Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
492
116.429.954
 
Tìm hiểu kỷ thuật sản xuất lu gốm
Nguyễn Thị Hậu

(QUA TƯ LIỆU KHAI QUẬT VÀ ĐIỀN Dà 1998 – 2002)

 

Mùa khô 1997-1998 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM khai quật khu lò gốm Hưng Lợi thuộc Phường 16 – Quận 8. Đây là một trong những khu vực của xóm Lò Gốm – Sài Gòn xưa. Cuộc khai quật đã tìm thấy 3 lò gốm nối tiếp nhau, niên đại từ giữa TK 18 đến khoảng năm 1940, với 3 giai đoạn sản xuất các loại sản phẩm khác nhau: lu gốm, siêu, ơ, hũ men nâu, men vàng, hộp, chậu bông, chén, đĩa men xanh trắng… Lu gốm là sản phẩm chủ yếu của khu lò Hưng Lợi. Tại đây, phế phẩm lu dày đặc trong nền lò và hai bên thành lò, cùng phé phẩm loại khác tạo thành gò cao đến 5 – 6m. Các hố thám sát trong phạm vi 1000 m2 quanh gò cũng tìm thấy nhiều mảnh lu ở độ sâu 0,5 – 0,6m, vì thế di tích còn được gọi là khu lò lu. Nghiên cứu loại hình sản phẩm và dấu vết kỹ thuật, chúng tôi nhận thấy lu gốm ở lò Hưng Lợi rất giống các loại lu hiện đang được sản xuất và sử dụng rộng rãi ở Nam Bộ. Chính điều này đã gợi ý cho chúng tôi tìm hiểu về kỹ thuật sản xuất lu gốm ở hai khu vực nổi tiếng về sản phẩm này là Phường Tân Vạn – Biên Hòa – Đồng Nai và phường Long Thạnh Mỹ - Q9 – TpHCM. Tại những nơi này sản xuất loại lu hình cầu, dất nung không men, bằng phương pháp nặng tay với dải cuộn và bàn dập – hòn kê – một kỹ thuật làm gốm cổ truyền hiện nay chỉ còn tồn tại ở một vài nơi.

 

1. Vị trí, cấu trúc lò và công cụ làm lu:

 

Thông thường các lò lu đều nằm ở gần sông hoặc kinh rạch, hướng  cửa lò thường vuông góc với sông để đón gió. Xung quang là khoảng đất trống rộng rãi  để sản phẩm hoặc củi. Sông, kênh rạch chính là đường vận chuyển nguyên liệu và đồ gốm rất thuận tiện. Khu lò gốm Tân Vạn nằm ở tả ngạn sông Đồng Nai, các lò lu ở Q.9 – TP.HCM nằm ven sông Tắc – một nhánh phía tả ngạn hạ lưu sông Đồng Nai.

 

Các lò lu thường là lò ống: loại lò dài đến vài chục mét, thông suốt từ bầu lửa (bầu lò) đến ống khói, độ dốc và độ rộng nền lò cũng tăng dần như vậy. Đây là loại lò cũng “tối ưu” cho việc nung những sản phẩm kích thước lớn, dày và cần phải chắc chắn như lu đất nung. Kích thước phổ biến của loại lò này ở Tân Vạn, ở lò Long Trường, lò Vĩnh Thành (Q.9): dài khoảng 50m, chia làm 3 phần gồm bầu lò, thân lò, hậu lò. Bầu lò là nơi thấp và hẹp nhất, ngang 1,0 m, dài 1,5m, cao 1,0 m. Thân lò rộng 2,5m, cao 2- 2,5m. Hậu lò cao đến 3 – 3,5m và rộng 3,5 – 4m. Lò có hai cửa ở cùng một bên, cửa hình vòm cao 1,8 – 2m rộng 1,2 m, kích thước vừa đủ cho một người bê sản phẩm ra, vào lò. Trên nóc lò mỗi bên có từ 10 -12 mắt lò ( 20 x 20 cm), cách đều nhau 2,5 – 3m ở thân lò, gần bầu lò và ống khói không có mắt lò vì là nơi có nhiệt độ cao không cần phải thêm lửa. Độ dốc từ 10 -15 o cùng với ống khói cao đến 6 -7 m đã làm cho không khí lưu thông tốt, lửa đều ở các vị trí. Vách lò dày 40 cm bên ngoài đắp đất và đổ phế phẩm để cho chắc chắn, đồng thời giữ nhiệt độ cao, có thể đạt đến 1300 o. Việc xây lò lu đảm bảo đúng nguyên tắc thì lửa chạy thông, ít hao củi, tỷ lệ lu thành phẩm cao.

