Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
702
116.602.487
 
Chuyện vãn với người ở xa về
Vinh Anh

Vậy là đã hai mươi năm xa cách bây giờ chúng tôi mới gặp lại nhau. Cuộc gặp gỡ được báo trước. Nghĩa là có sự chuẩn bị tinh thần của cả đôi bên. Đối tượng của tôi là một ông anh họ, nay đã biến thành người Mỹ gốc Việt. Còn tôi thì vẫn là dân Việt chính hiệu, hơn thế nữa theo cách nhìn và đánh giá của ông anh họ tôi thì tôi còn là dân Việt xịn là đằng khác. Sau này khi đã quen quen, cũng theo cách nói của ông anh họ của tôi, tôi thỉnh thoảng trong lúc vui câu chuyện có gọi ông ấy là ông Mỹ rởm. Chẳng là sau bao nhiêu năm đánh nhau liên miên, chúng tôi, rất tự nhiên, phân chia ra làm hai chiến tuyến. Đang là anh em ruột rà máu mủ bỗng dưng trở thành đối phương của nhau, thậm chí có thời kì căng thẳng còn phải coi nhau là kẻ thù. Đấy, lí do phải có sự chuẩn bị, có báo trước là như vậy. Phải nói thêm một điều là từ cái ngày xưa nữa, khoảng hơn ba chục năm về phía trước, chúng tôi là những đứa trẻ sống cùng trong một nhà, thân thiết chẳng khác gì anh em ruột. Tôi ở nhà ông bác tôi từ nhỏ, nên tôi và ông anh họ này chả có gì xa cách, phân biệt cả. Trong đầu tôi chỉ có nghĩ một điều: ông ấy là anh mình, vậy thôi.Ông anh họ tôi từ nước Mỹ xa xôi về đương nhiên là khách. Hơn nữa vị khách này lại còn là khách đặc biệt. Tôi thì vô tư hơn, có thể vì cái tính của tôi nó xuề xòa quen rồi, với lại tôi luôn nghĩ về cái ngày xưa rất xa nhưng lại thân thiết, trong kí ức mờ mờ đã bị thời gian làm phai đi đó, tôi chỉ còn nhớ là ông này thuộc loại tôi yêu nhất.

 

Giờ phút gặp nhau rồi cũng đã đến. Chiếc xe tắc xi đỗ trước cửa. Tôi đi nhanh ra phía cửa xe, một người đàn ông cao, to và già bước xuống. Tôi chững lại vì cái vẻ bề ngoài khác hẳn trong nếp nghĩ đã phai phai của tôi bởi cái đoạn thời gian hơn ba chục năm không gặp. Phải nói là tôi không chuẩn bị tư tưởng để đón một ông già như vậy là anh mình. Cái mồm ba lô, ba la của tôi bị tắc vì cái sự già kia làm tôi khó xưng hô. Trông cái hình dáng vẻ ngoài đó, tôi suy ra mấy ông lãnh đạo cao cao của tôi ở cơ quan: phải trịnh trọng hơn, lịch sự hơn và phải có cả tí chút nghi thức ngoại giao nữa chứ. Tất cả những cái đó làm tôi bỗng trở nên lúng túng, e dè, ngài ngại. Tôi đưa cả hai tay ra nắm bàn tay ông anh tôi và lắc lắc nhẹ, cái lắc rất chi ngoại giao và tỏ ý thân mật, nó không hờ hững, lành lạnh như những cái bắt tay của mấy ông quan to cứ giơ tay ra cho người ta nắm còn mắt thì lại nhìn đi nơi nào đó. Với những cái bắt tay kiểu đó tôi cảm thấy mình bị coi thường lắm. Vì vậy tôi luôn cố không để bị người khác hiểu lầm ngay trong cái phút giao tiếp đầu tiên. Đương nhiên cái miệng tôi phải cười, có lẽ cái cười cũng rất ngoại giao. Và cái cử chỉ ngoại giao cuối cùng của tôi là đầu hơi cúi xuống một chút, cánh tay phải duỗi thẳng, lòng bàn tay ngửa lên ra hiệu mời cái ông già là anh tôi đó đi vào nhà. Vậy là xong bước đầu tiên. Chúng tôi vào nhà, sau khi chủ, khách đã an tọa lại mất khoảng mấy giây đó im ắng, lặng đi một lúc để nhìn nhau, thăm dò nhau, ừ mà lạ nhỉ, nhưng mà suy cho cùng thì cũng chả lạ gì cả, cái việc đó xảy ra cứ tự nhiên thôi, tự nhiên cái dòng chảy ban đầu là phải như thế, để rồi thì sau đó có thể tiếp tục quan hệ kiểu xã giao, có thể sẽ thân mật hơn, nồng ấm hơn và đến một mức nào đó nó anh em hơn. Cũng tùy vào cả hai phía. Phía nào ban đầu cũng phải giữ cái thế của mình, đó là lòng tự trọng pha ít nhiều mặc cảm. Thí dụ như thế này: tôi mặc cảm là vì nhìn chung gia đình, cuộc sống có phần nghèo hơn so với cái vẻ hào nhoáng, trong túi có tiền của mấy anh Việt kiều, còn ông anh họ của tôi có mặc cảm vì cái phải xa cố hương, sống nơi đất khách quê người. Có thể còn sâu xa hơn nữa: cái chiến tuyến vô tình phân chia tình anh em chúng tôi ngày nào đó bây giờ một phía đã bị chọc thủng, bị thủng nên mới phải rút chạy sang mãi tận bên kia đại dương. Trong sâu thẳm tâm tư của tôi, tôi cũng chẳng lấy gì làm tự hào khi nói chuyện được thua của cuộc chiến. Tôi chỉ nghĩ tới một điều, cái điều đó là cuộc chiến tranh vừa qua đem lại cho chúng ta quá nhiều bất hạnh, qúa nhiều đau khổ. Bây giờ mỗi khi nghĩ lại những ngày gian nan đó, tôi vẫn cảm thấy nó vượt quá sức chịu đựng của dân tộc mình. Lạ một điều là vượt quá sức chịu đựng mà mình lại vẫn đứng vững được, vẫn trụ được. Tôi có nói điều này với bạn bè và sau này với cả ông anh họ của tôi để tìm một lời giải hợp lí nhưng thường là không ai đưa ra được một cái nhìn chung, một tiếng nói chung cả. Quả thật, những kết luận và những bài học kinh nghiệm rút ra được từ cuộc chiến này đã rất nhiều người nói, sách đã viết và đã tổng kết, nhưng tôi vẫn chưa cho là đã đầy đủ. Khi nói về sự hi sinh anh dũng của nhân dân, của bộ đội được khắc họa quá lí tưởng. Trên dưới rất đồng lòng, rất quyết tâm. Tôi không phủ nhận sự hi sinh rất to lớn của dân tộc trong cuộc chiến tranh. Tôi là người trong cuộc nên tôi cũng biết khá rõ những sự hi sinh đó, thậm chí có nhiều sự hi sinh khiến tôi phải kính cẩn nghiêng mình, phải rơi nước mắt và quặn thắt con tim. Nhưng mặt khác, có lẽ tôi gặp nhiều hơn, đó là sự bắt buộc, sự cam phải chịu đựng, sự cam phải hi sinh, kiểu như nếu không thế thì cũng chẳng còn con đường nào khác. Nghĩa là đâu đó còn một sự thật, cái sự thật đó phũ phàng hơn mà nếu nói ra là có thể sẽ bị gạt ra khỏi con đường đang đi, thậm chí gạt ra khỏi cuộc sống đang sống. Cái sự thật này vừa phũ phàng vừa độc ác và vô nhân tính. Tôi cũng rất muốn bỏ qua, vứt nó ra lề đường, không suy nghĩ về nó. Nhưng cuộc sống vẫn đôi lúc xảy ra: cái mình không muốn mà nó vẫn đến giống như nó cứ luôn sẵn sàng là bạn đồng hành mỗi khi ta gặp một tình huống phải so sánh, phải suy nghĩ đa chiều và cái quan trọng là ta không được dựa dẫm vào người khác, không được ỉ lại vào những cái đã được xếp đặt sẵn.

