Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
472
116.603.386
 
Ngân phiếu trắng
Lâm Hà

 

-    Em xin lỗi anh. Lại có việc đột xuất phải lên công ty cả đêm rồi, không  giữ hẹn với anh được. Xin anh thứ lỗi cho – Kỹ sư Trung nói qua điện thoại, tha thiết đến nỗi tôi thấy như mình có lỗi vì lời mời của mình đêm qua.Tôi cười xòa, đáp lời trấn an cu cậu : - Không có gì đâu Trung.Chỉ là chuyện ăn nhậu vui chơi gia đình thôi mà.Anh hơi tiếc vì không gặp được gia đình em để chia tay .Nhưng thôi, công việc quan trọng hơn.Hẹn dịp khác vậy.

-    Thế chương trình đêm nay ở Hà Nội của anh ra sao? Hay anh gọi cho anh Mạnh với chị Lan…- Giọng của Trung vẫn đầy ái ngại.

-    Ô hay, tao đâu phải cây kim sợi chỉ gì mà mày phải sợ thất lạc? – Tôi phì cười trước sự quan tâm thái quá của chú em mới quen biết chỉ vài ngày – Tự tao phải biết thu xếp cho mình chứ.Yên tâm đi.

-    Vâng, em chào anh ạ…

 

Tôi cúp máy trước để cho chú em Hà Nội hào hoa thanh lịch của mình không phải ngần ngừ áy náy lâu vì việc lỡ hẹn này và lẩm bẩm : “ Nghĩ sao mà bảo tao gọi thằng Mạnh?Không có vợ chồng mày thì tao gọi cho vợ chồng nó làm gì?”

 

Kể cũng lạ.Cùng là người Hà Nội gốc như nhau, nhưng kỹ sư Trung và họa sĩ Mạnh lại có bề ngoài gây ấn tượng khác xa nhau một trời một vực cho khách đến thủ đô lần đầu như tôi. Trung nói chuyện ôn tồn, nhỏ nhẹ, cực kỳ tế nhị từng chữ từng lời, trước mỗi câu hỏi không thể thiếu cụm từ “ xin lỗi anh” và ở trước mỗi lời đáp chưa bao giờ thiếu chữ “ vâng” nhẹ nhàng êm ái.Thu – vợ Trung cũng nhẹ nhàng dễ thương chả kém gì chồng.Còn Mạnh thì mỗi lần mở miệng là nghe như lệnh vỡ, không thể thiếu tiếng chửi thề ở cả câu hỏi lẫn câu trả lời.Với anh chàng họa sĩ coi trời bằng vung này, sự lịch thiệp tế nhị dường như là một thứ xa xí phẩm.Caroline – cô nàng người Úc đang chung sống với Mạnh thì hầu như không thèm học tiếng Việt để biết ngượng hộ cho những lời phát biểu của người chung chăn gối…Biết tôi ra Hà Nội công tác một mình, anh chàng Tùng của Viện Phim Việt Nam ở phía Nam đã giới thiệu Trung, em họ của hắn làm người hướng dẫn cho tôi.Trung đã mời tôi về nhà  ăn cơm và tôi gặp được  một nửa Hà Thành thanh lịch qua vợ chồng hắn.Tiếc là Trung cũng quá sốt sắng giới thiệu người bạn học thời phổ thông của Tùng là Mạnh cho tôi bằng cách gọi điện mời luôn vợ chồng Mạnh đến, để tôi thấy một nửa  Hà Nội xô bồ, ồn ào qua cặp vợ chồng họa sĩ này.Hôm đó lấy cớ mệt do không quen uống rượu , tôi xin phép về sớm khi tiệc còn dở dang…Chỉ khổ vợ chồng Trung cứ gọi điện thoại suốt trong lúc tôi đang ngồi taxi trở về khách sạn vì lo sợ  tôi không về được đến nơi.Đến sáng, Trung lại gọi điện vì e ngại buổi tiệc gia đình đêm qua có gì thất thố khiến tôi buồn lòng, tôi phì cười và tiết lộ một nửa sự thật “ Anh Mạnh là một thiên tài, anh cũng là một thiên tài, cho nên có rượu vào thì cả hai cùng bay bổng.Khổ nỗi là trần nhà chú  lại thấp quá nên các thiên tài dễ đụng đầu nhau đó thôi”. Chẳng biết Trung có hiểu không nhưng vẫn vui vẻ cười xòa và hẹn tôi dịp khác. Thế nên tôi mới có ý mời cả hai vợ chồng hắn một bữa tiệc ngay tại nhà hàng của khách sạn Sài Gòn mà mình đang trú để đáp lễ vào đêm nay.Ai mà ngờ công ty hắn lại có việc, giờ biết “ lấp chỗ trống chương trình” bằng “ tiết mục” gì bây giờ?...Tôi uống nốt cốc bia, xốc lại áo khoác và bước ra tiền sảnh khách sạn. Đêm tháng Giêng ở Hà Nội thật đẹp, cái rét giá đang chuẩn bị lui nhường chỗ cho nắng hạ, chỉ lưu luyến lại chút hơi lạnh trên vạt áo .Cảnh và thời tiết đều lý tưởng cho những đôi trai gái yêu nhau nhưng lại khiến gã đàn ông xa lạ và cô độc như tôi xao lòng.Tôi nhớ hai đứa con gái rượu đang ở nhà bà nội đợi bố về.Tôi thèm một mái nhà để ngồi quây quần, chuyện vãn bên một chai rượu nếp… Tự nhiên tôi nhớ đến lời đề nghị sống sượng của họa sĩ Mạnh “ Để tôi gọi vài con đến ngủ với ông cho đỡ lạnh” trong bữa tiệc ở nhà Trung tối hôm kia.Lúc đó, tôi chỉ cười cười “ Cảm ơn , tôi không quen.Vả lại, khách sạn chỗ tôi ở không cho phép chuyện đó”.Giờ thì tôi thầm trách mình là thằng đạo đức giả, nhưng tôi cũng tự bào chữa cho mình “ Nếu giữa hai thằng đàn ông nói với nhau thì là chuyện khác, đằng này nó cứ nói oang oang trước mặt mọi người thì ai mà chịu cho nỗi?”.Rồi tôi lại chợt bật cười , thầm nhủ “ Thì mày cứ quay vào uống một chập rượu nữa là ngủ vùi ngay.Chỉ 9 giờ sáng mai là mày đã về đến nhà rồi mà.”Nghĩ vậy, tôi lạc quan quay vào trong thì điện thoại lại réo.Nhìn thấy số máy di động của Trung, đầu tôi lóe một tia hy vọng “ Có thể chú em đùn việc cho người khác được nên liên lạc lại đây?” Tôi bấm nghe :

-    A lô, anh nghe Trung ơi.

-    Anh Tân  phải không ạ? Em đây – Giọng Trung hơi dè dặt – Em có nhờ một cô tourguide hướng dẫn anh đi nghe hát ca trù.Anh …đồng ý chứ ạ?

 

Tôi bật cười thành tiếng vì sự chu đáo quá mức của Trung :- Ha haha…Ca trù à? Món ấy thì anh dốt đặc…Có phải là cái thú nghe hát ả đào của các cụ ngày xưa không?

