc vào chắc trông giống Tạc-giăng.

Em sợ anh giống khỉ đột.

V nói, cũng tốt, làm trò khỉ cho dễ.

 

N dẫn V đến một cửa hàng nằm trên một con đường nhỏ. Đủ thứ hàng treo la liệt trên các mắc áo và chất đống dưới đất. N tìm được cho V mấy cái quần lót rất ngầu. Cô bán hàng vú bé như quả cau, đon đả tán: Em có mấy mẫu hàng mới. Anh mua tặng cho chị nhé.

V bảo cô bán hàng: À, chị không thích mặc gì bên trong.

N đấm V. Xuyên tạc.

Đôi khi trời Sài Gòn rất đẹp. N bảo V chở cô đi lòng vòng.

Em muốn nhìn thấy mây. N nói.

 

V chạy xe qua cầu Thủ Thiêm. Ngừng xe trên cầu. Mây âm u. V bế N ngồi lên thành cầu.

Em muốn sống như một người vô tổ quốc. N nói.

Ừ, nếu có một qui chế cho những người vô tổ quốc thì cũng vui. V bảo.

“Một qui chế cho những người vô tổ quốc” như anh nói thì có khác gì một “tổ quốc” khác.

Không, ý anh là một thừa nhận chung của các quốc gia dành cho những người không thích một tổ quốc nào.

 

Rồi thì chính cái tập thể ấy cũng sẽ biến thành một quốc gia. Con người không tránh được phải sống bày đàn.

 

Vậy thì chỉ có một cách là tự cho mình cái quyền vô tổ quốc. V bảo. Thật ra, đã có rất nhiều người sống trong trạng thái đó.

Cũng như em không thích lệ thuộc vào một ai.

V bảo, em chỉ lệ thuộc vào ông nhà văn là tác giả đã hư cấu ra em.

Một “nhân vật” như em có thể đòi quyền tự quyết không?

V bảo, cũng có thể. Đến một lúc nào đó, chính nhà văn cũng không thể kiểm soát được “nhân vật” của mình.

 

Vừa nói, V vừa ôm N, như thể anh sợ mất N. Thật ra, N chưa bao giờ thuộc về V. Sự hiện diện của N bên cạnh V chỉ là một ước muốn sáng tạo và hoàn toàn mang tính giả định. Nhưng chính N lại làm cho sự hiện hữu của V trở nên thực hơn.

Thế thì, N nói, anh cho em biến nhé.

 

Em sẽ không thể biến mất một khi đã được sinh ra. Dù chỉ là một ý niệm, khi đã được phóng chiếu vào thế giới, nó sẽ tồn tại mãi. Dẫu sao em cũng đã có một số phận.

Anh biết không, em chán nhất là việc phải mang một tính cách như một thứ bản chất bất biến cho cái nhân vật của mình.

Anh biết điều ấy đã bị công thức hóa. Chính vì thế, các nhân vật của anh như em, Phượng hay ông Đạo Tiếng, lão khùng có thể nổi hứng bước ra khỏi tác phẩm và sống một cuộc sống khác.

 

Đây là một tôi khác.

