Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.367 tác phẩm
2.747 tác giả
454
116.376.853
 
Ca trực đêm giao thừa
Đỗ Ngọc Thạch

Trong ngành Y, trực đêm là việc không ai muốn và trực đêm vào đúng đêm Giao thừa thì càng là một cực hình! Chỉ làm một động tác so sánh là thấy ngay tại sao lại nói là cực hình: trong khi tất cả mọi người đang ngồi quây quần bên mâm cỗ cúng Giao thừa trong gia đình ấm cúng, cùng nhau nâng ly rượu thơm chúc mừng Năm mới, hoặc cùng nhau đi hái lộc, đi xem bắn pháo hoa…thì người trực đêm trong Bệnh viện, nhất là Khoa cấp cứu, lại phải đang đối mặt với những con bệnh, đối mặt với Tử Thần!...

 

*

 

Với cô Y tá Lam, tuy mới hành nghề có ba năm, nhưng cả ba cái Tết, cô đều có ca trực đêm Giao thừa! Ca trực đêm Giao thừa đầu tiên, không phải chị Điều dưỡng Trưởng ghi tên Lam vào danh sách trực (chẳng ai nỡ bắt cô gái mới vào nghề như Lam phải trực đêm ngay cái Tết đầu tiên) mà do chị Lai, người “dắt” Lam vào làm việc ở Bệnh viện, năn nỉ nhờ Lam trực giùm. Lý do rất “chính đáng”: người yêu sắp cưới mời Lam đến nhà anh ta dự tiệc đón Giao thừa rồi đi hái lộc, vì người bố của anh ta mới được lên chức! Lam cũng chưa có “kế hoạch” gì trong đêm Giao thừa nên cô nhận lời trực giùm ngay!

 

Ca trực của Lam thật vất vả: trước Giao thừa chỉ mười phút, có hai ca cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm, sau Giao thừa, cũng chỉ mười lăm phút, có hai ca cấp cứu vì tai nạn giao thông. Lu bu với bốn ca cấp cứu đó, kíp trực của Lam không ai được biết cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới ấy nó diễn ra như thế nào? Mọi người trong Kíp trực vừa thở phào, chuẩn bị bóc bánh chưng, mở chai sâm banh để Phó Giám đốc Bệnh viện tới chúc mừng Năm mới thì có hai người bị tai nạn giao thông, một nam một nữ, được đưa vào phòng cấp cứu. Lam giật mình kinh ngạc khi nhận ra người nữ chính là chị Lai! Chị Lai đã ngất xỉu, chân tay vẫn còn nguyên lành nhưng mặt thì xây xát nặng, bê bết máu. Người nam chính là anh chàng người yêu sắp cưới của chị Lai, người không bê bết máu như chị Lai nhưng cũng đã ngất xỉu, chắc là bị nội thương. Thì ra anh chàng người yêu sắp cưới của chị Lai chở chị Lai bằng xe máy phân khối lớn, đã tông phải một xe máy khác, làm chị Lai bị văng xa đến chục mét và dập mặt xuống đường!...

 

Phải hơn một tuần sau, chị Lai mới hoàn hồn sau vụ tai nạn bất ngờ đó. Tuy chị không bị Tử Thần lấy mạng hoặc lấy đi cái tay, cái chân nhưng chị đã bị tai nạn đó “hủy dung nhan”: khuôn mặt trái xoan với làn da mịn màng, cái mũi dọc dừa, cái má lúm đồng tiền… đã không còn nữa, thay vào đó là khuôn mặt … “mới” với những vết sẹo dị kỳ không thể tả được! Anh chàng người yêu sắp cưới của chị Lai sau khi hồi tỉnh, chưa kịp đi chụp X-quang để kiểm tra xương cốt và lục phủ ngũ tạng xem có bị tổn thương gì không, khi vừa nhìn thấy người yêu băng kín mặt thì đã “quất ngựa truy phong” không một lời từ biệt!...Còn chị Lai, vừa nhìn thấy Lam, chị Lai đã giàn rụa nước mắt, hồi lâu mới nói được: “Thế là hết!...Không còn người yêu, không còn đám cưới, không còn gì cả! Sao ông Trời lại tàn nhẫn với chị như thế? Sao lại nhằm mặt chị mà cào cấu chứ? Bao nhiêu đứa mặt thớt, mặt mo, mặt dầy sao cứ để chúng nó sống nhơn nhơn?...Biết thế này thì chị cứ trực ở Bệnh viện có phải hơn không? Mà tại sao em lại nhận lời trực giùm chị? Ông Trời ơi, hãy trả lại tôi khuôn mặt trước đây, trả lại khuôn mặt cũ cho tôi, bắt tôi cụt tay, cụt chân cũng được, lấy mạng của tôi đi cũng được!...”.

