Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
355
116.591.259
 
Truyện Tỳ bà, từ Trung Quốc vào Việt Nam
Lại Nguyên Ân

Trang vanchuongviet hôm nay post lên bài về "Truyện Tỳ bà" của Nguyễn Bính. Tôi xin gửi thêm nguồn bài của tôi để bạn nào cần thì có thể tham khảo thêm. Đó là bài: 'Truyện Tỳ Bà', từ Trung Quốc vào VN', tôi viết 1993, đăng cùng năm ấy trong TCVH ở Hanoi, đến 1997 in vào sách "Đọc lại người trước, đọc lại người xưa"; hiện có trên trang: http://lainguyenan.free.fr/DLNX/index.html

Trích thư Anh Lại Nguyên Ân

 

 

1. Trong danh mục các tác phẩm của Nguyễn Bính (1918-1966), Tỳ bà truyện (hoặc Truyện tỳ bà) đôi khi được nhắc đến nhưng không có dẫn giải gì thêm. Gần đây, năm 1990, con gái nhà thơ là Hồng Cầu đã cho in tác phẩm này (không rõ là tái bản hay in lần đầu) tại nhà xuất bản Cửu Long, với lời giới thiệu của giáo sư Lê Đình Kỵ. Theo ấn bản này, ta được biết Tỳ bà truyện của Nguyễn Bính đã được tặng giải nhất giải văn học Nam Xuyên - Sài Gòn (1944-1945). Tuy vậy, cả lời giới thiệu lẫn các lời chú thích đều không cho biết gì thêm về lai lịch tác phẩm. Thật ra, đây là một tác phẩm phóng tác.

 

1.1. Xuất xứ là một tác phẩm của nhà văn Trung Quốc.Theo nhà thư tịch học Trần Văn Giáp (Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Hà Nội, 1990, tr.166-167), nguyên truyện là Tỳ bà ký, tác giả là Cao Minh, đời Nguyên, tự Tắc Thành, người ở đất Vĩnh Gia, khoảng năm Chí Chính (1341-1368) có làm quan ở Phúc Kiến, sau bỏ quan về ở Minh Châu. Cao vốn thích từ khúc. Việc ông làm truyện Tỳ bà ký, tương truyền là nhằm khuyên răn một người bạn là Vương Tứ. Ông này học giỏi, khi đỗ đạt thì sinh chuyện bỏ vợ cũ lấy vợ mới là con gái quan thái sư. Cao Minh bèn làm truyện này để răn bảo Vương. Trong tên truyện chữ Hán, hai chữ "tỳ", "bà" gộp lại có bốn chữ "vương", tức Vương Tứ. Cốt truyện, trong cấu tứ của Cao, dường như cũng dựa một phần vào chuyện của chính người bạn này. Ông Trần Văn Giáp lược truyện như sau: "Thái Ung học giỏi, thi đậu trạng nguyên, bị bắt buộc vào làm rể quan tể tướng họ Ngưu, bỏ vợ cũ và bố mẹ phải lưu lạc tha phương. Vì thế chàng hối lỗi buồn tủi. Sau vì lòng hiếu thảo của vợ cũ làm cảm động lòng

người, cả nhà lại sum họp như xưa, một nhà đầy đủ bố mẹ, vợ cả là họ Triệu, vợ mới là họ Ngưu" (Sđd). Đấy là nguồn tư liệu của Trần Văn Giáp. (1)

 

1.2. Tác phẩm nói trên của Cao Minh không rõ được biết đến ở Việt Nam từ lúc nào. Dựa vào nguồn thư tịch còn lại, chỉ biết là vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX, ít nhất đã có một tác giả người Việt là Kiều Oánh Mậu (1854-1912) đem diễn nôm tác phẩm này. Vẫn theo Trần Văn Giáp, sách (chữ Nôm) Tỳ bà quốc âm tân truyện do Kiều Oánh Mậu soạn, được khắc in năm Duy Tân, Nhâm Tý (1912) ở nhà Áng Hiên tàng bản, phố Hàng Đào, Hà Nội. Sách có bài Tự tự (tự đề tựa) viết năm 1891, trong đó Kiều Oánh Mậu cho biết truyện Nôm này làm theo truyện chữ Hán Tỳ bà

ký của Cao Đông Gia đời Nguyên (Đông Gia có lẽ là tự hoặc hiệu của Cao Minh); ngoài ra còn có nhiều bài tựa, bài đề từ, đề bạt của nhiều người khác (Nguyễn Thuật, Khiếu Năng Tĩnh, Nguyễn Khắc Vĩ, Trần Lưu Huệ, Bùi Khánh Diễn, Ngô Vi Lâm, Phạm Tảo, Nguyễn Duy Nhiếp), đặc biệt là có bài "Nhuận đính Tỳ bà truyện tự" (bài tựa nhân việc nhuận đính Truyện Tỳ bà) của Dương Khuê (1839-1902) đề năm Thành Thái, Canh tý (1900).