 

Như đã nói ở trên, phương pháp tạo dáng lu gốm ở Tân Vạn  - Đồng Nai và các lò lu ở Q.9 – TPHCM hoàn toàn làm bằng tay với sự hỗ trợ của một số dụng cụ đặc thù, đó là:

-          Hòn kê để tạo dáng (thợ làm lu gọi là “hòn tài lùn”): Đó là một miếng ván gỗ hình vuông kích thước 60 x 60cm, dày khoảng 10cm đặt trên đáy một chiếc lu phế phẩm chôn úp miệng xuống đất. Chiếc lu này thường bị vỡ hay nứt  méo phần thân trên, vì vậy bàn kê này chỉ cao khoảng 40cm, tạo thế vững chắc để đặt khối nguyên liệu lên trên thuận tiện cho người thợ thao tác.

-          Dụng cụ vỗ tạo độ liên kết chắc chắn giữa các dải đất (“sắc sùi”): có hai loại làm bằng gỗ và đất nung. Loại bằng gỗ tạo từ một khối gỗ đặc có hình chiếc gáo; Loại bằng đất nung có hình nấm, giống như hiện vật được gọi là bàn xoa gốm cổ. Kích thước: đường kính “sắc sùi” khoảng 15cm, dày 4 -5cm, mặt cong lồi khá nhẵn.

-          Dụng cụ vỗ tạo độ mỏng (“khấu bành”): làm bằng gỗ, rộng 8-10cm, dày 2cm, dài 40cm trong đó cán dài 15cm, hình dáng giống chiếc rìu đá có vai.

-          Ngoài ra còn có một miếng ván mỏng, một sợi dây thép dài khoảng 1,5m để di chuyển lu từ bàn kê xuống đất và ngược lại. Một đoạn cật tre để cạo lu nhẵn đều trong và ngoài (hiện nay phổ biến dùng dao nhỏ, nhúng vào nuớc cho giảm ma sát khi cạo đất sét), vài nắm giẻ nhúng ướt xoa thân lu nhẵn bóng trước khi xối men. Để tạo hoa văn, có khi người thợ dùng hai ngón tay cái và trỏ nhéo đều đặn vòng quanh thân gần miệng lu, hoặc có nơi dùng một chiếc lược nhựa ấn xéo một phần răng lược tạo độ nông sâu khác nhau hoặc chải thành đường khuôn nhạc vòng quanh vai lu.

 

2. Quy trình sản xuất lu gốm:

 

Gồm 3 giai đoạn: Xử lý nguyên liệu, tạo dáng, nung.