 

Tôi và ông anh họ ngồi đối diện nhau, qua phút thăm dò thì đến phút thăm hỏi. Những câu chuyện xa xôi về một phương trời nào đó của ngày xưa mà chúng tôi cùng được hưởng, cái không gian xa xôi đó dần kéo chúng tôi về với nhau. Hình như cả đôi bên đều cố giảm đi cái phần tự trọng cá nhân, đều mong muốn cái chung xích lại gần hơn. Vì mong muốn như vậy, nên cả hai đều tránh nói đến thời cuộc, nói đến chính trị. Nghĩa là  không đụng chạm đến cái hệ tư tưởng không thể hòa hợp của nhau. Nhưng khốn nỗi, muốn gì thì muốn, dù cả hai đều tránh, nhưng rồi cả hai đều vấp phải. Khi nói đến cuộc sống còn khó khăn, ông anh họ của tôi nói tự nhiên: “Đó là cái chủ nghĩa xếp hàng cả ngày của chú, cái chủ nghĩa đó ở chỗ chúng tôi mà xảy ra thì chính quyền tiêu luôn”. Tôi như bị chạm nọc: “Các anh không hiểu thế nào là sự hi sinh, thế nào là sự vẻ vang. Một đất nước với tiềm năng kinh tế không bằng một bang bé nhất của nước Mỹ mà dám chống lại cái nước Mỹ đồ sộ đó, vậy ở đây là từ cái chủ nghĩa mà anh gọi là xếp hàng cả ngày đó đã biến thành chủ nghĩa yêu nước mà không một ông quốc gia nào có. Anh bảo cái nào vẻ vang?” Ông anh tôi không nói gì cả, tôi chắc ông ấy chưa hài lòng và cả tôi cũng vậy, tôi cũng chưa hài lòng với những lời của mình. Tôi thấy tôi rất yếu lí nếu nói tiếp về cái mục tiêu sau cùng phải đạt được của chế độ mình là hàng hóa sẽ thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu của xã hội, vậy mà bây giờ ta vẫn thiếu. Nếu đi ngược lại trước đó mấy chục năm, cái chế độ của ta còn bi đát hơn nhiều, sống trong sự thiếu thốn, sống trong sự cào bằng, sống trong sự không thật và dấu diếm và sống trong cái hi vọng ở tương lai không biết đến bao giờ mới được như thế nọ thế kia, như nước này nước khác. Quả thật nếu nói nữa là tôi bí, cũng may mà ông Mỹ rởm cũng không hiểu tường tận lắm về cái quá khứ chưa xa của ta hoặc giả có biết nhưng ông ấy chưa tiện nói mà thôi. Tôi chuyển đè tài qua cái sự học của con cái, từ cái sự học lại nói qua cái giáo dục. Cái ngày mới vào Sài Gòn sao tôi thấy bọn trẻ con nó ngoan thế, ban đầu mình cứ nghĩ là nó sợ cho nên cái hành động khoanh tay chào hỏi, lễ phép thưa gửi nó có vẻ quá quá, nó có vẻ giả giả, nó có vẻ phong kiến. Nhưng càng ở lâu, tôi càng thấy cái sự giáo dục như vậy thật hay. Mấy ông tú tài miền Bắc quen ăn nói trống không từ hồi nhỏ. Của đáng tội, hồi học mẫu giáo thì còn đỡ, đi về đều có chào hỏi, thưa gửi đàng hoàng nhưng càng lớn chẳng hiểu sao càng khó bảo, càng ngỗ ngược, mắt nó cứ tròn ra mà nhìn khách, nếu có được câu chào thì cứ lí nhí, lúng búng trong mồm như ngậm hột thị, thế mới lạ.