 

Ngoài bản in này, theo Trần Văn Giáp, tại Thư viện Khoa học xã hội còn có một bản chép tay, trong đó, ngoài phần chính văn diễn nôm truyện Tỳ bà chỉ có bài Tự tự đề năm Thành Thái, Bính Thân (1896). Sơ bộ đối chiếu bản in khắc với bản chép tay, ông Trần Văn Giáp nhận xét bản chép tay dùng nhiều chữ Hán, còn bản in thì dùng nhiều chữ Nôm, giản dị hơn, từ đây nhà thư tịch học phỏng đoán: bản in có lẽ là bản đã theo những điểm do Dương Khuê nhuận đính, còn bản chép tay có lẽ là bản chép nguyên tác diễn Nôm của Kiều Oánh Mậu chăng (Sđd)?

 

1.3. Vào những năm 1920-30, khi sách báo quốc ngữ đã phổ biến trong cả nước, con trai Kiều Oánh Mậu là Kiều Tường đã đem bản diễn Nôm của cha mình phiên ra chữ quốc ngữ, có "sửa đổi đôi chút cho hợp thời văn" (lời tựa) và cho in. Trang tên sách: "TỲ BÀ DIỄN ÂM. Soạn giả: Kiều Oánh Mậu hiệu Giá Sơn, phó bảng, nguyên đốc học Bắc Giang; Kiều Tường tự Nguyên Phượng, Tú tài, thưởng hàn lâm thị giảng. Chú thích giả: Kiều Tử Nhân, nông chính phán sự. Soạn giả giữ bản quyền. In lần thứ nhất tại nhà in Thụy Ký, Hà Nội, 1930 ".

 

Phần diễn âm truyện gồm 2382 câu lục bát, chia thành 42 hồi dài ngắn khác nhau. Đầu sách có bài tựa của Kiều Tường đề ngày 26 Juin 1925 và một bài Tỳ bà lược truyện bằng tản văn do Đông Cương thực hiện.

 

1.4. Vào năm 1923, Tản Đà thư điếm ở 117 Hàng Gai, Hà Nội, cho ấn hành Truyện Tỳ bà bằng chữ quốc ngữ. Trang bìa ghi rõ: "Mai Nhạc Đoàn Tư Thuật dịch thuật, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu san nhuận".

 

Ở bài đề tựa tháng Chạp 1922, Tản Đà cho biết: "Nguyên ông Đoàn Tư Thuật thuật ở quyển Tỳ bà của Cao Đông Gia ra quốc văn, có đủ hơn bốn mươi hồi. Tôi lạm bỏ đi có đến mươi lăm hồi; còn thời xếp đặt lại, thu làm tám hồi, trong cũng có thêm bớt thay đổi nhiều ít" (tr. 4). Như vậy, có thể hiểu rằng bản của Đoàn Tư Thuật vốn là một bản văn dịch, qua bàn tay san nhuận của Tản Đà đã thành một bản phóng tác. Sự trung thành với nguyên tác có lẽ là ở mặt thể loại. Bản của Đoàn  Tư Thuật và Tản Đà không trình bày thành truyện Nôm mà trình bày như một kịch bản, có bảng kê nhân vật, các hồi được thực hiện bằng đối thoại của các nhân vật, và lời đối thoại được thực hiện bằng các điệu từ khúc như Giá cô thiên, Cán khê sa, Phá tề trận, Ức tần nga, v.v…

 

Nếu đem so với bản quốc ngữ của Kiều Oánh Mậu và Kiều Tường thì Tản Đà đã cắt ngang câu chuyện ở hồi 34: Triệu Ngũ Nương sau hàng loạt tai biến khi vắng chồng đã đến được chùa Di Đà ở kinh đô, cũng là lúc người chồng, bây giờ là quan Trạng nguyên đang cùng vợ mới là Ngưu

tiểu thư đi lễ chùa… Họ sắp chạm mặt nhau thì Tản Đà dừng lại, bỏ lửng câu chuyện. Chính trong bài tựa, Tản Đà nói rõ dụng ý của ông: "Nghĩ như một Truyện Tỳ bà, Thái Bá Giai nguyên là người thế nào, Cao Đông Gia dụng ý thế nào, nay cũng không cần xét; như quyển Tì bà này, văn chương của ông Đoàn Tư Thuật thế nào, đem diễn ở sân hát thời thế nào, thật cũng chưa dám biết. Cảm hoài khôn xiết, chỉ lấy vì một người đàn bà ở trong truyện là Triệu Ngũ Nương…" (tr. 4).

