Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
509
116.585.740
 
Ngày trở về đau thương
Nguyễn Đình Phư

Nắng và Gió. Một miền Trung của gió Lào. Những đợt nắng cháy da cộng thêm gió thổi thông thốc từ phía Tây suốt mờ sáng đến tận khuya. Rú Ngàn bị nắng và gió nung lên càng làm xanh hơn, càng đẹp hơn gấp bội. Gió thổi qua những cánh đồng khô hạn. Nắng và gió làm cho những dòng sông bị nước biển xâm nhập mặn thêm. Nhưng đôi bờ sông Bích vẫn ngun ngút một màu xanh của cây bần cây đước. Hình như càng nắng, cây bãi sông này càng xanh. Gió thổi tốc từ ngọn Trường Sơn hùng vĩ phía Tây qua Thị xã nhỏ làm mọi thứ khô không khốc. - “ Quái, vùng đất gì lạ, đến gió cũng phải nhập khẩu từ nước bạn Lào!”. Đã có lần một nhà văn quân đội nói với tôi như vậy.

 

Đã lâu lắm rồi Thắng mới về làng. Cái Miếu Voi của Xóm Rú ngày nào bị bố ông chỉ đạo đập phá nay đang được ông cho tu sửa lại. Xóm Rú chỉ cách cái Thị xã nhỏ bé kia một cánh chim chưa mỏi nhưng từ ngày thăng quan tiến chức, dễ đến vài nhiệm kỳ mà bây giờ ông bạn cũ một thời của tôi mới về làng. Đường nông thôn bây giờ rãi nhựa nóng chẳng khác gì thành phố. Vừa xuống xe, Thắng đã xắn quần lội qua ruộng rau muống để bước lên bậc tam cấp Miếu Voi. Cánh thợ vẫn hì hục làm việc. Chỉ có cán bộ mới biết ông Phó Chủ tịch phụ trách Văn – Xã về thăm công trình nên họ tất tả khúm núm đón tiếp. Thắng tuy sinh ra ở Xóm Rú, nhưng lại sống trên tỉnh lỵ. Dòng họ Trần nhà ông vẫn đông nhất Xóm Rú. Bố của Thắng từng là Trưởng ty Văn hóa. Ông Trưởng ty phải gương mẫu chống mê tín ngay từ nơi ông chôn rau cắt rốn. Dạo đó, đi đâu cũng thấy đình chùa miếu mạo bị triệt phá. Nhưng cái Miếu Voi thì khác. Có một đôi trăn đã đến nhà thờ họ Trần mà trườn qua trườn lại trước Điện thờ. Ông Trưởng họ phải năn nỉ ông Trưởng ty xếp Miếu Voi vào diện di tích văn hóa để không bị đập phá. Nhưng để được danh chính ngôn thuận là Di tích thì miếu phải có nguồn gốc, miếu lập ra thờ anh hùng nào? Dân Xóm Rú bó tay! Các nhà lịch sử của tỉnh cũng bó tay! Chuyện phá dỡ Miếu Voi là đương nhiên. Hai con trăn nọ bỗng dưng biến mất.

 

*

 

Miếu Voi có từ bao giờ cũng không ai biết nữa. Khi chúng tôi lớn lên trong cát bụi và gió Lào thì Miếu đã có. Một lần tôi hỏi: “ Cha ơi, Miếu Voi thờ ai và có từ bao giờ?” Cha tôi điềm đạm sau khi đã rít một hơi điếu cày:

- Cái đó cha cũng không biết, nhưng Miếu Voi là nơi linh thiêng lắm! Các con đừng vào nghịch phá. Đã có mấy người bị Ngài quở trách rồi!

 

Tôi cứ nghĩ chắc là cha tôi không muốn tôi tham gia những trò đánh trận giả của trẻ nít thời chăn trâu cắt cỏ. Tôi vẫn len lỏi trong Miếu Voi nhiều lần. Tính tôi vốn thế, rất muốn khám phá những gì người lớn cấm đoán. Nhờ vậy mà tôi biết trong khuôn viên Miếu Voi có một cặp trăn đang sống. Kỳ lạ thay, hình như chúng nhận biết được ai là người tử tế và ai là người nguy hiểm. Tôi vẫn nhìn thấy chúng đùa giỡn với nhau phía sau chậu Thiên Tuế. Có khi tôi đi ngang qua mà chúng không hù dọa. Vậy mà có những đứa trẻ và vài người lớn đã bị chúng đuổi chạy bán sống bán chết. Tuổi thơ tôi vì vậy càng cảm thấy thú vị. Cha tôi để ý và thậm chí nhìn thấy cặp trăn kia đùa giỡn với tôi trên bãi cỏ sau miếu nên đã bắt phải hứa: ” Không được chọc phá! Trăn thiêng đó!”.

