Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
678
116.546.376
 
Tiền sạch
Khôi Vũ

Từ đầu năm, khi có ý kiến của tổ chức về việc mình sẽ về hưu vào đầu năm sau, ông Nghiêm bắt đầu có nhiều thay đổi. Từ một người hay nói, (và lại nói hay - không thế thì sao ông lại được phân công làm công tác tuyên giáo từ hơn mười năm nay) ông trở thành người thường trầm ngâm, tư lự. Ông chỉ tâm sự với cậu Cắt lái xe: "Mày thử tưởng tượng coi: sáu mươi tuổi, ngoài cái tài nói thì tao chẳng còn nghề ngỗng gì, được cái nhà hóa giá coi như có chỗ ở, nhưng lương hưu có vài trăm ngàn, tao sẽ làm gì để sống? Mày biết đó, hai đứa con tao đi làm cả, nhưng đều lương hành chính sự nghiệp, tháng nào có cưới xin, sinh nhật của bạn bè còn phải xin tiền tao...".

 

Nhìn quanh trong nhóm bạn thân, ông Nghiêm càng giật mình. Lão Sáu Huề vừa về hưu là mua liền một chiếc xe mười hai chỗ ngồi cho thuê, ngày ngày thanh nhàn đi uống cà phê, nghe chim hót, đánh cờ tướng...Ông "đụt" Văn Nhân mà cũng xây được một dãy nhà cho công nhân thuê, năm chục ngàn một người, mỗi tháng kiếm bạc triệu. Khá nhất có lẽ là Mười Thố. Ngoài mười lăm phần trăm cổ phần trong một công ty cổ phần đang ăn nên làm ra, lão còn mở được một quán ăn khá đông khách.

 

Dẫu làm gì thì cũng phải có vốn, mà vốn thì ông Nghiêm đào đâu ra? Làm nghề tuyên giáo tới cấp chuyên viên, được nhiều đơn vị mời đến giảng bài, nói chuyện thời sự, mỗi lần như thế được bồi dưỡng bao thư một hai trăm ngàn có vẻ là lớn, nhưng mỗi tháng mới có một đôi lần, thậm chí có tháng không có. Nhiều phen ông đã cố tâm để dành khoản tiền này phòng khi hữu sự, nhưng số tiền chưa lần nào lên đến quá năm trăm ngàn thì đã bị rút ra tiêu pha gì đó!

 

... Một hôm, bốn người bạn thân ngồi lai rai ở quán ăn Mười Thố. Ba người, mỗi người một ý góp với ông Nghiêm. Cuối cùng, cả ba cùng hỏi:

- Rốt cuộc lại, chú út mày đã có ý định sẽ làm gì chưa? Có cái đó thì bọn anh mới tính được!

Ông Nghiêm dang hai bàn tay, lắc đầu.

- Thế thì thua! - Mười Thố kết.

- Về nhà suy nghĩ đi rồi nói cho anh em biết... - Văn Nhân khuyên.

- Tôi nhắc chú út, một năm sẽ qua cái vèo, phải đạp ga vọt lẹ mới xong - Ông chủ xe Sáu Huề nói với giọng ồm ỗm.

 

*

 

Ông Nghiêm suy nghĩ không ra. Nhưng cậu Cắt lái xe đã hiến kế cho thủ trưởng sau một hồi lâu vòng vo rào đón.

- Con và thằng bạn tính mở một cái quán cà phê nhạc. Mặt bằng của con. Vốn của nó. Theo tụi con tính toán thì loại quán này đang hút khách, có thể kiếm ăn được. Nhưng nó phải được bảo lãnh để tránh mấy đội kiểm tra văn hóa họ tới làm phiền...

- Làm ăn đứng đắn thì sao phải sợ?

- Thủ trưởng ơi là thủ trưởng. Thời buổi này, đã làm ăn là phải biến báo, treo đầu dê bán thịt chó mới có cơ ngóc đầu nổi với thiên hạ...

- Quán cà phê nhạc thì treo cái gì, bán cái gì?

- Treo cà phê, treo nhạc. Bán cà phê, bán nhạc... Ở đây, cái tụi con cần được bảo lãnh là những người bán hàng... Tụi con sẽ tuyển nhiều nữ tiếp viên xinh đẹp. Thủ trưởng yên tâm đi, không có chuyện bậy bạ gì trong quán đâu. Nhưng chắc chắn quán sẽ bị lưu ý nếu không có cái ô của thủ trưởng...