 

Ông anh họ tôi kể về cái lễ giáo ngày xưa, cái tôn sư trọng đạo. Nghề thầy nó cao quí, thiêng liêng lắm. Xã hội rất trọng người thầy đến nỗi thầy luôn phải có cái vẻ rất mô phạm. cái mô phạm đó nó dần thấm, dần ngấm và làm cho người thầy không thể sống trái với sự tôn trọng mà xã hội dành riêng cho, mọi hành động, lời nói, cử chỉ của thầy tất tất đều là tấm gương cho bọn trẻ noi theo. Anh tôi còn nói nhiều nữa và cũng thật may ông anh chưa có nhận xét gì về nền giáo dục đại trà nhanh như gió của ta. Ông ấy mới chỉ công nhận là chế độ ngoài này đào tạo được nhiều tú tài, cử nhân. Trong hàng ngũ binh sĩ cũng khối tú tài, thậm chí còn có cả những cậu gần cử nhân nữa chứ. Nói chung là ông anh tôi cũng nể trình độ học thức của chiến sĩ ta, nhưng mà ông ấy cũng ngạc nhiên khi thấy một ông sĩ quan của ta bật điều hòa chạy vo vo lại cứ mở toang cả cửa sổ, thậm chí cái đơn giản nhất là thiết bị vệ sinh cũng có người không biết sử dụng. Điều ấy tôi giải thích cho ông ấy hiểu cũng dễ thôi. Cái gì mà không có thì bao giờ cũng bỡ ngỡ. Ông anh tôi đã biết một xã hội tiêu xài, sống bằng nguồn viện trợ từ nước ngoài nhưng lại chưa biết một xã hội phải thắt lưng buộc bụng, hạt gạo chia ba. Với vài cái thí dụ mà bản thân tôi đã trải qua trong những năm tháng sống ở Trường Sơn, tôi nói cho ông anh tôi hiểu cái khó khăn, cái thiếu thốn của chúng tôi trong những năm tháng đó, và trong cái điều kiện vô cùng gian khổ, ác liệt đó chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ và đánh thắng. Cái dốt của những người lính chúng tôi trong sử dụng mấy cái thiết bị đó cũng dễ khắc phục thôi và cái đó có khác gì chuyện ngay cả nhà vua của ta ngày xưa cũng không tin là có cái đèn thắp ngược cơ mà. Ngay cả cái hình ảnh mỗi anh bộ đội về làng đều lủng lẳng một cái khung xe đạp và một con búp bê nhựa cũng rất đẹp trong kí ức của tôi. Chúng tôi có đòi hỏi gì nhiều đâu, thậm chí không hề đòi hỏi, trong muôn vàn cái cần thiết của cuộc sống, anh bộ đội vẫn còn nhớ đến một món quà cho con hoặc cho cháu. Họ chiến đấu có mục đích đấy chứ, mục đích đó chính là vì thế hệ tương lai, chính vì tương lai mà họ đi chiến đấu, chính vì tương lai mà họ dám hi sinh. Cái đó lại là cái hay ở mái trường xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi được dạy về lòng yêu nước, về sự sẵn sàng hi sinh, về các tấm gương anh hùng lẫm liệt chính từ dưới những mái trường này. Tôi lí giải cái đẹp và cái xấu nghe chừng có mâu thuẫn, nhưng thực ra không hề mâu thuẫn. Cả một thời gian rất dài đất nước luôn ở trong tình trạng chiến tranh, những nhành non tơ vẫn được chăm sóc chu đáo, vì thế những tiếng chào: “Chúng cháu chào chú bộ đội ạ! Mỗi khi ta đi qua một nhà trẻ nào đó bao giờ cũng vang lên thân thiết từ những tâm hồn trẻ thơ, từ những búp măng non. Chính từ những nụ cười và lời chào đó, cũng có một bộ phận đã kịp lớn để tham gia cuộc chiển tranh, từ trong sâu thẳm tâm hồn các bé thơ xưa, anh bộ đội là một hình tượng đẹp, một nhân vật mẫu và khi đã khoác bộ quần áo màu xanh rừng núi lên người, trở thành anh bộ đội thì nó bỗng vụt thay đổi, anh bộ đội ngày xưa mà bé yêu quí đã chính là mình hôm nay, anh bộ đội ngày hôm nay nhất định không làm hổ thẹn anh bộ đội ngày hôm qua. Cái mà chúng tôi học được ở nhà trường xã hội chủ nghĩa là vậy. Vâng, thật ra vẫn còn rất nhiều đáng bàn về cách dạy và học. Tôi công nhận, tôi đã biết và tôi rất bí cách giải quyết. Một nền giáo dục mà ai cũng chăm chăm vào đến tận đại học thì chắc gì đã là một điều tốt? Nhưng cái tôi quan tâm đến nhất là chất lượng của thầy và trò. Cái lí của ông anh tôi về cái đạo làm thầy ngày xưa nó đúng quá, tôi không cãi nhưng tôi chưa thật phục. Cái mô phạm của người thầy là rất cần thiết, người thầy phải vựơt qua được một cái ngưỡng nào đó mới được tôn vinh, để vượt qua cái ngưỡng đó con người mà ở đây là người thầy cần có cái tâm trong sáng. Con người đó có tách khỏi cái cơ chế thị trường đang vận hành trong xã hội của ta? Cái tâm, bao nhiêu người bình thường có cái tâm trong sạch và bao nhiêu con người có cái địa vị cao sang mà lại không trong sạch cái tâm? Câu trả lời tôi nghĩ là không khó, vậy mà bao lâu rồi ta cứ tuyên chiến với cái tâm không sạch đó nhưng vẫn cứ bị nó lấn át, nó đánh bại. Hỏi thử xem những ai đã thực sự tuyên chiến, những ai chỉ hô hào suông?

