Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
666
116.609.341
 
Mỹ Xuyên và sản xuất sành ở miền trung qua tư liệu khảo cổ học
Trần Anh Dũng

Mỹ Xuyên là làng nhỏ chuyên làm nông và chạm khắc gỗ, thuộc thôn Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vậy mà không ai ngờ được năm trăm năm trước đây vốn là một làng sản xuất gốm sành lớn nhất ở Trung bộ. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã đem lại những hiểu biết nhất định về lòng đất của làng Mỹ Xuyên. Sản phẩm của lò sành Mỹ Xuyên được phát hiện khá nhiều trong lòng đất cổ của nhiều tỉnh ở miền Trung Việt Nam và còn có mặt tại Nhật Bản. Cách Mỹ Xuyên khoảng 500m về phía đông bắc của là làng gốm cổ Phứơc Tích mà suốt thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX vẫn còn hoạt động.

 

Khu lò gốm Mỹ Xuyên nằm kề bên con sông Ô Lâu, một phần của các lò gốm cổ này nằm ngay bờ của một con hói (ngòi) nhỏ ở phía nam sông Ô Lâu, trên một gò đất cao. Mặt cắt rìa gò đất, cũng là taluy của con hói do mưa sói lở, đã lộ ra những vỉa sành dày từ 4 – 5m. Trong phạm vi của làng cổ ven sông với chiều dài khoảng 1km, chiều rộng chừng 700 – 800m dọc theo bờ nam của con hói là phế tích của những lò gốm sành cổ xưa. Những gò đất cao chứa đầy ắp phế tích đồ gốm sành cổ ở vùng này thường được nhân dân địa phương gọi là Cồn Trèn (Trèn có nghĩa là sành). Cư dân của Mỹ Xuyên hiện tại không hề biết gì về những cồn sành trong làng, họ sống bằng nghề làm ruộng và chạm khắc gỗ thủ công. Ngay sát bên các hố đào của chúng tôi là các công trình kiến trúc thế kỉ XIX – XX như đền, miếu thờ thần Cao Các, nhà thờ họ.….đều được xây dựng đè lên ngay trên các phế tích của các lò gốm cổ.

 

Các phát hiện khảo cổ học

Diện tích phân bố của các lò gốm và đồ sành phế thải tại đây có đến vài vạn mét vuông, Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng với Bảo tàng Tổng Hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã khai quật 3 khu vực khác nhau và ở một sốđịa điểm khác có dấu tích của nền lò nung gốm.

 

Tại khu vườn nhà ông Lê Hoàn Diệm, cách con hói 50m về phía đông, hố khai quật đã cho hay, tầng văn hoá nơi này dày tới 4,60m. iHi

Hiện vật thu được trong hố gồm nhiều loại hình đồ sành.

Khu vực dứơi nền đền Cao Các, ngôi đền này nằm kề bên con hói nối với sông Ô Lâu và cách con hói chừng 10m, tầng văn hoá còn dày tới 5m, đồ sành phế thải ken dày đặc. Tại đây, hiện vật tìm được chủ yếu là vò sành đáy nhọn, nồi gốm có  vết kẻ ngang, nắp vung, cối, bình, vò dạng choé…

 

Khu vực vườn nhà ông Bùi Quang Thư, phía bắc vườn có một gò đất cao, phát hiện được một lò nung gốm mà trong lòng của lò này chứa toàn bộ mẻ nung cuối cùng, vì lí do nào đó chủ nhân của lò gốm đã bỏ lại sản phẩm, không kịp ra lò. Lò dài 17m, rộng 7m, cao cách mặt vườn từ 0,60 – 0,90m. Hố khai quật được mở ra ở chân gò phía nam để tìm ra những dụng cụ sinh hoạt và sản xuất của chủ nhân những lò gốm này. Tại khu vực này, tầng văn hoá dày 3,4m. Tại hố này thu được nhiều đồ sành tinh xảo.

