Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
751
116.616.167
 
Chờ bên sông mưa
Nguyễn Lập Em

Ch bên sông mưa ,truyện ngắn đọat giải khuyến khích viết về nông nghiệp do Bộ VH-DL-TT trao giải cuối tháng 12.2009 và được tác giả giới thiệu lên VCV sớm nhất.VCV

 

Hai Sen nói “Nếu vợ tui không đổi dạ, tui đã chẳng tỉnh rượu và chẳng lo làm ăn”. Tôi ngồi lặng thinh, không biết nói gì và làm gì để chia sẻ nỗi niềm với người đàn ông bị vợ bỏ này. Từ gian giữa rộng thênh thang của căn nhà, là nơi tiếp khách của ông chủ trại nuôi rắn ri doi(*), tôi đưa mắt về phía sâu hơn. Hình như, ở đó là luồng khí lạnh. Thì ra, dương khí của người đàn ông cô đơn không đủ sức tỏa ấm cửa buồng ngủ của mình, huống chi là tỏa sức sống cho căn nhà thiếu bóng đàn bà gần suốt mười năm. Tôi đọc trong mắt và nghe trong ngữ điệu của Hai Sen nỗi buồn xa vắng.

 

Tôi đã đi mấy mươi cây số, từ thành phố Long Xuyên về Vĩnh Hanh, để đến trại cung cấp giống rắn ri doi Nguyễn Sen, theo như hẹn trước. “Chị cứ đi, đi hoài vô, nhìn thấy bảng hiệu Nguyễn Sen, là tới.” Hai Sen dặn dò tôi, trong lần gặp gỡ bất ngờ ở đám cưới dâu của em trai tôi. Hoá ra, trong họ bên ngoại nhà tôi cũng có một ông chủ trang trại nuôi rắn, lại còn treo bảng, nữa kia! Khi xe qua khỏi ngả ba lộ tẻ, mắt tôi bắt đầu lướt qua những bảng hiệu dọc đường. Nào là Hoa Lan hotel, Vật liệu xây dựng Việt-Mỹ, nhà trọ Kiều Diễm, Thalexim - doanh nghiệp Thành Lệ bán xăng dầu, khoan giếng Tư Răng, uốn tóc Hai Lành… những bảng hiệu cỡ lớn, cỡ vừa, đủ màu sắc khoe mình thay cho các chủ tiệm, khiến tôi náo nức. Đã lâu, tôi mới lại về quê xưa của ngoại, thấy cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Ở đây đâu còn quê mùa nữa! Tôi bất ngờ với những Hotel, nhà trọ dành cho khách vãng lai, với Thành Lệ bán xăng dầu còn phải thêm một tên viết tắt là Thalexim. Phải vậy thôi! Con đường đất về làng Vĩnh Hanh của mấy mươi năm trước giờ đã được mở rộng đến tám mét, trải nhựa, dành cho các chủng loại xe, kể cả xe tải hạng nặng, chạy bon bon thông suốt tuyến đường liên huyện, liên tỉnh. Sao không có khách vãng lai, sao không có người nước ngoài đi ngang? Và, tôi có thể hiểu sâu hơn nguyên nhân khiến những người đàn bà chân chất ở xứ này chán chê những ông chồng nát rượu, như vợ chồng người em bà con cô- cậu của tôi Nguyễn Sen.

 

Cuộc chia tay nào không đầy nước mắt? Tan vỡ nào cũng ngập tràn trong nuối tiếc! Tôi có thể thương nhưng không thể không giận người em bà con của mình. Tôi tìm, mỏi mắt, mới thấy tấm bảng hiệu Nguyễn Sen nhỏ xíu có ghi mấy chữ lằng ngoằng “ bán giống rắn Ri Doi”.

- Hai Sen ơi là Hai Sen! Thời buổi kinh tế thị trường này mà ông xài chiêu bài “ hữu xạ tự nhiên hương” sao được? Ông có thấy cái bảng Thalexim bự hết cỡ ở gần ngả ba không? Ông bán giống rắn thì ông phải la lớn lên “Tôi có và sẵn sàng bán”. Mình làm ăn lương thiện, có gì mà phải khiêm tốn, rụt rè?

 

Bộc phát, bỗng dưng, tôi lên giọng chị  Cả đối với Hai Sen, trong khi Hai Sen vẫn hiền khô.

- Trại của tui mới phát triển thôi, chị ! On ào, sợ bà con  chòm xóm chê cười!