 

Biết hết và để đó. Đụng đến là đổ bể cả nút, tôi đã từng nghĩ như vậy. Ngày còn thanh niên, tôi có đọc Na-pô-lê-ông, nghe nói ông ta tuyên chiến với nạn trộm cắp trong vòng sáu tháng và ông ta làm được. Tôi ước có một ông hoàng như thế quá!

 

Nếu cứ lan man dây cà dây muống thế này mãi thì đêm nay quá ngắn với chúng tôi. Tôi muốn chấm dứt những cái chuyện không thuộc tầm cỡ của mình, nhưng quả thật khi nêu vấn đề ra rồi, tôi lại không thể ngừng “xem xét”. Âu cũng là một kiểu trong phong cách con người Việt Nam ta. Chuyện gì cũng quan tâm, chuyện gì cũng góp ý được, bình luận được. Trong nước, thế giới, cái gì cũng biết. Chỉ không biết chắc rằng trên thế giới họ có đánh giá vai trò hiểu biết, phân tích tình hình cao của nhân dân ta không? Tri thức của dân ta họ có xếp hạng không?

 

Bữa cơm tối bà vợ tôi chuẩn bị tiếp khách đã được dọn ra. Ông anh họ người Mỹ gốc Việt của tôi cứ suýt soa tại sao lại bầy vẽ lắm thế. Cái thói quen ăn nhậu của dân Bắc mình mới có từ ngày thống nhất nước nhà. Trước kia dân Bắc ta chỉ nói là ăn “tươi” thôi. Còn trước nữa thì tôi còn bé lắm, bé đến nỗi chưa có mặt tôi ở trên đời kia nên tôi không biết. Một tháng may ra có một bữa ăn tươi, vợ chồng con cái ngày hôm đó ai nấy đều vui vẻ ra mặt. Những bữa ăn như thế nó đầm ấm và đã rất xa xôi, nó gợi lại một thời khốn khó nhưng cũng rất hào hùng xen bi tráng.

 

Tôi mang chai rượu Tây mua được từ hồi đi công tác nước ngoài ở của hàng miễn thuế ra để đảm bảo với ông Tây rởm nhà mình là hàng thứ thiệt. Ông anh tôi lắc đầu: “Chú mang chai quốc hồn, quốc túy ra để anh em ta uống, loại này đắt lắm, tôi biết, để dùng vào một dịp khác. Hôm nay đến với chú thím, tôi muốn là người Việt thì dùng hàng Việt”. Ông Tây rởm này nói hay thật! Tôi bất ngờ trước lời đề nghị của ông anh họ. Hóa ra tôi mới thật là thằng rởm, cái tính “sĩ” nó có ở trong tôi từ bao giờ tôi không biết, cái tính “sĩ” này hầu như có ở mọi người Việt ta. Thói chuộng ngoại, sính ngoại! Tôi bần thần để chai rượu ngoại sang một bên, lôi trong tủ rượu ra một chai rượu thuốc đã pha chắt sẵn. Ông anh họ tôi cầm lên và nói : “O.K, dân tộc đây”

 

