Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
674
115.997.342
 
Không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính
Trần Hoài Anh

Là một nhà thơ gắn bó đời mình với cuộc sống làng quê, Nguyễn Bính đã tự nhận mình là một kẻ “chân quê”:

 

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê   

(Chân quê)

 

Vì vậy Nguyễn Bính xem việc phản ánh cuộc sống và con người ở làng quê như một món nợ văn chương. Nếu cho rằng: “Không gian nghệ thuật là mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí, số phận của mình ở trong đó” (1) thì rõ ràng không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính trước hết là không gian của cuộc sống làng quê với những phong tục, tập quán, những sinh hoạt văn hóa gắn bó thiêng liêng với đời sống tâm linh của người Việt. Đó là hình ảnh những cô gái, những cụ già đi trẩy hội chùa ngày xuân cầu phước lộc đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh thấm sâu trong tâm thức người Việt:

 

Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam mô

 (Xuân về)

 

Hay hình ảnh của hội chèo ngày tết như một điểm nhấn trong sinh hoạt văn hóa làng quê mỗi độ xuân về:

 

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ

Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay.    

(Mưa xuân)

 

Và hình ảnh những cụ già tóc bạc uống rượu đề thơ, cũng là một nét văn hóa không thể thiếu trong phong tục ngày tết:

 

Có những ông già tóc bạc phơ

Rượu đào đôi chén bút đề thơ 

(Thơ xuân)

 

Vì vậy, không hiểu Nguyễn Bính có cực đoan quá chăng khi nghĩ rằng:

 

Kinh kỳ bụi qúa xuân không đến

Sao chẳng về đây? Chẳng về đây? (Sao chẳng về đây)

 

Nhưng dẫu sao, đằng sau những suy nghĩ tưởng chừng như cực đoan này là một tình yêu tha thiết, gắn bó với làng quê, với truyền thống văn hóa dân tộc mà không phải ai trong chúng ta cũng còn lưu giữ được nó trong tâm thức mình. Nhất là trong cuộc sống hôm nay, khi mọi cái đều được định giá bằng “Hiện đại hóa”, “Tân thời hóa” thì những câu thơ của Nguyễn Bính như một thông điệp đầy tính nhân văn nhắc ta đừng vội quên nguồn cội. Đúng như lời của Hoài Thanh: “Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta”. (2) Và chính sự đối lập trong cái nhìn tưởng chừng cực đoan này càng làm nổi bật không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính. Phải chăng đây cũng là ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc trước sự “xâm lăng” của văn hóa đô thị trong thời kỳ “Mưa Âu gió Mỹ” lúc bấy giờ.

 

Mùa xuân làm sống lại hồn quê, và cũng làm sống lại những hoài niệm. Những hoài niệm ấy bao giờ cũng song hành với thời gian. Là thi sĩ, hơn ai hết Nguyễn Bính rất nhạy cảm với những biến sinh của vũ trụ vô thường:

 

Hôm nay là xuân mai còn xuân

 

Thế nên đằng sau những rộn rã của mùa xuân bao giờ cũng đọng lại dư vị của nỗi buồn, của niềm trắc ẩn, tiếc nhớ một thời quá vãng. Vì vậy không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính còn là không gian tâm linh, tâm thức, tâm cảm với những hoài niệm, nhớ mong đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đọc những bài thơ xuân của Nguyễn Bính như “Mưa xuân”, “Xuân về”, “Xuân tha hương”, “Xuân thương nhớ”, “Cô lái đò”, “Chân quê”… ta đều bắt gặp ở đây những câu thơ đong đầy nỗi nhớ đến nao lòng:

 

Xuân đã sang đò nhớ cố nhân

…Cố nhân chẳng biết làm sao ấy

…Phơi phới mưa sa nhớ cố nhân

…Một cánh đào rơi nhớ cố nhân

 

