Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
582
115.975.718
 
Trái dưa tây lép
Khôi Vũ

Hồi đó cô Năm thuê nhà đối diện nhà tôi, cách con quốc lộ xe cộ lại qua tấp nập. Trước nhà tôi, ba tôi trồng một giàn dưa tây mà những người khách đi Đà Lạt về thường ghé lại mua khi giàn dưa trĩu trái. Tôi còn nhớ ba tôi hay tinh nghịch khi thụ phấn cho dưa, đôi lúc chỉ chấm cho hai vòi, bỏ lại vòi thứ ba để tạo ra những trái dưa lép coi rất ngộ nghĩnh. Giàn dưa cho bóng mát ấy thường là nơi tôi ra ngồi làm các bài tập toán vào buổi chiều, khi nắng đã dịu đi và ở tiệm cơm chú Xiều hàng xóm, mùi xào nấu bay qua nức mũi.

 

Cô Năm làm gì tôi không biết. Tuổi lên mười của tôi hồi đó chỉ biết ghi nhận, tính tôi lại không tò mò. Trong căn nhà thuê, cô Năm sống với hai đứa con, một gái một trai. Đứa con gái tên Dung, tám tuổi, mỗi khi nhà có khách lại ẵm thằng em ba tuổi tên Quang của nó qua dưới giàn dưa nhà tôi chơi. Chỉ một lần duy nhất, tôi hỏi con Dung về chuyện này:

- Nhà mày có khách hả?

- Ừ!

- Sao lần nào nhà mày có khách, má mày cũng đóng cửa vậy?

- Hổng biết!

Tôi tin là con Dung không biết thật nên không hỏi nữa. Có điều, tôi vẫn phải ghi nhận những hình ảnh lập đi lập lại nhiều lần mà không thể tự giải thích được. Khách của cô Năm toàn là đàn ông. Họ đến bằng nhiều phương tiện khác nhau. Có người đi xe “xô lếch”, có người đi xe “mô bi lét”, lại có người lái xe “con cóc” hoặc lái xe vận tải nhẹ. Khi họ đến, cô Năm thường băng qua đường mua một chai bia “băm ba” tại quán chú Xiều về đãi khách. Một lát thì thấy con Dung ẵm em qua nhà tôi chơi và cô Năm đóng cửa nhà lại. Khi cửa mở, tôi lại thấy ông khách ngồi ở cái bàn bên cửa sổ uống nốt ly bia và nói chuyện gì đó với cô Năm một lát nữa mới ra về.

 

Nhưng chuyện cô Năm có khách chẳng làm tôi quan tâm bằng việc tôi chưa từng thấy ba của chị em con Dung về nhà. Một người mà cứ mỗi tháng một lần lại có mặt trong nhà con Dung và ở lại ba, bốn ngày là bà ngoại của nó. Tôi gọi bà theo ba má tôi là bà Tám “khuynh diệp”. Số là nhà tôi bán tạp hóa, mỗi lần ngoại con Dung lên chơi, bà đều qua mua mấy chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín. Bà vui vẻ kể: “Đi xe từ quê lên đây, tui phải xức hết hai chai mới khỏi bị ói. Mua lại hai chai khác dành cho chuyến về”. Má tôi nói là quê bà Tám “khuynh diệp” ở tận Cà Mau, nơi tận cùng nước Việt mình.

 

Ngoại con Dung rất thương cô Năm và chị em nó. Bà tới, bao giờ cũng xách theo một giỏ nặng bánh trái làm quà, có khi còn đem theo cả chục ký gạo, nghe nói là gạo thơm đặc sản vùng Cà Mau, thổi cơm chỉ ăn với nước mắm dằm ớt cũng rất ngon. Trong mấy ngày bà ở lại, con Dung được thong thả vì bà không rời khỏi thằng Quang. Con Dung rảnh rang, thường qua nhà tôi chơi và nó thường kể lại cho tôi nghe chuyện dưới quê mà ngoại nó kể cho nó nghe tối hôm trước. Nó có vẻ rất tự hào về ngoại mình, về những câu chuyện lạ lùng của ngoại kể về một vùng quê mà chính nó cũng chưa lần nào được nhìn ngó tận mắt. Sự thích thú của nó lan qua tôi một cách vô tình và không hiểu từ lúc nào đó, tôi thường hình dung ra một vùng quê huơng hoang dã có những cánh đồng lúa ngút mắt, có những dòng sông con rạch lênh láng nước lẫn phù sa, có biển Đông ì ầm sóng và những hòn đảo giận dỗi đất liền ra sống cô đơn thật xa ngoài khơi xanh...

