Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
529
116.585.893
 
Ai lên xứ luyện vàng?
Văn Thành Lê

Hơn 40 năm khai thác, người Pháp đã mang về nước hơn 3,5 tấn vàng, nhưng đã để lại trên mảnh đất này máu và nước mắt của biết bao người dân Việt một thời nô lệ.

7 giờ 30, khi thị xã Tam Kỳ bắt đầu bước vào nhịp sống hối hả của một ngày mới, chúng tôi lên đường đi Bồng Miêu. Vẻ ồn ã của phố thị bỏ lại phía sau, con đường phía trước lên cao, lên cao dần. Nhiều đoạn dích dắc chữ chi với những khúc cua ngặt, đủ để gieo vào lòng người chút cảm giác muốn chinh phụ, khám phá những bí ẩn của thiên nhiên kỳ vĩ. Có ai đó ở băng ghế phía sau buột miệng: “Sao giống đường lên Bà Nà quá!”. Ừ, thì giống, nhưng không cao bằng. 35 km đường nhựa phẳng phiu, xe cứ bon thẳng, thỉnh thoảng có chậm lại đôi chút để nhường đường cho những chiếc xe ủi hoặc qua những đoạn cua khuỷu tay.

Qua khỏi trung tâm xã Tâm Lãnh một đoạn là đến Văn phòng Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu, lọt thỏm giữa bốn bề núi và núi. Tổng Giám đốc Charles A.F. Barclay và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Quỳnh cùng với nhân viên chuẩn bị đón đoàn chúng tôi từ sáng sớm. Tại sao lại là tổng giám đốc? Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu là một doanh nghiệp liên doanh giữa Công ty Olympus Pacific Minerals Inc (Canada) và 2 doanh nghiệp Việt Nam là Công ty Phát triển khoáng sản (gọi tắt là MIDECO, thuộc Bộ Công nghiệp) và Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Quảng Nam (MINCO). 15 năm qua, họ tiếp tục công việc của những người đi trước, thăm dò từng mét một trong lòng đất núi để tinh luyện ra chất vàng óng ánh. Nghìn năm trước, các vương triều Chăm-pa đã phát hiện và khai thác vàng ở Bồng Miêu nhằm phục vụ các công trình kiến trúc hoàng gia và tôn giáo. Chiến tranh loạn lạc, mãi đến thế kỷ XIV-XV, xứ sở của vàng này mới được cư dân người Việt khai thác trở lại bằng nghề đào, đãi vàng thủ công; nhưng thời hoàng kim nhất nơi này lại thuộc về quãng thời gian các chúa Nguyễn từng bước mở cõi về phương Nam. Cuối thế kỷ XIX, đánh giá đúng tiềm năng to lớn của mỏ vàng Bồng Miêu, người Pháp thành lập Công ty Vàng Bồng Miêu và tổ chức khai thác.

Tổng Giám đốc Charles A.F. Barclay cho biết: “Chúng tôi có thể khai thác Bồng Miêu không dưới 50 năm. Bồng Miêu hiện có 3 khu mỏ chính. Hồ Gần là khu mỏ lộ thiên, đang được tập trung khai thác trong vòng 3 năm với trữ lượng hơn 1 triệu tấn quặng, trong đó khối lượng khai thác 521 nghìn tấn, hàm lượng vàng trung bình 3,85 gam/tấn quặng. Theo công suất thiết kế, công ty chúng tôi mỗi năm tuyển lựa khoảng 18 nghìn tấn quặng với sản lượng 600 kg vàng mỗi năm. Sau khi đưa hai khu mỏ còn lại là Núi Kẽm và Hố Ráy – Thác Trắng vào khai thác, lượng vàng thu được mỗi năm sẽ được nâng lên từ 1-1,5 tấn”.

Để lên đến khu mỏ Núi Kẽm, chúng tôi phải lội bộ hơn 500 mét. Những căn “nhà Thùng” sẫm màu thời gian ẩn hiện sau những hàng cây. Theo lời ông Quỳnh, gọi là “nhà Thùng” có lẽ vì những ngôi nhà ở khu di tích này giống như những chiếc hộp, hoặc vì một lẽ khác, ngày trước ở đây có những chiếc máy nghiền quặng có hình dạng như tang trống. Đứng trước lán trại bảo vệ “nhà Thùng” – nơi xưa kia là văn phòng làm việc của người Pháp ở mỏ, có thể nhìn bao quát xuống bãi đất dưới thấp, nơi trước năm 1991 hãy còn ngổn ngang các loại máy nghiền của người Pháp để lại. Xa hơn, ngọn thác Trắng nơi sườn núi đối diện hiện ra với những vệt nước đơn điệu trên nền đá xám, khác với vẻ hùng vĩ vào mùa mưa tung bọt trắng xóa một vùng. Lúc mới chân ướt chân ráo đến nơi này, người Pháp đã dùng thác lấy điện cho mỏ, trước khi thiết lập một trạm thủy điện quy mô hơn phía trên vùng núi Bồng Miêu. Phía sau chúng tôi là núi Kẽm, núi Kẽm nhưng cho vàng. Đây là khu mỏ có hàm lượng vàng cao nhất ở Bồng Miêu - khoảng 10g/tấn quặng. Ngày trước, giá vàng thế giới thấp, công nghệ còn lạc hậu, người Pháp phải tìm khu mỏ có hàm lượng vàng cao thì khai thác mới có lãi.