 

Các di tích lò gốm

Song song với việc đào 3 hố khai quật nói trên là việc kiếm tìm dấu tích của các lò nung gốm nhằm tìm hiểu trình độ sản xuất và quy mô của việc sản xuất đồ sành tại đây.

Trong hố khai quật thứ 3 tìm được một mảng vòm lò dày 16 – 17cm, mặt ngoài màu đỏ gạch, mặt trong bị thuỷ tinh hoá màu xanh ngọc, dày tới 0,7cm.

Khu vực vườn nhà ông Diệm: thấy một số mảng nền lò đã bị phá vỡ ngay trên mặt đất.

Khu vực vườn nhà ông Xá phát hiện được 3 nền lò gốm nằm song song với nhau theo hướng bắc – nam, tuy nhiên cả 3 nền lò này đều dốc theo hướng đông tây và đã bị phá huỷ, các kích thước của nền lò còn lại như sau: Nền lò thứ nhất, dài 4m, rộng 3m; Nền lò thứ hai và ba dài 4m, rộng 2m.

 

Nếu căn cứ vào lò nung gốm còn nguyên vẹn ở khu vực nhà ông Thư thì thấy những lò nung ở Mỹ Xuyên có kích thước khá lớn. Ba hố khai quật nằm ở vị trí sát  các vết nền lò nung bị phá, đó là những đống đồ phế thải đựơc trút ra từ các lò gốm. Tầng văn hoá ở nhiều khu vực trong làng rất dày. Sản phẩm của các lò gốm khá thống nhất với nhau về loại hình cùng với quy mô sản xuất to lớn, mật độ phân bố dày đặc của các lò nung gốm, đã cho thấy Mỹ Xuyên là một làng gốm rất lớn với nhiều lò nung gốm được đắp nổi ngay trên mặt đất đã tồn tại trong khoảng thời gian 2 thế kỉ, từ đầu thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII.

 

Các sản phẩm đặc trưng của lò Mỹ Xuyên

Chỉ tính trong diện tích khai quật, đã thu đựơc hàng vạn mảnh sành và  những đồ sành còn nhận được dáng, bao gồm các loại sau:

 

Bình vôi  có quai và không có quai. Bình vôi không có quai phần lớn ở đỉnh có chóp nhọn, không có cổ, thân trên phình rộng, thân  dưới thon, thừơng có 2 gờ nổi, chân đế xoè ngang rộng; Loại có cổ, hình con tiện, đỉnh có chóp nhọn, tán hình nón, cổ cao, thon, thân chia làm 2 phần, thân trên tròn, thân dưới thót, có 1 gờ nổi. Cũng có kiểu không có thân dưới, đáy bằng, lõm dần vào giữa đáy.

 

Loại bình vôi có quai thường trang trí hình 2 tua uốn khúc ở chỗ gắn quai trên thân bình. Có kiểu hình giống trái cau, đáy bằng, thân tròn, thường chia thành hai phần trên và dưới. Những chiếc bình vôi này là những sản phẩm rất đặc trưng của khu lò Mỹ Xuyên.

 

Bình có rất nhiều loại, kiểu dáng phong phú, thông dụng nhất là loại bình cổ ngắn, vai xuôi, thân daì, đáy thót nhỏ, gần gũi với dáng bình tì bà bằng gốm men.

Ngoài ra còn có một loại bình sành không có cổ, trang trí các đường kẻ ngang, bình miệng bẻ ngang, cổ thắt, thân dài, trên có trang trí các đường kẻ ngang, đường kẻ ngang kết hợp với các đường sóng nước hoặc các chấm dải hình tia theo truyền thống của đồ gốm Sa Huỳnh.

Lọ cũng rất nhiều loại, song phổ biến là loại cổ thon, thân ngắn, đáy bằng, vai trang trí băng sóng nước hoặc chấm dải nhỏ li ti theo phong cách truyền thống của gốm Sa Huỳnh. Cũng có loại lọ thân ngắn, phình rộng, giống dáng chum.

phổ biến là loại cổ và miệng ngắn, vai có 4 quai gắn nổi hình chữ S nằm ngang xen lẫn các băng hình sóng nước khắc chìm khá giống với chum sành Thổ Hà (Bắc Giang)và Phù Lãng (Bắc Ninh).

