Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
593
116.607.056
 
Thể Loại Văn Bia và Các Bài Bia Tạc Công Đức Thoại Ngọc Hầu
Trần Minh Thương

 

1. Thể loại văn bia

1.1                Khái niệm:

 

1.1.1          Khái niệm của các nhà ngôn ngữ học

Bia: tấm đá đúc có khắc chữ với ý xưng tụng, kỷ niệm hoặc đánh dấu [11; 104]

Theo Từ điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn thì bi nghĩa là bia đá, ông còn giải thích thêm bi minh: Bài văn vần trên bia; bi chí hay bi văn: bài văn khắc trên bia [6; 61 – 62

 

1.1.2           Khái niệm của các nhà nghiên cứu văn học

Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long ghi Bi là sự đề cao. Hoàng đế thuở xưa khi ghi hiệu phong thiền đều dựng bia đá trên núi cao để ghi khắc công lao, cho nên gọi là bia – thể văn bia đòi hỏi cái tài của nhà làm sử, việc kể sự tích để lưu truyền còn bài văn để khắc. Ghi đức lớn thì phải làm hiện lên vẻ rực rỡ của một cốt cách cao khiết, mà ghi điều tốt đẹp thì phải cho thấy công lao phi thường, đó là quy định của văn bia. [dẫn theo Trần Đình Sử, 9; 312]    

 

Nguyễn Tôn Nhan trong Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc mục bi chí viết rằng: bi chí là tên thể văn cổ đại, là văn chương khắc trên bia đá với ý dùng bia ghi sự việc, thường kết hợp với bi minh. Minh vốn nguyên có ý khắc ghi, văn tự khắc trên đá hoặc kim loại gọi là minh văn. Sau này, tất cả mọi người đều gọi bộ phận tản văn ở trước văn bia là chí còn bộ phận văn vần ở sau là minh, và gọi chung là bi văn. [7; 773]

 

Theo nhà lý luận Trần Đình Sử thì Bi tức bia, là thể văn dùng để khắc vào đá, người ta gọi là bi bản, bi biểu, bi chí, bi kệ, bi minh, bi bảng, bi trung, … [9; 312] 

 

Từ điển văn học (bộ mới), mục bia, Nguyễn Kim Hưng viết: Một thể loại văn học quen thuộc ở phương Đông thời cổ, vốn dùng để ghi chép công đức, được khắc lên đồng, lên đá, lên gỗ nên thường ngắn gọn. Có thể dùng văn biền ngẫu, cũng có thể dùng tản văn hoặc phối hợp biền ngẫu với tản văn còn có kèm với một bài minh thường là bốn chữ. Nguồn gốc có bia có từ rất xa xưa (bia đo bóng mặt trời, bia để buộc con vật trong lễ tế sinh, bia cắm mốc đưa quan tài) và tuỳ hình dáng của vật dùng làm bia mà có tên gọi khác: hình dài và vuông thì gọi là bia, hình tròn hoặc nửa tròn nửa vuông hoặc trên nhỏ dưới to thì gọi là kiệt [4; 121] (nghĩa chữ Hán kiệt tức hòn đá tròn – người viết chú thêm)   

 

Như vậy:      

+ Các nhà ngôn ngữ chủ yếu giải thích bằng nghĩa tầm nguyên nghĩa gốc của thành tố bi hoặc bia.

+ Các nhà lý luận phê bình văn học nhấn mạnh thể loại văn học (văn khắc vào đá), với chức năng chủ yếu là ca ngợi công đức, ...

 

Các tác giả chưa quan tâm đến sự kết hợp giữa thể văn (cả văn xuôi và văn vần) và phương thức tồn tại của văn bản (bia), từ đó, việc tìm hiểu chi tiết đặc trưng thi pháp thể loại cũng không được đề cập cụ thể. Hơn nữa, sự hỗn dung về chức năng của thể loại văn học này cũng không được đề cập. Vì những lẽ đó, chúng tôi nhận thấy cần tìm hiểu thể loại văn bia một cách cụ thể hơn.

 

1.1.3           Khái niệm văn bia của người viết

Chúng tôi đưa ra khái niệm thể loại văn học này, căn cứ trên ba yếu tố: hình thức lưu truyền: khắc trên đá, gỗ, đồng; thể loại văn học: văn xuôi (bi văn hoặc bi chí) hoặc văn xuôi (bi chí) kết hợp với văn vần (bi minh) và chức năng thể loại: ghi khắc công lao, công đức.