 

Ông Nghiêm nghe lùng bùng bên tai. Lần đầu tiên trong đời, ông là người trong cuộc một vụ làm ăn không thể kết luận là hoàn toàn minh bạch. Cậu lái xe kiên nhẫn thuyết phục:

- Với chức danh của thủ trưởng thì con tin chắc bên văn hóa họ sẽ làm lơ cho quán cà phê nhạc của tụi con làm ăn. Mỗi tháng tụi con sẽ trích một phần lời gửi thủ trưởng. Sau một năm, về nghỉ, thủ trưởng có một số tiền làm vốn, có muốn xoay sở gì cũng dễ... Tới hồi đó, tụi con sẽ tự lo hoặc chuyển qua phi vụ làm ăn khác cũng nên...

 

Đề nghị của Cắt, ông Nghiêm phải mất hai tuần lễ liền suy nghĩ rồi mới quyết định "thử xem sao". Ông nói với Cắt: "Nếu xảy ra chuyện gì, tụi bay tự lo liệu lấy, tao không xuất hiện đâu". Ông cũng không nói gì với hai người con và cả ba người bạn thân nhất.

 

*

 

Một hôm ông Nghiêm nhận được điện thoại gọi tới văn phòng. Người gọi là Tuấn, một cán bộ thuộc ngành văn hóa. Sau vài câu xã giao, anh ta hỏi:

- Cháu được giới thiệu là quán cà phê nhạc Sầu Đông là của chú, không hiểu điều ấy có đúng không thưa chú?

 

Ông Nghiêm thầm nghĩ: "Có chuyện gì rồi đây!". Với kỹ năng xử lý tình huống khá nhanh nhạy tích lũy được qua những lần đi giảng bài, nói chuyện, ông phân tích nhanh vài giả thuyết quanh chuyện cái quán Sầu Đông. Tốt nhất là tạm đứng qua một bên, thăm dò đầu đuôi câu chuyện ra sao đã. Nghĩ vậy nhưng ông vẫn không tránh khỏi lúng túng:

- Ờ... đúng... nhưng mà... không hẳn thế. Chú chỉ có một phần hùn trong ấy thôi. Có chuyện gì vậy Tuấn?

- Dạ, chưa có chuyện gì cả. Cháu chỉ muốn nhắc chú nên lưu ý hơn về hoạt động của quán, của những cô tiếp viên...

- Được rồi... cám ơn... Chú sẽ hết sức lưu ý...

 

Đặt máy xuống, ông Nghiêm bần thần, phải lấy khăn lau mồ hôi trán. Ông đã đoán ra chuyện gì tuy không thật rõ ràng lắm. Nhưng quả thật con người ông không quen với những việc như thế này. Ông lập tức nhấn chuông cho gọi Cắt.

- Mày phải nói thật cho tao biết. Mấy đứa con gái ở quán, chúng nó làm gì mà bên văn hóa họ lưu ý?

 

Cắt cười, giọng tỉnh bơ trả lời:

- Có gì mà chú phải lo vậy. Con bảo đảm với chú là tụi nó chỉ bưng bê cà phê, cùng lắm là ngồi nói chuyện với khách thôi. Có kiểm tra, tụi nó đứng lên là xong, vô tang vô chứng.

- Tao không tin chỉ có thế!

- Chú phải tin tụi con chớ. Làm ăn mà không tin nhau sao được, chú. Nếu chú muốn thì con xin thề là không có "sếch", không có mại dâm mại diếc gì ở quán mình đâu.

 

Ông Nghiêm xuống giọng:

- Tao tạm tin mày vậy. Nhớ đó, họ vô sổ đen cái quán rồi đó.

Cắt đi ra, còn lại một mình trong phòng, ông Nghiêm nghĩ ngợi lung tung. Mới làm ăn có ba tháng mà ông đã có gần năm triệu. Tụi thằng Cắt giỏi thật. Nhưng tụi nó làm gì mà có lời đến thế. Tính giá cắt cổ chăng? Hay là tụi nó buôn bán ma túy? Chết mất! Nếu dính vô cái đó, mất đầu như chơi... Dù sao, bằng cách nào thì cũng phiêu lưu quá. Nhưng bỏ thì tiếc, tiếc thật. Một năm, số tiền đâu phải ít. Ông vừa nghĩ ra rồi. Ông sẽ mở một hiệu sách vừa bán các loại sách giáo khoa, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật... vừa bán văn phòng phẩm. Một người bạn đã đồng ý cho ông thuê mặt bằng một căn nhà ở gần khu trường học mà không bắt đóng tiền cọc. Một cán bộ tuyên giáo mà làm chủ hiệu sách thì quá hợp, quá đẹp... Ông lại có thì giờ đọc sách, báo, nhàn nhã mà thanh lịch... Nhưng muốn thế thì phải có vốn. Một hai chục triệu còn là ít nếu muốn hiệu sách của mình bề thế. Thật đau đầu. Không hiểu tụi thằng Cắt làm những gì... ?