 

2-1. Xử lý nguyên liệu: Các lò gốm nói chung và lò lu nói riêng thường đặt tại nơi có nguồn đất sét làm gốm, vì vậy, trước đây ở hai khu vực nói trên nguyên liệu làm lu gốm chủ yếu khai thác tại chỗ nhưng hiện nay hầu như đã cạn kiệt, phải mua từ huyện Bình An – tỉnh Bình Dương hoặc xa hơn. Đất sét lấy từ ruộng, sau khi bỏ lớp mặt là lớp đất canh tác nặng phù sa, ở độ sâu 1-2m ( có nơi sâu đến 6 -7m) mới đến loại đất sét dùng làm gốm: Đất sét điểm hồng ( màu đỏ hồng) hoặc đất da thiếc ( màu xanh xám), hai loại đất này nằm trên lớp đất bùn màu đen. Đất sét điểm hồng là loại tốt nhất vì không cần xử lý phức tạp. Nguyên liệu được chở bằng ghe ( khoảng 10m3/ ghe) theo kênh rạch ra sông Đồng Nai về các lò lu. Ngoài đất sét ruộng còn có nguồn đất núi khai thác trên vùng gò cao, là loại đất có độ cứng nhưng bở. Đất sau khi lấy về được nghiền nhỏ, đưa vào máy trộn lẫn 2 loại với tỷ lệ khoảng từ 30 -40% đất núi. Quá tỷ lệ này lu dễ bị nứt vỡ trong khi nung và khi sử dụng, ít hơn tỷ lệ này đất không đủ độ cứng để tạo dáng ổn định và dễ bị biến dạng khi nung. Do đất sét điểm hồng hiếm hơn nên thông thường nguyên liệu chủ yếu gồm cả đất hồng và đất xanh. Sau khi trộn đều, đất được tưới nước vừa đủ và vun lại thành đống để ủ làm tăng độ dẻo trước khi đem ra sử dụng.

 

2-2. Tạo dáng: Tạo dáng là khâu rất quan trọng vì đây là quá trình đồng thời tạo ra hình dáng và độ bền chắc cho sản phẩm. Quá trình tạo lu gốm gồm 6 buớc trong đó 4 bước tạo dáng hoàn chỉnh và 2 bước chỉnh sửa.

-Bước 1: Đất nguyên liệu trước khi đưa lên bàn kê được người thợ lấy ra nhồi nhuyễn, khối lượng vừa đủ làm một lần, dùng chân đạp nhồi thật kỹ, Khối đất được vò thành dải dài đặt lên bàn kê đã rải một lớp cát hạt thô để chống dính. Từ dải đất này người thợ cuộn thành vòng tròn, lấy tay đập bè ra, vuốt nặng để tạo nên phần đáy lu, được gọi là “cái tài lùn”, cao khoảng 10cm. Sau đó tiếp tục chồng một dải đất lên thành lu, gắn miết tiếp tạo độ cao thành lu đến 20cm thì người thợ lật úp lại và dùng “sắc sùi” vỗ nhẹ tạo cho đáy lu cong lõm, tránh cho đáy lu bị phồng lên trong quá trình nung. Các  lu gốm thành phẩm bao giờ cũng có đáy lõm nhẹ.

          

Sau khi tạo độ lõm đáy lu, người thợ không làm tiếp mà để qua ngày hôm sau cho cốt đất ráo và cứng hơn.

-Bước 2: Trước khi nặn tiếp người thợ phải “tắm” phần đáy lu. Nước tắm là đất sét ngâm thành bùn lỏng sệt, có màu xám tro, khi xối vào phần lu đã nặn sẽ tạo độ dẻo dễ gắn chắp phần tiếp theo cũng như nắn chỉnh đáy lu bị ngót lại sau một ngày phơi ráo. Khi nước tắm đã thấm vào cốt đất, người thợ tiếp tục vò đất thành dải đắp tiếp phần thành lu. Hai tay người thợ vuốt đều, miết gắn cho khớp giữa hai phần đất cũ và mới tạo nên phần hông dưới, còn được gọi là “tạo tài khủ”. Sau khi “tài khủ” và “tài lùn” được gắn chặt, vỗ mỏng không còn thấy gờ nối giữa hai phần, lu đã có chiều cao khoảng 50cm, lại tiếp tục phơi một ngày nữa.