Tôi đã nói với V rằng tôi muốn là một người vô tổ quốc, mặc dù tôi biết điều đó là bất khả. Bởi vì tôi không thể từ bỏ được gốc tích của mình cũng như cái bối cảnh đã hình thành nên tôi. Có thể tôi đã ít nhiều lầm lẫn với khái niệm vô chính phủ. Nhưng tôi thật sự chán đất nước này, quê hương này, những con người này. Cả V nữa, nếu anh không cần đến tôi như anh đã cảm thấy. Điều trớ trêu nhất, tôi lại muốn lấy chồng. Tất nhiên không phải V. Tôi nói với V, nếu em lấy chồng, em sẽ đòi một điều kiện là được tiếp tục đi chơi với anh. Đấy là mối quan hệ thiết yếu để tôi vẫn còn là tôi. V cũng bảo, nếu em lấy chồng, và có một căn nhà riêng thì hãy để dành cho anh một phòng để bất cứ khi nào muốn, anh có chỗ để về. Tôi thích ý tưởng đó. Tôi sẽ trang trí căn phòng và sắm những thứ cần thiết cho anh. Hôm đi mua quần lót cho V, tôi đã nghĩ, cái anh chàng này, đang lệ thuộc vào mình. Thật ra, tôi rất muốn chăm sóc cho V, như một người tôi yêu quí mà tôi không thể lấy. V là kẻ đã sinh thành ra tôi, đấy không phải là một trở ngại, mà tôi biết V không còn khả năng đáp ứng những ham muốn vô độ của tôi. Tôi mới chỉ là kẻ đang bắt đầu, trong khi V đã là người hoàn tất. Trong khoảng thời gian còn lại của cuộc song hành so le này, chỉ có những cái với tay mịt mù mộng tưởng. Khoảng cách về thực chất là điều tôi muốn bù đắp cho V. Tôi đã để cho V ôm tôi, thậm chí cho V hôn vú tôi, như cách tôi san sẻ khoảng trống của thực tại phiêu linh giữa hai số phận rất riêng biệt của chúng tôi. Tôi đã lột trần tôi trên căn phần của thế giới này cho V được thấu suốt. Dẫu sao, tôi cũng muốn anh đi hết cuộc hành trình của mình, qua tôi và cùng với tôi. Nhiều khi tôi vẫn đùa hỏi, còn đủ sức để yêu không? V bảo thì cũng phải thử mới biết. Tôi không muốn anh phải thất vọng, vì thế tôi tự đặt một giới hạn là không bao giờ tụt quần lót khi bên anh. Gìn giữ ngọn lửa hưng phấn cho anh, tôi cũng muốn anh trở nên siêu thực như tôi, phóng mình vào những dự cảm bất định của một củ giống tuyệt mầm. Tôi vẫn nghĩ, cần phải có một cảm thức tuyệt tự khi viết cũng như yêu đương để giải phóng tối đa năng lượng sáng tạo và cảm thụ. Tôi là một sản phẩm của tưởng tượng và không có gì ngăn cản tôi mở rộng biên độ của mình, cũng như tự bôi xóa bằng cách đi ngược chiều trở về với một bản thảo trắng. Cảm thức tuyệt tự là độ nén cho một bước nhảy vượt tường. Đồng thời cũng là trạng thái của sự hư vô hóa. Chờ đợi bùng nổ. Tôi mồi lửa cho ước muốn của V. Tôi yêu V nhưng không muốn lấy V. Tôi tin rằng V hiểu điều ấy có ý nghĩa như thế nào. Có lẽ vì thế anh không ghen. Mặc dù tôi vẫn cho anh biết về những người đàn ông sẵn sàng bỏ tiền mua tôi. Tất nhiên tôi không được sinh ra để bán. Nhưng đàn ông vẫn thích tỏ ra là người có tiền. Họ quên rằng tôi cũng là người có khả năng làm ra tiền. Tôi hỏi V nên lấy một người chồng như thế nào? V cười bảo, như anh. V không bao giờ bỏ lỡ cơ hội vơ vào tán tỉnh tôi. Tôi bảo, anh tha cho em, đời em còn dài. Anh có thể sống với em bao lâu? Một tháng hay một năm? Sau đó, anh bắt em nhịn à? V lại cười, nếu cần thì kiếm một thằng khác giống anh. Tô muốn ôm lấy anh, nhưng phản xạ tự nhiên tôi đẩy anh ra. Ông vừa thôi. Tôi