Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
762
116.516.374
 
Thanh Thảo và Thơ
Trần Hoài Anh

"Thơ cũng huyền diệu như Trời"

Charles Henri Ford

 

Trong các loại hình nghệ thuật, thơ là một trong những loại hình kỳ diệu nhất và xuất hiện sớm. Song hiểu rõ được bản chất của thơ là điều không đơn giản. Bởi lẽ, thế giới của thơ là thế giới của ảo ảnh đầy nhiệm mầu. Chính vì vậy, nữ sĩ Blagađimitrova đã phải thở than: "Ôi nếu tôi biết thơ là gì thì cả đời tôi đã chẳng phải khổ sở thế"(1). Và Chế Lan Viên, một nhà thơ suốt đời luôn khao khát đi tìm bản thể thơ cũng phải chua chát thú nhận: "Thực ra tôi chưa hiểu hết thơ đâu. Tôi cũng có định nghĩa nhiều lần đấy, nói hẳn hoi, viết hẳn hoi. Nhưng lần nầy định nghĩa thì lần sau nắn lại, chỗ này định nghĩa thì chỗ khác bổ sung. Vẫn còn nghĩ tiếp, nghĩ tiếp mà"(2). Còn Thanh Thảo nghĩ về thơ như thế nào ta hãy nghe anh tâm sự: "Kỳ lạ, là thơ. Lúc ta cất công tìm nó, thì nó chạy đi đâu, còn lúc tình cờ, ta chợt nghe trong mình một tiếng nói, cứ như ai mượn ta hay nhập vào ai, không rõ bắt đầu, không định kết thúc"(3)

 

Như vậy trong quan niệm của Thanh Thảo, thế giới của thơ mãi mãi là thế giới của sự huyễn hoặc. "Cõi thơ là cõi bồng phiêu" (Bùi Giáng). Cho nên đi vào thế giới của thơ là đi vào thế giới của ảo mộng, của hiện hữu và hư vô. Bởi thế theo anh: "Thơ không cần lý giải, mà cần được cảm, được xúc động, được đánh thức một cách như tình cờ"(4). Vì với anh: "Thơ có thể bất chợt, rất nhẹ nhàng, chạm tới những tầng sâu, những nơi âm thầm nhất của phận người"(5). Cho nên anh rất đề cao thiên chức của thơ, khi cho rằng: "thơ cao hơn bản năng. Đó là tiếng gọi từ một thiên năng." (6). Nhưng anh lại không quá coi trọng chức năng giáo dục của thơ. Theo Thanh Thảo thơ mà chỉ nhắm tới giáo dục, cải tạo là thơ không đích thực. Vì "Thơ đích thực không nhằm giáo dục cải tạo ai, nhưng nó lại giúp thanh lọc tâm hồn con người" (7). Giá trị vĩnh hằng của thơ vẫn là những giá trị mang tính nhân văn, những vấn đề thuộc về con người, về nhân loại. Và cái làm nên giá trị ấy chính là ở sự thanh lọc tâm hồn. Chính vì vậy trong quan niệm của Thanh Thảo, thơ không phải là thứ vật chất bình thường mà là tiếng gọi của tâm linh, hơn thế nữa còn là một thứ tôn giáo mà người làm thơ, người đọc thơ nhiều khi phải chấp nhận bi kịch để vác cây thập giá thơ bước qua những khổ nạn của cuộc đời, mới mong chạm đến bản thể thơ.

 

Thơ không thể chấp nhận và không bao giờ chấp nhận sự trần trụi đến lạnh lùng với những lọc lừa trí trá đầy buồn nôn của đời sống. Giá trị của thơ bao giờ cũng là sự kết tinh giá trị từ những mỹ cảm chân thật của tâm hồn. Bản chất của thơ là sự thành thực (chữ dùng của Hoài Thanh) nên theo Thanh Thảo: " Thơ là tiếng nói của tâm linh, tiếng nói của sự chiêm nghiệm nhiều khi là cả đời người, của nhiều đời người. Ở những tập thơ có giá trị cao, chúng có thể là "kinh thánh của tâm hồn", là thứ không thể mua và không thể bán" (8). Cho dù trong cuộc sống không ít người đang biến thơ thành một thứ trang sức, một thứ phấn son điểm tô cho cuộc đời của họ thêm màu mè. Rõ ràng thơ bao giờ cũng hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ. Thơ không thể là một món hàng trang trí. Nhà thơ Lê Đạt cho rằng: " Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện những vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn..." (9)

