Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
421
115.967.840
 
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa
Huy Khanh

Người xưa có niềm kiêu hãnh khi ngắm nhìn cồn bãi, rừng hoang qua đôi tay và khối óc của chính mình mà trở thành ruộng vườn, làng xóm trù phú đông vui, dù thời trước chưa có qui mô bề thế như ngày nay. Họ là người xác định chân lý "quê hương đẹp hơn cả", cũng như ngày nay chúng ta hiểu rằng "không có gì quý hơn độc lập tự do".

 

 

Ðất Bến Tre được hình thành bởi những cù lao giữa các nhánh sông lớn Cửu Long tiếp giáp với biển Đông bốn bề nước chảy sông sâu, mênh mông sóng vỗ, một bên là sông Tiền (tên xưa là Mỹ Tho đại giang) thuộc dinh Trấn Định, một bên là sông Cổ Chiên (tên xưa là Long Hồ đại giang) thuộc dinh Long Hồ. Trấn Định sau này là Trấn Định Tường rồi đổi lại là tỉnh Định Tường, còn Long Hồ sau là Trấn Vĩnh Thanh và được đổi tên thành tỉnh Vĩnh Long của Nam Kỳ lục tỉnh.

 

Đầu thế kỷ XIX, cách đây 200 năm, tư liệu thành văn đầu tiên ra đời ở đất Nam Kỳ đã ghi chép những nét chấm phá nhưng khá ngoạn mục những đặc điểm về cồn bãi trên sông nước thuộc đất cù lao Bến Tre thời bấy giờ. Xưa nhứt, có thể là sách Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức viết vào khoảng những năm 1816 - 1820.

 

Theo sách ấy và rải rác ở các ghi chép của moat số tác gia khác, đất cù lao cả bên phía Trấn Định (Mỹ Tho) và bên phía Long Hồ (Vĩnh Long) thời bấy giờ làng xóm khá đông đúc, thịnh vượng "có cảnh trí đẹp đẽ tự nhiên ở chốn giang thôn".

 

Trên sông Cửa Đại phía Bến Tre thời ấy cồn Phụng chưa nổi cao lên như bây giờ. Từ cồn Thới Sơn (thuộc Tiền Giang) xuống đã có cù lao Quí Sơn, cồn Tàu và cồn Nhựt Bổn.

 

Cù lao Quí Sơn (nay gọi là xã Quới Sơn) "ở phía Tây ngã ba sông lớn, chu vi 8 dặm khuất khúc uốn lưng như hình con rồng. Có cù lao đất che kín phía Bắc con sông cồn Tàu nằm xiên phía Đông dòng nước.

 

Cù lao nầy đứng riêng giữa cảnh phong ba, rộng lớn, cây cối tươi tốt, đất phì nhiêu, trông có sinh khí sầm uất, có thôn Huỳnh Long - Quí Sơn ở đấy".

 

Như vậy xã Quới Sơn ngày xưa là một cù lao cách với dãy đất bên nầy bởi con rạch Phú Thành. Cù lao Đất tức cồn Đeo. Còn cồn Tàu nói trên nay là xã Tam Hiệp thuộc huyện Bình Đại. Về sau con rạch Phú Thành cạn dần và hẹp lại như ngày nay, cù lao Quí Sơn dính với đất liền. Thôn Huỳnh Long - Quí Sơn nay được gọi là xã Quới Sơn. Các thôn Miễu Ông, Tân Phú, Thạch Hồ là tiền thân của xã Tân Thạch ngày nay. Các thôn xã nay liền kề với nhau lên đến phà Rạch Miễu, trở xuống là các xã Giao Long và Giao Hòa. Xã Quới Sơn có ngôi chùa Hội Tôn cổ tự, moat trong những ngôi chùa xưa nhứt ở đất Nam Kỳ. Chùa Hội Tôn được lưu dân doing lên từ đời vua Hiển Tông nhà Hậu Lê niên hiệu Cảnh Hưng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, nay chứng tích vẫn còn.