 

Lam không biết làm sao để an ủi chị Lai và cô bỗng cảm thấy như là mình có lỗi, như là mình cũng góp phần làm cho khuôn mặt xinh đẹp của chị Lai bị biến dạng?!

 

*

 

Ca trực đêm Giao thừa năm thứ hai, chị Điều dưỡng trưởng cũng không ghi tên Lam vào danh sách trực, vì  Lam và một Bác sĩ được một Đại gia thuê đi áp tải đưa người mẹ của Đại gia này từ thành phố về quê ăn Tết. Người mẹ của Đại gia này không có bệnh tật gì nhưng tuổi đã cao, hơn bảy mươi tuổi, nên Đại gia e sợ đi đường xa có gì bất trắc chăng?

 

Quả nhiên, dự liệu của vị Đại gia thật chính xác. Chiếc xe du lịch hạng trung Cá Mập chở Mẫu thân của Đại gia có Bác sĩ Tam và cô y tá Lam đi hộ tống mới đi được một phần ba quãng đường (trưa ngày ba mươi Tết) thì bà cụ có dấu hiệu tăng huyết áp. Bác sĩ Tam sau khi gọi điện thoại về báo tin cho vị Đại gia thì nhận được lệnh quay đầu xe trở về! Về gần đến nhà thì quả nhiên huyết áp lên đến 180, Bác sĩ Tam quyết định đưa ngay bà cụ đến ngay phòng cấp cứu. Bác sĩ Tam và Lam giải quyết cấp cứu cho bà cụ mẹ của Đại gia xong thì cũng vừa tới bốn giờ chiều, tức tới giờ giao ca cho kíp trực đêm Ba mươi Tết. Song, vẫn chưa thấy Bác sĩ Tân và Y tá Lành, là hai  người sẽ phải nhận bàn giao ca trực đêm Ba mươi Tết, - tới Bệnh viện. Bác sĩ Tam thấy vậy thì nói với ca trực ban ngày: “Đằng nào thì vị Đại gia kia cũng nhờ chúng tôi ở lại bên người mẹ của ông ta, vậy nhân tiện tôi và Y tá Lam sẽ nhận ca trực đêm Giao thừa này!”. Thế là cô Y tá Lam lại chính thức nhận ca trực đêm Ba mươi Tết lần thứ hai! Sau khi nhận bàn giao ca trực đêm Ba mươi Tết của ca trực ban ngày, Lam gọi điện về nhà báo tin thì cả bố, mẹ và hai đứa em trai của Lam đều không có nhà, họ đang dự tiệc ở nhà người anh em họ hàng!

 

Ca trực đêm lần thứ hai này của Lam có số lượng công việc gấp đôi ca trực đêm Giao thừa năm ngoái! Ngoài tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, còn có ba ca bị thương rất nặng do đâm chém theo “Luật Giang hồ”! Rất may là sức khỏe của bà cụ mẹ Đại gia đã ổn định rất nhanh nên Bác sĩ Tam và Lam có thể làm tốt nhiệm vụ của ca trực đêm mà lẽ ra là của Bác sĩ Tân và Y tá Lành. Còn Bác sĩ Tân và Y tá Lành, hôm ấy cả hai người đang trên đường đến Bệnh viện để nhận ca trực đêm Ba mươi Tết thì bị chặn đứng ở gần một dãy “Lô cốt”, con đường mà họ sẽ phải vượt qua bỗng nhiên kẹt cứng, không ai có thể nhúc nhích! Và tình trạng tắc đường đó sau ba tiếng đồng hồ mới được giải quyết!...Sau đó, Bác sĩ Tân và Y tá Lành cũng đến Bệnh viện và  ở lại luôn cùng trực với Bác sĩ Tam và Lam cho…vui!