- Trời ! Chính vì mới gầy dựng nên ông mới phải khiến cho … kẻ  đi qua, người đi lại biết mà đến giao dịch mua bán, làm ăn, chớ!

- Ờ… ờ !

- Ờ ! Hiền quá , trời ạ!

 

*

 

Người nông dân có danh hiệu là nông dân sản xuất giỏi suốt năm năm liền của tỉnh đang sở hữu ba mươi công đất ruộng, bông một lúc từ năm đến bảy vèo nuôi lươn - mỗi năm cung cấp ra thị trường gần hai ngàn ký lươn thịt, làm chủ một cơ sở cung cấp giống rắn ri doi - mỗi năm bán ra gần ngàn con giống và cả tấn rắn thịt. Tính gộp, mỗi năm, Hai Sen có tổng thu lợi hằng trăm triệu đồng trên một héc-ta. Tôi nói với Hai Sen:

- Thành-bại, được- mất, ông đều có cả. Bây giờ, ông muốn gì, Hai Sen?

 

Hai Sen ngồi lặng lẽ, hồi lâu, rồi chậm chạp cựa quậy trong chỗ ngồi của mình. Gian nhà khách chỉ có một chủ, một khách là Hai Sen và tôi. Thằng con Út của Hai Sen vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ra quân, về nhà, đang theo học lớp vi tính ở chợ Cần Đăng. “ Nó nói, bây giờ, người ta bán hàng cả trên mạng. Nó dự tính, học xong,  làm thử cái vụ bán giống rắn này!” “ Cũng được, người ta làm được, vì sao mình không?”. Ba đứa con lớn của Hai Sen đều đã được dựng vợ, gã chồng xong rồi; Mỗi đứa đã có một gia đình riêng, một cuộc sống riêng, yên bề hết cả. Trong nhà, chỉ còn Hai Sen và con trai út đơn thân.

- Giở ba vèo lươn mùa rồi, tui dư cũng bộn tiền, tính cưới vợ cho thằng Út mà nó không chịu, là vì… nó chưa thương được đứa con gái nào. Tụi nhỏ, bây giờ, khác mình xa lắm, đã không thương thì không chịu lấy nhau đâu!

- Còn  ông?

- Tui, á …à !

Hai Sen lại lặng thinh. Tôi chờ đợi để nghe người em bà con của mình bộc bạch. Rồi Hai Sen cũng kể và tôi cố hình dung những gì mà Hai Sen đã trải qua trong đoạn đời khó khăn nhất của mình.

“Hôm đó, tui say rượu quá! Tui say nhưng mà tui vẫn biết là tui say. Như mọi lần, thằng Tư Rổ kè tui từ quán nhậu về nhà. Vừa về đến cửa nhà tui, nó lớn giọng kêu vợ tui

- Bà Sen ơi! Có ở nhà hông, ra rước ổng nè?!

 

Vợ tui trong nhà đi ra, mặt chầm hầm, mở cửa rào, ra dấu biểu Tư Rổ kè tui  vô nhà. Tư Rổ kè tui tới bộ ván ngựa ở nhà khách, là chỗ này nè, bỏ tui nằm ạch xuống! Tui nằm, như dính lưng xuống ván, không cựa quậy nỗi, nhưng mà tui yên chí là mình đã về tới bến rồi! Tui say xỉn quá, ngất ngư! Ngất ngư như mọi ngày, nhưng, không hiểu sao, hôm đó tui vẫn còn nhận biết, vẫn còn nhìn thấy tất cả, trong cơn say. Tui thấy, thằng Tư Rổ không về. Nó đứng chống nạnh, nhìn tui nằm chết dí trên bộ ván rồi nó đi luôn ra sau bếp nhà tui. Tui nghe có tiếng nước, hình như nó tắm hay dội cầu gì đó. Vợ tui thì đã bỏ vô buồng. Một lát sau, tui lại thấy Tư Rổ từ trong nhà bếp đi ra, quẹo luôn vô buồng của vợ chồng tui. Tướng đi của nó rất tự tin, theo kiểu nó đi vô buồng nhà nó, mà vẻ chừng nó chẳng say sỉn gì như là tui đã thấy nó ở quán rượu với tui, hồi chiều! Vậy là tui bị nó lừa rồi! Tui muốn dậy, kêu nó đứng lại mà tui không dậy nổi. Tức quá, tui lăn qua, té rớt từ trên bộ ván xuống sàn nhà. Vợ tui nghe tiếng động, bước ra nhà khách, thấy tui như vậy, làm thinh quay vô buồng. Tui đã biết là có chuyện gì rồi nhưng tui không dậy được, không làm gì  được nữa... Lát sau, tui thấy Tư Rổ từ buồng ngủ nhà tui ung dung đi ra cửa, như đi chỗ không người. Còn vợ tui ở luôn trong buồng, tới sáng. Sáng ra, tui ráng dậy rửa mặt, gặp vợ tui ở chái bếp. Tui chỉ nói được với vợ tui một câu:

- Đi khỏi tao!

