Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
605
116.443.950
 
Làng Gốm Cổ Đạm (Hà Tĩnh)
Trần Anh Dũng

Cổ Đạm là làng cổ có từ lâu đời, được coi là một trong những nơi phát sinh ra hát Ả Đào.Tuy nhiên Cổ Đạm cũng là làng gốm cổ truyền thống thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh hiện đang bị mai một dần. Chưa biết chính xác làng gốm này có từ bao giờ, nhưng trong sách “Nghi Xuân địa chí” do Đông Hồ Lê Văn Diễn viết vào thời Thiệu Trị , khoảng giữa thế kỉ 19 đã cho biết, làng Cổ Đạm chuyên sản xuất nồi gốm. (Lê Văn Diễn 2001: 193).

 

Làng Cổ Đạm nằm ở phía bắc của núi Hồng Lĩnh, nơi còn dấu vết của con sông cổ chảy qua phía nam làng, nơi cũng có một số đồi nhỏ ven sông. Đây là nơi cung cấp nhiên liệu làm gốm. Đất làm gốm có ba  loại: đất đỏ mầu bã trầu, đất vàng và đất mầu xám xanh. Kĩ thuật làm gốm được tiến hành theo các công đoạn như sau:

 

Làm đất : Đất mang về ủ thành đống, trộn cả ba loại theo tỉ lệ bằng nhau, không được nhão. Khi làm gốm, dùng liềm cắt đất ra từng lát mỏng, sau đó mang đặt lên một phiến đá có mặt hơi lõm, dùng chầy giã. Quá trình giã này làm cho đất nhuyễn và có độ dẻo. Cách làm này chưa hề thấy có ở các làng gốm đất nung ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Đất sau khi đã làm xong được đưa vào công đoạn tạo dáng.

 

Tạo dáng : Dụng cụ tạo dáng khá đơn giản, gồm có bàn xoay gốm (gọi là cái chuầy), một nồi gốm đựng nước, một nắm giẻ để vuốt, bàn vỗ bằng gỗ, một cái nạo bằng tre hoặc bằng sắt (gọi là cái khót) và một số que tre vót nhọn đầu để sửa đồ gốm (gọi là que ly). Trước khi tạo dáng, người ta rắc lên trên mặt bàn xoay một lớp tro bếp mỏng để chống dính. Công việc tạo dáng của đồ gốm bắt đầu từ việc tạo đáy. Một thỏi đất được lấy ra,vê thành hình con thuyền, véo một nửa dọc, được đập và rát mỏng thành hình tròn, bằng cườm tay. Nửa còn lại của thỏi đất, sau khi vê thành hình con trạch (thỏi đất dài) đừơng kính 2 - 3cm, cuốn xung quanh đáy để tạo thành của đồ gốm.

 

Trước khi tạo dáng bất cứ loại đồ gốm nào cũng phải bắt đầu từ hình trụ tròn được tạo bởi phương pháp giải cuộn. Mỗi khi con trạch đất hết, người ta nối tiếp bằng một con trạch khác. Công việc tiếp theo là dùng miếng giẻ có nhúng nước, chuốt trong, ngoài và miệng, cùng với sự điều khiển của hai bàn tay để tạo ra dáng đồ gốm theo ý muốn. Những que tre, cái cạo được dùng vào vịêc sửa thành trong, ngoài và đáy của đồ gốm. Các kiểu nồi gốm của Cổ Đạm đều được làm vát đáy, rất đặc trưng của gốm đất nung miền Trung. Để làm được điều đó, dụng cụ cạo gốm đóng vai trò rất quan trọng. Sự cần cù cạo, sửa của người thợ gốm đã làm mất đi các vết nối của con trạch đất, tạo cho đồ gốm nhẵn láng, có phần đẹp hơn các đồ gốm của vùng đồng bằng Bắc bộ. Đồ gốm tạo dáng xong được nhấc ra bằng tay và đem phơi trong bóng dâm để tránh nứt nẻ. Trong khâu tạo dáng, có khá nhiều thao tác khác với ở đồng bằng Bắc bộ. Cách tạo nắp vung của đồ gốm cũng khá đặc biệt. Lúc đầu, nó được đặt ngửa và được làm thành hình trụ, chỉ khi vuốt và cạo sửa, nó mới thành hình chóp cụt. Người ta không gắn núm vung ngay vì làm thế nắp vung sẽ bị bẹp. Sau khi nắp đã phơi se, người ta lật úp nắp vung, rồi cuốn con trạch đất xung quanh đỉnh nắp vung để tạo núm tròn, dùng hai bàn tay ấn trong, ngoài của thành núm, để tạo nên một nắp vung rỗng. Cách làm này khác với cách làm nắp vung đặc của một số làng gốm đất nung ở đồng bằng Bắc bộ như làng Hoa, Hiển Lễ…