 

*

 

Ca trực đêm Giao thừa lần thứ ba của Lam là nhiệm vụ “chính thức”, tức tên của Lam đã có trong danh sách trực đêm Ba mươi Tết trước đó năm ngày! Lam nghĩ, lần này thì chắc chắn là không thể có những rủi do (mặc dù là của người khác) của ca trực đêm “bất đắc dĩ” như hai cái ca trực đêm Ba mươi Tết hai năm trước nữa! Mẹ Lam thấy Lam phải trực đêm nhiều, đến cả đêm

 

Giao thừa cũng phải đi làm thì nói: “Con đi làm Y tá đã được gần ba năm, lương bổng chưa bằng cái tủ xe trái cây của mẹ. Hay là ở nhà với mẹ, hai mẹ con ta mở tiệm bán bánh ướt, bánh cuốn gì đó. Công việc cũng không nặng nhọc và thu nhập chắc chắn là hơn cả cái xe tủ trái cây của mẹ và cái nghề Y tá của con cộng lại!”. Lam không muốn nói với mẹ rằng cô rất “yêu nghề” Y tá vì cô sẽ lại phải “tranh luận” với hai đứa em trai còn đang học Trung học Phổ thông về vấn đề nghề nghiệp của mỗi người ta, mà cô đổ hết cho “số phận”: “Mẹ tính như thế là rất đúng! Nhưng quả là có câu này “Người tính không bằng Trời tính”! Chúng ta không thể lựa chọn cho mình làm nghề gì, mà nghề nghiệp nó chọn chúng ta như thời chiến đi bắt lính, rất nghiệt ngã, rất phũ phàng, không hề có sự “nhón tay làm phúc”!”. Bố Lam như là muốn “hùa theo” con gái: “Con Lam nó nói đúng đấy! Chúng ta thuộc loại người “Thân bất do kỷ”, mình không thể tự quyết định được, ngay cả chuyện lấy vợ, lấy chồng cũng vậy! Nếu tôi không làm cái nghề đạp xích lô này thì làm sao có cuốn tiểu thuyết “Anh chàng xích lô và cô bán trái đây” thật là lâm ly bi đát và rất hào hùng! Nó đã làm Y tá rồi thì cứ để yên, nếu bàn tay Tạo hóa thấy chưa được thì nó sẽ sắp xếp lại và ta có cưỡng lại cũng không được! Với lại, tôi thấy đó là cái nghề nhân đạo, sẽ tạo được đức cho đời sau!”…Bà mẹ thở dài rồi nói nhỏ:  “Nhưng, tôi thấy con bé vất vả quá!... Không chừng lại bị “tai nạn nghề nghiệp” như mấy người điều trị cho bệnh nhân AIDS đó, đúng là “Làm phúc phải tội”!”. Ông bố Lam nghe nói vậy thì cũng thấy “Ớn lạnh” nhưng ông vẫn nói cứng: “Nếu nói như bà thì ai dám làm cái nghề trị bệnh cứu người này?”. Nói là nói thế, chứ ông là người lo cho con gái bị “tai nạn nghề nghiệp” nhiều nhất, như chính bản thân ông, làm cái nghề “lái đò trên cạn” này lúc mào cũng lo nơm nớp: gặp phải bọn người “bất hảo”, nhẹ thì bị xù tiền nặng thì bị lừa chở tới chỗ vắng, trấn lột không còn mảnh giáp, chẳng khác gì những người đồng nghiệp bên “binh chủng” xe ôm hoặc taxi! Nhưng nếu cứ suy đi tính lại thì làm gì cũng bất ổn, cũng đều nguy hiểm!...