 

*

 

Bốn người bạn thân lại ngồi với nhau vào một buổi chiều không lâu sau khi ông Nghiêm nhận quyết định về hưu. Lần này, họ không ngồi ở quán ăn của Mười Thố mà đến quán cà phê Cây đa bên bờ sông cho yên tĩnh hơn. Họ cần yên tĩnh vì nội dung cuộc gặp mặt là bàn cách giúp ông Nghiêm mở hiệu sách.

 

Với kinh nghiệm của một người có vốn trong công ty cổ phần, lại là nhà kinh doanh ăn uống, Mười Thố phát biểu trước:

- Bây giờ hiệu sách mở ra không ít, mình mở sau là phải cạnh tranh: bán phải hạ hơn người ta hoặc có khuyến mãi, hàng hóa thì đa dạng, đầy đủ, hình thức cũng phải bề thế hơn người. Mấy chuyện trước chú út phải tự lo, riêng việc trang bị quầy kệ, tôi sẽ giúp toàn bộ. Ra hạn cho chú trong ba năm sẽ trả lại tôi một nửa, hai năm sau đó trả nốt nửa còn lại. Chú út thấy thế nào, nói tôi nghe coi.

 

Ông Nghiêm không giấu được xúc động:

- Nếu được vậy thì còn gì bằng. Có điều, có cần phải khuếch trương như thế không? Hay là mình làm theo cách "liệu cơm gắp mắm". Vốn liếng của tôi hiện có chừng hai chục triệu...

Sáu Huê xua tay:

- Thôi đi chú em. Xét về khoa ăn nói thì chú em ăn đứt tụi này, nhưng làm ăn thì chú lạc hậu quá rồi. đây là thời cá lớn nuốt cá bé. Nếu mình không muốn bị người khác nuốt chửng thì mình phải làm con cá lớn...

 

Văn Nhân vỗ đùi đánh đét:

- Hay! Lâu lâu mới nghe anh sáu nói một câu hay đến vậy!

Sáu Huề đắc chí vuốt mấy sợi râu mọc dài lạc quẻ ở một bên cằm:

- Cái nghề cho thuê xe nó dạy tôi như thế. Anh em biết gì chưa? Tôi mới đổi chiếc xe hai mươi lăm chỗ ngồi! Lần này lại nhận cả khách đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

 

Mười Thố cười lớn:

- Vậy coi như xong rồi phải khôn? Sau buổi này, ta tiến hành luôn nha! Mà quên, có điều này muốn hỏi chú út. Vậy chớ số tiền vốn của chú là từ đâu mà có vậy?

 

Đã lường trước sẽ có người hỏi như thế, ông Nghiêm tủm tỉm cười trả lời ngay:

- Tiền dành dụm trong ba năm đó các anh à...

Ông tưởng sẽ nhận được lời khen ngợi, nào ngờ Mười Thố lắc đầu:

- Vậy là dở quá! Tôi cứ tưởng chú tranh thủ trong một năm vừa qua chớ! Xem ra, chú nghiêm giống cái tên của chú quá...

Bỗng nhiên ông Nghiêm đỏ mặt.

 

*

 

Nhà sách Văn Hiến được xem là lớn nhất trong các nhà sách ở địa phương. Gần khu vực trường học, khách ra vào cũng đông, nhất là trước hoặc sau giờ học. Quan hệ công tác ngày trước cũng giúp ông chủ hiệu sách có thêm thành phần khách hàng là các thư viện, cơ quan, số cán bộ hành chính sự nghiệp...

 

Ông Nghiêm không cạnh tranh giá mà khuyến mãi với hình thức đặc biệt. Mỗi khách hàng đến mua từ hai mươi ngàn trở lên được phát một tờ phiếu, nếu có năm tờ phiếu thì được đổi nhận một món quà tự chọn trị giá khoảng hai chục ngàn. Nhiều học sinh đã khéo mua sách vở thành nhiều lần, mỗi lần chỉ hơn hai chục ngàn để có đủ số phiếu và dành phiếu để tặng bạn nhân dịp sinh nhật! Người lớn không tính toán như thế và họ cũng không để ý đến chuyện được tặng quà nhưng cách khuyến mãi của Văn Hiến được họ đánh giá là có văn hóa!