 

Ở Việt Nam, chúng tôi quan niệm: văn bia là thể loại văn học phổ biến thời trung đại, được khắc trên bia đá, bia đồng, bia gỗ, ... bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, thể hiện bằng văn xuôi (có khi đó là một câu đối), hoặc văn vần (nhiều khi đó là một bài thơ), hoặc là sự kết hợp giữa văn xuôi và văn vần nhằm ca ngợi phong cảnh, danh lam, hoặc ghi khắc công đức của các danh nhân, ... 

 

Có loại bia được dựng dưới sự chỉ đạo của chính quyền phong kiến, nhưng cũng có nhiều bia do nhân dân tự đứng ra dựng, hoặc góp tiền dựng, hoặc do một người nào đó có chút quyền thế, tài sản đứng ra dựng. 

1.2                Lịch sử phát triển

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì “ đến đời Hán (TK III tCN – người viết chú thêm) thì “bia mới bắt đầu có tư cách của một thể loại văn học với tên gọi chính thức là “bi”. [4; 121], hay “văn bia là thể văn hình thành sớm nhất trong các thể văn xuôi chữ Hán của Việt Nam vào thời Lý. Hiện có Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi của Lý Thừa An, Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh của Pháp Bảo, Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng thiện Diên linh tháp bi của Nguyễn Công Bật”, … [9; 313]

 

Hai bài văn bia Thoại Sơn biVĩnh tế bi được xác lập vào đời Minh Mạng và được viết bằng chữ Hán.

 

1.3                Chức năng thể loại

Như phần khái niệm thể loại chúng tôi đã dẫn ý kiến của nhiều học giả, đến đây xin xác lập lại các chức năng cụ thể của thể lại văn học này:

 

1.3.1                      Văn bia ghi công đức

Loại văn bia này thường bằng văn xuôi hoặc văn xuôi kết hợp với văn vần, khắc trên đá để ở trong miếu, mạo cung thất, hay dựng ở đầu làng, cổng chợ… nhằm thuật lại công nghiệp, sự kiện lịch sử quan trọng nào đó.

 

Ví dụ: Văn bia minh chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn chẳng hạn. Sau phẩn mở đầu nói về quan hệ “nhất” và “vạn”, làm lý do dựng tháp, để sau đó giới thiệu về thái uý Lý Thường Kiệt, kể công lao, đức độ và khái quát: “Thái uý trong thì sáng suốt, khoan hoà, ngoài thì nhân từ, giản dị. Những việc đổi dời phong tục nào có quản công. Làm việc siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ, …”. Hay như bài Bi minh quán Trung Tân thời Mạc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau đoạn mở đầu, tác giả thuật chuyện cùng bô lão dạo chơi tìm thấy thắng cảnh bàn chuyện dựng quán, rồi dựng quán xong và đặt tên giải thích ý nghĩa hai chữ “Trung tân”, …

 

Hay như bài thơ tứ tuyệt chữ Nôm sau đây được tạc vào bia đá để ca ngợi một vị Quận công được phong Quốc lão:

Kỳ trượng đã nhiều bề khiển quyển,

Trân cam càng nhặt ý đinh ninh

Tích y tứ bạch tài hề trọng

Lương túc gia điền nghĩa há khinh

(Ngự chế bi, khắc năm 1730)

 

1.3.2                      Loại văn bia vịnh cảnh nước non kỳ thú, loại này thường là những bài thơ khắc vào bia đá, hay vách núi đá.

Chúng tôi xin dẫn ra một số bài thơ dạng này:

Trời xanh xanh ngắt trấn thành Tây,

Cảnh động này xây lắm vẻ say.

Non nước đi về quen bóng hạc,

Gió trăng đưa đón thoảng làn mây.

(Tam Thanh động bi)

 

Hay:

Kìa cảnh Bồng lai nổi giữa đồng,

Tử Trầm chốn ấy phải hay không?

Động tiên hương ngát lồng may toả,

Bia Trịnh rêu phong lẫn đá chồng.

(Vô đề, khắc 1936)

 

Xin nói thêm loại “thơ bia” này có khi dùng để bình luận một vấn đề xã hội, ví dụ như bài thơ của vua Lê Thánh Tông làm khi đi ngang qua miếu Vợ chàng Trương

Bóng đèn dầu lẫn đừng nghe trẻ,

Cung nước chi cho luỵ đến làng.

Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chi nọ mấy đàn tràng.

(Trích bốn dòng cuối, Bia Vô đề, ở Hà Nam)

 

1.3.3                      Văn bia chôn cùng với quan tài gọi là mộ chí minh, còn nếu dựng trên đất cạnh mộ thì gọi là mộ bi văn hoặc mộ kệ văn.

 

Hầu hết các bài văn bia loại này do thân thuộc của người chết mời kẻ sĩ có văn chương đến viết thay thể hiện tình cảm sâu sắc chân thành cảm động của dòng họ, con cháu đối với người đã khuất. Một số bài văn bia dạng này được lưu truyền trong văn học Trung Quốc cổ đại như Liễu Tự Hậu mộ chí minh của Hàn Dũ; Long cương thiên biểu của Âu Dương Tu, …

 

Xin nói thêm rằng, nếu như văn tế là thể loại nhằm “khóc” người đã khuất và đọc xong thì đốt đi cho “linh” hưởng! Thì Mộ chí minh được khắc vào đá và chôn theo người ở thế giới bên kia!    

 

1.4                Đặc trưng thi pháp

 

1.4.1                      Đặc điểm và độ dài của văn bản

Theo tài liệu tra cứu, chúng tôi nhận thấy văn bia ở Việt Nam hiện tồn tại phổ biến ở hai dạng: trên các bia đá và trên các thư tịch cổ (lưu giữ trên giấy hoặc trong các micro phim).

 

Bia dùng để khắc bài văn (có khi là bài thơ – như chúng tôi đã trình bày ở phần khái niệm) thường là đá xanh, hình dẹt có hai mặt hoặc một mặt, một số bia ba mặt, hình trụ, cột hương. Bia đặt trong các đình chùa, miếu mạo thường được bảo quản trong các nhà bia có mái che, chữ khắc rõ nét dễ đọc; một số bia đá đặt ở các vị trí hiểm trở, trên vách núi, … chữ thường mờ, khó đọc, …

 

Về kích cỡ, đa phần bia đá có kích thước bề dày khoảng 5 cm, nhiều bia không có diềm, những bia có diềm thì độ rộng của diềm thường dao động từ 5 – 7 cm. Có loại bia có trán bia, độ cao dao động của trán khoảng 7 – 24 cm, cũng có loại bia không có trán bia, … Về hoa văn trên các bia đá, thường lấy đề tài rồng mây kết hợp với mặt trời, mặt trăng. Trên các diềm bia (nếu có) thường được trang trí bằng các loại hoa dây, hoa cúc, lá đề, hoa sen, … Diện tích mặt bia cũng không đều, thường dao động 1000 – 7000 cm2. Diện tích mặt bia và độ dài của bài văn bia là hai yếu tố luôn đi liền với nhau. Tuy nhiên, do là chữ khắc vào đá, nên yếu tố kích cỡ của chữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ này.

Để thống nhất, nhiều nhà nghiên cứu nhất trí tính độ dài của văn bia dựa trên số chữ được khắc trên bia. Theo khảo sát của chúng tôi, độ dài phổ biến của bài văn bia thường là 400 chữ, một số bia có số chữ ít như bia ở chùa Vô Vi, Chương Mỹ, Hà Tây có 26 chữ và bia dài nhất là bia Tân tạo bi ký các bức đẳng từ với 1544 chữ, …

1.4.2                      Bố cục và chữ viết

Về bố cục bài văn bia, Trần Đình Sử cho rằng thể loại này có bố cục khá thống nhất. Mở đầu là một đoạn văn nghị luận có nội dung triết học, lịch sử, tiếp theo nói về gia thế, tiểu sử của người được lập bia, kể công đức của người đó, cuối cùng là kể về việc lập bia, ai góp công, góp của, ai viết bia. [9; 313].