Rõ ràng cụm từ “nhớ cố nhân” được thi sĩ sử dụng ở nhiều bài thơ như một dụng ý nghệ thuật. Và chính mô típ nghệ thuật này đặt trong quan hệ với cảnh  xuân, tình xuân đã hình thành một không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính. Dường như việc miêu tả mùa xuân chỉ là cái cớ để tác giả bộc lộ nỗi nhớ của mình với cảnh cũ người xưa đã một thời vang bóng. Và sự tiếc nuối đầy “chủ nghĩa cảm thương” này cũng là âm thanh đồng vọng của thời đại dội vào thơ Nguyễn Bính. Một thời đại mà biết bao nhà thơ cùng thời với ông đều muốn hướng về quá vãng đến nỗi muốn ngăn cả bước đi của thời gian:

 

Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

Với cả hoa tươi muôn cánh rã

Về đây đem chắn nẻo xuân sang. 

(Xuân – Chế Lan Viên)

 

Nguyễn Bính dẫu có khác Chế Lan Viên ở chỗ không muốn nhặt lá vàng mùa thu để chắn nẻo xuân sang, những rõ ràng trong thơ Nguyễn Bính sự hoài niệm về những cái đã qua, đã xa cũng là một điều nhức nhối trong tâm hồn thi sĩ. Đó là những nỗi đau về tình yêu tan vỡ, những mộng ước không thành nên bao giờ cũng để lại trong lòng thi sĩ những tiếc nuối, nhớ mong. Điều đó đã tạo nên không gian tâm tưởng trong thơ xuân Nguyễn Bính.

 

Tất cả mùa xuân rộn rã đi

Xa xôi người có nhớ thương gì

Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả

Ta biết xuân nhau có một thì.   (Cô lái đò)

 

Và không gian tâm tưởng này cũng là một biểu hiện của không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính. Không gian tâm tưởng ấy là lôgic biện chứng của tâm trạng nhân vật trữ tình, mà cũng chính là của tâm hồn thi sĩ. Đó là hệ quả của không gian hoài niệm, không gian nỗi nhớ, “là một hiện tượng tâm linh nội cảm chứ không phải là một hiện tượng địa lý, vật lý”. (3) Vì vậy, không gian tâm tưởng trong thơ xuân Nguyễn Bính không chỉ là những hoài niệm, nhớ mong của tình yêu tan vỡ mà còn là nỗi xa xót đến quặn lòng về cố hương mỗi khi xuân về mà thi nhân vẫn  phiêu bạt, tha hương:

 

Hai ta lưu lạc phương Nam này

Đã mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

Riêng ta với người buồn vậy thay 

(Hành phương Nam)

 

“Riêng ta với người buồn vậy thay”! Câu thơ như một lời độc thoại, là nỗi buồn lặn vào bên trong âm ỉ mà rất đỗi mãnh liệt rồi kết tinh lại thành nỗi cô đơn làm rợn ngợp tâm hồn. Trong không gian phiêu bạt, không gian tha hương ấy, nỗi nhớ và sự hoài niệm về quê hương luôn là tình cảm thường trực trong tâm hồn thi sĩ. Nỗi nhớ ấy ngày thường chỉ là một cơn gió thoảng qua rồi tan biến trong những bộn bề của cuộc mưu sinh. Nhưng lúc xuân về, nỗi nhớ ấy nhiều khi trỗi dậy, đông kết lại thành giá băng làm nhức buốt tâm hồn thi nhân. Ta hãy nghe Nguyễn Bính tâm sự:

 

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng

Chao ơi, tết đến em không được

Trông thấy quê hương thật não nùng  

(Xuân tha hương)

 

Còn đây là nỗi lạc loài trên đất khách quê người mà trong cuộc đời mỗi chúng ta chí ít cũng có một đôi lần ta thầm đọc câu thơ như có “thần” của Nguyễn Bính để rồi tự thấy lòng mình thảng thốt, bâng khuâng:

 

Một thân lữ thứ sầu phong tỏa

Đốt ngọn đèn lên bóng rợn tường 

(Xuân tha hương)

 

