Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
797
116.630.090
 
La-da-rô và người yêu dấu
Kahlil Gibran

Lời người dịch

La-da-rô và người yêu dấu (Ladarus and the Beloved) là vở kịch được Kahlil Gibran (1883-1931) hoàn thành bằng tiếng Anh năm 1926, từ bản phác thảo một bài thơ bằng tiếng A-rập cũng của ông, làm năm 1914.

La-da-rô là một nhân vật kinh thánh, sống cùng mẹ và hai người chị, Ma-ri-a và Mác-ta, tại Bê-ta-ni-a, một ngôi làng nhỏ trong khu đất ven bờ sa mạc Giu-đê, gần Giê-ru-sa-lem, sát sườn tây Núi Cây Dầu. Ðức Giê-su xem La-da-rô là bằng hữu và huynh đệ rất thân thiết. Mỗi khi đi Giê-ru-sa-lem, ngài thường về nghỉ qua đêm tại nhà anh sau một ngày rao giảng ở đền thánh.

Không bao lâu trước thời điểm chịu đóng đinh, từ vùng đất bên kia sông Gio-đan, Ðức Giêsu bất chấp nguy hiểm, quay lại làng Bê-ta-ni-a vì ngài biết người bạn La-da-rô của mình vừa qua đời. Khi ngài tới nơi, xác La-da-rô đã được đặt vào trong nhà mồ bốn ngày và nặng mùi. Tuôn nước mắt xót thương, và đáp lại thái độ trách móc của Mác-ta, Ðức Giê-su nói rằng “Em của chị sẽ sống lại”. Ngài đến tận nhà mồ, và trước sự chứng kiến của gia đình La-da-rô cùng nhiều người khác, ngài làm phép lạ cho La-da-rô trở lại cõi trần.

Tuy thế, vở kịch một màn La-da-rô và người yêu dấu chỉ thuật lại câu chuyện xảy ra nhiều ngày sau đó, tại vườn nhà của La-da-rô, vào xế chiều kế tiếp ngày Ðức Giê-su chịu đóng đinh trên thánh giá. Tình tiết xoay quanh tâm trạng của La-da-rô sau ba ngày liên tiếp lang thang trong vùng đồi, trở về nhà với lòng nuối tiếc người yêu dấu, một hình ảnh hồi tưởng mà anh đã gặp trong cõi chết. Cùng với nuối tiếc đó là cái nhìn ảm đạm của anh về trần thế lúc này.

La-da-rô kể với người chị tâm đầu ý hợp Ma-ri-a rằng: “Người yêu dấu của em và em, chúng em đã ở trong không gian và chúng em là toàn bộ không gian. Chúng em đã ở trong ánh sáng và chúng em là toàn bộ ánh sáng. Thậm chí chúng em như tinh thần cổ đại đi lang thang trên mặt nước; và đó mãi mãi là ngày đầu tiên. Chúng em là chính tình yêu cư ngụ trong tâm điểm của cõi im lặng trắng xóa. Thế rồi một giọng nói như sấm, một giọng nói như vô vàn ngọn giáo chọc thủng hư không, giọng nói ấy lớn tiếng thét lên rằng, “La-da-rô, hãy bước ra!” Rồi giọng nói ấy vang rền trùng điệp trong không gian. Và em như cơn lụt thủy triều hết dâng lên lại rút xuống; ngôi nhà bị tách ra, y phục bị xé rách, tuổi trẻ chưa tiêu pha, ngọn tháp bị sụp đổ, và từ những tảng đá đổ vỡ ấy làm nên cột mốc địa giới. Một giọng nói thét lớn, “La-da-rô, hãy bước ra!” Và em từ lâu đài của không gian hạ xuống một nhà mồ trong một nhà mồ, đó là thân xác này trong chiếc hang bị niêm kín.

Vào năm 1929, hai năm trước khi qua đời, vở kịch một màn La-da-rô và người yêu dấu được đọc lên, ở chỗ riêng tư cho một số bằng hữu và người quen biết của K. Gibran nghe. Lúc này, tác giả của nó đã quá nổi tiếng với các tác phẩm thấu thị và bất hủ, trong đó có Ngôn sứ (The Prophet), và ông biết mình sắp chết. Trong tình cảnh đó, vở kịch này cho thấy mối quan tâm của tác giả tới cuộc phiêu lưu khốc liệt và miên viễn ấy. Ông đã đùa giỡn với cái chết để có lúc từng bị nó quyến dụ tới độ dao động nổi loạn chống lại đời sống. Và trong tâm trạng từ khước thế gian ấy, ông đã xem nơi này như một “mùa đông”, qua lời nhân vật La-da-rô: “Ở đây, không có nằm mơ cũng chẳng có thức tỉnh. Chị với em và khu vườn này, tất cả chỉ là ảo giác, chiếc bóng của cái không có thật. Thức tỉnh chỉ có ở đó nơi em đã ở với người yêu dấu của em và thực tại.”

Trong La-da-rô và người yêu dấu nổi bật ba nhân vật. Thứ nhất, La-da-rô rất gần gũi với thế giới tâm linh; sau cuộc chạm mặt với cái chết, lại khát khao được chết lần nữa vì ở đó, anh gặp được người yêu dấu, trái tim song sinh, kẻ ban cho anh cái nhìn thấu suốt và minh triết để “người này làm toàn mãn mọi cái người kia đang là”. Kế đó, Ma-ri-a với tinh thần hướng thượng, tính nết đằm thắm và tâm trí nhạy cảm, tương hợp với các khái niệm siêu hình của triết lý Gibran. Sau cùng là Gã khùng, có mặt với tiếng nói không được nhân vật nào nghe ra, tuy các ý kiến lạnh lùng của y chêm thêm chiều kích vũ trụ vào quá trình diễn tiến của vở kịch.

Vở kịch kết thúc với tin mừng việc Ðức Giê-su cũng vừa từ nhà mồ của mình chỗi dậy và đang trên đường đi Ga-li-lê. Từ một kẻ khao khát được quay lại cõi chết, La-da-rô đón nhận mầu nhiệm vĩ đại nhất ấy của Phúc âm như một trạng thái phục sinh chân chính cho bản thân anh. Quả thật, nỗi khát khao minh triết và toàn mãn lúc này đã tự đồng hóa với đức tin vào Ðức Giê-su Ki-tô trên nền tảng mới, đó là mầu nhiệm phục sinh của cái chết cứu độ.