Qua khảo sát, chúng tôi xác lập mô hình bố cục của bài văn bia thường có một trong số các mô hình sau đây:

 

Mô hình 1:

 

TÊN BIA à BÀI VĂN à       BÀI MINH à LẠC KHOẢN à KÊ NGƯỜI CÔNG  ĐỨC (nếu có)

 

 

Mô hình 2:

 

TIÊU ĐỀ           à    LỜI DẪN          à    BÀI THƠ à        LẠC KHOẢN                                                                                  

(có hoặc không)     (có hoặc không)                         (có hoặc không)

 

Trong tổng thể bố cục trên, tiêu đề là một yếu tố ít khi thiếu vắng. Tiêu đề bia thường được khắc nổi và đặt ở đường ranh giới giữa trán bia và thân bia. Nếu loại bia không có trán thì tiêu đề bia thường được khắc ở dòng đầu tiên của lòng bia, cá biệt cũng có bia khắc đá mà không có tiêu đề.

Về chữ viết, văn bia chủ yếu được viết bằng chữ chân, có một số ít khắc theo lối hành thảo. Những bài bia khắc thơ Ngự chế (của hoàng đế) có chữ viết bay bướm, …     

 

2. Những bài văn bia tạc công đức Thoại Ngọc Hầu

 

2.1                Vài nét về hai tấm văn bia

Ở An Giang hiện còn hai tấm bia đá liên quan đến nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Thoại (Thuỵ).

Để đánh dấu một công trình đào kênh Thoại Hà vào năm 1818, Thoại Ngọc Hầu soạn một bài văn khắc vào bia đá. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), ông long trọng làm lễ dựng bia và khánh thành miếu thờ Sơn thần, nay là ngôi Đình thần thờ Thoại Ngọc Hầu tại thị trấn núi Sập, huyện Thoại Sơn. Hiện bia xưa được bảo quản khá tốt trong đình thờ này.

 

Bia Thoại Sơn bằng đá, đầu bia chạm to hai chữ Thoại Sơn, chiều cao 3 mét, ngang 1,2 mét, bề dày 2 tấc, mặt bia chạm 630 chữ Hán. Hiện nay, Bia xưa vẫn còn ở y vị trí ban đầu (trong đình), nét chữ Hán trên mặt bia còn sắc và đẹp. Còn ở bên ngoài đình thờ, người đời sau cho dựng thêm một tấm bia đá lớn khác, kích cỡ tương tự nhưng, khắc bản dịch bằng tiếng Việt.

 

Ở Núi Sam (Vĩnh Tế Sơn) thuộc địa phận Châu Đốc, còn tấm bia đá: Bia Vĩnh Tế Sơn. Bia được tạc bằng đá, cao ngang đầu người, khắc 743 chữ, do Thoại Ngọc Hầu cho soạn, được dựng vào tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), tức sau khi kênh Vĩnh Tế đã đào được 4 năm. Trước đây vì đứng trơ trọi giữa trời lâu năm, bia bị ngã đổ và bị lấy đi nơi khác. Hiện nay bia đã được trả về vị trí cũ và được xây gắn chặt vào bức tường dầy của Sơn lăng. Khác với bia Thoại sơn còn khá tốt, bia Vĩnh Tế Sơn vì thời gian, vì mưa nắng nên đã bị rạn nứt và chữ khắc đã không còn đọc được. Toàn văn bia ký giờ đây có được là nhờ Trần Hữu Thường (1844 - 1921), đỗ tú tài thời Tự Đức, biên chép và dịch lại.

 

Bia Vĩnh Tế Sơn bị hư hỏng nặng, chữ khắc đã không còn đọc được.(xem ảnh )

 

2.2                Đặc trưng thi pháp của hai bài văn bia liên quan đến Thoại Ngọc Hầu.

 

2.2.1                      Chức năng thể loại

Cả hai bài đều cùng thể hiện quá trình Thoại Ngọc Hầu và cư dân dân miệt này đổ công khai phá đào hai con kênh Thoại Hà và Vĩnh Tế.

 

Thụ mệnh chi nhật, túc dạ chi cụ, dịch trăn mãng, bài nê sa. Phàm nhất vạn nhị thiên tứ bách thập tầm, duyệt nguyệt thoan công, cư nhiên nhất cự xuyên dã, vĩnh vi chu tiếp chi lợi, …

(Thoại Sơn bi)

 

Hay:

Thần thọ mạng kỳ cẩn, cưu dân dĩ lập ấp; nãi tướng bổn địa thế: nhứt lộ hoành đạt song song trường giang , nhứt lộ thượng chí Sốc Vinh, nhứt lộ thượng chí Lò Gò tuỳ tiện quy vi thôn lạc, khai khẩn điền viên, tuy vị túc dĩ phó vạn phần chi nhứt, nhi dĩ kim thị tích tắc thú dị hĩ, …

(Vĩnh Tế bi)

 

Như vậy, có thể thấy rằng đây là loại bia vừa ca ngợi công đức của tiền nhân (chủ yếu là người chủ suý Thoại Ngọc hầu), xen với việc miêu tả cảnh sắc vùng bán sơn địa, miêu tả công việc đào hai con kênh ấy.

