Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
529
116.489.352
 
Chúc ban mai tốt lành
Lê Trâm

Chuyện của một người đàn ông:

 

Lúc này lũ bạn cũ của mười một lớp 12 đã tụ hết về nhà Chuyện. Tôi lướt qua từng gương mặt và thầm nhủ sao mà ít thế ! Không tới bốn mươi đứa ! Hồi ấy, bãi học, chỉ một khối lớp ùa ra đã nêm kín một khúc đường mà sao bây giờ vắng vẻ quá. Tôi liếc nhìn mảnh giấy đang nằm trên tay Hoàng Ngữ - danh sách các bạn qua đời - và đếm : một, hai, ba,.... Chỉ một lớp của nó đã vậy, còn lớp tôi? Tôi nuốt nước bọt một cách khó nhọc và chịu, chẳng thể nào nhớ hết. Tháng ba một chín bảy lăm, bùng một cái, mỗi đứa bắn về mỗi nơi, khắp nước. Xa nhất có lẽ là Dĩ, Phan Anh Dĩ. Tình cờ đọc tên tác giả một cuốn sách toán tôi mới biết tin Dĩ. Hắn lưu lạc tận dải đất cuối cùng của Tổ quốc. Có khi nào Dĩ nghĩ đến chuyện trở về trường cũ không nhỉ? Biết sao được khi chính tôi, chỉ dưới trăm cây số mà hai mươi bảy năm mới lặn lội về được. Tôi vốn không ưa các kiểu họp lớp và có cảm giác rằng đấy là dịp tụ họp để chè chén và khoe khoang sự thành đạt của mình ? Là lúc để người ta trịch thượng và hợm hĩnh với cả những kẻ trước đây cùng mài đũng quần y hệt một kiểu như mình ? Là lúc lim dim mắt mãn nguyện khi có dịp nhớ về một thời trẻ ngọt ngào của các cậu ấm, cô chiêu hay là lúc dành thời gian thả lỏng hồi ức về những mối tình mực tím?....Nếu không vì Phương Thúy chắc rồi tôi cũng trôi qua mất cuộc này. Hồi ấy, tôi chỉ là một đứa học trò nghèo, hai năm  một bộ đồng phục và cứ thế cuốc bộ năm sáu cây số đến trường. Lơ thơ vài cuốn vở, không một cuốn sách giáo khoa, chỉ toàn học ké, hoặc học ở sách được trường và các nhà hảo tâm tặng thưởng. Vốn nhỏ con nên tôi bị chìm đi giữa đám học trò đông như quân Nguyên và phá như giặc. Nghèo nên mặc cảm. Tôi cứ muốn chìm đi mãi giữa đám đông. Và thường giật thót người khi có ai đó réo tên mình. Tôi vào đệ thất không một người bạn, chỉ nhớ nổi tên hai đứa đỗ trên mình, một là Dĩ, tiếp theo là Lê Công, đang làm phóng viên một tờ báo, cũng vắng mặt như Dĩ. Có lẽ vì tôi học hai năm mà băng hết cả cấp tiểu học. Lý do thứ hai chắc là vì mặc cảm. Và nhớ thêm tên thằng bạn to xác nhất lớp chưa xong kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt đã bị tóm vào lính sau đó quay về bắt tụi bạn mũi dãi lò thò gọi bằng cậu. Hắn còn bắt cả lớp hét vang câu cậu Cư cẩu có con cừu cẩu cột cây cau cẩu cắt cổ nghe thật buồn cười. Lúc này Cư đã xuôi về đâu? Nghèo nên sớm khôn. Tôi, mười hai tuổi đã biết tự làm đơn xin thi vào trung học đệ nhất cấp và ơn trời, đã đỗ, để rồi chen chân vào tận ngôi trường sáng danh này. Lạ một cái từ đó tôi chẳng buồn vì thân phận mình. Vẫn vui, gắng học, rồi lăng xăng làm thơ, viết báo ( tường ) chẳng thua kém mấy đứa bạn khá giả tẹo nào. Rặt những mơ mộng vẩn vơ tuổi học trò, loanh quanh những mối tình mong manh với thân phận bé bỏng tựa con sâu cái kiến. Và dám cả gan rung động một cách đàng hoàng trước dáng vẻ quý phái của con gái một vị quan chức đang học nữ trung học bên cạnh . Cả gan nhiều buổi đi theo chân nàng mỗi bận xe Jeep chưa kịp đến đón nàng về. Lù đù mất hai năm đến năm lớp tám ( là năm trường đổi tên từ lớp đệ ngũ sang lớp tám ) tôi mới học ra trò. Cứ thế cho đến tận lúc tạm biệt ngôi trường thân yêu.

 