 

Ý thức được vai trò của thơ trong đời sống, Thanh Thảo không chỉ quan tâm đến việc đi tìm bản thể thơ mà còn quan tâm đến sứ mệnh của nhà thơ. Bởi lẽ, thi sĩ không chỉ là người sáng tạo thơ mà qua thơ, họ còn tạo nên những giá trị mỹ cảm cho cuộc sống. Vì thế, trong quan niệm của Thanh Thảo, nhà thơ phải sống thật với mình và với đời: "phàm làm thơ dù viết về ai, về cái gì cuối cùng cũng nhằm bộc lộ mình"(10). Và từ sự nghiệm sinh của một thi sĩ, anh đã tự bạch: "Làm thế nào để thành một nhà thơ thì tôi không biết nhưng khi là một nhà thơ thì có lẽ, đức tính đầu tiên là đừng nói dối, đừng "đánh quả lừa"(11). Còn gì đáng buồn hơn khi vẫn tồn tại trong cõi nhân gian nầy loại nhà thơ kém cả tài năng và nhân cách. Sự trí trá là điều tối kỵ trong đời sống. Với văn chương điều ấy lại là "sự đê tiện" ( Nam cao) làm thấp hèn nhân cách người nghệ sĩ. Bởi lẽ: "Dù thi sĩ một phút thôi cũng không giấu nổi mình"(12).

Thanh Thảo cho rằng: "Nhà thơ là con người không phải thiên thần"(13). Nhưng thơ của họ thì phải là lời của thiên thần; nghĩa là phải đẹp, phải thánh thiện và thanh cao. Thơ phải là tiếng gọi từ tâm thức và thiên lương của nhà thơ. Vì vậy quá trình sáng tạo thơ bao giờ cũng thể hiện thiên năng của nhà thơ. Đây cũng là vấn đề được quan tâm bàn đến trong quan niệm thơ của Thanh Thảo. Với anh: " Nhà thơ đích thực là người có thể mơ khi đang tỉnh, và rất tỉnh khi đang mơ. Với họ có ít nhất hai thế giới tồn tại song song. Và họ dễ dàng "đi lại" giữa hai thế giới ấy. Cái nhìn trong suốt là cái nhìn của tâm hồn, và cái mờ ảo của ngôn ngữ là kết quả của sự tương tác giữa hai thế giới " (14).

 

Bằng sự nghiệm sinh của thi sĩ, Thanh Thảo đã cho thấy diễn trình sáng tạo của nhà thơ, một công việc mà nếu không có sự trải nghệm thì không thể hiểu một cách sâu sắc và tinh tế như thế. Chính vì vậy, anh rất coi trọng những giây phút thăng hoa trong sáng tạo của nhà thơ. Theo anh, thi nhân chỉ có thể sáng tạo trong ám ảnh của vô thức và tâm linh. Như một sự mặc khải: "Thơ đưa người làm thơ vào cách đi của người mộng du, đi trong mơ với cặp mắt mở to, mở to nhưng không thấy gì, nghe tất cả mà cuối cùng chỉ là những tiếng văng vẳng. Thân thể người làm thơ là một bộ lọc, chỉ khi nào anh để yên cho thân thể mình lọc lại đời sống, rồi bất chợt nó bật ra cái gì, thì đó mới là thơ" (15). Và cũng trong cảm thức này, ở một chỗ khác anh đã khẳng định những bài thơ hay là những bài thơ được nhà thơ sáng tạo trong lúc chênh vênh giữa hai bờ hư thực. Thơ là lúc đang rơi. Vì " Không phải đỉnh núi hay đáy vực làm nên thơ hay, mà cái chính là lúc đang rơi, lúc lơ lững giữa đỉnh và vực là lúc mà nhà thơ có được những thi phẩm xuất thần" (16). Chính thơ được làm ra bởi những phút xuất thần từ những tâm hồn thanh khiết cho nên Thanh Thảo quan niệm rằng nếu dẫu thơ có vẽ tranh "lõa thể", người đọc cũng chỉ cảm nhận được cái đẹp, duy cái đẹp mà thôi"(17). Có thể nói, quan niệm của Thanh Thảo về quá trình sáng tạo thơ chịu ảnh hưởng khá sâu sắc thuyết phân tâm học. Freud cho rằng nghệ sĩ giống như người mắc bệnh tâm thần, rời bỏ thực tại để đi vào thế giới ảo tượng. Và sản phẩm của nghệ sĩ là kết tinh của ẩn ức tính dục để biến thành những phút thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật.