Rõ ràng, từ những hoài niệm, nhớ thương trong tình yêu đôi lứa đã réo gọi những hoài nhớ về quê hương. Tất cả đã tạo thành một âm hưởng chủ đạo của không gian văn hóa tâm tưởng trong thơ xuân Nguyễn Bính và làm nên đặc trưng thi pháp thơ ông. Đúng như Đỗ Lai Thúy đã nhận xét: “Nỗi hoài niệm quê hương chẳng những là một hương thơm đặc biệt của thơ Nguyễn Bính mà còn là một dòng nước mạnh làm thay đổi cả đôi bờ thể loại của dòng sông thơ ông”. (4) Chính vì vậy, đọc thơ xuân Nguyễn Bính, ta thấy tác giả không chỉ đơn thuần sử dụng thể thơ lục bát truyền thống mà còn sử dụng linh hoạt thể thơ bảy chữ để thể hiện không gian tha hương, không gian phiêu bạt qua hàng loạt những câu thơ đều có chung một nét nghĩa chỉ sự tha hương:

 

Chén rượu tha hương càng đắng lắm

Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông.

Một thân lữ thứ sầu phong tỏa

Đốt ngọn đèn lên bóng rợn tường

Một thân lận đận nơi trời xa

Nằm nghe mưa rơi trên mái nhà.

(Xuân tha hương)

Hai ta lưu lạc phương Nam này

Đã mấy mùa qua én nhạn bay

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

Ta đi nhưng biết về đâu chứ

Đã đẩy phong yên lộng bốn trời.

(Hành phương Nam)

 

Sao chẳng về đây nỡ lạc loài

Giữa nơi thành thị gió mưa phai

(Sao chẳng về đây)

 

Rõ ràng trong các câu thơ trên, ta thấy tần số xuất hiện của các từ ngữ mang nét nghĩa chỉ sự tha hương như “lưu lạc”, “xa lắc xa lơ”, “xa khơi quá”, “biết về đâu chứ”, “lữ thứ”, “lận đận trời xa”, … cùng với tựa đề một số bài thơ như “Xuân tha hương”, “Xuân vẫn tha hương”, “Xuân lại tha hương”, “Hành phương Nam”… ta đã thấy rõ không gian tha hương, không gian phiêu bạt trong thơ xuân Nguyễn Bính là một không gian văn hóa nói lên niềm hoài niệm, nỗi nhớ thương về quê hương của những người xa xứ, đúng như nhận định của Hoài Việt: “Những bài thơ viết về mùa xuân có hồn là mượn mùa xuân mà nhớ: nhớ cảnh, nhớ người, nhớ những ngày đi không trở lại, nhớ quá khứ ngọt ngào cũng có mà cay đắng cũng nhiều. Nhưng trước hết là nhớ nhà” (5) Nhưng cuộc sống bên cạnh nỗi buồn còn có niềm vui. Vì thế không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính không chỉ có nỗi buồn, niềm nhớ thương với những hoài niệm xa xăm, với những ngọt ngào và cay đắng mà còn có một không gian văn hóa khác, đó là không gian của ước mơ, hy vọng. Bài thơ “Mùa xuân xanh” là một biểu hiện sinh động của không gian ấy:

 

Mùa xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao lá ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng xanh

 

Mùa xuân bao giờ cũng đem lại màu xanh cho cuộc sống, điều ấy là một qui luật tất yếu. Vì thế con người trong mùa xuân dường như cũng đẹp hơn, tươi tắn hơn, yêu đời hơn, nhất là với những người con gái vốn được coi là thiên sứ của cái đẹp. Đây cũng là một quan niệm nghệ thuật về con người của nhà thơ trong cái nhìn qui chiếu với tự nhiên mà phải chăng cơ sở của nó là quan niệm con người gắn bó hài hòa với thiên nhiên của triết học phương Đông. Chính vì thế, trong thơ xuân Nguyễn Bính ta bắt gặp một mô típ nghệ thuật được tác giả sử dụng với tần số cao, đó là sự xuất hiện hình ảnh đôi má hồng thiếu nữ như là một tín hiệu của mùa xuân khiến cho không gian văn hóa trong thơ xuân của ông không chỉ là không gian tràn đầy sức trẻ mà còn là không gian của ước mơ, hy vọng:

 

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng 

(Xuân về)

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh.  