Tôi giật thót người - hệt như hồi Phượng tinh nghịch gọi tên tôi ba mươi năm về trước - và đứng lên. Cả đám bạn phì cười. “ Hạ đang nhắc mày đấy , sao cứ ngồi lặng như ông từ thế ?” , Hoàng Ngữ khẽ nhắc. Tôi nhìn về phía Hạ. Không nhận ra nổi cô bạn qua dáng ngồi bệ vệ với thân hình đồ sộ. Tôi lắc đầu, cười :” Chẳng nhận ra Hạ”. Giọng Hạ nhỏ và mảnh, chìm trong sự náo nhiệt : ”Ông cũng lạ ghê. Ốm và già đi nhiều, hết cả phong độ ! “. Tôi cười ngượng nghịu :” Bao nhiêu năm rồi còn gì. Hạ thế nào?”. “Vẫn thế, tiếp tục nhìn những mùa thu đi “. Hạ cười, thoáng vẻ chua chát và cam chịu. “Chồng con ra sao? ” Hình như có điều gì đó vừa đổ vỡ trong Hạ, mặt Hạ thoáng biến sắc : ” Con ba đứa, đã lớn. Chồng đi bán muối được mấy năm“. Bán muối? Tôi lắc đầu, chịu, không hiểu Hạ muốn nói gì. Hạ là đứa ồn ào nhất trong bốn đứa lớp B2 được tăng cường qua từ trường nữ ( trường nữ không có ai học ban B nên bốn đứa tụi nó bị tống sang học chung với bọn quỹ dữ ). Tôi ngắm gương mặt Hạ cố tìm ra chút ồn ào vốn có của cô bạn cũ mà đành chào thua. Hạ như lạc tới từ đám đông nào xa xôi... Tiếng đàn bập bùng. Bên kia, Trịnh Phúc đang hát một tình khúc của anh chàng họ Vũ. Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Dòng sông nào đưa người về bên bến mơ. Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ (*)...Tôi chau mày bởi ca từ của bài hát cứ đẩy tôi về phía  quá khứ.  Bay về đâu rồi hở Khánh Phượng ? Nghe nói rằng em đã đến bên kia bờ đại dương, từ lâu lắm. Cũng nghe nói rằng em vẫn đang quẩn quanh đâu đây, nơi thành phố này. Nghe rằng em rất giàu có và hạnh phúc. Lại cũng nghe rằng em đã khốn khổ một cách khó hiểu. Chao ơi, đóa trà mi của tôi ! Chấp chới giữa lời hát và tiếng đàn là em váy trắng, áo pull, tóc demi - garcon  đang nhún nhảy hát Beautiful Sunday say sưa và điệu nghệ một cách trẻ con. Về đồi sim ta nhớ người vô bờ..(*) .Câu này thì được. ứng cả vào tôi. Lần nghe em hát ấy , không chen chân lên nổi để tặng em một đóa hồng, tôi đành chờ em nơi cổng rạp để thêm một lần nhìn ngắm gương mặt rạng rỡ. Em vừa ra đường chiếc xe Jeep mẫn cán đã trờ tới... Đêm nguyệt cầm tôi chờ em trong gió. Sáng linh lan hồn tôi chết bao giờ...(*). Đúng là có những sáng tinh khôi và những đêm nguyệt cầm mơ hồ, quyến rũ tôi đã nhớ và nghĩ nhiều về Khánh Phượng. Tôi thích thơ Nguyễn Tất Nhiên nhưng lại thích hát  Đưa em tìm động hoa vàng  phổ từ thơ Phạm Thiên Thư. Có điều gì đó u uẩn lẩn quẩn trong trí tưởng tượng non nớt của tôi nhiều năm và sau này lại vận vào tôi.  Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say... Thôi thì thôi chỉ là phù vân..(**). Không ai còn nhớ bài hát  ấy. Đám bạn vẫn ồn ào với bao kỷ niệm xưa cũ lẫn hiện tại bề bộn. Chao ơi, tội nghiệp đám bạn bè của tôi.  Ngày ấy tất thảy chúng tôi cùng cuốn vào nỗi lo toan của đất nước và nhất là của gia đình. Mỗi đứa phải tự lựa chọn lấy một kiểu sống, một lối đi cho riêng mình trong bao nhiêu rối rắm, bộn bề và phức tạp của từng gia đình. Tôi hiểu vì sao nhiều đứa lại chọn nghề dạy học. Một cách lựa chọn nhanh nhất, yên ổn nhất. Để rồi không bao giờ sửa được. Quậy phá và ngỗ ngáo như Đàm Hưng vẫn chọn nghề dạy được huống hồ chi tôi ! Tôi mười tám nào đã hiểu biết gì ngoài những bài học, những rung động từ mối tình một phía mong manh như sương khói và nồng nàn màu phượng đang từng phút từng giây cháy lên trong tim. Trở về làng quê cũ với những cánh đồng đầy dẫy bom mìn, những rặng tre vươn cao giữa trùng trùng lau sậy, dòng sông cá ken dày như sông rạch Nam bộ , công việc đầu tiên của chúng tôi là tháo gỡ bom mìn, tấn công đồng cỏ. Đó là công việc nặng nhọc không kém phần nguy hiểm nhưng chúng tôi chẳng ngại. Đêm,  đến với lớp học bình dân và các buổi sinh hoạt thanh niên mà chủ yếu là hát hò và học tập chính trị. Và cuối cùng, tôi đi dạy, thật tình cờ như một trò chơi vừa chợt nghĩ ra muôn phần tùy hứng.  Các bạn khác có cùng cảnh ngộ như tôi không nhỉ?  Chắc là có và có thể còn cơ cực hơn nhiều . Đó là những ngày tháng khó khăn cả phần xác lẫn phần hồn.  Nhiều lúc nghĩ lại tôi thấy quả thật hồn nhiên và vô cùng can đảm. Chính sự hồn nhiên giúp tôi nhanh chóng vượt qua sự nhọc nhằn . Dù sao những ngày ấy cũng giúp tôi có cái nhìn khá sáng sủa về tương lai khác xa khi còn đi học. Rằng phải học thật giỏi chỉ để khỏi phải đi lính. Mà đi lính thì chỉ.... đoàng một cái là xong. Nghèo như tôi, hết lớp 12 còn có thể đi về đâu ? Ngồi ở ghế nhà trường, bấu giữ lấy tấm thẻ học sinh như là giữ lấy cái thẻ  động viên tại chỗ.  Bỗng nhiên, ào một cái đã về ngay tới quê cha đất tổ, ngập trong không khí yên bình chẳng một tiếng súng. Tôi đã từng ngây ngất đi giữa muôn trùng lúa, thỏa thích vẫy vùng giữa làn nước mát rượi. Thế nhưng nhiều đêm một mình trăn trở trên chiếc giường tre chật hẹp bỗng tiếc vô cùng những tháng ngày bên trường lớp, bên bạn bè. Hình ảnh Khánh Phượng mong manh, mơ hồ là thế nhưng nhiều khi lại hiện về bên tôi rõ mồn một tưởng có thể thấy cả da thịt. Có đêm tôi mơ thấy Khánh Phượng về ngồi bó gối nhìn tôi ngủ với nụ cười thắm màu phượng  luôn mở trên môi. Tôi nhớ như in những lần nín thở lướt nhanh qua cổng nhà nàng với ánh mắt liếc vội vàng. Kể từ ngày tôi trốn học đi theo chân em để nhận bốn con dê rô to tướng là đúng hai mươi chín năm rồi đó Phượng à ! Hai mươi chín năm đủ để một con người thành danh, còn lứa bạn của tôi ?