 

Sáng tạo nghệ thuật là hoạt động tất yếu của người nghệ sĩ. Nhưng người nghệ sĩ chỉ có thể tồn sinh khi tạo được cho mình một phong cách, một cá tính riêng trong sáng tạo. Vấn đề này phải được xem như một chuẩn giá trị làm nên sự hiện hữu của thi nhân trong tâm thức người đọc. Anh cho rằng: " Thơ mỗi người mỗi cách"(18). Và " Mỗi nhà thơ đi qua cuộc đời này theo một lối riêng"(19) nên phải luôn tự đổi mới mình, đừng bao giờ lặp lại mình. Trong sáng tạo thơ, nếu lặp lại người khác hoặc lặp lại mình là một sự tự sát và như thế cũng đồng nghĩa với việc tự tiễn đưa mình ra nghĩa trang thơ. Nói như Thanh Thảo: "Thơ được làm nên bởi những nhà thơ, vì thế sự khác nhau chính là sự tồn tại và ngược lại sự giống nhau là cái chết."(20). Và để khẳng định qui luật giá trị trong cá tính sáng tạo của nhà thơ, một lần nữa anh cho rằng: "Thơ chẳng giống ai, chẳng ai mong giống ai và không có lối nào đi chung cho hai nhà thơ cả. Đó là thách thức và cũng là cái làm nên sức quyến rũ của thơ"(21). Đây là một quan niệm đúng cả trong lý luận và thực tiễn sáng tác thi ca. Sự định hình phong cách của mỗi nhà thơ không chỉ là quá trình rèn luyện mà còn thể hiện tài năng của họ. Đó cũng là suy nghĩ của Thanh Thảo khi anh cho rằng: " Vài bài thơ cũng có thể làm nên một phong cách thơ, ngược lại nghìn bài thơ chưa chắc làm nên một phong cách"(22).

 

"Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh" ( Jakobson). Và "làm thơ là tạo ra một hành tinh thứ hai bằng ngôn ngữ" (Chế Lan Viên ). Vì vậy với sứ mệnh cao trọng hóa tiếng nói con người, nhà thơ có phong cách phải sáng tạo ra một tiếng nói riêng, một giọng điệu riêng, một lối dùng chữ riêng trong thế giới nghệ thuật của mình. Yếu tính của việc làm thơ là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, một tín hiệu thẫm mỹ thể hiện tài năng của nhà thơ. Nói như Lê Đạt: " Chữ bầu lên nhà thơ". Vì :"Người làm thơ không phải làm bằng ý mà bằng chữ."(23). Đây cũng là quan niệm của Thanh Thảo khi anh cho rằng ngôn ngữ thơ là điều ám ảnh thường trực trong tư duy sáng tạo của nhà thơ. Với anh: "Ngôn ngữ trong tay người làm thơ cũng giống như những cây que, những chiếc vòng...trong tay trẻ nhỏ. Chúng có thể biến hóa nên bao trò chơi, mà trò chơi nào cũng chóng chán, cũng đòi người chơi phải bày ra trò mới khác đi."(24). Bởi lẽ, "Những người làm thơ đều hiểu những thời khắc phải chiến đấu đến tuyệt vọng chống lại sự sáo mòn trong ngôn ngữ thơ của mình. "(25). Đây không chỉ là một ý niệm về ngôn ngữ thơ (theo kiểu lập ngôn của các nhà lý luận về thơ) mà chính từ sự trải nghiệm trong đời thơ của mình, anh nêu ra một kinh nghiệm trong việc sáng tạo ngôn ngữ thơ. Điều nầy không chỉ hữu dụng cho người làm thơ mà còn cần thiết và bổ ích cho những người nghiên cứu và tiếp nhận thơ ca. Trong quan niệm về ngôn ngữ thơ của Thanh Thảo có thể còn có chỗ cực đoan, khi anh xác quyết rằng: "Ngôn ngữ thơ không phải làm phong phú cho ngôn ngữ con người, nó chỉ chắt lọc tinh túy của ngôn ngữ con người". Điều nầy chỉ đúng một phần. Bởi chính từ sự chắt lọc cái tinh túy của ngôn ngữ con người, nhà thơ đã khám phá và sáng tạo ra những nét nghĩa mới của ngôn ngữ thơ, từ đó góp phần làm giàu có ngôn ngữ đời sống. Nhưng khi anh quan niệm những hình ảnh, những biểu tượng của thơ được tạo nên từ ngôn ngữ thơ "không chỉ kích thích trí tưởng tượng của con người, nó còn khiến con người vững tin rằng ngoài những hình ảnh thế giới mà mình thấy được, cảm nhận được, còn những hình ảnh mà mình chưa thấy nhưng sẽ thấy, chưa cảm nhưng sẽ cảm được"(26) thì đây lại là một phát hiện khá tinh tế của anh về giá trị của ngôn ngữ thơ. Rõ ràng trong quan niệm của Thanh Thảo, ngôn ngữ thơ không chỉ là những kí hiệu phản ánh hiện thực cuộc sống bên ngoài mà còn là những mã thẩm mỹ giúp người đọc cảm nhận, khám phá hiện thực bên trong. Vì vậy anh đã nêu ra một định đề khá độc đáo thể hiện sự nắm bắt tinh tế qui luật sáng tạo ngôn ngữ thơ khi cho rằng: "Với thơ có một điều dường như nghịch lý: là khi cái nhìn của thi sĩ càng trong, thậm chí trong suốt. thì ngôn ngữ thơ lại càng mờ" (27). Là thể loại luôn biến sinh và không bao giờ chịu đông cứng, với những đặc trưng riêng, ngôn ngữ thơ bao giờ cũng mang tính đa nghĩa, cũng có độ mờ cần thiết. Độ mờ trong ngôn ngữ thơ càng cao thì tính đa nghĩa càng đậm nét. Như thế, ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật trong thơ mới sâu sắc, linh động. Từ đó, sự tiếp nhận của người đọc mới phong phú và đa dạng. Bởi lẽ, theo Thanh Thảo: "Thơ luôn ở tầng ngầm, tầng sâu của dòng chảy cuộc sống"(28).