- Bước 3: Tương tự như bước 2, sau một ngày phơi và tắm ướt, lu được nặn tiếp phần hông, còn được gọi là “tài sổ”. Đến đây lu đã cao đến 80cm, về cơ bản lu đã định hình: lu gốm có hình cầu, đáy bằng, đường kính lớn nhất ngang thân, đường kính miệng và đáy bằng nhau (khoảng 60cm).

- Bước 4: là bước tạo “tài chằn” tức là hoàn chỉnh đáy và thân lu. Qua một đêm để ráo, người thợ dùng bàn vỗ, cật tre hoặc dao nhỏ  sửa cho mỏng đều, các chỗ gắn chắp liền phẳng. Lu trông láng đẹp như được làm bằng khuôn, chỉ còn thiếu vành miệng lu.

- Bước 5: Tạo vành miệng lu. Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình tạo dáng vì buớc này đòi hỏi đôi tay khéo léo của người thợ. Đất được tạo thành dải nhưng đường kính nhỏ hơn dải đất tạo thân lu ( khoảng 5-6m) cũng được gắn chắc vào thân. Để tạo vành miệng, người thợ dùng một miếng vải nhúng ướt ấn vuốt đều đặn quanh vành miệng lu từ 8 -10 vòng thì vành miệng hoàn chỉnh. Lu gốm hiện nay có vành miệng bằng. Tiếp theo, người thợ tạo hoa văn ở vai (gần vành miệng) bằng cách dùng các ngón ấn hay nhéo đất hoặc dùng lược thưa tạo các đường văn chìm vòng quanh miệng lu. Thao tác của người thợ rất điêu luyện, nếu không quan sát trực tiếp ta có thể cho rằng vành miệng được làm bằng kỹ thuật bàn xoay và hoa văn làm từ khuôn in ấn. Đây là bí quyết gia truyền của mỗi lò lu không dạy cho người ngoài. Trong mỗi lò cũng chỉ có người thợ (thường là chủ lò hoặc người thợ chính là người thân tín với chủ lò ) làm việc này.

-Bước 6: là bước kết thúc phần tạo dáng gồm chỉnh sửa và xối men thuốc cho lu gốm. Tương tự như bước 4, người thợ dùng các dụng cụ “sắc sùi” và “khấu bành” vỗ chặt tạo độ mỏng đều, sửa chữa dáng cho cân đối, đắp vá những phần lỗi ở thân hay miệng lu.

 

Do không phải tráng men như đối với những đồ gốm khác nên ngay trong bước này lu đã được xối một lớp áo ra bên ngoài, gọi là men thuốc: một loại nước pha với tro và bùn, khuấy trộn đều, lược kỹ. Người thợ dùng một bình gốm nhỏ (thường là loại gốm phế phẩm) đựng men thuốc, khoét một lỗ nhỏ trên vai, tưới tròn đều miệng lu. Men thuốc chảy đều quanh vai và tạo thành những đường dài dọc thân lu đến tới đáy. Khi nung xong những dòng men thuốc này trông giống những giọt men. Men thuốc có tác dụng chống thấm và giúp cho người thợ đốt lò biết được nhiệt độ nhờ sự thay đổi của màu men, qua đó có thể tăng hay giảm lửa trong lò.

 

Sau khi tạo dáng sản phẩm hoàn chỉnh, lu gốm được phơi khô trong vài ngày để chống nứt, vỡ khi nung. Sản phẩm được phơi nơi thoáng mát trong nhà xưởng có mái che, mùa nắng phơi khoảng ba ngày, mùa mưa phơi từ 7 – 10 có khi đến 15 ngày. Thời gian phơi thường dựa vào kinh nghiệm của người thợ, vì phải kết hợp cả thời tiết, nguyên liệu và nước men.