 

Liễn  hình trụ, nắp đậy hình bán cầu, giữa vai và thân có đường gờ nổi, bên trên là băng chấm nhỏ li ti xếp hình tia, loại này chỉ tìm được ở hố đào thứ 3.

Vò kiểu quả chuông hình dáng giống quả chuông, miệng khum dần vào, cổ ngắn, vai ngang, thân cao, đáy bằng.

 

Chậu có nhiều loại, phổ biến là các loại miệng bẻ ngang, thành miệng to, thân cong hoặc gấp khúc, có loại thân trang trí rất nhiều đường kẻ ngang.

 

Đĩa đựng dầu thắp sáng loại phổ biến hình bán cầu, vành miệng có máng nhỏ để bấc. Loại khác khá cầu kì, thân hình trụ, tán hình bán cầu, trên thân khắc hình lá dừa và hình người.

 

Bát sành chủ yếu là loại bát đáy bằng, dáng bán cầu.

Tẩu? tìm được khá nhiều, đó là một ống sành rỗng, một đầu uốn cong giống hình cái tẩu.

Nắp vung kiểu loại phong phú, đẹp nhất là loại nắp vung có núm nhọn, hình chóp, tán vung trang trí băng sóng nước, băng chấm nhỏ li ti xếp thành hình tia, các loại nắp vung khác là loại hình bán cầu, hình nón có núm.

 

Cối  hình phễu, đáy bằng, chân đế ngang mang đậm phong cách của cối sành Thổ Hà và Phù Lãng.

 

Chõ hình chuông, có chân đế, đáy khoét nhiều lỗ thủng để hơi nước bốc lên.

 

Dọi xe sợi hình trứng, kích thước lớn, cao 8,8cm, lỗ để luồn sợi có đường kính 0,7cm.

 

Lon sành chiếm số lượng nhiều nhất. Có 2 loại: loại có ngăn và không có ngăn. Loại có số lượng ít là loại lon có vách ngăn dọc bên trong. Ngoài những di vật trên, tại đây còn tìm được dụng cụ sản xuất gốm như vòng bằng sành dùng để đệm bàn xoay gốm, nậm sành màu nâu, có 2 màu, ấm sành….

 

Đồ đất nung chủ yếu là nắp vung và nồi. Nồi gốm rất đa dạng về kiểu loại song chúng giống nhau ở đặc điểm đáy đều được làm bằng hoặc tương đối bằng phẳng. Sự khác nhau là ở phần thân: thân cong hoặc gãy gấp khúc, trên thân có nhiều hoặc ít đường kẻ ngang, có quai và không có quai…

 

Đáng lưu ý là còn tìm được một nắp vung bằng đất nung tạo dáng như một mái kiến trúc, các góc của nắp vung khiến người ta liên tưởng đến những góc đao cong của đình làng đồng bằng Bắc Bộ.

 

Ngoài ra, cũng có ở hố này còn phát hiện được một phần trên của hồ lô bằng gốm (có lẽ được cắm lên nóc của tháp đất nung), phần này hình dáng giống như một cái búp sen, bên trong tạo lỗ rỗng, có khấc ở dưới để lắp ghép với phần bầu dưới.

 

Đồ gốm men dùng trong sinh hoạt của các thợ gốm, được phát hiện không nhiều, chủ yếu là ở lớp văn hoá bên trên trong các hố đào thứ hai và thứ ba và đều là đồ gốm Trung Quốc thế kỉ XVII – XVIII. Những mảnh gốm này được phát hiện ở độ sâu 0,65 – 3,40m. Mảnh gốm men ở lớp văn hoá sớm, trong độ sâu 3,40m là một mảnh bát sứ men trắng, bên ngoài vẽ văn móc xoắn và hình những con ngựa có cánh – phong cách rất điển hình của mô típ trang trí trên gốm sứ cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI. Một số mảnh khác vẽ cành hoa hoặc hoa lá cách điệu, hoa dây có móc xoắn. Một số mảnh ở đáy viết chữ “Dung”. Một mảnh khác, bên ngoài vẽ hoa lá, đáy viết chữ “ Tây Thiên bát nhã”, đều là loại sứ men trắng vẽ hoa lam.