 

 Cồn Tàu ở trên sông Cửa Đại, chiều dài từ ngang xã Long Thạnh đến xã Vang Quới, ngày xưa cồn có ba ấp tương đương với ba xã trên bờ phía bên nầy sông, nay hợp lại thành xã mới Tam Hiệp. Từ cuối thế kỷ XVIII trên đất cồn Tàu đã có truyền thuyết về anh em Bảy Giao, Chín Quỳ đến trừ cọp dữ, khai hoang, mở đất, lập nên xóm ấp trên vùng đất cồn nầy. Xã Tam Hiệp ngày nay là một vùng cây trái trù phú nổi tiếng của huyện Bình Đại.

 

Cồn Nhựt Bổn ở về phía Tây cảng Đại Hải (tức cửa Đại) "trên cồn có Thủ ngự đồn trú, trước mặt có cồn cát nằm chìm dưới nước tục danh cồn Tàu". Trên cồn còn gọi là bãi cát Nhựt Bổn có giồng Nhựt Bổn, giồng Tổng Đồ, giồng Cây Da "trồng nhiều bông vải, khoai lang, khoai nước. Nhà cửa ẩn hiện trong các rặng tre và cổ thụ". Phía về miền sông Ba Lai còn có giồng Bến Lứt, giồng Du Tản (nay gọi là Tán Dù), giồng Giếng, "trồng bông vải, dâu, gai, có các thôn lạc dân cư".

 

Cồn Nhựt Bổn hay bãi cát Nhựt Bổn ở vào vị trí xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, cồn Tàu xưa là cồn Cát còn chìm dưới mặt nước nay là bãi tắm thuộc ấp Thừa Trung của xã nầy.

 

 

Trên sông Hàm Luông cảnh trí thời trước đã được miêu tả là độc đáo và khởi sắc. Sông Hàm Luông rộng, sâu và dài như "cái vực của loài giao long ở có cá to, sấu lớn thường bơi lặn nơi ấy. Sông chia làm ba ngả: ra sông Tiền, xuống Ba Lai và xuôi về cửa biển Ngao

Châu. Nước thường trong, ngọt, sóng gió chập chờn trông rõ mênh mông muôn khoảnh".

 

Ở đầu nguồn sông Hàm Luông có sông Tiên Thủy (dân gian quen gọi là xứ Súc Sĩ hay Sóc Sãi "làng chợ trù mật, ghe thuyền đi lại tụ tập đông đúc. Nước chia làm hai lạch: lạch phía Nam nước trong, lạch phía Bắc nước phù sa đỏ giống như sông Kinh, sông Vị trong đục phân chia, nhưng vị nước đều ngọt tốt, pha trà có mùi thơm, tắm gội được trơn láng nên gọi tên là Tiên Thủy (nước tiên)". Phía trên sông Tiên Thủy có cù lao Phụ Long, ở phụ cận theo sông Hàm Luông nên gọi là "phụ", có lũy tre xanh bao bọc, cây bần soi nước như bóng cây liễu rũ quanh vùng sông nước của thôn Phụ Long. Giữa đồng ruộng có nhiều cò đậu, buổi chiều hằng đàn dơi quạ đeo bám trên cây bay đi tìm món ăn nhộn nhịp khắp vùng, thật là cảnh trí tự nhiên ở chốn giang thôn". Vùng nước tiên ấy nay là các xã Tiên Long, Tiên Thủy. Cồn cù lao Phụ Long sau đổi thành thôn Phú Long rồi sát nhập với thôn Tân Lợi thành xã Tân Phú, huyện Châu Thành hiện nay.

 

Bên dòng sông Hàm Luông thuộc bờ phía Nam có "cù lao Thanh Sơn tục danh cù lao Cái Cấm ở giữa dòng sông Hàm Luông. Có dân cư của ba thôn Thanh Sơn, Thanh Xuân và Tân Thông ở đó trông như núi xanh đứng giữa không trung, sóng bạc vỗ bên giang ngạn, như là bóng trái đất ở trong mặt trăng hay là cảnh trí chốn thần tiên vậy".

 

 Cù lao Thanh Sơn sau nay hợp nhứt ba thôn Thanh Sơn, Thanh Xuân và Tân Thông thành xã Th anh Tân của huyện Mỏ Cày. Cái Cấm là tên con sông bao bọc xã Thanh Tân có cây cầu Cái Cấm trên quốc lộ 60 đi ngang qua đấy.