 

Vũ Liêm, ngồi đối diện, có lẽ là người trưởng thành nhất. Nó dạy đại học và đang làm luận án tiến sĩ ở một có nền văn hóa nổi tiếng thế giới. Tôi biết Liêm vượt qua rất nhiều khó khăn mới đạt đến ước vọng của mình. Những khó khăn không dễ gì vượt qua nổi. Thì đó, Tuấn, Dũng, Đạt, Khoa... và cả tôi đã bỏ cuộc giữa chừng. Từ nãy giờ Vũ Liêm vẫn không nói gì chỉ nhìn hết đứa này tới đứa khác với nụ cười thâm trầm và ánh mắt trìu mến. Có thể những gì chứa đựng trong trái tim nó còn giá trị gấp trăm lần cái học vị nó sắp giành được. Ngày trước, Liêm yêu Dương Viên mê mệt. Còn Viên lại dành tất cả cho đứa khác. Một thứ trò chơi lòng vòng và khó hiểu. Lại càng khó hiểu khi đột nhiên Dương Viên bỏ đi tu. Có phải vì  người ấy  của Viên bị tụi lính dù bắn chết giữa ngã ba Huế đúng ngày giải phóng thành phố ? Một người vốn sôi nổi như Tôn Nữ Dương Viên lẽ nào lại đi chọn chốn u tịch để gởi gắm thân mình ? Không một ai nỡ căn vặn Viên điều ấy mà muốn hỏi thì biết hỏi ai? “ Liêm này, Dương Viên sao chẳng thấy   về ? “. Liêm thoáng giật mình: ” Hình như nhà chùa đang mùa an cư ... “ Tôi nhìn sâu vào mắt đứa bạn cũ: ”Thỉnh thoảng vẫn gặp Dương Viên chứ ?  “. Vũ Liêm lắc đầu : ”Không,  chỉ nghe loáng thoáng “. Tôi thở ra: ” Thế à ... “ Lại im lặng. Lát sau, Liêm chợt cười mời tôi cụng ly và hỏi : ”Mày vẫn viết đều chứ ?“. Tôi lắc đầu bảo chậm và khó nhọc lắm. Nó gạn: ” Sao chẳng thấy tặng sách cho tao ?”. Tôi cười :” Viết nhì nhằng. Tao ngại nên ít tặng cho ai!“ . Liêm uống một hơi cạn hết ly bia, phán: ”Tính mày vẫn thế, chẳng đổi chút nào“ Tôi bật cười : ”Thế sao? Tao tưởng mình đã đổi khác nhiều lắm!“ . Liêm cũng cười theo . Bên kia, Trịnh Phúc đang gạ Thục Hạnh đọc thơ. Không từ chối được, Thục Hạnh đành đứng lên. Cả bọn vỗ tay rầm trời. Hạnh đọc. Có mấy con người, trai lẫn gái, đi qua cuộc chiến tranh, kẻ còn người mất tạo nên một cuộc tình nên thơ và tội nghiệp. Nghịch lý thường xảy ra trong đời và nhiều lắm, trong chiến tranh. Người tưởng không về lại trở về, trái lại, người kia cứ phải ra đi. Lẽ ra chẳng phải như thế, phải không, người con gái trẻ mãi trong thơ và trong suy nghĩ của mọi người? C est la vie! Thế mới là đời chứ ! Có ai đó buột miệng. Thế nào là đời nhỉ? Có phải như là tình cảnh của tôi và Phương Thuý bây giờ không ? Hơn nhau mười hai năm liệu có phải đã đủ để tạo nên khoảng cách, tạo thành hai thế hệ khác nhau ?  Để Phương Thúy không dễ dàng hiểu tôi ? Hay tại vì tôi cứ tạo cho mình cũ thêm đi một cách cố ý và nàng lại cứ làm cho mình trẻ ra một cách vô tình ? Ở giữa chúng tôi là cuộc sống, là hai đứa con và trăm thứ hằm bà lằng phải lo toan. Là đi dạy, khám chữa bệnh, chăm sóc con cái nhà cửa , lo chuyện phải không ốm đau hiếu hỷ... và những cuộc bù khú cùng với bạn bè. Còn những trang văn được viết ra hết sức nhọc nhằn sẽ được xếp vào đâu? Quá khứ, hiện tại, tương lai phải được dàn ra theo đường thẳng, đường cong hay chồng đại lên nhau vô cùng nhập nhằng như tôi đang làm ? Có cái gì đó không ổn trong đời sống gia đình, nhất là trong đời sống vợ chồng . Có phải Phương Thúy cứ mãi vun vào trong khi tôi lại tìm cách ngãng ra? Tại sao vậy? Tôi vẫn thương vợ thương con, thương nhà thương cửa kia mà. Có phải vì cái kiểu ưa vùng vằng, nhăn nhó đá thúng đụng nia rất chi đàn bà của nàng ? Hay chỉ vì sự ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng lo, chẳng liệu việc nào ra hồn, phó thác mọi sự cho nàng, của tôi ? Và, trời ơi, có cần phải giấu diếm sự có mặt của một người đàn bà chen giữa hai chúng tôi ?  Thì anh cứ đi với những cuộc bù khú cùng bạn bè ! Thì anh cứ đi với cái gọi là tìm hơi thở cuộc sống  qua những bóng hồng cho các trang viết của mình đi Có sao đâu nào ? Một kiểu mát mẻ không bao giờ làm dịu xuống mà chỉ toàn làm cho cơn uất mãi lồng lên. Nàng thật chẳng chịu hiểu. Giá như.. Giá như có thể có một sự lựa chọn nào khác. Tôi có hai ngày cho việc tìm về nguồn cội và cũng chỉ hai ngày ấy để nhìn lại và chọn một quyết định. Tại sao bỗng dưng có sẵn cuộc kỷ niệm năm mươi năm thành lập trường đúng vào thời khắc này nhỉ ?