Ngày sắp hết và La-da-rô hân hoan, lẹ làng bước đi trên con đường cứu thế với ý thức minh bạch rằng cuối những chặng đường giải phóng đó, mình cũng sẽ bị đóng đinh. Mọi sự sẽ diễn ra như Ðức Giê-su sau khi sống lại, sẽ cùng với những kẻ đi theo ngài chịu ngàn ngàn cuộc tử nạn và phục sinh. Và như thế, từ nay, người yêu dấu của La-da-rô trên không gian đã hòa nhập vào Giê-su Na-da-rét, vị Tôn sư, người bạn chí tình, đấng sống lại và ban sự sống cho con người, trong cảnh giới nhân gian không còn lằn ranh giữa cái sống và cái chết.

 

Toàn văn vở kịch

“La-da-rô và người yêu dấu”

 

Ðức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng, nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Rồi người ta đem phiến đá đi. Ðức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.” Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn. Ðức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.”

Gio-an 11:40-44 *

 

Nhân vật:

La-da-rô

Ma-ri-a, chị của La-da-rô

Mác-ta, chị của La-da-rô. em của Ma-ri-a

Người mẹ của La-da-rô

Phi-líp-phê, môn đồ của Ðức Giê-su

Gã khùng

 

Ðịa điểm:

Trong khu vườn bên ngoài ngôi nhà của gia đình La-da-rô, tại làng Bê-ta-ni-a.

Thời gian:

Xế chiều ngày Thứ hai, kế ngày Ðức Giê-su sống lại từ kẻ chết.

 

Màn kéo lên cho thấy ở bên phải sân khấu, Ma-ri-a đứng đưa mắt nhìn đăm đăm về phía vùng đồi. Ở bên trái sân khấu, Mác-ta ngồi cạnh khung cửi gần cửa nhà; xa hơn một chút, gã khùng ngồi sát góc nhà, lưng dựa vào vách.

 

Ma-ri-a        (quay mình, nói với Mác-ta) Em chẳng làm việc. Mấy lúc này em chẳng làm việc.

Mác-ta        Chị đâu có nghĩ tới công việc của em. Sự lười biếng của em làm chị nghĩ tới những lời Thầy đã nói. Ôi Tôn sư yêu quí!

Gã khùng    Sẽ đến một ngày không có ai dệt vải và cũng chẳng có ai mặc quần áo. Chúng ta hết thảy sẽ đứng khỏa thân trong nắng.

(im lặng một lúc. Hai chị em dường như không nghe lời nói của Gã khùng. Họ chẳng bao giờ nghe ra lời hắn nói.)

Ma-ri-a        Trời đã xế chiều.

Mác-ta        Ðúng, đúng, em biết. Xế chiều rồi.

(Người mẹ qua cửa nhà, đi vào).

Người mẹ    Nó về chưa vậy?

Mác-ta        Chưa mẹ ạ, cậu ấy chưa về.

(Cả ba mẹ con cùng nhìn về phía vùng đồi)

Gã khùng    Bản thân hắn sẽ không bao giờ trở về. Tất cả những gì các người có thể thấy là hơi thở đang phấn đấu trong một thân xác.

Ma-ri-a        Con thấy cậu ấy như thể từ một thế giới khác. Và cậu ấy chưa quay về.

Người mẹ    Cái chết của Thầy tác động lên nó sâu xa. Suốt mấy ngày nay, nó chẳng ăn chút nào. Mẹ biết ban đêm nó không ngủ. Chắc chắn là do bởi cái chết của vị Bằng hữu của chúng ta.

Mác-ta        Không đúng như vậy đâu mẹ. Có điều gì đó khác, một điều gì đó con không hiểu.

Ma-ri-a        Ðúng, đúng vậy. Có điều gì đó khác. Con thì con hiểu. Suốt mấy ngày nay, con biết rõ điều đó tuy con không thể giải thích nó. Ðôi mắt cậu ấy sâu thẳm hơn. Cậu ấy nhìn con như thể qua con người con, cậu ấy thấy một người nào đó khác. Cậu ấy dịu dàng, có điều vẻ dịu dàng ấy dành cho một người nào đó khác, một người nào đó không ở đây. Và cậu ấy im lặng, im lặng như thể trên đôi môi vừa bị đóng khằn dấu ấn của thần chết.

Gã khùng    Mọi người đều nhìn qua người khác để thấy một người nào đó khác.

Người mẹ    (phá tan sự yên lặng) Nhất định nó sẽ quay về. Trời muộn rồi. Nó đã trải qua rất nhiều giờ một mình giữa vùng đồi. Nó cần phải ở đây với chúng ta.

Ma-ri-a        Mẹ ạ, đã lâu cậu ấy không ở với chúng ta.

Mác-ta        Sao chị lại nói như vậy? Cậu ấy vẫn luôn luôn ở với chúng ta, chỉ mới có ba ngày nay thôi!

Ma-ri-a        Ba ngày ư? Ba ngày! Vâng, Mác-ta ạ, em có lý. Chỉ mới có ba ngày.

Người mẹ    Mẹ ao ước đứa con trai của mẹ sẽ từ vùng đồi ấy quay về.

Mác-ta        Chẳng mấy chốc nữa cậu ấy sẽ về nhà mẹ ạ. Không việc gì mẹ phải lo lắng.

Ma-ri-a        (với giọng lạ lùng) Ðôi khi chị có cảm tưởng rằng cậu ấy sẽ chẳng bao giờ từ vùng đồi ấy trở về.

Người mẹ    Nếu nó đã từ nhà mồ trở về thì nó cũng sẽ từ vùng đồi ấy quay về. Và các con gái của ta ơi, khi nghĩ rằng Ðấng đã ban trở lại cho chúng ta sự sống của nó, Ðấng ấy mới bị giết hôm qua.

Ma-ri-a        Ôi, điều đó bí nhiệm quá và đau đớn quá!

Người mẹ    Ôi khi nghĩ rằng họ đã có thể quá tàn bạo với Ðấng đã ban trở lại cho trái tim mẹ đứa con trai của mẹ.

(im lặng)

Mác-ta        Nhưng La-da-rô không nên ở quá lâu ngoài vùng đồi ấy.

Ma-ri-a        Những kẻ mơ màng rất dễ bị lạc loài trong các bụi ô-liu. Con biết chỗ La-da-rô thích ngồi để mơ mộng và được yên tĩnh. Mẹ ạ, chỗ đó bên cạnh một dòng suối nhỏ. Nếu chưa biết chỗ đó thì mẹ không thể nào tìm thấy nó. Cậu ấy đã có lần dẫn con tới chỗ đó; chúng con từng ngồi ở đó, trên hai tảng đá, giống như hai đứa trẻ. Trời lúc đó mùa xuân và bên cạnh chúng con, đang mọc lên những cây hoa nhỏ. Trong mùa đông, hai chị em chúng con thường nói tới chỗ đó. Mỗi lần nói tới chỗ đó, trong đôi mắt cậu ấy lại xuất hiện ánh sáng lạ lùng.