 

Vợ tui đã biết ý tui muốn nói gì. Nó lẹ làng quay vô buồng, gom quần áo, dông qua nhà ba, má vợ tui liền. Chắc là nó sợ tui đánh, tui giết chết nó vì hờn ghen và tức giận.

 

Vợ tui bỏ nhà, không ai biết vì sao. Tui bịnh mười ngày liền, không ra đồng bái gì nổi, đừng nói chi là đi uống rượu. Đám con tui bu lại, lo cho tui. Tụi nhỏ hỏi vì sao tui không cho má tụi nó về nhà. Tui lắc đầu. Làm sao mà tui nói cho lũ nhỏ biết chuyện gì  đã xảy ra tại nhà tui trong đêm hôm đó? Sau này, tui ngẫm lại, một phần lỗi cũng là do tui. Tại tui không lo làm ăn, để vợ con nghèo khổ, nheo nhóc. Tui lại sa đà  rượu chè. Ruộng lúa thất mùa, đâu phải tại trời đất; Chỉ tại vì tui mãi lo ăn nhậu, bỏ bê. Vợ tui cằn nhằn hoài, tui không nghe. Nói riết không được, nó đành bỏ mặc cho tui muốn làm gì thì làm. Nó chán tui nên nó sanh tà tâm với thằng khác thôi! Đâu có vợ nào chịu đựng hoài được khi mà mỗi ngày mình mỗi say xỉn. Còn bạn nhậu như thằng Tư Rổ thì đầy dẫy trong cuộc đời này. Nó thừa cơ hội mình đã hết hơi vì rượu! Miếng ngon bỏ uổng, nó cứ quơ ngang, quất hụt, cầu may. Mà cũng tại vợ mình đổi dạ, buông thả, chắc là chẳng chỉ một lần đó đâu! Khi hết bịnh, tui qua sông kiếm Tư Rổ, định hỏi tội nó. Vợ của nó nói là nó đi làm mướn ở đâu đó, lâu rồi, không thấy về. Tui chắc là nó phải bỏ xứ, trốn tui. Sao mà… nó dám ở lại xứ này để trêu ngươi tui, chớ ? ”

 

*

 

Đã có lần, Hai Sen nhìn thấy đôi vợ chồng rắn ri doi ở bờ ruộng của mình. Cuộc ân ái của cặp mãng xà quần nát cả tầm đất cỏ. Ấy là mùa nước giựt. Cánh đồng nước nổi vẫn còn lêu bêu cỏ, rác cùng tất cả các chủng loại phiêu sinh và động vật hoang dã. Hồi còn nhỏ, Hai Sen đã dạn dĩ, bắt được cả rắn hổ mang nhưng khi nhìn thấy con rắn ri doi há miệng chàm quàm nuốt chửng con lươn nặng cỡ nửa ký lô thì Hai Sen hết hồn, hết vía. Ông nội Hai Sen dạy cháu “Rắn ri doi là loại không có nọc độc. Giống rắn này sống được chỉ nhờ vào thân lớn, có sức mạnh và răng chắc. Muôn loài đều phải có khả năng tự vệ riêng, nếu không, sao có thể sống được trong trời đất hỗn mang này!”

 