 

Tại sao người ngồi kế bên Vũ Liêm lại là Duyên, em út Ninh Văn Hồng và bé đúng mười hai năm so với tôi?     “ Tại sao em lại có mặt ở đây ? “ Nàng cười: ”Em đi tìm bạn.  Vượt đến ngàn rưỡi cây số mà chẳng gặp được ai. Thì vui ké với các anh vậy! “ . Nàng bộc bạch: ”Khi các anh vào đệ thất thì em mới ra đời đấy ! “ Có ai đó chen vào :” Vẫn chưa mặc quần cơ à ? “. Nàng cười rất tươi :” Các anh vui thật. Lại rất chân tình “. Làm sao em hiểu được bởi tất cả đều đã được trui qua lửa, cái còn lại là vàng là ngọc, Duyên ạ. “Thế, em có hiểu bọn anh không? “. Duyên hất những lọn tóc đang lòa xòa trước trán rồi lắc đầu: ” Không thể hiểu“. Và nàng chợt nghiêm sắc mặt : ”Nhưng cảm nhận được điều gì đó rất thú vị.” Tôi ngạc nhiên nhìn cô bé :” Là gì vậy?“. Duyên bật cười :” Anh nhìn anh Hồng của em kìa ! Đã lên chức ngoại rồi đấy mà vẫn trẻ thơ còn hơn cháu chắt của ảnh. Lần đầu tiên em nhìn thấy ông anh quý hóa của mình như thế đấy !”.  Tôi giật mình thầm nhủ tuổi trẻ thật đáng sợ. Chúng hiểu cả những gì chúng tôi chưa kịp cảm nhận. Chúng cứ ào ào lao tới chiếm lĩnh những gì chúng xác định là mục tiêu chẳng chút chần chừ. Còn lũ chúng tôi? Có những sự chần chừ lẽ ra không nên có . Để cứ phải chuốt lấy toàn thất bại. Thế hệ của Duyên, của Phương Thúy là thế sao? Tôi lờ mờ nhận ra điều gì đó trước đây còn mờ mịt.  Thế nhưng tại sao  con người ấy  lại bỏ cả Duyên để vào một cuộc tìm kiếm khác ? Có phải người ta cứ thích bày ra những canh bạc rắc rối, phức tạp để làm khổ nhau, làm khổ chính mình và cái sự làm khổ này theo thời gian , ngày càng phức tạp, tinh vi hơn chăng ? Tôi và Phương Thúy đã chập hai kiểu đánh bạc với nhau rồi cứ thế quần thảo đầy mệt mỏi chẳng chút khoan nhượng. Hàng xóm tôi tất thảy đều làm ruộng. Họ có cách sống, cách nghĩ khác . Kiểu cách xung đột vợ chồng cũng khác. Nhiều người bảo chúng tôi thật hạnh phúc. Không ai nhận ra được sự lục đục của nhà tôi.  Họ có thể cãi nhau đấy, đánh nhau u đầu sức trán đấy nhưng dễ dàng làm lành với nhau. Còn những người có tí chữ nghĩa lại cứ phải dằn vặt nhau. Sẵn cái chữ nên dễ dàng đưa nhau ra tòa ? Ít khi chịu làm cho vấn đề đơn giản bớt mà cứ cố tình làm phức tạp thêm. Họ thì khác. Họ rất ngại khi phải phơi bày tình cảm của mình lên giấy trắng mực đen. Có phải vậy không? Nhiều lúc nghĩ, sống như họ thế mà sướng. Có đâu như tôi phải một mình vật lộn với thân phận mình như lúc này đây . Chỉ mau già và sớm chết mất thôi...