 

Song, chúng tôi còn nhận thấy, giọng văn của cả hai bài văn bia này còn có chức năng như một bài biểu tạ ơn.

 

Phụng hoạ đồ trì tấn, ngưỡng mông duệ chiếu; dĩ tích niên thần phụng đổng dịch tuấn Đông Xuyên cảng đạo, ký dĩ thần tước danh biểu cảng bàng chi Sập Sơn viết Thoại Sơn. Chí thị hựu chẩn cập thần tâm, năng thừa Quan thư chi hoá, dĩ tề kỳ gia, nhi thần thê Châu Thị danh Tế năng háo Châu Nam chi đức dĩ nội úc kỳ phu , mi cố chi thầm hữu thiểu trợ yên. Toại dĩ nhơn danh tứ sơn danh, vi Vĩnh Tế Sơn.

 

Nhân dĩ sơn phiêu danh nhi thoa kê tăng quang, hoàng trạch chi cao mộc dã; sơn dĩ nhân đắc hiệu nhi thoả hoa sanh sắc, hoàng triêm chi tư nhuận dã.

Thân nhãn não diêu thư, tâm quan mặc chí. Chi sơn vận tao phùng chi gia hội, nhi lão thần tế ngộ chi kỳ duyên. Bất nhiên, hà dĩ thử sủng linh dã?

(Vĩnh Tế bi)

 

Hay

Kim nhi hậu, phàm thuận lưu lợi thiệp giả, kinh quá sơn lộc, mạc bất chi sơn tân tân nhiên tụ đàm, ngưỡng tư Cửu trùng kinh lý cương quốc chi cần, thức cập thứ sơn đắc danh chi cố. Vinh tai tư danh hồ! Vinh tai sơn hồ! Cái bất đặc vi tư sơn vinh, nhi vưu vi lão thần bất thế chi vinh ngộ dã.

(Thoại Sơn bi) 

 

Rõ ràng, qua văn bản của hai bài văn bia vừa nêu chúng ta nhận thấy có sự hỗn dung về chức năng thể loại. Đây là một hiện tượng phổ biến trong văn học trung đại Việt Nam, Thoại Sơn bi và Vĩnh Tế bi cũng không nằm ngoài quy luật của dòng chảy chung đó.    

 

2.2.2           Những đặc điểm của hai bài văn bia: Thoai Sơn bi và Vĩnh Tế bi.

-    Đặc điểm cần chú ý đầu tiên là tác giả của hai bài văn bia này chính là người tổ chức dựng bia: Nguyễn Văn Thoại. Chính vì lẽ đó mà sự miêu tả, tự thuật, trần tình thể hiện quan điểm, tình cảm đối với thời đại, với triều đình là lẽ đương nhiên. Cũng có lẽ từ đặc điểm này mà cả hai bài văn bia đều có chức năng hỗn dung như chúng tôi đã phân tích ở trên.

-     

-    Về bố cục cả hai bài văn bia đều có chung hình thức: Mở đầu là sự giới thiệu địa danh: Sập Sơn và núi Sam - Châu Đốc với cảnh sắc thiên nhiên:

 

Những núi còn mịt mờ tranh cỏ

Trải bao lâu làm ổ hươu nai

(Bản dịch thơ Thoại Sơn bi của Trần Chánh Chiếu)

 

Sau đồn đá chất cao vun

Núi Sam tên gọi tục danh đã lề

Bưng rừng cây cỏ sum suê

Khách Lèo, người Thổ đi về đã quen

(Bản dịch Vĩnh Tế bi của Trần Trần Hữu Thường)

 

Tiếp theo là thuật lại công việc Thoại Ngọc Hầu vâng mệnh hoàng đế khai khẩn, đào hai con kênh Thoại Hà và Vĩnh Tế.