 

"Sông Ba La tục danh là Cái Mít ở phía Đông sông lớn Hàm Luông... trước miệng sông có nổi cái cồn nhỏ, từ dòng nhỏ ở nơi cồn ấy xuống phía Nam chin dặm đến sông nhỏ Sơn Đốc..." . Cồn nhỏ nói nay là cồn Ốc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, moat làng quê cây trái trù phú trên sông nước Hàm Luông. Cồn Ốc xưa thuộc thôn Hưng Thạnh (nay là Thạnh Phú Đông), sau tách ra thành thôn Hưng Phong, nên tên xã dùng chữ Hưng làm đầu, còn Phong có nghĩa là ngọn núi nhỏ nhô lên giữa vùng trời nước (ta có thể hiểu là đồi hay gò cao). Cụ Trần Quốc Duy một sĩ phu yêu nước bị đày ra Côn Đảo, có viết câu đối điếu người đồng chí là Nguyễn Tiểu La: "Ba trung dũng khởi cô phong, cao, cao, cao, lưu trú anh hùng thiên cổ trạch. Mộng lý kinh đô đồng chí chiến, chiến, chiến, hoàn ngã sơn hà độc lập thiên" (Tạm dịch ý: Giữa sóng gió ba đào nổi lên ngọn núi trơ vơ, cao và cao, nơi yên nghỉ của khách anh hùng muôn thuở. Trong giấc mơ kinh khủng, thét to gọi đồng chí, đánh, đánh nữa, giành cho được đất trời non nước về ta). Chữ phong trong câu đầu đồng nghĩa với tên xã Hưng Phong, không phải phong là gió hay phong tục theo nghĩa thông thường.

 

Cồn Đất trên sông Hàm Luông thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri xưa có tên chữ là Thổ Châu. Sách viết "Giữa sông nổi lên hai cù lao, phía Đông là cù lao Đất (Thổ Châu) dài hơn 2 dặm, phía Tây là cù lao Cát (Sa Châu) dài hơn 5 dặm... Nơi đây gò đất phì nhiêu, cây cối xanh um, đứng cản cửa biển như 2 con cá kình trấn giữ thủy khẩu để làm cửa ải khống chế nơi biển ấy". Ta biết cù lao Đất hay cồn Đất thuộc phía Ba Tri, còn cù lao Cát nay là vùng Cái Cát (hay Cả Cát) còn có tục danh là cù lao quốc tế thuộc về huyện Thạnh Phú và gần như dính hẳn với đất liền chỉ cách nhau con rạch Băng Cung không lớn lắm. Ở cồn Đất, bần mọc thành rừng, chim chóc tụ hội về đây thành sân chim. Ngày xưa Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn truy tìm phải chạy ra ẩn tại cồn Đất. Ở đó ông ta đói quá phải ăn trái bần chát với nắm sống và cơm nguội và nhờ có bay rái cá chạy thụt đất bít mất dấu chân nên ông ta thoát nạn. Về sau khi lên ngôi vua Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long) cho gọi tên cây bần là thủy liễu (cây liễu nước) và phong cho rái cá chức "lang lại đại tướng quân". Người có công nuôi giấu nhà vua, cai việc Trần Văn Hạc ở thôn Hưng Lễ, được hưởng đất phong "tự Hàm Luông chí hải khẩu" tức là nơi tương ứng với vùng cồn Đất ngày nay. Cồn Đất hiện tại thôn xóm đông vui, chim trời bay kín khi chiều xuống, hàng cây bần như liễu rũ thướt tha trên dòng nước biếc lúc bình minh. Đêm đêm ngàn vạn

con đom đóm chớp lóe trong lùm cây như sao giăng trên mặt nước. Cồn Đất còn là căn cứ địa của du kích trong 2 cuộc kháng chiến và là nơi thưởng ngoạn của du khách khi sân chim ở đây còn đông đúc các loài chim sinh sản và cư trú trên ruộng đồng sông nước Bến Tre.