 

Từ khi bố của Thắng ra lệnh đập phá Miếu Voi thì cặp trăn kia cũng bỏ đi đâu mất. Chúng bỏ đi từ ngày người ta có ý định phá miếu. Không biết có ai ở Xóm Rú còn nhớ chúng không, nhưng tôi thì vẫn mong chờ ngày gặp lại. Lớn lên chút nữa, tôi đi học trường huyện, chỉ có những ngày chủ nhật mới về nhà. Mỗi tuần một bao tượng khoai sắn nhiều hơn gạo và lỉnh kỉnh lọ muối vừng mà đa phần là muối. Thi thoảng lắm tôi mới ra sông Bích kiếm vài con tép làm thức ăn tươi. Chiến tranh nên chẳng ai dám ra sông. Trên bom, dưới đạn suốt ngày. Nhưng lạ thay, những quả bom rơi trong khuôn viên của Miếu Voi đều không nổ. Dân quân khiêng chúng ra mà tháo ngòi, lấy thuốc bom làm mìn mở đường. Người dân Xóm Rú vì vậy càng tin vào sự linh thiêng của Miếu Voi. Ngày tôi lên đường ra trận, mẹ còn bắt tôi đội một mâm xôi gà qua Miếu Voi tạ lễ. Bà thành khẩn cầu nguyện cho con trai được: “ Chân cứng đá mềm, đi đến nơi về đến chốn!”.

 

Vào bộ đội tôi được phân công làm hậu cần, suốt ngày chỉ biết giao nhận quân trang quân dụng. Đi bộ đội tưởng được vào Nam đánh nhau, nào ngờ lại về đóng quân gần trường cũ. Kho giã chiến của Quân khu thời chống Mỹ là Miếu Nen. Đây là di tích văn hóa quốc gia thật sự, là nơi thờ cúng những người lính thuở xưa đi chinh phục Châu Hoan, Châu Lý. Ba năm trời tôi vừa là người trông coi kho vừa là ông Từ của Miếu Nen. Hễ có dịp là tôi lại trồng cây, phục chế những bức tượng bị vỡ. Thời gian đó tôi đã gặp lại những người bạn thuở nhỏ. Chúng di tản từ Miếu Voi lên đây mà nào tôi có hay. Chỉ vì nơi ở bị phá mà chúng bò hơn sáu cây số qua nhiều làng nhiều xã. Hai con trăn lại trở thành những người bạn của tôi trong những ngày một thân một mình giữ kho. Mặc dù ngôi trường cấp 3 - nơi tôi vừa tốt nghiệp chỉ cách kho chừng cây số, vậy mà tôi không vào thăm lấy một lần vì xấu hổ cho cái chức phận - lính coi kho của mình.

 

Sau Hiệp định Paris, mặt trận vào sâu hơn, và rồi tôi được toại nguyện theo đoàn quân tiến tận Sài Gòn. Hai con trăn cũng tiễn biệt tôi. Chúng đu mình lên cây cao rồi thình lình lao xuống cái rầm. Tôi lẳng lặng mang hai con gà còn lại của “doanh trại” ra sau miếu tặng chúng rồi lên đường. Và rồi khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi - người con trai chân cứng đá mềm trở về thì mẹ tôi đã ra đi trước đó vì bạo bệnh. Buổi chiều cuối năm rét căm căm mà người tôi thì nóng hầm hầm. Tôi đi lang thang khắp cả cái huyện này, đi tìm những bạn học xem ai còn ai mất. Cái lớp 10B Trường Huyện có đến hơn một nửa đã ra đi vì cuộc chiến, chỉ có mươi đứa vào đại học, số còn lại còm cỏi trên đồng ruộng. Tôi cũng chạy bộ một mạch từ Xóm Rú lên Miếu Nen đi tìm hai người bạn. Tôi thở phì phì và gọi chúng hơn một giờ đồng hồ mà chẳng thấy hai con trăn xuất hiện. Đau đớn và cô đơn quá, tôi đi hỏi xem có ai bẫy được đôi trăn này không? Nhiều người ngơ ngác nhìn tôi như một kẻ bị tâm thần: “ Làm gì có trăn với rắn ở cái vùng bán sơn địa này?”. Hoặc: “ Ông bị thương vào đầu à?”. Tôi buồn bã trở về Xóm Rú, chăm chỉ dùi mài kinh sử để thi vào đại học. Tôi tốt nghiệp ngành Nông nghiệp rồi xung phong về huyện nhà để có điều kiện chăm nom cha già.