Phải nói là sau cú huých “dân tộc” đó, anh em chúng tôi nói chuyện thoải mái hơn rất nhiều, cộng với một chút men, lời ra như có cánh. Tôi nói về thứ rượu thuần Việt này, cách làm ra làm sao, men phải chọn thế nào, cơm phải ủ bao lâu, muốn cất nước trong, nước đục thế nào, Ông anh tôi vừa nghe, vừa lắc. Tôi nghĩ chắc là ông ấy phải phục sát đất khả năng nấu rượu của mình. Đột nhiên ông ấy hỏi: “Chú có biết nấu rượu, cái quan trọng nhất là gì không? Vừa rồi tôi nghe chú thao thao, đấy là qui trình, đấy là bước một, bước hai… nhưng cái qui trình chú nói chỉ ra rượu hạng bét, chua loét… chú nói phét , biết chửa?” Tôi lại giật thót mình. “Làm sao mà lão ấy biết mình nói phét nhỉ? Ư thì nói phét đấy, nói phét cũng là một nghệ thuật. Ông không tin chứ gì, nhưng tôi nói cho ông biết nhé, sẽ có ối người tin tôi.” “Họ không nói lại đó thôi, họ biết chú có quyền, đang nắm quyền, họ nhịn đi một chút chẳng sao, họ cho chú biết hơn một chút, chẳng sao. Cái được của họ là ở chỗ khác, thí dụ như chiếm được cảm tình của chú, còn cái mất của chú thì nhiều lắm, chú đã để lộ ra cái yếu điểm đó là tính khoe khoang, tính hiếu thắng muốn mình hơn người, mình cái gì cũng biết, muốn ai cũng phải nghe. Người ta nghe là nghe cái ghế chú đang ngồi đấy. Chú làm gì biết nấu rượu mà nghe. Rượu chú nấu ra có mà đổ đi”. Lão Tây rởm gật gù, tôi ngồi độc thoại với bản thân, tôi cũng như đang nghe những lời như vậy từ chính cái miệng của lão.

 

Bà xã nhà tôi nhanh nhảu, vừa gắp miếng thịt gà tiếp cho ông anh chồng, vừa nói: “Bác ăn đi, cái lão nhà em mà rượu vào thì trên đời chẳng còn gì hết… Sao mà anh em lại khác nhau thế… Cái thứ này là hàng sạch đấy, có chứng chỉ hẳn hoi”. Tôi nghĩ “mụ” này lại động vào chuyện chính trị mà người ta đang tránh rồi. Không thấy ai nói gì, mụ lại chêm: “Chẳng biết các ông chống với phòng cái quái gì mà dân thì bỏ cả ngàn, cả vạn đi tong…chôn , hủy, đền bù bao giờ tiền nó mới tới tay ông bà nông dân, khéo lại mấy ông trung gian ăn hết. Mọi chuyện thế, chuyện này đã chắc gì tránh được… đấy, đền bù, giải tỏa cứ năm nọ tiếp năm kia…nhà em có mảnh đất trên Hòa Lạc, cứ bị treo mãi. Không biết bao giờ mới giải tỏa, không biết bao giờ mới có tiền, hàng năm cứ mất non chục triệu vào đó, thu về thì được mấy quả vải, ăn mãbni chua cả mồm…” “Thôi, bà ơi, bà nói thêm chút nữa thì bà lại lôi cả tôi, cả con cái vào cái vòng tội phạm hết đấy”. Tôi phải gạt cái “mụ”lắm lời, hay kêu ca, chỉ nhìn thấy phần tối của xã hội này ra. “Mụ” nhà tôi chỉ cần lê từ nhà ra quán nước cây đa cách vài trăm mét là tha về khối chuyện xã hội. Mà lạ, chuyện nào cũng tối tăm, chuyện nào cũng bi đát, nó cứ tự nhiên như đã có sẵn ở gốc đa quán nước ấy. Đặc biệt là tại sao “mụ” lại biết được nhiều chuyện các ông lớn đến thế. Tôi là tôi cứ mù tịt, mà tôi đâu có mũ ni che tai, tôi cũng biết khối chuyện, tôi lại đang có chức, có quyền. Tuy cái chức và cái quyền đó hơi bé, nhưng cũng đôi khi tôi thấy cái sai của tôi cũng gây ra lãng phí, thất thoát bạc triệu rồi. (Chẳng là tôi là anh chuyên viên chuyên theo dõi về các định mức mà) Nếu tôi mà cỡ các ông to to hơn thì thất thoát sẽ là bao nhiêu nhỉ? Tôi không biết con số đó, nó không phải là công việc của tôi, nhưng tôi nghĩ nó cũng không nhỏ, chắc thế! Nhưng nói ra thì được cái gì, có khi không vào đầu lại cũng vào tai. Chả dại! Người như tôi còn nhiều lắm, biết mà không nói, nhiều lắm. Có khi nó cần một “cơ chế nói”. Đúng, cách nói của ta chưa được vì ta chưa có cơ chế. Tôi lại thỏa mãn với lời tự biện hộ đó. Hãy đợi cơ chế!

 