 

Một điều khá lý thú, trong quan niệm của Thanh Thảo về mối quan hệ giữa Thơ - Nhà thơ - người đọc, ta thấy rất gần với mỹ học tiếp nhận hiện đại. Bởi trong quan niệm của mình, anh rất đề cao và tôn trọng nhân vị của người tiếp nhận. Chính sự cảm thụ rất riêng này là chiếc cầu tạo sự tri âm giữa nhà thơ và người đọc. Đây cũng là nhân tố làm nên sự đa dạng, phong phú trong cảm thụ thơ. Theo anh: "Thơ khác kinh cầu. Nó không tạo ra những cơn mê tập thể. Nó không ru rín. Thơ mê hoặc bằng sự thức tỉnh. Thơ chỉ dành riêng cho từng người một. Và khi một người đọc thơ cho mình là người ấy đã đồng hiện với một giáo đường" (29). Có thể nói, Thanh Thảo rất có ý thức tôn vinh vai trò của người đọc trong việc giải mã văn bản tác phẩm thơ; một vấn đề mỹ học tiếp nhận hiện đại rất quan tâm. Bởi lẽ, tác phẩm văn học bao giờ cũng là một cấu trúc mở. Và điều tạo nên cấu trúc mở của tác phẩm văn học đó chính là độ mờ của ngôn ngữ thể hiện trong văn bản. Điều nầy đối với thơ lại là một giá trị hằng cửu làm nên yếu tính của thơ. Vì nói như Huỳnh Phan Anh: "Thơ bộc lộ để không bộc lộ gì hết. Nó bộc lộ để giấu ẩn (...) Thơ ở giữa có và không, thực hữu và hư vô, mời gọi và từ chối" (30). Ở đây, ta thấy quan niệm của Huỳnh Phan Anh có những điểm tương hợp với Thanh Thảo, khi anh cho rằng: "Thơ không từ chối bất cứ cái gì, nhưng thơ khao khát sự bí ẩn"(31). Phải chăng chính độ mờ của ngôn ngữ trong các văn bản thơ là nguyên nhân tạo nên sự bí ẩn trong thơ. Và đây chính là tiền đề tạo nên khát vọng khám phá và sáng tạo nơi người đọc khi tiếp nhận thơ ca cũng như thể hiện thiên năng của nhà thơ trong hành trình sáng tạo của mình. Vì vậy, Thanh Thảo rất có lý khi cho rằng: "Thơ có thể cùng lúc kích động được nhiều người, nhưng thơ lại chỉ dành cho từng con người riêng biệt, từng con người muốn qua cảm nhận thơ để cảm nhận chính con người mình, và qua chính con người mình mà cảm nhận thế giới"(32). Với anh: "Thơ đọc giữa quảng trường cũng như đọc trong xà lim, cái chính là thơ chứ không phải nơi đọc thơ. Cái chính là từng người một tiếp nhận thơ, chứ không phải vạn người như một tiếp nhận thơ"(33). Như vậy trong quan niệm của Thanh Thảo, tiếp nhận thơ bao giờ cũng là quá trình sáng tạo mang tính cá nhân. Đây là quan niệm không chỉ có ý nghĩa trong thực tiễn sáng tạo và cảm thụ thơ ca mà còn có giá trị về mặt lý thuyết văn học.