 

Cuộc sống vẫn trôi như dòng sông Bích chảy qua Xóm Rú, như những đợt gió Lào vẫn trườn qua dãy Trường Sơn rồi hun đốt dải đất chật hẹp này, như những cây bần cây đước vẫn cứ mơn mỡn xanh trong cái nắng đổ lửa. Duy chỉ có đời người sao mà ngắn ngũi! Những người lớn tuổi đã ra đi gần hết. Trước lúc nhắm mắt, cha tôi còn căn dặn:

- Rắn già rắn lột. Người già người tuột vào hang. Con nhớ tìm cặp trăn, đó là trăn thiêng của Miếu Voi Xóm Rú con ạ!

 

Tôi ứa hai dòng lệ mà hứa với cha tôi:

- Vâng thưa Cha! Chúng là bạn con suốt thời tuổi nhỏ và cả thời con đi bộ đội nữa mà!

Cha tôi ra đi thanh thản nhẹ nhàng như vậy đó, còn ông cựu Trưởng Ty Văn hóa từng là bạn của cha tôi thì bị tai nạn ôtô nằm bất động những bốn năm mới chết được.

 

*

 

Những luồng gió mới của sự thay đổi trong xã hội đương đại đã mang sinh khí thổi vào tận hang cùng ngỏ hẻm của mọi miền quê. Ruộng đất được giao khoán, người dân một nắng hai sương giờ đã có của ăn của để. Văn hóa truyền thống cũng được phục hồi. Phong trào tổ chức lễ hội được các làng các xã đua nhau và cả ganh nhau. Mấy ông làm văn hóa nhờ vậy được xã hội coi trọng hơn. Bấy giờ thì Thắng – bạn học của tôi vào cuộc. Thắng làm dự án và xin được hơn chục tỷ đồng cho việc trùng tu Miếu Nen –  di tích văn hóa quốc gia và vài cụm đền chùa miếu mạo khác trong tỉnh. Miếu Voi Xóm Rú quê chúng tôi được trùng tu đợt đầu. Người làng vẫn cứ cám ơn việc làm này. Giờ thì Miếu Voi Xóm Rú lại có người vào ra tế lễ. Tôi lại nhớ ngày xưa, nhớ hình bóng mẹ tôi và lời thỉnh cầu năm ấy. Tôi đi vào trận mạc - nơi bom đạn khốc liệt đã về. Nhiều người đã về, có cả Thắng cùng về trong buổi tế lễ chiều nay.

Lạ lùng thay! Đôi trăn cũng trở về. Chúng trườn qua ruộng lúa, lúa đang thì con gái xanh mơn mỡn cứ rạp cả xuống. Hai con trăn như hai cái cột nhà lao vun vút về Xóm Rú. Đám thanh niên la lên:

- Bắt lấy chúng!. Nhiều người bỏ cả lễ mà chạy.

Tôi lạc cả giọng:

-   Đừng! Đừng đuổi bắt chúng. Đó là cặp trăn thiêng của Miếu Voi.

 

Nhưng nào ai có nghe tôi. Đám dân quân xã đội còn chạy về mang cả súng ống đuổi theo. Và rồi, đoàng đoàng – súng đã nổ. Con trăn đực dính đạn. Nó chồm lên cao rồi quăng người vào đám đông đang theo sát chúng. Thằng Cháu Lĩnh bị nó quấn vào day đến nghẹt thở. Chút sức tàn còn lại của nó cũng biến mất. Con trăn nằm dài bên thằng bé sóng xoài. Mọi người đưa Cháu Lĩnh đi cấp cứu. Thắng chỉ đạo mọi người xẻ thịt con trăn. Tôi không thể nào ở lại, đầu óc tôi bấn loạn. Tôi vừa chạy về nhà vừa khóc như khóc cha mẹ mình mới chết. Suốt đêm tôi sốt, cơn sốt rét rừng thời trận mạc lại bỗng dưng xuất hiện và dày vò tôi. Tôi nằm như vậy hơn hai ngày đêm mới tỉnh dậy. Vợ và hai đứa con tôi thay nhau chăm sóc. Khi vừa tỉnh cũng là lúc những tin dữ dồn dập được nghe:

- Chú Thắng và một người nữa chết, mười tám người khác phải đi cấp cứu bệnh viện huyện chỉ vì ăn thịt trăn.