hỏi, anh vẫn muốn hầu hạ em phải không? Ừ. Đấm bóp cho em đi, tôi nói, em mỏi cái mông. V bảo người ta dùng cái mông để ngồi, em dùng cái mông để lắc thì mỏi là phải rồi. Tôi cười nhớ lại câu V từng viết, cái mông của tôi làm thế giới chao đảo. Tôi nằm sấp xuống cho V xoa bóp. Người tôi bềnh bồng nhưng bẹp dí như con gián dưới bàn tay anh. Có thể một ngày nào đó em phải đi bán bún bò nuôi thân, anh có đến phụ em không? Chuyện nhỏ. Chuyện lớn là em nấu bún bò có ngon không. V luôn làm cho tôi hạnh phúc. Tôi nói, tuần tới em sẽ nấu bún bò mời anh. Tôi muốn chăm sóc anh, nhưng tôi bao giờ cũng ở ngoài anh. Có những lúc tôi bỏ quên anh cả mấy tháng. Nhưng khi nào cần, cũng có anh, như là chỗ để tôi quay về. Tôi là một đứa bé ham vui và mê mải kiếm tiền. Thích ngồi trong bar uống rượu, nhưng không thích nhảy. Chọn đầu tư nhà đất, không chơi chứng khoán. Bởi thế, tôi có hai mơ ước. Một là mở hầm rượu, chỉ bán vang. Hai là xây một khách sạn trên nước, giống như một hòn đảo. Có hai người đàn ông sẵn sàng giúp tôi thỏa ước nguyện. Nhưng tôi không thể đáp ứng điều kiện làm người yêu nhỏ bé của họ. V nói, nếu em muốn làm giàu anh vẽ cho. Có tiền, muốn bao nhiêu chồng chẳng được. Tôi bảo đừng nói với em như thế. V không bao giờ tìm cách che giấu ý nghĩ của mình. Anh nói, đây là bí kíp của sự thành công. Bước một, tìm sự bảo kê của bọn cầm quyền (càng lớn càng tốt). Ngôn ngữ thời đại gọi là thương hiệu. Bước hai, tổ chức làm ăn theo nguyên tắc dựa hơi thì triệt để, chia sẻ quyền lợi thì khiêm tốn. Người bỏ vốn và điều hành chỉ lấy bốn. Cho bọn bảo kê ngồi không hưởng sáu. Sách lược này không bao giờ thất bại ở những nước độc tài. Và có thể kinh doanh ở tất cả mọi lĩnh vực, kể cả ma túy và buôn người. V nói không có gì lạ, tôi biết lâu rồi. Tôi cảm thấy kinh tởm và e ngại mỗi khi ngồi với các anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm, anh Sáu… Có thể một lúc nào đó tôi cần đến họ, bởi thế, tôi cũng đã thiết lập được vài mối quan hệ khá tốt với các chị Ba, chị Tư… Nhiều lúc thấy các chị kiếm tiền cũng sốt ruột, nhưng tôi ham vui hơn ham tiền, lại còn lãng mạn cổ điển chơi với anh V. Có lẽ một trong những điều đáng kể nhất của con người là hiên ngang coi mọi thứ như cục cứt và tự kiêu hãnh với đồng loại. Tôi không đến nỗi tự cao, nhưng cũng tự hài lòng. Sức mình đến đâu, chơi đến đó. Có thể các chị Ba, chị Tư cho rằng tôi dở hơi, nhưng tôi không thích quị lụy, lại rất sợ hàm ơn. Bởi thế, tôi chưa giàu. Tuy nhiên, tôi vẫn đủ bảnh để thỉnh thoảng mời V du hí và coi thường mấy anh đàn ông muốn dùng tiền dụ tôi. Sẽ là bi kịch cho bất cứ ai xem đồng tiền là cứu cánh. Tôi thong dong và tự tại. Đây mới là sự kiêu hãnh của tôi. V yêu tôi có lẽ vì thế. Tôi cũng quí anh vì chẳng có điều gì làm anh bận tâm, ngoài việc anh muốn gần tôi. Người ta hay thích nói về một thế giới phẳng hay chiều thẳng đứng, tôi lại chỉ nhìn thấy một thế giới nghiêng. Cảm thức về sự sụp đổ làm cho con người tỉnh táo hơn và biết sống hơn. Cần phải tận hưởng những gì có thể và cũng cần phải xa lánh những trào lưu của đám đông. Nhưng đôi khi tôi cũng tự hỏi, V có phải là thành trì an toàn của tôi? Thế giới tiểu thuyết của anh