-    Vâng. Một thú tao nhã đang trở thành thời thượng…Em nghĩ anh cũng nên biết qua…- Trung thuyết phục – Cô ấy tên là Hoàn, sẽ gọi cho anh ngay đấy ạ…

 

Tôi cau mày, suy nghĩ … Thật tình là tôi vẫn chưa hình dung được cái thú nghe hát ca trù này nó sẽ như thế nào và cũng không tin là mình sẽ hiểu được cái tao nhã của nó.Nhưng đúng là tôi đang cần một người bạn hàn huyên, bạn gái càng tốt và chắc hẳn là đã làm tourguide thì sẽ rất có duyên ăn nói, càng tốt hơn nữa.Vả lại, tôi không muốn gây cho Trung ấn tượng về một ông khách Sài Gòn lập dị hay khó tính.Tôi chép miệng : - Ok thôi.Em chu đáo quá.

-    Vâng. Em chào anh ạ. Chúc anh vui vẻ.

 

Trung cúp máy.Tôi quay lại quầy rượu, gọi một ly cointreau.Rượu mùi dễ uống, lại nóng dần, ngấm lâu…Điện thoại di động lại réo.Tôi liếc nhìn một số máy lạ…Hẳn là của cô tourguide mà Trung giới thiệu đây…Tôi bấm trả lời. Một giọng nữ nhẹ nhàng ấm áp vang lên :

-    Thưa …anh Tân phải không ạ? Anh Trung có nhờ em hướng dẫn anh…

-    Vâng. Tôi đang ở khách sạn Sài Gòn. 80 Lý Thường Kiệt – Tôi hối hả đáp lời- Bạn cứ vào nhà hàng. Tôi ngồi ở quầy rượu.

-    Vâng ạ. Trong độ chừng 15 phút nữa, em sẽ đến tìm anh…

 

Tôi nhận ngay ra cô nàng mà mình đang chờ đợi.Cô ta  vấn tóc búi cao, đội khăn miện, mặc áo dài màu thiên thanh, khoác áo kiểu Nam Phương hoàng hậu bên ngoài, quần lụa trắng.Tôi liếc nhìn cái dáng uyển chuyển, đong đưa của cô ta, thầm khen cho con mắt thẩm mỹ của kỹ sư Trung “ Không đẹp mảnh mai, chân dài như người mẫu, nhưng hấp dẫn bởi thân hình cân đối, tròn chắc”…Tôi đứng dậy đón ngay khi cô ta hướng mắt về phía quầy rượu…

-    Bạn là Hoàng phải không? Tôi là Tân.

-    Hân hạnh biết anh…- Cô ta cười mĩm.Vành môi quyến rũ hé lộ hàng răng trắng bóng, đều đặn như bắp ngô – Em là Hoàn, không có “ g” đâu ạ. Dương Ngọc Hoàn.

-    Tên em đẹp quá.- Tôi buột miệng.

-    Vâng, nhưng người thì xấu…- Hoàn lại cười khúc khích.

-    Anh không nói thế - Tôi đáp lại khô khan. Tôi không thích những kiểu bông lơn của nam nữ mới quen, một phần vì tôi không còn ở lứa tuổi đó, phần nữa vì nghề nghiệp đã khiến tôi giữ chủ trương “ công khai trong tiền bạc và dứt khoát với ái tình”. Nhưng tự dưng nhớ đến cái câu cửa miệng thời miền Nam mới giải phóng “ Tự nhiên như người Hà Nội”, tôi lại cười xòa :

-    -  Em uống chút gì nhé?

-    Không ạ. Xe taxi đang chờ…

-    Vậy hả? Em chịu khó ra đợi anh…

Hoàn  quay ra. Tôi vừa trả tiền rượu ở quầy thì anh chàng pha chế đã nheo mắt kèm theo lời nhận xét mang ý nghĩa đồng lõa :

-    Tối nay anh Hai mệt  đấy nhé. Nõn nường thế kia mà.

-    Cô ta là người hướng dẫn – Tôi nhún vai .

-    Vâng ạ. Hướng dẫn đến chốn tận cùng sung sướng.- gã pha chế lại cười cái cười sành sõi tâm lý khách hàng – anh Hai nhớ giữ sức kẻo mai không ra Nội Bài nổi đâu.

-    Tôi tự biết lo cho mình. Vả lại, ở nhà, tôi là con thứ năm. – Tôi khó chịu đáp lại và quay  ra. Tự nhiên tôi thấy ghét cái kiểu xưng hô của dân phục vụ du lịch ở Hà Nội, gặp đàn ông nào trong Nam ra cũng gọi tâng là “ anh Hai Sài Gòn”. Cái vẻ khó chịu ấy hình như in trên mặt tôi nên vừa ra ngoài cổng, Hoàn đã hỏi :

-    Anh có chuyện gì không vui à?

-    Không có gì. Ta đi thôi.

 

Ngồi cạnh Hoàn trên xe taxi, tôi lại mĩm cười một mình.Đúng là tôi nhăn nhó khó coi một cách vô lý, bởi gọi mình là anh Hai, anh Ba, hay anh Ba mươi là chuyện của người ta, hơi sức nào giận.Chẳng qua tôi khó chịu vì những cái gì mình ham muốn đã bị người khác nhìn thấy mà thôi.Và nếu gã pha chế nhìn thấy điều đó thì hẳn cô nàng Hoàn này cũng đã nhìn ra.

-    Anh cười gì thế? – Hoàn quay sang, ghé  môi sát tai tôi thì thào.Hương bưởi thoang thoảng từ tóc của Hoàn khiến tôi  cứ thấy người nao nao rạo rực.Tôi hơi nhích người, vòng tay qua vai Hoàn.Tôi nhận ra Hoàn có hơi run nhẹ nhưng sau đó thả lỏng cơ thể rất nhanh, chỉ hơi vươn người về phía trước để tránh cánh tay tôi vừa buông xuống sau lưng ghế.

-    Anh cười gì thế? – Hoàn hỏi lại.

-    À… Có gì đâu.- Tôi đánh trống lãng – Ca trù diễn ở đâu vậy em?

-    Đêm nay, hát ở nhà riêng một đại gia. Anh Kiên buôn ô tô  trên Quảng Bá ấy mà. Mình đang đến đó.

…………………

Tôi quyết định bỏ giữa chừng đêm hát ở nhà đại gia Kiên ô tô.Không phải vì không hứng thú với ca trù mà vì không chịu nổi cái không khí thưởng thức nghệ thuật của anh ta và khách khứa nhà anh ta.Ai đến đây cũng cặp sẵn một đào nương như muốn khoe với thiên hạ về cái “ gu” thời thượng của mình.Dường như hát chỉ là cái cớ để các khách mày râu ném những tấm trù quy định mức tiền thưởng cho đào nương của mình, đồng thời khề khà nhấp rượu tây, ê a hát theo như thể sành sõi. Có hai vị khách kéo đào nương của mình ra dãy phòng ngủ dành cho khách ghé lại ban đêm phía sau nhà để ô tô. Thói đạo đức giả giữ tôi lịch sự ngồi lại cho đến khi Hoàn hát xong bài của mình, làm nhiệm vụ thưởng trù cho cô ta và sau đó xin phép cáo từ vì không quen uống rượu.Đại gia Kiên bắt tay tôi kiểu chiếu lệ, hẹn gặp lại ở Sài Gòn…Còn các vị khách mày râu khác thì phẩy tay thờ ơ. Tất nhiên tôi không lấy thế làm phiền, bởi thoát khỏi cái nơi dị hợm này là mừng rồi. Vừa ra khỏi cổng biệt thự nhà Kiên thì điện thoại di động trong túi lại réo.Tôi bấm máy trả lời và nghe tiếng của Hoàn vang lên :

-    Anh Tân phải không ạ?