Ông anh họ của tôi, cái ông người Mỹ gốc Việt ấy, chỉ nghe vợ tôi nói và không thêm bớt cái gì hết. Tôi cứ tưởng ở lĩnh vực này chắc ông ấy cũng ú ớ thôi. Tôi nghĩ , đa phần mấy ông cỡ tuổi như tôi thế này là cũng còn hận lắm, mỗi một vết đau trên cơ thể chúng ta là mấy ông lại được dịp bày tỏ cái chính kiến bất đồng, buông cái lời chê trách. Hi vọng đến đời con cái chúng tôi , cái vết hằn vì cuộc chiến sẽ nhạt dần, chúng nó sẽ coi nhau là bạn, là anh em dễ hơn thế hệ chúng tôi ngày nay. Sau khi nâng cốc chúc sức khỏe lần nữa vợ tôi, cám ơn và có đôi lời khen thành thật về sự đón tiếp của vợ chồng tôi, ông anh tôi nói: “Cô chú biết không, những người như chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về cái thất bại của cuộc chiến. Chúng tôi biết lắm chứ, quân lực cộng hòa được trang bị và yểm trợ khá hơn quân đội cách mạng nhiều, chúng tôi có Mỹ, các chú có Nga xô và Trung cộng giúp đỡ, nhưng sự giúp đỡ của Mỹ cho quân lực cộng kòa lớn hơn sự giúp đỡ của Nga Xô và Trung cộng cho các chú nhiều. Vậy mà các chú vẫn chiến thắng. Tôi công nhận là các chú đã chiến thắng trong cuộc chiến này. Nhưng trong cái chiến thắng đó tôi có nỗi lo, thực chất thì trang bị quân đội của cả hai phe chúng ta đều do nhận được từ bên ngoài. Cái thực chất của cả hai phe chúng ta là không có. Sức mạnh bây giờ ngoài lòng dũng cảm, nghệ thuật tác chiến, nghệ thuật chỉ huy còn phần phụ thuộc quan trọng vào vũ khí. Vũ khí trong tương lai có vai trò rất quan trọng. Các chú đừng có nhấn mạnh vào con người nhiều quá và cũng đừng tưởng ta đây là nhất nhì thế giới. Tôi nghĩ chiến tranh bây giờ nếu nổ ra sẽ khác cuộc chiến ngày xưa, ác liệt hơn, đau khổ cũng nhiều hơn. Mà đau khổ thì chỉ nhân dân phải chịu. Nhân dân là số đông, cái số đông ấy phải chịu. Tôi không muốn xảy ra cuộc chiến đó nữa, không bao giờ muốn.”

 

Tôi thấy quan điểm của ông anh tôi như đã xích lại gần tôi, nhưng cái luận điểm của ông vẫn còn có vẻ “vũ khí luận” lắm, ông chưa thật giống tôi về cách đánh giá vai trò con người. Nhưng mà thôi, việc đánh giá đó theo thời gian và sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật sẽ thay đổi, nhưng ông anh tôi lại có một ý mà tôi thấy đồng tình: người chịu đau khổ nhiều nhất vẫn là nhân dân. Đúng quá, đâu cũng vậy hết. Những cảnh chết chóc tang thương chỉ xảy ra với nhân dân mà thôi.

 

Tôi cũng suy nghĩ nhiều về sự hi sinh của nhân dân. Sự hi sinh ấy lớn lao lắm, tôi chịu không hình dung ra hết. Cái thiếu thốn cũng là hi sinh, mà thời đó ở miền Bắc ta ai là người không thiếu thốn. Phải xa nhà đi chiến trường, phải tạm biệt người thân cũng là sự hi sinh, mà ở miền Bắc ngày đó mấy gia đình không có người thân đi chiến đấu. Rồi thì cái chết đến với người ra đi, người ở quê nhà cứ vò võ chờ đợi , chờ đợi cho đến hết cuộc đời mà người ra đi không trở lại, bao nhiêu hòn vọng phu như thế trên đất nước ta, bao sắc xuân đã úa tàn trên khắp mọi miền đất nước. Một hạt gạo cõng ba hạt ngô, hạt sắn cũng là sự hi sinh. Phá nhà, để làm đường cho xe qua cũng là sự hi sinh. Phải bỏ dở dang chuyện học hành cũng là sự hi sinh. Ôi nhiều quá, còn bao nhiêu điều, bao nhiêu sự việc khác nữa chứ, ai thống kê nổi. Nỗi đau còn giằng dai, còn in vết lâu hơn ở những gia đình mang di chứng chiến tranh. Nhìn những cảnh thương tâm đó, hỏi có trái tim nào không xúc động, trái tim nào có thể thờ ơ?

 

Ông anh tôi lau mắt, cái dáng già nua đến thê thảm của ông cũng chứa bao nỗi đau. Em trai chết trận. Con trai đầu cũng chết trận. Ngày trước giữa chúng tôi là hai trận tuyến, hôm nay tôi kính cẩn xin khóc anh và cháu một nén nhang, xin thành tâm chia sẻ những mất mát này với ông anh họ của tôi. Bây giờ dù với người thân của anh họ tôi đây hay với những người đã ngã xuống khi  còn ở phía bên kia, đối với tôi cũng đều là dân một nước, đều thuộc dòng dõi con Lạc, cháu Hồng. Dù ở bất cứ nơi đâu, tôi đều cầu mong cho những linh hồn đó được siêu thoát.