bất định và gây hấn. Trong khi bọn phê bình chỉ là một lũ chó làm xiếc. Chúng không cắn anh vì sợ ngộ độc. Tôi hiện hữu không căn cước. Dẫu sao, tôi vẫn chọn là người vô tổ quốc. Bạn bè bảo hơi bị sang. Chữ nghĩa cũng có lý lịch. Một biểu tượng cần phải có gia phả. Nhưng tôi không kế thừa chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cũng không dây dưa gì với truyền thống ầu ơ ví dầu cải lương hát bộ ca trù cửa quyền dân tộc. Sự trung thành đã bị khinh bỉ bởi tính ngu dốt và sự vô liêm sỉ của nó. V nhặt được tôi ở lề đường và đặt lên trang sách của anh. Bọn giáo điều bảo anh bị ám ảnh tình dục. Chỉ có bọn chỉ điểm văn hóa là tỉnh táo, chúng bảo anh phản động. Lại hơi bị sang. Chúng hỏi anh: Sứ mạng của mày là gì? Anh bảo, sứ mạng của tao là đụ. Bởi đụ là sáng tạo. Thế thì đụ má mày, chúng lại hỏi, mày chống ai? Chống tao. Đụ má mày, mày lại chống mày là sao? Tự chống là sáng tạo. Chúng hỏi, mày có ngu không? Minh triết đấy. Thế thì đụ má mày, cứ yên tâm mà minh triết nhé. Nhưng đừng có chống lãnh đạo mà toi mạng. V viết như cuồng sát. Ai là lãnh đạo giơ tay? Bác Ba Phi ở xứ Bạc Liêu giơ tay. V hỏi bác lãnh đạo ai? Tui lãnh đạo vợ tui. Xạo quá, đàn ông làm sao lãnh đạo vợ. Không tin hỏi các chị nữ quyền xem. Bác Ba Phi cười, không xạo làm sao thành Ba Phi. Đôi khi, tôi thấy V nhảm. V bảo không nhảm thì đã thành lãnh đạo. V lại hỏi làm vua sướng không? Có một người không giơ tay, bởi chính ông ta đã từng làm vua. V hỏi ông vua, thưa hoàng thượng, tại sao làm vua mà không sướng? Ông ta đáp, vì còn có thằng sướng hơn, đó là thằng nhiếp chính. V bảo hiểu rồi, nó khiến được cả vua. V quay sang hỏi lão nhiếp chính, làm nhiếp chính sướng hay khổ? Chỉ có sướng trở lên thôi, hiểu không? Dạ, hiểu, giống như tổng bí thư nhiếp chính chủ tịch nước. Đôi khi, tôi thấy V điên loạn. V bảo không điên thì đã đi buôn đất. V hỏi buôn đất với bán nước cái nào giàu nhanh hơn? Cả thế giới đồng thanh nói bán nước. Đúng, buôn đất cũng có khi tổ trác. Cô bạn tôi đang muốn tự tử vì giá căn hộ chung cư bên Phú Mỹ Hưng xuống còn một nửa, thị trường chứng khoán đứng trên bờ vực sụp đổ. Tôi cũng thích bán nước hơn, chỉ mất mỗi cái hư danh mà được tất cả. Nhưng cả cái hư danh tôi cũng không có. Tôi bàn với V, hay là em bán đứng anh? Vấn đề là có ai chịu mua anh không. Thằng cha chỉ điểm xuất hiện, nó bảo tiền cò 15%, tao bán được tất. Tôi không tưởng tượng được sau khi bị bán, V sẽ như thế nào. Có lẽ điều ấy còn tùy thuộc vào người sẽ mua V là ai. V bảo, tốt nhất là bán anh cho hoa hậu hoàn vũ. Đừng có mơ. Em bán anh cho Thị Màu, cho anh chết sớm. Nhưng để có nhiều tiền, em sẽ bán anh cho công an. Thằng cha chỉ điểm lại xuất hiện, nó bảo việc ấy của tao. Giuda ở xứ Galilê từ trên cây tụt xuống bảo chuyện bán người không là độc quyền của ai cả. Rất nhiều người quen không biết từ đâu cũng chui ra nói, trong chuyện này, ai nhanh tay thì được. Tôi cảm thấy khoái trá, bỗng nhiên V rở nên đắt hàng. Tôi nói với V, em làm tiếp thị tốt đấy chứ. V bảo, thật ra có một người mà anh muốn bán mình cho hắn, nhưng hắn lại không đến. Bỗng nhiên tôi ngẩn ngơ, thì ra ai cũng muốn bán mình. Tôi hỏi V, thật không anh? V gật đầu.