-    Ừ - Tôi nói nhát gừng.

-    Anh đợi em với…Em sắp ra ngay đây.

Tôi tắc lưỡi, cúp máy. “Chắc cô nàng còn đang đổi trù ra tiền ở chỗ đại gia Kiên .Bấy nhiêu trù có lẽ chưa đủ sở hụi của cô ta đêm nay, nên cô ta sẽ còn lôi mình đến xó xỉnh nào đó…Nhưng thôi, suy cho cùng thì cũng nên phí tiền một lần cho nhớ chơi, để hiểu rằng chớ nên đi chơi với người lạ ở xa nhà”…Hoàn đi như chạy ra và dúi vào tay tôi mấy tờ năm trăm ngàn :

-    Anh Kiên gửi lại anh. Anh không nghỉ lại nên anh ấy không lấy tiền chầu hát…

-    Thì cũng phải tính tiền rượu chứ…- Tôi cảm thấy như bị dội một gáo nước lạnh vào mặt – Tôi uống nửa chai Remy…

-    Anh ấy bảo cho anh ấy mời.

Tôi cười khẩy : - Chủ nhà hiếu khách thật.Thôi em cứ giữ cả đi.

-    Em đã nhận trù thưởng của anh rồi, tiền này thì…

-    Tôi bảo cô giữ lại!- Tôi gắt lên rồi rảo bước…

-    Anh Tân…- Hoàn kêu lên, giọng nghẹn như muốn khóc.

-    Cái gì nữa đây?- Tôi quay lại và nói như quát.

 

Hoàn bật khóc…Thật lạ lùng, nước mắt của một ả đào nương từng lăn lộn ở nơi dị hợm này sao lại khiến tôi thấy xót xa…Nó làm tôi nhớ đến những giọt nước mắt ràn rụa của đứa con gái đầu lòng mỗi lần bị bố trách mắng oan…Tôi nhẹ nhàng rút khăn tay ra đưa cho Hoàn :

-    Đừng có đứng khóc trước cửa nhà người ta như vậy.Lau nước mắt đi…

 

Hoàn rụt rè nhìn tôi…Vừa đúng lúc một chiếc taxi trờ đến…Tôi ra dấu dừng và vòng phía sau, mở cửa xe cho Hoàn :

-    Lên xe …

-    Anh muốn đưa em đi đâu?- Hoàn vẫn nói trong tiếng nấc nghẹn, đưa tay đón chiếc khăn.

-    Đi đâu tùy em, miễn đừng khóc nữa – Tôi nổi quạu.

Ngồi vào sau xe, Hoàn e dè lên tiếng :

-    Ra đường Thanh Niên ngắm Hồ Tây, được không anh?

Tôi sập cửa, bước sang cửa ghế ngồi bên lái xe, gật đầu.Xe lướt đi, tôi chợt phì cười lần nữa vì thoáng nghĩ “ Giờ này mà ra Hồ Tây ngoạn cảnh.Cảnh gì, có mà cảnh sương mù đã từng khiến thái sư Lê Văn Thịnh mang tiếng oan là hóa hổ để giết vua.Nhưng không sao, ngoạn cảnh cũng tốt. Ba ngày nay ở Hà Nội, mình toàn đi làm việc xong rồi nhậu, chẳng thăm thú đâu cả…”

………

Trăng  mười hai như chiếc dĩa bạch kim đang được bóng đêm nắn lại cho tròn trên mặt nước hồ Tây…Chẳng biết ban ngày, vào hè thì sẽ ra sao, chứ đúng là đêm lạnh bên hồ Tây cũng có điều tuyệt diệu riêng của nó, nhất là khi cơ thể vừa được nhóm lửa bằng rượu mạnh…Tôi vừa vươn cổ hớp lấy hơi lạnh của gió, vừa cố dỏng tai tìm tiếng chuông Trấn Vũ mà bài ca dao đất nước ta thuở lớp 10 giờ vẫn còn nhớ nằm lòng.Chợt Hoàn lên tiếng :

-    Anh nghĩ gì về em?

-    Một người hướng dẫn, một đào nương nghiệp dư – Tôi trả lời với sự dửng dưng của nghề Luật.

-    Anh nói dối. Anh không nghĩ vậy – Hoàn níu tay tôi, kéo tôi chậm bước lại.

-    Vậy thì anh nghĩ gì? – Tôi cười mĩm.

-    Anh nghĩ em là một cô gái chơi bời, một đứa con gái hư – Hoàn kéo tôi dừng hẳn lại, nhìn vào mắt tôi.Ánh đèn đường vàng, hắt từ mắt cô ta những tia thách thức.

-    Cái đó là em nói – Tôi cười – Chuyện đó anh không quan tâm.

-    Đúng thôi, anh chỉ cần biết đàn bà, đâu cần quan tâm người ấy hư hay nên, đúng không? – Hoàn hỏi gặng.

 

Tôi cau mày. Tôi không có thói quen bị chất vấn, nhưng tôi cũng hiểu đây là lúc thích hợp để thể hiện quan điểm “ công khai trong tiền bạc và dứt khoát với ái tình” của mình. Tôi gật đầu, kèm theo nhận xét :

-    Sự sành sỏi tâm lý đàn ông của em đủ giúp anh xác định điều em vừa nói.

-    Đúng. Em là đứa con gái hư…- Tự nhiên Hoàn thở dài, buông thỏng – Nhưng đó là trước kia, còn giờ thì…

-    Thì sao?

-    Thì không phải dễ dàng như anh nghĩ…- Hoàn nhẹ nhàng kéo từ túi áo khoác kiểu Nam Phương hoàng hậu lên một vật nhỏ nhắn, dài hơn gang tay.Tôi nhận ra vật ấy…Chính là con dao cán và vỏ đều bằng gỗ mà khi nãy Hoàn đặt bên cạnh mình khi ngồi vào chiếu hát ở nhà Kiên – Em là đào nương, nhưng đây cũng là khoảng cách giữa em và khách hát.

 

Tôi nhìn nét mặt đang rắn lại của Hoàn, cười xòa :

-    Sao hai cô bạn hát hồi nãy không dùng đến nó khi hai ông khách nọ kéo vào phòng ngủ?

-    Hai cặp đó là “ bồ” của nhau.Tại anh không biết đấy thôi.Anh Kiên biết nên tạo điều kiện cho họ gần nhau…

-    Nghĩa là nếu anh muốn, thì hồi nãy anh Kiên cũng tạo điều kiện cho anh gần em như vậy chứ gì?- Tôi giễu.

-    Còn tùy con dao này của em.- Hoàn nói chắc nịch.