 

Lò nung gốm khá đặc biệt, mà cho đến nay chúng tôi cũng chưa từng gặp ở đồng bằng Bắc bộ. Lò nung ngoài trời, không có mái che, hoàn toàn nổi trên mặt đất, được làm theo hướng đông tây - Điều rất đặc thù của miền Trung- Để có thể lợi dụng được hướng gió Lào. Khảo sát lò nung gốm của nhà ông Phan Đình Châu ở thôn 7, xã Cổ Đạm, chúng tôi thấy lò gốm được làm như sau:

 

Lò hình chữ nhật, chiều dài đông - tây 3,4m, bắc - nam rộng 2,2m. Hai thành dọc bên ngoài của lò bằng gạch xây vữa đất, mỗi bên rộng 0,60m, chỉ có ý nghĩa là bệ đỡ cho các lỗ thông khói lửa ở bên trong và cố định khuôn khổ của lò. Hai đầu chiều rộng đông tây, mỗi đầu có ba cửa lò, cao từ 0,30-0,35m, (cũng là chiều cao của lò) làm từ những mảnh vỡ của miệng đồ gốm được tận dụng. Các cửa lò trước, sau tạo thành trục nổi hình ống, thông với nhau một cách tương ứng. Hai cửa chính ở hai bên, cửa phụ ở giữa. Các đường trục của cửa cách nhau 2-3cm, tạo khe hở cho lửa lên, đồng thời cũng là mặt sàn để xếp đồ gốm mộc. Hai thành dọc đông tây, phía trong của bệ gạch, người ta cũng dùng những mảnh miệng gốm vỡ úp vào mặt trong của bệ gạch để tạo nên hai dãy lỗ thông khói lửa hình bán viên. Mỗi bên có từ 7-8 lỗ, đường kính 20-25cm . Để xếp được đồ gốm mộc, người ta tận dụng các mảnh gốm vỡ đặt lên mặt sàn lò được tạo bởi các trục dọc hình ống của ba cửa lò bên dưới .Việc đặt này cũng phải theo nguyên tắc, mảnh to đặt ở dưới , mảnh nhỏ đặt lên trên, nhưng cũng phải để khe hở cho lửa đi lên. Đối với các lỗ thông khói, lửa ở dọc hai bên lò thì không được đậy kín bằng các mảnh gốm để cho khói, lửa, không khí có thể dễ ràng đi lên phía trên, để có thể chín được đồ gốm ở hai bên dìa lò.

 

Xếp gốm vào lò cũng phải theo nguyên tắc: Đồ gốm kích thước lớn xếp ở dưới, đồ gốm nhỏ xếp ở trên. Đồ gốm xếp úp miệng xuống hướng mặt sàn lò. Giữa đáy đồ gốm bên dưới và miệng đồ gốm bên trên, người ta dùng mảnh gốm vỡ kê tạo khe hở để chống dính và thông hơi, nhiệt. Mỗi một chồng gốm mộc xếp chồng cao khoảng 1m-1,2m, tuỳ theo chiều cao của nồi gốm. Tuy nhiên mỗi chồng gốm cũng phải chừa các khe hở theo chiều dọc và chiều ngang để cho gốm được chín đều.

 

Nhiên liệu để nung gốm là rơm, rạ, và ngày nay là lá bạch đàn, phi lao…Nhưng nhiên liệu này tránh được việc nổ đột ngột của đồ gốm.