Hồi ấy, Hai Sen không hề nghĩ là có ngày mình lại thành thuộc về đặc tính của loài rắn ri doi, loài rắn mà ngày xưa nội anh hay bắt về làm món xé phay trộn bắp chuối hột cho cả nhà ăn, với lời nhủ “ăn đi, mát và bổ lắm!”. Bây giờ, khách hàng của Hai Sen mua rắn thịt không phải để lấy thịt mà là lấy da. Cái da của con rắn ri doi có giá trị gấp mấy lần cái thịt của nó. Người ta lấy da nó, cũng như lấy da loài trăn, là da của loại mãng xà, để làm các loại bóp, ví, túi xách… cho các ông, các bà có nhiều tiền; Ấy cũng là để nâng cao cái giá trị bên ngoài của con người. Như vậy, Hai Sen mới thấy nhu cầu của cuộc sống khác hẳn rồi! Và Hai Sen cũng không chỉ dừng lại ở chỗ bán rắn thịt mà là cung cấp con giống cho các chủ trại nuôi rắn thịt. Khi Hai Sen hiểu được là cuộc chiến đấu sống, chết trong cuộc sống này không chỉ tính bằng sức mạnh mà phải tính bằng sự tinh nhuệ, thì anh đã bước sang tuổi ngũ tuần. Nhiều điều cay đắng mà anh đã nhận ra, kể cả trong đời sống của gia đình anh. Trước mắt của anh đó thôi! Người ta nói, nhiều loài động vật không ăn thịt đồng loại, có lẽ, người ta gộp cả loài người. Nhưng Hai Sen thấy xót xa khi nhận ra loài rắn ri doi lúc đói mồi đã ăn thịt cả đồng loại, cả bạn tình của nó và ăn cả rắn con. Hai Sen giận ư ? Con rắn ri doi chớ có phải con người đâu? Nó là loài bò sát, thuộc chủng loại  động vật hoang dã. Nó có trái tim và lý trí đâu mà biết phân biệt đồng loại, bạn tình hay con đẻ của mình? Hai Sen giận là vì Hai Sen bị ám ảnh bởi chuyện vợ mình và Tư Rổ, từ hồi năm nẳm, mà thôi!

 

Vậy mà Hai Sen mãi vẫn không quên được hai kẻ vô lương kia. Nỗi oán hận những tưởng đã đánh gục Hai Sen nhưng không. Sau mười ngày bệnh nằm ở nhà gặm nhấm nỗi buồn, Hai Sen lại ra đồng. Đứng nhìn đám lúa của nhà mình xơ xác vì thiếu phân, thiếu nước và vì thiếu cả bàn tay chăm sóc của Hai Sen, Hai Sen bật khóc. Hai Sen thấy thương đám ruộng bị bỏ bê của mình. Giận ai? Trước hết giận mình! Và, như một người giỏi bơi lội bị rớt xuống nước, sau lúc đầu bị nhấn chìm, Hai Sen đã nổi lên, dần dần nổi lên và không thể khác hơn, Hai Sen đã bơi bằng quán tính của sự sinh tồn. Hai Sen lao vào việc cứu lúa, làm cho cây lúa xanh tốt lại, vì tất cả sự sống còn của mấy cha con anh đã gởi hết trên mảnh ruộng này. Như vậy mà Hai Sen đã trổi dậy.

 

Sau khi vợ bỏ nhà, Hai Sen bỏ rượu. Rồi Hai Sen cặm cụi ra đồng lo việc ruộng rẫy. Rồi Hai Sen đi học cách bông vèo nuôi lươn. Rồi Hai Sen học cách nuôi rắn ri doi. Bây giờ, sau mười năm bị vợ bỏ, con sâu rượu Hai Sen trở thành đại gia xứ lúa. Ai đó lại rủ Hai Sen nhậu. Hai Sen lắc “Nghe mùi, muốn ói!”. Người ta hỏi Hai Sen vì sao bây giờ tiền của đã đầy nhà mà Hai Sen không tính chuyện “bước đi bước nữa”? Hai Sen lại lắc đầu, cười buồn. Hai Sen cũng không muốn giải thích. Làm sao mà người khác hiểu được? Việc gì Hai Sen cũng có thể làm được, trồng lúa, tỉa bắp, nuôi lươn, nuôi rắn, nuôi cá, nuôi tôm… để thoát khổ, hết nghèo, để lo cho con cháu dư ăn, dư mặc, để làm giàu bằng sức lao động và sự lương thiện của mình nhưng có một điều Hai Sen chưa làm được là làm lành vết thương lòng. Dẫu là một lực điền, dẫu là một anh nhà quê chân chất, dẫu là một gã võ phu… thì trái tim nhạy cảm của anh ta vẫn rất dễ tổn thương. Huống hồ chi, Hai Sen đã bị xúc phạm quá đỗi nặng nề!

