Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
565
115.980.878
 
Xích Điểu – Nhà Báo Lớn , Nhà Thơ Trào Phúng Xuất Sắc 1910 – 2003 (*)
Đoàn Minh Tuấn

Xích Điểu là một ngòi bút viết tiểu phẩm sắc sảo, đồng thời là một nhà thơ trào phúng tài hoa, có bản lĩnh. Ông viết nhiều và nhanh, hầu như những thập niên 50, 60 thế kỷ trước, ngày ngày ông đều có tiểu phẩm, hoặc thơ đả kích trên các báo Nhân Dân, Cứu quốc, Thống nhất, Văn nghệ… hoặc kịch truyền thanh ngắn trên Đài Tiếng nói Việt Nam đêm đêm.

 

Trong các thể loại khác nhau về báo chí và văn học, Xích Điểu dùng đánh địch và phê phán sâu sắc những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ cán bộ nhân dân, nổi trội nhất, thuận tay nhất vẫn là văn tiểu phẩm châm biếm, đả kích.

 

Tôi còn nhớ những năm 60 của thế kỷ trước, tôi thường đến đặt bài ông cho buổi phát thanh vào Nam, hoặc văn nghệ của Đài. Ông hỏi tôi: cậu định nói vấn đề gì, bao nhiêu trang, và hôm nào lấy ? Rồi ông cứ đúng hẹn gửi đến trực tiếp, hoặc đi vắng đâu thì văn phòng, người nhà chờ sẵn để giao bản thảo. Khi nào ông viết khuya mệt thì để trên đầu giường, tôi cứ quen thường lệ tự động lấy mang đi, không dám đánh thức ông để ông nghỉ. Tác phong làm việc của nhà báo Xích Điểu bao giờ cũng nhanh nhẹn, khoa học, và giữ đúng lời hứa. Khi đi công tác đâu xa, thì ông hẹn lại điện thoại xin lỗi. Thời kỳ đánh Mỹ, lâu lâu thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam thấy vắng kịch truyền thanh của ông lại có thư hoặc điện thoại hỏi và trách móc. Có thời kỳ tôi đã nhận nhiều thư phê bình của thính giả, khen, chê, thêm bớt những tiểu phẩm và kịch ngắn của Xích Điểu. Tôi lại chuyển đến ông, và ông lại tiếp tục viết hay hơn, hấp dẫn hơn. Ông xem đó là sự khích lệ và động viên quý giá. Xích Điểu là tấm gương làm việc, học tập, sáng tác của một cây bút có bản lĩnh. Gần mười năm trở lại đây vì tuổi cao, sức yếu ông ít viết. Nhưng ông vẫn theo dõi thời cuộc và biên soạn, sưu tầm lại những sáng tác của mình hệ thống lại để có thể in hoặc tái bản. Chị Ngọc Dung vợ ông đã sưu tập lại sách báo cũ và cho tôi xem di cảo của ông để lại khá dày dặn.

 

Ông đã viết cho Thời báo Nông Công Thương và Phụ nữ thời đàm những năm sau khi đỗ tú tài (1930). Sau đó ông viết sách, truyện dài và truyện ngắn, năm 1932 tiểu thuyết Cô lái đò sông Thương, một chuyện tình lãng mạn. 1933 viết truyện Hy sinh một truyện dài khoa học viễn tưởng. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ ông viết bằng tiếng Pháp cho báo Le Travail (Lao động), L' Essor Indochinois (Đông Dương cất cánh).

------------------------------------------

(*) Nhiều tài liệu ghi sai, ông sinh 1913 – và mất 2000

Có lần ông kể với tôi : Năm 1937, bạn đọc – nhất là thanh niên trí thức – ít biết đến văn học cách mạng, ông thường viết những bài văn chính luận giới thiệu văn thơ của các nhà văn cách mạng: Tố Hữu nhà thơ của tương lai và Mấy chùm hoa thơ của tuổi trẻ hướng thanh niên vào đời sống văn học tiến bộ. Xích Điểu đã nhiệt thành ca ngợi cách mạng vô sản bằng những bài báo tiếng Pháp của mình đăng khắp từ Bắc vào Nam, và đã tiên đoán nhà thơ Tố Hữu là nhà thơ tiến bộ của tương lai giữa lúc thơ ca yêu nước, thơ ca cách mạng còn non trẻ. Những năm sau này 1957 – 1960 Xích Điểu thường được nhà thơ Tố Hữu gọi là "Chim đỏ", hoặc đùa với ông là Oiseau en chainer – Con chim bị xiềng, ông dịch nôm chữ Xích (Xiềng) Xích Điểu bảo "Chỉ có Kim Thành là vàng mới xiềng được ông" mà Kim Thành là tên thật Tố Hữu và hai ông lại ôm hôn nhau, cười khúc khích.