 

Có đồng ra đồng vào, ông Nghiêm rất vui. Có tuần, ông ở luôn hiệu sách không về nhà. Ông chỉ ngồi trông nom tổng quát. Bán hàng, thu tiền đã có người. Ông thuê mấy cô sinh viên trường đại học dân lập của tỉnh bán sách theo buổi, vừa giải quyết việc buôn bán của mình, vừa tạo điều kiện cho mấy đứa nhỏ có thu nhập mua sách vở ăn học. Sổ sách, tiền nong thì ông nhận một đứa cháu họ vào làm, hoàn toàn tin tưởng được. Rảnh rang, ông đọc báo đủ loại, vừa giải trí vừa tiếp nhận những thông tin thời sự mà từ khi về hưu, ông không còn nhận được từ các cuộc họp, công văn... Ông cũng dành thời gian để đọc sách văn học, ngẫm nghĩ về những tư tưởng được gửi gấm trong con chữ. Thế giới đã bao la, suy nghĩ của con người còn vô tận hơn nhiều. Quả là những ngày nghỉ hưu thú vị mà tiếc rằng vợ ông không còn nữa để cùng chung hưởng với ông...

 

Điện thoại reo.

- A lô! Hiệu sách Văn Hiến tôi nghe.

- Chào chú Nghiêm. Chú còn nhớ cháu không. Cháu là Tuấn bên văn hóa đây.

- Nhớ rồi! Chào cậu Tuấn! Có chuyện gì thế? Vụ cái quán Sầu Đông hả? Tôi rút phần hùn ở đó mấy tháng nay rồi...

- Dạ không, không phải chuyện đó đâu chú. Cháu chỉ hỏi thăm chú ở nhà sách của chú có cuốn sách về Đức Giáo hoàng mới ra không? Tụi cháu đang cần có để đọc.

- May cho cậu là còn một cuốn. Sách này phải là tôi mới có, mà người ta cũng chỉ giao cho có hạn. Cậu tới ngay để lấy nha...

- Cảm phiền chú giữ đừng bán, chiều nay cháu tới lấy có được không?

- Dĩ nhiên là được rồi. Nhưng cậu bận việc gì thế?

- Dạ... có chút chuyện về cái quán Sầu Đông ấy mà...

- Sao? Chuyện gì vậy? Cho tôi tò mò một chút được chứ? Có phiền cậu không?

- Dạ được. Có gì phiền đâu chú. Chẳng là tối hôm qua tụi cháu bắt quả tang ở khách sạn Thiên Nga có mại dâm. Hai cô gái bán dâm khai họ đều là tiếp viên của quán Sầu Đông. Sáng nay tụi cháu đưa họ về quán để đối chứng...

- Có chuyện đó sao? Cái quán ấy là nơi hò hẹn, giao dịch mua bán dâm à?

- Ủa! Cháu tưởng hồi còn bảo lãnh cho nó, chú đã biết chuyện này rồi chứ! Hồi đó, nói thật là nể chú quá, tụi cháu đã bỏ qua nhiều lần...

- Không! Không! Tôi hoàn toàn không biết gì! Tôi nói thật đấy.

 

Ông Nghiêm nói vào điện thoại như người đang chối tội.

Không! Không! Hai chục triệu vốn sách trong hiệu sách Văn Hiến này không phải là những đồng tiền nhơ bẩn đang được rửa sạch. Ông không muốn tin điều ấy là sự thật. Những cuốn sách, những trang giấy và con chữ, chúng thanh cao, tầng tầng ý nghĩa... Chúng không thể... không thể.../.

 

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2007
Ngày đăng: 13.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoa Không Mùa - Ngô Nhân Đức
Chờ bên sông mưa - Nguyễn Lập Em
Chuyện nhỏ trong chiến tranh - Trần Quang Vinh
Nghêu, Sò, Ốc, Hến - Đỗ Ngọc Thạch
Những người bạn - Trương Văn Dân
Thằng bỏ làng - Nguyễn Chính
Sợ - Ngô Nhật Lê
Ngọc phật - Bạch Lê Quang
Điếu văn của người quét chợ - Đặng Văn Sinh
Cuội - Nguyễn Chính
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)