Gã khùng    Ðúng, ánh sáng lạ lùng đó, bóng tối được đưa ra bởi một thứ ánh sáng khác.

Ma-ri-a        Và mẹ ạ, mẹ đã biết rằng La-da-rô luôn luôn xa cách chúng ta dù cậu ấy lúc nào cũng ở với chúng ta.

Người mẹ    Con nói quá nhiều điều mẹ không hiểu nổi. (ngừng lại) Mẹ ao ước đứa con trai của mẹ sẽ từ vùng đồi ấy quay về. Mẹ ao ước nó sẽ trở về! (ngừng một chút) Mẹ phải đi đây. Không thể để món đậu lăng chín quá.

(Người mẹ rút lui, qua cửa nhà).

Mác-ta        Chị Ma-ri-a này, em ao ước mình có thể hiểu hết mọi điều chị nói. Khi chị nói, em nghe như thể có một người nào đó khác đang nói.

Ma-ri-a        (với giọng khá lạ lùng) Em gái ơi, chị biết, chị biết. Hễ khi nào chúng ta nói thì có người nào đó khác trong chúng ta đang nói.

(im lặng kéo dài. Ma-ri-a xa xăm với các ý nghĩ của mình; Mác-ta quan sát chị với vẻ hơi tò mò. La-da-rô đi vào, từ phía có các ngọn đồi, mé sau bên trái, rồi thả mình xuống mặt cỏ bên dưới các cây hạnh đào gần ngôi nhà. Ma-ri-a chạy tới bên em). La-da-rô ạ, trông em mệt mỏi phờ phạc. Lý ra em đừng đi dạo xa quá.

La-da-rô      (nói lơ đãng) Bước đi, bước đi và rồi chẳng đi tới đâu; tìm kiếm và rồi chẳng tìm thấy gì. Có điều người ta nên ở giữa các ngọn đồi.

Gã khùng    A, rốt cuộc chỉ bước một bước rất gần là tới các ngọn đồi.

Mác-ta        (sau một chút im lặng) Nhưng em không được khoẻ; em bỏ mẹ và hai chị mà đi suốt cả ngày làm chúng ta rất lo lắng. La-da-rô ạ, khi em quay về, em làm cho chúng ta sung sướng. Thế nhưng trong khi để chúng ta ở đây một mình, em làm cho hạnh phúc ấy của chúng ta trở thành mối lo âu khắc khoải.

La-da-rô      (hướng mặt về phía vùng đồi) Có phải em đã rời mẹ và các chị suốt cả ngày hôm nay? Thật lạ lùng khi chị gọi khoảnh khắc giữa các ngọn đồi ấy là chia xa. Có phải quả thật em đã ở lại giữa các ngọn đồi ấy lâu hơn một khoảnh khắc?

Mác-ta        Em đã đi suốt một ngày.

La-da-rô      Suy nghĩ, suy nghĩ! Suốt một ngày ở trong vùng đồi ấy! Ai mà tin nổi!

(im lặng. Người mẹ đi vào, qua cửa nhà)

Người mẹ    Ôi con trai của mẹ. Mẹ vui mừng thấy con đã quay về. Trời sắp tối và sương đang xuống trên các ngọn đồi. Con trai của mẹ ơi, mẹ sợ cho con.

Gã khùng    Người ta sợ sương mù. Sương mù là cái bắt đầu của họ, và cũng là cái kết thúc của họ.

La-da-rô      Vâng, con đã từ các ngọn đồi ấy quay về với mẹ. Thật đáng thương cho nó, hoàn toàn đáng thương cho nó!

Người mẹ    La-da-rô này, nó là cái gì vậy? Cái gì là hoàn toàn đáng thương cho nó?

La-da-rô      Thưa mẹ, không có gì. Không có gì.

Người mẹ    Con nói nghe lạ lùng quá. La-da-rô ơi, mẹ không hiểu con. Từ lúc quay về con nói rất ít. Lại nói toàn những cái lạ lùng đối với mẹ.

La-da-rô      Vâng, lạ lùng.

(ngừng một chút)

Người mẹ    Và lúc này, sương mù đang tụ về đây. Chúng ta hãy đi vô nhà. Nào, các con của mẹ.

(người mẹ hôn La-da-rô rất dịu dàng, rồi đi vào nhà)

Mác-ta        Vâng, trong không khí đã lành lạnh. Em phải mang khung cửi với vải vô nhà.

Ma-ri-a        (ngồi xuống trên mặt cỏ, bên cạnh La-da-rô, dưới các cây hạnh đào, và nói với Mác-ta) Quả thật trời buổi tối tháng Tư không tốt cho khung cửi với vải gai của em. Em có muốn chị tiếp một tay mang khung cửi vô nhà không?

Mác-ta        Không, em có thể tự mình làm lấy. Em vẫn thường làm một mình.

(Mác-ta bê khung cửi vào nhà. Rồi cô quay ra lấy vải, mang vào luôn. Có ngọn gió thổi qua, lay động cành đào làm các cánh hoa đào rơi thành từng luồng trên người Ma-ri-a và La-da-rô).

La-da-rô      Ngay cả mùa xuân cũng an ủi chúng ta, và ngay cả các cây này cũng khóc lóc cho chúng ta. Tất cả đều ở trên trần thế, và nếu mọi thứ trên thế gian này biết sự suy sụp cùng nỗi sầu khổ của chúng ta, chúng sẽ thương xót và khóc lóc cho chúng ta.

Ma-ri-a        Nhưng mùa xuân đang ở với chúng ta, cho dù có bị vén lộ bằng tấm mạng sầu khổ nó vẫn là mùa xuân. Chúng ta chớ nói tới thương xót. Chúng ta nên chấp nhận mùa xuân và nỗi sầu khổ của mình với lòng biết ơn. Và chúng ta hãy đằm thắm lặng thinh trong kinh ngạc về Ngài, đấng đã ban sự sống cho em tuy chính Ngài lại chịu buông bỏ sự sống của bản thân Ngài. La-da-rô ạ, chúng ta chớ nói tới thương xót.

La-da-rô      Thương xót, thương xót cái ta bị cướp đi ngàn ngàn năm khao khát của con tim, ngàn ngàn năm đói khát của tâm hồn. Thương xót cái sau ngàn ngàn mùa xuân em bị thêm lần nữa quay trở lại mùa đông này?