 

Công việc hoàn thành, bài văn bia khắc lại những khoảnh khắc tự hào của người làm ra nó, và lẽ tất yếu “ơn bề trên” được lặp đi lặp lại nhiều lần:

 

Vưng lệnh chỉ đã ban gươm ấn

Ra cõi ngoài giữ trấn nước Phiên

Thờ vua Gia lại thờ vua Mạng

Trải hai triều ngay thẳng dám sai

Hai phen bảo hộ ấn đai,

Dựng cờ Châu Đốc mấy mươi công trình

(Thơ dịch Thoại Sơn bi của Trần Hữu Thường)

Lượng trên dòi dõi muôn trùng

Tay chơn lòng bụng quén vun khác vời

(Thơ dịch Vĩnh Tế bi của Trần Hữu Thường)

 

Và cuối cùng là ngày tháng, cũng như tên những người có công dựng bia

Tứ mạng cửu niên, tuế tại Mậu Tý, trứ ung khốn đốn, thu phân chi hậu.

Khâm sai Thống chế án thủ Châu Đốc đồn lãnh Bảo Hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm Hà Tiên trấn biên vụ, gia nhị kỷ lục tứ thứ. Thoại Ngọc Hầu chế.

Lê triêu cựu thần trúng thí, Tam Hà Võ thị thừa soạn.      

(Vĩnh Tế bi)   

3. Mấy nhận xét

Danh nhân Nguyễn Văn Thoại với nghiệp võ công sừng sững, góp phân bảo vệ cương vực lãnh thổ phía trời Tây Nam của Tổ Quốc. Tên tuổi của Người còn rạng rỡ bởi hai con kênh mang nhiều giá trị về kinh tế, chính trị, quân sự, đặc biệt là việc thoát lũ và giao thông của cư dân vùng này, đã gần hai trăm năm, đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Tầm nhìn chiến lược ấy, đã được sử vàng nước Việt lưu giữ cho con cháu muôn đời sau.

 

Về mặt văn học, Nguyễn Văn Thoại đã để lại hai bài văn bia: Thoại SơnVĩnh Tế. Nó góp phần xứng đáng vào trang lịch sử văn học của vùng đất mới Nam Bộ. Có thể nói không ngoa, nhờ hai tấm văn bia này mà văn học thành văn ở An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung hãnh diện góp phần cho văn học nước nhà một trong những phương thức lưu truyền độc đáo: tạc bài văn vào bia đá!

 

Thể loại văn bia với những chức năng đa dạng của nó cũng hạt ngọc quý trong kho tài sản to lớn của văn học dân tộc. /.    

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

2. Nguyễn Đổng Chi (1993), Việt Nam cổ văn học sử, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

3. Lê Văn Đức (1970), Việt Nam tự điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.

4. Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên), (2003), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.

5. Lưu Hiệp (1997), Văn tâm điêu long (Phan Ngọc dịch, giới thiệu và chú thích), Nxb Văn học, Hà Nội.

6. Nguyễn Văn Khôn (1960), Hán Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.

7. Nguyễn Tôn Nhan (1999), Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.

8. B.L.Riftin (2007), Thể loại văn học Trung Quốc thời trung đại, Tạp chí Văn học, số 11.

9. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10. Nguyễn Khắc Thuần (2003), Đại cương lịch sử văn hoá Việt Nam, (tập 3), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

11. Lê Ngọc Trụ (1967), Việt ngữ chánh tả tự vị, Bộ Văn hoá Quốc gia, Sài Gòn.

Và một số tài liệu sưu tầm của Huỳnh Văn Minh, giảng viên bộ môn Ngữ Văn, khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ.

 

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 8300
Ngày đăng: 02.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lễ Hội Ông Đùng, Bà Đà và Câu Chuyện Nhà Khó Đánh Hổ - Phạm Minh Hoàng
Câu cá còm - nghề chơi cũng lắm công phu - Văn Thành Lê
Bài Chòi Ngày Xuân ở Quảng Nam - Phạm Phù sa
Giai thoại về một bài hát ru xứ Quảng - Phạm Phù sa
Sự tích một bài hát xẩm - Huỳnh Văn Úc
Hò Khoan Xứ Quảng Sắc Xuân Dân Gian Độc Đáo - Phạm Phù sa
Thành ngữ Hán việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Cảm nhận câu ca: công anh chăn nghé đã lâu … - Trần Minh Thương
Tiếng cười trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Lễ Rước mục đồng làng Phong Lệ - Văn Thành Lê
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)