 

“Rút kinh nghiệm” hai cái ca trực đêm Giao thừa trước, lần thứ ba này Lam quyết định đi trước một giờ. Vừa đi, Lam vừa nghĩ rất nhiều về những điều mẹ nói. Thực ra, Lam cũng thấy làm cái công việc Y tá này thật vất vả. Song, công việc cứ cuốn hút Lam như cái chong chóng, khiến cô chẳng có thời gian đâu mà suy nghĩ nhiều. Vả lại, bản tính của Lam là con người hành động chứ không phải típ người làm cái gì cũng phải đắn đo cân nhắc. Khi Lam đi học lớp Y tá, là cũng do người chị bên họ ngoại rủ rê lôi kéo, chứ trước khi vào học Y tá, Lam đã có  bao giờ nghĩ tới hai chữ “Y tá” đâu? Vì thế, Lam tin là nghề nghiệp nó chọn mình hoặc nói cách khác là do bàn tay của Tạo hoa sắp xếp! So với thiên nhiên, vũ trụ bao la, mênh mông, thì thân phận con Người thật là bé nhỏ, làm gì được chứ?

 

Mải suy nghĩ, và đây cũng là lần đầu Lam “nghĩ ngợi” kiểu như vậy, Lam đã tới cổng Bệnh viện lúc nào không hay. Như là thành quy luật, cứ ngày Tết là Bệnh viện nào cũng quá tải! Nhìn vào cổng Bệnh viện, Lam thấy người đi lại đông như kiến! Ai cũng vội vã, tất bật!...Thấy có một anh chàng thanh niên đang giơ máy ảnh lên chụp đám đông ba cái liền, Lam lấy làm lạ liền tiến lại gần người thanh niên. Nhưng khi Lam chỉ cách ba mét thì người thanh niên hướng máy ảnh vào Lam mà chụp hai cái liền, ánh đèn lóe lên khiến Lam chói cả mắt! Người thanh niên chụp xong thì thu máy ảnh, tiến lại gần Lam tươi cười: “Chào cô Y tá Lam!”. Lam nhìn người thanh niên ngạc nhiên, hỏi: “Anh quen tôi?”. Người thanh niên lại ngạc nhiên như Lam, nói nhanh: “Tôi không những biết cô mà hai đêm Giao thừa của hai năm trước, tôi đã có bài viết về ca trực đêm Ba mươi Tết của cô, đăng cả ảnh có cô đang cấp cứu bệnh nhân trên báo nữa! Chẳng lẽ cô không đọc báo sao?”. Lam lờ mờ hiểu ra “vấn đề”: thì ra đây là một anh nhà báo đã đến Bệnh viện viết bài về ca trực đêm Giao thừa cả hai năm trước! Vậy mà Lam không “để ý”. Thực ra, thỉnh

thoảng có vài nhà báo đến Bệnh viện viết bài, thường chụp hình Lam đang làm việc rồi hỏi mấy câu “vu vơ” trên trời dưới biển nên Lam cũng chẳng “để bụng”. Vả lại, từ nhỏ, Lam không có thói quen đọc báo, cũng rất tự nhiên như một thói quen ngược lại mà thôi! Lam vừa định nói câu gì đó với anh nhà báo thì anh ta đã “nhanh mồm” hỏi tiếp: “Đêm Giao thừa năm nay cô cũng trực hay sao mà đã tới Bệnh viện?”. Nhìn vào khuôn mặt sáng sủa, cũng khá đẹp trai và nhất là nụ cười thân thiện của anh chàng nhà báo, Lam thấy có “cảm tình” với anh ta và hỏi lại thay cho câu trả lời: “Chắc là đêm Giao thừa năm nay, anh lại đi viết bài ở Bệnh viện? Anh có đến phòng cấp cứu của tôi chứ?”. Anh chàng nhà báo vui như Tết, nói liến thoắng một mạch, như sợ bị ai tranh cướp: “Đúng rồi! Cô nói rất trúng! Giao thừa năm nay, tôi lại đến Bệnh viện này viết bài, lại đến phòng cấp cứu của cô Y tá Lam viết bài, và năm nay tôi phải làm cái “Phỏng vấn Mi-ni” cô Y tá Lam – một Nàng Tiên Áo trắng đẹp nhất trần gian!...”. Thấy anh chàng nhà báo bắt đầu có “màu sắc” tán tỉnh, Lam giơ tay ra hiệu cho anh ta “tắt máy” và nói: “Nói chuyện với tôi, anh đừng có “nổ quá”, tôi không ưa những người bốc trời! Nếu anh muốn chụp hình, phỏng vấn tôi thì anh phải làm “Y lệnh” tôi!” . Anh chàng nhà báo O.K ngay và không hiểu sao, Lam lại “vui chân” đi cùng với anh ta vào Căng-tin của Bệnh viện!...