 

Trong những ngày nhà con Dung có mặt ngoại nó, khi cô Năm có khách - cũng những người đàn ông khác nhau đến trên những chiếc “xô lếch” , “mô bi lét”... - thì cô Năm cũng vẫn chạy qua quán chú Xiều mua bia “băm ba” đãi khách, có khi chính bà Tám “khuynh diệp” ngồi nói chuyện với họ rất vui vẻ. Nhưng chị em con Dung không phải tạm lánh qua nhà tôi chơi vì nhà cô Năm những lần này không đóng cửa.

 

Con Dung không được đi học. Thấy tôi ngồi làm bài dưới giàn dưa tây mỗi buổi chiều, nó thường đứng bên nhà nhìn qua với vẻ nể phục và thèm thuồng. Tôi biết thế nên một hôm nọ, tôi đã hỏi nó:

- Mày có muốn học chữ không? Tao dạy cho!

Con Dung hớn hở đáp:

- Muốn! Em muốn lắm!

- Vậy thì về xin tiền má để mua tập vở, bút mực, mỗi chiều qua đây tao dạy cho một lát.

- Một lát thôi à?

- Chớ sao! Mày không thấy tao còn phải làm bài tập toán đây sao? Mà nữa, bắt đầu từ khi tao dạy mày học, mày phải kêu tao bằng “thầy” nghe chưa?

 

Từ ấy, tôi trở thành “thầy” của con Dung. Trong nhiều tháng liền, tôi đã cố gắng dạy nó tập đọc, tập viết và cả tập làm toán cộng, trừ. Con Dung cũng rất cố gắng học mặc dù nó tiếp thu hơi chậm khiến đôi lúc bực mình tôi đã rủa nó là “Đồ ngu!”. Khi ấy, con Dung len lén nhìn tôi rồi nó tấm tức khóc. Tôi càng bực mình, đuổi nó về nhà, không dạy nữa. Có điều, chiều hôm sau, nó lại qua và tôi lại tiếp tục dạy nó học cho tới một hôm khác, nó lại bị tôi rủa là “Đồ ngu” và lại khóc...

Tới mùa, giàn dưa tây nhà tôi rộ trái. Cái loại dưa này ra nụ, nở hoa hàng loạt nên khi có trái là nặng oằn giàn nhìn rất thích mắt. Hôm ấy có mấy chiếc xe du lịch từ Đà Lạt về ghé lại nhà tôi mua dưa. Họ tranh nhau mua tất cả những trái dưa to tròn, vàng ươm, trên giàn chỉ còn lại mấy trái lép. Thấy con Dung đứng nhìn với vẻ thèm thuồng, tôi liền xin ba tôi một trái dưa lép cho nó. Con bé sung sướng nhận trái dưa, chạy u về nhà. Hôm sau, nó qua chơi và kể với tôi rằng khi nó hớn hở khoe trái dưa với má, thoạt tiên cô Năm cũng vui vẻ, nhưng tới khi lấy dao sắp cắt dưa dằm đường ăn thì nó thấy má dừng tay nghĩ ngợi gì đó, rồi nước mắt chảy ròng hai gò má. Nó hỏi tôi có biết tại sao không? Tôi lắc đầu trả lời không hiểu...

 

Sau Tết năm ấy, cô Năm đi làm ở đâu đó mà mỗi khi rời khỏi nhà, cô đều mặc quần áo rất đẹp. Cô khóa trái cửa khi mình vắng mặt để hai chị em con Dung trong nhà được an toàn. Cửa sổ trước, cô Năm cho mở toang để có chuyện gì hai đứa nhỏ còn kêu báo lối xóm. Vậy là con Dung chỉ còn cách nhìn tôi ngồi học dưới giàn dưa qua khung cửa sổ mở nhà nó. Việc học của nó đành chịu dở dang khi tôi vừa dạy nó học bản cửu chương, chuẩn bị làm toán nhân. Thời gian đầu, tôi hơi thấy tiếc vì mình không còn được gọi bằng “thầy” nữa. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, tôi cũng quên dần đi...