 

*

 

Út Nia xuất hiện ở nhà Hai Sen vào một buổi chiều mưa. Ghe hàng của cô tắp vào bến sông nhà Hai Sen như giề lục bình giạt vào bờ trong cơn giông mùa nước nổi. Út Nia là bạn hàng đến trại của Hai Sen mua rắn, mua lươn. Cô hỏi đủ điều, từ chuyện vèo lươn, vùng rắn cho đến gốc mai chiếu thủy bỏ nằm lăn lóc ở góc sân. Bước vào nhà Hai Sen, trên vai vẫn còn quảy cái túi xách quần áo, Út Nia đã thả mắt nhìn gian nhà khách thiếu bàn tay dọn dẹp của bà chủ nhà. Cô thở hắt ra:

-    hờ… Sao mà bề bộn vậy?

 

Chẳng nói thêm tiếng nào, Út Nia bỏ túi xách của mình xuống. Cô bắt đầu dọn dẹp. Hai Sen đứng sững nhìn người phụ nữ xa lạ trước mặt mình. Trong dáng vẻ nhẫn nhục ấy, Hai Sen vẫn nhận ra nét đẹp bền bỉ của người đàn bà đã từng làm vợ và làm mẹ của cả đàn con. Anh bất chợt nhớ đến vợ mình.

- Chồng cô Út đâu? Sao ổng không đi mua bán, lại để cô Út lặn lội như vầy?

- Ông theo đứa khác rồi, tui một mình chạy việc, nuôi con!

Hai Sen thở dài “ Mỗi người, mỗi cảnh”. Hai Sen không dám nói với Út Nia về chuyện nhà mình.

- Chị Hai đâu?

- Ở bên nhà ngoại của mấy đứa nhỏ!

- Lại thôi nhau hả? Sao vậy? Cãi nhau hả?

Hai Sen lắc đầu

- Có cãi vả gì đâu!

-  Không cãi mà thôi, kể cũng lạ!

Im lặng. Út Nia vừa tay làm, lại miệng nói

- Anh Hai phải kiếm ai lo việc nhà, cơm nước, giặt giũ, quét dọn… Việc nhà… sao mà thiếu đàn bà cho được?

 

Hai Sen vẫn đứng, lặng nhìn. Cái cảm xúc cần có một nửa mình từ lâu đã nguội lạnh bỗng dưng bùng dậy trong Hai Sen. Hai Sen chần chừ, tự hỏi “có nên bước tới hay không?” Hai Sen cảm giác rất rõ sự chông chênh của bản thân mình và anh bước vội ra sân.

 

Ngày thứ ba, Út Nia rời khỏi phòng khách của trang trại Hai Sen. Thật ra, cuộc nói chuyện mua, bán  lươn, rắn giữa hai người đã diễn ra chóng vánh từ chiều mưa hôm trước. Trước khi chia tay, Út Nia căn dặn Hai Sen

- Nếu tui không trở lại, anh Hai giao hàng cho bạn lái của tui.

 

Hai Sen lặng lẽ gật đầu, không hỏi vì sao Út Nia không trở lại. Lần đầu tiên trong đời người nông dân ở xứ quê mùa, heo hút này, Hai Sen hiểu thế nào là “bèo nước gặp nhau”. Út Nia bước xuống ghe hàng của mình, mặt buồn rười rượi. Hôm qua, khi Hai Sen ra sau hè tấn lại chân bạt của vèo lươn, Út Nia đã một mình quanh quẩn trong gian nhà khách rồi vô tình dừng lại ở cửa buồng nhà Hai Sen. Bất chợt, Út Nia nhìn thấy vết dao chém, có vẻ là rất mạnh vì vết đứt rất sâu, vào thân cột nhà của Hai Sen. Út Nia hiểu là Út không thể ở lại nơi này.

 

*

 

Con trai Út của Hai Sen nói với cha mình:

- Ba à! Má, ở bên ngoại, cũng buồn! Lúc này, má lại đau yếu hoài! Hay là ba cho má về lại nhà mình!

Hai Sen lắc đầu. Sau đó, anh lặng lẽ thu xếp. Thửa đất dành cất nhà, làm sân vườn, anh chia ra làm đôi. Nuôi thêm một hai mùa lươn, Hai Sen xây lại nhà mới; Lại xây thêm một căn nhà nữa để dành khi thằng Út cưới vợ rồi sẽ cho vợ chồng nó ra ở riêng. Anh nghĩ là anh phải bảo ban để thằng Út ráng lựa và thương đứa con gái nào đàng hoàng, tử tế mà cưới làm vợ. Thời buổi này, mấy đứa con gái tham tiền, đua đòi, thích lấy chồng người nước ngoài, Đài Loan, Hàn quốc…, chắc chẳng chịu ưng bộ đội ra quân như thằng Út của Hai Sen. Hai Sen chỉ cầu mong thằng Út thương và cưới được một người phụ nữ biết an phận, một người phụ nữ biết trọng tình nghĩa, có thủy, có chung… Rồi, anh sẽ cho thằng Út đón mẹ nó về ở chung nhà với vợ chồng nó, như nguyện vọng của nó…