 

Trong vài năm gần đây, việc nghiên cứu gốm sành ở Việt Nam ngày càng được chú ý nhiều hơn, nhiều địa điểm sản xuất đồ sành ở miền Bắc và miền Trung đã được phát hiện và khai quật, điều đó rất thuận lợi cho việc xem xét đối chiếu với những đồ sành ở Mỹ Xuyên.

Qua những di vật sành, sứ và đất nung phát hiện đựơc trong tầng văn hoá, chúng tôi đã cho rằng niên đại khởi đầu của làng gốm Mỹ Xá vào khoảng đầu thế kỉ XVI. Niên đại kết thúc của nó khoảng thế kỉ XVIII.

 

Sau hàng loạt các cuộc khai quật và khảo sát ở các khu lò sản xuất gốm thời Lý - Trần và thời Lê sơ như Xóm Hống và Vạn Yên (xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương); khu di tích Ba Đình; khu lò Xóm Trại Gốm (Sóc Sơn, Hà Nội); Đền Trần (Nam Định)… thì vấn đề nguồn gốc và chủ nhân của làng sành Mỹ Xuyên ngày càng trở nên rõ ràng. Chủ nhân của nó, không ai khác hơn là những thợ gốm từ miền Bắc di cư vào.

 

Một số hiện vật sành ở Mỹ Xuyên rất gần gũi với phong cách đồ sành ở miền Bắc, đó là: Loại bìnnh vôi có quai, đỉnh có núm nhọn; Liễn và nắp liễn hình cầu;  Cối sành; Vò sành quai chữ S nằm ngang hoặc nằm dọc, vai trang trí băng sóng nước gấp khúc; Nắp đậy sành có núm hình chóp, phần tản trang trí băng sóng nước; Bình gốm miệng loe dáng đàn tì bà; Chõ gốm dùng đồ xôi đáy có khoét các lỗ thủng. Đặc biệt là những chậu sành, nồi sành đáy bằng, miệng loe ngang, chắc, khoẻ rất giống phong cách chậu và nồi sành thô thời Trần và Lê Sơ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Loại lon sành có hai thân cũng đã được tìm thấy khá nhiều ở địa điểm Xóm Hống, Vạn Yên, tỉnh Hải Dương, Văn Vật (Đông Sơn, Thanh Hoá).

 

Tuy nhiên, những đồ sành Mỹ Xuyên cũng có những yếu tố giao lưu, ít nhiều phảng phất ảnh hưởng của truyền thống Sa Huỳnh ở miền Trung, đó là phong cách vẽ sóng nước, những chấm nhỏ li ti xếp thành hình tia bao quanh cổ, vai đồ sành, dáng đồ sành đáy nhọn, bình sành miệng loe ngang rộng, không có cổ, phần trên thắt, thân thon dài, nồi gốm có kẻ ngang dày, bình vôi không có quai, đồ gốm có trổ lỗ ở vai để sỏ dây đeo, đặc biệt là một số đồ sành có chân đế cao, choãi, có nhiều đường gờ nổi, hiện vật sành giống hình cái tẩu…

 

Mỹ Xuyên và vùng sản xuất sành ở miền Trung

Trong khoảng thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, việc sản xuất đồ sành rất hưng thịnh. Các làng gốm sành truyền thống ở miền Bắc như: Thổ Hà, Hương Canh, Phù Lãng, Hiển Lễ, Vạn Yên đang ở thời kì phát triển đến đỉnh cao. Ngoài ra, một loạt địa điểm sản xuất sành và gốm men khác (mà ngày nay không tồn tại) đã đựơc phát hiện như: Làng Gốm, Bãi Trụ Thượng, Linh Xá, Kiệt Đoài, Phả Lại, Kiếp Bạc… Ngay cả một số địa điểm sản xuất gốm men truyền thống như: Cậy, Hợp Lễ, Bát Tràng, Chu Đậu, Mỹ Xá… cũng sản xuất cả đồ sành.