 

Năm tôi chuẩn bị thi Tú tài thì gia đình cô Năm dọn về quê. Năm ấy, con Dung đã là một thiếu nữ và không biết nó tự học hay ai dạy nó lúc nào mà nó đã làm toán nhân toán chia rất thành thạo. Khi ấy, nó cũng đã một mình đứng bán nước sinh tố khi cô Năm đi làm. Vẫn chẳng thấy ba nó đâu nhưng nó lại có thêm một đứa em nữa: một đứa em gái được đặt tên là Hằng, da trắng như trứng gà bóc, tóc vàng, mũi cao. Lối xóm nói con bé là con Mỹ. Còn tôi, tôi đã tới tuổi để hiểu là trước giờ cô Năm làm nghề gì!

 

Ngày gia đình cô Năm lên chiếc xe tải chất chồng đầy đồ đạc về quê, con Dung chạy qua từ giã tôi. Thời gian sau này, tôi thường ngại phải tiếp xúc với nó, con gái của một người đàn bà không tốt, nhưng lúc ấy tôi cũng phải nói lời chúc nó lên đường bình an. Bất ngờ nó nắm lấy tay tôi, nhìn tôi rất lâu khiến tôi phải đỏ mặt rồi nó nói:

- Mai mốt có dịp gặp lại, anh ráng nhớ em nha!

Tôi cười đáp cho có:

- Dễ ợt! Cứ nhìn cái thẹo trên trán Dung là nhận ra chớ gì!

Chúng tôi bặt tin nhau từ đó!

 

*

 

Bảo Lộc, một buổi trưa.

Chiếc xe buýt du lịch ghé lại một tiệm ăn bên đường gần thị trấn để cho đoàn du khách dùng bữa trưa. Anh bạn lái xe vui vẻ nói với tôi:

- Anh cứ đi cùng em. Bảo đảm với anh chẳng những cơm nước miễn phí mà lại còn có quà nữa!

Tôi hiểu ngay đây là tiệm ăn “mối” của anh lái xe. Có điều không biết anh ta sẽ cho tôi đóng vai gì đây để cùng được hưởng đặc quyền của cánh lái xe. Làm phụ xế thì không ổn rồi mà làm chủ xe càng không giống.

Chúng tôi ngồi quanh một bàn ăn trong một phòng riêng. Anh lái xe giơ cao tay chào người phụ nữ đang bước vào phòng rồi chỉ tôi mà nói:

- Giới thiệu với chị Hai, đây là ông giám đốc của đoàn du lịch!

Tôi ngượng quá, không biết phải nói gì, làm gì. Mặt tôi đỏ lên và tôi đành im lặng gật đầu khẽ chào người phụ nữ mà tôi đoán là chủ tiệm ăn. Đôi mắt từ phía ấy nhìn tôi cùng một nụ cười, tiếp đến là bàn tay phụ nữ nhỏ nhắn đưa về phía tôi:

- Hân hạnh được quen biết anh...

Tôi bắt tay chị chủ tiệm ăn có gương mặt quen quen và khi một ngọn gió tình cờ thổi qua làm dạt mái tóc của người phụ nữ qua một bên, tôi nhìn thấy cái thẹo nhỏ nơi phía phải trán và nhìn thấy tất cả những gì của một thời gian xưa. Hai bàn tay chúng tôi không rời mà siết nhẹ vào nhau. Tôi bồi hồi, run run, còn Dung ngày xưa của tôi thì sau một phút bất ngờ, đã không dằn được cảm xúc, ôm lấy tôi mà khóc.

Mọi người đều ngạc nhiên.

Cuộc hội ngộ đầy thú vị. Cái bàn ăn đặc biệt sau đó có mặt cả chủ nhân tiệm ăn. Một cô gái trạc mười tám khá xinh đẹp được gọi đến và được mẹ giới thiệu, đã chào tôi bằng “bác”. Một lát sau thì có thêm hai người nữa, một nam một nữ. Tôi dễ dàng nhận ra Quang dù cậu ta lớn lên có mập và hơi lùn. Chúng tôi bắt tay nhau rồi ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Quang giới thiệu cô gái cùng đi là vợ cậu ấy. Hai vợ chồng mới làm đám cưới và đã có tin mừng.