Ma-ri-a        Cậu em của chị ơi, em có ý nói gì vậy? Tại sao em nói tới ngàn ngàn mùa xuân? Em chỉ mới cách xa chúng ta có ba ngày thôi. Ba ngày ngắn ngủi. Nhưng nỗi khổ đau của mẹ và hai chị quả thật dằng dặc, dài hơn ba ngày ấy.

La-da-rô      Ba ngày thôi sao? Ba thế kỷ, ba niên kỷ! Toàn bộ thời gian! Toàn bộ thời gian với kẻ mà linh hồn em đã yêu dấu trước khi bắt đầu có thời gian.

Gã khùng    Ðúng, ba ngày, ba thế kỷ, ba niên kỷ. Lạ lùng là người ta lúc nào cũng cân đo đong đếm. Luôn luôn có một chiếc đồng hồ mặt trời và một cái cân.

Ma-ri-a        (sửng sốt) Kẻ mà linh hồn em đã yêu dấu trước khi bắt đầu có thời gian? La-da-rô ơi, tại sao em lại nói như vậy? Ðó chỉ là một giấc mộng em đã nằm mơ trong một khu vườn khác. Lúc này chúng ta đang sống ở đây, trong khu vườn này, cách rất gần Giê-ru-sa-lem. Chúng ta đang ở đây, em trai của chị ạ. Em biết rất rõ rằng Thầy của chúng ta làm cho em ở với chúng ta trong thức tỉnh này để mơ về sự sống và tình yêu; và Ngài có em là một môn đệ nhiệt tình, một nhân chứng sống động cho vinh quang của Ngài.

La-da-rô      Ở đây, không có nằm mơ cũng chẳng có thức tỉnh. Chị với em và khu vườn này, tất cả chỉ là ảo giác, chiếc bóng của cái không có thật. Thức tỉnh chỉ có ở đó nơi em đã ở với người yêu dấu của em và thực tại.

Ma-ri-a        (đứng lên) Người yêu dấu của em?

La-da-rô      (cũng đứng lên) Ðúng, người yêu dấu của em.

Gã khùng    Vâng, vâng. Người yêu dấu của hắn, nàng trinh nữ trong không gian, người yêu dấu của mọi người đàn ông.

Ma-ri-a        Nhưng La-da-rô này, người yêu dấu của em ở đâu? Người yêu dấu của em là ai?

La-da-rô      Một trái tim song sinh em đã từng tìm kiếm ở đây mà không thấy. Rồi thần chết, vị thiên thần với bàn chân có cánh đến và đưa khao khát của em tới khao khát của nàng. Và em đã sống với nàng trong chính trái tim của Thượng đế. Và càng ngày em càng tới gần nàng hơn, nàng càng tới gần em hơn, và hai chúng em là một. Chúng em là quả cầu sáng lung linh trong nắng, và chúng em là khúc hát ở giữa các ngôi sao. Chị Ma-ri-a ơi, toàn bộ cái đó, toàn bộ cái đó và hơn thế nữa, trước khi có một giọng nói, một giọng nói từ các vực sâu, một giọng nói của thế giới này gọi em, rồi cái bất phân ly đó bị xé rời ra thành từng mảnh. Và một ngàn ngàn năm với người yêu dấu của em trong không gian, trong vũ trụ không thể giữ cho em thoát khỏi sức mạnh của giọng nói đã gọi em quay về.

Ma-ri-a        (ngó lên bầu trời) Hỡi các thiên thần đầy ân phúc của những giờ thinh lặng của chúng tôi, xin hãy làm cho tôi hiểu được những lời cậu em tôi vừa nói. Và tôi sẽ không là người xa lạ trong vùng đất mới mẻ, được cái chết phát hiện này. La-da-rô ơi, em của chị hãy nói thêm nữa, hãy tiếp tục nói. Trong thâm tâm mình chị tin rằng chị có thể dõi theo em.

Gã khùng    Hãy dõi theo hắn nếu có thể, hỡi người phụ nữ nhỏ nhắn kia. Nhưng liệu con rùa có đi theo nổi một con nai đực đã khôn lớn?

La-da-rô      Lúc đó em là dòng suối và em tìm kiếm biển cả, nơi người yêu dấu của em cư ngụ. Và khi ra tới biển, em bị mang lên các ngọn đồi để thêm lần nữa chảy giữa các tảng đá. Lúc đó em là khúc hát bị giam hãm trong cõi im lặng, khao khát mãnh liệt trái tim người yêu dấu của em. Và khi gió của các tầng trời giải tỏa em, làm cho em bật lên trong khu rừng xanh ấy, em lại bị chiếm hữu bởi một giọng nói, và thêm lần nữa em bị quay trở về cõi im lặng. Lúc đó em là rễ cây trong lòng đất đen, em làm thành một cây hoa và rồi một mùi hương tỏa lên trong không gian để bao bọc người yêu dấu của em. Kế đó em bị túm tụm bởi một bàn tay và lại bị biến thành rễ, một rễ cây trong lòng đất đen.

Gã khùng    Nếu là rễ cây thì ngươi có thể thoát khỏi những cơn bão nhỏ trong các cành cây. Và thật tốt khi được làm dòng suối đang chảy, kể cả sau khi ngươi đã ra tới biển. Dĩ nhiên thật tốt khi nước chảy ngược trở lên.

Ma-ri-a        (nói với mình) Ôi lạ lùng, cái lạ lùng đang trôi qua! (nói với La-da-rô). Thế nhưng cậu em của chị ơi, thật tốt khi là dòng suối đang chảy, thật tốt khi là khúc ca chưa được hát, và thật tốt khi là chiếc rễ trong lòng đất đen. Tôn sư hiểu rõ mọi điều đó. Và Ngài cất tiếng gọi em quay về với chúng ta để chúng ta có thể hiểu rằng không có tấm mạng nào che giữa sự sống và cái chết. Em có thấy rằng em là bằng chứng sống động cho sự bất tử? Em có thấy cách mà một lời nói được thốt ra trong yêu thương có thể kết hợp các yếu tố bị tán loạn bởi cái ảo giác được gọi là sự chết? Hãy tin và hãy có đức tin vì chỉ trong đức tin, cái vốn là sự hiểu biết sâu xa hơn của chúng ta, em có thể tìm thấy niềm an ủi.