Tôi mím môi, cố nhớ lại tất cả tình tiết từ khi mình đến nhà Kiên tới giờ và gật đầu.

-    Em hoàn toàn có lý. Xem ra Trung đã nói rất kỹ về anh để cho em có sự chuẩn bị.

Giờ thì Hoàn lại cười khúc khích :

-    Anh Trung nói em phải cố sức chiều chuộng một ông anh nổi tiếng khó chịu, luôn chỉ thấy cái xấu của người khác.

-    Nó có nói cho em biết là anh rất đề phòng những cô gái mới quen ở nơi xa lạ không? – Tôi nhún vai.

-    Không. Anh ấy chỉ nói anh chỉ toàn lo công việc nên rất kín, chỉ toàn uống rượu với bạn bè – dường như Hoàn đã nói tất cả những gì cô ta nghe Trung nói về tôi.

-    Vậy thì anh cũng nói cho em biết, anh cũng có khoảng cách với bạn gái mới quen, xem đây nè….- Tôi tháo cúc áo khoác, hất vạt trái ra cho Hoàn thấy con dao Victorinox trang bị cho cảnh sát Thụy Sĩ đang nằm gọn trong bao da đeo ngay thắt lưng mình…Hoàn lặng người một lát rồi lắc đầu nói với vẻ khó hiểu:

-    Dân Hà Nội làm gì anh để anh phải trang bị cẩn thận thế?

-    Anh luôn đeo nó mỗi khi xa nhà, vừa tự vệ, vừa như đồ trang sức – Tôi nheo mắt, cài lại cúc áo khoác – Victorinox là hãng dao nổi tiếng của Thụy Sĩ. Thép là niềm tự hào của họ mà.

-    Con dao của em cũng chẳng kém danh tiếng đâu. Hàng truyền thống Ngũ Xá đấy nhé…- Hoàn cong môi giễu lại…Hai đứa tôi lại lững thửng bước dọc theo lan can chắn dọc bờ hồ…Tự dưng Hoàn đọc khe khẽ :

 

Mát rượi hồn ta cái gió Hồ Tây

Đào thắm môi ai Nghi Tàm, Quảng Bá

Sâm cầm bay đôi không còn đơn lẻ

Yên Thái nhịp chày giã dó còn không?

Ta gặp hồn xưa trời nước mênh mông

Cái vũng nhỏ hôm nay đã khác

Ta gặp người xưa chiếu gon đem bán

Lá chiếu nằm như mát đến hôm nay.

Ta đi bên người tay cầm trong tay

Bước chầm chậm thôi để lòng lắng sóng

Cõi thực, cõi yêu hay là cõi mộng

Sương khói Tây Hồ ướt đẫm hoàng hôn.(“)

 

-    (*) Đoạn thơ này tôi nghe lại từ máy ghi âm thu cuộc đối thoại với Hoàn nên chưa rõ tác giả chính xác.Có người nói của tác giả Trần Mỹ Hạnh. Xin được bổ khuyết.

-    Em rất hợp với nghề hướng dẫn du lịch – Tôi cười –Bài thơ rất hợp cả cảnh lẫn tình. Nhưng phải đi chậm cỡ nào thì mới nghe được tiếng chuông Trấn Vũ?

-    Chắc anh phải đi bên em cho đến hết đêm nay…- Hoàn khúc khích cười – Anh có biết mình đang lạc trong một quần thể du lịch đầy những giá trị văn hóa xưa không? Quanh hồ  này hiện có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng với nhiều văn vật giá trị: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá...  Tháng giêng này, khách thập phương cứ đến phủ Tây Hồ không phải để thưởng thức nét đẹp kiến trúc cổ xưa mà để cầu may, cầu phúc... Phía tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Mỗi ngôi làng ở đây đều gắn với một địa danh, một trầm tích lịch sử. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo. Làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Thụy Khê có chùa Bà Ðanh. Làng Nhật Tân với sắc thắm của hoa đào nổi tiếng. Rồi làng giấy, phường đúc đồng .

-     Những điều đó, anh đã đọc trong sách hướng dẫn du lịch Hà Nội rồi.Cái anh muốn có là nét riêng mà em đem đến cho anh.Từ 8 giờ tối đến giờ, anh chỉ mới biết Hà Nội qua cái màn ca trù với cái bài “ Đào Nương Hồng Tuyết” và cảnh hồ Tây với bài thơ tình tứ nọ .Em có cái gì riêng cho anh không?- Tôi bỡn cợt kiểu nửa đùa nửa thật.

-    Anh ăn nói có duyên lắm – Hoàn cười –  Giờ thì em thấy thích anh đấy.

-    Thế từ lúc này trở về trước đó, thì ta ở bên nhau vì cái gì?

-    Bổn phận và trách nhiệm, em nhận lời anh Trung là đưa anh đi chơi Hà Nội – Hoàn thẳng thắn.

-    Ok. Anh cũng thích em đấy.Giờ làm theo điều anh muốn đi…- Tôi thấy khoái cách cư xử này.

-    Chốc nữa về nhà em nhé, nếu anh không ngại – Hoàn tinh nghịch kéo con dao từ túi áo khoác ra như nhắc tôi.

-    Anh không ngại đâu – Tôi bật cười và vỗ vào vạt áo khoác bên trái của mình,tự tin  vòng tay choàng qua vai Hoàn, kéo nàng đi tiếp…

…………

Tẩy trang xong, Hoàn thay bộ áo dài bằng chiếc áo cánh bằng lụa trắng để hở đôi cánh tay trần và xòe hai bàn tay ra trước mặt tôi :

-    Anh xem chỉ tay em thế nào?

-    Rất tốt.- Tôi liếc qua, hững hờ đáp mà mắt thì hướng vào tấm vách treo đầy những tranh Đông Hồ, phía dưới chân tường cuộn tròn hàng bó giấy.

-    Ý anh là vừa trắng, vừa mềm mại?- Hoàn cười rũ – Anh cũng y hệt các ông khác.

-    Anh không nói thế - Tôi nhún vai -  Anh nói rất tốt ở đây vì em xuất thân lao động, lòng bàn tay bị ráp lại, dọc phía trong hai cánh tay bị chai…

-    Vậy nhà  em làm nghề gì?- Hoàn hỏi vặn

-    Anh không biết.- Tôi thú thật.

-    Nhà em làm nghề giấy đấy!

-    Giấy ?- Một tia sáng lóe lên trong đầu tôi-Thì ra những bó giấy cuộn sát vách chân tường kia là hàng chuyển ra  cho em để gửi  bán à ?