 

Cuộc hội ngộ trở nên ồn ào. Từng người lần lượt nói về  mình. Mình và năm tháng đã qua. Cái cũ, cái mới đan xen nhau. Té ra là Khoa chuyên nghề hướng dẫn viên nghiệp dư cho mấy anh Tây nhà nghèo. Tuấn sửa đồng hồ còn Tiến Hùng là chủ một shop vải to nhất thành phố. Hường trung tá biên phòng còn Lợi đã là giám đốc một Sở. Dũng sửa xe máy, Công Đạt buôn bán máy vi tính. Chuyện mở nhà hàng nên đứng ra đăng cai cuộc hội ngộ này.... Dường như tất thảy đều không giấu vẻ mãn nguyện khi nói về mình. Còn tôi ? Dạy học, vợ và hai con, cố tình lờ đi caí khoản văn chương ấm ớ. Có ai đó nhắc: “Còn Phượng ?“. Tôi lờ đi. Khó nhọc nhất vẫn là các bạn nữ. Loan vẫn sống độc thân còn vợ chồng Thục Hạnh vừa mới đưa nhau ra tòa. Rồi Hạ và Dương Viên...Hèn chi người ta cứ bảo rằng hồng nhan thì phải đa truân. Có bốn đứa con gái mà đời mỗi đứa mỗi mảnh phất phơ. Đằng sau vẻ cười cợt của Nhật Hạ là sự chua chát. Loan từ nãy giờ vẫn ngồi lặng lẽ một góc. Thục Hạnh gầy guộc và già nhất bọn ngoài lần đọc thơ bất đắc dĩ thỉnh thoảng mới góp vào câu chuyện chung kiểu nhát gừng. Dương Viên đã khoác áo nhà chùa, biết vậy, nhưng lòng nó có lặng được hay không? Hay vẫn cứ chao chát mãi trong lòng chuyện trần ai ? Cầu mong Trời Phật độ trì cho nó, đứa con gái tội nghiệp nhất bọn. Đã lánh tới nơi cửa Phật, hãy giúp cho lòng nó được bằng an. Hòa - đứa bạn nối khố từ hồi vào đệ thất, từng cho tôi học ké sách - nãy giờ vẫn chỉ ngồi lặng lẽ. Tính nó trước nay chẳng thay đổi. Im im để rồi có những nhận xét thật đắc địa. Nghĩ sao Hòa lại khều tay tôi:”Phát biểu cảm nghĩ đi, nhà văn!“. Tôi nhìn vào mắt nó : ”Cứ như là một xã hội thu nhỏ “ . Hòa có vẻ đồng cảm, buột miệng: ” Thương mấy đứa con gái quá“. Tôi nghe cay cay nơi mắt: ”Biết làm sao được “. “Không ai nghĩ cuộc đời mỗi đứa lại như trong tiểu thuyết? “. Còn Phương Thúy của tôi ? Không thể được . Tôi phải có cách suy nghĩ và hanh động khác với những gì tôi đã nghĩ và làm, với Thúy. Không hiểu vô tình hay hữu ý Hòa nắm tay tôi siết nhẹ. Tôi cảm nhận được những gì ẩn chứa qua cách siết tay của Hòa. Nó đã vượt lên khỏi tình đồng môn, đồng lứa , mang hơi thở của cả một quá khứ , một nỗi cảm thông sâu sắc và hình như pha lẫn cả tình máu mủ ruột rà . Bảy năm học cùng nhau cộng thêm hai bảy năm lăn lộn với đời vị chi là ba mươi bốn năm. Là cả một cuộc đời rồi, còn gì! Tôi cảm nhận được dòng máu nóng từ Hòa chảy sang tôi . Chắc Hòa cũng vậy. Trông cái kiểu chớp mắt của nó thì biết. : ” Mười năm nữa, hội trường, mày về chứ?”. Tôi đáp không chút đắn đo: ”  Mười năm, hai mươi,... thậm chí năm mươi năm nữa tao cũng về!“.Hai đứa bật cười và cụng ly đánh chát. Tôi nghiêm giọng :” Là tao nói thật. Ngần ấy năm, bọn mình lạc mất nhau nhiều quá. Tao nghĩ rằng, tao, mày, tất thảy những đứa đang ngồi đây rồi sẽ về đủ mặt đúng ngày ấy, một trăm năm ngày thành lập trường. Đó là qui luật bù trừ mày tin chứ?”. Vũ Liêm nghe tôi nói nhoài người sang cụng ly, cạn hơi, buột miệng: ”Với câu nói này mày có được cái tổng kết ba mươi năm. Vương Tú ơi, mày sẽ trở thành nhà văn lớn nếu... năm mươi năm sau tất cả tụ hội về đủ mặt !”

 

Cả bọn đứng lên cụng ly, hát vang bài ca truyền thống của trường. Tôi hát theo, lòng  nghĩ trăm thứ . Rằng dòng đời cũng như dòng nước xuôi chảy. Tất cả xô vào nhau trôi tuột theo thời gian. Có lúc vùi trong cơn lũ cuồng, có lúc hiền hòa êm ái. Có thể tựa vào nhau để cùng tìm một kiểu trôi hiền hòa qua cơn lũ dữ được không ? Tôi chịu, câu trả lời dành cho các triết gia. Ba mươi năm, thử làm một chuyến ngược dòng tôi cảm nhận được những gì ? Có phải chăng đó là sự rạch ròi, sòng phẳng, công bằng của thời gian, là sự ấm áp của tình người?