 

1.5. Về bản Tỳ bà truyện do Nguyễn Bính thực hiện, gần đây tôi (LNA) được nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn là anh em họ với Nguyễn Bính cho biết: Nguyễn Bính bắt tay vào công việc này khoảng từ 1939 và làm dần dần suốt trong những năm 1942-44.

 

Trên bản in năm 1990, Tỳ bà truyện của Nguyễn Bính gồm 1548 câu thơ, trừ 10 câu thể nói lối, còn lại là thơ lục bát. Từ cốt truyện đến tên nhân vật, ở đây vẫn là người và chuyện đã có ở Tỳ bà ký của Cao Minh. Có điều Nguyễn Bính cũng kết thúc sự việc như cách xử lý của Tản Đà, ngoài ra ông còn thêm một phần dường như không có ở tất cả các bản khác, kể cả bản gốc. Và điều chủ yếu là ông đã biến điệu toàn bộ câu chuyện. Điều này sẽ nói rõ ở phần sau.

 

 

2.0. Bằng vào một số văn bản kể trên, có thể nói, liên tục từ những năm 90 của thế kỷ trước đến những năm 40 của thế kỷ này, tích truyện gốc trong Tỳ bà ký của nhà văn Trung Quốc Cao Minh đã được nhiều tác giả Việt Nam chú ý tiếp nhận và tái tạo lại trong những văn bản bằng tiếng Việt. Việc tác phẩm này được chú ý, một phần có lẽ do giá trị của chính nó, nói như ông Mao Thanh Sơn, một soạn giả Trung Quốc (bài tựa của ông được lược dịch in trong bản Truyện tỳ bà, Tản Đà thư điếm, 1923): "… về đời nhà Nguyên, những văn từ khúc mà kể là hay, có Tây Sương với Tỳ bà, song Tây Sương với Tỳ bà cùng là truyện tình mà ở Tây Sương thời tả những tình giai nhân tài tử, đợi giăng chờ gió, hẹn liễu thề hoa; ở Tỳ bà thời tả những tình hiếu phụ hiền thê, dạ sắt lòng son, gương trong ngọc chuốt" (tr. 7); "Tôi nhận thấy truyện Tỳ bà này có quan thiết về đường phong hóa mà văn cũng hay, vậy nên tôi soạn lại mà phê bình, đề nhan là Đệ thất tài tử" (tr. 7).

 

Sự liệt hạng này của Mao Thanh Sơn ít nhất cũng đã được thừa nhận bởi một soạn giả khác, cũng người Trung Quốc, hiệu Tĩnh Tịnh Trai, người mà khi bình đính Hoa tiên ký đã xếp nó vào hàng "đệ bát tài tử", đứng sau Tỳ bà ký (Xin xem thêm các bản in Truyện Hoa tiên do Lại Ngọc Cang khảo thích với giới thiệu, Nxb, Văn hóa, Hà Nội, 1961, và do Đào Duy Anh khảo đính chú thích, giới thiệu, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1978).

 

Hai soạn giả Trung Quốc nêu trên thật ra là muốn mượn uy tín Kim Thánh Thán (1627-1662) và cái danh mục vốn chỉ gồm 6 cuốn "sách tài tử" tương truyền do ông này chọn trong văn học Trung Hoa (gồm: 1. Nam Hoa kinh của Trang Chu thời Xuân Thu; 2. Ly Tao − Khuất Nguyên − Chiến Quốc; 3. Sử ký − Tư Mã Thiên − Hán; 4. Đỗ thi − Đỗ Phủ − Đường; 5.Thủy hử − Thi Nại Am − Tống; 6. Tây Sương ký − Vương Thực Phủ −Nguyên). Lối liệt hạng nêu trên khó mà tránh khỏi thiên vị. Các nhà văn học sử không dễ chấp nhận, nhất là các trường hợp Tây Sương, Tỳ bà, Hoa tiên. Dẫn ra như trên chỉ để tham khảo.

Đối với Tỳ bà ký, từ Trung Quốc vào Việt Nam, điều đáng chú ý là các tác giả người Việt đã tiếp nhận và xử lý theo những cách khác nhau, tạo nên những văn bản nghệ thuật không trùng nhau.