 

- Bước 7: Tạo nắp lu: Đây là công đoạn riêng biệt, có thể trước, sau hoặc song song với quá trình tạo dáng. Công việc này tương đối nhẹ nhàng thường do phụ nữ đảm nhận. Thao tác tạo nắp lu tương tự tạo đáy lu, chỉ khác là sau khi dải đất tạo thành một cái mâm có mặt lõm nhẹ, để 1 ngày cho ráo thì tạo vành nắp lu, bằng cách dùng một miếng vải nhúng ướt, nắn vuốt liên tục vành mâm tạo độ cao và bè ra. Kích thước nắp lu: đường kính 60 - 62 cm, cao 3cm, vành nắp rộng 3 – 4 cm, mặt nắp hơi lõm để không bị phồng rộp khi nung. Nắp lu được phơi 2 – 3 ngày thì đem nung mà không cần phải xối men thuốc. Thường thì nắp lu được làm nhiều hơn số lu vì có nhu cầu thay thế cao hơn

 

2-3. Chồng lò: Sau khi sản phẩm được phơi đủ khô thì tiến hành công đoạn chồng lò, tức là sắp xếp sản phẩm vào lò theo những cách khác nhau tùy theo loại hình và kích thước sản phẩm. Lu gốm thường có loại lớn (kích thước nói trên) và loại nhỏ (bằng ½ lu lớn). Số lượng lu lớn chiếm đến 80% vì có nhu cầu tiêu thụ cao hơn. Để tận dụng triệt để khoảng không gian trong lòng lò, tiết kiệm nhiên liệu và tăng số lượng sản phẩm, người thợ chồng lò xếp lu thành hai tầng theo kiểu đáy của lu trên chồng lên miệng lu dưới, 2-3 nắp chồng úp lên miệng lu trên. Vì nền lò có độ dốc nên để tránh cho các sản phẩm bị nghiêng méo trong khi nung, dưới đáy lu thường kê lót gạch thẻ. Với thể tích lò như trên, mỗi lần chồng đôi như vậy được khoảng 300 lu lớn. Để tránh lãng phí đồng thời sử dụng lu làm bao nung cho các loại gốm men nhẹ lửa, trong lòng các lu lớn, người ta xếp 2,3 sản phẩm khác  như đôn voi, chậu bông nhỏ. Công đoạn chồng lò chỉ nam giới đảm nhận

 

Sau khi chồng lò xong, các cửa lò được bịt lại bằng gạch phế phẩm hoặc gạch mộc, chỉ chừa các mắt lò và cửa ở bầu lò.

 

2-4. Đốt lò nung: Khi các khâu trên đã hoàn tất thì lò nung là khâu cuối cùng quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại của lò lu, đồng thời cũng là khâu quyết định chất lượng và số lượng sản phẩm. Vì thế để cầu mong cho quá trình nung tránh được mọi sự rủi ro, ở các lò nung thường có nghi lễ cúng lò trước khi nhóm lửa. Đồ cúng thường là trái cây, nhang đèn cũng có khi là xôi gà hay heo quay nếu đó là mẻ lò quan trọng. Cúng vái là người thợ lò chính, thường chọn giờ tốt để nhóm lò ( vào lúc thuận gió nên tùy từng mùa).

 

Nguyên tắc nung lò là tăng nhiệt độ dần dần đến khi sản phẩm chính thì nhiệt độ hạ từ từ. Thời gian đốt lò kể từ lúc nhóm lửa đến khi tắt lửa kéo dài 4 ngày 4 đêm. Trong hai ngày đầu người thợ đốt các loại củi lớn ở bầu lò, lửa dịu để xông lò và làm cho sản phẩm bốc hơi từ từ. Sang ngày thứ 3 lửa tăng dần bằng cách thêm các loại củi nhỏ qua mắt lò để kiểm tra nhiệt độ và độ chín của sản phẩm. Khi sản phẩm đã chín ( thường lửa có màu sáng trắng) thì ngưng tiếp củi, mắt lò được bịt kín lại. Nhiệt độ trong lò sẽ giảm dần cho đến khi lửa tắt hoàn toàn.