-    Cũng gần như vậy…- Tự nhiên giọng Hoàn bùi ngùi – Chắc anh có nghe câu ca dao “ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” rồi phải không, cả cái địa danh Bưởi nữa.Em sinh ra ở đó…phường Yên Thái .Từ xưa đến nay, cả vùng nổi danh nghề làm giấy.Từ loại giấy cao cấp như giấy sắc, giấy lệnh,  đến phổ thông như giấy bản  đều từ làng em mà ra cả. Từ năm 8 tuổi, em đã được tập sàng bột và seo giấy.Những dấu vết mà anh nhìn thấy trên hai cánh tay em chính là kết quả của những ngày ấy.Thế nhưng nghề giấy vất vả quá, lại phải ngày đêm làm lụng, không có thời gian nhiều cho chuyện học hành, giấy dó quá cao cấp, lại phải hoàn toàn sản xuất thủ công nên giá thành cao, không cạnh tranh nổi với giấy sản xuất công nghiệp nhập khẩu nên tàn lụi dần…Em bỏ vào nội đô tìm học nghề. Cô độc, thiếu hiểu biết về những cạm bẫy tình tiền ở thị thành, em mới trở thành cô gái trong tiệm  hớt tóc-gội đầu máy lạnh cho nam giới ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã trở thành nhân tình của một ông giám đốc công ty.Sang đêm sau thì đã thành đàn bà, rồi mang thai và bị ông ta giũ bỏ cũng dễ dàng như lúc bị chiếm đoạt…Giống như một tờ giấy dó trắng đã bị đổ mực làm  cho lem đi, không thể nào tẩy xóa được nữa dù  thời gian có hơn 500 năm, em ở nơi này, thành một đào nương nghiệp dư, một người hướng dẫn du lịch theo giờ…và trong mắt đàn ông đô thị, em  bất quá chỉ là một ả gái gọi half- pro, chẳng cao cấp như cave vũ trường hay coffe – bar nhưng cũng chưa hạ cấp như gái trong nhà chứa hoặc chạy xe ngoài đường tìm khách. Nét riêng của em là con dao thì chẳng ai quan tâm cả…Anh có hiểu cho em không?

-    Anh thì ăn thua gì, rõ ràng Trung hiểu em, nên mới giới thiệu cho anh gặp – Tôi nhận xét để an ủi Hoàn.

Hoàn bật cười :- Anh Trung thì quả là một quý ông đúng nghĩa, luôn biết cảm thông và giúp đỡ hoàn cảnh người khác, nhưng không thương hại và lợi dụng như bao nhiêu gã đàn ông em đã gặp.

-    Còn anh?

-    Anh thì cũng như bao nhiêu gã đàn ông khác, nhưng dứt khoát  và sòng phẳng kiểu mua đứt bán đoạn.Ít nhất, bên anh, em thấy mình không bị lừa dối.Anh bao nhiêu tuổi rồi?

-    43 – Tôi thấy không cần phải nói dối.

-    Anh lớn hơn em những 18 tuổi. Chỉ kém bố em 5 tuổi thôi.Chắc anh có vợ rồi.

-    Anh có hai con nhỏ, đứa lớn vừa hơn 7 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi rưỡi.Đều là gái.

-    Bay bướm quá nên sinh toàn con gái phải không?- Hoàn cười ngặt nghẽo, rồi tựa hẳn vào tôi.Tôi vuốt ve vết chai chạy dọc theo phía trong hai cánh tay Hoàn, thầm hình dung một đứa bé gái đang tựa vào thành bễ bột giấy, vòng tay ôm chặt sàng bột mà lắc… Tôi chép miệng :

-    Em có  bản mẫu giấy dó nào không? Anh tò mò muốn xem quá

-    Ở đây chỉ có mấy loại giấy kiểu giấy sắc với giấy bản bên Bưởi gửi vào để em giới thiệu cho khách du lịch Tây. Để em cho anh xem nhé…- Hoàn bật dậy như một con sóc, lao đến bên dưới bức vách, tháo mấy cuộn giấy ra cho tôi xem…

 

Đúng là chỉ có hai từ “ tuyệt hảo” khi cầm trong tay một bản giấy sắc.Vừa mềm, vừa mịn lại rất dai và cực kỳ ăn mực.Chẳng trách gì ngày xưa, giấy loại này chuyên được dùng để vua chúa  ban sắc chỉ và thành mặt hàng cống thiên triều thời Lý.Đây là sự so sánh của mặt hàng sản xuất thời nay, chứ còn ngày xưa thì đủ biết quý và đắt đến dường nào với loại giấy Mật Hương mà một thương gia Đông La Mã đã phải mua ở Giao Chỉ để làm mặt hàng ra mắt Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm năm 284 sau Tây Lịch mà sử sách đã nói. Chợt nhớ lời Hoàn khi nãy, tôi chép miệng :

-    Giấy quý, nhưng những gì ghi trên giấy mới tôn tạo giá trị .

-    Ồ nhé, em còn lưu giữ mấy bản cực hiếm của ông cố nội để lại…Anh biết chữ Hoa không?- Hoàn có vẻ thích thú trước cái thú sưu tập của tôi nên nhoài người về phía đầu giường, mở ngăn tủ lôi ra một chiếc cặp da mềm đã cũ mèm.Mùi mốc khiến tôi hắt hơi liên tiếp. Hoàn cười sung sướng :

-    Cặp da của ông cố nội.Em là con đầu  của con trai cả nên được giao để giữ đấy. Đảm bảo anh bị bất ngờ cho mà xem. Đây là những bản giấy mà đời trước để lại. Nghe nói cụ tổ  6 đời nhà em vừa buôn giấy vừa làm nghề in khắc…

 

Hoàn nhẹ nhàng kéo từ ngăn thứ nhất của chiếc cặp ra một xấp giấy hơn chục tờ chạm trổ hoa văn. Mấy tấm hình một cây rau, mấy tấm hình rồng…Riêng mấy tấm hình rồng thì màu sắc khác nhau, cỡ giấy và loại giấy cũng khác nhau. Tôi đeo cặp kính lão vào, lẩm bẩm đọc mò mẫm và run bắn mình khi ráp thành câu “ Đại Ngu Thông Bảo Hội Sao”. Thông bảo là tiền tệ thời phong kiến, Đại Ngu là quốc hiệu của nước Việt thời Hồ Quý Ly. Vậy đây chính là những tờ giấy bạc hơn 600 năm trước.

-    Còn món này nữa cơ, của ông cụ cố 5 đời nhà em để lại – Hoàn lục  trong ngăn có khóa kéo một bìa nhựa, lấy ra một tờ giấy loại giấy sắc cao cấp màu vàng đã hơi ngả trắng nơi mép giấy,  trao cho tôi. Tôi như  cảm nhận được cả một quá khứ của nó qua những đường  hình rồng , phụng, mây, núi  nằm chìm trong vân giấy đầy tinh xảo. Ở phía trên  tờ giấy có  một dòng chữ Hán in kim nhũ vàng sáng lấp lánh “ Kim trường cục Đại Thanh quốc”, xuống bên dưới nữa là  hai dòng chữ Hán và chữ Nga  song song chiều ngang của tờ giấy, có vẻ là một câu văn bản dùng chung cho hai quốc gia . Tôi không biết tiếng Nga, nhưng câu chữ Hán có nghĩa là “ Long phiếu Hắc Long Giang giao thương tại biên thùy”, dưới cùng là một dấu triện đỏ được in nổi  vào góc trái tờ giấy. Tôi thầm  suy đoán “ Phải đến sau thời Ung Chính thì nhà Thanh mới chấp nhận việc học tập và sử dụng văn tự chữ Hán thay cho chữ Mãn, và cũng phải sau thời  Gia Khánh của Trung Hoa , tương ứng với thời Minh Mạng  của Việt Nam thì mới có giao thương Việt – Trung, như vậy tờ giấy này có độ tuổi tối đa là 210 năm, tương ứng với gần 5 đời người.