 

2.1. Kiều Oánh Mậu và Kiều Tường (bản in khắc chữ Nôm 1912 và bản in quốc ngữ 1930 đã nhắc tới ở trên) trong khi diễn nôm dường như đã dựa sát vào nguyên tác Tỳ bà ký, cả về nội dung cốt truyện lẫn về tinh thần đạo lý trong cảm hứng sáng tác. Ở bài tựa đề năm 1925 dẫn trên, Kiều Tường cho rằng: "Truyện Tỳ bà là một truyện thủy chung luân lý"; sau khi tỏ những lời khiêm cung về công việc trứ thuật, ông lại nhấn mạnh lần nữa: "Duy có một điều tôi dám tự tín và dám ngỏ cùng đồng nhân rằng: Văn chương bởi tính tình luân lý mà ra, không đến nỗi phù phiếm vậy" (tr.4). Tinh thần đạo lý này vốn có từ bản in khắc (1912), ví dụ đoạn mở đầu bản này do Dương Khuê nhuận đính:

 

"Lợi danh một giấc hoàng lương

Cương thường hai chữ đá vàng muôn thu

 Văn chương chẳng thiếu làng nho

 Nghĩa phu, hiếu tử, kiếp tu mới là

 Hồng nhan chẳng thiếu đàn bà

 Hiền thê hiếu phụ kể ra mấy người

 Soi gương chớ thẹn với đời

 Bĩ đi thái lại có trời có ta…"

(trích theo phiên âm của Trần Văn Giáp - Sđd).

 

Để tiện cho việc so sánh những cách biến đổi của các bản khác, xin lược lại câu chuyện được diễn nôm trong hai bản chữ Nôm và chữ quốc ngữ của Kiều Oánh Mậu - Kiều Tường. Cuối đời Đông Hán, ở quận Trần Lưu nước Tàu có Sái Ung, tự Bá Giai, học rộng tài cao, thờ cha mẹ chí hiếu; vợ là Triệu Ngũ Nương có tài sắc, lại giỏi ngón đàn tỳ bà. Vừa lấy vợ được hai tháng thì Sái Ung được quan bản quận tiến cử lên kinh đô Lạc Dương ứng thí. Chàng nghĩ đến cha mẹ già, vợ mới, nhà nghèo, có ý ngại, nhưng cha ép, lại được ông láng giềng họ Trương giúp đỡ, nên mới đành lòng đi thi. Kỳ ấy, chàng đỗ Trạng nguyên, vua cho xem hoa, dự yến, Thừa tướng họ Ngưu góa vợ, chỉ có một tiểu thư, bèn ép gả cho Trạng. Trạng dâng biểu, xin từ hôn, từ quan. Nhưng chỉ dụ ban ra, bổ Trạng làm Nghị lang, lại nhất quyết ép hôn. Trạng phải chịu nhận, nhưng lòng vẫn không nguôi nhớ cha mẹ, nhớ người vợ tao khang. Lại nghe tin quê nhà mất mùa, đói kém, muốn nhắn về hỏi thăm tin nhà. Một gã lừa đảo bèn giả tiếng người vùng Trần Lưu, đem trình một thư giả. Trạng vui mừng viết phúc đáp cho gã đem đi, nhưng chỉ mất tiền vô ích. Thấy Trạng không vui, tiểu thư gạn hỏi dò la, cuối cùng mới biết tâm sự của Trạng, bèn xin thừa tướng cho phép theo chồng về quê. Thừa tướng không muốn xa con, bàn bạc mãi, rồi sai gia nhân Lý Vượng về đón ông bà họ Sái cùng Triệu Ngũ Nương.

 

Từ lúc chồng đi thi, Ngũ Nương dốc lòng phụng dưỡng bố mẹ chồng. Cảnh nhà túng bấn, nàng phải bán dần tư trang lo cơm nước nuôi nấng. Rồi vùng Trần Lưu ba năm liền mất mùa đói kém, quan sở tại phát chẩn. Nàng đem thân đi lĩnh chẩn, bị một viên Lý chánh họ Miêu cướp mất. May sao ông Trương láng giềng lĩnh được san cho một phần, nàng mới có gạo nấu cơm dâng cha mẹ chồng, riêng mình ăn cám dưới bếp. Mẹ chồng biết việc ấy, càng chua xót cho tình cảnh nàng dâu. Bà ngất đi, lâm bệnh rồi mất. Bố chồng cảm thương, cũng sinh bệnh nặng, trước lúc từ trần ông lạy tạ ơn nàng và cho chữ để nàng đi cải giá, nhưng nàng quyết thủ tiết đợi chồng. Lúc Sái ông mất, cửa nhà không còn gì, nàng phải cắt tóc đem bán lấy tiền tống táng, nhưng không ai mua, may nhờ Trương công giúp mới chu toàn việc hiếu. Nết hiếu của nàng làm cảm động thần linh, Sơn thần sai âm binh đắp mộ giúp. Cũng theo lời Sơn thần báo mộng, nàng ăn mặc giả dạng đạo cô, mang đàn tỳ bà lên đường về kinh tìm chồng. Trước lúc đi, nàng còn vẽ hình bố mẹ chồng đem theo để tiện bề cúng vái. Khi Lý Vượng về tới Trần Lưu thì Triệu Ngũ Nương đã đi rồi, chỉ nhờ gặp Trương lão mà biết chuyện.