 

3.

V bị mời lên công an phường. Anh bị hỏi cung liên tục bởi ba viên chấp pháp khác nhau trong ngày đầu tiên. Sau đó anh được chuyển về trại giam của công an quận. Tiếp tục bị hỏi cung, cuối cùng V cũng không biết mình bị khép vào tội gì. Sau hơn một năm trong trại giam, V bị đưa đi lao động cưỡng bức ở một nông trường thuộc Củ Chi. Thêm một năm nữa cày cuốc trồng lúa và lên liếp trồng thơm, anh tự nhủ, thế là đủ, rồi anh trốn về. Kinh nghiệm lao tù cho anh thêm một xác tín rằng, con người luôn có hứng khởi để trấn áp lẫn nhau. Thời gian V ở tù cũng là lúc N đi lấy chồng. Cô không có một ý niệm nào về sự vắng mặt của V. Chỉ đến khi N quyết định bỏ chồng, cô mới gặp lại V. Đối với V, N vẫn là một cô bạn chẳng có gì thay đổi, ngoài một vẻ đẹp chín chắn hơn và một sự thân thiện dễ dãi hơn. Rằm tháng giêng, lễ hội bà Chúa Xứ ở Thủ Dầu Một, V đưa N đi lễ chùa. N nói, em muốn xin ít lộc. Có hoa và mấy quả cau. V hỏi, em vẫn muốn lấy chồng nữa? N bảo, em đâu có ăn chay trường. Trên đường về, V bảo mình vào khách sạn ngủ một giấc nhé. N nói, thôi, làm sao ngủ được với ông. Họ chọn một quán nước bên đường có võng. Giống như mấy năm trước ở Châu Đốc, chiếc võng làm V có cảm giác động đất. N hỏi, anh có liên lạc với Phượng không? V bảo Phượng không còn ở Hòa Hảo nữa, anh nghĩ là Phượng đã lấy chồng. N bảo không chắc, em nhớ hồi đó có lần Phượng nói với em muốn mở một quán nhậu ở núi Sam vừa để kiếm sống, vừa muốn gần ông Đạo Tiếng. V bảo, dường như việc lấy chồng của em cũng như Phượng là điều gì đó không đúng. N nói, có lẽ thế, việc em bỏ chồng không phải do chọn lầm người, mà chính việc lấy chồng đã là sai lầm. Em không được sinh ra để làm vợ. Em cần tự do. Cũng như em không tưởng tượng được anh lại là một người chồng của ai đó. Có rất nhiều điều làm em cảm thấy thế giới này cần phải xóa đi làm lại, để cho các mối tương quan giữa con người với nhau trở nên bình đẳng và thông thoáng hơn. Đã có nhầm lẫn về trách nhiệm với sự trật tự và ổn định trong cuộc sống. Các mối quan hệ thay vì giải phóng đã trở nên ràng buộc.

 

Đột nhiên N thay đổi đề tài, khi nào thì anh sẽ xé tất cả bản thảo? V với tay sang võng của N đung đưa, nói, khi em trở lại trên trang giấy hoặc lặn sâu trong màn hình vi tính. N cười, em đâu có thoát được bọn Google. /.

 

20.7.2008

Nguyễn Viện
Số lần đọc: 2364
Ngày đăng: 21.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một bài tập làm văn lạ - Phan Thành Khương
Đất Quê - Bạch Lê Quang
Hoang tưởng - Phạm Hồng Danh
Người bán bún - Dương Phượng Toại
Gã Đớp - Minh Diện
Vòng đời bé nhỏ - Trần Quang Vinh
Qua bờ bắc - Khôi Vũ
Người thứ 79 - Mai Tú Ân
Gã tử tù đáng yêu - Nguyễn Chính
Bến sông xưa - Nguyễn Lập Em
Cùng một tác giả
Thiên tai (truyện ngắn)
Nơi tối tăm (truyện ngắn)
Đại gia (truyện ngắn)
Gió ở lưng (truyện ngắn)
Game Show (truyện ngắn)
Mưa nước bọt (truyện ngắn)
Giữ Chùa Ăn Oản (truyện ngắn)
Lấp lỗ châu mai (truyện ngắn)
Người có công (truyện ngắn)
Người Mất Tích (truyện ngắn)
Ma khúc (thơ)
Ốm vì làm tình (truyện ngắn)
Họa Tiết Của Mùi (truyện ngắn)
Mù Mờ Váy (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)
Chung Quanh Là Biển (truyện ngắn)
Hồi Ức Trong Máu (truyện ngắn)
Quốc Sư (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)