-    Nghe nói thời ấy, có hãng buôn Cự Long danh tiếng chuyên buôn bán xuất nhập khẩu giữa Trung Hoa và Nga. Theo quy định của luật pháp nhà Thanh đời Đạo Quang thì việc mua bán tại biên giới ở đây phải chịu sự kiểm soát từ triều đình, thông qua tổng đốc Hắc Long Giang qua hình thức định mức là hổ phiếu biên thùy, nhà buôn nào muốn nhập hàng  nào, giá trị tương ứng bao nhiêu lạng vàng đều phải đến xin gặp quan trấn biên cửa khẩu cho phép,  được phép rồi thì còn phải nộp số lượng vàng tương ứng để đổi hổ phiếu có giá trị tương đương và dùng hổ phiếu đó thanh toán với chủ hàng bên Nga sang tại khu vực cửa khẩu.Chính những lái buôn bên Nga khi mua lại hàng Trung Hoa về nước cũng phải thanh toán bằng hổ phiếu.Như vậy hóa ra hàng đổi hàng, vàng thì không  chạy ra khỏi Trung Hoa.Mọi chênh lệch thanh toán đều được giải quyết bởi ngân khố địa phương…Chỉ riêng hãng buôn Cự Long do có công với triều đình nên được sự bảo đảm thanh toán giao dịch xuất nhập khẩu bởi ngân khố Bắc Kinh. Long phiếu này chính là phương tiện họ tự in dưới sự kiểm tra của Kim trường cục dùng để thanh toán tiền hàng ở biên giới, thay vì phải xin định mức nhập hàng qua hổ phiếu của quan trấn biên cửa khẩu. Để đảm bảo thế độc quyền của mình, hãng Cự Long đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất và in long phiếu cho họ để đảm bảo không bị làm giả. Họ chọn loại giấy sắc cao cấp nhất của vùng em, đặt in kim nhũ và hoa văn chìm , in sẵn cả triện của Kim Trường Cục Bắc Kinh , nhưng để trống mệnh giá thanh toán rồi đưa về Bắc Kinh, ở đây, tùy tình hình bảo đảm về vàng của họ, Kim Trường Cục sẽ ghi mệnh giá thanh toán là bao nhiêu lạng vàng lên góc phải phía dưới của long phiếu và đóng  dấu triện đảm bảo thanh toán, ghi tên hãng buôn Cự Long vào  giữa long phiếu.Sau đó, Long phiếu được  sử dụng.

-    Chuyện em kể nghe hay quá – Tôi bâng khuâng – Nhưng làm sao  cụ cố 5 đời nhà em lại có liên quan đến tờ ngân phiếu trắng này?

-    In cái này khác gì in tiền, dù chưa có giá trị, lại phải  dùng giấy sắc là loại giấy chỉ dùng cho vua khi ban hành văn bản - Hoàn cười buồn –  cho nên để bảo mật, hãng Cự Long tìm đến Cục Bách Tác của triều Nguyễn, anh biết cái tên Cục này chứ?

-    Không – Tôi thú nhận.

-    Cục Bách Tác thuộc bộ Công, có trách nhiệm cấp phép cho mọi sản phẩm thủ công nhằm mục đích khuôn mẫu tất cả mọi sản phẩm, không cho phép bất cứ ai có quyền sử dụng những phẩm vật mà theo họ chỉ có vua mới được dùng, đặc biệt là những vật mang biểu tượng rồng. Triều Nguyễn vẫn xem Đại Thanh là thiên triều cho nên Cục Bách Tác đã tìm đến phường buôn giấy và khắc bản in của cụ cố 6 đời nhà em để thực hiện việc này cho hãng Cự Long với điều kiện bí mật tuyệt đối. Số long phiếu này sau khi in xong, giao hàng đủ thì bản khắc in bị thiêu hủy lập tức. Tiếc công phu tạo bản, cụ cố 6 đời nhà em đã giữ lại một tờ long phiếu để truyền lại cho con cháu đời sau, nhờ vậy mà cụ cố 5 đời nhà em giữ lại được.

-    Sao bố em hay ông nội em không giao  vật này cho bảo tàng?

-    Giao thì được rồi, nhưng mà ai chịu tin nguồn gốc của nó ? Hãng buôn Cự Long nào đó bên Tàu chắc giờ cũng chẳng còn giữ tờ ngân phiếu nào để xác định đâu.Ngoài giá trị một bản in tuyệt hảo, ngân phiếu trắng này chẳng có ý nghĩa gì trong mắt người ta.Còn trước đó thì…chiến tranh, loạn lạc triền miên, chỉ lo giữ mạng và chạy ăn từng bữa còn chưa xong, ai nghĩ gì đến việc sưu tập nó mà phục hồi bản in chứ…

-    Ông giám đốc chồng hờ trước đây của em không quan tâm đến món này sao? – Tôi hỏi như để níu kéo  chút hồ nghi cuối cùng.

Hoàn  bật cười khanh khách : -  Ông ấy có bao giờ dám về cái xó này đâu mà nhìn thấy nó.Gặp em là chỉ biết kéo vào khách sạn thôi…Mà em cũng chưa gặp ai hỏi chuyện quá khứ nhiều như anh đấy…Anh không thấy mệt hay buồn ngủ sao?

 

Tôi giật mình, nhìn lại đồng hồ đeo tay… Sắp một giờ sáng.Hơi lạnh len qua khe cửa sổ gác trọ của Hoàn mơn trớn ru men rượu đang  dâng lên đốt nóng cơ thể tôi.Câu chuyện của Hoàn cứ khiến tôi thấy xốn xang, mãi hoài niệm về một quá khứ vàng son nay khuất dần, chỉ hư ảo lung linh qua mặt nước Hồ Tây, dưới ánh đèn cao áp của Hà Nội rộn ràng đô thị…Tôi quay lại, cởi áo khoác vắt lên giá, tháo giày và ngã ra giường.

-    Kìa, anh mang dao vào cả lúc ngủ sao?- Hoàn cười khúc khích.

-    Xin lỗi – Tôi ngượng ngùng tháo  chiếc bao da đựng dao khỏi thắt lưng trao lại cho Hoàn. Hoàn đón lấy nó và giật nắp vỏ, kéo ra con dao Thụy Sĩ.

-    Anh mua ở đâu thế?

-    Quà tặng của một anh bạn tại Cảnh sát Liên Bang Thụy Sĩ. Họ là quốc gia trung lập, nên đến tận năm 1998, cảnh sát chỉ được trang bị con dao này thay vì súng ngắn như công an nhà ta – Tôi đáp hờ hửng – Dao này chỉ thích hợp cho việc tự vệ và một số kỹ năng dã ngoại khác , chứ tính đa dụng thì thua xa các con dao Thụy Sĩ dân dụng có nhiều lưỡi chức năng hơn đang bán đầy ngoài Hàng Đào, Hàng Ngang…

-    Đúng là mỗi quốc gia có một sản phẩm riêng để tự hào, anh nhỉ ?- Hoàn liếc nhìn ánh thép xanh của lưỡi dao, nói với vẻ háo hức.