 

Triệu Ngũ Nương đến gần Lạc Dương, thấy một ngôi chùa đông người đang dự một đàn chay, bèn vào chùa. Nàng giở cây tỳ bà gảy khúc Hành hiếu. Rồi thấy sư trưởng đến thỉnh đàn, nàng bèn giở bức hình ra định khấn vái, bỗng nghe tiếng quân hầu dẹp đường rộn rịp, nàng vội lánh ra, bỏ quên bức hình. Vị quan vào chùa chính là Sái Ung. Thấy bức hoạ, chàng cho lính đem về phủ. Triệu Ngũ  Nương trở lại chùa không tìm thấy bức hoạ, bèn dò la đến phủ quan, vừa gặp lúc Ngưu tiểu thư cần tuyển thị tỳ, nàng liền ứng mộ. Tiểu thư hỏi tên chồng, nàng thưa là Tế Bạch Bài (tức là Sái Bá Giai nói chệch đi), lại kể một đoạn đời sầu thảm của mình. Ướm thấy tiểu thư là người cũng khá, nàng bèn nói tên thật. Tiểu thư vừa thương vừa kính, vội nhường làm đích thất, xin nàng ngồi lên để lạy tạ công hiếu phụng thay cả phần mình. Lại thấy nàng ăn mặc lam lũ, nét mặt âu sầu, sợ ông chồng do hổ thẹn mà sinh lòng phụ bạc chăng, bèn mời nàng vào thư quán, đề thơ giãi tình cho chàng cảm động. Nàng vào, thấy bức hoạ của mình treo đó, bèn đề một bài thơ xưng tụng những người hiếu tử nghĩa phu, chê trách những kẻ phụ bạc. Quan trạng đi chầu về, ngắm bức hoạ, nhận đúng cha mẹ mình. Rồi vợ chồng gặp nhau, hỏi han than khóc. Ba vợ chồng lại vào xin thừa tướng cho về Trần Lưu chịu tang. Họ lập lều cỏ ở bên mộ Sái ông Sái bà suốt ba năm, hiếu tâm cảm động đến trời. Trong lúc ấy ở kinh, thừa tướng xin vua phong tước cho cả nhà họ Sái, khởi phục cho Sái Ung vào kinh nhậm chức, lại không quên cho tiền bạc để họ Sái trả nghĩa họ Trương. Từ ấy cha con chồng vợ xum họp vui vầy, phúc lộc toàn vẹn, tiếng thơm truyền mãi.

 

2.2. Mai Nhạc và Tản Đà (bản in quốc ngữ Truyện tỳ bà, 1923), tuy bỏ bớt phần cuối truyện như đã nói trên (1.4), song ở các phần còn giữ lại thì tỏ ra theo sát cốt truyện ban đầu (tương tự như hai bản của họ Kiều nói trên), mặc dù trong việc san nhuận, Tản Đà đã xếp sắp lại theo hướng tạo thuận lợi cho việc sử dụng văn bản để dựng diễn. Chỗ đặc sắc ở bản Mai  Nhạc-Tản Đà có lẽ là ở chất hài hước, đùa cợt rải rác trong các hồi. Hầu hết các nhân vật phụ đều mang dáng nét của những vai lệch: đầy tớ lười nhác, con hầu động cỡn, quan nha tham nhũng, sư tiểu tham ăn, giám khảo trường thi làm việc qua loa chiếu lệ, thí sinh hầu hết là những anh đồ vừa già vừa dốt, người được lấy đỗ, trừ trạng nguyên, còn lại những thám hoa tên Xoè, bảng nhãn tên Trợn, đều một phường hèn ngu. Có thể liên hệ đến sự việc là bản phóng tác này được thực hiện ngay sau thời điểm nền khoa cử theo Nho học bị bãi bỏ hoàn toàn ở Việt Nam (1919). Nhưng ở đây còn có yêu cầu thể loại: một văn bản có dụng ý làm kịch bản phải tính tới các cảnh hề, các vai hài, để mua vui cho người xem. Bởi vậy các cảnh chọc cười này ít gắn với diễn biến câu chuyện của các nhân vật chính. Kết thúc bài tựa, Tản Đà viết: "Than ôi, luân thường kém giá, phong hóa thêm buồn, nữ tắc mất khuôn, đài gương chửa tỏ; quyển Tỳ bà này của ông Đoàn Tư Thuật mà nếu có ít nhiều bổ ích cho những khách quần thoa trong lầu son gác tía, dưới mái gianh lều cỏ, ấy thời là một chút tình trông mong của kẻ san nhuận đem in vậy” (tr.5). Như thế, dụng ý đưa ra một áng văn nêu gương hiếu nghĩa tiết hạnh ở Mai Nhạc và Tản Đà vẫn gần gũi với dụng ý của các nhà diễn nôm họ Kiều, và hẳn cũng thống nhất với tinh thần của nguyên tác Tỳ bà ký. Tuy Tản Đà lược bỏ diễn biến cuối truyện, nhưng người đọc vẫn có thể đoán định một cuộc tái ngộ như trong nguyên tác, bởi vì ở các đoạn trên còn thấy Thái Bá Giai trong cảnh vinh hoa đôi lúc có nghĩ đến "sân khuya lẻ bóng người ly phụ" khi nhớ về cha mẹ, cố hương.