Tôi hỏi:

- Cô Năm và bé Hằng bây giờ ra sao?

Dung cho biết cô Năm mới ngoài sáu mươi mà đã lẫn, nhất định sống dưới quê chứ không chịu theo con cái. Còn Hằng, cô gái đã tìm được cha và đi Mỹ đoàn tụ gia đình.

Bữa cơm thật ngon, thật vui. Nhưng kết quả của nó không giống như anh lái xe “quảng cáo”. Chỉ có anh ta là có quà: một gói thuốc lá thơm và một gói trà Bảo Lộc. Phần tôi, do bị phát hiện không phải là “giám đốc”, không những không được quà mà tôi còn bị phạt: phải ở lại tiệm ăn của Dung một hôm, sáng hôm sau tiệm ăn sẽ lo xe đưa lên Đà Lạt theo đoàn!

Mọi người bảo là tôi “trúng số”!

Khi chiếc xe chở đoàn du khách đã đi khỏi tiệm ăn, chúng tôi trở lại phòng khách của gia đình Dung ở tầng hầm. Tôi hỏi điều mà mình muốn biết nãy giờ nhưng chưa có dịp thuận tiện hỏi:

- Ông xã của Dung đâu?

- Tụi em xa nhau lâu rồi...

- Vì sao?

- Anh cứ yên tâm về đức hạnh của em. Em không ngoại tình, không bài bạc, không bỏ phế việc nhà, không phải là không yêu chồng... tóm lại, em không có lỗi gì cả... Chính anh ấy cũng vậy...

- Vậy tại sao?

- Từ từ rồi em kể...

Dung không chịu kể ngay. Trong lúc tôi ngồi uống trà thì Dung đi đâu đó. Khi trở lại, cô bạn gái thuở nhỏ của tôi đã thay trang phục. Hơi điệu đàng một chút, bà chủ tiệm ăn nghiêng người qua lại rồi hỏi tôi:

- Anh thấy em còn một nét duyên dáng nào của thời con gái không?

Tôi nói thật lòng:

- Em đẹp lắm!

Dung bật cười:

- Hồi mới quen nhau, ông xã em cũng chỉ biết nói như thế: Em đẹp lắm!

- Em định đi đâu à?

- Vâng! Em mời anh đi thác Đambri chơi. Xe đã chuẩn bị rồi.

- Có ai cùng đi nữa không?

- Không, chỉ có anh và em thôi...

- Cậu lái xe nữa chứ?

- Không! Em tự lái xe!

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dung ngày xưa của tôi đã thay đổi nhiều lắm rồi. Mà cũng phải thôi. Hơn ba mươi năm đã qua đi. Mái tóc tôi đã bắt đầu xuất hiện những sợi bạc, lòng nhiều khi chùng xuống sự muộn phiền và ước ao những tháng ngày an nhiên cuối đời. Có lẽ, hôm nay là một ngày an nhiên như thế...

 

Dung không rủ tôi theo những bậc thang cheo leo đi xuống chân thác mà lại đi lên phía ngọn thác, rồi nhất định bắt tôi cùng ra đứng giữa chiếc cầu treo đong đưa đầy cảm giác phiêu lưu. Cô bạn gái ngày xưa dọa:

- Nếu anh không ra cầu treo, em sẽ không kể chuyện gì nữa...

 

Tôi theo Dung như một đứa trẻ. Chiếc cầu treo bằng tre hay bằng mây rừng, tôi không biết rõ nhưng nó vừa có vẻ chắc chắn, vừa có vẻ mỏng manh. Chẳng cần một cơn gió, chẳng cần ai lung lay, mà chỉ cần mỗi khi chúng tôi nhích người, nó cũng đong đưa giận dỗi. Về chiều, thác không nhiều du khách đến. Ngọn thác càng vắng hơn, như là chỉ có hai chúng tôi. Dòng nước dưới chân vừa chảy vừa reo, va mình vào đá, bắn những bọt trắng xóa li ti trước khi lao mình xuống chân thác...

- Anh biết Đambri có nghĩa là gì không?

- Không...

- Là “đợi chờ”. Ở đây người ta thường kể một câu chuyện ngày xưa, có một nàng con gái đã đến đây đợi chờ người yêu đi xa cho đến chết...

 

Tôi không hiểu Dung muốn nói gì.