Tại khu vực miền Trung, ngoài Mỹ Xuyên, còn có các làng gốm khác đó là:

 

Khu lò gốm cổ Phước Lý (xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được khai quật năm 1994. Khu lò này chuyên sản xuất các loại đồ sành như hũ, chum nhỏ, bình (coóng), bình vôi có quai hình cầu. Hoa văn đặc trưng trên đồ sành là văn sóng nước trong khung của 2 chỉ chìm song song bên trên và bên dưới. Niên đại tồn tại khoảng cuối thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XVIII. Theo kết quả khai quật khảo cổ học, bình vôi của lò gốm sành Phước Lý khá giống với bình vôi của lò sành Phước Tích. Nhiều khả năng tìm được mối quan hệ, nguồn gốc của hai làng sành này.

 

Làng sành Phước Tích (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ở liền kề với khu lò Mỹ Xuyên. Trong khi đang khai quật khu lò Mỹ Xuyên, chúng tôi cũng đã tới đây điều tra và khảo sát và được biết hiện còn rất nhiều lò sành (địa phương gọi là Cồn Trèn) nổi cao trên mặt ruộng khoảng 1 – 1,5m, bên trong mảnh sành dày đặc, dày tới 3 – 4m. Sản phẩm của khu lò này là bình vôi, ấm đất, vò, chum vại, sành mỏng hơn ở Phước Tích, màu sắc chủ yếu là nâu đỏ hoặc nâu tím. Truyền thuyết ở địa phương cho biết rằng nguồn gốc của chủ nhân những lò sành này là từ miền Bắc di cư vào. Nhưng tiếc rằng nơi đây chưa có một cuộc khai quật khảo cổ học nào để kiểm chứng mối quan hệ giữa Phước Tích – Mỹ Xuyên – Phước Lý.

 

Làng sành Quảng Đức (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Địa điểm này chưa được khai quật. Tại đây, đã tìm được nhiều lò nung sành chuyên sản xuất các loại chậu, vại, vò, lon, lọ, bình vôi, đĩa đèn, cối, ấm…

 

Làng sành Mỹ Thạch Tây (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) chuyên sản xuất đồ sành gia dụng giống với lò Quảng Đức.

Ngoài các làng gốm kể trên ở Nam Trung Bộ, từ cuối thế kỉ XIV trở đi còn có các làng gốm khác như: Cồn Tiên (Huế), làng gốm này đã quá nổi tiếng với những đồ gốm phục vụ trong cung đình, đặc biệt là những đồ gốm tráng men; Làng gốm Bình Giang (Bình Định); làng gốm Gò Sành, khu lò ở Gò Hời, Gò Cây Me (Bình Định)…

 

Trong vòng 6 đến 7 thế kỉ, tại miền Trung đã có khá nhiều các lò sành và làng gốm tồn tại, trong đó có những làng sản xuất gốm lớn, kéo dài trong vài thế kỉ đã cho thấy tại đây đã hình thành một vùng sản xuất gốm với một truyền thống và bản sắc riêng. Nguồn gốc của các làng sành không chỉ có từ các làng gốm miền Bắc mà còn có sự góp mặt và ảnh hưởng của dòng gốm Champa. Vùng sản xuất đồ gốm sành đã thực sự hình thành và tồn tại suốt từ thế kỉ XIV đến đầu thế kỉ XX, trong đó thời kì hưng thịnh nhất là từ cuối thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII.

 

Sự tồn tại và phát triển của các khu lò gốm sành ở miền Trung gắn rất chặt với việc phát triển quan hệ thương mại ở Đàng Trong, đặc biệt là đối với thương cảng Thanh Hà và Hội An.