La-da-rô      An ủi! An ủi cái xảo trá, cái chết chóc! An ủi cái lừa dối giác quan của chúng ta và biến chúng ta thành nô lệ những giờ khắc đang trôi qua! Em nhất định không lấy làm an ủi. Em nhất định có đam mê! Em nhất định bốc cháy trong không gian im mát với người em yêu dấu. Em nhất định ở trong vũ trụ vô biên với người bạn đời của em, với cái tôi kia của em. Ôi Ma-ri-a, chị Ma-ri-a, chị từng là người chị của em, và chị em mình hiểu nhau kể cả khi những kẻ thân thuộc nhất chẳng hiểu chúng ta. Lúc này, xin chị hãy lắng nghe em, hãy lắng nghe em với trái tim của chị.

Ma-ri-a        La-da-rô ơi, chị đang lắng nghe đây.

Gã khùng    Hãy để toàn thể thế giới lắng nghe. Giờ đây trời sẽ nói với đất nhưng đất điếc. Gần như đất điếc chẳng kém gì các người và ta.

La-da-rô      Người yêu dấu của em và em, chúng em đã ở trong không gian và chúng em là toàn bộ không gian. Chúng em đã ở trong ánh sáng và chúng em là toàn bộ ánh sáng. Thậm chí chúng em như tinh thần cổ đại đi lang thang trên mặt nước; và đó mãi mãi là ngày đầu tiên. Chúng em là chính tình yêu cư ngụ trong tâm điểm của cõi im lặng trắng xóa. Thế rồi một giọng nói như sấm, một giọng nói như vô vàn ngọn giáo chọc thủng hư không, giọng nói ấy lớn tiếng thét lên rằng, “La-da-rô, hãy bước ra!” Rồi giọng nói ấy vang rền trùng điệp trong không gian. Và em như cơn lụt thủy triều hết dâng lên lại rút xuống; ngôi nhà bị tách ra, y phục bị xé rách, tuổi trẻ chưa tiêu pha, ngọn tháp bị sụp đổ, và từ những tảng đá đổ vỡ ấy làm nên cột mốc địa giới. Một giọng nói thét lớn, “La-da-rô, hãy bước ra!” Và em từ lâu đài của không gian hạ xuống một nhà mồ trong một nhà mồ, đó là thân xác này trong chiếc hang bị niêm kín.

Gã khùng    Hỡi chủ nhân đoàn thương buôn, lũ lạc đà của ngươi ở đâu, người của người ở đâu? Có phải mặt đất háu đói này đã nuốt chửng chúng? Có phải ngọn gió khô nơi sa mạc kia đã liệm chúng trong cát? Không, Giê-su Na-da-rét đã đưa cánh của Ngài lên, Giê-su Na-da-rét đã thốt ra lời. Và giờ đây hãy nói cho tôi biết lũ lạc đà của ngươi ở đâu, người của ngươi ở đâu và các kho tàng của ngươi ở đâu? Ở trong cát không để lại dấu vết, trong cát không để lại dấu vết. Ngọn gió khô của sa mạc lại sẽ thổi đến và làm chúng lộ ra. Ngọn gió ấy lúc nào cũng sẽ thổi đến thêm lần nữa.

Ma-ri-a        Ôi, giống như trong giấc mộng mơ thấy đỉnh núi. Em trai của chị ơi, chị biết, chị biết cái thế giới em đã viếng thăm dù chị chưa bao giờ thấy nó. Tuy mọi điều em nói là lạ lùng đang trôi qua. Nó là câu chuyện được kể bởi kẻ từng ở phía bên kia thung lũng, và có thể chị chỉ vừa mới nghe.

La-da-rô      Ở bên kia thung lũng thật hoàn toàn rất khác. Nơi đó không có cân đo đong đếm. Nơi đó chị ở với người yêu dấu của chị.

(im lặng)

Ôi người yêu dấu của tôi! Ôi mùi hương yêu dấu trong không gian! Những chiếc cánh đã dang ra cho tôi! Hãy nói cho tôi biết, hãy nói cho tôi biết trong sự tĩnh lặng của tâm hồn tôi, rằng em có đang tìm kiếm tôi và em có đau đớn khi phải chia cách tôi? Có phải tôi cũng từng là mùi hương và những chiếc cánh dàn trải trong không gian? Và giờ đây, hãy nói cho tôi biết, hỡi người yêu dấu của tôi, có phải ở đó có sự tàn bạo gấp đôi, có phải ở đó có một người anh em của Ngài trong một thế giới khác, kẻ đã kêu gọi các người từ sự sống tới cái chết và đã có các người, người mẹ và những người chị và những người bạn, những kẻ đã cho rằng nó là phép lạ? Có phải đó là sự tàn bạo gấp đôi được thể hiện trong phúc lành?

Ma-ri-a        Không, không, cậu em của chị ơi! Chỉ có Giê-su độc nhất của thế giới độc nhất. Mọi cái khác chỉ là mộng mị, kể cả người yêu dấu của em

La-da-rô      (nói với vẻ cực kỳ đam mê) Không, không! Nếu Ngài không là một giấc mộng thì Ngài chẳng là gì cả. Nếu Ngài không từng biết cái ở quá bên kia thành Giê-ru-sa-lem này thì Ngài không là gì cả. Nếu Ngài không biết tới người yêu dấu của em trong không gian thì Ngài không là Tôn sư của em. Ôi Giê-su bằng hữu của tôi, Thầy từng có lần ban cho tôi cốc rượu vang trên bàn tiệc và Thầy đã nói, “Hãy uống rượu này trong tưởng nhớ đến ta.” Thầy đã nhúng miếng bánh mì vào dầu và Thầy đã nói, “Hãy ăn bánh này, đây là mình ta chia sẻ cho anh em.” Ôi người bạn của tôi, kẻ đã choàng tay lên vai tôi và gọi tôi là “con trai”. Mẹ tôi và các chị của tôi đã nhủ thầm trong thâm tâm rằng “Ngài yêu thương La-da-rô.” Và tôi đã yêu thương Thầy. Và rồi Thầy đã đi biền biệt để dựng lên nhiều chiếc tháp trên bầu trời, còn tôi đã đi tới người yêu dấu của mình. Giờ đây, xin hãy nói cho tôi biết, hãy nói cho tôi biết tại sao Thầy mang tôi trở về? Có phải lúc ấy Thầy không hiểu trong trái tim hiểu biết mọi sự của Thầy, rằng tôi đang ở với người yêu dấu của tôi? Có phải Thầy đã không gặp nàng khi đi lang thang trên các đỉnh núi Li-băng? Chắc chắn Thầy đã thấy hình ảnh nàng trong đôi mắt tôi khi tôi đến và đứng trước mặt Thầy tại cửa nhà mồ. Và có phải Thầy không có một người yêu dấu dưới ánh mặt trời? Và hẳn Thầy có một kẻ lớn lao hơn bản thân Thầy, chia cách Thầy với nàng? Và sau khi chia cách Thầy sẽ nói gì? Giờ đây tôi sẽ nói gì với Thầy?