 

Trong số những người đó hầu hết là bà con họ trần Xóm Rú, những người bắn được con trăn. Chỉ có một người ngoài là đứa em con chú tôi - bác sĩ, trưởng trạm y tế xã cũng phải cấp cứu vì có dùng một ít tiết canh trăn. Cả Xóm Rú ảm đạm hơn cả thời bom rơi đạn nổ. Người ta cũng bắt sống được con trăn cái còn lẫn quẫn quanh khu vực chồng nó bị giết. Họ ra giá ba triệu đồng. Tôi muốn mua để phóng thích lên Rú Ngàn nhưng lương tháng thì chưa nhận mà nếu có nhận rồi thì cũng chẳng đủ. Mẹ con nhà Sáu Nậy Xóm Chợ mua mà chẳng cần mặc cả. Họ đóng cũi rồi thuê hẳn một chiếc xe chở trăn đi Trung Quốc bán. Nghe nói bên đó người ta quý động vật hoang dã lắm. Ai mua được con trăn này sẽ lãi to. Nhưng than ôi, nửa tháng sau, mẹ con Sáu Nậy thiểu não lại chở con trăn trở về Xóm Rú.

- Người Tàu sợ con trăn độc này nên chẳng ai dám mua! Mẹ Sáu Nậy than thở. - Nghe nói anh Sâm muốn mua tôi bán rẻ cho.

- Vâng. Chị bán bao nhiêu? Tôi mạnh miệng.

- Tùy anh thôi. Tôi mua những ba triệu bạc, nhưng giờ này chỉ lấy anh dăm trăm ngàn đồng.

- Nói thật với chị, tôi chỉ có ba trăm ngàn.

 

Vậy mà Sáu Nậy vẫn bán cho tôi. Với tư cách là Trưởng phòng Nông nghiệp, tôi đã có thể cưỡng chế ngay từ đầu không cho việc mua bán xảy ra. Nhưng tôi sợ. Tôi sợ sự đơn côi của con trăn trong quãng đời còn lại, một khi phóng thích nó lên Rú Ngàn. Giờ thì tôi vẫn phải bỏ tiền mua sự tự do cho nó. Tôi không chở con trăn lên Rú Ngàn như dự tính ban đầu mà đưa nó về lại Miếu Voi. Người đời nói: “Cáo chết ba năm vẫn quay đầu về núi”, như hai con trăn kia – những người bạn thiếu thời của tôi đã làm một cuộc ra đi vất vả để rồi lại có một ngày trở về đau thương!

 

Tôi cũng đã đến tuổi nghỉ hưu. Việc đầu tiên là thôi chức Trưởng phòng để có dịp ghé Miếu Voi trò chuyện với con trăn như trò chuyện với người bạn vong niên. Ngay năm sau tôi sẽ làm đơn xin nghỉ hẵn. Tuổi già của tôi sẽ lại quay về Xóm Rú. Nhưng hy vọng ngày trở về của tôi không bi thương như Thắng – ông bạn học một thời, cũng không đau thương như hai con trăn – những người bạn thuở chăn trâu và cả một thời giữ kho súng đạn … Tôi sẽ về nghỉ hưu ở Xóm Rú quê tôi!./.

Nguyễn Đình Phư
Số lần đọc: 1908
Ngày đăng: 14.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bụi tre xanh - Dương Phượng Toại
Ca trực đêm giao thừa - Đỗ Ngọc Thạch
Vợ tôi cũng bị lừa - Vinh Anh
Chiếc áo bà ba cổ trái tim - Hồ Việt Khuê
Bây giờ xuân mới đến - Trần Minh Nguyệt
Mưa nước bọt - Nguyễn Viện
Chuyện động trời - Huỳnh Văn Úc
Điệu múa của sóng - Khôi Vũ
Luân hồi - Huỳnh Văn Úc
Táo quân truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Con Lợn Bécgiê (truyện ngắn)
Cà phê từng giọt (truyện ngắn)
Vọng phu (truyện ngắn)
Bán danh (truyện ngắn)
Lãnh Tân Châu (truyện ngắn)
Hai Truyện ngắn mini (truyện ngắn)
Nợ đời (truyện ngắn)
Về Hưu (truyện ngắn)
Ông Năm Khướu (truyện ngắn)
Thành Viên Mới (truyện ngắn)