         

Chuyện của người đàn bà thứ hai:

 

Phương Thúy nhìn trân trân lên trần nhà. Hai con thạch sùng đuổi nhau mãi vẫn chưa làm xong cái chuyện đực cái. Rõ thật khỉ! Nàng buột miệng. Mọi thứ tiếp tục rối tinh rối mù lên. Nàng hiểu lỗi hoàn toàn không phải do Vương Tú. Vậy sao nàng lại để anh đi ? Có thể nàng chưa nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Cảm giác đã từng xua đuổi anh  khiến nàng khó thở. Đó là sự quá quắt, mãi đến lúc này nàng mới hiểu ra. Có thể đã muộn. Người ta thường không thấy được những gì mình đang có mà chỉ thấy thiếu những gì mình thiếu. Nàng cũng vậy. Nàng cứ đòi hỏi và Tú thì chẳng hề thay đổi. Người đâu kỳ cục. Cứ lẳng lặng làm những gì mình thích chẳng bao giờ chịu nghĩ đến những người xung quanh. Không ai bắt anh phải làm thế. Thì là trời hành anh sao ? Nàng cần ở chồng sự cảm thông. Nàng cần được sẻ chia trước những nhọc nhằn nàng phải lo toan, phải gánh lấy từng ngày. Nàng tự cho mình cái quyền làm chủ ngôi nhà, làm người bảo dưỡng hai đứa con một cách độc đoán, từ bao giờ? Thế còn anh ? Chỉ là cái bóng thôi sao ? Thật chẳng sòng phẳng chút nào. Nàng đã vơ vào, đã đánh cắp đi nhiều thứ. Tự bao giờ nàng lại dây vào cái thói hay bài xích người khác, kể cả chồng ? Và thích áp đặt ý nghĩ của mình lên người khác ? Vì Tú ít nói hay vì nàng quá quắt ?

 

Lúc nhìn Tú dắt xe ra khỏi nhà Phương Thúy thấy lòng dửng dưng hết sức. Anh thoáng chần chừ như định nói điều gì, lại thôi. Con người ấy là thế. Mua gì ăn nấy, sắm gì mặc nấy, không khen cũng chẳng chê. Tưởng là dễ chịu nhưng chán. Đàn bà đôi khi cần ai đó hùa vào với mình ngay cả những việc rất ư hiển nhiên. Chỉ thấy anh thường cau có vì công việc của cơ quan. Hoặc câm lặng như cái bóng mỗi lần viết không xong. Ngồi vào bàn anh là con người khác. Nhiều khi nàng đâm sợ trước vẻ kỳ bí và xa lạ kia. Đó là một thứ tôn giáo không tín điều nhưng lắm mê muội. Anh viết, chẳng mong thành danh nhưng lại nhọc nhằn một cach đáng xấu hổ...Tất cả vỡ òa khi bóng anh khuất sau ngõ. Nàng nhoài vào giương và bắt đầu lên cơn sốt. Hai đứa con đi học khiến căn nhà vắng tanh. Nàng với tay mở nhạc. Gặp bài hát quen thuộc mà nàng chúa ghét. Xin hãy để tôi yên, nàng lẩm bẩm rồi tắt nhạc ném cái điều khiển vào góc giường và hoảng hồn khi nghe tiếng cười khẽ vang phía sau lưng. Nàng quay ngoắt người lại. Không có ai. Nàng chợt lạnh người hiểu rằng con người ấy đã tới và đang cười chế giễu nàng. Này, đừng sợ, đây là nhà của mi, mi có tất thảy mọi thứ kia mà ! Phải rồi, nàng phải chứng tỏ với con người ấy rằng mình có mọi thứ, hơn hẳn mọi thứ mới được. Nàng cười nhạt và bước tới trước gương và bắt đầu trút bỏ áo quần. Nàng làm rất chậm vừa như khêu gợi vừa trêu ngươi. Bao nhiêu lần Tú ghì lấy nàng và... Tiếng cười im bặt. Nàng nhón chân khẽ xoay một vòng, từ tốn nhấm nháp cảm giác thỏa mãn trước sự mỡ màng, đầy đặn của cơ thể mình. Nàng mỉm cười hài lòng sau đó xoa hai vai và bắt đầu vuốt nhẹ xuống. Nàng vuốt xuống mãi và nhận ra cơ thể mình nóng ran. Sau đấy một cơn ớn lạnh trùm lên khiến nàng bất giác rùng mình. Nước mắt ứa ra, nàng thở dài vơ lấy chiếc váy khoác vội lên người. Tiếng cười trổi lên bất chợt, mảnh và sắc. Nàng hoảng hốt giật tung chiếc váy và lao vào giường, bắt đầu chìm vào cơn sốt. Trong cơn mê sảng nàng thấy mình đang bay giữa những đám mây ngũ sắc rực rỡ. Phía trước là anh với thân hình dài ngoằng. Con người ấy đang bám theo sau rất sát. Nàng thấy anh rẽ sang trái rồi tất cả bay theo một vòng tròn . Lúc này chẳng biết ai đang đuổi theo ai nhưng con người ấy đã đến gần anh hơn. Không gian thoảng mùi trầm hương lẫn với tiếng cười nhỏ, lạnh và sắc. Nàng bịt hai tai. Rồi nàng thấy anh cuộn tròn một vòng, từ anh những tờ giấy tung lên, bay loạn xạ. Những tờ giấy trôi qua người nàng rất nhanh, nàng cố chụp lấy nhưng chẳng kịp. Nàng ngoái lại phía sau. Như một phép màu, các trang giấy gom hết vê phía con người ấy. Ngực nàng nhói lên. Bất giác nàng hét lớn.

 

-   Ôi mẹ, mẹ làm sao thế ?

Nàng bừng tỉnh, quơ chiếc váy che ngang người, nước mắt ứa ra :

- Không sao . Con về rồi à?

-   Ba đâu , mẹ ?