 

 

 

Quy trình làm nguội lò kéo dài trong 2 ngày 2 đêm, sau đó hai cửa hông được phá bỏ để lấy sản phẩm ra. Như vậy, thời gian hoàn tất một mẻ nung mất khỏang 6 ngày đêm kể từ lúc nhóm lò đến khi có được các sản phẩm hoàn chỉnh.

 

3/ Một vài nhận xét:

 

3-1. Nghề làm lu gốm là một nghề thủ công rất nặng nhọc, “ dụng cụ” lao động chính là đôi bàn tay người thợ, thao tác từ khâu đầu tiên pha trộn nguyên liệu đến khâu cuối là lấy sản phẩm ra khỏi lò nung. Trước 1975, chưa phổ biến các loại máy nghiền trộn đất nên người thợ nắn lu phải dùng tay đập nhỏ đất, tưới nước và dùng chân đạp vò cho dẻo nhuyễn. Từ 1975 đến nay đã có một số máy móc thay cho sức người. Tuy nhiên máy chỉ trộn thô, tức là trộn cho đều trước khi ủ đất, khi nắn lu người thợ vẫn nhồi đất bằng tay để có thể cảm nhận chính xác độ dẻo mịn của đất mà không máy móc nào thay thế được. Những người thợ lớn tuổi ở lò lu Vĩnh Thành, Long Trường ( quận 9) còn cho rằng, đất trộn bằng máy không “mát” ( dẻo mịn đúng độ cần thiết) như vò bằng tay. Dường như khi được pha những giọt mồ hôi của người thợ nắn lu mỗi nắm đất trở nên có hồn, những chiếc lu không phải là vật vô tri mà trở nên sống động, gần gũi thân thuộc với con người. Có lẽ do đặc điểm sản phẩm có kích thước lớn, làm bằng phương pháp dải cuộn nên thợ chính trong các khâu từ xử lý nguyên liệu, tạo dáng, chồng lò, nung lò ( nhóm lò, tiếp củi)… đều là nam giới, phụ nữ chỉ tham gia tạo nắp lu là khâu nhẹ nhàng nhất.

 

Trong mỗi lò lu đều có sự phân công lao động theo từng công đoạn: thợ làm đất, thợ nắn lu, thợ chồng lò, thợ đốt lò…trong đó, thợ đốt lò là thợ chính có nhiều kinh nghiệm nhưng không lớn tuổi quá ( trên 60 tuổi), vì lúc đó cặp mắt không còn tinh tường, để nhận biết nhiệt độ qua ánh sáng ngọn lửa, để quyết định lửa già hay non, lửa nhanh hay chậm ( bằng việc vụt củi qua mắt lò). Vì vậy người thợ đốt lò ( còn gọi là thợ chụm củi) tuyệt đối không uống rượu và phải tỉnh táo trong quá trình nung. Đây là người thợ được chủ lò tin cẩn nhất và thường được coi như người nhà trong quan hệ cũng như quyền lợi. Những thợ khác làm công hưởng lương theo sản phẩm, một số việc khi cần thì khoán gọn như chẻ củi, mang vác nguyên liệu hay sản phẩm lên xuống ghe… Người chủ lò lu luôn là người thông hiểu rành rẽ mọi chi tiết, từng công đoạn để hướng dẫn chỉ đạo công nhân làm đúng kỹ thuật và biết cách sửa chữa những chổ hư hỏng, kịp thời khắc phục sự cố để tránh tổn thất, bảo đảm lợi nhuận.