 

2.3. Có một vài căn cứ để nghĩ rằng Nguyễn Bính đã dựa vào bản của Mai Nhạc - Tản Đà để soạn Tỳ bà truyện của mình. Trên bản in (Nxb. Cửu Long, 1990) có thể thấy nhiều câu thơ là lấy của bản Mai Nhạc-Tản Đà (ví dụ các câu 1112, 1181-82, 1341-42, 1506, 1519-20). Đoạn 8 câu thơ (1510-18) duy nhất viết theo thể nói lối (trong khi toàn truyện dùng thể lục bát) chính là lấy hầu như nguyên văn của bản Mai Nhạc-Tản Đà. Tuy vậy, bản của Nguyễn Bính thực sự là một truyện thơ Nôm, tức là gần gũi với bản Kiều Oánh Mậu-Kiều Tường về mặt thể tài. Vẫn là truyện

Nôm, là thơ lục bát, vậy mà vẫn lộ rõ giọng thơ Nguyễn Bính. Xét bao quát thì có thể nói là Nguyễn Bính đã làm một bản phóng tác tự do, vừa thêm thắt cốt truyện, vừa thay đổi chủ đề chính.

 

Về cốt truyện, ở các bản của họ Kiều và của Mai Nhạc-Tản Đà, đoạn đầu chỉ thấy nhắc đến việc Thái (hoặc Sái) Ung có vợ mới cưới hai tháng thì lên đường đi thi; nết na và tài đàn của Triệu thị cũng chỉ được nhắc qua. Nguyễn Bính giành hẳn một đoạn thơ dài (từ câu 33 đến câu 320) tạo ra một loạt tình tiết mới: Thái sinh đi học ngày ngày qua xóm Hiền Lương cùng làng, thường nghe tiếng đàn tỳ bà vẳng ra từ một tư thất vắng vẻ, sinh để ý rồi có dịp thấy mặt người đẹp gẩy đàn, lại càng tương tư vương vấn; bạn bè bắt gặp, hiểu tâm sự, bèn khuyên Thái sinh về xin cha mẹ chắp mối nhân duyên. Người đẹp ấy họ Triệu, tên Ngũ Nương, con nhà quan nhưng cha mẹ mất sớm, anh em không có, bấy lâu gài chặt khuê phòng, ngày ngày trồng hoa bón cây trong vườn làm sinh kế, lại có ngón đàn cha mẹ truyền cho, thường gẩy làm khuây. Sau ngày cưới, Ngũ Nương tỏ rõ là dâu hiền, vợ đảm. Nàng khuyên chồng đừng vì say mình mà sao nhãng đèn sách. (Những tình tiết này rất dễ xui người ta nhớ đến những câu thơ Nguyễn Bính từng viết về một khung cảnh Thời trước, người phụ nữ trồng dâu chăn tằm nuôi chồng ăn học: … “Vì tằm tôi phải chạy dâu / Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay / Chồng tôi thi đỗ khoa này / Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi / Kẻo ra rồi chúng bạn cười / Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa / Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa / Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”…)

 

