Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
797
116.515.458
 
Nhà thơ FRED MARCHANT đồng điệu, thâm tình
Võ Quê

Những năm tháng hoạt động văn học nghệ thuật tại thành phố Huế, tôi đã có dịp tiếp xúc, quen biết thân tình với nhiều văn nghệ sĩ, các tổ chức, hội đoàn văn học nghệ thuật trong và ngoài nước. Chính mối quan hệ tốt đẹp ấy đã cho tôi được tiếp cận được một số nhà văn nhà thơ tên tuổi quốc tế đang có những tình cảm sâu đậm, chân thành, hữu nghị về đất nước Việt Nam. Một trong những văn nghệ sĩ mà tôi đã từng gặp gỡ, thường xuyên giao tiếp, liên hệ với sự quý trọng, tin cậy là nhà thơ người Mỹ: Fred Marchant.

Nhà thơ GS.TS Fred Marchant hiện nay là giáo sư Anh ngữ, Giám đốc chương trình sáng tạo viết văn của Đại học Suffolk, Boston; nguyên là trung úy quân cảnh Mỹ tại Okinawa. Trong thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông đã rất sốc trước thông tin vụ lính Mỹ thảm sát thường dân Việt Nam tại Mỹ Lai vào ngày 16. 3. 1968. Khi bị điều động sang Việt Nam tham chiến ông đã viết đơn kiện gởi các tòa án quân sự Mỹ với lý do ông là một sĩ quan tình nguyện, không chấp nhận cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam và ông đã thắng kiện.

 

Từ thái độ chống chiến tranh, ông càng chú tâm tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, nhân văn, văn học nghệ thuật cùng những giá tri văn hóa, tâm linh của người Việt. Mối thiện cảm dành cho đất nước, con người Việt Nam trong tâm hồn ông được lớn dần, sâu đậm dần theo thời gian.

 

Fred Marchant là tác giả của ba tập thơ: Tipping Point, đoạt giải của giải thưởng năm 1993 Washington, Full Moon Boat, House on Water, House in Air và nhiều tiểu luận văn học được đăng tải trên nhiều tạp chí. Cùng với Nguyễn Bá Chung ông đã cùng dịch tập thơ Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa. Ông còn là người thẩm định tác phẩm bậc thầy của Trung tâm William Joiner nghiên cứu về chiến tranh và hệ quả xã hội tại Umass Boston. Ông cũng là người giới thiệu hai cuốn sách Núi Bà Đen của Larry Heinemann và Cốm non (Green Rece) của Lâm Thị Mỹ Dạ đã được dịch ở Mỹ.

 

Tháng 7. 1995 khi tôi cùng đoàn Nghệ thuật Ca Huế sang Mỹ biểu diễn trong chương trình Liên hoan Âm nhạc dân tộc toàn nước Mỹ tại thành phố Lowell bang Massachusetts, nhà thơ Fred Marchant là một trong những người Mỹ tích cực tận tình giúp đỡ đoàn trên nhiều mặt. Ngoài thời gian đoàn biểu diễn tôi đã lang thang cùng vợ chồng nhà thơ Fred Marchant trong phố chiều và nghe ông hỏi thăm về Việt nam về Huế với lời hứa hẹn sẽ cố gắng thực hiện những chuyến sang thăm Việt Nam, thăm Huế và sáng tác.

 

Một trong những bài thơ của ông về Việt Nam được độc giả Huế trân trọng đón đọc là bài thơ Ba mươi cái cúi đầu bắt buộc đăng trên tạp chí Sông Hương số 179- 180 tháng 1 – 2. 2004 do Tô Diệu Linh chuyển ngữ, tựa đề của bài thơ là viết sau ba mươi năm Mậu Thân. Ba mươi cái cúi đầu bắt buộc về những mất mát, những nỗi đau chiến tranh do Mỹ gây ra:

“… Một cây chuối đầy đủ Lá gập xuống bên chiếc thuyền một người đàn ông dáng vẻ nghiêm nghị: Đó là hình ảnh về sự tang tóc của tôi.

 

Một hình ảnh khác: Chính tôi lúc này ở đằng trước con đại bàng, quả địa cầu và cái neo gấp lạ (1) của quân đoàn tay phải giơ lên(2)và mắt tôi không để ý đến bất cứ cái gì cả.