 

Năm 1939, thực dân Pháp bắt ông lưu đày ở nhà ngục Sơn La. Hôm sinh nhật lần thứ 93 (7-4-2003) tại căn nhà vài phòng chung cư 410 Trần Hưng Đạo, Quận 5, các bạn tù còn sống sót ở Sơn La năm nào cũng đến dự trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Tâm, các đồng chí cách mạng lão thành Phan Triêm, Trần Trọng Tân, Trịnh Kim Ảnh, các nhà báo, nhà văn cao tuổi Phan Hiền, Tống Văn Công, Việt Thảo, Trần Thanh Phương… Các bạn đã ôn lại lúc bấy giờ Xích Điểu cùng các bạn tù tổ chức tờ báo Suối Reo trong ngục Sơn La, viết kịch, viết tuồng cho tù nhân diễn. Tuồng Decous thất thủ, vở kịch nói Dừng bước trên đường, kịch Con chó chết và các hài kịch của Molières được ông dàn dựng trong nhà tù Sơn La. Những bài thơ trữ tình giàu ý chí cách mạng được các tù nhân cộng sản ngâm nga: Xuân trong tù, Tết ở Sơn La, Giấc mơ trong ngục tối… Lúc bấy giờ nghệ thuật còn ít nhiều ảnh hưởng của trào lưu lãng mạn, nhưng thơ ông thể hiện được tinh thần yêu nước, kêu gọi tù nhân đấu tranh… Đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là chiến sĩ đấu tranh trong nhà lao Côn Đảo, hôm ấy cũng đến mừng sinh nhật và chúc lão tướng giữ vững tinh thần cách mạng và dũng khí năm xưa. Năm 1943 ra tù, Trần Minh Tước tiếp tục hoạt động và đến tháng 8-1945 tham gia cuớp chính quyền ở Lạng Sơn, được Bác Hồ giao cho trọng trách Chủ tịch tỉnh địa đầu biên giới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Trong giai đoạn này Xích Điểu viết cho báo ở Chiến khu Việt Bắc như tờ Nhân Dân, Cứu quốc, Đài Tiếng nói Việt Nam, Quân đội…

 

… Ông là thủ trưởng của tôi những ngày ở báo Thống nhất, được biết ông làm việc và viết lách rất nhanh, rất khỏe, lớp trẻ chúng tôi lúc bấy giờ đều bái phục sức sáng tác của lão ông, của một cây bút có tầm cỡ trong làng báo, làng văn hiện đại Việt Nam. Ông vốn là cộng tác viên nhiều năm liền của Tuần báo Văn nghệ với các bài tiểu phẩm, thơ trào phúng đã kích dưới bút hiệu Xích Điểu.

 

Hòa bình lập lại năm 1954, ông về Thủ đô giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ báo chí, Giám đốc Sở báo chí Trung ương và góp phần lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam với cương vị Phó Tổng thư ký thường trực. Trong bộn bề công việc nhưng nhà báo Xích Điểu vẫn dành thì giờ viết thường xuyên cho Thống nhất.Từ 1955 – 1975 suốt 20 năm viết hàng trăm vở kịch truyền thanh ngắn đầy tính chiến đấu và bao tiểu phẩm, thơ đả kích đánh trực diện vào chủ nghĩa thực dân mới xâm chiếm miền Nam. Các tập thơ Cướp mới, cướp cũ, tiểu thuyết trào phúng Ba xoay diễn nghĩa, các tiểu phẩm Trắng đen (1960). Sau mặt nạ nhân vị (1961), Người hay vật (1962), Cái đuôi chó (1969), Chủ nghĩa lưu manh hiện đại (1979) và tiểu thuyết Mệnh phụ cuồng mê (1989). Ông chĩa mũi nhọn vào kẻ thù của nhân dân, phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và bọn phản động quốc tế…

 

Hôm tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy, ông đã gần hôn mê không còn biết gì nữa. Tôi sờ hai chân đã lạnh, ông chỉ sống nhờ sự can thiệp của máy móc và huyết thanh, nhưng đôi mắt vẫn mở.