- Anh muốn nghe chuyện ông xã em trước hay chuyện má em trước? - Dung hỏi rồi tự quyết định - Thôi, em kể cả hai cùng lúc vậy. Vì hai chuyện thật ra là một thôi. Là một thôi...

Tôi nghe Dung kể chuyện và hình dung ra những dòng nước đã va vào bờ đá đời Dung trước khi ào xuống chân thác. Người đàn ông đến với Dung ngày ấy đã đến bằng tình yêu chân thật. Đứa con gái của hai người ra đời cũng là kết quả của tình yêu. Cho đến một hôm, khi anh ta hỏi, Dung không thể không xác nhận là cô Năm, mẹ Dung, ngày xưa từng làm điếm và bản thân Dung cũng không biết cha mình là ai? Anh ta không vượt qua được nỗi đau bất ngờ, trách Dung đã giấu anh về mẹ, về đứa em gái lai Mỹ mà Dung nói dối là con nuôi của mẹ, một ngày nọ anh đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi và cho tới tận bây giờ, mẹ con Dung vẫn không nhận được tin tức nào.

- Biết chuyện, từ ngày ấy má em bị loạn trí. Cứ gặp em là bà khóc, bà nói là bà không có tội. Nhưng khi em gật đầu nói: “Vâng, má đâu có tội tình gì”, thì bà lại khóc và nói: “Má có tội với các con nhiều lắm...”.

 

Tôi nhớ lại những tháng ngày thơ ấu mình ngồi làm toán dưới giàn dưa tây nhìn qua bên kia đường thấy cô Năm đóng cửa và con bé Dung cõng em băng qua nhà tôi. Tôi nhớ lại những lần cô Năm qua nhà tôi mua đồ, lấy tay xoa đầu tôi, tôi đã né tránh vì một cảm giác xa lạ không giải thích được. Rồi cả cái ý nghĩ khinh bỉ có thật trong tôi khi tôi lớn lên và biết cô Năm làm nghề gì!

- Má em đau khổ lắm! - Dung kể tiếp - Bởi vì bà đâu có làm cái nghề nhơ bẩn ấy vì cuộc sống riêng của mình. Chắc anh sẽ bất ngờ khi nghe em nói điều này: ngày ấy ông ngoại em bị bán thân bất toại, các cậu các dì đều nghèo cả nên chỉ biết nhìn cha mà thương mà khóc. Một ngày kia, má em đã theo một người quen đi xa và nhắm mắt liều thân để kiếm tiền chạy chữa thuốc thang cho ông ngoại em. Biết đời mình đã hỏng chuyện chồng con, má em cứ để có thai rồi sinh, rồi ngậm đắng nuốt cay mà nuôi tụi em...

 

Dung không ngăn được nước mắt. Chiếc cầu treo chao qua chao lại. Dòng nước dưới chân chúng tôi cũng như dập dềnh nghiêng ngả. Tôi đỡ Dung đi ngược vào bờ. Lòng tôi cũng ngược về dĩ vãng để nhớ lại những lần bà ngoại Dung lên thăm con gái, thăm cháu ngoại đều ghé mua dầu khuynh diệp nhà tôi, tự giải thích vì sao người phụ nữ không quen đi xe ấy vẫn cứ phải hàng tháng vượt mấy trăm cây số để gặp con gái. Tôi cũng chợt nhớ lại và hiểu vì sao lần tôi cho Dung trái dưa tây lép, cô Năm đã nhìn trái dưa có thân phận bất hạnh ấy mà khóc...

 

Cô Năm bây giờ lại hiện ra trong tôi, nhưng với hình ảnh khác hẳn trước khi tôi nghe Dung kể chuyện.../.                     
Khôi Vũ
Số lần đọc: 2170
Ngày đăng: 01.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô ấy cho rằng tôi nhảm - Nguyễn Viện
Đêm Văn Nghệ Đầu Xuân - Trương Hoàng Minh
Mưu sinh - Bạch Lê Quang
Ăn tết ở chùa - Mang Viên Long
Vườn mai - Minh Hương
Lý Toét - Đỗ Ngọc Thạch
Hoa hồng có gai - Huỳnh Văn Úc
Mưa biển - Khôi Vũ
Chuyện vãn với người ở xa về - Vinh Anh
- Tạ Ba
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)