 

3-2. Qua điều tra tại vùng lò Hưng Lợi cũng như khu lò Tân Vạn, các lò lu ở Quận 9 – TPHCM, các lò lu hiện nay hầu hết có chủ là người Hoa hoặc do người Hoa lập nên. Tại khu vực Tân Vạn các lò lu được lập nên từ khoảng giữa TK 19, truyền qua nhiều đời chủ là con cháu hay người ngoài, thường là những người Hoa cùng gốc Phúc Kiến, nhóm cư dân nổi tiếng với nghề làm lu. Từ trước năm 1975 đây là khu vực tập trung nhiều lò chuyên sản xuất lu theo kỹ thuật cổ truyền nhất. Còn ở khu vực Q.9 các lò lu chỉ mới được hình thành từ sau 1954, thậm chí từ sau 1975 nhưng chủ các lò này cũng là người Hoa hoặc gốc Hoa. Do hình thành muộn nên ở đây không chỉ chuyên làm lu mà còn làm thêm một số sản phẩm khác, như loại lu nhỏ có vành miệng rộng, bán sang Campuchia cho những vùng làm đường thốt nốt… Sau này còn sản xuất đôn voi gốm, các loại chậu bông, chậu cây kiểng, một số loại gốm trang trí theo mẫu nước ngoài. Do sản xuất nhiều loại sản phẩm nên ở đây còn có phương pháp chế tạo gốm bằng bàn xoay hay bằng khuôn in, khuôn đổ…Các loại gốm có men được nung cùng với lu gốm và dùng lu làm bao nung, vừa tiết kiệm nguyên liệu do tận dụng tối đa thể tích lò, đồng thời, bảo đảm nhiệt độ vừa đủ cho các loại gốm men nhẹ lửa trong lò ống (là loại lò có nhiệt độ rất cao và lửa tác động trực tiếp vào sản phẩm). Ở những lò gốm sản xuất gốm men ở Biên Hòa, Lái Thiêu hầu hết sử dụng lò bao – loại lò nhiều ngăn, rộng bề ngang hẹp bề dài. Còn có một loại lò tròn nhỏ dùng để hấp sản phẩm khi dán đề can hoa văn, thường là các đồ gia dụng nhỏ như chén bát, bình trà, ly tách… Các lò này nói chung nhiệt độ không cao bằng lò ống.

 

3-3. Tại các tỉnh phía Nam, nghề làm gốm bằng tay hiện còn tồn tại ở  một vài nơi, như làng Bàu Trúc – Ninh Thuận của người Chăm, một số phum sòc ở huyện Tri Tôn – An Giang, làng nồi gốm Bửu Long  - Biên Hòa và ở các lò lu nói trên. Có thể nhận thấy các điểm giống và khác nhau giữa việc sản xuất lu và các sản phẩm đất nung khác:

 

- Giống nhau: Sản phẩm đều là đồ gia dụng đất nung, không men (nồi, khuôn bánh, bếp lò, lu lớn nhỏ). Kỹ thuật sản xuất đều nặn bằng tay với sự hỗ trợ của một số dụng cụ đơn giản nhưng có hiệu quả. Người thợ làm gốm thường đi lùi theo chiều kim đồng hồ quanh bàn kê để nắn đồ gốm. Hoặc dùng dải cuộn hoặc dùng đất khối thì các dụng cụ hỗ trợ vẫn tương tự và có tác dụng như nhau.

 

- Khác nhau quan trọng là quy trình sản xuất lu gốm phức tạp nhất, gồm nhiều công đọan kể từ khâu nguyên liệu đến khâu nung lò. Lu được nung trong lò ống mà việc xây lò, chồng lò hay chụm củi đều đòi hỏi phải nắm vững và tuân thủ kỹ thuật một cách chặt chẽ. Còn các lọai gốm đất nung khác đều nung ngòai trời trong thời gian ngắn, số lượng không nhiều, kích thước vừa và nhỏ.