- Thôi chúng ta hãy vui lên đi, trong buổi gặp lại nhau đầu tiên này đừng nói chuyện không vui nữa, mà sao anh em nhà các ông cứ thích nói chuyện chính trị thế nhỉ, nói chuyện vui xem nào? “Mụ” vợ lắm điều của tôi điều tiết câu chuyện đang đến thời kì bi đát. Phải nói là “mụ”dẫn chương trình còn hay hơn ối các M.C chuyên nghiệp. Tôi cười ào ào để cho qua giây phút “tang thương ngẫu lục” còn đang đọng lại. Ông anh họ tôi cũng cười, cái cười làm cho ông ta trẻ lại đúng mười tuồi. Cái cười của thời niên thiếu đã qua từ bốn chục năm nay, sau những năm tháng bôn ba nhọc nhằn, sau những truân chuyên đầy ải, sau cả những nỗi đau vò xé… trải qua bao nhiêu cái “sau” đó làm gì mà ông ấy không già. Bất giác tôi thấy lại một tình yêu thủa nào xa xưa với ông ấy. Tôi cười rất tươi, cái cười của tôi bây giờ không phải là cái cười ngoại giao lúc đầu gặp lại, mà là cái cười “du lịch”. Cái nụ cười “Việt Nam, điểm hẹn của thiên niên kỉ”, chỉ tiếc là tôi không mặc áo dài và phất phơ nón lá. Ông anh tôi bảo:          

- Chú phải chuyển sang làm công tác bên du lịch mới đúng. Thật đấy, trong cái quan hệ xã hội mà tôi mới được tiếp xúc ít nhiều, tôi thấy ở ta còn ít nụ cười lắm.

- Vô lí. Tôi lại giật thột như bị kiến đốt. “Em nhớ như in thế này. Chẳng là ngày xưa em được đi học ở nước Nga, lưu học sinh ta thì tiếng tăm kém lắm. Nghĩa là họ nói mười, kèm cả nhiều động tác tay chân như múa hay tập võ gì đó, thì mình may ra cũng hiểu được một. Hình như làm nhiều động tác quá, cái người chịu trách nhiệm hướng dẫn cho mình mệt quá, lắc đầu, cười. Vậy là anh em học sinh ta cũng cười luôn theo. Vậy là vui. Nhưng sau đó họ dẫn mình đi chơi phố, phải nói là dân Việt mình nhàn nhất thế giới, chúng em cứ tằng tằng đi thoải mái sang đường, chẳng cần chú ý đèn đỏ, đèn vàng gì cả, thằng cha dẫn đường thì đi như ma đuổi, quát nhắng lên, mặt đỏ quàu quạu, tay vung lia lịa lên giời xuống đất. Học sinh ta chạy như vịt trên hè phố đông và… cười”. Thằng cha hướng dẫn nói: “tại sao lúc nào chúng mày cũng cười, người ta vui thì cười, khen thì cười, chứ ai lại người ta mắng cho mà cũng cười. Thật lạ!” Hắn ta im, lắc đầu và bọn lưu học sinh bọn em lại cười. Đấy, Người Việt mình vui thế đấy, hay thế đấy. Ta đâu có thiếu nụ cười. Mời thế giới đến đất nước ta với nụ cười là dễ ợt!”

- Ông này đúng là ở trên trời rơi xuống. “Mụ” vợ của tôi giội cho tôi một gáo nước lạnh sau câu chuyện từ xa xưa mang nhiều dấu ấn một thời của tôi. “Chẳng vô lí khi ta phải tuyên truyền cho khách quốc tế đến bằng nụ cười, cái nụ cười ở Việt Nam mình hiếm lắm”. Tôi nghĩ, “mụ” này vừa nãy còn khuyên anh em tôi không nói chuyện đời mà bây giờ tự nhiên lại khơi mào chuyện đời nói lại, tôi im lặng nghe “mụ”ta nói tiếp “Ông là cán bộ của cái cơ quan to, người ta đến với ông là phải hệ lụy, người ta phải cười trước với ông, có khi là họ cười từ ngoài cửa mà ông không biét đấy. Lúc ông ngửng đầu lên thì thấy người ta toe toét rồi chả lẽ ông lại không nhếch mép. Ông nhếch mép chứ không phải ông cười đâu nhé. Tôi nói cho ông hay, các cơ quan nhà nước ta, cơ quan nào cũng thiếu nụ cười tôn trọng con người, nụ cười tiếp khách. Bất cứ ai đến các cơ quan công quyền đều cảm thấy mình là người đi xin, là người nhờ vả. Tìm được một nụ cười của mấy ông bà tiếp dân, giải quyết việc cho dân là khó lắm. Ông cứ thử đến công an, bệnh viện xin cái chứng nhận hay làm cái xét nghiệm mà xem, ngồi trước bàn dưới cái khẩu hiệu “với dân phải tận tụy, với bệnh nhân phải tận tụy, lương y như từ mẫu”là bộ mặt lạnh lùng với câu hỏi cộc lốc “cần gì, làm gì, hỏi gì, việc gì, xin gì, nghề gì hoặc là khám gì, bệnh gì, đau đâu… nghĩa là ông không được đối xử tận tụy đâu. Đương nhiên là cuối cùng ông sẽ có được câu trả lời. Câu trả lời có thể làm ông thỏa mãn nếu …gặp may, còn nói chung là sẽ có hẹn đến lần khác, bằng giấy tờ hẳn hoi, rất đúng các qui định và qui trình, nhưng nó không mang lại cái sự thoải mái cho con người khi ra về một khi phải bước qua cổng vào các cơ quan công quyền đó”. Đúng là tôi cũng đã nghe nhiều về các cửa quan thời nay, chỗ tôi làm việc cũng là một cửa quan, tôi chỉ quen giải quyết công việc, việc giải quyết mang cái nghĩa ban phát cho thiên hạ chứ không phải vì thiên hạ, cho nên tôi cứ vô tư. “Mụ” vợ tôi ở nhà bán hàng giải khát sau khi nhận “một cục”nên “mụ” ta đời hơn tôi tưởng nhiều. “Đấy, tôi kể thêm nhé, hình như cái bực mình trong mụ chưa giảm nhiệt, cái xe của thằng con nhà mình để ở ngoài đường bị lấy mất cái biển số. Mất biển số xe thì phải lên công an mà khai báo, xin cái giấy chứng nhận để đề phòng những chuyện rắc rối sẽ xảy ra để khi cần thiết có cái làm bằng, có cái trình bày. Vậy mà nó lên công an, được hỏi một câu: “ ý anh là thế nào?” Và được hướng dẫn làm tờ khai. “Thế nào là thế nào?” Thật khó hiểu cho câu hỏi. Hôm sau, đúng hẹn mang giấy khai đến thì một vị khác bảo làm không đúng, phải viết lại. Anh mất biển số xe ở phường nào thì đến phường đó làm chứng nhận. Thôi thì tốt nhất là xin làm biển khác, muốn vậy thì lên sở hỏi thủ tục. Ơ đây không giải quyết được vì không đúng thẩm quyền. Đấy, xe của nó cứ vậy đi, chưa xin được biển số. Khi nào bị bắt thì chịu nộp phạt. Lại chạy tiếp. Lúc đó thì ông bố liệu mà đi xin cho ông con. Lúc đó ông mới biết thế nào là cửa quan nó khó khăn, nó gian truân đến nhường nào. Ơ đó ông không có nụ cười đón tiếp đâu, ở đó ông là dân đen đến cửa quan nhờ cậy. Rồi khi nào cầm sổ hưu mới biết, ông sẽ gặp những con bé mặt non choẹt tuổi con, tuổi cháu dạy bảo!