 

Ở cuối cù lao Minh là Hồ Cỏ nay thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Ngày xưa nơi Hồ Cỏ tiếp giáp với vùng nổng cát ven biển là một vùng đất đai bằng phẳng, cỏ non xanh rờn,nhìn xa mút mắt. Thời mới bắt đầu khai hoang, Hồ Cỏ có dáng dấp của một vùng thảo nguyên đồng bằng ven biển, cỏ xanh dợn sóng, cát mịn nát chân, mùa chướng về gió đông man mác, sóng vỗ rì rào, một thời có tiếng là nơi kỳ thú chốn chân trời góc biển.

 

Truyền thuyết kể rằng năm Tự Đức thứ 16 (1863) ông Nghè Trương Văn Mô người thôn Thạch Hồ, tỉnh Định Tường (nay là xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre) nhân một chuyến về thăm quê bạn tại đây, cảm hứng trước cảnh vật độc đáo của vùng quê biển ông viết một bài thơ tức cảnh:

 

"Đây cảnh Đào Nguyên hay cõi trần?

Đứng đây dường thấy rạng tinh thần

Ngàn chim lướt gió bay không dứt

Hồ Cỏ Thạnh Phong đẹp tuyệt trần".

 

Những điều ghi lại trên nay nay đã trải qua hơn hai thế kỷ, cảnh vật, làng xóm, con người đã thay đổi nhiều. Ba dải cù lao trong hệ thống sông Cửu Long đã trở thành tỉnh Bến Tre trù phú.

 

Người xưa có niềm kiêu hãnh khi ngắm nhìn cồn bãi, rừng hoang qua đôi tay và khối óc của chính mình mà trở thành ruộng vườn làng xóm trù phú đông vui, dù thời trước chưa có quy mô bề thế như ngày nay. Họ là người xác định chân lý "quê hương đẹp hơn cả", cũng như ngày nay chúng ta hiểu rằng "không có gì quý hơn độc lập tự do".

 

Trung Quốc xưa có đề tài "Tiêu Tương bát cảnh" (Tám cảnh đẹp ở vùng Giang Nam). Thời đất phương Nam của chúng ta mới được khai phá, vào thế kỷ thứ XVIII, Mạc Thiên Tứ và nhóm Chiêu Anh Các Hà Tiên đã có "Hà Tiên thập vịnh" (Vịnh mười cảnh đẹp của trấn Hà Tiên); thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức một nhà thơ trong nhóm "Bình Dương thi xã" Gia Định đã viết "Gia Định thành tam thập cảnh" (Ba mươi cảnh đẹp của đất Gia Định). Đó là niềm tự hào của những con người gian nan mở cõi.

 

Ngày nay đọc 4 câu thơ vịnh Hồ Cỏ của ông Nghè Mô, theo truyền thuyết, ta thấy phảng phất hình tượng và tứ thơ của Mạc Thiên Tứ trong "Châu Nham lạc lộ" (Chim cò về đậu ở Châu Nham), hay "Mai Khâu vãn thiếu" (Chiều hôm ở Gò Mai) của Trịnh Hoài Đức từng nổi tiếng một thời. Phải chăng trong cái đẹp của cuộc đời có nét đẹp của quê hương mà người xưa từng cho là "quê hương đẹp hơn cả".

 

-------------------------------------------------

 

Những chữ trong ngoặc kép là trích trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Tu trai Nguyễn Tạo dịch, Sài Gòn, xuất bản 1972.

 

Huy Khanh
Số lần đọc: 3889
Ngày đăng: 17.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh
Đất Nam Kỳ - Tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài (Tiếp theo) - Huệ Khải
Nghề gốm ven sông Tiền - Khuyết danh
Nghiên cứu văn hoá dân tộc, một vấn đề thời sự - Khuyết danh
Bình thơ : - Khuyết danh
Hiểu và làm - Thu Nguyệt
Đất Nam Kỳ - Tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài - Huệ Khải
Bàn tròn thơ Đồng bằng sông Cửu Long: Đừng quên “những miền thơ mùa trái chín” - Khuyết danh
Chào tiễn biệt bác sĩ Trần Bồng Sơn: - Nhựt Quang