 

Nàng lắc đầu và hối con đi lấy nước. Uống xong ly nước nàng thấy bình tâm trở lại. “ Thủy, lại đây với mẹ !”. Nàng ôm con vào lòng, vỗ vỗ lưng nó. “ Rồi mẹ sẽ đi tìm ba !”. Con bé ôm riết lưng nàng với sự cảm thông của một người đàn bà, chắc thế. “ Con không thích ba mẹ cãi nhau “. “Ừ“. “Mẹ hứa đi ! “ . ” Mẹ hứa ! “. “ Mẹ tìm ba về cho con ! “. ” Ừ, mẹ sẽ tìm “. Nàng thấy lòng mình dịu hẳn. Và nàng mỉm cười. Nàng đã lồng lên như con sói cái, đã tưởng tượng ra cảnh dằn xé với cái bóng ma kỳ dị và nàng đã thua cuộc. Nhưng giờ đây thì khác. Nàng là người chiến thắng. Nàng chỉ còn thua chính mình thôi. Nàng sẽ ngồi chờ tiếng điện thoại reo hay bổ đi tìm anh?   

 

Và chuyện của người đàn bà thứ nhất:

 

Người phụ nữ nhìn như hút lấy khuôn măt người đàn ông đầu quấn đầy băng. Nàng ngồi lặng lẽ, một mình từ đêm qua, hai tay vòng quanh gối với ánh mắt đờ đẫn. Khuôn mặt từng trải quá đỗi quen thuộc với nàng. Nàng đã mất nó nhiều năm cùng những biến động của ngày ấy tháng năm ấy. Không ai biết nàng phiêu dạt về đâu. Nàng trốn nhưng nào đã thoát. Thế gian chật hẹp đến độ có khi vòng quả báo chỉ diễn ra trong một kiếp người. Đặt chân về thành phố nàng chỉ còn nhớ mỗi mình anh. Rồi nàng chạy xe vòng vòng quanh phố hệt như bao nhiêu năm về trước mong sẽ gặp được người quen cũ. Cuối cùng nàng cũng gặp được anh giữa hối hả ngựa xe. Nàng phóng tới nhưng chẳng kịp nữa rồi. Anh ngã xuống và mê đi trên tay nàng sau khi tròn mắt kinh ngạc nhìn nàng. Đó là phút lóe sáng đầy bí ẩn của số phận. Thật tinh khiết như những gì anh dành cho nàng suốt những năm tháng đẹp nhất của một đời người. Nàng biết, đôi lúc bông đùa tí chút nhưng sau đó lại khốn khổ vì hối hận. Đôi khi nàng nghĩ hay là tạo hóa đã tạo ra anh và nàng từ một cục đất rồi ném về hai phương trái ngược nhau. Mỗi sáng mở cửa ra nàng bắt gặp ngan ngát hương hoa hồng, còn anh chỉ toàn mùi cỏ dại. Hình như sống cùng cỏ cây nên anh sớm trở thành thiên thần trong lòng nàng. Và rồi tất cả vụt biến đi như chưa hề có, hêt như trong một giấc mơ...