 

Nói về cái khía cạnh con người, chúng ta luôn có nhiều điểm giống nhau, ai cũng muốn có xu hướng vươn lên, muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Về cơ bản con người luôn có cái tâm, cái thiện làm gốc. Dù ở bất kì phương trời nào bằng cái tâm và cái thiện, con người ta đến với nhau được hết, hiểu nhau hết. Nhưng cuộc đời xô đẩy, mỗi người mỗi phương, mỗi người một cuộc sống. Ơ người này thì cái khó làm con người ta càng trong sáng, ở người kia thì cái khó làm lòng dạ u tối. Hãy vất đi những cừu hận, hãy bỏ đi cái quá khứ nặng nề, hãy quên đi những kỉ niệm u buồn. Gạt qua tất cả những điều đó ta càng con người hơn, càng đáng trân trọng hơn. Chúng tôi, tôi và ông anh họ Người Mỹ gốc Việt kia vốn là anh em dưới một mái nhà, nhưng do hoàn cảnh cuộc đời nên có những quan niệm khác nhau về nhiều vấn đề của cuộc sống, có những quan điểm chính trị khác nhau, từng cầm súng đánh nhau. Nghĩa là chúng tôi, hai người đã từng ở hai chiến tuyến, hôm nay đây cũng đã gạt đi được những mặc cảm tàn dư cuộc chiến, đã ngồi lại với nhau bên một bữa cơm thuần Việt, vẫn hiểu mình là con người Việt, cốt cách Việt. Từ cái hiểu nguồn gốc về giống nòi cho đến cái quan niệm về tình thương, chúng tôi vẫn một dòng suy nghĩ và cái đó làm chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Cái phút đầu dè chừng để ra miếng không còn nữa. Bà xã tôi sau khi đã xả ra được cái “uất ức” mang một bát canh cua rau đay lên để mọi người ăn cơm. Cơm canh cua rau đay đầy dân dã mà lại là đặc sản. Bát cơm chan canh cua có cái nhớt của rau đay quyện cả bát cơm trong một khối kết dính, trơn tuồn tuột trôi vào miệng. Hương làng ở đây, hồn quê ở đây, chất Việt ở đây. Mọi thứ cao sang sẽ chỉ là giả tạo khi ta vẫn nhớ cái nắng nồng oi bức đi móc cua ven các bờ ruộng, khi chiều tối đặt chũm bắt con lươn, thả vỏ vó bắt con tôm, con tép, khi đầm mình xuống ao sen xanh lướt và hít hà cái mùi thơm ngô nướng bếp than đêm đông trong cái ngôi nhà gió lùa tứ phía. Tất cả những cái đó là cái nghèo của nhà tôi, của quê tôi, của nước tôi. Dù sống ở nơi đâu, mỗi khi nhớ đến ánh nắng tàn chiều trên cánh đồng với con trâu thủng thẳng, tôi lại nhớ mình là người Việt, một người Việt chính hiệu./.

 

2005

Vinh Anh
Số lần đọc: 2077
Ngày đăng: 27.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một cõi nhân gian - Trần Quang Vinh
Đại gia - Nguyễn Viện
Chết treo - Phạm Nguyên Trường
Những chiều thứ sáu trên chiếc xe buýt số 51 - Nguyễn Thành Nhân
Tết này ba có về không? - Trần Minh Nguyệt
Trò chơi cuối - Bạch Lê Quang
Chuyện tình của thị mầu - Đỗ Ngọc Thạch
Người đàn bà cọp vồ - Dương Phượng Toại
Mùa chim bay đi - Lê Trâm
Phóng sự ảnh - Thiện Phạm
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)