 

Ngoài những vấn đề được tập trung bàn đến như đã nêu trên, Thanh Thảo cũng còn đề cập đến một số vấn đề khác trong hệ thống lý thuyết về thơ như bàn về hình thức nghệ thuật thơ mà theo anh: "Hình thức chính là sự hiện diện nghệ thuật riêng biệt của từng nghệ sĩ. Không có cái hình thức đó, thì cũng chẳng bao giờ có nghệ thuật"(34). Hay khi bàn về nhịp điệu trong thơ, anh đã tạo nên một hình tượng thật độc đáo: "Nhịp điệu thơ - nó xuất phát đâu từ trong máu, nó vọt trào ra đâu từ cái giếng ngầm nào đó bên trong nhà thơ. Nó băng đi hay ngắt quảng, dồn nén hay bùng cháy cũng từ một bộ điều khiển nào đó trong thân thể nhà thơ, nhiều khi có vẻ tự động, vô ý"(35). Còn đây là một suy niệm của anh về thơ tự do: " Là nhà thơ, bao giờ cũng nuôi khát vọng vượt thoát một cái gì. Cái gì đó có khi chính là chữ, là vần, là nhịp, là nhạc, là tất cả những gì tạo nên cái vỏ vật chất của bài thơ. Khát khao vượt thoát, ý hướng tự giải phóng đó gặp được một hình thức thích hợp: Đó chính là thơ tự do"(36). Hoặc nói đến chất trí tuệ và tình cảm trong thơ anh cho rằng: "Thơ cần cả triết học và phi triết học, cần cả những khám phá trí tuệ lẫn những trạng thái vô lý, vô nghĩa của tâm hồn. Ở những bài thơ kết hợp được hai điều ấy, lập tức nó đáp ứng, nó tác động trực tiếp đến người đọc" (37). Điều ngẫm ngợi của Thanh Thảo rất tương đồng với ý kiến của Goethe: "Trong bản chất của thơ có cái gì qủy quái, nhất là ở thơ ngẫu hứng thoát ly cả lẽ phải, không thể hiểu thấu và do đó vượt quá cả trí tuệ"(38) và Breton: "Thơ phải là sự tan rã của trí tuệ". Nghĩa là trí tuệ ấy phải biến thành cảm xúc của trái tim, biến thành sự rung động của tâm hồn thì mới sáng tạo ra thơ được.

 

Thanh Thảo vốn là một nhà thơ không phải là một nhà lý luận phê bình , càng không phải là một nhà lập ngôn, lập thuyết về thơ. Anh đến với lĩnh vực lý luận phê bình văn học nói chung và phê bình thơ ca nói riêng như người làm tay trái mà anh gọi một cách hình ảnh là "ngón thứ sáu của bàn tay". Nhưng tôi nghĩ cho dẫu là ngón thứ sáu của bàn tay hay ngón thứ mấy đi nữa thì nó vẫn là một ngón tay trong đôi bàn tay sáng tạo rất tài hoa của anh. Vì vậy, những bài viết về thơ của anh thật sự là những bài viết của một người có tay nghề, có cơ sở lý thuyết, không phải là những bài lý luận phê bình viết lấy được, nhạt nhẽo và vô bổ, nhiều khi rất ngây ngô của một số người mà ta thường gặp không khó lắm trên các trang báo. Chính sự cộng hưởng của một tư duy sắc sảo trên nền tảng của một kiến văn phong phú cùng với sự cảm nhận tinh tế trong tâm hồn của một thi sĩ đã tạo nên một hệ giá trị riêng trong những suy niệm của anh về thơ.