(Mưa xuân)

Cầu mong cho chị vui như tết

Tóc chị bền xanh má dậy hồng.

Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở

Chị vẫn môi son, vẫn má hồng. 

(Xuân tha hương)

Từng cô em bé so màu áo

Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười. 

 (Thơ xuân)

 

Xuân của đất trời muôn đời vẫn thế, vẫn trời trong, hoa thắm, lá xanh… Nhưng qua đôi mắt của mỗi nhà thơ, cái không gian xuân ấy được thể hiện với những sắc thái khác nhau, đó là không gian văn hóa mang tính quan niệm, thể hiện quan niệm về con người, về cuộc đời của nhà văn.

Mùa xuân gần như là một định mệnh trong cuộc đời Nguyễn Bính. Tính từ ngày ông “ra ngoài cõi sống” đến nay đã trên bốn mươi năm. Bốn mươi năm ông vĩnh viễn giã từ mùa xuân của nhân gian, để về một cõi khác. Nhưng sự nghiệp thơ ca của ông nói chung và những bài thơ xuân nói riêng vẫn sống mãi với muôn đời. Những bài thơ ấy đã vượt lên cái “định mệnh” ngắn ngủi và khắc nghiệt của đời ông để trở thành bất tử. Bởi lẽ, thơ ông tự nó đã là mùa xuân bất tận, vì nó mang trong mình hồn thiêng của quê hương đất nước. Đó là một điều, nói như Hoài Thanh: “mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quí vô ngần: hồn xưa của đất nước”. (6) Và cái hồn xưa của đất nước ấy cũng chính là cái hồn của không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính. Nó là nguồn mạch tạo nên cảm hứng sáng tạo độc đáo cho thơ ông. Vì nói như Tạ Tỵ “Bính là con người làm văn nghệ duy nhất ở thời đó không chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương cũng như Đông phương. Bính làm thơ một mình và thừa hưởng cái kho tàng văn hóa dân tộc qua các vần ca dao, qua nếp sống mộc mạc quê mùa. Do đó, thơ Bính mang tính chất hồn nhiên với sắc thái cực kì lãng mạn trong lĩnh vực tình yêu”. (7) Phải chăng đó cũng là cơ sở tạo nên những bài thơ chứa đựng tình yêu say đắm của ông với mùa xuân như chính lời thơ ông  viết:

 

Xuân sang lưu luyến lòng tôi quá  

(Sao chẳng về đây)./.

 

Chú thích:

 

(1) (3) Trần Đình Sử, Thi pháp truyện Kiều, Nxb Giáo dục, H, 2002, tr.143. tr.143

(2) (6) Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, H, 2000, tr.335, tr.336

(4) Đỗ Lai Thúy, Mắt thơ, Nxb Văn hóa thông tin, H, 2000, tr.117.

(5) Hoài Việt, Nguyễn Bính thi sĩ của yêu thương, in trong tập “Nguyễn Bính nhà thơ chân quê”, Nxb Văn hóa thông tin, H, 2000, tr.187.

(7) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ (tác giả giữ bản quyền), S G, 1970, tr.127

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 4030
Ngày đăng: 15.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình bạn - Hamvas Béla
Lược khảo : Truyện Tì Bà của Nguyễn Bính - Nguyễn Ước
Không Tưởng và Phản-Không tưởng trong Văn Học - Hiếu Tân
Nguyễn Bính và Tỉnh Giấc Chiêm Bao - Nguyễn Ước
Vốn là thú, ta… - Phan Huy Đường
Nhiệm vụ của thi nhân - Khổng Ðức
Ám Ảnh Mai Trong Thơ Tứ Tuyệt của Yến Lan - Trần Hoài Anh
Thơ Hoa Kỳ và Tân Hình Thức - Chân Phương
Chủnghĩahiệnđại–sốhóa: Các công nghệ mới đã giải thể chủ nghĩa hậu hiện đại và định hình lại nền văn hóa của chúng ta như thế nào? - Hiếu Tân
Vẫn còn tình yêu … - Khổng Ðức
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)