 

Tôi lặng lẽ nhìn ông, nước mắt rơm rớm ! Mới đây ông và bà Ngọc Dung đôi bạn đời dìu nhau lên căn hộ nhà tôi thắp hương cho vợ tôi – người mà ông quý mến dành nhiều tình cảm lúc sinh thời. Ai đời lá vàng người 92 tuổi đến viếng người chưa đến 50, lẽ ra phải ngược lại…

 

Cả một đời ông dồn tâm lực cho báo chí và văn thơ cách mạng, tô đẹp cho non sông đất nước.

Như lời thơ cảm tạ của ông lúc sinh nhật lần thứ 85, trước đó ông mệt nặng, nhưng đã vượt qua và gửi thư cho tôi:

 

Cảm tạ lời mừng tuổi tám lăm

Cộng đồng tình nghĩa tự cao thâm

Vượt xa dương lịch hai ngàn ấy

Tô đẹp thêm đời mấy chục xuân.

 

Ông là bạn đồng niên thân thiết với Nguyễn Tuân,"Mẫu đối thoại trong tôi" ông gửi Nguyễn Tuân – xuân 1987 :

 

Tình ca xuân sóng mướt

Riêng ta ngã chiều rồi

Thôi cười gừng, cười ớt

Khỏi khuấy chuyện cay đời

Cung đàn ông hết "nốt"

Cộm tai, lọt tai ai?

Khô cứng rồi ư, huyết quản già ?

Không không hun nóng thổi bùng ra

Từ tim, công phá rào tiêu cực

Góp lửa phê bình, lửa của ta ?

 

Bút kiếm luyện không mòn

Xuân không buồn hoàng hôn

Đường Đảng : Thiên lý thép

Xung kích bạt Trường Sơn

 

Đinh Mão, 1987.

 

Nguyễn Tuân nhận thơ này chuyển cho tôi, 6 tháng sau ông mất (7-1987).

 

Hôm Nguyễn Tuân mất, ông mua hoa, rượu cúng Nguyễn Tuân, và mời tôi Đoàn Giỏi đến uống chén rượu buồn. Ông đặt ảnh Nguyễn Tuân dưới bức hoa hình con Tôrô – Bò tót Tây Ban Nha, tượng trưng cho lòng dũng cảm…

Và như bức trướng gấm thêu treo giữa gian phòng ông do Hội Nhà báo Việt Nam tặng "Phúc Lộc Thọ Trường" nhân sinh nhật 93 mùa xuân của ông (2003) đã nói lên công hiến của một nhà báo, nhà thơ lão thành vào tù ra khám mà vẫn để lại nhiều tác phẩm đẹp cho đời. Ông mất sau sinh nhật này bốn tháng (2003) tôi đã tiễn ông đến tận nơi hỏa táng Bình Hưng Hòa./.

 

Đoàn Minh Tuấn
Số lần đọc: 2086
Ngày đăng: 06.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Anh Khanh : Một bài thơ sống mãi với đời - Lê Ngọc Trác
Mừng tuổi người hết lòng với chữ Việt cổ - Nguyễn Khắc Phục
Giới thiệu Tới ngọn hải đăng của Virginia Woolf - Nguyễn Thành Nhân
Joseph Brodsky , Một Đời Vong Quốc - Võ Công Liêm
Krishnamurti tâm thức vô sư - Võ Công Liêm
Têrêxa , Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm. - Nguyễn Hữu An
Lý Văn Sâm và hành trình tìm kiếm nhân vật lý tưởng - Bùi Công Thuấn
Nhân 3 năm ngày mất nhạc sĩ Từ Huy (9/2006-9/2009): NHỚ MÃI “ MỘT VÒNG QUANH “ - Trần Trung Sáng
BẠCH DƯƠNG xa... như tiếng gió không mùa - Nguyễn Anh Đào
Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Thụy Long - Vương Trùng Dương