Khu Núi Kẽm có đến 10 tầng lò khác nhau với 40 cửa hầm, tổng chiều dài các đường hầm lên đến 18km. Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu đang khôi phục lại một số hầm lò cũ và khai thác tiếp các hầm mới. Chúng tôi, 10 người một lượt, sau khi được công nhân phân phát và bày cách sử dụng mũ bảo hiểm, ủng, đèn thợ mỏ, bắt đầu hành trình “làm thợ mỏ” dưới sự hướng dẫn của một kỹ sư phụ trách hầm người Philippines. Tập trung trước cửa Lò 7 (Adit 7), chúng tôi được dặn dò thêm lần nữa. Đây là hầm mới được khôi phục, chưa biết điểm cuối nằm ở đâu, thỉnh thoảng có các ngóc ngách dẫn đi đâu đó trong lòng núi. Chúng tôi thận trọng dò bước trong ánh sáng đèn pin, luôn dặn mình là phải tỏ ra “lễ phép” một chút, nhất là những anh cao kều. Nước róc rách chảy dưới chân, thỉnh thoảng rơi vài giọt từ vòm hầm xuống mũ. Trừ một vài đoạn địa tầng yếu có cây chống, còn lại là đường hầm khoét sâu vào vách núi đá. Càng vào sâu, không khí càng nóng dần lên, hun nóng cảm giác được tham dự vào một cuộc phiêu lưu đầy những bất ngờ dưới lòng đất.

Từ câu ca xưa, vàng Bồng Miêu (còn gọi là Bông Miêu), đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ không chỉ riêng người dân xứ Quảng mà cả nước. Một lần lên Bồng Miêu, tại sao không? Phó Trưởng phòng Thị trường Công ty Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng Phạm Đình Hoàng khẳng định: “Tour này có thể thiết kế được. Ngoài tuyến đi bằng ô-tô, có thể tổ chức cho khách, nhất là khách châu Âu, lên Bồng Miêu bằng xe đạp từ hồ Phú Ninh”. Giám đốc Công ty Lữ hành Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, Bồng Miêu hiện không chỉ ẩn chứa trữ lượng vàng mà còn cất giấu tiềm lực du lịch rất lớn, vấn đề là phải biết làm thế nào để biến tiềm lực thành của cải. Theo ông Mỹ, nên thành lập một nhà trưng bày lịch sử hình thành mỏ vàng Bồng Miêu, có mô hình cụ thể để khách hiểu hơn về quy trình khai thác, tinh luyện vàng. Cũng phải nghĩ đến chuyện phục vụ cả khi khách muốn mặc áo công nhân, cầm cuốc thợ mỏ làm vài nhát để chụp một tấm hình kỷ niệm. Bồng Miêu thuộc loại “hàng độc”, mở tour lên vùng đất nổi tiếng này là một cách trả lời cho câu hỏi “có gì mới không?” của những người “nghiện” du lịch nhưng lại quá nhàm chán với những địa chỉ quá cũ. Đại diện các hãng lữ hành ở hai đầu đất nước đều bày tỏ mong muốn tỉnh Quảng Nam sớm có kế sách để sớm đưa tour vào phục vụ với chất lượng tốt để khách “một đi rồi... quay lại”.

Ra về, mỗi người chúng tôi đều được tặng một hộp sơn mài nhỏ, bên trong là một phiến đá có đính một thỏi quặng óng ánh sắc vàng cùng với lô-gô và dòng chữ “Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu”. Thích thật, một nữ đồng nghiệp công tác ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn không giấu được niềm vui: “Hy vọng, lần sau lên sẽ được xem cảnh công nhân đang khai thác quặng vàng”. Riêng tôi, cầm quà tặng trên tay, chợt chạnh lòng nghĩ về những gì đã diễn ra nơi này hơn một thế kỷ trước. Hơn 40 năm khai thác, người Pháp đã mang về nước hơn 3,5 tấn vàng, nhưng đã để lại trên mảnh đất này máu và nước mắt của biết bao người dân Việt một thời nô lệ. Những “thạch đạo” khoét sâu vào lòng núi là niềm tự hào, nhưng đã hằn dấu đau thương trong lòng các thế hệ người dân Việt.

Câu ca xưa “Từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu” có một dị bản là “đắp đàng Bồng Miêu”. Lên tận xứ sở của vàng này, sẽ thấy rằng, người Pháp, trước khi “bòn vàng”, đã cho “đắp đàng” từ Tam Kỳ lên Bồng Miêu, để lại trên vùng đất này những huyền thoại lấp lánh ánh vàng và thương tâm màu máu. Lên xứ luyện vàng để được tận mắt nhìn và cảm nhận những bi tráng của quá khứ, nỗ lực trong hiện tại và kỳ vọng ở tương lai. /.

Tháng 8 - 1006

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 2273
Ngày đăng: 26.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ankor Wat .Đi, với trái tim - Elena Pucillo Truong
Vườn chanh miệt biển-1 - Kiệt Tấn
Vườn chanh miệt biển-2 - Kiệt Tấn
Pattaya - thành phố kỳ lạ… - Minh Tứ
Ốc bươu Bàu Nghè - Văn Thành Lê
Nửa nghìn năm trầm tích - Văn Thành Lê
Bí mật tiếng chiêng Phước Kiều - Văn Thành Lê
Hoa cỏ dại - Nguyễn Chính
Khúc tráng ca mù u - Văn Thành Lê
Ông Sáu Bia - Nguyễn Chính