 

Với hai tác phẩm tiểu luận phê bình Ngón thư sáu của bàn tayMãi mãi là bí mật, trong đó chủ yếu gồm những bài phê bình về thơ và bàn về yếu tính của thơ, có thể khẳng định cùng với không nhiều nhà thơ hiện đại khác như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Lê Đạt, Phùng Quán, Văn Cao... Thanh Thảo là nhà thơ vừa làm thơ lại vừa có những suy niệm khá độc đáo về thơ. Tuy những suy niệm về thơ của Thanh Thảo chưa thành một hệ thống quan niệm hoàn chỉnh nhưng những điều anh nghĩ về thơ vẫn mang một giá trị đích thực về mặt lý luận và thực tiễn trong sáng tạo và tiếp nhận thơ. Bởi nói như Chế Lan Viên trong lời tựa viết cho tác phẩm Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại: "Nghĩ có buồn Không? Ở đất nước hàng nghìn năm thơ, hàng trăm thi sĩ, thơ không chỉ là hình thức phổ biến mà còn là chủ yếu để thổ lộ tâm tình, thế mà sao sách vỡ bàn về thơ ít ỏi làm vậy! Ít cho đến nỗi ai nói gì về thơ, thì ta cũng mặc, hay ừ ào cho nó xong chuyện rồi thôi"(39). Thiết nghĩ, không cần bình luận gì thêm, qua lời trần tình của Chế Lan Viên đủ cho thấy giá trị từ những suy niệm về thơ của Thanh Thảo đã góp phần vào việc làm phong phú và hiện đại hóa hệ thống quan niệm về thơ của dân tộc như thế nào...!?./.

 

Chú thích:

(1) Blagađimitrova, Ngày phán xử cuối cùng, Nxb Thanh niên, Hà Nội 1973, tr.298

(2) Chế Lan Viên, Bay theo đường dân tộc đang bay, Nxb Văn học Giải phóng, 1976, tr.96

(3), (24), (11) Thanh Thảo, Ngón thứ sáu của bàn tay, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr.25, tr.26, tr.37

(4), (5), (6), (7) (8), (10), (13) (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), ( 25), (26), (27), (28), (29), (31), ( 32), (33), ( 34), (35), (36), (37) Thanh Thảo, Mãi mãi là bí mật, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2004, tr.477, tr.116, tr.299, tr.286, tr.233, tr.470, tr.474, tr.228, tr.300, tr.120, tr.126, tr.266, tr.265, tr.249, tr.239, tr.107, tr.229, tr.224-225, tr.227, tr.224, tr.222, tr.215, tr.215, tr.223, tr.120, tr.107, tr.310, tr.247

(9), (23) Lê Đạt, Đối thoại với đời và thơ, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2008, tr.115, tr.116

(12) Thanh Thảo, Khối vuông Rubích, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985 tr.59.

(30) Huỳnh Phan Anh, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Nxb Hoàng Đông Phương, Sài Gòn, 1968, tr.104

(38) Đoàn Thêm (trích dịch), Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.153

(39) Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1988, tr.7

 

Bài đăng tạp chí Nhà Văn số 9/2009

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 24990
Ngày đăng: 22.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vòng vo về trường-phái-nhóm thơ Việt từ cảm xúc Hậu hiện đại Việt - Đỗ Quyên
Đi tìm chân trời cho thơ - Dương Bích Duyên
Quan Điểm Mỹ Học của Lão Trang - Nguyễn Trúc Uyên
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam - Trần Minh Thương
Người đọc trong quan niệm của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Từ một câu Ca Dao hiểu câu thơ Hàn Mặc Tử - Trương Quang Cảm
Thơ xứ Huế 2009 - một năm nhìn lại - Lê Huỳnh Lâm
Thơ Inrasara, cách tân theo tinh thần hậu hiện đại - Lê Thị Việt Hà
Lê Đạt với những đối thoại về thơ - Trần Hoài Anh
Inrasara trong Hành Trình Cách Tân Thơ Việt - Lê Thị Việt Hà
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)