Gã khùng    Ngài cũng đã truyền lệnh cho ta trở lại nhưng ta không vâng lời, và giờ đây họ gọi ta là điên khùng.

Ma-ri-a        La-da-rô này, chị có người yêu dấu nào trên bầu trời không? Niềm khát khao của chị có từng tạo ra một hữu thể ở quá bên kia thế giới này không? Và chị có phải chết đi để được ở với kẻ ấy không? Ôi, em trai của chị, hãy nói cho chị biết, có phải chị cũng có một người bạn đời? Nếu quả có như thế thì tốt biết mấy cái sống và cái chết cũng như sống thêm lần nữa và chết thêm lần nữa; nếu có một người yêu dấu đang chờ đợi chị để làm toàn mãn mọi cái chị đang là, và để chị làm toàn mãn mọi cái kẻ đó đang là!

Gã khùng    Phụ nữ nào cũng có một người yêu dấu ở trên bầu trời. Và con tim nào của phụ nữ cũng tạo ra một hữu thể trong không gian.

Ma-ri-a        (lặp lại, rất dịu dàng, như thể nói với chính mính) Chị có người yêu dấu nào trên bầu trời không?

La-da-rô      Em không biết. Nhưng nếu chị từng có một người yêu dấu, một cái tôi khác ở đâu đó và vào lúc nào đó, thì chị nên gặp anh ta, chắc chắn ở đó không có ai chia cách chị với anh ta.

Gã khùng    Ngài có thể ở đây, và Ngài có thể gọi nàng. Nhưng giống như nhiều kẻ khác, nàng có thể không nghe ra.

La-da-rô      (nói trong khi bước tới chính giữa sân khấu) Chờ đợi, chờ đợi mỗi mùa đến vượt qua mùa khác; và rồi chờ đợi mùa khác vượt qua mùa khác nữa; để quan sát mọi sự kết thúc trước khi bản thân mình kết thúc – kết thúc của các người chính là bắt đầu của các người. Lắng nghe tất cả các tiếng nói và biết rằng chúng tan chảy thành im lặng, tất cả giữ lại tiếng nói của tâm hồn mình, cái hẳn sẽ thét lên ngay cả trong giấc ngủ.

Gã khùng    Con cái của Thượng để từng kết hôn với con cái của loài người. Thế rồi chúng li dị, Giờ đây con cái của loài người khát khao con cái của Thượng đế. Ta thương xót hết thảy chúng, cả con cái của loài người lẫn con cái của Thượng đế.

(im lặng)

Mác-ta        (xuất hiện nơi ngưỡng cửa) La-da-rô này, tại sao em không vào nhà? Mẹ sửa soạn xong bữa ăn rồi. (Với một chút kiên nhẫn). Hễ mỗi khi em và chị Ma-ri-a ở với nhau là cả hai nói, nói với nói; chẳng ai hiểu hai chị em nói cái gì!

(Mác-ta đứng lại vài giây, rồi rút lui vào nhà)

La-da-rô      (nói với mình, như thể chẳng nghe Mác-ta nói gì)  Ôi, tôi đã tiêu pha, tôi đã hoang phí, tôi đói với tôi khát. Không biết các người có cho tôi chút bánh chút rượu nào không.

Ma-ri-a        (tới gần La-da-rô và vòng cánh tay qua vai em) Cậu em của chị ạ, chị sẽ cho, chị sẽ cho. Nhưng em hãy vào nhà. Mẹ chúng ta đã dọn ra bữa ăn tối.

Gã khùng    Hắn đòi hỏi thứ bánh mà người ta không thể nướng, thứ rượu mà người ta không có chai đựng.

La-da-rô      Có phải em vừa nói rằng em đói với em khát? Em không đói bánh của chị cũng không khát rượu của chị. Em nói cho chị biết, em sẽ chẳng vào nhà cho tới khi bàn tay người yêu dấu của em đặt lên then cửa. Em sẽ không ngồi vào bàn tiệc cho tới khi có nàng ở bên cạnh em.

(Người mẹ nhú mình ra nơi cửa nhà)

Người mẹ    La-da-rô ơi, tại sao con ở ngoài sương như vậy? Con nữa, Ma-ri-a, tại sao con không vào nhà? Mẹ đã thắp đèn và dọn thức ăn ra bàn mà các con vẫn cứ ở ngoài này nói lảm nhảm, càm ràm lui tới trong bóng tối.

La-da-rô      Người mẹ khốn khổ của tôi cứ nhất định bảo tôi đi vào nhà mồ. Bà bảo tôi ăn uống, và thậm chí bà còn ra lệnh cho tôi ngồi giữa những bộ mặt tẩm liệm, nhận vĩnh cửu từ những bàn tay tàn lụi và nhận sự sống từ những chiếc ly làm bằng đất sét.

Gã khùng    Chim trắng bay về phương nam nơi mặt trời yêu thương vạn vật, cái gì giữ ngươi lại giữa lưng chừng trời và ai mang ngươi quay về? Chính Giê-su Na-da-rét, bạn của ngươi. Ngài đã mang ngươi trở lại bằng lòng thương xót dành cho loài không có cánh chẳng thể bay tới. Ôi chim trắng, trời ở đây lạnh, ngươi run rẩy và gió bấc cười nhạo bộ lông của ngươi.

La-da-rô      Hẳn các người ở trong ngôi nhà và dưới mái nhà. Hẳn các người ở bên trong bốn bức vách với cửa lớn và cửa sổ. Hẳn các người ở đây và các người không có tầm nhìn. Tâm trí của các người chỗ này, còn tinh thần của tôi thì ở chỗ kia. Toàn bộ của các người ở dưới mặt đất còn toàn bộ của tôi thì ở trên không gian. Các người bò vào nhà còn tôi thì vượt quá đỉnh núi. Toàn bộ các người là nô lệ, kẻ này nô lệ kẻ kia và các người chỉ thờ phượng bản thân mình. Các người ngủ và các người không mơ; các người thức nhưng các người không đi dạo giữa những ngọn đồi. Hôm qua, tôi thấm mệt với các người và với đời sống của các người, tôi đã tìm kiếm một thế giới khác, nơi các người gọi là sự chết, và nếu tôi đã chết thì chỉ do bởi lòng khao khát ấy. Giờ đây, trong khoảnh khắc này, tôi đứng đây, tôi nổi loạn chống lại cái các người gọi là đời sống.