 

Còn Hai Sen? Anh muốn được một mình! Cũng may là, sau cuộc đổ vỡ của vợ chồng Hai Sen, hồi năm nẳm, vợ Hai Sen kịp thời thức tỉnh, không chạy theo Tư Rổ, chỉ  trở về nhà cha mẹ ruột rồi lo ra chợ mua bán kiếm sống qua ngày, để còn có ngày trở về với con, cháu. Hai Sen cũng vậy. Từ là một anh Hai Lúa nát rượu, Hai Sen đã kịp thời dừng bước trước khi trở thành con ma men, để còn lo tu tỉnh làm ăn, trở thành người nông dân sản xuất có hiệu quả, vượt qua nghèo khó, vươn lên làm giàu. Nhưng, vẫn hoài, trong lòng Hai Sen một nỗi buồn. Anh thấm thía hiểu rằng, đời người đôi khi  chỉ vì một sự quá đà, chỉ vì một sơ xuất nhỏ là không bao giờ có thể cứu vãn được… giống như vợ chồng anh hay vợ chồng Út Nia.

Hai Sen buồn, chậm chạp nói với tôi, như nói với chính mình:

- Lỗi, trước tiên, là do mình!

 

Tôi không biết dùng lời lẽ gì để an ủi người em bà con của mình. Câu chuyện nuôi rắn ri doi đã chuyển sang một câu chuyện khác, từ bao giờ, với mớ bòng bong trong ngỏ ngách đời sống tình cảm của người nông dân sản xuất giỏi này. Mới hay, cái khó đối với Hai Sen không phải là cách làm giàu. Cái khó là sống. Hai Sen còn phải sống, suốt quãng đời còn lại của mình.

 

*

 

Cánh đồng vẫn mênh mông với những mùa khô và những mùa nước nổi. Xanh, tăm tắp một màu xanh. Trắng, trắng xoá với một màu nước bạc. Lão nông Hai Sen vẫn cứ cặm cụi với lúa, với rắn, với lươn. Một lần, lúc coi kiếng để chải đầu, Hai Sen chợt nhận ra tóc mình đã hoa râm. “Trời đất! Mình già từ hồi nào vậy kìa!” Thời gian cứ trôi qua, như dòng sông chảy qua trước nhà của Hai Sen, mải miết. Đôi lúc, nhìn những giề lục bình bềnh bồng trôi giạt theo sóng nước, Hai Sen chợt buồn, chợt thấy nhớ Út Nia. Chẳng biết, bây giờ, Út Nia đã sống và làm ăn ra sao? Thì ra, người ta gặp nhau phải có duyên, có nợ. Trong kiếp người này, Hai Sen cứ ngẫm, chẳng biết mình và Út Nia có nợ, có duyên hay không?

 

Những chiều mưa già, Hai Sen ngồi trong gian nhà khách của mình, bỗng mong thấy bóng ghe hàng của Út Nia lại tấp vào bến nước, muốn nghe lại tiếng thở ra dài thượt của Út Nia, vào chiều mưa năm ấy, khi cô vừa bước vào nhà Hai Sen: “Ớ… hờ, sao mà bề bộn vậy?” Nhưng, lâu rồi, Hai Sen không thấy Út Nia trở lại. Dòng sông trong mưa vẫn cứ thẳm trôi. Thỉnh thoảng, con sóng giạt xô tơi tả đám lục bình./.

 

(*): rắn ri voi.

 

Nguyễn Lập Em
Số lần đọc: 1891
Ngày đăng: 12.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện nhỏ trong chiến tranh - Trần Quang Vinh
Nghêu, Sò, Ốc, Hến - Đỗ Ngọc Thạch
Những người bạn - Trương Văn Dân
Thằng bỏ làng - Nguyễn Chính
Sợ - Ngô Nhật Lê
Ngọc phật - Bạch Lê Quang
Điếu văn của người quét chợ - Đặng Văn Sinh
Cuội - Nguyễn Chính
Kén vợ kén chồng - Đỗ Ngọc Thạch
Cư dân của thành phố - Vinh Anh