 

- Việc làm lu cơ bản do nam giới đảm nhận còn làm các loại gốm khác lại là phụ nữ - kể cả việc nung gốm. Điều này dẫn đến ngộ nhận rằng việc bảo lưu kỹ thuật làm gốm bằng tay nói chung và do phụ nữ làm nói riêng là “lạc hậu, trì trệ, trình độ thấp” so với kỹ thuật sản xuất gồm bằng bàn xoay! Nguyên nhân của hiện tượng này trước đây được giải thích là do hầu hết đồ gốm làm bằng tay có nhu cầu không lớn, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, lọai hình mang tính truyền thống không có nhu cầu thay đổi. Tuy nhiên, theo chúng tôi còn có nguyên nhân từ yếu tố kỹ thuật : phải chăng nguyên liệu làm gốm đất nung là yếu tố quan trọng quyết định phương pháp làm bằng tay? Vì chất liệu và thành phần nguyên liệu làm gốm đất nung không giống gốm có men làm bằng bàn xoay.

 

- Các làng gốm cổ truyền đang có nguy cơ biến mất do sản phầm không tiêu thụ được, bí quyết kinh nghiệm làm gốm chỉ còn giữ được ở một số người già… Nên chăng, giống như một số làng dệt cổ truyền khác, các làng gốm này vẫn sử dụng kỹ thuật cổ truyền để sản xuất thêm nhiều loại hình mới cả gốm gia dụng và gốm trang trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về các sản phẩm thủ công của thị trường trong và ngoài nước qua tiêu thụ sản phẩm và phục vụ du lịch ( biểu diễn thao tác làm gốm cổ truyền…). Có như vậy, nghề làm gốm cổ truyền mới phát triển, đời sống của những người thợ thủ công được nâng cao, đồng thời, giữ được sự tồn tại của làng nghề truyền thống – vốn văn hóa phi vật thể quý giá./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1-       Nguyễn Thị Hậu : Xóm lò gốm Sài Gòn xưa.

Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 4/1998, tr.40 – 43.

2-       Nguyễn Thị Hậu – Phí Ngọc Tuyến – Trần Sung : Khai quật di tích lò gốm cổ Hưng Lợi – Quận 8.

Trong “ Góp phần tìm hiểu lịch sử văn hóa 300 năm Sài Gòn – TPHCM”. Tr.336 – 344.

3-       Nguyễn Thị Hậu – Đặng Văn Thắng : Kỹ thuật sản xuất của lò gốm cổ Hưng Lợi (Q8 – TPHCM).

Tạp chí KCH số 2/2001. Tr.101 – 123.

4-       Lương Văn Hy – Diệp Đình Hoa : Ngành tiểu thủ công Gốm tại Tân Vạn (Biên Hòa) trước 1975.

Tạp chí Dân tộc học số 1/1990.

 

 

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 3512
Ngày đăng: 17.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng Gốm Cổ Đạm (Hà Tĩnh) - Trần Anh Dũng
Xóm Làm Bếp Lò Gốm Làng Phú ĐỊnh (Quận 6-Tp.Hcm) - Nguyễn Thị Hậu
Lò gốm thế kỉ 1- thế kỉ 10 - Trần Anh Dũng
Khu Di Tích Ba Thê – Óc Eo (An Giang) và Vấn Đề Bảo Tồn Di Tích Văn Hóa Óc Eo Hiện Nay - Nguyễn Thị Hậu
Đồ gốm sứ ở cảng thị Ba vát Bến Tre - Trần Anh Dũng
Di Chỉ Khảo cổ học Giồng Nối (Bến Tre) - Trần Anh Dũng
Văn Hóa Sa Hùynh Nhìn từ Văn Hóa Đồng Nai - Nguyễn Thị Hậu
Cội Nguồn Văn Minh Ở Trung Quốc : Sự Khác Nhau Giữa Tài Liệu Khảo Cổ Và Cồ Sử Cùng Sự Giải Thích - Hà văn Thùy
Vài suy nghĩ về việc bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Nguyễn Thị Hậu
Văn hoá tiền sơ sử Bà rịa - Vũng tàu trong không gian tiền sử đông nam bộ - Phạm Quang Minh
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)