Mác-ta        (từ trong nhà đi ra khi La-da-rô đang nói) Nhưng Tôn sư đã thấy nỗi sầu khổ và đau đớn của mẹ và hai chị; Ngài đã gọi em trở về với chúng ta, thế mà em lại nổi loạn! Ôi vải vóc nào mà nổi loạn chống lại khung cửi đã dệt ra nó! Ngôi nhà nào mà nổi loạn chống lại kẻ đã dựng lên nó!

Ma-ri-a        Thầy đã hiểu trái tim của mẹ và hai chị, Ngài đã nhân từ đối với chúng ta. Khi Ngài gặp mẹ của chúng ta, thấy trong đôi mắt của mẹ đứa con trai đã chết và đã chôn cất, thì cơn đau khổ của mẹ túm lấy Ngài. Khoảnh khắc ấy Ngài bất động và Ngài im lặng. (ngừng một chút) Kế đó chúng ta đi theo Ngài tới nhà mồ của em.

La-da-rô      Ðúng, chính nỗi sầu khổ của mẹ cùng nỗi sầu khổ của các chị. Chính lòng thương xót, sự tự thương thân đó, đã mang em trở lại. Sự tự thương thân đó ích lỷ biết mấy và sâu xa biết mấy! Em nói rằng em nổi loạn. Em nói rằng thiêng liêng tự nó không nên biến mùa xuân thành mùa đông. Trong khát khao em đã leo lên các ngọn đồi, và cơn đau khổ của mẹ và chị đã mang em trở lại thung lũng này. Mẹ và chị muốn đứa con trai và đứa em ở lại với mẹ và chị suốt đời. Láng giềng của mẹ và chị muốn có phép lạ. Mẹ với chị với hàng xóm, giống như cha ông và tổ tiên của chúng ta, muốn có phép lạ để các người có thể tin vào cái giản dị nhất trong cuộc đời. Các người tàn bạo biết mấy, tâm hồn các người chai sạn biết mấy, và đêm trong đôi mắt các người tối tăm biết mấy! Vì sự thể ấy, các người hạ bệ vinh quang của các ngôn sứ xuống thành niềm vui sướng của các người, và rồi các người giết các ngôn sứ.

Mác-ta        (trách móc) Em gọi cơn sầu khổ của chúng ta là sự tự thương thân ư? Cái em đang than trách là cái gì, bộ không phải cũng là sự tự thương thân sao? Hãy bình tĩnh lại, và em hãy chấp nhận sự sống mà Tôn sư đã ban cho em.

La-da-rô      Ngài không cho em sự sống, Ngài cho mẹ và các chị sự sống. Ngài đã lấy sự sống của em từ người yêu dấu của em, ban nó cho mẹ và chị, một phép lạ để mở mắt và mở tai các người. Ngài hiến tế em cùng lúc Ngài hiến tế bản thân Ngài. (nói với bầu trời)  Cha ơi, xin tha thứ cho họ vì họ chẳng biết việc họ làm.

Ma-ri-a        (kinh hoảng) Chính Ngài đã nói ra những lời ấy trong khi đang bị treo trên thánh giá.

La-da-rô      Ðúng vậy. Ngài đã nói những lời ấy cho em cũng như cho chính Ngài và cho hết thảy những kẻ vô danh hiểu cũng như không hiểu. Có phải Ngài đã nói những lời ấy khi nước mắt của chị cầu xin Ngài cho sự sống của em? Chính ước muốn của chị chứ không phải ý muốn của Ngài đã truyền lệnh cho tinh thần của Ngài đứng nơi cánh cửa niêm kín và thúc giục vĩnh cửu buông em ra cho các người. Chính niềm khát khao cổ xưa về một đứa con và một đứa em đã mang em trở lại.

Người mẹ    (tới gần và đặt cánh tay choàng lên vai La-da-rô) La-da-rô ơi, con từng là một đứa con luôn luôn vâng lời và luôn luôn yêu thương. Ðiều gì đã xảy ra cho con vậy? Hãy ở với mẹ và các chị, hãy quên đi những gì làm con rối rắm.

La-da-rô      (đưa hai bàn tay lên) Mẹ và anh em chị em của con là những người đang nghe những lời của con.

Ma-ri-a        Và đó cũng là những lời của Ngài.

La-da-rô      Ðúng. Và Ngài đã nói ra những lời ấy cho em cũng như cho bản thân Ngài, cho tất cả những ai có đất làm mẹ, có trời làm cha, và cho tất cả những ai sinh ra không lệ thuộc vào dân tộc, xứ sở và chủng tộc.

Gã khùng    Thuyền trưởng của con tàu tôi ơi, gió sẽ làm căng các cánh buồm của ngươi, ngươi đã thách đố biển cả và ngươi đã tìm kiếm những hòn đảo ân phúc. Ngọn gió nào đã làm thay đổi hải trình của ngươi và tại sao ngươi quay trở lại bờ này? Chính Giê-su Na-da-rét, đấng đã ra lệnh cho ngọn gió ấy bằng hơi thở của chính hơi thở Ngài, rồi làm no đầy cánh buồm ở những chỗ nó trống rỗng và làm trống rỗng ở những chỗ nó no đầy.

La-da-rô      (đột nhiện quên hết mọi người, và ngẩng đầu, dang hai tay) Hỡi người yêu dấu của tôi! Có rạng đông trong đôi mắt em, trong rạng đông đó có sự im lặng bí nhiệm của đêm sâu thẳm cùng lời hứa im lặng của ngày no đầy, tôi được toàn mãn và tôi là toàn bộ. Hỡi người yêu dấu của tôi, cuộc sống này, tấm mạng này, giờ đây đang ngăn giữa chúng ta. Tôi có phải sống cái chết này và chết lần nữa để mình có thể sống lần nữa? Tôi có cần phải nấn ná cho tới khi vạn vật màu xanh này biến thành màu vàng và bị trần truồng thêm lần nữa rồi lại thêm lần nữa? (ngừng một chút) Ôi tôi không thể nguyền rủa Ngài. Nhưng tại sao tôi, kẻ trong toàn thể loài người, nên trở lại? Tại sao tôi, kẻ trong toàn thể kẻ chăn chiên, nên quay về sa mạc sau khi đã tới đồng cỏ xanh?

Gã khùng    Nếu ngươi là một trong những kẻ nguyền rủa thì ngươi sẽ không chết yểu.