Đứng ngay bên cạnh tôi là cha mẹ tôi, mắt họ cũng có vẻ lạ thường và trống vắng.

Đó là vào năm 1968, và chẳng ai trong chúng tôi biết chúng ta đang làm gì cả.

Đó là lý do tại sao bây giờ tôi ghét Hartford(3) là lý do tại sao tôi lái xe vòng vòng quanh thành phố, là tại sao tôi bị lạc giữa xa lộ để dẫn tôi đến chỗ ghi danh đi lính tình nguyện.

Hình ảnh trên truyền hình quay quanh hình ảnh biểu tình chống đối, đánh bằng dùi cui, và một giọng phát thanh viên cất lên nói về cuộc chiến tranh “không được nhiều người ủng hộ” đó…”

 

 

Theo nhà thơ Fred Marchant chuyến về thăm Huế năm 1997 là lần có nhiều kỷ niệm đẹp trong quá trình sáng tác của ông. Với Huế ông thường có những hồi ức về một thời chiến tranh khốc liệt. Dằn vặt và trăn trở như trong hồi ký Huế trong đêm - nguyên cớ một bài thơ của ông được trích dẫn dưới đây:

 

“…Dòng sông đêm nay đẹp một cách lạ lùng, tôi nhủ thầm. Những chiếc thuyền giấy nho nhỏ do khách trên sông thả trôi theo dòng nước mang theo những cây nến. Những chiếc thuyền rồng - một loại thuyền dài gắn máy nổ, được trang trí phía đầu và đuôi như hình một con rồng, với các du khách đang dùng cơm tối và thưởng thức những bản nhạc cổ điển Việt do một đoàn hợp tấu trình diễn. Tôi có thể nghe thấy văng vẳng tiếng ca, tiếng trống tiếng phèng mặc dù xe cộ vẫn rộn ràng qua lại trên cầu. Trong bữa ăn tôi giữ im lặng. Nhìn những người bạn tôi trong khu vườn lộ thiên của nhà hàng, dưới ánh sáng của những ngọn nến, tôi thấy họ toát lên một phong cách thật đẹp. Tôi không thể quên được ánh mắt của họ như sáng lên với tình bạn và hạnh phúc. Tự nhiên tôi cảm thấy thật biết ơn đã được ngồi đó bên cạnh bạn bè, và ngay khi có cảm giác đó, tôi hiểu tại sao tôi đã không thể nhớ, đã không thể đọc được bài thơ nào ở Đàn Nam Giao.

 

Khi Võ Quê yêu cầu tôi đọc thơ, tâm trí tôi đang chất đầy những ý nghĩ về ý nghĩa của vị trí tôi đang đứng. Tôi không nghĩ tới những án thờ hay những nhà vua xa xưa; thực ra tôi đang nghĩ tới cuộc chiến đã qua, và biết bao người Việt và Mỹ đã ngã xuống ở Huế. Tôi có cảm giác họ đang ở quanh tôi như xương thịt tôi đang đứng đó, và tôi có cảm giác, mặc dầu không thể biết một cách đích xác cảm giác đó như thế nào, phải có bổn phận giữ một phút im lặng vì họ và cho họ. Tôi không hề dự tính điều đó, và tôi cũng không hề nghĩ như thế khi sự việc xẩy ra. Nhưng khi ngồi ăn với các người bạn, thầm lặng viết một bài thơ trong đầu, tôi nhận ra là tôi đã im lặng vì có lý do: im lặng để tôn kính và tưởng nhớ tất cả những người đã không còn nữa với chúng ta. Khi buổi gặp mặt sắp chấm dứt, tôi đứng dậy đề nghị một lời chúc. Tôi muốn chúc Võ Quê, và tất cả những người bạn của tôi. Lời chúc của tôi tối hôm đó là bản nháp đầu tiên của bài thơ mà sau đó tôi tiếp tục làm suốt đêm. Đây là bản sau cùng của nó:

 

Huế trong đêm Đàn Nam Giao

 

Đôi khi tôi nghĩ Huế là trung tâm của vũ trụ,

nơi hàng ngàn con mắt hướng về chúng ta.

Con mắt lặng lẽ của vầng trăng đầy với mây

Con mắt cháy bỏng của bó nhang

chen vào mặt đá

Con mắt hoành tráng của sân đình hoàng đế,

tấm đá cẩm thạch biết nói.