 

Trước hết, nói về thương cảng Thanh Hà, có lẽ đây là chặng chung chuyển thứ nhất khi những sản phẩm gốm sành của vùng Quảng Trị – Thừa Thiên Huế vào Hội An. Như chúng ta đã biết, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với hệ thống các con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và hợp lưu với nhau đổ ra cửa biển Thuận An như sông Mỹ Chánh, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Truồi, Đà Giang, Tả Trạch và Hữu Trạch… Các dòng sông này dù bắt nguồn từ nhiều nơi khác nhau nhưng đều đổ về Huế và các khu vực lân cận. Đối với các làng sản xuất gốm nói chung và đồ sành nói riêng thì sông là đường vận chuyển nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm tốt nhất.

Ngoài tuyến đường thuỷ nói trên còn có tuyến đường bộ, như hiện nay ta thấy, cũng là con đường giao lưu quan trọng.

 

Thương cảng Thanh Hà vào cuối thế kỉ XVI, đặc biệt là ở đầu thế kỉ XVII đã là một thương cảnh quan trọng và sầm uất. Sự hưng thịnh của Thanh Hà là một động lực thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, trong đó có khu lò gốm Mỹ Xuyên. Các cuộc điều tra, khai quật khảo cổ học gần đây đã tìm thấy khá nhiều sản phẩm gốm của lò Mỹ Xuyên ở Thanh Hà và vùng lân cận như bình, vò, bình vôi không có quai… Cùng với những đồ gốm Nhật Bản và Trung Quốc.

Cũng phải nói đến một thị trường nội địa với các làng quê ven các sông, các cư dân vùng Thanh Hà - Huế đang trong quá trình thị dân hoá.

 

Bây giờ, chúng tôi nói về chặng thứ hai, đó là thương cảng Hội An. Khác với Thanh Hà, Hội An là nơi đón nhận gốm của hai vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cũng như nhiều loại hàng hoá khác của 2 khu vực này.

 

Chính vì chức năng quan trọng đó mà Hội An mau chóng trở nên sầm uất.

Trong thời điểm mà chúng ta đề cập tới, đó là thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, lò gốm cung cấp sản phẩm cho việc xuất khẩu chính là lò gốm Mỹ Xuyên. Ngoài lí do hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài bị chia cắt khiến cho đồ sành miền Bắc ít có cơ hội vào đến Đàng Trong còn có một lí do khác nữa là đồ gốm Mỹ Xuyên hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu cung cấp cho việc xuất khẩu và tiêu dùng trong khu vực.

 

Các cuộc điều tra, đào thám sát của nhà khảo cổ học Nhật Bản Kikuchiseiichi, trong nhiều năm gần đây tại các địa điểm ở Hội An như đường Trần Phú, đình Cẩm Phô, Trường trung học Nguyễn Duy Hiệu… đã phát hiện đựơc rất nhiều đồ sành của lò Mỹ Xuyên. Theo sự hiểu biết của tôi thì những đồ sành mà ông Kikuchiseiichi công bố chủ yếu là đồ sành của lò Mỹ Xuyên. Chúng tôi không có dịp được tiếp xúc với những đồ gốm sành mà công ty Đông Ấn đã mua của Việt Nam, nhưng tin chắc rằng trong những lô gốm mà họ đã mua về có cả đồ Mỹ Xuyên, bởi lẽ vào thời điểm đó những đồ sành lớn đựng nước uống, rượu, thực phẩm và đồ nghệ thuật tinh xảo là rất cần thiết đối với họ.

 

Đối với Nhật Bản, một đồng nghiệp của tôi là Tiến sĩ Trịnh Cao Tưởng đã có dịp tới Bảo tàng nghệ thuật IDEMITSU, các đảo KyShu, Honsu, Magasaky, SaKa và cho biết rằng tại đây cũng có mặt đồ sành Mỹ Xuyên.