 

*

Ca trực đêm Giao thừa lần thứ ba của Lam tuy không có gì “trục trặc” nhưng cường độ làm việc thì tăng gấp đôi năm ngoái! Từ trước và sau thời khắc Giao thừa khoảng ba mươi phút, bệnh nhân đưa vào phòng cấp cứu nhanh và nhiều cứ như băng truyền di chuyển hàng hóa ở các nhà máy hoặc như phòng kiểm tra hành lý ở sân bay! Lam và cả kíp trực bị quay tít mù như chong chóng theo đúng nghĩa đen chứ không phải là ví von so sánh nữa!

 

Mải làm việc, Lam quên béng đi cái anh chàng nhà báo hẹn đúng thời khắc chuyển giao từ Năm Cũ sang Năm Mới sẽ tới Phỏng vấn. Mãi tới khi Giao thừa đã đi được nửa giờ đồng hồ, công việc mới tạm thời ổn định, không khí phòng cấp cứu mới hết căng thẳng!...

 

Khi tất cả kíp trực đã ngồi quây quần quanh mâm cỗ cúng Thần y Hypocrate, Bác sĩ Trưởng kíp trực Đêm Giao thừa trịnh trọng tuyên bố: “Kíp trực của chúng ta hôm nay rất vui vì có thêm một thành viên “từ trên trời rơi xuống”! Tôi xin giới thiệu Bác sĩ Lê Văn Giao Thừa!...”. Mọi người vỗ tay rào rào! Còn Lam thì tròn mắt kinh ngạc: Thì ra cái anh Bác sĩ Lê Văn Giao Thừa này chính là cái anh nhà báo mình đã gặp lúc chiều? Tại sao vừa là nhà báo đã thành Bác sĩ? Lam nhớ lại trong lúc làm việc, cô bỗng thấy có thêm một Bác sĩ lạ làm việc trong kíp trực, nghĩ là Bệnh viện thấy nhiều bệnh nhân nên cho người tăng cường, ai ngờ…Tuy nhiên, Lam nghĩ phải “hỏi cho ra lẽ” cái anh chàng nhà báo bỗng trở thành Bác sĩ này?

 

Khi nghe anh L.V. Giao Thừa giải thích vì sao lại có tên là Giao Thừa, Lam nghĩ quả là “Định mệnh” rất huyền bí: anh ta sinh ra vào đúng thời điểm Giao thừa và sẽ lấy vợ là người gặp tới ba lần trong Đêm Giao thừa! Điều đó đã và đang xảy ra! Còn chuyện anh ta bỏ nghề Bác sĩ mà đi làm báo rồi kết cục vẫn không thoát khỏi vòng cương tỏa của nghề Y thì quả là đang và sẽ diễn ra? Về chuyện này, Lam thấy không thể giải thích hoặc tiên đoán điều gì cả nên hỏi thẳng anh chàng Nhà báo – Bác sĩ Giao Thừa: “Vậy bây giờ anh đã quyết định dứt khoát chọn nghề Bác sĩ hay Nhà báo chưa?”. Anh chàng Giao Thừa không trả lời dứt khoát mà lại nhờ Lam quyết định là cớ làm sao? Lam thôi không nghĩ nữa vì sực nhớ đến một câu nói của ai đó, rất hay: Hãy để sự việc tự nó vận động, và phải biết đón bắt lấy nó ở nơi đích đến!.../.

 

Sài Gòn; 24-25, tháng 1-2010

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 2982
Ngày đăng: 13.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vợ tôi cũng bị lừa - Vinh Anh
Chiếc áo bà ba cổ trái tim - Hồ Việt Khuê
Bây giờ xuân mới đến - Trần Minh Nguyệt
Mưa nước bọt - Nguyễn Viện
Chuyện động trời - Huỳnh Văn Úc
Điệu múa của sóng - Khôi Vũ
Luân hồi - Huỳnh Văn Úc
Táo quân truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Ba con chó trong đời Ada - Phạm Nguyên Trường
Mùa xuân năm ấy - Trần Minh Nguyệt
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)