Con mắt hồ nghi của người đàn bà khấn cầu trên bậc thang nhoè bóng tối.

Con mắt sáng quắc của đèn xe.

Và những chấm sáng lung linh của ngọn nến sông ẵm trên tay

Những con mắt của bao người không còn nữa.

Và những con mắt hôm nay của bè bạn, còn đây.

NGUYỄN BÁ CHUNG dịch

 

Trong khi tôi đang thực hiện trang viết này về Fred Marchant thì nhà văn Tô Nhuận Vỹ từ Hà Nội đã điện vào cho biết các nhà thơ Fred Marchant, Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung, Martha Collins, nhà văn Larry Heinemann (Mỹ)… đang có mặt tại Hà Nội để dự Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ II do Hội Nhà Văn Việt Nam chủ trì được diễn ra từ ngày 5 đến 10. 1. 2010 tại Quảng Ninh. Qua làn sóng điện thoại tôi bồi hồi xúc động khi nghe giọng Fred Marchant: “Tôi rất nhớ Vo Que, tôi nhớ Huế! Rất tiếc lần về Việt Nam lần này tôi không được gặp VoQue. Hy vọng sẽ gặp lại! Hy vọng!”. Nhân dịp này tôi không quên khoe với Fred Marchant về việc tôi đang viết một bài báo về Fred Marchant và Fred Marchant lại rối rít dặn dò: “Nhớ gởi email bài viết ấy cho tôi. Và đừng quên tôi nhé!”

 

sẽ không quên đâu Fred Marchant! Fred Martchant đã là người bạn thơ đồng điệu, thâm tình mà tôi hằng quý mến. Khát vọng hành tinh này luôn hòa bình, không chiến tranh đã mãi mãi sống động trong tâm thức những nhà thơ trên mọi miền châu lục. Dẫu không được gặp Fred Marchant trong dịp nhà thơ về Việt Nam đầu năm 2010 nhưng dù sao chúng ta cũng đã tiếp cận tình nhau qua làn sóng. Và tôi lại muốn thì thầm với Fred Marchant một câu thật nhỏ: “ Sang Việt Nam chuyến này đừng quên viết những bài thơ nghe Fred Marchant!”./.

 

Huế 3. 1. 2010.

----------

(1) Con đại bàng, quả địa cầu và cái mỏ neo là biểu tượng của quân Marine, lính thuỷ đánh bộ của Mỹ.

(2) Giơ tay phải lên để thề phục vụ cho đất nước.

(3) Một thành phố của bang Connecticut nơi Fred ghi danh tình nguyện đi lính, ngay sau khi vừa tốt nghiệp đại học.

 

*

 

 

Hồi âm của Fred Marchant sau khi đọc bài viết trên:

 

Greetings My Friend:

Thank you for this essay. And thank you for our friendship!

My best wishes and hopes for your wife's health.

Stefi sends her greetings to you both also., although she is not here with me, but back in Boston....

We all miss you.

And I am very glad we are in touch via email.

Again, thank you for this essay!

 

Fred Marchant

 

Ha Noi 4. 1. 2010.

Võ Quê
Số lần đọc: 2347
Ngày đăng: 11.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xích Điểu – Nhà Báo Lớn , Nhà Thơ Trào Phúng Xuất Sắc 1910 – 2003 (*) - Đoàn Minh Tuấn
Vũ Anh Khanh : Một bài thơ sống mãi với đời - Lê Ngọc Trác
Mừng tuổi người hết lòng với chữ Việt cổ - Nguyễn Khắc Phục
Giới thiệu Tới ngọn hải đăng của Virginia Woolf - Nguyễn Thành Nhân
Joseph Brodsky , Một Đời Vong Quốc - Võ Công Liêm
Krishnamurti tâm thức vô sư - Võ Công Liêm
Têrêxa , Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm. - Nguyễn Hữu An
Lý Văn Sâm và hành trình tìm kiếm nhân vật lý tưởng - Bùi Công Thuấn
Nhân 3 năm ngày mất nhạc sĩ Từ Huy (9/2006-9/2009): NHỚ MÃI “ MỘT VÒNG QUANH “ - Trần Trung Sáng
BẠCH DƯƠNG xa... như tiếng gió không mùa - Nguyễn Anh Đào
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)