 

Trong công bố gần đây của ông OgiuraMasayoshi về cuộc điều tra ở Magasaky, trong số những đồ gốm Việt Nam tìm thấy ở đây có cả đồ sành Mỹ Xuyên, đó là chiếc bình sành đáy thon, nhỏ, thân dài, có nhiều đường kẻ ngang rất điển hình của lò Mỹ Xuyên.

 

Cũng một công bố của ông Tsuzuki Shinichiro về cuộc khai quật hào thành Sakai, chúng tôi cũng đã nhận ra sản phẩm của lò Mỹ Xuyên có mặt ở đây. Đó là những chiếc bình thân thon dài có kẻ ngang và đặc biệt là chiếc nồi gốm đáy bằng có các đường kẻ ngang toàn thân – một trong những loại sản phẩm rất đặc trưng của lò Mỹ Xuyên.

Và cũng với sự nhìn nhận như trên, qua những bình sành trong công bố của ông Mori TsuyoShi trong cuộc khai quật ở Osaka.

 

Để kết thúc cho bài viết nhỏ này, tôi xin đưa ra một số nhận xét về đặc trưng của các địa điểm sản xuất đồ sành ở miền Trung:

 

1. Vào thời điểm mà tại miền Bắc Việt Nam đã hình thành ra các làng làm nông – sản xuất gốm có tính chất chuyên hoá như làng chuyên (chủ yếu) sản xuất gốm men, đồ sành, đồ đất nung thì ở miền Trung không có sự chuyên hoá như trên.

 

2. Hầu hết các làng sản xuất gốm sành ở miền Trung có nguồn gốc từ miền Bắc, tuy vậy trong quá trình tồn tại và phát triển, sự bảo lưu phong cách truyền thống kéo dài hơn, đồng thời tiếp thu một số nét trong văn hoá Champa, truyền thống văn hoá Sa Huỳnh để hình thành nên sắc thái địa phương – phong cách đồ sành miền Trung.

 

3. Sự tồn tại các quan hệ thương mại quốc tế, sự tàn lụi của các thương cảng cổ cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tàn lụi của một số khu lò sành cổ của miền Trung. Sự xuất hiện của một số lò sành khác chỉ mang tính chất phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong khu vực. Đầu thế kỉ XIX và XX, các lò gốm sành và gốm men chuyển hướng về phía Nam Bộ như vùng Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                   TRẦN ANH DŨNG 1995. Vài suy nghĩ về làng gốm sành Mỹ Xuyên và vìng gốm sành miền Trung. Trong “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994”. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 313 – 315.

2.                   TRẦN ANH DŨNG 1998. Góp thêm tư liệu mới về đồ sành Mỹ Xuyên. Trong “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1997”. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 600 – 602.

3.                   TRỊNH CAO TƯỞNG 1996. Gốm Việt Nam ở Nhật Bản. Trong “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1995”. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 452 – 453.

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 3230
Ngày đăng: 29.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-1 - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-2 - Trần Anh Dũng
Khai quật và khảo sát các ngôi chùa cổ: Phát hiện di vật của ngôi chùa cổ gần 700 tuổi trên đỉnh núi - Trần Anh Dũng
Tìm hiểu kỷ thuật sản xuất lu gốm - Nguyễn Thị Hậu
Làng Gốm Cổ Đạm (Hà Tĩnh) - Trần Anh Dũng
Xóm Làm Bếp Lò Gốm Làng Phú ĐỊnh (Quận 6-Tp.Hcm) - Nguyễn Thị Hậu
Lò gốm thế kỉ 1- thế kỉ 10 - Trần Anh Dũng
Khu Di Tích Ba Thê – Óc Eo (An Giang) và Vấn Đề Bảo Tồn Di Tích Văn Hóa Óc Eo Hiện Nay - Nguyễn Thị Hậu
Đồ gốm sứ ở cảng thị Ba vát Bến Tre - Trần Anh Dũng
Di Chỉ Khảo cổ học Giồng Nối (Bến Tre) - Trần Anh Dũng
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)