Nàng nháo nhào lo cho anh sớm qua cơn hiểm nghèo như một người vợ. Nàng lê lết, khóc cười vì anh. Và nàng hạnh phúc, thứ hạnh phúc ngọt ngào của một người vợ, một người mẹ thật sự. Nhiều lúc nàng nghĩ đó là một cách đánh cắp tình yêu . Nhưng mà nàng đã đánh mất anh bao nhiêu năm rồi còn gì ! Thì có đáng là bao, những ngày này. Người đàn bà trong nàng đang khát hạnh phúc. Người ta bảo rằng nàng không hề có tuổi. Bao nhiêu năm nàng vẫn thế. Trẻ, đẹp, kiêu sa và ngày thêm quý phái. Nhưng nàng không có hạnh phúc. Đó là trò chơi khăm của tạo hóa. Mùa hết xuân và em đã hoa. Cháy bỏng trong ta một trời lửa đỏ. Cái không thể chẳng bao giờ có thể. Em kiêu sa bởi sớm biết lọc lừa. Nàng nhớ những câu thơ Vương Tú viết vội trên tập san của trường. Một chút kêu than làm dáng của một người đứng trước ngưỡng giữa trẻ con và người lớn. Một kiểu trẻ con tập làm người lớn và một người lớn mới vừa bén tới. Trong đám nam sinh nổi tiếng học giỏi của trường Tú như nốt nhạc lạ lạc lỏng giữa bản hòa âm. Nó chỏi lên một cách khó chịu bởi sự lầm lỳ, ít nói nhưng lại thông minh vượt quá mức cần thiết. Ở đó hàm chứa cả sự vất vả đầy cam chịu. Có phải vì thế mà nơi Tú cứ ẩn chứa những nét ngang tàng rất đáng yêu? Là con nhà giàu nhưng nàng lại chúa ghét mấy anh chàng bảnh bao, sạch sẽ, thơm tho như mít chín nên chẳng lạ gì khi cái nốt nhạc lạ kia lại lọt thỏm vào tâm tưởng của một người con gái mới lớn như nàng. Giữa anh và nàng là khoảng cách diệu vợi của thời gian lẫn không gian. Nàng có quá ít thời gian để thoát ra khỏi sự kèm cặp của ba nàng . Giữa anh và nàng hầu như chỉ có những ánh mắt vội vàng, những ánh mắt biết nói. Những lần gặp gỡ rất hiếm khi  không giúp mỗi người bộc lộ điều gì. Nàng hiểu rằng ở Tú dễ dẫn đến nhiều cách nghĩ khác có khi coi thường cả nàng. Khi đọc những dòng thơ Tú viết nàng hiểu ngay. Nàng khốn khổ vì những điều mình sớm nhận ra. Mới đó mà đã bao nhiêu năm. Một đêm thức trắng nàng đã đọc các trang viết chưa có hồi kết thúc của Tú không biết bao nhiêu lần . Trong lòng nàng dâng lên niềm đau đớn xen lẫn nuối tiếc. Nàng thương cho thân phận của Tú, của nàng. Dù biết chẳng bao giờ nàng và Tú có thể đi cùng nhau một đoạn đường nhưng vẫn cứ thấy xót xa. Bao nhiêu năm nàng vẫn cứ chấp chới bước đi trong cuộc đời, tưởng rằng mọi thứ đã mất, đã hết. Nhưng đọc những gì Tú viết nàng hiểu chẳng phải thế. Nàng đã có, đang có rất nhiều trong ý nghĩ của Tú, của mọi người. Cái gì còn vẫn mãi còn, không thể mất đi. Nàng đã có rất nhiều hơn hẳn những gì nàng nghĩ và mong đợi. Nàng đọc và tim nàng nhói đau. Nàng cảm thấy con người và cuộc đời lớn lao hơn hẳn những gì nàng từng nghĩ, từng trải nghiệm. Lúc dự định trở về dự hội trường lòng nàng chẳng mong mỏi điều gì ngoài những ý nghĩ chơi chơi rằng về để xem thử còn gì mất gì và xem thử mọi người đã nghĩ gì về nàng những năm tháng ấy. Trong lòng nàng cũng từng trỗi lên ý nghĩ rằng có thể nàng sẽ chẳng gặp một ai. Dẫu về có trễ nhưng từ những trang viết của Tú nàng đã gặp được tất cả, nhiều hơn những gì có thể đem lại từ một cuộc gặp mặt. Nàng cảm ơn mọi người, cảm ơn anh. Cái khoảng trống u ám trong lòng nàng đã được thay thế bởi khoảng sáng ngọt ngào ấm áp của ban mai một ngày xuân. Nhiều lúc nàng nghĩ gặp và đối thoại kiểu im lặng như thế này với Tú lại hay hơn. Bởi anh đã có cuộc sống khác, từ lâu, và chẳng dễ gì thoát ra để trở về trọn vẹn như những ngày tháng cũ. Nó giống như cuộc gặp trong giấc mơ nhưng thực hơn, đời hơn. Bao nhiêu lần nàng phân vân không biết nên chờ anh tỉnh dậy rồi đi hay sẽ ấn vội vàng một số điện thoại. Nàng hiểu rất rõ rằng ở đâu đó đang có một người đàn bà khác hệt như nàng đang rối bời lên vì anh. Nàng biết đang có gì đó đang đổ vỡ giữa họ nhưng nàng không hề muốn can thiệp vào, ngược lại nàng thầm mong giữa họ sẽ sớm đi đến những điều tốt đẹp. Nàng là người của những năm tháng xưa cũ, đã lạc nhịp mất rồi.Trong cuộc chơi này xuất phát chẳng có nàng  nên không thể ăn gian. Và giờ đây nàng cũng chẳng ăn cắp, nàng chỉ mượn tạm tình yêu của họ . Rồi nàng sẽ đi, trả mọi thứ về đúng chỗ của nó. Nàng nghĩ rằng bằng sự linh cảm vi diệu anh sẽ cảm nhận được sự trở về của nàng. Như thế đã quá đủ với nàng. Nhiều lần nàng bị ám ảnh bởi lời hẹn mười năm, thậm chí năm mươi năm  của anh. Rồi lời hẹn ấy sẽ tiếp tục ám ảnh nàng suốt những ngày tháng còn lại. Nàng nghĩ đủ thứ và lòng dịu đi rất nhiều. Có thể đó là những dự cảm tốt đẹp dành cho nàng.

 

Người phụ nữ thở ra và chợt mỉm cười một mình. Mùa hết đông và em sẽ xuân phải không, Vương Tú ? Rồi nàng bước tới mở cửa. Hơi lạnh ùa vào khiến nàng ngây ngây. Đã có những tia nắng yếu ớt của ban mai. Nàng cảm nhận được mùi thơm thoảng qua của hoa hồng và cỏ dại. Nàng nhìn anh lần cuối cùng với ánh mắt trìu mến. Rồi tất cả sẽ đọng lại nơi lòng nàng, mãi mãi. Chúc ban mai tốt lành, nàng nhủ thầm và lục tìm chiếc máy điện thoại./.

 

(*) Nhạc Vũ Đức Sao Biển(**) Thơ Nguyễn Tất Nhiên

Lê Trâm
Số lần đọc: 1799
Ngày đăng: 29.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngủ đường - Huỳnh Văn Úc
Em có sợ ma không? - Phan Bích Thủy
Nơi tối tăm - Nguyễn Viện
Một ngày của Chuá - Trương Văn Dân
Sự tích chim đa đa - Đỗ Ngọc Thạch
Ngọn tháp - Trương Văn Dân
Số kiếp…! - Trọng Huân
Gái nghê thường - Bạch Lê Quang
Không dám mô - Võ Công Liêm
Thiên tai - Nguyễn Viện
Cùng một tác giả
Chúc ban mai tốt lành (truyện ngắn)
Đêm của bướm (truyện ngắn)
Tiếng hú (truyện ngắn)
Dòng sông chảy quanh (truyện ngắn)
thầy cũ (tạp văn)
Mùa chim bay đi (truyện ngắn)
Cưỡi Gió Qua Đèo (truyện ngắn)
Ký Ức Phố… (tạp văn)
Gã cực sướng (truyện ngắn)