Ở các bản của họ Kiều và Mai Nhạc-Tản Đà, chỉ có người cha ép Thái Ung đi thi, trong khi mẹ và vợ đều muốn chàng ở nhà vui cảnh điền viên thanh đạm. Ngũ Nương của Nguyễn Bính thì luôn nhắc chồng  "Làm trai ở chí tang bồng", đừng bỏ qua "cơ hội đầu xanh bảng vàng" trời cho. Nàng sẵn sàng về bán ngôi vườn nhà cũ lấy tiền cho chồng lên kinh ứng thí. Thái Ung, ở bản diễn nôm của Kiều Oánh Mậu- Kiều Tường, không có gì để bị chê trách. Anh ta đã dâng biểu từ quan, luôn thể từ hôn, xin về phụng dưỡng mẹ cha. Nhưng chiếu chỉ ban ra ép quan, bức hôn, anh đành phải chịu; rồi ra những mối quan tâm của anh về đạo thần hôn, về nghĩa tao khang cũng được cảm thông và giải tỏa. Thái Ung, ở bản Mai Nhạc-Tản Đà, lúc đã làm quan to và làm rể thừa tướng, có vẻ chỉ còn nặng tình phụ mẫu tuy nghĩa tao khang chưa nhạt hẳn. Vào tay bút

Nguyễn Bính, anh ta chuyển từ vai chính sang vai tà: lúc hàn vi, anh ta là người con hiếu hạnh và là anh học trò si tình; vừa đến kinh đô, anh ta như đã bị cảnh phồn hoa hớp hồn; qua ba kỳ thi được lấy đỗ trạng nguyên, được bổ chức nghị lang, anh ta "Đua đòi kiểu cách quan trường / Chọn nơi luồn cúi tìm đường giao du " (câu 687-688) và "Bén mùi liễu ngõ hoa tường" (câu 691), sa vào các chốn ăn chơi; khi được quan Thái sư mời đến tư dinh thết đãi và cho ái nữ ra chào, anh ta si mê, lập tức gật đầu nhận lời làm rể! Người kể chuyện là Nguyễn Bính phải than thở với người đọc: "Thế là cha mẹ hết mong / Thế là tình nghĩa vợ chồng ra tro " (câu 795-796). Làm rể thái sư rồi, anh ta luôn giấu tung tích vợ cũ, quên mẹ quên cha. Cho đến lúc ngồi trên kiệu cùng vợ mới vào lễ chùa, thoáng trông thấy mặt Ngũ Nương bên đường, anh ta liền "Giật mình nhận thấy để mà quay đi " (câu 1474).

 

Nguyễn Bính còn biến đổi một loạt tình tiết khác nữa (không có nhân vật ông Trương hàng xóm cứu giúp, không có Sơn thần phái âm binh đắp mộ giúp; Ngũ Nương đi về kinh không phải như một đạo cô mà như một người ăn mày, gẩy đàn tỳ bà xin bố thí, v.v…) nhưng có lẽ điều chủ yếu

là ông thay đổi chủ đề. Ngũ Nương vẫn hiện diện như một gương hiếu nghĩa, tiết hạnh, nhưng tình cảm mà soạn giả Nguyễn Bính ngụ vào con người bất hạnh ấy lại dường như là: người tốt nết đến thế mà bị phụ bạc, bị đẩy vào cảnh cô độc, bơ vơ. Ở cuối truyện thơ do ông phóng tác, Ngũ Nương đã nhìn thấy mặt, đã hỏi rõ tên họ ngọn ngành để biết chắc đấy là chồng mình, để hiểu rằng chồng mình đã bội bạc, bèn đề thơ vào sau bức hình bố mẹ chồng rồi cậy nhờ sư ông chuyển cho quan trạng và dặn đừng nói thêm lời nào nữa. Giữa cảnh kinh kỳ "phơi đầy gấm vóc

chất cao bạc vàng" nhưng lại lãng quên tình nghĩa thủy chung, nàng ra đi với chiếc đàn tỳ bà, bóng nàng mờ trong chiều mờ rồi vùi lấp dần trong bóng đêm: "Từ nay thực có một người bị quên " (câu 1542). Nhân vật hiếu nghĩa tiết hạnh đã không đi đến một kết thúc có hậu, một cảnh

đoàn viên theo truyền thống của truyện Nôm, ngược lại, con người tốt bị phụ bạc thường có ở truyện Nôm từ đây bắt đầu mang dáng vẻ của con người cô độc và bị bỏ quên − con người của "thơ mới".(1)

 

10/6/1993

● “Tạp chí văn học”, s. 6/1993

-------------------

(1) Khi bài này đã viết xong và gửi đăng (Tạp chí văn học s. 6/1993), chúng tôi mới tìm thêm được tài liệu liên quan đến tác giả và tác phẩm Tỳ bà kỳ ở văn học Trung Quốc. Xin ghi chú dưới bài để bạn đọc tiện tham khảo:

 

Theo các soạn giả bộ sách Trung Quốc văn học sử (Sở nghiên cứu văn học thuộc viện hàn lâm Trung Quốc xb, Bắc Kinh, 1962; bản dịch tiếng Việt Lịch sử văn học Trung Quốc, quyển III, Hà Nội, 1964):

 