 

Cách nung có thể nung từ hai đầu với hai ngươi cùng nung. Mỗi người phụ trách ba cửa lò, cho lá khô vào đốt, dùng nạng để đẩy nhiên liệu vào và kéo tro than ra. Than tro cũng được tận dụng để ủ lên các chồng gốm đang nung trong lò. Người ta nung liên tục như vậy trong 2 giờ liền là gốm chín. Nhiệt độ của đồ gốm chỉ cần đạt được khoảng 500-6000c. Sản phẩm gốm có mầu đỏ hồng là đẹp nhất, nếu già hơn thì có mầu đỏ ngả vàng. Nếu nung già nữa thì gốm sẽ bị méo và biến dạng.

 

Sản phẩm gốm Cổ Đạm chủ yếu là gốm dân gian phục vụ cho đời sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp. Chúng gồm các loại chõ đồ xôi, nồi gánh nước, nồi rang, nồi đun nấu các cỡ, ấm sắc thuốc, bát to (bát vùa). Nồi gốm to có kích thước : cao 0,40m, đường kính miệng 0,30m. Sản phẩm được bán ở trong vùng, hoặc ở các nơi xa hơn như Can Lộc, Thạch Hà, Nghệ An…Xưa kia nó có thể được chở đi bằng đường thuỷ và bán ở xa hơn nữa vào tới tận Nam Trung Bộ.

 

Trong làng có nhiều gia đình biết nghề làm gốm. Các họ Phan và họ Nguyễn làm nhiều hơn cả. Nhưng nghề gốm ở đây đang bị mai một dần đi, Hiện tại chỉ còn 5 hộ làm gốm. Từ xưa đến nay, nghề gốm chỉ được coi như nghề phụ. Dân cư ở đây vẫn lấy nông nghiệp làm nghề chính.

Cổ Đạm là làng gốm đất nung truyền thống, mang sắc thái khá đặc thù của một làng nghề thủ công ở bắc Trung bộ. Các kĩ thuật làm gốm như :làm đất, dựng lò nung gốm, tính toán hướng gió…hết sức thông minh, linh hoạt, thích nghi.

 

Nghề gốm Cổ Đạm là tư liệu quí cung cấp cho chúng ta biết thêm về một kiểu thức làm gốm, một phương pháp nung gốm rất thủ công ở ngoài trời, một dạng lò nung gốm rất phù hợp trình độ và phương thưc tồn tại của một làng làm gốm không phát triển theo hướng chuyên môn hoá cao. Sự đơn sơ của nghề gốm ở đây có thể là một gợi ý cho chúng ta hình dung về cách thức làm gốm ở thời tiền sử.

 

Chúng tôi cũng rất lưu tâm đến các loại nồi đất nung ở miền Trung, với truyền thống cạo vát ở phần đáy. Truyền thống này cũng theo các thợ gốm Việt vào phía Nam mở đất vào các thế kỉ 16 - 18./.

 

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 2960
Ngày đăng: 11.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lò gốm thế kỉ 1- thế kỉ 10 - Trần Anh Dũng
Khu Di Tích Ba Thê – Óc Eo (An Giang) và Vấn Đề Bảo Tồn Di Tích Văn Hóa Óc Eo Hiện Nay - Nguyễn Thị Hậu
Đồ gốm sứ ở cảng thị Ba vát Bến Tre - Trần Anh Dũng
Di Chỉ Khảo cổ học Giồng Nối (Bến Tre) - Trần Anh Dũng
Văn Hóa Sa Hùynh Nhìn từ Văn Hóa Đồng Nai - Nguyễn Thị Hậu
Cội Nguồn Văn Minh Ở Trung Quốc : Sự Khác Nhau Giữa Tài Liệu Khảo Cổ Và Cồ Sử Cùng Sự Giải Thích - Hà văn Thùy
Vài suy nghĩ về việc bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Nguyễn Thị Hậu
Văn hoá tiền sơ sử Bà rịa - Vũng tàu trong không gian tiền sử đông nam bộ - Phạm Quang Minh
Câu chuyện về khảo cổ học : Hoàng đế Ashoka đã sống lại như thế nào? - Nguyễn Đức Hiệp
Phát hiện ngôi mộ 1.700 tuổi tại miền bắc Peru - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)