-    Ừ, giấy dó quê nhà em, tờ ngân phiếu trắng kia cũng đáng để tự hào lắm chứ.

-    Nhưng còn ai nhớ, có ai tin  đâu hở anh? – Hoàn cất dao vào bao, bỏ lên đầu nằm của tôi, nói mà mắt bắt đầu ươn ướt – Lạ là anh lại thích nghe và tin chuyện em kể ?

-    Ít nhất, vì đó là những gì riêng của em mà anh biết với Hà Nội này…Thôi ngả lưng chút đi, tí anh cũng phải về.- Tôi cười nhẹ, nhắm mắt lại.

Có tiếng bước chân Hoàn trong phòng để dọn dĩa thịt chua và chai nếp than, rồi tiếng  tắt đèn…Một tấm chăn vừa phủ lên người tôi thì  đã bị hất lên để một thân người lách vào.Mùi hương bưởi thoang thoảng bên cánh mũi và tiếng Hoàn thì thầm với tôi :

-    Giờ mới là thực sự của riêng em và anh với Hà Nội này…

Hơi ấm từ Hoàn truyền sang tôi thật nhanh.

…………..

Tâm sự bên gối nguy hiểm nhất, đặc biệt là với người đàn ông đã phải nằm ngủ một mình suốt ba năm qua như tôi. Điều khó giấu bạn chung chăn gối là sau khi thỏa mãn vì hòa hợp thể xác, sẽ là cảm giác tự hối và muốn rời xa.Có lẽ Hoàn cũng hiểu điều đó nên cứ trăn trở mãi. Rồi nàng lên tiếng ngay khi thấy tôi cựa mình, ngồi dậy tìm thuốc lá.

-    Anh cẩn thận, nhà chứa nhiều giấy.

-    Anh nhớ…- Tôi bỏ mấy điếu thuốc ra bàn, dùng chiếc vỏ hộp làm đồ gạt tàn.

-    Bao giờ anh vào trong ấy ? – Hoàn nhổm dậy, khoác lại áo len.

-    Sáng nay, chuyến 7 giờ 15.

-    Vậy 6 giờ 15 đã phải ở Nội Bài, 5 giờ phải rời khách sạn. Mà giờ thì…

-    Là 3 giờ, em cứ yên tâm.

-    Có khi nào anh ra ngoài này nữa không ?- Hoàn có vẻ nghi ngại điều gì đó.

-    Có việc thì phải ra thôi.- Tôi cười xòa – Mong là khi ấy còn có dịp gặp em.

-    Anh hứa đấy nhé. – Hoàn cười cái  cười chấp nhận tất cả những gì đã và sẽ đến, vì biết chắc không thể níu giữ bất cứ điều gì không phải của mình – Số máy của em là số khuyến mãi, em không giữ lâu đâu. Nếu cần gặp em, anh cứ gọi cho anh Trung.

-    Anh nhớ rồi – Tôi rít nốt hơi thuốc, dúi tàn vào vỏ hộp.

-    Điện thoại của anh chụp ảnh được, phải không? Chụp em một tấm đi để còn nhớ mặt, kẻo bị cô đào nương nào khác bắt hồn đấy- Hoàn bật đèn, đến ngồi bên phía ánh sáng chiếu đến.Tôi chụp ảnh Hoàn đang vòng hai tay sau gáy, nâng gương mặt và đôi vai trần quyến rũ đầy thách thức nhô lên, vượt khỏi cổ áo cánh sen …Xong, Hoàn lại lục tìm gì đó trong túi xách và trao cho tôi một tờ giấy nhỏ, chi chit  chữ và số. Hoàn viết tắt khá nhiều nên tôi, không kịp hiểu, chỉ thấy chữ của nàng tuy không đẹp nhưng rất rõ ràng, dễ đọc …

-    Cái gì thế ?

-    Đây là những khoản chi từ tiền mà hôm qua anh trao cho em khi đi hát.Cộng với tiền anh Kiên gửi lại, trừ tiền taxi, tiền trù thưởng và trả cho nhạc công đàn đáy thì còn hơn một triệu ba.Cho em gửi lại anh.

Cú bất ngờ này khiến tôi choáng váng. Cơn tự ái đàn ông khiến tôi nóng bừng mặt, nhưng với những gì đêm qua bên Hoàn lại khiến tôi dịu lại ngay. Tôi lắc đầu :

-    Em cứ giữ đi. Xem như thù lao hướng dẫn của em cả đêm mà.

Hoàn nhìn thẳng vào mắt tôi, lắc đầu nhẹ :- Em đã được anh Trung bồi dưỡng tiền hướng dẫn. Em không nhận của anh đâu.

 

Tôi bước lại, ôm choàng Hoàn :- Thôi nào, thì anh đã nhận rồi đấy thôi. Giờ anh tặng lại cho em.Anh nài nỉ rồi đấy nhé. Xem như tiền trọ cho kỷ niệm đẹp đêm qua.

- Em nhận, với một điều kiện – Mắt Hoàn long lanh – Em muốn anh tặng em một vật để em luôn nhớ đến anh.

- Vật gì ?

- Con dao của anh. Em muốn đeo nó trong người mỗi khi ngồi chiếu hát.

Tôi bật cười : - Một “đào nương hai dao”, em thật lạ kỳ.

- Còn khách đeo dao ngồi nghe hát mới là  kỳ dị - Hoàn nói rất kiên quyết – Em chỉ nhận tiền của anh nếu anh tặng con dao cho em thôi.

Tôi lắc đầu : - Tặng nó cho em, anh không tiếc dù đó là tặng vật của một người bạn, nhưng dao và khăn tay lại không ai có thể nhận mà không trả tiền lại với ý nghĩa tượng trưng, không thì việc trao tặng lại có ý nghĩa tan vỡ, chia cắt.Khi Albert Orten tặng cho anh, anh cũng phải đưa lại cho hắn một tờ 50.000 đồng mang ý nghĩa “ chuộc lại”.

- Thì em đưa lại tiền này cho anh – Hoàn kiên trì.

- Lấy tiền của anh đưa lại cho anh thì sao còn ý nghĩa “ chuộc dao” chứ?

-  Vậy anh muốn gì ? – Hoàn bối rối.

-  Em dùng tờ ngân phiếu trắng nọ làm tiền chuộc dao này, được không? Nhìn nó, anh sẽ nhớ em hoài. Dù chỉ là tượng trưng, nhưng nó cũng là tiền và chỉ em có nó.

 

Hoàn tần ngần hồi lâu, rồi gật đầu : - Suy cho cùng thì bao lâu nay, cũng chỉ có anh quan tâm đến nó. Và em sẽ  luôn nghĩ về anh  khi  không thấy nó trong chiếc cặp này.

 

Hoàn  mở chiếc cặp, rút tấm bìa nhựa chứa long phiếu Hắc Long Giang trao cho tôi, rồi bất chợt gắn vào môi tôi một cái hôn man dại. Khi dứt ra, đối mặt nhau, tôi thấy nước mắt  đã chảy dài trên gò má Hoàn. Nàng nhét một vật mềm vào túi áo ngực của tôi :

-    Em gửi lại anh chiếc khăn tay hồi khuya. Anh đi đường bình an nhé…Để em tiễn anh ra ngõ.