Cao Minh (1305?-1559) tự Tắc Thành, hiệu Thái Cán đạo nhân, hậu thế gọi ông là Đông Gia tiên sinh, người Ôn Châu, Thụy An (nay thuộc tỉnh Chiết Giang), đậu tiến sĩ 1345, làm quan ở Xứ Châu, Hàng Châu; 1348 làm đô sự trong đội quân Nguyên đi trấn áp Phương Quốc Trân, nhưng

thường khác ý kiến với viên thống soái nên "tránh việc văn thư"; khi Quốc Trân đầu hàng, Cao Minh về Hàng Châu ở ẩn, lại bị triệu ra làm quan mấy năm nữa; từ 1356 về ẩn cư ở Lịch Xã, Nam Hương, Ninh Ba, "vui với từ khúc", có lẽ viết Tỳ bà ký vào thời gian này.

 

Tác phẩm của Cao Minh, ngoài Tỳ bà ký còn có một vở nam hí nữa là Mẫn Tử Khiên đơn y ký và 20 quyển thơ văn Nhu khắc trai tập, phần lớn đã thất lạc, nay chỉ còn hơn năm chục bài thơ, văn, từ…

 

Tích truyện trong Tỳ bà ký xuất xứ từ một số giai thoại về đời tư Thái Ung tự Bá Giai, một quan to dưới triều Tào Tháo, đồng thời là một nhà thơ Trung Quốc cuối thời Đông Hán, cha đẻ của Thái Viêm tức Thái Văn Cơ (177-?) nữ sĩ tài danh thời Tam Quốc. Tích này lưu truyền trong dân

gian từ lâu, đến thời Nam Tống (thế kỷ XII-XIII) thì thành đề tài hát nói dân gian và hí văn. Lục Du (1125-1210) trong một bài thơ có nhắc đến việc những người mù hát rong kể tích này. Từ Vị (1521-93) đời Minh có nhắc đến một vở nam hí thời Tống-Nguyên nhan đề Triệu trinh nữ Thái nhị lang với ghi chú "tức là chuyện Bá Giai bỏ cha mẹ, phụ vợ, bị sét đánh chết…". Qua các đoạn trích dẫn, người ta biết những chi tiết như Triệu Ngũ Nương dùng vạt váy bê đất đắp mộ cho bố mẹ chồng, nàng là nhân vật được ca ngợi, Thái Bá Giai thành danh quên cha mẹ, bỏ vợ, rồi bị trời đánh chết, là nhân vật bị phê phán…

 

Chính Cao Minh trong Tỳ bà ký của mình đã lấy tích này nhưng sửa đổi, cải biên nhiều, nhất là sửa cho Thái Bá Giai khi thành đạt, vẫn còn nhớ cha mẹ và người vợ cũ, tựu trung Cao Minh biện hộ cho các tội "bất hiếu, bất nghĩa" của nhân vật nho sĩ này ở giai thoại dân gian và ở các tác phẩm trước ông, nhằm thực hiện chủ trương dùng sân khấu như phương tiện nêu gương về "hiếu tử", "hiền thê" theo luân lý Nho giáo.

 

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở thế kỷ XX đánh giá vở nam hí Tỳ bà ký của Cao Minh là tác phẩm ưu tú, hay về kết cấu "đối chiếu 2 tuyến", về thể hiện tâm lý nhân vật, về sử dụng ngôn ngữ của thể loại nam hí thời Nguyên.

 

Điều đáng chú ý là khi viết lại tích trên trong truyện thơ tiếng Việt Truyện Tỳ bà, Nguyễn Bính tình cờ đã đưa tích truyện về gần với đánh giá ban đầu của giai thoại dân gian về nhân vật nho sinh Thái Bá Giai.

 ./.

Lại Nguyên Ân
Số lần đọc: 2610
Ngày đăng: 16.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính - Trần Hoài Anh
Tình bạn - Hamvas Béla
Lược khảo : Truyện Tì Bà của Nguyễn Bính - Nguyễn Ước
Không Tưởng và Phản-Không tưởng trong Văn Học - Hiếu Tân
Nguyễn Bính và Tỉnh Giấc Chiêm Bao - Nguyễn Ước
Vốn là thú, ta… - Phan Huy Đường
Nhiệm vụ của thi nhân - Khổng Ðức
Ám Ảnh Mai Trong Thơ Tứ Tuyệt của Yến Lan - Trần Hoài Anh
Thơ Hoa Kỳ và Tân Hình Thức - Chân Phương
Chủnghĩahiệnđại–sốhóa: Các công nghệ mới đã giải thể chủ nghĩa hậu hiện đại và định hình lại nền văn hóa của chúng ta như thế nào? - Hiếu Tân
Cùng một tác giả