La-da-rô      Ôi Giê-su Na-da-rét, giờ đây xin hãy nói cho tôi biết, tại sao Ngài làm điều này cho tôi? Có phải thật công bằng và hợp lý khi tôi bị đặt xuống làm một hòn đá hèn mọn và khổ đau chầm chậm, dẫn tới chiều cao của vinh quang Ngài? Bất cứ người chết nào cũng có thể phục vụ vinh quang Ngài. Tại sao Ngài chia cách người yêu này với người yêu dấu của hắn? Tại sao Ngài gọi tôi tới một thế giới mà tự trong thâm tâm Ngài biết Ngài nên rời đi? (rồi La-da-rô thét lên thật lớn) Tại sao, tại sao, tại sao Ngài gọi tôi từ tâm điểm sống động của vĩnh cửu tới sự chết sống động này? Ôi Giê-su Na-da-rét, tôi không thể nguyền rủa Ngài! Tôi không thể nguyền rủa Ngài. Tôi sẽ cầu xin ân phúc của Ngài. (im lặng. La-da-rô trở thành người hơi sức bị thoát ra như một dòng suối. Sau khoảnh khắc im lặng kinh hoàng, La-da-rô ngẩng đầu lên trời lần nữa và với bộ mặt biến dạng, la lên bằng giọng thẳm sâu, rùng rợn.) Hỡi Giê-su Na-da-rét! Hỡi người bạn của tôi! Chúng ta đều bị đóng đinh. Xin hãy tha thứ cho tôi! Xin hãy tha thứ cho tôi! Tôi van xin ân phúc của Ngài, bây giờ và mãi mãi.

(Ngay lúc đó, một môn đồ xuất hiện, từ phía các ngọn đồi chạy vào)

Ma-ri-a        Phi-líp-phê!

Phi-líp-phê   Ngài sống lại! Thầy đã sống lại từ kẻ chết, và lúc này Ngài đang đi Ga-li-lê

Gã khùng    Ngài đã sống lại, nhưng ngài lại sẽ bị đóng đinh ngàn lần nữa!

Ma-ri-a        Anh bạn Phi-líp-phê của tôi ơi, anh nói cái gì vậy?

Mác-ta        (lẹ làng chạy tới túm lấy cánh tay người môn đồ ấy) Thật là vui mừng khi gặp lại anh. Nhưng ai sống lại. Anh nói tới người nào vậy?

Người mẹ    (bước tới phía Phi-líp-phê) Con ơi, vào nhà đi. Con sẽ dùng bữa tối với chúng ta.

Phi-líp-phê   (không dao động trước các lời họ vừa nói) Tôi nói Tôn sư đã từ cõi chết sống lại và Ngài vừa đi Ga-li-lê.

La-da-rô      Này, mọi người hãy nghe tôi nói. Nếu Ngài sống lại từ cõi chết thì họ lại sẽ đóng đinh Ngài, nhưng họ sẽ không đóng đinh một mình Ngài. Giờ đây tôi sẽ tuyên xưng Ngài và họ cũng sẽ đóng đinh tôi. (quay mình và hớn hở bước đi về phía vùng đồi). Hỡi mẹ và các chị, tôi sẽ đi theo Ngài, đấng đã cho tôi sự sống, cho tới khi Ngài cho tôi cái chết. Vâng, tôi cũng sẽ bị đóng đinh và cuộc đóng đinh ấy sẽ kết thúc sự đóng đinh này.

(im lặng)

Giờ đây tôi sẽ tìm kiếm tinh thần của Ngài, và tôi sẽ được phóng thích. Và cho dù người ta có trói tôi bằng xích sắt tôi cũng sẽ không bị ràng buộc. Và cho dù một ngàn người mẹ và một ngàn người chị có túm lấy quần áo của tôi, tôi cũng sẽ không bị nắm giữ. Tôi sẽ đi với gió đông nơi gió đông đi. Và tôi sẽ tìm kiếm người yêu dấu của tôi trong mặt trời lặn nơi mọi ngày đời của chúng ta tìm thấy an tĩnh. Và tôi sẽ tìm kiếm người yêu dấu của tôi trong ban đêm nơi một kẻ trong toàn thể loài người chịu sống tới hai lần, chết tới hai lần và biết vĩnh cửu tới hai lần.

(La-da-rô nhìn vào mặt người mẹ, rồi vào mặt hai người chị, rồi vào mặt của Phi-líp-phê và rồi nhìn thêm lần nữa vào mặt của người mẹ. Kế đó, như kẻ mộng du, La-da-rô quay mình chạy về phía các ngọn đồi và biến mất. Cả bốn người còn lại đều choáng váng, run rẩy.)

Người mẹ    Con ơi, con ơi, quay lại với mẹ!

Ma-ri-a        Em ơi, em đi đâu vậy? Này, em trai của chị, quay lại với chúng ta!

Mác-ta        (như thể nói với chính mình) Trời tối quá, tôi biết cậu ấy sẽ đi lạc.

Người mẹ    (gần như thét lớn) La-da-rô con ơi!

(im lặng)

Phi-líp-phê   Anh ấy đi tới nơi hết thảy chúng ta sẽ đi. Và anh ấy sẽ không quay lại.

Người mẹ    (đi tới cuối sân khấu, gần nơi La-da-rô vừa biến mất) La-da-rô, La-da-rô con ơi! Quay lại với mẹ!

(im lặng. Tiếng chân chạy của La-da-rô mất dần nơi xa xa)

Gã khùng    Lúc này hắn đã đi, và hắn đang ở quá tầm với của chúng ta. Lúc này cơn đau khổ của con người phải tìm kiếm một người khác. (ngừng một chút) Khốn khổ, La-da-rô khốn khổ, kẻ tuẩn đạo đầu tiên, và là kẻ vĩ đại nhất trong tất cả các kẻ tử vì đạo.

 

Chú thích: * Bản dịch do Tòa Tổng Giám Mục Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.

Nguồn:       Dramas of Life: Ladarus and His Beloved and The Blind by Kahlil Gibran, Nxb The Westminster Press, Philadelphia, 1981, tt.45-75.

 

 

Kahlil Gibran
Số lần đọc: 1907
Ngày đăng: 15.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kịch thơ Thành Taberd-1 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-2 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-3 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-4 - Bùi Chí Vinh
Cũng là đi cho - Quỳnh Linh
Kịch phi lý không chết - Lê Anh Hoài
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Ai là tác giả Kịch THƠ “Bóng Giai Nhân”? - Hoàng Cầm
Đám không người - Quỳnh Linh
Đi tìm người con gái trong vở kịch thơ của Hòang Cầm - Ngữ Yên