Taxi chạy, tôi mãi ngoái nhìn cái dáng Hoàn đứng vẫy trước con ngõ Thụy Khê, dưới ánh sáng hắt từ ngọn đèn đường…Hà Nội của riêng tôi khuất dần sau từng ngã rẽ, lặng lẽ chìm trong cái nhộn nhịp ngày mới tháng giêng…Tôi trả phòng, ra sân bay và về nhà trong cảm giác của một kẻ chạy trốn chính mình, nửa mừng vì thoát được một món nợ, nửa nuối tiếc vì chẳng lấy thêm được nhiều hơn…Đến buổi tối, còn đang nựng hai cô con gái rượu thì điện thoại di động lại réo. Nhận ra số máy của họa sĩ Mạnh, tôi bấm nút trả lời :

-    A lô, tôi nghe…

Ngay lập tức, cái giọng oang oang lệnh vỡ của Mạnh xé cả màng nhĩ tôi :

-    ĐM ông. Ông đần vừa phải thôi chứ? Con đĩ đó báu gì mà ông cho nó cả triệu bạc.Thằng Trung với tôi đã trả tiền trước cho nó rồi mà…

Tôi choáng người. Hóa ra đêm qua chính Mạnh là người sắp xếp, nhưng tôi trấn tĩnh thật nhanh, ôn tồn đáp lại :

-    Mạnh à, đằng nào người ta cũng vất vả suốt đêm…

-    ĐM , thì ông thưởng trù cho nó là xong rồi…Đã vậy còn su- vơ – nia cho nó con dao Thụy Sĩ giá mấy trăm đô nữa chứ…Đồ đầu lừa…Chắc nó lại “ thuốc” ông bằng cái chuyện làm giấy dó, khắc bản in ngân phiếu mả cha nhà nó chứ gì?

 

Lần này thì tôi dằn không được nữa. Tôi nói gằn từng tiếng :

-    Mạnh à, tôi nhắc cho Mạnh nhớ là mỗi người đều có quyền cá nhân. Vật dụng của tôi, tiền của tôi, tôi muốn cho ai, bao nhiêu, là quyền của tôi. Chỉ cần tôi thích như vậy là đủ. Tôi nghĩ Mạnh đừng can thiệp.

-    Vâng, anh Hai Sài Gòn hào hoa – giọng Mạnh chế giễu, đay nghiến qua điện thoại – ông muốn thành thằng ngu là chuyện của ông, nhưng tôi không muốn ai cười chê bạn mình. Con Lan vợ tôi cũng thường làm phiên dịch cho khách Tây muốn mua giấy dó chổ con Hoàn nên biết tỏng là họ chỉ mua vài tờ giấy sắc, giấy lệnh, giấy bản để làm kỷ niệm về nghề thủ công thôi, còn chuyện giấy long phiếu lợn phiếu gì thì chẳng ai tin nổi. Ấy vậy mà thằng đầu tiên tin vào chuyện đó lại là ông. ĐM, một thằng điếm chúa chuyên bịp thân chủ của mình để bợ thù lao như ông, sao lần này lại bị xỏ mũi bởi một con đĩ ranh đáng tuổi con mình thế hử? Bây giờ đến tiền đồng điếu Thiên Phúc trấn bảo mà bọn lái còn làm giả để bán đầy ở chùa Yên Tử, tiền giấy là cái đinh gỉ gì…Cứ cho là tấm long phiếu nọ là có thật thì cũng đếch có gì xác minh được do tuổi của nó mới 200 năm, trong khi giấy dó có thời gian bảo quản những 500 năm, còn sử dụng phương pháp xác minh hiện đại nhất là phương pháp đồng vị phóng xạ Carbon 14 thì chỉ phân biệt được với chênh lệch độ tuổi 1000 năm trở lên.Mà thôi, ông học khôn giá bao nhiêu tiền là quyền của ông, tôi dự vào làm chi chứ? Chào.

 

Mạnh tắt máy.Tôi cau mày khi thấy dấu hiệu tin nhắn đang nhấp nháy trên màn hình điện thoại. Tôi mở ra xem. Đó là tin nhắn từ máy di động của Trung  “ Hoàn cảm ơn anh vì sự cảm thông chia sẻ mà anh dành cho cô ấy. Chúc anh khỏe. Hẹn gặp lại anh. Vợ chồng Trung – Thu”. Tôi mĩm cười, đắc thắng vì biết mình không cần phải nghe và tin ai, chỉ cần tin vào bản thân mình như mỗi lần bước vào tòa tranh tụng.Mấy hôm sau, tôi  phóng lớn tấm ảnh của Hoàn trong điện thoại di động và tìm đến một nhà chuyên khắc bản in ống đồng đặt hàng bản in tương ứng với khổ giấy của tờ long phiếu biên thùy nọ.Độ phân giải thấp của điện thoại di động lại hóa hiệu quả nghệ thuật khi tạo ra một bức ảnh Hoàn với gương mặt và đôi bờ vai thách thức mờ ảo trên nền của tờ long phiếu.Bản in vừa xong, tôi  hủy ống đồng để từ nay sở hữu một bức tranh độc bản, cả giấy lẫn hình.Tôi không tiếc khoản tiền 13 triệu cho bản in ống đồng, bởi vì rất nhiều nhà sưu tập đã ra giá hơn 30 triệu cho bức tranh đó khi trông thấy nó tại văn phòng tôi.Mỗi lần bị ra giá hỏi mua, tôi chỉ cười “ Ngân phiếu trắng vẫn chưa hiện lên giá bán, nghĩa là người trong tranh còn chờ ai trả đúng  giá của tâm hồn “.Chắc chắn ai cũng hiểu là tôi không muốn bán bức tranh, hay đúng hơn, bán đi tờ ngân phiếu mà tôi đã gắn cho nó một giá trị vô định khi in lên hình ảnh của Hoàn – góc khuất Hà Nội trong tâm hồn tôi.Dù sao, tôi cũng không ích kỷ đến mức  không cho người ta chụp lại ảnh bức tranh độc đáo kia. Và khi người ta hỏi bức tranh có tên là gì, tôi cười đầy bí hiểm mà thốt lên hai từ “ Nàng Dó”./.

 

Trại sáng tác Hội Nhà Văn TP.HCM tại  Nha Trang, tháng 10 năm 2009.

Lâm Hà
Số lần đọc: 2111
Ngày đăng: 31.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đom đóm núi - Bạch Lê Quang
Những người muôn năm cũ - Đỗ Ngọc Thạch
Tình yêu lầu trên lầu dưới - Đỗ Mai Quyên
Nhân chứng - Phạm Thanh Phúc
Chúc ban mai tốt lành - Lê Trâm
Tĩnh vật - Khải Nguyên
Ngủ đường - Huỳnh Văn Úc
Em có sợ ma không? - Phan Bích Thủy
Nơi tối tăm - Nguyễn Viện
Một ngày của Chuá - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Tô tem của tí choai. (truyện ngắn)
Sợi tóc bị vướng (truyện ngắn)
Ngân phiếu trắng (truyện ngắn)